Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Miền cỏ ngủ

Mưa rả rích từ đêm qua tới giờ không ngơi nghỉ. Thơm mường tượng, hẳn lúc này ở ngoài trời cũng chẳng phân biệt được sớm hay muộn, màn mưa phủ trắng xóa nhờ nhờ.

Cô muốn chui ra khỏi hầm, xem thử nước sông có lên không nhưng lại thấy lấn bấn khó chịu trong người. Mấy miếng vải mùng chưa kịp khô đã bị nước giọt làm cho ướt nhẹp. Tiết trời tháng bảy khi nóng nực như muốn thiêu đốt người ta, lúc mưa xuống lại dầm dề ẩm ướt. Người cô bắt đầu ngứa ngáy, giá được tắm một trận cho đã rồi chết cũng bằng lòng. Đàn bà con gái sao cứ có mấy ngày này khổ quá. Thơm mặc chồng thêm một chiếc quần vì chốc nữa lại phải ra ngoài.

“Đêm nay sẽ có một đơn vị qua sông.” Chị Tính du kích nói khẽ. Thơm rầu rầu, chị nói to cũng chẳng ai nghe, mưa lớn rứa mà. Nghe nói toàn người ngoài kia, sinh viên trí thức cả. “Coi có thằng mô mần tới đi Thơm ơi”. Chị nói và đưa cùi chỏ huýt vào tay Thơm. Người đang ngứa ngáy khó ở, mệt muốn chết mà chị còn đùa. Bom vẫn dội đì đoàng ở phía bên kia chẳng khác chi tiếng sấm trên trời. Xẹt lửa và có mùi khét. Mùi của những đám cỏ xuyến chi, mùi của vạt cỏ ngủ, chỉ loại đó mới còn sống lay lắt trên đất này chứ còn cây cối chi mô. Mấy bụi tre già cỗi sau nhà chị Tính sống trơ mấy chục năm thế mà hôm trước vừa biến mất, chỗ đất mà gốc tre bám trụ từ lâu đời nay thành cái hố bom sâu hun hút.

Không biết bên ấy thế nào. Lúc thì nghe đùng đoàng đến thót tim, khi thì im lặng đến đáng sợ. Nhiều đêm nhìn lên trời thấy pháo sáng còn sáng hơn cả trăng rằm. Trời vẫn mưa da diết.

- Cứu đồng chí ấy với cô y tá ơi!

Một anh chiến sĩ mềm oặt được đồng đội cõng vào lán. Đặt bạn mình xuống, anh lính trẻ vừa nói vừa thở:

- Hình như nó sốt rét, cứ mê man suốt. Nhờ đồng chí cứu nó giùm tôi, đến cái cầm tay con gái còn chưa biết, chết giờ tội lắm. Tôi phải đi bây giờ. - Anh nói một hơi, đưa mắt nhìn Thơm nhờ cậy rồi đi.

Chắc đây là những chiến sĩ thuộc đơn vị sẽ vượt sông đêm nay. Chị Tính cùng đơn vị du kích đã ra đón họ từ chập choạng tối.

Anh lính trẻ đang nằm mê mệt, da tái nhợt, người run bần bật, mồ hôi vã ra ướt đẫm như tắm. Cho uống thuốc hạ sốt xong, Thơm loay hoay giặt khăn đắp lên trán anh. Người lính lắp bắp trong mê man “Mẹ ơi, lạnh quá, lạnh quá!”.

Thơm nhìn người nằm đó mà thương quá. Chăn màn đã ướt nhẹp, có cái áo Thơm đã khoác vô người để ý tứ che sau mông rồi, cởi ra đắp cho anh ấy thì tội quá. Chẳng kịp suy nghĩ gì, Thơm nhắm mắt và dang tay ôm chàng chiến sĩ trẻ khi anh cứ tiếp tục run lẩy bẩy. Cô nghe mặt mình nóng ran, tự dưng đỏ ửng. Mùi mồ hôi phả ra từ thân hình rắn chắc của người thanh niên này làm Thơm thấy đường đột, lạ lẫm. Bàn tay mềm mại của đồng chí ấy rõ là tay cầm bút, khuôn mặt trắng trẻo thế kia. Thơm bắt mình nhịn ý nghĩ vừa gieo lên rằng ít hôm nữa họ sẽ lại được chuyển sang đây gặp Thơm với vẻ mặt đau đớn máu me, có khi nằm lại luôn bên bờ kia hay dưới sông lạnh lẽo. Chiến dịch đang hồi căng thẳng, vài ngày lại có đợt chuyển quân, bổ sung lực lượng. Chị Tính nói đó còn là bổ sung ý chí nữa. 

* * *

Kiên tỉnh lại sau một giấc ngủ dài, nhiều mộng mị. Anh thấy mình đến một con dốc lạ ở trên đỉnh đồi cao ngất, lạnh toát. Vũ dìu Kiên lên chỗ này rồi vội vã đi. Kiên muốn chạy xuống đồi hay đi đâu đó để bớt lạnh mà chẳng nhấc chân nhấc tay được. Cứ cựa quẫy một lúc thì nóng ran, ấm dần, hệt như mặt trời đang mọc trên đỉnh đầu mình vậy. Mở mắt ra, Kiên thấy một người con gái ôm phủ lấy người anh. Cảm giác lâng lâng khó tả bởi lần đầu gần hơi con gái đến thế, mùi bồ kết phả ra từ mái tóc đen nhánh làm Kiên xao xuyến lạ lùng. Và bàn tay mình đang nằm trong tay cô ấy, lại được áp vào má, hèn gì anh chẳng thấy lạnh nữa. Kiên cố không cựa quẫy sợ đánh thức cô y tá nhưng tê mỏi quá, anh dịch người khe khẽ thì cô gái choàng tỉnh.

- Ơ, đồng chí tỉnh rồi! Đồng chí thấy trong người ra răng?

Kiên lớ ngớ mất mấy giây, không hiểu cô gái đang nói gì, chốc sau mới trả lời:

- Vâng, tôi đỡ rồi. Cảm ơn đồng chí! Phiền đồng chí cho tôi xin cốc nước.

Thơm vụt đứng bật dậy, sực nhớ ra đêm qua mình vòng tay ôm trọn người con trai này rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay. Giấc ngủ hiếm hoi từ ngày nằm lại lán một mình kể từ hôm chị Hà hy sinh. Đưa cốc nước cho Kiên mà mặt Thơm chưa thôi ửng đỏ, cô bắt đầu thấy ngại ngùng.

Kiên lơ mơ nhớ lại. Từ lúc có lệnh chuyển quân đã thấy trong người khó ở, cứ nóng ran rồi ngất lúc nào không hay. Anh em cố gắng đưa Kiên vào tận đây để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ.

- Thế họ đâu cả rồi?

- Chắc đã qua bờ bên kia. - Thơm nói nhưng không chắc lắm với câu nói của mình, không biết cả đơn vị bao nhiêu người được đặt chân lên bờ bởi đêm qua pháo sáng dội cả đêm.

- Đồng chí biết bơi không? - Đột nhiên Thơm hỏi lưng chừng.

Kiên gật đầu nhè nhẹ.

Chị Tính cười rổn ràng từ ngoài lán, tay cầm mấy củ khoai luộc rồi hồ hởi:

- Ngon lắm, khoai còn nóng hủi và bụng tau thì bỏng rồi!

Ba người ăn khoai luộc, mỗi người một cảm giác khác nhau. Với Kiên, đây là củ khoai ngon nhất mà anh được thưởng thức. Đặc biệt vừa ăn vừa lắng tai nghe hai người con gái ở bên trò chuyện, họ nói bằng tiếng địa phương đặc sệt lại rất nhanh, Kiên nghe chữ được chữ mất.

- Khoai nhà mệ Thảnh đó, trước khi đi mệ qua dặn tau nhớ lấy nấu ăn. Mi biết chừ tau thèm chi không?

- Thèm ăn bánh lọc à? Em thì thèm tắm.

- Con ni thiệt tình. Hôm qua chừ chưa hết thèm à.

- Đã tắm được mô mà không thèm, chị thấy người em hôi không?

Kiên vờ ngủ mà vẫn nghe hai cô gái nói chuyện. Anh định bật dậy nói với cô gái kia rằng, người em chẳng hôi chút nào, thơm lắm, nhưng thấy sỗ sàng vô duyên quá nên thôi.

- Thằng cu ni ngon hè. Đẹp trai thiệt!

Thơm đỏ mặt. Chị Tính húc vào tay, “Ê chi mà đỏ mặt rứa, tối qua chỉ mi với hắn ở đây, mi làm chi hắn à?”. Chị nói rồi cười rổn rảng.

Kiên cười tủm tỉm, biết hai cô gái đang nhắc đến mình. Giọng vùng này nằng nặng nhưng nghe vui tai và hay hay, cảm giác hai cô gái nói chuyện mà như hát.

- Chị ni, nói chi mô á. Sáng ni mới tỉnh đó. Sức anh khỏe chứ người khác là không xong rồi, đã sốt còn dầm mưa. Nói nhỏ thôi để anh ngủ.

- Tau thấy số hắn may, chứ tối qua mà đi thì…

Mới đêm qua chị Tính đã khóc như mưa, ngồi buồn bã cả đêm. Thơm mừng vì sáng nay chị đã lấy lại tinh thần. Chị bảo buồn mãi cũng chẳng được chi, thêm bi lụy. Thơm hiểu, giữa cuộc chiến này, sự sống và cái chết là làn ranh mỏng manh, đang vui vẻ với nhau đây, chốc lát lại đắp mồ cho nhau ngay sau đó. Như tháng trước cũng tại căn lán này, khi Thơm cùng chị Hà bác sĩ và mấy chị du kích ngồi chuyện trò, đúng lúc Thơm quay xuống hầm lấy lược lên để mấy chị chải tóc và đan tít thì một quả đạn pháo dội xuống ngay trước lán. Tỉnh dậy, Thơm thấy mình bị vùi dưới xác của chị Hà và mấy chị trong đội du kích. Chị Tính lúc ấy đau bụng, chạy ra sau bụi tre nên chẳng can chi. Đỡ Thơm lên, chị khóc ngất vì thấy Thơm còn thở, chỉ bị điếc nhẹ chứ không hề hấn chi hết. Khóc xong lại phải rỉ rả mà cười tiếp.

* * *

“Có lệnh điều anh đi. Qua bên nớ anh nhớ cẩn thận. Mạnh giỏi!”. Thơm rớm nước mắt nói với Kiên. Một tuần ở lán, Kiên cũng nóng gan nóng ruột lắm rồi. Sau đợt huấn luyện cấp tốc, Kiên chưa được giao một nhiệm vụ nào cụ thể. Anh muốn chạm vào cuộc chiến thật sớm để góp sức mình cùng anh em đồng đội.

 - Đây là làng Biều. Khi anh đặt chân lên bờ bên kia là quê em, làng Kênh.

- Hòa bình, em ra Bắc làm dâu nhé! - Kiên cầm tay người con gái đã chăm sóc anh một tuần qua. Anh sẽ nhớ mãi vị những bát cháo nóng hổi, mùi nắm lá cô gái đắp cho anh những lúc anh sốt mà cô lặn lội đi kiếm về. Nhớ cả hương tóc, hương thơm thoang thoảng từ người con gái này.

Thơm gật đầu nhè nhẹ.

- Hình như đây là mùa cỏ ngủ. - Kiên nhấc chân tránh vạt cỏ nằm mé sông.

 - Cỏ ngủ thì làm chi có mùa hả anh. Chẳng qua bom đạn cày xới quá, không có cây mô sống nổi ngoài mấy cây này. Nếu bình yên chắc tụi nó nở tím cả một vạt trời.

- Quê anh, cây này còn có tên là trinh nữ.

Kiên đi, thả lại nụ cười trong veo, đẹp đẽ.

* * *

Lán được điều động thêm nhiều y bác sĩ. Thương binh chuyển qua bờ mỗi đợt mỗi nhiều. Có anh bị thương ở mắt, có anh cụt cả tay chân, người chỉ còn một cục thịt mà vẫn cứ cười, ôi tao còn sống. Có anh bị thương nặng, phải chịu đau mấy ngày liền, vì không thể sơ cứu kịp đã lịm đi khi vừa chạm vào tay Thơm. Hồi mới vô chiến trường, lần đầu thấy một thương binh hy sinh trên tay mình, Thơm khóc, tay chân run lẩy bẩy, mất ngủ mấy đêm liền. Cứ thao thức nhớ đồng chí ấy vừa mới cười cợt với mình xong, nụ cười còn vương lại đâu đây. Còn bảo tay chân không còn chắc giờ anh thành Sọ Dừa rồi em nhỉ. Chị Hà nói sợ nhất là những anh tỉnh như thế này, mê man chút còn đỡ, chứ tỉnh là dễ… đi lắm.

Thơm đảo mắt tìm kiếm xem trong số thương binh chuyển về liệu có nụ cười răng khểnh đã từng cười ôm trọn ánh mắt mình và bàn tay nắm chặt dịu dàng hôm nào đó. Cô nửa mừng nửa lo khi không thấy bóng dáng người đó đâu, dặn mình phải tin rằng đạn bom sẽ tránh người đó.

Đêm nay, hai chị em lại thức trắng. Chị Tính nói, nếu thời gian trở lại tau sẽ kiếm đứa con với anh ấy.

 - Tối qua tau mơ anh bị bắn.

Chị bảo hôm đó, anh ấy áp vào người chị, hai đứa cứ ôm nhau chặt như thể sẽ tan vào nhau ngay thời khắc đó. “Giá lúc đó cứ làm liều”. Nghe chị buột miệng mà Thơm ái ngại. Nhớ người bạn đã cõng Kiên hôm nọ, anh ấy đã nhắn gửi Thơm rằng bạn anh còn chưa cầm tay con gái. Có bao nhiêu chàng trai nằm xuống mà chưa biết cảm giác cầm tay người yêu, chưa một lần được yêu. Họ hồn nhiên vào đời lính mà chẳng mảy may tính toán, lựa chọn bởi lý tưởng và nguyện ước của mình lớn hơn tất thảy.

* * *

Thành Cổ đập vào mắt Kiên là một chiến trường khốc liệt. Những bờ tường chi chít vết đạn. Mùi khói khét lẹt từ quả bom vừa nổ, mùi khét của cỏ cây, mùi của da thịt người. Tiếng rên la đau đớn của đồng đội bị thương. Kiên từng hình dung, mình sẽ chiến đấu ở nơi khu rừng rậm rạp cây lá êm đềm, có tiếng chim hót và nghe mùi lan rừng nở. Chiến trường ở đây không một bóng cây ngọn cỏ, thời tiết lúc thì khô hạn, lúc mưa dầm dề. Và nụ cười của người con gái ấy, cái nắm tay ấm áp dẫu chẳng mấy mềm mại kia là điều đẹp đẽ nhất mà Kiên có được. Bàn tay chai sần ấy hẳn là bàn tay một cô gái đảm đang với ruộng đồng cày cấy mỗi khi rời kim tiêm, viên thuốc.

Một quả đạn cối dội ngay trên công sự chỗ Kiên nằm. Đồng đội kế bên bay mất một chân, Kiên thì mất một cánh tay. Giây phút thấy cánh tay mình rời đi, Kiên chới với bởi ý nghĩ, thôi rồi, bàn tay mà cô y tá đã nắm và hôn dịu dàng lên đó, tiếc chi mà tiếc. Mất đi rồi, cũng mất luôn cảm giác ấm áp lạ lùng kia. Kiên và đồng đội chôn một chân một tay của mình cùng nơi để bầu bạn. Anh bạn vỗ vai Kiên “ước chi tao đổi được cho mày”.

* * *

Hòa bình, dì Thơm không lấy chồng. Ngoại nói mấy chú mấy cậu theo dì nhiều quá, đi cắt duyên tình mấy nơi mà chịu. Dì cứ ủ ê buồn bã. Mỗi dịp lễ, dì Tính qua rủ dì đi họp hành, viếng thăm nơi này nơi nọ nhưng dì nhất quyết không chịu, bảo buồn lắm, ngồi nghe mấy ông kể chuyện ngày xưa thêm buồn.

Dì nuôi ý nghĩa chú Kiên đã mất, không có trong số thương binh chuyển về, không về tìm lại dì, nghĩa là không còn nữa. Ngoại ho húng hắng, khóc cạn nước mắt, nói với dì Thơm, sống bình thường như người ta đi con. Đến năm bốn mươi lăm tuổi, có người tới hỏi dì Thơm làm vợ. Vì ngoại mỗi ngày đang mòn mỏi, chống gậy thở ngắn than dài với con gái, lo lỡ lứa trôi thì, lo không có ai nương tựa khi về già. Dì gật đầu, chịu lấy người đàn ông ấy. Mặc kệ chân chú Huân cụt tới gối. Mặc kệ chú Huân ngày xưa là lính phía bên kia chiến tuyến. Tập tễnh trên đôi chân giả, hằng ngày chú Huân đến nhà lặng lẽ ngồi xoáy trầu cho ngoại. Dì Thơm bận cho heo ăn, rồi luống cuống nấu rượu, chẻ củi, cứ cắm cúi làm cho hết việc, hết ngày, không có thời gian để ngồi uống nước với khách. Ngoại nói đàn ông cứ thiệt thà là được, bất chấp chi ngày đã qua, sống bình thường đi con ạ. Thơm nhìn người sẽ là chồng, ừ, người ta đâu thể phi tang quá khứ được. Có điều nên quên để mà sống.

Dì Thơm mang chiếc áo dài đỏ, đội khăn xếp trên đầu, làng xóm quây quần bên mấy mâm cỗ mừng. Ngoại đi ra đi vào, hết khóc lại cười, quên cái này cái kia. Gần năm mươi tuổi, dì Thơm vẫn là bông cỏ ngủ. Ngại ngùng làm đàn bà, ngại ngùng sống như những người đàn bà bình thường khác.

* * *

- Bông này, bây giờ gọi là bông gì hả cháu?

- Dạ, xưa chừ vẫn tên là cỏ ngủ thôi chú!

Một người thương binh già nua nhìn vào vạt cỏ ngủ tím biếc bên sông rồi hỏi nhỏ. Chú tập tễnh xuống bến thả hoa thắp hương rồi đứng nhìn lặng một hồi lâu. Những người lính như chú chưa từng luyến tiếc những năm tháng trên chiến trường, chỉ có điều nếu tiếc, chú vẫn tiếc cánh tay. Nếu đổi một cái gì đó lại cho chiến trường thì chú sẽ đổi đôi chân. Bâng quơ nhìn tôi, chú nói thật ra thứ chú tiếc là cảm giác thiêng liêng ấy, là những xao xuyến đầu đời cùng cô gái y tá người Quảng Trị, tên Thơm. Kể xong, chú quay qua bảo với tôi cần tìm một người bạn cũ, nhưng chẳng biết sao để tìm. Tôi cười, chỉ cần chú nói lại tên tuổi, cháu sẽ tìm giùm và dẫn chú về gặp bạn. Chú Kiên cười, nụ cười răng khểnh tươi rói.

 D.A

 

DIỆP ANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 346

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground