Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lưỡi mác Tân Sở

Suốt ba năm, cùng hàng chục ngàn dân phu xây dựng thành Tân Sở, chưa bao giờ A Chư được sung sướng như năm ngày vừa qua. Vua Hàm Nghi đã thoát khỏi bại chiến ở thành Mang Cá, rút khỏi kinh đô Huế, xa giá về Tân Sở. Chỉ là một dân phu tình nguyện đi xây thành, tình nguyện sung vào lính chiến, A Chư không hiểu nhiều về đại cuộc. Anh chỉ hành động bằng lòng yêu sông núi của mình. Cánh rừng kia cho anh trái cây và muông thú. Con suối kia cho anh con ốc, con cá. Cái hang giữa lưng chừng núi kia cất giữ bao nhiêu hài cốt ông bà. Bản làng của anh ngàn năm qua đã gắn liền với đất trời và khí núi nơi đây, không thể để mất. Càng ngày lòng anh càng như lửa đốt. Ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây rơi vào tay giặc Pháp. Chúng chiếm kinh đô Huế, tràn quân đánh chiếm khắp ba vùng Trung Nam Bắc. Ở dưới đồng bằng, cách chỗ anh đứng đây không bao xa, quân Pháp đã chiếm đóng Cổ Thành Quảng Trị, nhiều toán lính đã đánh thăm dò hòng chiếm Cam Lộ. Tiếng đại bác ùng uỳnh dội về Tân Sở. Đó đây đã có người vương đạn của Pháp, xương tan thịt nát. Dân bản nháo nhác lo âu, nhiều gia đình đã bỏ nương, bỏ bản, dời sâu vào núi thẳm. Quân Pháp như một đàn hổ đói, nanh sắc vuốt nhọn. Hoàng thần nhiều kẻ nghiêng về phía chủ hòa, hàng giặc. Vận nước sẽ ra sao?

Vua Hàm Nghi lên Tân Sở. Nghĩa là Đất Nước vẫn còn người đứng đầu lãnh đạo kháng chiến chống giặc. Có lẽ A Chư không bao giờ quên giây phút thiêng liêng ngày 6 tháng 6 (Hàm Nghi, năm thứ 5), khi thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết thay vua truyền chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên diệt giặc cứu nước. Hơn 2000 binh sĩ hàng ngũ chỉnh tề, nghiêm trang thế chiến, voi ngựa hùng hậu, gươm giáo sáng lòa, đại bác đồng đồ sộ, hỏa mai tua tủa, sát khí diệt thù bốc cao ngùn ngụt. Ngồi trên long đẩu, nhà vua trẻ oai nghiêm trong bộ long bào vàng sáng. Đứng bên phải nhà vua là Tổng lãnh binh Tôn Thất Thuyết. Phía sau là các mưu sĩ và tướng lĩnh tài ba Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp, Lê Trực, Phạm Tuấn… Lời của Tôn Thất Thuyết vang lên sang sảng như lời thần thánh truyền xuống từ thanh cao, lay động tâm can những người trung nghĩa “…Bậc hiền nhân quân tử có chí khí đau xót cho thời thế… Vận nước gian truân, bọn giặc thôn tính, thế thậm lan dần không thể tạm yên… Phàm có tai mắt ắt cùng nghe thấy, cùng mối thù của đất nước, chẳng đội trời chung…” Một lần nữa tại Tân Sở này, giữa một vùng núi non thiêng liêng miền Tây Quảng Trị, lời đanh thép của Hịch tướng sĩ, của cáo Bình Ngô lại vang lên cùng muôn dân, cùng sông núi. A Chư thấy máu thịt mình đã thuộc về Tổ quốc. Anh sẵn sàng chết cho bản làng Tà Ôi, cho đôộng Voi Mọp, cho núi Trống, khe Thác Trịch mãi mãi được còn.

*  *  *

A Chư là người dân tộc Tà Ôi. Cũng như đồng bào Vân Kiều và các dân tộc khác trong vùng, người Tà Ôi nghèo khổ và ít chữ nghĩa nhưng nổi tiếng trung thực, cần cù và dũng cảm. Cha A Chư được tuyển làm lính hộ vệ cho một lãnh binh đi đánh dẹp bọn phỉ thường xâm nhập, quấy rối vùng biên tỉnh Quảng Trị. Một trận đi tiểu phỉ, đội lính của ông bị sa vào trận đồ của giặc. Binh lính bị giết gần hết. Lãnh binh bị bọn phỉ tung lưới kéo đi. Cha anh đã liều chết xông vào đánh chém bọn phỉ, cắt lưới, cứu thoát lãnh binh. Để đền đáp ơn cứu mạng, lãnh binh thăng ông lên ưu binh, cho học chữ sáu năm liền. Vì vậy cha A Chư là người hiểu biết nhất vùng. Rời quân ngũ, ông mở trường dạy học. A Chư là học trò giỏi nhất của ông.

Cái chữ đã cho A Chư đạo lý sống của kẻ nam nhi quân tử, biết được người Tà Ôi, người các dân tộc và người kinh là con một mẹ, cha rồng mẹ tiên. Đất nước không chỉ là các bản làng, là núi non, mà còn có đồng bằng sông biển, chạy dài từ ải Nam Quan tới các rừng đước xa xôi phương Nam. Để trao lại cho A Chư và thế hệ hôm nay giang sơn này, cha ông đã đổ nhiều xương máu, hàng ngàn năm đánh giặc ngoại xâm. A Chư và những người hôm nay phải quyết giữ bằng mọi giá cho con cháu muôn đời.

Ngày A Chư lên đường đi xây dựng thành Tân Sở, khi trở về thăm nhà để tình nguyện sung vào lính chiến, cha anh không tiễn đưa. Ông chỉ lẳng lặng thắp hương lên bàn thờ tiên tổ. Vợ anh, con gái của người lãnh binh được cha anh cứu sống, thưa rằng: “Chàng như hòn đá trên núi cao, muốn lăn xuống là không ai cản được, thiếp cũng không cản được. Thằng Pháp mạnh lắm. Chúng đã đánh chiếm thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu đã tự vẫn. Chúng đã đánh chiếm Nam Bộ, đổ quân khắp ba vùng đất nước. Chúng đã chiếm kinh thành Huế. Triều đình Huế đã đầu hàng. Một mình chàng, một ngọn mác sung vào đó, liệu làm được gì không? Cha già, thiếp yếu, con non như con sâu chưa có vỏ cứng, thời buổi loạn lạc chàng đi sao đành.” A Chư nhìn thẳng mặt vợ. Khuôn mặt anh bỗng đanh lại như tảng đá ở suối Ang Ngo:

- Tay ta còn cầm được lưỡi mác!

A Chư không lau nước mắt cho vợ, không cúi xuống hôn con. Khoác tay nải lên vai, tay cầm ngọn mác đã tra thêm cán dài, ngẩng cao đầu bước về phía núi. Hôm ấy nắng rất to. Ánh nắng chiếu vào ngọn mác sáng lòa. A Chư lên đến đỉnh núi, nắng vẫn chiếu sáng ngọn mác, lấp lóa, lấp lóa.

*  *  *

Suốt năm ngày, từ khi Hoàng Đế xa giá lên Tân Sở, quân sĩ ngày đêm khẩn trương bố phòng lực lượng, xây dựng trận địa pháo thần công chặn Pháp ở đèo Cùa, gần như quên ăn, quên ngủ.

Tôn Thất Thuyết trầm ngâm. Ông đi xem xét gần như không bỏ sót bất cứ một vị trí nào trong khu thành rộng hàng trăm mẩu đất này. Ông lội xuống khe sâu, leo lên các đỉnh núi, quay mặt nhìn bốn phía. Đúng là phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường chọn nơi đây xây thành phòng ngự không phải không có lý. Nội thành là một bình nguyên, xung quanh đã được đào một tuyến hào sâu rộng cắm chông và cọc nhọn dày đặc. Bốn lũy tre ken dày bao bọc, giữa các lũy tre là ba lớp thành đất nện. Bên trong là thành nội được xây bằng gạch thẻ lớn. Sự chuẩn bị đã tới mức cố gắng tối đa. Bên trong thành đã đầy đủ giếng nước, bãi luyện binh, luyện voi ngựa. Hầm sâu đã chất đầy vũ khí, thuốc nổ, vàng bạc, châu báu. Kho tàng đã đầy ắp lương thảo. Các thung lũng, sườn đồi đã được khai khẩn trồng sắn khoai cho phương châm “Trì cửu chiến”. Bên ngoài núi non trùng điệp, đèo suối bao bọc, dựng thành chiến lũy ngăn che… Nhưng mà… Đây không chỉ là một sơn thành chống giặc, ở đây là đầu não của kháng chiến. Nếu bắt giặc Pháp trả giá đắt nhưng Tân Sở bị hạ, nhà vua và các đại thần bị sát hại thì cuộc kháng chiến sẽ thế nào? Ở đây dân cư thưa thớt, khó tuyển được lực lượng bổ sung. Nếu giặc Pháp chiếm Cam Lộ, khống chế được thượng lộ qua Lào thì Tân Sở là một chiếc túi bị khóa miệng, cô lập hoàn toàn. Phải xa giá vua về miền Tây Nghệ Tĩnh. Ở đó đất rộng người đông, núi non hiểm trở, tấn khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ. Phải từ bỏ nơi đây, một thành lũy được xây dựng kiên cố, phái chủ chiến của triều đình đã bỏ ra một phần ba ngân khố quốc gia, trên ba trăm ngàn lạng bạc. Gần ba năm, hàng ngàn binh lính và dân phu đổ biết bao nhiêu công sức.

Tôn Thất Thuyết biết đây là một quyết định khó khăn nhưng không thể nào khác được. Tình hình nguy biến từng giờ. Tướng Pháp De Corci liên tục gửi thư “mời” vua về Huế. Toàn quyền Đông Dương Paul Bert dụ vua nhận sắc phong của Pháp làm vua ở bốn tỉnh Thanh Nghệ Tỉnh, Quảng Bình. Cùng những thư dụ dỗ, mua chuộc, chúng khẩn trương đổ quân vào cảng biển Nhật Lệ, đánh chiếm Quảng Bình, chặn đường phát triển ra Bắc, đón bắt vua Hàm Nghi, tiêu diệt lực lượng đầu não kháng chiến. Tại Quảng Trị, địch tập trung quân tại Cổ Thành, chuẩn bị đánh lên Cam Lộ. Không thể để quân Pháp thắt chặt vòng vây, sau ba ngày ban chiếu Cần Vương, Tôn Thất Thuyết ra lệnh xa giá vua, chuyển quân ra miền Tây Nghệ Tĩnh.

*  *  *

Tôn Thất Thuyết cho gọi A Chư đến:

- Đại quân ra đi khẩn, mang vác gọn nhẹ, vũ khí, lương thảo, vàng bạc châu báu còn để lại rất nhiều. Ta giao cho ngươi ở lại phá hủy vũ khí hạng nặng, phát lương thảo cho dân, không để rơi vào tay giặc, cất giấu vàng bạc châu báu và các hòm thuốc nổ, đợi ngày đại binh trở lại có cái mà chi dùng, đánh giặc.

A Châu quỳ xuống, tâu rằng:

- Tôi vác mác theo nghĩa quân là muốn được xả thân giết giặc, mong chủ tướng cho theo đại binh làm lính tiên phong.

Tôn Thất Thuyết nói:

- Ta tin cậy mới giao cho ngươi việc lớn. Xông vào chốn hiểm nguy, chém đôi ba thằng giặc, còn có hai mươi lăm triệu người nước Nam.

Đặt tay lên vai người lính cận vệ A Chư, Tôn Thất Thuyết ôn tồn nói:

- Việc lớn ta trao cho ngươi khó trao cho kẻ khác. Khi giặc đánh tới, ta cho phép ngươi mang theo một ít vàng bạc, rút lui, bảo toàn tính mạng, phụng dưỡng cha già, vợ con. Cha ngươi là ưu binh, nay đã quá già yếu. Con ngươi còn thơ ấu. Đợi khi ta đuổi giặc qua đây, ngươi đưa những gì cất giấu được cung tiến, nhập trận, bấy giờ cũng chưa muộn.

Nghe lời chủ tướng căn dặn, A Chư vô cùng xúc động. Tâm trí bề bộn việc binh đao, vậy mà chủ tướng vẫn quan tâm và hiểu rõ đời sống riêng tư của từng người lính. A Chư quỳ xuống, rập đầu xin vâng.

Lời cuối cùng Tôn Thất Thuyết nói:

- Ta cho phép ngươi chọn bất cứ một người nào trong hàng ngũ binh sĩ của ta cùng ở lại đảm đương việc lớn.

*  *  *

A Chư gặp tiểu tướng Nguyễn Đình Tính, nói:

- Tướng quân có thể ở lại cùng tôi. Lương thảo nhiều, thành quách vững chải. Tôi tuyển thêm người Tà Ôi, Vân Kiều, người Kinh, tướng quân huấn luyện, chỉ huy, chắc chắn sẽ giết được nhiều giặc Pháp.

Tính cười khẩy nói:

- Nhà ngươi tưởng giết quân Pháp dễ lắm sao. Đại bác của Pháp bắn xa bằng trăm lần đại bác thần công. Súng trường của Pháp bắn xa mười lần tầm súng hỏa mai vẫn xuyên thủng áo giáp. Hàng ngàn người lính của ta tập kích ban đêm vẫn không giết nổi mấy trăm thằng lính Pháp ở đồn Mang Cá. Một thằng Pháp, một khẩu súng trường, mười thằng cầm mác như ngươi không làm gì nổi.

Tính lại cười khẩy:

- Tốt nhất là vàng bạc đầy ra đấy, dịp may, cuỗm lấy một đống về nuôi vợ, nuôi con, mua thêm tỳ thiếp, sung sướng một đời.  

A Chư bị xúc phạm tức rung lưỡi mác, không ngờ trong bộ tướng Nghĩa quân lại có kẻ hèn đớn như vậy. Lửa giận bốc lên bừng bừng, A Chư vung lưỡi mác nhằm thẳng đầu Nguyễn Đình Tính bổ xuống. Tính khẽ lắc tay gạt mũi mác của A Chư, lại cười khẩy:

- Võ công của ngươi không đọ được với ta. Ta có thể giết ngươi dễ hơn ngươi giết con nai rừng, hiềm vì lưỡi kiếm của chủ tướng không cho phép.

Nói rồi Tính cười khẩy, bỏ đi.

A Chư giận tím người nhưng không làm gì được hắn đành nhận một người lính Vân Kiều là Răng Ho cùng ở lại.

*  *  *

Suốt bốn ngày đêm, A Chư và Răng Ho khuân vàng bạc lên cất giấu ở một cái hang nhỏ lưng chừng núi đá Voi Mọp, vùi lấp thuốc nổ, ban phát lương thảo cho dân. Họ chưa kịp phá hủy giàn đại bác thần công ở đèo Cùa thì quân Pháp đánh tới. Đại bác của giặc gầm rít, nổ to hơn sét đánh. Từng bụi tre lớn bị phạt ngang thân. Từng mảng thành đổ sập, đất đá tung lên trời mù mịt. Vùng đất Tân Sở rung chuyển như động rừng, động núi, như trăm cơn bão dồn tới một lúc.

A Chư nói với Răng Ho:

- Ta không tin lời Nguyễn Đình Tính nói thằng Pháp mạnh tới mức không đánh được. Con cọp nhanh gấp mười lần con người, có nanh sắc, vuốt nhọn; con voi mạnh trăm lần con người, có da dày, vòi khỏe; con người vẫn giết được. Thằng Pháp cũng là xương, là thịt, mũi tên nhất định xuyên thủng vào tim, lưỡi mác nhất định chém rớt đầu chúng. Giặc đến ta phải đánh, mi không được đánh. Mi phải sống để thưa với chủ tướng những việc đã diễn ra ở đây. Thưa với vua vàng bạc châu báu đã được toàn vẹn không thiếu một đồng cân. Ta chịu tội với chủ tướng chưa làm hết việc chủ tướng đã trao.

Quân Pháp không gặp một sự kháng cự nào nhưng không dám xông lên ồ ạt. Chúng lợi dụng từng tảng đá, bụi cây, lấn dần bốn phía, đổ đạn vào bất cứ chỗ nào chúng nghi ngờ có quân mai phục. Chúng vượt qua lũy một, lũy hai, lũy ba, lũy bốn rồi vào được bên trong thành nội. Bấy giờ chúng mới biết quan quân Hàm Nghi đã rời bỏ nơi này.

Bọn lính được lệnh, tản ra khắp nơi, nhốn nháo moi tìm báu vật. Ba tên lính lăm lăm tay súng cắm lê nhọn hoắt đi tới gần. Bỗng một tiếng thét gầm lên: Giết! A Chư hất tung đống tre đá bật dậy. Lưỡi mác nhoáng nhoàng vung, lóa sáng nắng mặt trời. Hai cái đầu lính Pháp bay lăn chưa tới rãnh nước, lưỡi mác đã cắm ngập vào ngực tên lính thứ ba. Anh đạp xác tên giặc dụi vào chân thành, rút mác, đạp lên đống thành vỡ ung dung bước lên thành cao. Bọn lính Pháp kinh hoàng. Có thằng sụp xuống tìm nơi ẩn nấp. Có thằng run rẩy lên đạn.

Viên sĩ quan chỉ huy trận tập kích giơ bàn tay lên cao ra lệnh:

- Ne tirez pas! Commencez à vivre! (Không được bắn! Bắt sống!)

Hắn mong muốn bắt được một nghĩa binh để biết vua tôi nhà Nguyễn di chuyển về đâu.

A Chư nhìn về hướng Bắc. Phía ấy cách anh không xa, Răng Ho đang hé mắt qua kẽ hở của hang đá theo dõi trận đánh của A Chư. Phía ấy xa xăm, chắc giờ này chủ tướng đang bày trận kháng Pháp. A Chư dương ngọn mác đẫm máu thù lên cao thét lớn:

- Một người Nam giết được nhiều người Tây! Lưỡi mác chém được đầu Tây!

Nói đoạn anh quay lại đứng thế tấn, tay trái chống mạng sườn, tay phải chống cán mác lên đầu gối, uy nghi đối mặt kẻ thù, sừng sững như bức tượng sống. Lưỡi mác chói ngời ánh thép, nhòe nhoẹt máu đỏ, dựng thẳng. Viên sĩ quan Pháp biết rằng, trên đỉnh thành là kẻ anh hùng. Con người ấy không thể bắt sống, không thể khuất phục. Bất giác bao nhiêu hình ảnh trong những năm tháng qua, viễn chinh xâm lược An Nam, cùng hiện về rõ nét. Những nghĩa binh chân đất đầu trần, chỉ một ngọn giáo trong tay vẫn quyết liệt xông lên. Họ đã lần lượt ngã xuống nhưng những đôi mắt căm thù không bao giờ khép. Hắn tiếc cho dân tộc này có một triều đình bạc nhược. Lạy chúa! Nếu triều đình đứng hẳn về phía dân, biết cách lãnh đạo những người nghĩa sĩ, đội quân xâm lược của hắn sẽ làm nên được trò trống gì?

Hắn bước tới, ngước mắt lên nhìn người nghĩa sĩ, cất mũ cúi đầu:

- Sil vous plait admirer les héros! (Xin cảm phục người anh hùng!)

Khẩu tiểu liên trong tay hắn rung lên. Hắn như nhìn thấy những viên đạn khốc nghiệt của chiến tranh bay ngược lại xuyên vào tim hắn. Hắn phải làm một việc không thể không làm vì nước Pháp, nhưng chắc chắn sẽ nặng nề tội ác suốt đời.

Cả đoàn quân Pháp kinh hoàng như gặp phải thánh thần. Máu từ đầu, từ ngực, từ tay A Chư tuôn xuống, nhuộm đỏ một mảng thành Tân Sở. A Chư vẫn sừng sững đứng, thân trần, đóng khố. Đầu toác một mảng lớn, lòi cả não trắng. Đôi mắt trừng trừng nhìn hắn. Lưỡi mác dựng cao, chói lòa, hoen đỏ máu quân Pháp.

Hôm đó là ngày 22 tháng 7 năm 1858.

 L.V.T

LÊ VĂN THÊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 210 tháng 03/2012

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground