Đ |
ã nhiều lần cha bắt gặp tôi đứng ở hồi nhà nhìn ra con đường từ làng lên phố huyện. Chân trời pha màu xanh, tím, hồng rực. Những tảng mây trôi bồng bềnh ở cuối con đường xa ngái. Tôi không biết cha nghĩ gì, tôi chỉ cảm nhận được sự bất ổn đầy nỗi lo âu trong ánh mắt của người. Lúc ấy, tôi cố nén tiếng thở dài, nem nép và lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt. Rồi cha tôi cũng nhìn con đường ra phố huyện uốn lượn ngoằn ngoèo ôm lấy chân núi, men theo bờ đầm chạy tun hút đến ga xép... Người làng Sơn Hạ của tôi, khi đi xa, lúc trở về dù đi bộ hay ngồi xe trâu cũng phải theo con đường này. Chỉ một thời gian nữa là con đường sẽ rải nhựa xong, chẳng biết người làng tôi có còn ngồi trên xe trâu ra phố huyện nữa hay không?
Tôi đánh xe trâu ra ga đón anh Toàn. Đã đến ngày anh quay trở lại để đón tôi đi. Tôi sắp xa làng ra thành phố.
Cha bảo tôi cứ bước ra khỏi nhà là cha lo. Cha giục tôi đi nhanh còn về sớm. Đón không được, tối quá thì đừng về, đánh xe vào nhà cô Thơm ngủ. Cô Thơm là người làng tôi. Người ta bảo thời trẻ, cha tôi và cô phải lòng nhau. Nhưng rồi cô lên phố học may, cô không về làng nữa. Cô bỏ áo nhuộm củ nâu, mặc áo trắng tân thời, lấy người chủ hiệu may giàu có trên phố huyện. Cha tôi chỉ buồn mà không giận. Chuyện ấy qua lâu rồi. Những lúc về làng cô Thơm cũng qua thăm nhà tôi. Rất lạ! Lần nào ra khỏi cổng nhà tôi, cô cũng ngậm ngùi, mắt rưng rưng như người sắp khóc...
Tôi cởi cái khăn len màu đất tự đan lấy quàng lên cổ cha. Tôi cũng nói: “Đã sang chiều rồi cha lên núi lùa dê về sớm thôi kẻo hơi núi đá lạnh.” Cha tôi gật đầu, cha lại đứng nhìn con đường, nhìn tôi cầm thừng đánh xe trâu lọc cọc lên phố huyện.
Ga xép nhỏ đìu hiu ẩn mình trong bóng núi. Hoàng hôn màu cỏ úa trùm lên đỉnh núi con Rùa và dãy Tam Điệp. Xa xa nữa là núi Ngọc Mỹ Nhân mờ nhòa trong hoàng hôn đang lụi dần. Tàu chợ về muộn. Tôi nghiêng ngó nhìn quanh. Anh Toàn đâu chẳng thấy, chỉ có mấy bà đi buôn chuyến, vài anh bộ đội vội vã xuống ga...Con tàu thoáng đến ga xép, con tàu lại đi. Tôi đứng nhìn, đến khi con tàu xa dần, xa dần rồi khuất hẳn mới giật mình thấy lẻ loi trên sân ga vắng lặng. Tôi quay đầu xe trâu, không khóc mà nước mắt cứ ứa ra...
Tôi nhớ, vào một buổi sáng chủ nhật, tôi đánh xe trâu đưa anh Toàn ra ga. Ngồi trên xe, anh giành phần cầm thừng đánh trâu đi.
Anh Toàn vội vã lên tàu. Lúc tàu sắp chạy, anh ló đầu qua ô cửa sổ:
- Cưng ơi. Anh đi nhé.
- Khô...ông! – Tôi hoảng hốt – Em đi theo anh luôn.
- Đừng liều thế. Còn cái xe và con trâu.
- Bỏ hết. Anh ơi! – Tôi cuống quýt.
Anh Toàn xua xua tay:
- Không được đâu em. Còn đàn dê, còn bố em ở nhà.
“Còn bố em ở nhà”. Tôi bàng hoàng, đứng lặng, nước mắt nhòe nhoẹt khi con tàu loang loáng chạy qua. Anh Toàn không buồn như tôi tưởng. Tôi không hiểu sao hôm ấy, anh Toàn đi về thành phố rất đột xuất, rất vội...
Người ta đang làm lại con đường, có chỗ đổ đá hộc rất khó đi. Mùi nhựa đường mới hăng hắc lẫn mùi xăng, dầu mỡ của xe lu, xe ben chở đất đá làm tôi khó chịu quá. Tôi đánh xe về mà đầu óc cứ váng vất, âm u.
- Gâ...ấm. Có phải là Gấm không.
Tôi giật mình, người đàn ông đang đứng sừng sững trước đầu xe trâu. Mãi sau tôi mới cất được lời:
- Ai như...anh Sang?
- Phải. Cô Gấm đi đâu, giờ này mới đánh xe về?
- Em đi ra ga đón ngư...ời...nhưng mà lỡ tàu rồi.
- Tôi cũng về chuyến cuối ngày. Không mua vé, tôi nhảy tàu nên lúc xuống chẳng dám vào ga.
- Anh Sang làm ăn ở trên ấy có khá không?
Anh Sang lắc đầu.
- Có tìm được chị ấy không?
Anh Sang lặng thinh.
- Khổ thân anh. Lên xe đi, em chở về cho.
Anh Sang vòng lại, quẳng cái ba lô lộn ngược xuống thùng xe, trèo lên ngồi đằng sau. Tôi ngồi đằng trước cầm thừng. Tiếng móng trâu trộn lẫn tiếng xe lăn lộc cộc dưới chân. Đi được một đoạn thì anh Sang lên ngồi bên cạnh tôi. Tôi đưa dây thừng cho anh cầm. Anh Sang thỉnh thoảng lại uầy...uầy...giục giã trâu đi. Cái xe có lúc nhảy chồm chồm. Còn con trâu thở hồng hộc, bọt mép nhểu ra. Dạo vợ anh Sang còn ở nhà dọc con đường này hoang vắng, heo hút lắm. Lối nhỏ vừa đủ bánh xe trâu lăn. Hai bên cây cối um tùm. Chồn cáo kêu suốt đêm, chim cu gù suốt ngày. Còn bây giờ thì đường đã sắp làm xong. Công nhân giao thông phát quang quẻ cây cối hai bên. Từ lúc họ ào về làm con đường này, ở đầu làng quán xá, nhà mái bằng mọc lên như cái phố chợ. Tôi liếc nhìn. Mặt anh Sang hơi buồn. Anh có vẻ tầm tã, từng trải. Người anh Sang lực lưỡng, rắn rỏi, tay áo xắn cao, bắp thịt vồng lên. Lòng trống trải, nhưng bên anh Sang, tôi thấy tin cậy quá. Tôi cảm nhận được mùi mồ hôi đàn ông lẫn mùi đồng đất phảng phất bay...
Gió núi thổi rười rượi kéo những đám mây màu xám nặng nề bay trên mặt đầm đang thẫm dần. Tiếng mõ gọi trâu lốc cốc lẫn tiếng sáo réo rắt từ chân núi vọng đến. Người thôn quê lam lũ ở đồng cỏ, thung Dâu, mặt Đầm...đang lục tục kéo nhau về. Các quán cóc xập xệ ven đường đã lên đèn. Chưa đến đầu làng, anh Sang dừng xe trâu lại, trả thừng cho tôi. Anh thở dài:
- Tôi xuống đây thôi. Tự nhiên tôi không muốn vác cái mặt này để người làng thấy. Người ta đi chín về mười. Còn tôi thì...chẳng được cái tích sự gì.
Tôi chưa kịp nói, anh Sang đã cầm cái ba lô lộn ngược nhảy từ thùng xe xuống đường. Anh rẽ xuống bờ đầm Vực đi tắt về cái vó bè. Chẳng biết lúc bỏ làng ra đi, vợ anh Sang có nghĩ ngợi gì không? Và chị có biết anh đi tìm chị lúc về rầu rĩ thế nào không? Tôi cứ nghĩ vẫn vơ trong đầu rồi nhớ lại ngày chị Gái rời làng đi theo diện xuất khẩu lao động ở Đông Âu. Chị bảo tôi: “Mày ở nhà đỡ đần cha thay tao. Tao đi cũng là vạn bất đắc dĩ. Ở làng Sơn Hạ này thì cô Tấm vẫn chỉ là cô Tấm thôi. Chẳng bao giờ thành hoàng hậu đâu.”. Tôi hỏi: “Sao chị không chờ hoàng tử đến rước đi?” Chị Gái lắc đầu: “Mày còn bé quá. Chả hiểu gì cả”. Chị đứng nhìn nhà cửa, ao vườn một lượt. Ra khỏi đầu làng, chị lại đứng trên xe trâu nhìn xóm thôn, đầm Vực, eo Bát...một lượt nữa mới quay đầu hẳn. Chị Gái đi mang mỗi một bộ quần áo theo, còn bao nhiêu chị tống gói hết vào trong hòm. Chị bảo: “Toàn quần áo mốt, đắt lắm, tao đi xe trâu lên tận phố huyện mua bằng tiền bắt cua bán giấu mẹ đấy. Đừng cho phí đi, con gái làng này không có tiền mua, mà chúng nó cũng chẳng biết ăn diện. Sang bên kia tao sắm đồ mới. Mày thấp chưa đến cằm tao, ngực thì mới nhu nhú chưa mặc được đâu. Mày giữ đến nữa lớn mà dùng”. Quần áo chị Gái thì tôi biết. Con gái làng chỉ dám mặc vải láng, vải phin
Tự nhiên tôi thấy người nôn nao, nước miếng tứa ra, chỉ muốn nôn mà không tài nào nôn được. Tôi dừng xe lại, thở dốc. Con trâu đánh sừng cánh ná cồng cộc. Nó quật đuôi sang hông phải, lại vắt đuôi sang hông trái bịch bịch đuổi muỗi.
Cha đón tôi ở đầu ngõ. Cha vừa đóng cửa chuồng dê xong. Mấy con ăn chưa no trọn cứ gại sừng vào ván tường kêu rống lên be be. Cha ái ngại nhìn tôi. Tôi tháo ách vai trâu rồi nói với cha:
- Anh Sang đi nhờ xe con về đấy, cha à.
- Cha lùa đàn dê về qua vó bè thì gặp nó. Thế còn...thằng Toàn?
Tôi nghẹn ngào:
- Cha ơ...ơi.
Rồi ào vào lòng cha thổn thức.
Tôi về nhà, một lúc thì trăng thượng tuần ló lên khỏi đỉnh núi con Rùa. Ánh vàng non trải mỏng trên cánh đồng cỏ và mặt đầm. Thỉnh thoảng lại tủm, tủm tiếng cá ăn đêm ở mặt nước. Cha tôi ngồi lên chõng tre, dựa lưng vào vách nhà trầm ngâm. Tôi ngồi bó gối nhìn ra ngoài cửa sổ, miên man trong vô vàn suy nghĩ. Anh Toàn không quay lại. Chả lẽ hoàng tử vào làng rước cô Tấm vào cung chỉ là giấc mơ thôi? Tôi sẽ chờ! Tôi sẽ bỏ làng ra đi! Tôi sẽ lại đứng trên xe trâu nhìn về đầm Vực, thung Dâu...? Và tôi lại nghĩ đến làng.
Làng tôi – làng Sơn Hạ lô xô những chóp nhà dưới chân đồi Bạch Bát và chân núi Lò Vôi. Từ xưa đến nay làng tôi vẫn như vậy: nhỏ bé, giấu mình, im lìm trong vùng đất bán sơn địa heo hút. Từ sau làng vượt qua eo Bát đầy dấu chân dê là đến thung Dâu. Còn trước mặt làng là đầm Vực, qua đầm đến đồng cỏ và ruộng. Đồng đất chiêm trũng làng tôi giáp với phần núi cuối cùng của dãy Tam Điệp. Đi trên quốc lộ một nhìn về quê tôi chỉ thấy đá vôi là đá vôi. Đá vôi trùng trùng, điệp điệp chứ không phải là tam điệp. Lại còn những quả núi mồ côi giống hình con rùa, con mèo, con voi, con hổ...nằm rải rác trên cánh đồng chiêm trũng Gia Viễn, Yên Mô nữa. Ngày ba tháng tám, đồng đất làng tôi chỉ một màu trắng nước. Dạo mẹ tôi chưa mất, đêm nghe sóng vỗ bì bọp đập vào chân núi, mẹ tôi cứ lo, trằn trọc không ngủ được. Sáng ra thấy vịt trời kiếm ăn chỏng ngóc đít lên, năn lác, rong rêu dạt vào bờ đầm, cha tôi ngao ngán thở dài, oán trời trách đất. Mẹ tôi đong gạo nấu cơm, ngần ngừ, đắn đo, rồi bốc một nắm bớt lại. Ngày mỗi ngày, nồi cơm độn sắn khoai nhiều hơn. Đến khi tháng năm âm lịch về, đồng đất làng Hạ Sơn bừng lên màu vàng bát ngát của đồng lúa chen lẫn với màu xanh thẫm của đồng cỏ và một màu trắng trong mênh mông của đầm Vực. Mẹ tôi và chị Gái đi gặt lúa đang thì uốn câu nặng trĩu. Cha tôi lùa đàn dê qua eo Bát vào thung Dâu từ mờ sáng cho đến khi lẫm chẫm tối mới về...
Một lúc nữa có vợ chồng cô Thao chửi nhau chí chóe, tiếng bát đĩa vỡ loãng xoãng ở đầu làng. Cô Thao năm nay ba mươi tuổi, chú Thao ít hơn cô bốn tuổi. Hai người cưới xong thì người trong làng đến đòi nợ. Cô Thao bỏ nhà lên thành phố kiếm tiền. Hai năm sau cô ôm về một bọc tiền. Nợ nần trả hết, rồi xây nhà mái bằng, dựng lên một phòng hát karaoke. Chú Thao đặt ống trúm bẫy lươn suốt ngày ở đầm Vực, ở ngoài đồng cỏ. Một lần chú về bất chợt, bắt gặp cô Thao hát với khách, chú ghen vác ống lươn đánh cô đến xây xẩm mặt mày, rồi ôm ắc quy điện quẳng tòm xuống đầm. Cứ tưởng phải đóng cửa, sau lại thấy bọn choai choai ở làng, ở các vùng lân cận kéo nhau đến nhiều hơn.
Nhà cô Thao hết chửi, im ắng một tẹo lại thấy hát. Hình như quên không đóng cửa sổ, giọng hát ủ ê, khắc khoải từ cái loa thùng lọt ra ngoài. Hát rằng: Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều...Nào đâu cái yếm lụa sồi... Tôi nghe chạnh lòng và thấy buồn buồn. Có tiếng dê động chuồng kêu, tiếng cá quẫy trên mặt đầm, tiếng loa loẹt xoẹt. Rồi tất cả im bặt. Cha tôi thở dài, đưa tôi cái gói nhỏ:
- Cha quét nhà, nhặt ở dưới chân giường con. Sao đến nông nỗi này hở con?
- Không có gì đâu cha...
- Nói một tiếng cho nhẹ người đi. Để cha lo. Cha không giận con đâu.
Cha tôi đã già rồi. Tóc bạc và lưng không còn thẳng nữa. Tôi đã giấu cha. Tôi thèm đất vách bếp hơn cả chua me. Nó vừa bùi vừa thơm mùi bùn khô, mùi bồ hóng, lúc nước bọt ngấm hết lại thấy ngòn ngọt, càng ăn càng háo...
Tiếng cha tôi lẫn tiếng cá quẫy trên mặt đầm, tiếng gió lùa nhè nhẹ qua cửa sổ. Lòng chộn rộn những tình cảm lẫn lộn, tôi không nghe trọn các lời cha dạy. Cha nói với tôi rất nhiều đại loại là: Con người có quê hương cũng như con chim có tổ. Chim mà ra khỏi tổ gặp giông gió thì chịu đựng làm sao. Con cá chỉ sống dưới nước, ném lên cạn là con cá chết. Con chim chỉ bay trên trời làm sao sống trong nước được...Cha lấy cuộc đời cha ra làm ví dụ.
Bất chợt, có tiếng đàn bầu rất gần từ ngoài đầm Vực vọng đến. Tiếng đàn trong trẻo, ngân nga làm lòng tôi xốn xang. Đành rằng:
Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc
Cây trúc mọc bên bờ ao
Rồi lại:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi vào bể hạt ra ngoài đồng
Tôi bước ra ngoài sân. Con đường từ làng đến phố huyện đã chìm vào màn đêm. Đứng ở đây tôi không thể thấy mây bay ở cuối con đường. Phía phố huyện, ánh sáng xa quầng lên lờ mờ, phía trên nữa là thị xã. Còn thành phố thì nhạt nhòa, xa lắc, tôi không hình dung ra được, chỉ biết qua anh Toàn. Anh đã chỉ thành phố ở phía Bắc, chỗ ngôi sao to đang nhấp nháy cuối chân trời kia...
Anh Toàn bảo tôi: “Sao em cứ chịu làm thân phận người nông dân sống tù túng ở làng thế. Phải thay đổi đi”. Tôi nói: “Em biết. Nhưng bằng cách nào? Anh chỉ cho em. Mà làm thân phận khác, chắc gì sẽ sướng hơn”. Anh Toàn móc túi du lịch đưa ngay cho tôi xem các bức ảnh anh chụp với bạn bè nghỉ mát ờ Hồ Tây, ở Đầm Sen, Sài Gòn, ở bãi biển Đồ Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu. Nơi đó nhà hàng, khách sạn cao to đẹp lộng lẫy hơn nhà ngói vảy cá ở làng tôi. “Chỗ của em không phải ở làng. Gấm ạ. Ở chỗ này cơ”. Anh lại chỉ một cái ảnh con gái nói tiếp: “Em mà đi biển mặc bộ bikini này thì đẹp thiên thần. Cả bãi biển phải chết lặng nhìn em”. Tôi đỏ mặt ngượng ngùng. Tôi chưa một lần ra thành phố. Biển cũng hoàn toàn xa lạ với tôi. Cái làng tôi suốt ngày đầu tắt mặt tối ở thung Dâu, đồng cỏ. Cái xà cạp quấn bắp chân, cái khăn tắm bịt mặt che nắng chỉ để hở hai con mắt. Con gái làng tôi tắm nước đầm Vực nước da trắng hồng. Nhưng bùn đất, nước chua váng ở đồng cỏ vẫn làm rám đen từ đầu gối xuống bàn chân, còn ngón tay thì tù lại, ram ráp nứt nẻ đầy các đường chỉ mảnh. Cắt cỏ, cấy lúa, chèo thuyền thì ngón tay con gái làng chẳng bao giờ thành búp măng đâu...Anh Toàn không bảo, tôi cũng đã muốn bỏ làng ra đi, muốn không chèo thuyền hái sen, cấy lúa, chăn dê. Anh Toàn lại không chỉ cho tôi phải thay đổi thân phận mình bằng cách nào.
Tiếng đàn bầu dắt tôi ra khỏi nhà, kéo tôi ra khỏi cơn mộng mị về thành phố và thân phận người con gái ở làng. Tôi đi lang thang trên đồng cỏ. Tôi bước đến đầm Vực. Dưới trăng non đầu tháng, lá sen màu xanh ngọc lắc lư trong gió. Sóng nước đầm Vực loang loang. Bất chợt tôi giật mình. Tôi nhìn thấy một người con trai vâm váp, ngực vồng lên dưới ánh trăng. Tôi thụt người lại và ý nghĩ xâu hổ bừng trên mặt. “Đừng sợ, tôi là Sang đây”. “Có phải anh vừa đánh đàn bầu?”. “Vâng, cô cũng nghe à?”. “Vậy thì anh lên đi. Em không sợ nữa rồi”. “Nhà vắng vẻ quá cô Gấm à. Càng đánh đàn bầu ruột gan càng bồn chồn. Chịu không được. Nhảy xuống nước. Hóa ra đầm Vực trong mát làm dịu đi tất cả”.
Nhà anh Sang ở giữa xóm, thày anh kéo vó bè. Những lúc lùa dê lên núi xong, cha tôi hay xuống vó bè chơi hút thuốc lào với thày anh Sang. Thày anh Sang có cái đàn bầu. Ngày còn nhỏ tôi hay xuống vó bè, nghịch đàn cứ gảy tưng tưng. Có đêm tôi mải chơi ngủ quên ở trong lều, vừa mơ màng nghe tiếng nước rót xuống mặt đầm tong tỏng. Vợ anh Sang bỏ làng lên thành phố làm ăn được một năm thì ở nhà thày anh mất. Cũng chẳng biết chị ở đâu mà báo tin. Cúng bố hết một trăm ngày, anh Sang gửi cha tôi trông coi ngôi nhà tranh và cái vó bè rồi cũng đi luôn. Chả biết có tìm thấy nhau không?
Trăng liềm cong cong trải ánh vàng non lên mặt nước, đồng cỏ. Gió đầm man mác thổi. Bầu trời bàng bạc cao lên và rộng ra. Tôi nhìn thấy ánh trăng loang loáng trên ngực anh Sang. Mùi da thịt dàn ông, mùi bùn non và hương sen theo gió phảng phất trong đêm. Anh Sang đi đến sát bên tôi. Vạt váy ngủ của tôi lật lật trong gió thổi xòa vào cả chân anh. Tôi bắt chéo tay trước ngực cố che đi cái cổ váy khoét rộng đang đẫm ánh trăng non. Anh Sang vô tình đặt cánh tay trần lên vai tôi. Người nóng rực và khó thở, tôi rụt rè: “Anh Sang về hẳn hay vài bữa lại đi?”. “Tô..ôi...Cũng còn tùy”. Tôi lại nói bâng quơ: “Anh Sang bây giờ khác quá.” “Ờ Gấm cũng thế. Lớn. Phổng phao. Còn bác thì già đi rất nhiều”. Tôi gỡ tay anh Sang ra khỏi vai: “Anh Sang này...” “Gấm ơi! Tôi biết tất cả rồi. Giờ...Gấm tính sao?” “E..Em...” Có cái gì đó vỡ òa trong ngực. Tôi đi như chạy về nhà, mặc anh đứng nhìn theo. Nước mắt tôi nóng hổi lăn dài hai má.
Sáng, đàn dê thức dậy trước cả tôi. Chúng lau nhau, nhốn nháo trong chuồng chờ mở cửa. Cha tôi cầm roi tre, kéo chốt gỗ. Con dê cụ đầu đàn thoắt ra trước, đứng ngay bên cửa chuồng. Tiếng lục cục, tiếng be be đánh thức cả làng Sơn Hạ dậy. Cha tôi lùa đàn dê vào thung Dâu.
Tôi xuống thuyền để bơi ra đầm Vực hái sen. Ngỡ ngàng quá, tôi thấy một bông hoa sung rất đẹp đặt ngay trên mũi thuyền. Cọng hoa dài, cánh màu trắng ngà hơi bung ra, đã nhìn thấy nhụy hoa vàng lấm tấm phấn ở trong. Nước đầm Vực lúc sớm mai trong xanh, trông rõ cả ngó sen trắng ở dưới. Mặt trời nhô lên, nắng sớm tràn đến tận đường chân trời. Sen, súng ngạt ngào một màu xanh. Vịt trời, le le, kêu ầm ĩ và chấp chới bay lên. Tiếng kêu đập vào vách núi rồi dội lại, vang xa. Tôi cầm bông súng trắng đưa ngang lên mặt. Hương súng thơm dịu, phảng phất mùi cỏ, mùi bùn non ngai ngái. Tôi dường như quên đi hết những day dứt, bâng khuâng, khắc khoải của ngày hôm trước.
Đã sang chiều mà không thấy cha tôi về. Chờ mãi, tôi đành xúc cơm vào liễn sành mang vào thung Dâu. Đi qua chỗ vó bè nhà anh Sang, anh bảo:
- Cô Gấm cho tôi đi với. Tôi muốn thăm lại thung Dâu
- Lỡ người làng thấy em đi với anh.
- Chẳng sợ. Hôm qua chả đi với nhau là gì.
- …
Chúng tôi trèo qua eo Bát vào thung Dâu. Eo Bát dốc ngoằn ngoèo, đất vàng sậm lẫn sỏi và đá lớp. Đỉnh eo Bát có một dòng nước nhỏ, lúc nào cũng chảy róc rách xuống đầm Vực. Con bé chăn trâu tóc cháy vàng, đang cúi lom khom, tay ôm bó lá sả, tay vốc nước vả lên mặt. Thấy chúng tôi, con bé ngước mặt lên. Thì ra là con Hĩm em út chú Thao. Con bé cười tươi: “Anh chị đẹp đôi nhỉ. Chị rửa mặt không? U em bảo: nước này chảy trong eo ra là nước thần. Con gái tắm rửa nước này, da trắng hồng lên, không ế chồng đâu”. Anh Sang lặng im, nhìn trời nhìn đất chẳng để ý gì con bé. Tôi thoáng đỏ mặt, đặt liễn cơm xuống: “Ừ, cho chị rửa chung với”. Đúng là nước thần nước tiên, trong vắt và mát lạnh. Tôi thấy đầu óc tỉnh táo, người khỏe khoắn hẳn ra. “Em lấy sả ở đâu thế”. “Ở sườn đồi bên đầm Vực kia kìa. Nhiều vô kể. U em nói: Con gái gội đầu nước lá sả là tóc thơm, dài ra, đen mượt. Đắt chồng lắm! Chị có lấy chồng không?”. Tôi gật đầu, cười và vén mớ tóc ướt nhoèn trên trán nó.
Đàn dê nhà tôi đang len lách, leo trên sườn núi. Dưới eo Bát là thung Dâu, ngày trước người ta trồng dâu để nuôi tằm, kéo tơ dệt vải, dệt xong muốn đen thì đem ngâm với bùn ao và lá sồi, hoặc giả củ nâu già nhuộm màu đất. Dạo mẹ tôi còn sống và chị Gái chưa đi lao động ở nước ngoài, không thấy người ta trồng dâu nữa. thung Dâu để hoang, cây lúp xúp mọc và cỏ tranh tốt bời bời. Người làng Sơn Hạ hay vào cắt tranh về lợp nhà. Bây giờ người ta xây nhà mái bằng hoặc lợp ngói vảy cá. Ít người vào, thung Dâu hoang sơ đầy hang hốc chồn cáo.
Cha tôi ngồi bên suối Yên Ca, dưới gốc cây mã tiền. Tôi và anh Sang chưa kịp hỏi, cha tôi đã nói:
- Một con dê mãi ăn lạc đàn mất rồi. Cha tìm mãi.
Anh Sang hỏi cha tôi:
- Liệu nó có đi quay lại eo Bát sang bên đầm Vực không chú Thào. Để cháu đi tìm cho.
- Thôi, chẳng thấy đâu. Có khi nó leo Quèn Thờ sang bên Thanh Hóa, hoặc bị trăn quấn nuốt mất rồi.
Nhà tôi đã mấy đời nuôi dê có tiếng trong làng. Tuy vậy, một năm thất thoát ít nhất cũng vài con. Có khi là trăn quấn, là đá lăn chết, nhưng phần nhiều dê mãi ăn lạc đàn, đi xa quá không biết đường về. Người nuôi dê giỏi là người biết dạy con đầu đàn cho cả đàn theo, chứ sức đâu mà lúc nào cũng ốp sát, đếm từng con một. Con đầu đàn dứt khoát phải là con đực, nhiều tuổi nhất đàn. Con đầu đàn nào mặt mũi nhăn nheo, râu bạc phếch, nhưng vẫn lanh lợi, dẻo dai, mắt long sòng sọc thì uy quyền đối với đàn càng lớn. Cái giống dê rất lạ. Đi ăn dù có tản ra, chúng cũng dắng con đầu đàn mà theo. Vậy mà cũng có con dở hơi, có con ngờ nghệch, cả con tinh ranh mãi ăn quá tách đàn lúc nào không biết.
Cha tôi ngồi dịch ra lấy chỗ cho anh Sang. Người ông nhễ nhãi mồ hôi. Cha tôi nhặt đầy túi hạt mã tiền. Tôi không tiếc con dê mất, tôi nhớ đến cút rượu cha ngâm nhân hạt mã tiền lúc nào cũng để ở đầu chõng. Thứ thuốc của chanh, hương bưởi và mùi thơm lá sả ở làng, ở đồng cỏ, thung Dâu. Tôi mang dáng hình của núi Ngọc Mỹ Nhân. Cha tôi, mẹ tôi là những người chân lấm tay bùn. Hồn thiêng của tôi là hồn của quê hương…
Con đường đã làm xong, chuyến xe ô tô tải đầu tiên về làng lúc chập tối. Người ta bốc xuống mì chính, xoong, nồi, radio…cả quần bò áo phông nữa. Sáng hôm sau, họ chất lên xe đầy mộc nhĩ, nấm hương, cá chép, dê, mèo, gà trống choai…chở lên thành phố. Hạt sen trước kia chỉ lấy về ăn và cho nhau, giờ không có để bán. Đàn dê nhà tôi cũng lên được mấy giá. Người ta đang đấu thầu khai thác đầm Vực và thung Dâu. Cha tôi rủ anh Sang mua chung một cổ phần. Anh không kéo vó bè nữa. Cha tôi cho anh Sang cái xe trâu. Anh chỉ xin xe; còn con trâu sừng cánh ná, anh trả tiền. Trong lúc chờ đấu thầu, hàng ngày anh đánh xe lọc cọc đi các làng quê mua dê, hạt sen và nông sản gom về nhà cho người trên thành phố đánh ô tô về lấy.
Lại một chuyến ô tô về làng. Từng chuyến, từng chuyến về rồi đi. Người làng tôi không còn ai ngồi xe trâu ra phố huyện nữa…
Một tuần sau. Chị Gái tôi đánh xe tải chở đầy hàng hóa về làng. Trời đất ơi! Mười năm bươn chải kiếm ăn, mười năm cha con, chị em cách xa. Mừng mừng tủi tủi quá. Chị Gái khóc. Tôi khóc. Cha tôi cũng khóc. Cha thắp hương lên bàn thờ mẹ: “Bà nó ơi ời! Sao bà nó không sống đến ngày hôm nay mà hưởng phú quý con gái đem về. Bà nó ơi ời” Chị gái phủ phục xuống trước bàn thờ mẹ…
Tối, cha nhìn đống hàng ngồn ngộn chất cao một gian nhà, bảo tôi: “Cha lo, cứ mê mải kiếm ăn làm giàu biết bao giờ chị mày mới chồng con”. Chị Gái nghe được nói luôn: “Lúc nào cha cũng lo xa. Cha chả hiểu gì chúng con cả”. “Ờ, tôi già rồi. Trời đất này là của các chị. Thật chả biết ra làm sao nữa”. Cha quay lại tôi: “Còn con này nữa. Mặc đồ Tây chị mày đem về rồi đi nốt đi”. Lần đầu tiên tôi thấy cha có vẻ giận dỗi. Tối hôm ấy cha tôi đi nằm sớm.
Tôi và chị Gái nằm trò chuyện rì rầm. Càng về cuối chuyện càng lắng đi, chị ngủ lúc nào không biết, chắc là đi đường mệt. Tôi vẫn thao thức, mắt nhìn lên trần nhà và nghe tiếng cá quẫy ở ngoài đầm. Cha tôi lọ mọ dậy. Tôi thấy cha tôi ngồi bó gối trên giường. Thì ra ông vẫn thức. Tôi cũng ngồi dậy vấn tóc, đến bên cha “Cha khó ngủ à?”. “Cha già rồi. Con ngủ đi. Con mất ngủ không lợi đâu”. Tôi khe khẽ ngồi cạnh cha. Cha tôi đang toan tính điều gì cho tôi, cho chị Gái? Im ắng quá. Bên ngoài cửa sổ, ánh trăng đổ xuống mặt nước, vườn cây. Mặt đầm vực trắng đục, sương đêm giăng mờ ảo. Thấp thoáng bóng bồ nông ngồi như đụn rạ và bóng vạc đi ăn đêm mò mẫm ở góc đầm cạn…
Chị Gái ào về rồi chị Gái lại đi. Theo xe tải của chị là mấy chục thanh niên nam nữ của làng. Chị lấy người đi làm cho công ty trách nhiệm hữu hạn của chị ở thành phố. Lần này đi không thấy chị nhìn thôn xóm, núi đồi, đầm ruộng như lần đi trước nữa. Tôi đứng nhìn cái ô tô chở người đứng lố nhố đến khi khuất hẳn. Họ đã đi hết rồi, chỉ còn tôi trơ trọi ở làng…
Cuối cùng thì tôi cũng ra đi. Tôi đi nhờ xe trâu của anh Sang chở hàng sớm lên phố huyện. Sương còn rơi đẫm trên lá cây. Tiếng sừng trâu đánh vào gióng cộc cộc đòi ra khỏi chuồng. Tiếng gà gáy muộn xao xác ở đầu làng. Ban mai tràn ngập trên đồng cỏ. Đi một lúc tôi mới giật mình. Tôi chưa nhìn đồng đất, làng xóm trước lúc ra đi. Anh Sang hỏi tôi: “Gấm ơi. Chú Thào có đồng ý không?”. “Cha em lùa dê đi rồi.”.
Tôi và anh Sang đứng ở sân ga. Tàu chợ ở phía nam ra, từ từ dừng hẳn. Lại mấy bà đi buôn chuyến, vài người nữa chắc là công nhân đi phép. Anh Sang bảo: “Hay là tôi đưa Gấm đi.” “Còn cái xe trâu, còn…”. “Gấm ơi! Tôi bỏ hết…” Tôi chưa kịp nói thì bất chợt nhìn thấy vợ anh Sang đang loay hoay từ cửa tàu bước xuống. Vậy là chị đã trở về. Nhưng kìa! Làm sao cái bụng của chị to kềnh càng thế. Tôi giật thột, nhìn xuống bụng mình. Tôi lại nhìn anh Sang. Anh đứng câm lặng, mồ hôi vã ra. Con trâu vẫn đập đuôi và đánh sừng vào càng xe cộc cộc…
Ánh nắng buổi sớm bừng lên. Bầu trời mở toang ra bốn phương tám hướng. Dãy Tam Điệp hiện rõ một màu lam trùng điệp. Con tàu lại từ từ rời ga. Nắng mới lấp lóa các ô cửa sổ tàu. Tôi hoảng hốt: “Trời ơi! Lỡ tàu rồ…ồi!”
Lúc ấy, tôi không biết mình phải làm gì. Tôi chỉ thấy loang loáng các toa tàu nối nhau đi và bồng bềnh những đám mây xanh đang bay ở cuối con đường.
S.N.M