Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ly tâm

R

ụp! Rụp! Rụp! Có tiếng bước chân từ phía cầu thang vọng lên. Tôi biết đó là tiếng bước chân của Jôn. Hắn đi bao giờ cũng vội vã, chỉ trừ lúc hắn đến bên cửa sổ phòng tôi, lúc ấy tiếng khua chân của con ngựa thồ thoắt biến thành bước chân nhẹ thễnh của con mèo rình bắt chuột. Rụp, r...ụ...p, r...ụ...p, r...ụ...p. Ngưng lặng. Không gian như bị nén chặt. Mùi xà phòng ngầy ngậy hòa với mùi khen khét của thịt da hắn trở thành một mùi hôi nghe rất khó chịu, lọt vào khe cửa, lan tỏa cả căn phòng. Có lẽ hắn đang dõng tai nghe hoặc dí cặp mắt xanh lét vào khe cửa nhìn ngắm tôi. Lưỡi hắn lè ra, quét lên đôi môi đỏ chót thấp thoáng sau bộ râu rùm ròa. Để khỏi bị trợ, tôi hất mái tóc về một bên che mặt, cúi xuống bàn, cầm bút giả vờ hí hoáy viết, xem như không có chuyện gì xảy ra. R...ụ..p! R...ụ...p! Hắn lén đi, ra xa một quãng, khua rộn về phía hành lang. Bây giờ tôi mới thấy bình tâm.

- Hê lô! Hê lô! Hắn gọi điện như quát. Xập xình! Xập xình! Hắn mở băng nhạc nghe như điên. Những băng nhạc thoạt đầu dịu dàng lả lướt như sương giăng, khiến người ta cảm thấy tê mê, về sau trào dậy nhào nặn cả gan ruột, tưởng như ép cả không gian ra thành máu.

Tôi vơ vội mấy quyển sách cho vào túi, bước ra khỏi phòng định ào xuống cầu thang ra cửa, nhưng bỗng nghe tiếng ai gọi vọng ra từ gian bàn thờ, tôi dừng lại ngoái đầu nhìn vào, không thấy ai cả. Lạ thật...Tiếng gọi vừa nghe rất rõ mà!...Tôi ngần ngại đi vào. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Tôi đứng lặng trước bức chân dung của bà. “Bà ơi... Bà vừa mới qua đời... Bà chết không nhắm được mắt nên có lẽ oan hồn gọi cháu...”

Tội nghiệp bà tôi ở ngôi nhà này gần trọn một kiếp người, bao giờ cũng vui vẻ đầm ấm bên con cháu thế mà cuối cùng bị người ta quấy rầy, bà không chịu nổi, suốt ngày cáu kỉnh rồi đổ bệnh ra mà chết. Đến lúc chết linh hồn bà cũng chẳng được yên...

Ngày xưa tính tình bà vui lắm. Đêm nào bà cũng kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Những câu chuyện cổ tích như có cánh chở tâm hồn trẻ thơ đến cõi thần tiên.

Ngày ấy ba tôi đi chiến trường, một mình mẹ ở nhà xoay xở nuôi con. Sáng mẹ dậy từ lúc bốn giờ, quét dọn, giặt giũ, sắp bếp. Lo xong nồi cháo hoa, mẹ múc sẵn bốn tô đặt lên bàn cho bà cháu chúng tôi rồi quẫy gánh đi. Mẹ đi dàng dàng từ phố này sang phố khác đến trưa mới về. Trên đôi quang có vài thanh củi, mấy mớ rau, năm ba lon gạo và một xâu cua đồng. Đó là tiêu chuẩn ăn trong ngày mà mẹ mua sắm.

Làm nghề bán cháo hoa lời lãi chẳng bao nhiêu, nhưng cuộc sống dân nghèo thành phố vốn liếng không có lấy đâu ra mà buôn bán, mẹ đành phải đeo đẳng với nghề này. Lũ chúng tôi lúc ấy còn nhỏ, chẳng giúp được gì cho mẹ. Anh Cả lên mười, học một buổi còn một buổi làm bài, chị Hai lên tám người khỏng kheo như cây sậy, mẹ chẳng dám sai việc gì. Còn tôi cô bé mới lên năm, suốt ngày nghịch ngợm với mấy chú búp bê, chơi chán đến luẩn quẩn bên bà, ngồi hấc mặt hứng chuyện. Bà tôi hồi ấy đã bị bệnh mù, suốt ngày ngồi một chỗ trên giường đến bữa ăn chúng tôi phải bưng cơm đến tận tay, bà mới tự chủ được. Mỗi lần vì đau đớn quá không gượng dậy nỗi, bà “ấy” ra giường, chị em tôi tỏ vẻ khó chịu bị mẹ mắng cho luôn: “Con với cái! Bà đau ốm bệnh hoạn mà chúng mày không biết gì cả. Ngày xưa ba mày còn làm khổ bà gấp mười, hiểu chưa?”. Nghe mẹ nói mặt bà rạng rỡ hẳn lên, miệng tủm tỉm cười, đầu óc vân vi nghĩ ngợi với bao niềm vui sướng. Mẹ lật đật ôm các thứ áo quần chăn chiếu ra giếng, hì hục giặt giũ. Hôi hám là thế mà mẹ chẳng kêu ca phàn nàn lấy một câu. Trông mẹ thật vô tư khỏe khoắn. Không hiểu tại sao một người cực nhọc như vậy mà càng ngày càng thấy mẹ trẻ đẹp hơn ra. Nước da mẹ trắng mịn, mái tóc xanh cắt ngắn ôm trọn khuôn mặt trái xoan phúc hậu. Thú thật, mỗi lần nhìn mẹ, tôi ước gì mình có đôi mắt đen tròn, có cái cổ cao ba ngấn như mẹ, cuộc đời sẽ tha hồ ca hát. Tôi thấy tủi hận bởi vì mình là cái bản sao không nguyên mẫu của mẹ.

Người dàn bà có nhan sắc thường hãnh diện và đau khổ. Bởi giới đàn ông hay nhòm ngó đến. Trường hợp của mẹ, chồng đi vắng phải chịu nhiều cảnh trớ trêu hơn. Jôn một đại úy Mỹ thường xuyên săn đón mẹ. Hắn yêu mẹ đến phát rồ. Gặp mẹ bất cứ đâu hắn cũng lăn xả vào tán tỉnh. Buổi đầu, mẹ tưởng hắn biết mẹ là vợ của một người cộng sản nên ráo riết theo dõi, về sau qua nhiều lần tiếp xúc nhìn thấy ánh mắt rỡ ràng, hoang đãng của hắn mẹ biết đó chính là kẻ si tình chứ không phải một tên thám báo. Dù sao mẹ cũng phải tránh để thoát nguy cơ hạnh phúc bị bủa vây. Nhưng càng tránh càng gặp, lần nào hắn cũng xuất hiện như bóng ma cản lối.

“Ô kê chào người đẹp!” Kìa người đẹp không nên lẩn tránh. Hắn cười rất đểu. Mẹ dừng lại, hất nón xuống che mặt. Hắn bước đến, đưa ngón tay lật vành nón lên xem, hoặc sổ sàng đặt cả hai bàn tay to bự lên vai mẹ, xoay người mẹ lại đối diện với hắn: “Ô đừng sợ...Tôi cũng là người đàn ông thôi mà. Một người đàn ông đứng trước vẻ đẹp kiều diễm như thế này lẽ nào không rung động. Hơn nữa, người Mỹ chúng tôi rất yêu chuộng vẻ đẹp của những người đàn bà.”

- Nhưng các ông có biết tôn trọng nhân cách của người phụ nữ không?

- Ồ... chúng tôi là thành viên của một nước văn minh, một nước tự do, người đẹp nên biết vậy.

- Ở Việt Nam đàn bà con gái ra đường bị chòng ghẹo là coi như một sự sĩ nhục. Nhất là đối với những người đã có chồng như tôi luôn giữ nếp gia phong không chấp nhận sự xúc phạm ấy.

- Xin lỗi...xin lỗi hình như tôi bị xúc động quá nhiều nên thể hiện sự đường đột.

Mẹ quảy gánh ngoảnh đi. Hắn biết không thể nào thuyết phục được mẹ bằng lời đành tìm cách mua chuộc bằng tiền. Những đồng đô la được gói cẩn thận trong những tờ giấy kẽm, hoặc đựng trong những chiếc hộp rất xinh kèm với bó hoa Đà Lạt, chờ mẹ trước cổng chợ. Đợi mẹ bước ra, hắn cúi mình trông rất điệu:

- Xin hân hạnh được gặp người đẹp. Hôm nay nhân ngày đẹp trời, xin tặng người đẹp một món quà làm kỷ niệm.

Từ chối nhiều lần cũng không được, mẹ đành nhận lấy. Tiền, mẹ chẳng dại gì mà không tiêu, còn hoa vừa nhận xong mẹ liệng vào đống rác. Có lần hắn trông thấy nổi khùng:

- A! Thật quá đáng! Quá đáng!

Hắn chỉ vào mặt mẹ mà rằng:

- Tôi biết đích xác, cô là vợ của một tên Cộng sản, muốn ăn yên ở yên phải chấp thuận tình cảm của tôi, bằng không tôi sẽ dùng áp lực.

Chỉ vài ngày sau mẹ đã bị bọn lính bắt trói, giải lên đồn. Sau mấy phút hỏi cung, thằng trung tá ngụy ra lệnh cho bọn lính cởi hết quần áo của mẹ và ném mẹ lên giường. Hai tay mẹ bị buộc chặt sang hai bên còn đôi chân bị kéo dảng ra rịt vào phía dưới, trông như chúa Giê su bị đóng đinh vào cây thánh giá. Rụp! Rụp! Đại úy Mỹ bước vào. Tên trung tá ngụy khoát tay cho bọn lính lui ra, hắn đứng sang một bên nghênh tiếp. Chúng chào nhau theo lối nhà binh rồi tên trung tá ngụy đưa tay ra mời Jôn và khuất vào phòng bên, môi còn ngậm một nụ cười đểu cáng.

Mẹ nằm không cựa quậy được, tim đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Mẹ tưởng hắn sẽ nhảy xổ đến ngay, nhưng không. Hắn đi quanh giường một vòng, như con thú vờn mồi rồi từ tốn kéo chiếc ghế ngồi vào cạnh bên, mò tay vào túi lấy bao thuốc, rút một điếu châm lửa, rít một hơi, ngả người ra ghế, thong thả nhã khói, chậm rãi nói:

Tôi không muốn làm khổ người đẹp thế này đâu, chẳng qua vì cô cứng cổ quá buộc tôi phải làm. Bây giờ nếu cô chấp thuận tình cảm của tôi, tôi sẽ cởi trói để hai chúng ta cùng hưởng một cuộc giao hoan thoải mái nếu không cô cũng sẽ bị...

Mẹ nhổ vào mặt hắn. Hắn nhếch mép cười. Vứt điếu thuốc xuống bàn chụp chai rượu uýt ki tu một hơi, mặt đỏ sởn như mào gà đá, ngồi vào chỗ cũ, hắn bắt đầu hành động. Bàn tay hắn vuốt nhẹ vào má, xuống cổ, là xoắn lên hai đầu vú, miết dọc xuống hai mạng sườn, lướt xuống đùi, xuống đến tận ngón chân và ngược trở lại. Người mẹ quằn quại, muốn quẫy đạp, bứt phá, nhưng không thể nổi. Mẹ chỉ biết tìm cách nghĩ sang hướng khác để tránh sự kích dục.

Hi! Hi! Hơ Hơ! Tiếng cười của lũ bạn bè xưa thấp thoáng trong tâm hồn mẹ. Tuổi thơ của mẹ hiện ra với những cánh cò cánh vạc, với những cánh diều chao liệng dưới trời quê và những bông sen thơm ngát bên hồ, níu lấy hồn mẹ phiêu du trên cánh đồng bát ngát. Bỗng mẹ nghe trong người có cái gì khang khác, cảm giác như bàn tay Jôn đang lặn vào da thịt, làm trỗi dậy từng tế bào. Hồn mẹ hụt hẫng như cánh diều bị đứt dây, chao đảo, rơi vụt xuống.

Mẹ nhắm mắt lại. Tiếng bà từ những đêm thăm thẳm vọng về: “Ngày xửa ngày xưa ở mé rú cuối làng ta có một con rắn độc. Con rắn to bằng cái thùng gánh nước, không có đuôi, chỉ có hai hàng chân như hàng chân rết, móng vuốt nhọn sắc. Đầu nó có mùa đỏ sởn như mào ngan đực. Đôi mắt xanh lét nấp dưới hai hàng mi nhọn buốt...”.

Mẹ cố hình dung ra những nanh vuốt để chuyển từ một cảm giác lân rân bởi một bàn tay đang mơn trớn thành cảm giác đớn đau, nhức nhối bởi móng vuốt của một con rắn độc. Nhưng khi bàn tay hắn kéo dần xuống xoa một cách mãnh liệt hơn thì cơn cuồng phong của dục tính lại cuồn cuộn trào lên, có nguy cơ đập nát cả bến bờ ngăn giữ để bắt mẹ phải nói một lời: đồng ý...

Mẹ cắn chặt môi. Những giọt nước mắt trong suốt bò ra trên đôi gò má đổ vào môi mặn chát. Người mẹ tê mê, cảm giác bồng bềnh như trôi vào chốn sương giăng.

“Mình ơi”...Một tiếng gọi từ trong hun hút của thời gian vút bay về xuyên qua chốn u trầm của mẹ. Phải rồi...Đó là tiếng gọi của ba cách đây mười năm, ngày ba lên đường đi bộ đội, lúc qua sông ba ngoảnh lại gọi về. Bây giờ tiếng gọi ấy lọc qua mắt lưới của thời gian bay về cùng mẹ làm thổn thức cả tâm hồn.

Giữa lúc đó tiếng Jôn lại rộn lên bên tai:

- “Thế nào? Người đẹp có đồng ý không?”

Mẹ cố bỏ nó ngoài tai để khỏi lấn át mất lời ba, nhưng hắn vẫn cứ lải nhải. Hai tiếng gọi, hai âm thanh cứ chồng chéo lên nhau, va đập vào nhau chan chát trong đầu.

- Mình ơi...

- Đồng ý không? Nói!

- Mình ơi...

- Đồng ý không? Nói!

Và cuối cùng mẹ đã nghe những tiếng gọi: “Mình ơi...Mẹ ơi...Con ơi...” cùng ào lên một lúc đánh chìm những tiếng của Jôn. Mẹ lắc đầu với hắn một cách kiên quyết: “Không!”.

Bốp! Một cú tát nảy lửa, làm mẹ choáng váng. Đại úy Jôn bật dậy, cởi phăng áo quần, định lăn xả vào. Nhưng nghĩ thế nào hắn chững lại. Hai tay chống lên giường, đầu gục xuống. Lát sau hắn gượng dậy mặc quần áo đi lại mấy vòng rồi đến cởi trói cho mẹ và đi ra. Mẹ ngồi dậy vơ hết áo quần quấn vào mình và ôm mặt khóc. Đó là tiếng khóc tủi hờn cho thân phận số kiếp một người đàn bà và cũng là tiếng khóc bởi nổi niềm vui mừng khôn xiết của một con người đã chiến thắng. Sự chiến thắng với kẻ thù với chính mình để giữ tròn lòng chung thủy.

Mẹ được thả về ngay trong ngày hôm đó. Sau này Jôn vẫn thường lui tới với mẹ. Hắn nói rằng: Hắn thật sự xin lỗi mẹ bởi một việc làm thô bỉ của mình. Nhưng dù sao hắn vẫn là người cao thượng đã bỏ qua thể xác của một người đàn bà khi không có phần hồn. Và hắn thề bằng mọi giá sẽ chiếm lĩnh trái tim mẹ cho bằng được. Hắn lại bày đủ mọi âm mưu nhưng không làm sao khuất phục được mẹ. Mãi cho đến ngày về nước, trước lúc lên máy bay, hắn tìm gặp lại mẹ, buồn bã nói rằng: Trong nỗi nhục chung của quân đội Mỹ, tôi còn có một nỗi nhục riêng là không khuất phục được một người đàn bà. Cô quả là người Việt Nam tuyệt vời. Ô kê...

Chiến tranh rồi cũng kết thúc. Ba tôi về. Gia đình tôi vui lắm. Cả nhà tôi reo lên khi thấy ba vai đeo ba lô cóc đầu đội mũ tai bèo háo hức bước vào ngõ. Mẹ con tôi ùa ra đón ba. Bà ngồi trên giường cũng chới với hướng theo.

- Thằng Thành! Thằng Thành con tôi đã về!

Ba nhấc bổng tôi và bươn bả chạy vào sà xuống bên bà:

- Mẹ...Mẹ chờ con lắm phải không? Miệng bà lẩm bẩm:

- Mẹ tưởng không nhìn thấy con nữa, ai ngờ con vẫn còn sống trở về.

Mẹ pha cho ba một cốc nước chanh rồi xách làn đi chợ. Mẹ mua đủ thứ: Thịt, cá, su hào, bắp cải, lại có cả món giá đỗ, thứ mà lâu nay không thấy mẹ mua bao giờ. Bữa liên hoan gia đình vui lắm, có cả bà con khối phố đến dự. Tối đến cả nhà vây quanh nghe ba kể chuyện chiến đấu. Có những đêm thức mãi cho đến sáng mà chẳng thấy mệt. Điều làm cho chúng tôi vui hơn là khi ba nói rằng: Ba sẽ xin chuyển ngành về công tác tại cơ quan tài chính tỉnh nhà.

Hai tháng sau ba về thật. Ba mang cả ba lô chăn màn áo quần và một số đồ dùng lỉnh kỉnh về cho mẹ. Cả sách vở áo quần mũ dép cho chúng tôi ba cũng sắm luôn. Ba về, nhà cửa được tu sửa lại, công việc làm ăn của mẹ có phần thanh nhàn hơn. Mẹ không còn phải đi bán cháo hoa như trước, mà mở một quầy tạp hóa ở nhà. Khách hàng đến đông lắm gia đình tôi bắt đầu có thêm đồng ra đồng vào, sắm sửa đủ thứ. Anh Cả tôi lúc bấy giờ đã đi học đại học tại Đức. Chị Hai học xong cấp ba mở một quầy bán hàng ngoài chợ. Chị có máu kinh doanh nên chẳng thiết học hành. Còn tôi đang học lớp mười, vẫn quanh quẩn suốt ngày trong nhà, nhưng không phải ngồi nghe bà kể chuyện mà luôn tay sắp xếp mọi thứ. Nhà tôi bấy giờ sắm sửa bàn ghế, ti vi, tủ lạnh. Có điều tôi thấy không vui vì càng ngày càng thấy ba mẹ ít gần gũi nhau. Sáng đánh xe đi, tối đánh xe về, công việc ở nhà ba chẳng tưởng mảng. Tôi có ý trách ba, mẹ bảo:

- Thời buổi kinh tế thị trường, không xoay xở, không được. Ba mày bây giờ đã là giám đốc phải lo lắng việc chung còn thời gian đâu nữa để sắp xếp việc gia đình.

Thấy mẹ không phản ứng, ba cứ đi. Có khi đến mười hai giờ đêm mới về. Mẹ phải một mình ngồi đợi. Đến lúc ba về, chưa thấy mặt mũi đã nghe mùi rượu bia phả vào nồng nặc, cái bóng đen lầm lũi như bóng ma, bước vào phòng đổ vật xuống giường. Vài phút sau đã nghe thấy tiếng ba ngáy rường rược. Lúc ấy tôi nghe mẹ thở dài. Tôi biết lòng mẹ bắt đầu bị chấn động. Sáng mai mẹ nói với ba bằng một giọng buồn buồn:

Ba mày ạ...ba mày làm việc nên dành thời gian nghỉ ngơi nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe đấy!

Ba không trả lời. Thấy vậy mẹ không nói thêm lời nào nữa, sợ ồn.

Thời gian gần đây ba ít ăn cơm nhà, một tháng nhiều nhất cũng chỉ dăm bảy bữa. Ba coi việc ăn cơm nhà như một món nợ. Đến bữa ăn chểnh mảng ngồi vào mâm, bưng bát cơm trên tay, cổ họng cứ ngắc ngoảy. Đầu óc ba luôn nghĩ những chuyện đâu đâu. Trông ba chẳng khác nào một cái xác không hồn. Cái bụng của ba phình to, lườn bụng chảy xuống ngập cả thắt lưng, đi đứng trông rất bệ vệ, tiếng nói cũng khác nghe có vẻ trịnh trọng kiểu cách hơn. Cuộc sống đã lấy mất ở ba sự chân chất của người lính và tình cảm ấm áp của người chồng người cha.

Vào một buổi trưa có cô gái khoảng chừng hai mươi tuổi, nét mặt sang trọng mà ẩm dột bế đứa trẻ sơ sinh bước vào. Ba chưa kịp nói gì, cô bé đã đốp ngay:

- Tôi muốn nói chuyện này với ông. Tôi không thể nuôi thằng bé. Con ông đấy, ông giữ lấy mà nuôi.

Choang! Đầu ba như có tiếng đổ vỡ. Tiếng đổ vỡ của một tấm thủy tinh bị quật dậy, tóe ra muôn ngàn mảnh sắc buốt. Chân tay ba cứng đờ, mồm nói một câu rấm rớ.

- Nó...nó không phải con tôi.

Cô gái nhìn thẳng vào mắt ba:

- Anh nói thật hay đùa?

- Thật.

- Cho nói lại.

- Đúng thế.

- Vậy...Tôi vứt nó ra đường ai nhặt thì nhặt!

Cô gái toan thả thằng bé xuống đường, ba vội chụp lấy.

Đứa bé khóc thét lên. Tiếng khóc cũng không cứu vãn được tình người mẹ, chiếc bóng kia đã liêu xiêu dọc theo con đường lớn, chạy về phía bùng binh xoay tròn trong cảnh người xe loạn xạ và mất hút.

Trước mặt ba trời đất như quay cuồng, chao đảo. Những cú chao đến rút ruột, làm mặt mũi ba tối sầm.

Mẹ nhào ra cửa. Nhưng bỗng nghe đau thót trong lồng ngực. Mẹ không sao đi được, một tay ôm lấy ngực, một tay vịn vào cửa, người mẹ quỵ dần xuống.

“Bà Mai thân mến!

Tôi rời khỏi Việt Nam về nước đã bấy nhiêu năm nay. Nhưng cuộc chiến tranh ở Việt Nam làm tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm trong cuộc đời chinh chiến.

Trước hết tôi vô cùng hối hận với những gì tôi đã gây ra cho bà, cho đất nước bà, đồng thời rất cảm phục trước tinh thần chiến đấu rất anh dũng của con người Việt Nam mà trong đó có bà. Tôi thành thật xin lỗi bà. Bà quả là một con người tuyệt vời. Trong đầu tôi bà luôn luôn là một thần tượng. Tôi tin rằng một con người như thế không thể nào không có được sự độ lượng để tha thứ cho kẻ tội lỗi này.

Tôi thiết nghĩ, hiện nay quan hệ giữa hai nước Việt – Mỹ đang được cải thiện, vậy tình bạn của hai chúng ta không thể không thân thiết được, có phải thế không thưa bà?

Tôi có ý định trở về Việt Nam vào một ngày gần đây. Bằng mọi giá tôi sẽ ghé qua thăm bà. Tôi mong rằng cuộc gặp gỡ này có nhiều hứa hẹn...”

Đó là bức thư ông Jôn gửi cho mẹ trong thời gian mẹ đang buồn chán chuyện gia đình. Hàng ngày, mẹ đi lang thang trên các đường phố, ghé vào nhà người quen nói chuyện giải khuây, hoặc đến quầy hàng mua một vài thứ gì đó rồi thất thểu trở về. Đêm đến mẹ chìm trong cô đơn ảo nảo. Mẹ sống như sống cuộc đời của người khác, lạnh nhạt dửng dưng. Lạnh lùng đi, lạnh lùng về, lạnh lùng ngồi xuống mâm cơm lặng lặng. Mẹ chẳng thiết làm gì ngoài việc chăm lo cho sắc đẹp của mình. Đã bao lần mẹ đập vỡ gương bởi thấy dung nhan bị phai tàn hương sắc. Từ đó, mẹ bán hết mọi thứ trong nhà để sắm cái ăn cái mặc cho riêng mình. Mẹ xây dựng cuộc sống mới bằng cách phá hết tất cả những gì trong cuộc sống cũ mà trước đây mẹ từng làm nên. Mẹ muốn trả thù ba bằng sắc đẹp. Sắc đẹp là thứ vũ khí tối tân nhất của người đàn bà, mẹ tiếc gì không sử dụng nó. Hàng ngày mẹ cứ đi các hiệu uốn sấy, tân trang lại tất cả những vẻ đẹp đã lỗi thời làm mẹ không vừa ý. Ở đâu có cuộc vui, mẹ nhập hội. Đánh cờ, đánh bạc, dạo công viên, đi tắm biển mẹ đều say mê cả. Cuộc nào có lắm đàn ông mẹ càng tỏ ra ham hố hơn. Mẹ kết bồ đủ hạng người: giám đốc, chủ thầu khoán, lái xe, kể cả trai tơ mẹ chẳng ngán. Thỉnh thoảng mẹ ngồi ngả ngớn trong xe hoặc ôm eo một thằng cha nào đấy diễu qua trước cơ quan ba cốt để trêu ngươi. Nhưng ba cứ thờ ơ như không. Vì những kẻ đó dưới tầm ba, xem ra ba chỉ có khinh miệt. Phải tìm một tay có cỡ thì sự trả thù mới xứng đáng, mẹ nghĩ vậy và cố tìm mọi cách.

Thư Jôn đến thật đúng lúc. Mặc dù trước đây hắn là một thằng giặc nhưng bây giờ hắn đã hối hận, mẹ nào từ chối. Hơn nữa hai nước đang có quan hệ hợp tác kinh tế với nhau nữa cơ mà. Biết đâu, Jôn sẽ trở lại, giúp cho mẹ việc làm ăn? Một tia hy vọng lé lên trong óc mẹ. Niềm vui ấy chưa nguôi thì thư Jôn về tiếp: “Bà Mai thương mến! Tôi đã trở lại Việt Nam theo lời hẹn với bà. Tôi ở Sài Gòn hơn mười ngày nay, ý định muốn ra thăm bà, nhưng không có điều kiện, đành trở về nước.

Tôi gửi biếu bà bức chân dung và năm ngàn đô la ở anh bạn Việt Nam, chủ quầy hàng số mười ba Chợ Lớn, mong bà vui lòng nhận cho và chịu phiền đến lấy. Tôi có nói với anh bạn của tôi sẽ đón bà ra vào ở cổng sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc mười một giờ ba mươi phút ngày hai mươi tháng này.

Lúc đến sân bay bà nhớ mặc áo rằn quần rằn, khăn rằn và trên tay cầm một nhánh hoa hồng để anh bạn tôi khỏi nhầm lẫn.

Chào tạm biệt

Jôn”.

Đọc xong thư lòng mẹ như có một điệu múa khiến mẹ như muốn xoay tung cả người. Năm ngàn đô la đã làm mờ mắt mẹ, trong giấc mơ không còn nhìn thấy con trăn tinh đang cào cấu lên da thịt mình mà là bàn tay mềm mại của Jôn lướt trên da thịt một cách êm ái, cảm khoái đến lạ thường. Và tiếng gọi: “Mình ơi...Mẹ ơi...Con ơi...” thoắt lắng vào tận đáy thời gian. Trong mẹ chỉ còn một thiên đường. Một thiên đường hiện lên với bao cảnh miên man... Mỗi lần tỉnh dậy mẹ mong sao cho đến sáng để ra chợ chọn mua áo rằn, quần rằn, khăn rằn như lời Jôn đã dặn. Và mong mỏi thời gian trôi qua mau chóng để đến ngày vào Sài Gòn.

Mẹ thực hiện một chuyến bay đúng vào ngày hẹn. Cuộc gặp gỡ ra sao có trời mà biết, chỉ thấy lúc mẹ về có xe đưa vào tận ngõ, trên xe có một người đàn ông Mỹ và số tùy tùng. Họ bước xuống xe. Mẹ mặc bộ váy dài, trông chẳng khác nào một cô đầm, đưa tay như múa:

- Hân hạnh mời ông Jôn, mời tất cả các ông vào nhà.

Ồ...ra hắn?...Kẻ từng bị mẹ đuổi đi bây giờ lại được mẹ đón về. Mẹ hấp hởi chạy lấy nước pha trà, hấp hởi lên cầu thang tìm tôi. Trông thấy tôi mẹ mừng quýnh:

- Này con...xuống tiếp khách.

Thấy tôi trù trừ mẹ ghé mồm nói nhỏ:

- Khách sang mà...Người Mỹ đấy!...Mùi xà phòng ngầy ngậy từ cơ thể mẹ tỏa ra vây bọc quanh tôi. Chẳng đợi tôi trả lời, mẹ cầm tay tôi kéo xuống cầu thang.

- Giới thiệu với con! Đây là ông Jôn – Giám đôc công ty liên doanh Việt – Mỹ và đây là những người giúp việc của ông ta. Còn đây.. xin giới thiệu với ông...con gái út của tôi.

- Ô kê! Quả là một viên ngọc tuyệt mỹ.

Hắn chồm qua bàn, cầm lấy tay tôi rung rung, rồi ngồi xuống gật gật đầu:

- Cô Út quả thật đẹp, đẹp lắm...Tôi không hiểu sao cái xứ sở nghèo nàn, thiên nhiên khắc nghiệt này, lại mọc lên những bông hoa tuyệt vời đến vậy.

Tôi không chịu nổi những lời tán tỉnh và cái nhìn như thôi miên của hắn, vội gật đầu, lui vào trong.

Cuộc nói chuyện kéo dài đến vài tiếng đồng hồ, sau đó mẹ đưa Jôn đi một vòng xem hết tất cả các phòng của ngôi nhà, Jôn gật đầu vui vẻ hài lòng. Hắn nói với mẹ rằng: đồng ý thuê nhà này làm văn phòng đại diện và cấp cho một ít kinh phí ban đầu để sửa chữa. Tương lai sẽ tính sau.

Cuộc chia tay trên lầu thật là ngoạn mục. Hai người cứ ôm riết lấy nhau. Họ xoay từ ngoài hành lang xoay tít vào phòng. Rụp! Cửa đóng, nhưng còn nghe rõ mồn một tiếng nói thều thào, tiếng thở hào hển và tiếng rên ư ử bên trong...

Chị Hai ơi...Nhà ta sắp tan nát hết cả rồi!...

Tôi kể cho chị Hai nghe toàn bộ câu chuyện gia đình. Chị Hai tỉnh bơ như không:

- Chuyện ấy có gì mà ghê gớm nhỉ? Chẳng qua ông ăn chả bà ăn nem thôi mà. Hơn nữa thời buổi kinh tế thị trường, kết bồ bịch là chuyện bình thường.

- Nhưng ba mẹ làm thế, hỏi đâu còn hạnh phúc.

Chị Hai cười khanh khách:

- Mày hiểu thế nào là hạnh phúc hở con khỉ? Hạnh phúc bây giờ là phải có tiền, còn quan hệ giới tính...xả láng! Hiểu chưa?

Chị còn vạch áo ra:

- Mày xem tao đây này. Tao đã có chữa hình như bốn tháng nay rồi, không biết của ai đây. Của thằng cục trưởng Cục hải quan, hay giám đốc ngân hàng đây chẳng biết. Có khi của đồng chí phó ban xóa đói giảm nghèo cũng nên. Con của cha nào tao cóc cần biết. Tao chỉ biết có tiền. Lúc nào kinh phí có phần eo hẹp tao chỉ cần vạch áo lên “trình”, Đ.mẹ thằng cha nào cũng sợ, vội xì tiền ra ngay. Thằng nào kẹt xỉn, cứng đầu tao vác con đến nhà, đến cơ quan, mẹ nó có mà dám.

Chị xoa xoa tay lên bụng có vẻ nựng con:

- Con ơi...Trời phú cho mẹ làm giàu đây. Con là thiên thần của mẹ. Con là mực thước ở đời. Con biết lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Ôi con thật là lý tưởng.

Tôi định tát cho chị một cái vào mặt nhưng chị đã xoay sang tôi, giọng như chùng xuống:

- Còn em...Em đã lớn rồi, phải cố gắng học cho giỏi, nay mai có nghề nghiệp may ra kiếm được một tấm chồng giàu có để nương thân, đừng như chị đây buôn bán mệt nhọc lắm. Chuyện ba mẹ họ tự dàn xếp lấy, không sức đâu phải lo cho mệt.

Chị âu yếm vuốt mái tóc tôi, tôi gục đầu vào chị khóc rưng rức. Lát sau tôi về nhà gặp bà.

- Bà ạ, không khéo ba mẹ cháu bỏ nhau mất, bà nên có lời khuyên ngăn ba mẹ cháu đi.

- Mặc sư cha con mẹ cô! Mặc tổ bố thằng cha cô!

Bà chửi như tát nước vào mặt tôi. Chân tay bà run khập khậy. Có lẽ cơn giận đã tích trữ từ lâu trong ngực bà bây giờ mới có dịp bùng lên như thế. Kể cũng tội, từ ngày ba mẹ tôi sinh chuyện với nhau, có ai chăm sóc bà đâu. Họ để mặc bà, chẳng cần đếm xỉa. Mọi việc ăn uống giặt giũ tôi đều lo cho bà cả. Đôi lúc vì quá bận học hành, tôi không phục vụ nổi, người bà sinh ra hôi hám, bẩn thỉu đến khổ.

Cũng tại bà thôi. Bà đối xử thiếu sòng phẳng. Đáng ra khi sự việc vỡ lở bà phải đứng về phía mẹ, bênh vực cho mẹ mới đúng, đằng này nghe ba nói “sẽ có cho bà một đứa cháu trai”, bà trở nên mềm lòng. Bà chỉ nói qua loa một vài câu rồi im lặng. Có khi còn mừng nữa. Mẹ đã đọc được niềm vui không giấu hết trên nét mặt của bà. Mẹ sinh ra thù ghét. Đến bữa ăn mẹ chẳng mời. Bà kêu đau mẹ chẳng nói. Bà “ấy” ra giường mẹ mặc kệ. Tức quá bà chửi. Bà chửi, mẹ tuy không chửi lại, nhưng mẹ đuổi con gà, xua con vịt bằng những lời bóng gió làm ruột gan bà đau như kim chích. Rồi đến lúc mẹ tỏ ra trắng trợn hơn: cấm vận! Những bữa trưa tôi ở lại trường, mẹ không cho bà ăn, bà nằm thắt ruột trong phòng. Từ đó bà xuống thế, sống theo lối thủ phận. Cái gì bà cũng xin “Chị cho tôi xin...”, “anh cho tôi xin...”, “cô cho tôi xin...”. Trời ơi...đến nước đứa cháu nội mà bà còn xin nữa. Từ một người quyền thế mà bây giờ phải hạ mình, hỏi còn nông nỗi gì? Bà đã tạo ra cho mình một cái vỏ rồi để co vào trong, cốt sao được yên ổn.

Tôi biết thâm tâm bà, nhưng cố hỏi thêm một câu:

- Bà ơi! Nếu bà không ngăn cản, nhà cửa này không khéo cũng bay hết.

- Nhà này là của tao, đố con nào thằng nào bán được. Đố! Đố đấy!

- Bà bình tĩnh để cháu nói đã nào.

- Thôi hãy để cho tôi yên! Cút đi! Cút!

Tôi giận dỗi lui ra, tức tốc chạy về bưu điện. Quay máy, nhấc ống nghe, nói với anh Cả:

-...Anh ơi! Anh cố gắng sắp xếp công việc về nhà gấp. Ba mẹ hiện giờ đang có chuyện trục trặc với nhau.

- Ôi giời! Tưởng chuyện gì làm anh khiếp vía. Thế ra chuyện tình cảm giữa ông bà bô hả? Em cứ an ủi thuyết phục hai người. Đứa con là sợi dây vô hình đấy. Ở bên này anh đang rất bận. Ngoài việc học hành anh còn phải kiếm sống, không thể về được đâu.

Tôi nói như buồn khóc:

- Nếu anh không gửi thư về phân giải đôi lời, dẫu sao anh là anh cả, lại là đứa con ở xa làm ba mẹ dễ mủi lòng hơn.

- Lại thời gian này anh đang bận ôn thi phải tập trung sức lực trí tuệ vào bài vở. Anh cố gắng để tốt nghiệp bằng đại học loại ưu, sau này về dễ xin việc. Nếu may ra nhà trường cho học tiếp, anh sẽ cố gắng lấy luôn bằng tiến sĩ. Thời đại bằng cấp mà em...

Tôi đặt ống nghe xuống. Thôi đã đến nước này rồi tôi phải đi tìm ba. Chạy. Tôi chạy một mạch về cơ quan ba.

- Cháu...Cháu biết chuyện rồi hả? Chú bảo vệ hỏi.

- Chuyện gì hở chú?

- Ô...Thế cháu chưa biết sao?

- Chuyện gì chú cứ nói.

- Chuyện ba cháu bị công an bắt rồi.

- Ba cháu bị bắt? – Vì tội gì thế chú?

- Tội...tham ô tài sản XHCN.

Một tia chớp cuối trời cùng với tiếng nổ rền vang. Tôi có cảm giác như tiếng nổ kia không phải của trời đất mà của chính lòng tôi. Xé ruột gan tôi thành ngàn mảnh. Tôi quay đầu chạy. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi chạy nhanh như thế. Mặc cho chú gọi với đằng sau, mặc cho gió lướt bên tai ù ù, mặc cho những sợi mưa liên tiếp quất vào mặt đau rát. Chạy. Tôi chạy vào mưa...

Hê lô! Hơ hơ! He he! Bọn họ lại gặp nhau, tiếp tục cuộc đánh chén. Hôm nay là ngày khai trương văn phòng đại diện, Jôn ra sớm cách đây một tuần. Ngày nào Jôn và mẹ cũng dắt nhau đi phố, xoay chạy các thứ giấy tờ, đêm lại về tí táy với nhau. Mọi việc đã được sắp đặt đâu vào đấy, bây giờ họ đón các quan khách về ăn mừng. Ngôi nhà chật ních tiếng cười tiếng nói, tiếng cụng ly đanh lạnh.

Tôi đứng dưới nhìn lên thấy những bộ váy tung xòe lấp loáng bên cửa sổ. Jôn ôm lấy mẹ trong một điệu nhảy xập xình.

Trong cơn hứng tình, Jôn hỏi mẹ bằng tiếng Việt Nam rất sành:

- Như vậy, chúng ta đã tiến hành được một bước, còn tương lai người đẹp nghĩ sao?

- Anh yên tâm ngôi nhà này sẽ thuộc về anh thôi mà.

- Ô kê!...Nhưng còn giá cả?

- Cũng vừa vừa thôi, chẳng ai lấy đắt đâu cưng ạ.

- Nhưng còn giấy tờ thủ tục ra sao, tôi muốn biết cụ thể?

- Chưa lấy được, mấy hôm nay bà ta đang tỉnh lắm, sờ tay vào bà biết ngay. Chờ vài hôm nữa hẵng hay. Thế nào bà ta cũng nghẻo thôi mà.

- Như thế còn gì may mắn bằng. Ô kê con thiên nga của tôi hãy bốc lửa lên nào!

Nỗi căm giận sôi réo trong tôi. Các người thật to gan! Các người tí toáy với nhau chưa đủ hay sao? Lại còn âm mưu chiếm cả ngôi nhà này nữa? Ngôi nhà này là của ông bà tôi để lại thờ cúng tổ tiên, lẽ nào lại mất vào tay các người?

Tôi chạy ù xuống cầu thang.

- Bà ơi!...bà...

Bà không trả lời:

- Bà ơi giấy cấp đất đâu? Giấy chuyển quyền sử dụng ngôi nhà đâu hở bà? Vẫn im lặng.

Tôi tung tấm chăn đỡ bà dậy. Người bà nóng hầm hập. Mồ hôi vã ra đầy mặt đổ vào các nếp nhăn như những mảnh thủy tinh găm vào vầng trán. Ôi...Bà tôi làm sao thế này? Bà? Bà ơi...Tôi sờ lên ngực bà, tim bà đã ngừng đập. Trời ơi...Thế là bà tôi đã chết rồi. Tôi ôm lấy xác bà khóc ngằn ngặt. Trên kia cuộc vui vẫn chưa tàn, tiếng nhạc xập xình tràn xuống cầu thang nghe như gió cuốn, như giông bão, như có tiếng vỗ cánh rần rật của lũ quạ đen từ đâu bay về.

Bây giờ đứng trước bàn thờ của bà, tôi nghe nỗi buồn đau xao xát ruột gan. Bà đã qua đời, dẫu sao bà cũng đã yên phận một kiếp người. Nhưng còn cháu chắt, còn ngôi nhà, còn bàn thờ tổ tiên rồi sẽ ra sao. Bà chết không một lời trăn trối. Mọi thứ giấy tờ về ngôi nhà chẳng biết bà để ở đâu?

Hôm trước, lúc bà mới nhắm mắt, mẹ đã hộc tốc chạy xuống thọc tay vào túi áo của bà, lật cả xác bà lên rờ rẫm khắp chăn chiếu, xổ tung tất cả những thứ quần áo đồ đạc trong rương vẫn không tìm thấy một mảnh giấy nào. Tôi cũng đang ra sức tìm kiếm, nhưng chưa tìm ra. Hai bên đang cố giành giật nhau, chẳng biết rồi ai sẽ thắng. Nhưng nghe ra hai bên đều hết đường tìm kiếm. Bây giờ trông mẹ và Jôn cứ im ỉm, thỉnh thoảng thấy họ rầm rì bàn tán, có lẽ họ đang chuyển sang một âm mưu mới. Còn tôi cứ lo lắng chẳng biết làm thế nào.

Tôi vội gọi điện thoại cho anh tôi vừa báo tin bà mất vừa kể cho anh hay về chuyện ngôi nhà. Anh khóc. Lần này, anh nói với tôi, không phải bằng giọng vô tình như trước nữa mà bằng những lời nghe rất ấm áp:

- Thôi em đừng khóc nữa. Số phận của bà chỉ đến đó, biết làm sao được. Em ở nhà nhớ lo hương khói cho bà thật chu đáo, đừng để hương hồn bà lạnh lẽo tội nghiệp. Còn chuyện ngôi nhà, khỏi lo. Mọi giấy tờ bà đã nhờ ông Trần trưởng họ chuyển hộ cho anh cách đây một năm rồi – Lúc ba và mẹ có chuyện đổ vỡ...Em cố gắng ở nhà chờ đợi, chỉ còn một tháng nữa thôi anh sẽ về...

   Tôi đặt ống nghe xuống thở phào nhẹ nhõm, thanh thản nhìn ra. Còn một tháng nữa anh mới về. Hôm nay đã là mồng mười tháng Giêng, tiết trời đã bắt đầu ấm dần, những ánh sáng kiêu sa của mặt trời vẫn đang bị những đám mây che khuất.

                                                                                             C.H

Cao Hạnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 72 tháng 09/2000

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground