Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Long mạch

Làng tôi khi xưa thuộc đất Chăm Pa. Năm 1306, cuộc đất ấy thuộc về Đại Việt từ chuyến ra đi đổi lấy đất đai xứ sở của nàng Huyền Trân công chúa.

Nghe kể từ buổi đó đã có một thầy địa, cũng là thầy thuốc Nam lạc đến đây. Tờ mờ sáng thầy đứng bên sông mà phán rằng cái dòng chảy này đẹp quá, nhưng thủy lưu tất sinh thủy ứ, có ngày nó cũng sẽ tắc lại. Lời phán này được ghi chép lại trong sử làng, như là định bản, như là định mệnh. Thầy địa thì được xưng tụng Thành hoàng làng, lễ rước vào rằm tháng sáu âm lịch hằng năm.

Tranh của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Tranh của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

1.Nhà

Dòng nhà tôi xưa nay luôn có người làm thủ từ, ấy là bởi khi xưa các cụ cao tổ chọn ở ngay bên đình làng. Miếng đất ấy cứ truyền cho người con trai đầu tiên, cho đứa cháu đích tôn. Tới lượt cha tôi đã là đời thứ hai lăm, lại được làng giao việc coi sóc ngôi đình.

Sáng hoặc chiều cha cầm chổi quét sân đình. Đình cổ kính, cây cối rậm. Mỗi lần quét cha gom được cả đống lá khô lá vàng, châm lửa đốt bên góc sân, khói tỏa thơm. Cha nói lẫn trong vườn này có vài vị thuốc Đông y, nên đốt khói có mùi như thế, nhà thường không có đâu. Tôi thì nghĩ cha thần thánh quá cái đình.

Mùa đông, nước mưa ngày ngày làm cho rêu nổi xanh đình. Từ những họa tiết giao long vòi dé trên nóc, mái ngói, cho đến vách nhà nền tường… đâu đâu cũng có rêu. Nhất là cái sân gạch thẻ lát theo lối đan nong đôi, rêu bám đi cứ trơn chuội.

- Lân, lấy cái máy đèn cho cha.

Cha tôi gọi với sang nhà, nhưng anh Lân đã trốn cha chạy chơi từ lúc trưa chưa về. Chị Quy đang nấu cơm chiều, đon đả chạy sang, mồi lửa đốt đống lá cha vừa gom.

Cha nói con trai trưởng mà ham chơi chẳng thèm việc nhà. Ấy là cha trách anh Lân, năm đó đã mười ba tuổi. Chị Quy là chị đầu, hơn anh Lân hai tuổi. Tôi lại kém anh Lân đến tám tuổi. Năm tôi lên hai thì mẹ mất. Mình cha gà trống nuôi ba anh chị em tôi, cũng may nhờ có nghề thuốc Nam mà sống được qua ngày, tằn tiện vừa đủ.

Cha con chúng tôi ở trong căn nhà rường gỗ từ thời ông nội. Kèo cột qua bao mùa không hề mối mọt, lớp sơn lên nước thành màu mun, nhưng chỉ cần lấy dao gọt một vệt thì tứa ra thớ gỗ mít nài vàng như nghệ. Bộ rường cổ kính được chạm trổ công phu, những trến ngang công phượng, đòn dong xoi chỉ. Gian bên trái cha dành để làm nơi chẩn bệnh bốc thuốc. Tủ gỗ ghép ván cao từ dưới nền lên tới mái ngói chia những ô vuông bàn cờ. Mỗi ô là một vị thuốc đựng trong hũ thủy tinh hoặc trong hộp gỗ. Mùi thuốc thơm phảng phất trong căn nhà gỗ thành một mùi quen thuộc.

Cha tôi tên Long, nhưng người ta gọi chệch thành Lang. Thầy Lang. Cái tên đúng luôn với nghề nghiệp. Cuốn sổ ghi các bài thuốc bìa màu xám xanh đã bạc phếch theo thời gian, giấy ruột cũng bị ố vàng, chỉ nét chữ như càng đậm thêm. Cha thỉnh thoảng đem cuốn sách ra, kêu anh Lân vào ngồi cùng cái bàn gỗ chữ H để lật coi. Nhưng anh Lân tâm trí để ở đẩu đâu, nhiều lần khiến cha thất vọng.

2.Chợ

Trước đình là một ngạch sông nhỏ, đối diện phía bên kia là chợ quê. Chợ Thuận, tên gắn liền với thành Thuận Châu, được lập nên buổi đầu châu Ô mang tên châu Thuận. Thuở ấy sách sử ghi lại dòng sông này rộng dài, là một thương cảng sầm uất trên bến dưới thuyền. Đến thế kỷ XVI, chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận Hóa cũng dong thuyền từ biển Cửa Việt ngược sông này mà lên lập dinh tại Ái Tử.

Khi chúng tôi lớn lên, nghe cha kể chuyện sử sách rồi nhìn sông với một niềm thương cảm. Sông bây giờ hẹp, đứng bên này bờ ném một hòn sỏi có thể văng qua tới bờ bên kia. Nhưng may thay trước đình làng vẫn có bậc cấp dẫn xuống mặt nước. Cha nói bến ấy năm xưa chính là bến thuyền đấy, bây giờ thì chỉ là cái bậc nước để lưu dấu. Trẻ con chúng tôi thường xuống đó chao chân rửa. Nhưng nước sông cáu bẩn là do cái chợ Thuận bên kia người ta đổ rác xuống, lâu dần tích tụ thành một cái đám lều bều lềnh phềnh ngay đối diện mặt đình làng, rất kinh.

Mẹ tôi có một cái quán bán hàng tạp hóa ngay cổng vào chợ Thuận. Quán nhỏ thôi, bốn phía xây vữa vôi, trên mái gác kèo tre lợp tranh. Khi mẹ mất, quán để không mấy năm. Ai hỏi thuê mướn cha tôi cũng không cho. Mãn tang mẹ, khi ấy chị Quy cũng đã lớn phổng, chị lại tiếp quản cái quán.

Cha lợp lại quán bằng mái ngói, mùa mưa khỏi lo bị dột nước nữa. Chợ họp ngày một buổi, chị Quy sáng dọn hàng ra bán, trưa dọn hàng về. Quán của chị vẫn đông khách như quán của mẹ hồi trước, ấy là người ta bảo thế. Vì chị xinh giống mẹ, hay vì chị bán rẻ, hay nhờ chị xởi lởi vui tính. Có lẽ nhờ cả ba điều đó.

Chị đẹp giống mẹ. Khi tôi muốn hình dung về người mẹ quá cố thì các dì ở làng bảo cứ nhìn vào chị mày ấy, từ vóc người khuôn mặt cho đến tính tình nết ở giống mẹ như đúc. Hôm nào tôi cũng lượn ra chợ một vòng, tới chỗ quầy chị. Quầy nhỏ nhưng chị khéo bày biện. Trên kệ là bánh bích quy, hương nhang đèn dầu, giấy áo tiền vàng. Tất tật những thứ người ta dùng vào tế lễ cúng giỗ được chị sắp lên ngay ngắn. Làng quê cúng quảy quanh năm. Tế làng tế họ cúng xóm cúng miếu, xuân thu nhị kỳ rằm chạp kỵ giỗ, cúng đất cúng thiên… hôm nào quán chị cũng có người đến mua dầu hay mua hương trầm. Cha nói mình sống trong cái vùng giao tranh nên lễ lược nhiều là phải thôi.

Rồi chị bán cả thuốc lá. Lúc ấy cũng chỉ có mấy loại như Chợ Lớn, Mai, Điện Biên… là những thuốc không có đầu lọc. Loại duy nhất có đầu lọc là Mélia vỏ bao xanh lá cây, điếu thuốc màu trắng, phả khói thơm mùi bạc hà. Đàn bà thì chọn loại thuốc lá tự vấn thành điếu, gọi là thuốc rê. Một nhúm thuốc rê, một miếng giấy mỏng thấm nước miếng mép giấy, cuốn lăn trên bàn tay một vòng như cuốn nem sẽ ra được điếu thuốc hút bặp bặp.

Mấy anh thanh niên choai choai mặc áo xanh đỏ thường kéo nhau đến chỗ chị. Một nhóm hai hoặc ba người, kéo đòn gỗ dưới sạp ra đặt đít ngồi, mua gói thuốc Mélia phả khói vẻ sành điệu. Chuyện trò tếu táo với nhau, rồi thi thoảng đưa mắt qua châm chọc chị. Đấy là trò tán tỉnh của trai làng những năm chín mươi.

Chị Quy hiền lành, lại dễ mến nên không bao giờ tỏ vẻ khó chịu. Lúc nào chị cũng mặt tươi, đôi khi nghe tán tỉnh vui vui sến sến chị bật cười. Trong đám trai làng thuở ấy, cũng có một anh hay ghé, người này trông thật thà, ít nói, đi một mình. Anh vào quầy xin chị mượn cái đòn ngồi, lại mua một cuốn sách coi tướng số, lật từ đầu đến cuối, lại lật trang cuối lộn lên đầu. Cả buổi chỉ nhìn sách, nhìn chị, trả tiền rồi về. Nghe ở chợ đồn anh ta thích chị tôi. Nhưng tôi thì thích những anh chàng hoạt tính hơn. Chứ chị Quy mà lấy cái anh lầm lỳ ấy nữa, thì nhà tôi có đến hai người khó đăm đăm.

Biết cha tôi khó, nên đám trai chả bao giờ vào nhà chơi với chị. Họ kéo nhau ra quán vì biết cha tôi hiếm khi ra chợ. Từ bữa mẹ mất, cha càng không ra chợ. Cần mua trái cau ngọn trầu, cha sai tôi chạy đi. Tôi mỗi ngày lượn lờ quanh chợ Thuận đến mấy vòng.

Người ta bảo nhà có con gái ở cạnh đình chùa miếu mộ sẽ khó lấy được chồng. Tôi nghe loáng thoáng, chợt thương chị.

3.Cây si

Chếch về bên trái cái bến nước là cây si to. Cũng có thể coi cây si là mốc giới giữa nhà tôi với đình làng. Cây cắm một nửa bộ rễ vào đất, nửa kia thả lòa xòa mặt nước. Tán cây rộng, che hết một khoảnh đất và một khoảnh mặt sông. Cha kể cây trồng từ đời tám hoánh. Đời tám hoánh tức là lâu lắm rồi. Khi cha nhìn thấy nó thì nó cũng đã to đùng. Song lúc ấy bộ rễ cây còn vững vàng trên đất đình làng, dần dà nước sông bào mòn xói bờ nên bộ rễ bây chừ mới thòi ra vậy.

Khoảng năm 1950, giặc Pháp càn về làng, tan một buổi chợ sáng. Lính lê dương lùng sục khắp nơi. Một chàng thanh niên thân sơ cách mạng bị người ta xúi: Ra trình báo đi để các thầy tha. Các thầy ở đây là cách gọi lính Pháp. Ra trình các thầy tha nhanh, cho yên ổn xóm làng con ơi.

Thế là chàng thanh niên chạy đến cổng đình, quỳ rạp trước toán lính Pháp. Lạy ông. Lạy ông tôi ở bụi này. Giặc tra hỏi còn một thằng nữa ở đâu, mau kêu ra các thầy hỏi chuyện rồi cho cả hai cùng về. Chàng thanh niên ậm ừ một lúc mới chỉ điểm.

Đến trưa, hai chàng thanh niên chẳng những không được tha mà còn bị bắt treo ở trên cây si. Treo ngược. Dây dù dừa cột vào cổ chân, rồi vắt qua cành si. Lủng lẳng hai hình người đung đưa dưới tán cây, chân chỉ thiên, đầu dốc xuống, tay thõng vừa chạm mặt nước. Hình như trò tra tấn dã man ấy lần đầu người làng mới thấy. Tò mò háo hức kéo nhau đi xem. Trầm trồ chỉ trỏ treo thế ấy sao mà chịu nổi. Bao lâu rồi, dễ đến cả canh giờ, chắc chúng đợi ngất lịm còn cái xác mới thả. Treo như thế, nói phải tội, giống người ta móc hai con vịt quay xong đang trưng bày. Trưng bày cho dân thấy đó mà khiếp sợ.

Rồi một gã cao kều cầm cây gươm sắc lẻm phang lần lượt hai nhát bén ngót. Tỏm. Ủm. Một cái. Hai cái. Hai cái đầu rơi xuống nước sông. Máu chảy từ hai thây người không đầu hòa vào nước đỏ lòm. Chưa hết. Hai cái đầu lấm nước bùn lại bị lôi lên, cắm vào hai cọc nhọn rồi dựng ở ngay cổng chợ Thuận.

Đêm xuống, người thân mới dám đến tháo dây gỡ hai cái xác, lôi hai cái đầu đem về lắp vào khâm liệm chôn ngay.

Chuyện này cha tôi lúc đó đã mười tuổi nên có chứng kiến, và ám ảnh. Lúc nào kể tội giặc, cha đều đem chuyện ra nói.

Từ đó cây si bị đồn có ma. Ban đêm bay lởn vởn hai con ma không đầu. Chuyện ma thì chỉ tin đồn, chưa ai kiểm chứng. Người quê đem ra dọa con nít khiến ban đêm chả đứa nào dám đi qua chợ làng. Trẻ con thỉnh thoảng ban ngày ngồi chơi ngắm cây si già buông rễ lại tưởng tượng biết bao hình thù quái đản.

*

Chị Quy lấy chồng ở làng bên. Sống với chồng được hơn ba năm chưa sinh con đẻ cái gì đã phải ly dị. Chị quay về, không nói rõ lý do, chỉ bảo tại sống với nhau không hợp. Chị lại ra quầy chợ Thuận bán hàng. Chợ quê bây giờ không còn là nơi mua sắm chính của người dân trong vùng. Những hàng vải, hàng áo quần ế ẩm. Áo quần bây giờ đã có hàng may sẵn và người ta đặt hàng trên mạng hết. Đến nước mắm ớt tỏi đều có thể mua trên mạng ship tới tận nhà cơ mà.

 Quầy quán của chị khách không còn đông như trước. Không còn những anh thanh niên ghé kéo đòn hồi tán dóc nữa. Chị vẫn sáng ra chợ, chiều về lo việc nhà và chăm cha.

Cha tôi khó đăm đăm nhưng chuyện chị bỏ nhà chồng cha không đặt lời nặng nhẹ. Cha lặng lẽ, trầm hơn, và xuống sức thấy rõ. Mảnh đất hương hỏa mấy đời mà chúng tôi đang ở được cha xẻ riêng cho chị một miếng.

- Lúc nào cha mất, con sang miếng đất ấy mà ở.

Ý cha, tất cả chúng tôi đều hiểu. Cha sợ rồi đây các con không thể sống được với nhau, đấy là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Thêm nữa, dù gì chị Quy cũng là đàn bà đã có chồng. Nếu chị mất thì bát nhang của chị không thể đặt trong gian thờ ngôi nhà hương hỏa này.

Năm sau, một hôm cha gọi anh Lân vào bàn chuyện. Anh Lân trai trưởng, có việc nhà cha đều trao đổi dặn dò với anh ấy, còn tôi chỉ được nghe ké.

- Cha tính bán cái nhà gỗ này để sửa lại nhà sau cho tử tế để ở. Con coi có ai mua được giá thì bán.

Khi đó cha tôi đã già yếu, chỉ chống gậy đi liệc xiệc quanh nhà. Nghề thuốc của cha khi xưa thì được, nhưng có vẻ nó chỉ hiệu nghiệm với những căn bệnh vừa phải, các bệnh ngoài da hoặc xương khớp, hoặc cắt thuốc bổ dưỡng khí huyết thôi. Dần dà người đến bốc thuốc thưa hẳn, rồi coi như cha bỏ luôn nghề. Những món thuốc còn lại trong tủ thủy tinh cha dành cho mình. Mỗi món nhón một ít, gom vào trong ấm đất. Chị Quy đặt lên bếp lửa than. Nước cho ngập thuốc, sắc lấy một bát con. Ba lần sắc lấy được ba bát hòa vào nhau thành nước thuốc uống.

Căn nhà rường mỗi chiều khói lèn qua mái ngói, giống như là ngói đang thở. Rồi một ngày người ta đến xem nhà, đứng ngoài sân ra giá với anh Lân. Anh chạy vào hỏi ý cha. Cha gật.

Nhà rường bây giờ được giá, nhất là những cái nhà cổ chạm khắc thủ công tinh xảo. Nhà cổ đã qua thử thách thời gian, gỗ lên màu nước và không bị mối mọt đục khoét. Giới sưu tầm nhà cổ đa phần là đại gia, mua về làm chỗ ngồi chơi trong sân vườn. Lẫn trong những kèo cột đôi khi có một thứ gỗ quý như trắc, hương, sưa chẳng hạn. Mua một cái nhà như thế thì chỉ lấy riêng cái kèo gỗ sưa thôi đã giàu to.

- Nhà này không có gỗ quý đâu, toàn mít với gõ thôi.

Cha nói khi người khách săm soi từng cái cột, lại bắc thang lên sờ những vai kèo. Chắc cha không muốn mang tiếng đánh lừa người ta, hoặc giả như đấy là tay cò gỗ, thì họ không bị hớ.

Họ dỡ nhà, mang đi cả những thứ bàn ghế, đôn gỗ, cả tủ thuốc của cha. Chỉ để lại một cái bàn thờ. Tiền bán nhà được khá. Anh Lân kêu thợ đến sửa lại gian nhà sau. Xây thêm một gian vào chỗ đất nhà rường đã tháo đi. Nhà xây xong kiên cố, có đổ bê tông mái bằng đề phòng mưa bão.

Phần tiền còn lại cha bảo anh Lân xây cho chị Quy một cái nhà cấp bốn bên cạnh, nơi miếng đất cha đã cắt cho chị từ mấy năm trước. Tôi lờ mờ nhận thấy một cái ranh giới nào đó, một vết rạn dần dần đang hiện ra giữa những con người dưới cùng một mái nhà. Đó là sự chia cách của tình thâm anh em mà rồi một ngày nào đó cũng phải tách ra.

Cha cố gắng níu kéo, bằng giọng nói yếu ớt những tháng ngày cuối đời, cha dặn anh em chúng tôi phải sống thuận hòa. Riêng chị, bao giờ cha mất đi lúc ấy chị mới được sang bên nhà ở riêng.   

*

Con sông chảy qua làng ngàn đời cứ hẹp vào, dòng nước cũng cạn dần nên người ta gọi là hói Thuận. Hói thì nhỏ hơn sông nhiều, và nó chỉ là dấu tích của một dòng sông quá vãng. Rác bên chợ đổ xuống thành một cái bãi nhơ nhớp. Mùa lũ, rác lềnh phềnh nổi và trôi khắp nơi. Thế mà người ta nói may nhờ mỗi năm một lần lũ dọn dẹp bớt cái bãi rác chợ. Tin đồn do rác lâu đời nên mạch nước ở dưới nhiễm bẩn, dân sống quanh khu vực chợ nhiều người mắc ung thư. Đấy là tin đồn, không có căn cứ xác minh.

Con đường chạy qua chợ được nâng lên thành tỉnh lộ, mở rộng ra. Chợ bỗng di dời sang chỗ mới, tới một vạt đất rộng cách chợ cũ năm trăm mét. Bao nhiêu người tiếc nuối ngôi chợ hơn sáu trăm năm tuổi thoáng chốc đã thành cái bãi trơ. Còn đâu cảnh trên bến dưới thuyền khi xưa. Thôi thì cũng phải thương lấy dân sống quanh cái chợ ấy, như nhà tôi chẳng hạn, mùi cá tanh mùi xú uế ngày ngày cứ ập vào sao sống nổi. Và cũng cứu lấy cái dòng chảy con hói Thuận đang có nguy cơ tắc tị.

Qua chợ mới, chị Quy thuê một gian nhỏ bán rau củ. Trước ở chợ cũ chị ngồi ngay cổng chính ra vào, nay thì quán chị nằm hút sau hàng tôm cá. Bây giờ chị chỉ buôn bán cầm chừng đủ sống qua ngày và tiết kiệm được đôi chút. Chị già nhanh trông thấy và gầy gò đến thương. Hôm đi bệnh viện trung ương Huế khám về, chị thất thần ngồi bất động, hỏi gì cũng không nói.

Sáng hôm sau nhân lúc chị đi chợ, tôi lén lút lục tìm mớ giấy tờ kết quả mới hay chị bị ung thư. Tâm tưởng tôi chợt thốt lên: Chao ôi giá như cha còn sống. Nhưng nếu cha còn, những thang thuốc của cha liệu có giúp gì cho chị Quy tội nghiệp của tôi.

Tôi sang bên đình, ngồi trên bậc tam cấp nhìn ra hướng sông, ở đó có cây si lù xù thân già khắc khổ. Từ khi cha mất, anh chị em chúng tôi gặp toàn chuyện không đâu. Anh Lân sa đà vào cờ bạc, chơi lớn những ván đến cả trăm triệu bạc. Anh còn định bán luôn cả cây si của làng. Một chuyện động trời mà cứ như đùa.

Hôm đó anh đưa người về xem cây. Si đang sốt giá, những cây nhỏ bonsai trồng chậu đã có giá mấy chục triệu, huống hồ cây si to hàng trăm tuổi. Những cái cây mọc bụi mọc bờ xưa nay chẳng giá trị gì sất bỗng nhiên được giới buôn cây hét giá chót vót.

Làng biết chuyện, cả hội đồng trưởng tộc kéo đến. Lúc đầu các cụ còn nhỏ nhẹ khuyên anh Lân. Sao lại làm chuyện dại dột vậy con ơi, của làng của xóm mà phạm vào đấy ngài không tha đâu. Ấy là vì các cụ nể tình nhà tôi mấy đời làm thủ từ, thương tình chúng tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, cha thì cũng đã mất.

Anh Lân không nghe, khăng khăng sẽ bán.

Bán? Ai cho mà bán. Cụ đại bái làng cầm cây gậy giáng xuống đất.

Giấy tờ đây, thưa các ông. Anh chìa cái bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất. Mấy năm trước khi cha tôi nhủ anh cắt đất cho chị Quy, rồi anh biến tấu thế nào mà lấn sang đất làng hai mét, khoanh luôn gốc cây si vào phần đất nhà mình.

Các cụ quay mặt sang nhìn tôi. Những ánh mắt nhờ cậy, vì tôi là em ruột anh Lân, tôi có phần thừa hưởng trong cái mảnh đất của cha để lại ấy. Và trong những ánh mắt của các cụ, tôi cũng nhận ra một chút kỳ thị, nghĩ anh em tôi thông đồng với nhau.

Anh Lân thì đang say máu với trò đen đỏ, khuyên can anh lúc này thật chẳng ích gì. Tôi lấy số điện thoại người mua cây từ máy anh Lân. Gọi điện và kể cho người ta chuyện cây si này không thể bán không thể mua, vì nó là di tích của làng. Rồi tôi kể thêm rằng đấy là cây có hai con ma cụt đầu, bảy chục năm trước giặc Pháp treo ngược xác dân ta lên đấy mà chém thị uy. Chuyện này xưa tôi nghe cha kể rùng rợn thế nào thì nay tôi kể lại y chang như vậy. Khách có vẻ xuôi, cả tuần không thấy qua lại. Anh Lân ngấm ngầm biết chuyện tôi phá anh, nhưng không giận.

*

Dự án nạo vét hói Thuận được nhà nước tài trợ thực hiện. Những rác rều và lục bình đã lấp lấn dòng chảy tám cây số gây ảnh hưởng đến việc trồng lúa và làm ô nhiễm môi trường. Xe múc về múc vớt cả tháng trời mới khơi thông dòng chảy. Thả một cái lá xuống mặt nước, đã thấy dập dềnh trôi. Bậc nước trước đình rợp mát bóng cây si thành chỗ ngồi chơi của người trong làng. Không thấy ai bàn ra tán vào chuyện mua bán cây cối nữa. Mấy chục năm rồi chỗ này mới khai quang sạch sẽ để ngồi hóng gió được. Cảnh quan trước đình làng cũng thoáng rộng hơn. Các cụ nói ấy là long mạch đã lưu thông, hẳn sẽ có nhiều sự lành.

Anh Lân ngồi bàn uống trà, nom như dáng cha ngày trước, mắt anh đăm chiêu nhìn ra cây si. Rồi anh hỏi tôi có biết cha cất chìa khóa cửa đình ở đâu không. Tôi mở hộp gỗ sau bàn thờ, lấy chìa ra. Anh nói cầm đấy lát cùng anh sang quét dọn đình làng.

Chị Quy lấy cuốn sổ ghi thuốc của cha ra xem, những chỗ mờ hoặc nét ngoắng thì nhủ tôi đọc giúp. Rồi chị đi kiếm các loại cây dại mọc ngoài đồng, mọc bên cồn, bám bờ hói Thuận. Tất cả đem về trải nống ra phơi, chị bảo đó là thảo dược, làng quê nào cũng có, biết kết hợp là thuốc quý của người nghèo. Đấy là chị đọc sách của cha mà làm theo. Chị cho mớ cỏ cây khô đó vào ấm đất, lại nung sắc mỗi ngày với niềm hy vọng khôn cùng.

H.C.D

Truyện ngắn của HOÀNG CÔNG DANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 322

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

5 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

5 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

5 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground