Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mở đường

TRUYỆN NGẮN dự thi

X

óm nhỏ có cái tên thật độc đáo: xóm Cố bạn. Trước kia, từng là một ngọn đồi già trơ trọc nằm thoai thoải bên quốc lộ một mé đông nam thị xã. (Đông Hà nay đã là thành phố). Dưới chân xóm, một bên là khách sạn mới khánh thành, một bên là bến ô tô trải ra nhộn nhịp. Cả xóm có ba mươi bảy ngôi nhà, gồm một nhà dân, ba mươi sáu nhà cán bộ. Cái tên “Cố bạn” do người ta nói lái đùa chữ “cán bộ” mà ra. Lại nữa, mối quan hệ bằng hữu cố kết từ lâu giữa một số gia đình cán bộ ở đây cũng góp phần tạo nên ý nghĩa nội dung cái tên ấy.

Thoạt tiên có năm cán bộ quân đội hưu trí (có người vốn trước là thủ trưởng một đơn vị từng đóng chốt ở đây) đến cắm năm cái nhà lều ở tạm với nhau. Rồi một ông tìm chỗ chóp đồi cao nhất xây nhà. Tiếp đến, gia đình bà Bắc - quê đâu ngoài Bắc nên gọi luôn tên Bắc, cũng là nhà dân duy nhất trong xóm, lên định cư theo. Thời gian đầu chẳng ai nhòm ngó đến nơi này. Đến lúc rau màu, sắn khoai, cây cối trong vườn các gia đình này đáp lại công khai khẩn vất vả của chủ mà vươn lên xanh tốt và cũng như để khẳng định câu nói“người ta hoa đất” thì ngọn đồi trọc trở nên có sức thu hút mạnh mẽ bao người khác. Thế là cuộc chạy đua lên đồi được bắt đầu. Lúc bấy giờ phòng nhà đất thị xã hẳn chưa đủ điều kiện để với tới mà quản lý mảnh đất đồi này. Cho nên chẳng mấy chốc cái hoang hóa trơ trọc của ngọn đồi đã được thay bằng một xóm nhà tấp nập. Và trong chừng mực nào đó, mang cả đặc sắc của một “thế giới tự do”.

Do quan hệ sinh hoạt trong cùng một cơ quan, người ta quây nhà ở với nhau thành từng cụm nhỏ. Mỗi cụm có một cung cách riêng. Anh thương nghiệp, thực phẩm rủ nhau quay nhà mặt ngược. Ngân hàng, tài chánh thích ngắm mặt trời mọc, ngó cửa đằng xuôi. Bưu điện, ủy ban sợ gió mùa đông bắc, lại ngoảnh vào nam. Cánh vận tải, ô tô, thủy lợi, công trường… thì quay bất chấp. Nhà ở đã cái lên cái xuống, cái thụt cái thòi, mà cái nào cũng cố vươn vai, ưỡn ngực, thò đầu, nhô trán ra đường như để phô diễn cho hết cái sức mạnh, niềm kiêu hãnh của các ông chủ để rồi chung nhau lại mà đẻ ra một nỗi trần ai là giao thông bế tắc. Vào thời sơ khai, thị xã còn nhiều việc chưa có thời gian sắp đặt hết mọi sinh hoạt trong dân. Nhưng rồi cũng đến lúc phải quy hoạch lại dáng vẻ của mình. Phòng nhà đất không thả nổi cho ai muốn ở đâu thì ở. Phòng xây dựng đang trù liệu những địa điểm dành để xây dựng một số công trình. Phòng giao thông lo tính toán mở các con đường nội thị.

Ở xóm “Cố bạn” có một số gia đình các vị trưởng phòng,ban, đặc biệt có cả gia đình vị phó chủ tịch văn xã thị cư trú. Mọi chủ trương dân sinh hoặc văn hóa xã hội, lãnh đạo thị vừa bàn hôm trước, hôm sau đã từ khe hở nào lọt ra ngoài. Dân xóm “Cố bạn” bắt đầu xôn xao. Đâu thì chưa biết, chứ như cơ cảnh ở đây thì khi quy hoạch, vườn tược, đất đai một số nhà sẽ bị xén bớt, cây cối rau màu sẽ bị thu hẹp chặt đốn, thậm chí có nhà phải dời chỗ ở đi nơi khác là cái chắc...

Đã có một đoàn cán bộ chuyên môn các ban ngành thị xã, có đại diện chính quyền thị, phường, khu phố đi theo đã về khảo sát địa bàn dân cư xóm “Cố bạn”. Họ đã thống nhất cứ theo thực tế địa bàn, muốn tránh đỡ hao tổn hư hại cho dân trong khi chủ trương đền bù giải tỏa mặt bằng chưa có, muốn làm đường lớn, chỉ còn một cách cơi nới hoặc mở rộng con đường cũ vằn vèo đang chạy ngang giữa xóm. Và cuộc họp dân xóm được tổ chức ngay sau đó mấy hôm. Chủ trương mở đường được chính thức công bố. Sau khi bàn thảo sôi nổi hết mọi cạnh khía, mọi người đều đồng ý sau ba ngày khi giao thông cắm vè phóng tuyến xong thì những gia đình có liên quan đến phần đất mở đường phải di chuyển hàng rào, đào bới cây cối cho máy ủi làm việc. Có một bầu không khí nằng nặng, bưng bức thật khó tả lan tràn trên xóm “Cố bạn”. Người ta dõi theo sát nút từng bước chân đoàn cán bộ thiết kế con đường. Khi mấy anh trắc địa mang máy đến nhe nhe ngắm ngắm rồi mấy anh cán bộ giao thông bắt đầu cắm vè tim đường thì người ta mới thật sự hồi hộp lo lắng. Có người còn làm một gói thuốc Xa-mit (“Xa-mít nói ít hiểu nhiều. Sapa đứng xa mà nói”. Xa-mít là hạng đặc biệt thơm ngon, đắt tiền nhất lúc bấy giờ) kè kè bên cạnh họ. Đến lúc phạm vi và hướng đường được định vị xong, có người đánh một tiếng thở phào nhẹ nhõm, có người lại mang lấy tâm trạng nặng nề như có đá đeo.

Hơn ba trăm mét đường buộc phải lượn thành ba khúc, khúc thứ hai lượn thẳng vào có thể làm mác mất một mảng vườn khá to của gia đình ông phó chủ tịch thị. Đêm hôm đó bà vợ không tiếc lời chì chiết, ca cẩm với ông chồng: “Ông thấy chưa? Ông thật hết sức vô tích sự. Cũng quyền cũng chức như ai, bàn bạc thế nào mà quan trọng nhất là cái hướng đường lại không bàn tới. Bây giờ họ đóng cọc vào ngay giữa vườn nhà ông tính sao?” Ông chồng ngồi im trên chiếc ghế bành. Điếu thuốc kẹp giữa hai đầu ngón tay cháy ngún tàn dài tận mẩu đót. Bà vợ tiếp tục rên rỉ: “Chao ôi hàng cà phê, mấy cây mít tố nữ người ta mang giống từ Sài Gòn ra cho! Nào những hồng xiêm, chanh tứ thời, bơ, vú sữa, thanh trà… Thôi thôi rồi họ ủi tất tần tật”. Ông phó bực mình quay lại “Rõ khổ đàn bà”. Rồi cứ để mặc vợ phân trần làm đường cho rộng thì ai không muốn nhưng phải tránh vườn tược cây cối cho người ta, rồi có chồng làm to thì thế nào “bụi tre cũng che được một phía”... Ông hậm hực bước ra sân, ra ngõ đứng trông ngược trông xuôi, lại trông lên ngôi nhà vị đại tá về hưu như cái lô cốt đứng án ngự trên chóp đồi như chắn mất lối thoát của một cái gì đó. Lại ngó sang anh bạn thực phẩm, vườn tược không hề sây sứt, mình thì quá buồn lòng mà anh ta chắc đang hả hê lắm đấy. Quả có thế thật. Ông cửa hàng trưởng nói với vợ: Bà thấy tôi nói có đúng không. Phen này thì có người ngồi mà tiếc của đứt ruột. Bà cười mỉa rồi khía cạnh trả lời: Ừ, ừ, thì ông giỏi. Ông giỏi nên mới cùng lứa cùng tác với nhau lại đi nhường cái chức phó chủ tịch cho người ta mà chỉ dám nhận lấy mấy cái cửa hàng… “Hừ, chuyện nhỏ”. Ông trưởng cửa hàng vẫn tỏ ra đắc ý.

Hẹn ba ngày đã tới mà những gia đình có liên quan chuyện giải tỏa không thấy ai động tĩnh. Cán bộ phường rao báo gia hạn thêm hai ngày nữa. Tại nhà mấy cán bộ thương nghiệp, các ông chủ vẫn túm tụm bên ấm trà đặc, khói thuốc thơm, đòi đặt lại vấn đề. Hư hại nhiều quá. Nhà nước phải nói sao về các khoản hoa lợi của dân đã. Chưa có đền bù, chưa ủi được đường. Mặt khác vẫn sắp đặt con cái chuẩn bị sẵn sàng, hễ thấy mọi người thuận lòng “hy sinh”,thì tung lực lượng đào hố bứng cây, gỡ dọn hàng rào cũng không muộn. Thành thử cái gia hạn thêm hai ngày trôi qua vẫn thấy mọi người “bình chân như vại”. Không thể chần chừ, đoàn cán bộ chỉ đạo thi công đi duyệt qua xóm một lượt rồi chum đầu hội ý một lúc như bộ tham mưu trước trận đánh, đoạn tuyên bố vẫn cho máy húc tiến vào. Chiếc máy húc như một con gấu sắt khổng lồ đã đứng chờ sẵn đâu đó liền hùng dũng xuất hiện. Tiếng máy kêu rung chuyển cả xóm. Lũ trẻ con hò reo ầm ĩ tràn ra đầy đường bâu quanh cỗ máy. Những người có vườn tược liên quan trở nên rối rắm, tay dao, tay cuốc hết ra ngõ lại vào sân. Đào bứng cây cối trồng chỗ khác ư, không kịp nữa rồi; chặt hạ cho máy húc ư? Xót tiếc lắm. Đau như tự cầm dao cầm rựa chặt vào chân tay mình… Những gia đình có vườn cây phải đối mặt với chiếc máy húc đang hết sức bối rối đã đành, những gia đình vườn tược cận kề cũng không yên tâm. Biết đâu máy móc xê dịch lại không sát phạt vào hàng chuối, hàng ổi của mình. Những gia đình hoàn toàn cầm chắc sự yên ổn lại tò mò đổ nhau ra xem. Thành thử không ai là không có việc để tự cho mình bỏ việc cơ quan, nghỉ ở nhà, ra đứng trước ngõ mà trông ngược trông xuôi và trông cỗ máy húc…

Cỗ máy vẫn gầm gừ dữ dội. Nó lừ lừ tiến lên độ mươi mét và bắt đầu húc vào cây phi lao bờ giậu nhà ông cán bộ bưu điện. Lũ trẻ con vừa chạy ra vừa vỗ tay hò reo, tức thì có người khẩn trương can thiệp. Ông bà chủ nhà xông ngay ra trước máy huơ tay, miệng hét thật lực cho anh lái máy nghe thấy: Khoan khoan, hãy khoan khoan! Cây đổ đè sập hết nhà cửa rồi đây này... Thấy người mà nghĩ đến ta, những chủ nhà lân cận hùa ra theo hò hét, hỗ trợ vợ chồng ông bưu điện. Anh cán bộ giao thông phụ trách đứng giữa đường quay lại cỗ máy đưa chéo hai tay lên đầu. Chiếc máy húc từ từ dừng lại. Khắp mọi phía, người ta liền rời khỏi vị trí nãy giờ vẫn đứng nhấp nhổm xem chừng trong ngõ. Họ ùa cả ra mặt đường, rồi đôi chân không biết tự khi nào đã đưa đẩy họ đến vây quanh nơi vừa suýt xảy ra “án mạng” cây phi lao. Có mấy cụ hưu trí cũng chống gậy tới. Bà vợ ông bưu điện phân bua:

- Bà con coi, làm ăn như rứa đó. Còn không kịp cho người ta trở tay.

- Ừ đấy, vừa rao báo xong là cho máy ủi liền.

Cánh gia đình vườn tược đang có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng cùng nhao lên một lượt. Anh cán bộ giao thông thanh minh:

- Thì bà con bảo sao? Đã họp hành bàn bạc đâu vào đấy rồi nhé. Bà con đều đồng ý ủi đường. Mặt đường đã được khảo sát cắm vè phóng tuyến từ gần tuần nay…

Một anh cán bộ thương nghiệp cãi lại:

- Họp là họp chủ trương. Công việc cụ thể thì sao nữa chứ? Chưa đâu vào đâu cả. Chẳng hạn phương thức thi công, rồi hướng đường, rồi phương thức đền bù đất đai hoa lợi cho người ta…

- Chưa có hướng dẫn đền bù giải tỏa mặt bằng đâu bà con ạ. Còn nói phương thức thi công gì đó tôi không hiểu. Phóng tuyến cắm vè rồi - anh giao thông cắt lời anh Thương nghiệp.

- Thì cho họp hành lại xem như thế có ổn không đã. Còn chưa có chủ trương đền bù thì hẵng khoan làm - một giọng đàn ông nào đó trong đám đông tự động nói to.

- Hẵng khoan làm thì không có đường mà đi - một cụ hưu trí đứng cạnh anh ta đáp lại.

Cả đám đông cười rộ lên. Rồi mỗi người một câu góp vào không ai nghe ra ai nữa.

Trong khi đó tại nhà ông đại tá cũng có cuộc họp mặt. Đó là nhóm năm người bạn quân đội hưu trí. Cái tổ hợp năm con người ấy cứ như trong bài hát “năm bông hoa nở cùng một cội, năm ngón tay trên một bàn tay”. Mỗi người một tính cách mà tư tưởng, hành động rất nhất quán với nhau. Ông đại tá được dân xóm đặt cho biệt hiệu “nghiêm ngặt”. Bởi dù đã về làm dân thường, ông vẫn cứ một cái nếp quân phong quân kỷ. Một ông được mệnh danh là trung tá “thầm lặng” bởi dù vui dù buồn, chưa bao giờ người ta thấy ông nói cười giữa đám đông. Một ông mang lấy cái tên trung tá “lửa” do chị nhân viên bán hàng thực phẩm đặt cho. Vác sổ đi xếp hàng mua thịt, chờ mãi nghe xướng tên: Trần Văn Lửa. “Kìa ai là lửa, vào mà lấy tích kê cho người khác tiếp theo với kìa”- Mọi người sốt ruột thúc. Vị trung tá nghển cổ nói to: Có lẽ là của tôi, xin chị xem kỹ đọc lại tên cho có phải tên tôi là Trần Văn Lúa? Cô bán hàng nheo mắt đánh vần kỹ lại rồi nói chữa thẹn: “Phải, Lúa, Lúa, cái dấu sắc mà đánh ngoặc cứ như dấu hỏi”. Một trận cười khai sinh cái tên mới cho ông “lửa”. Ông trung tá thứ ba lại có tính vui nhộn, hơn sáu mươi tuổi vẫn thích chơi với lũ trẻ, bày cho chúng cái trò “ban lông mi-li-te”. Vào thời mảnh đất đồi còn trống trải, cứ chiều chiều lũ trẻ lại ôm bóng ra chia làm hai phe tranh vật nhau. Có đứa trật xương trầy da vì môn bóng quân sự của ông. Và ông trung tá có cái biệt hiệu “trung tá mi-li-te” từ đó. Ông đại úy thì bé loắt choắt, thông thạo mọi việc, tháo vát, nhanh nhẹn, miệng nói tay làm. Vì bỏ lại một bàn chân trên mặt trận Điện Biên năm 1954, phải xuất ngũ sớm nên chỉ mang có hàm đại úy. Chân đi hơi khập khiễng mà đâu đâu ông cũng tới được, việc gì cũng đứng ở hàng đầu và mau chóng hoàn thành. Cả xóm rất thân thiện gọi ông bằng cái tên “đại úy nhanh nhẩu”. Trong sinh hoạt nhóm năm vị sĩ quan quân đội hưu trí ấy, mọi người thường nghe theo quyết định cuối cùng của ông... Hôm đó họ không theo cả xóm tụ về phía máy húc mà ngồi ở phòng khách ông đại tá. Ông đại tá hai tay chắp sau lưng, đi đi lại lại, trông dáng đang suy nghĩ điều gì đó rất lung. Tư thế nghiêm trọng như ngày nào ở trong hầm chỉ huy trước một trận đánh lớn đang bước vào hồi gay cấn, quyết liệt nhất. Im lặng nặng nề một lúc rồi ông cất giọng:

·             - Có lẽ tôi cho đập căn nhà này các ông ạ. Trung tá “thầm lặng” chiếu đôi mắt già nua nhưng còn sáng quắc vào ông bạn mình như ngoặc một dấu hỏi to tướng. Trung tá “lửa” bật nẩy lên với ý nghĩ “ông già lại giở chứng gì ra đây rồi”. Trung tá “mi-li-te” chụp được ý nghĩ của ông đại tá như chụp quả bóng.

·             - Tôi tán thành. Đúng đấy. Tôi xin nói - giọng đùa bỡn hiền lành - một là đã về vườn ông còn thích làm đại tá, chọn mô đất cao hơn người mà ở, không nghe chúng tôi từ đầu - đổi giọng nghiêm túc - đất đồi mỗi lâu mỗi bị xói mòn trơ lại sỏi đá, vườn tược khô cằn, phân gio không có, cây cối rồi cũng khô héo theo người. Hai là - ông ngước mắt đảo vòng quanh căn phòng - các ông xem vách tường đang nứt rạn ra cả đấy rồi. Khi ông bạn xây nhà, nhà máy xi-măng Đông Hà thiếu lan-ke mới chỉ sản xuất ra một thứ gọi là bột tã, tầm tầm ngang với vôi ở lò vôi cây số sáu... Nhà xây bằng bột tã, thợ xây lại dối, thì lâu bền làm sao được! Không sớm chạy mau mau, một trận gió giật bão cấp tám đã đủ làm nhà sập đằn chết người rồi. Ba là, nếu đứng ở góc nối với quốc lộ một, cứ vào con đường xóm mà chiếu thẳng lên, thì nếu không có “anh chàng” này án ngự, ta có thể thiết kế một đại lộ thẳng ro tận đến chân trời… Trung tá “lửa” chất vấn:

- Như vậy, nên đập nhà vì con đường hay vì nhà cần xây lại?

- Vì cả hai - trung tá “mi-li-te” đáp - Cái chung và cái riêng cùng kết hợp - rồi ông hạ giọng như phân trần - mà thậm chí chẳng phải chúng mình đã từng quen gác cái riêng cho cái lợi ích chung xã hội đó sao!

- “Ông đơn giản hóa vấn đề quá rồi đấy”- trung tá “lửa” cắt ngang ông bạn mình.

Bầu không khí chùng xuống. Lắng trầm một lúc rồi ông đại úy “nhanh nhẩu” lẳng lặng đứng lên bước ra ngoài. Ba ông bạn trung tá chơ ngơ nhìn nhau. Chừng ba mươi phút sau một đoàn gồm ông “nhanh nhẩu” đi trước tiếp là mấy cán bộ thi công con đường, có cả ông phó chủ tịch thị, cả bà Bắc cũng lóc cóc chạy theo. Họ đường đột ập vào nhà ông đại tá như một cơn bão. Ông đại úy “nhanh nhẩu” nói:

·             - Thế là ổn rồi. Thưa các đồng chí, thưa các ông bạn già của tôi. Cách đây mấy hôm khi ông đại tá tham khảo tôi chuyện này, tôi hơi đột ngột và nghĩ bụng đây là cả một vấn đề. Ông bà mình nói “sống cái nhà, thác cái mồ”. Một đời lăn lội theo việc quân, nay về hưu xây được năm mươi mét nhà ở, muốn phá đi không dễ đâu. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, chẳng bài toán khó nào là không có cách giải. Chỉ cần con người ta sống, ai cũng có một tấm lòng, có một quyết tâm, biết vì cộng đồng, biết chung lưng đấu cật thì không bao giờ lại chịu bó tay trước bất kỳ một khó khăn nào. Đây, tôi xin giới thiệu có các đồng chí phụ trách chỉ đạo thi công con đường, các đồng chí sẽ có mấy câu.

Anh trưởng phòng nghiệp vụ giao thông đứng ra nói: “Thay mặt anh em tôi xin kính chào tất cả các bác. Anh em chúng tôi vừa được bác đại úy đây nói rằng có thể dừng công việc lại để tính tới một phương án khác thuận lợi hơn. Bác đại tá muốn dời nhà ở để con đường chạy thẳng, khỏi uốn lượn va chạm nhiều đôi bên, nếu được thế thì quý hóa quá. Có chủ đích ấy, chắc bác cũng đã dự định phương hướng mới cho mình rồi phải không ạ? Ông đại tá trả lời:

·             -  Cám ơn các đồng chí đã đến với chúng tôi. Đúng như những gì ông bạn đại úy đây đã nói. Phát biểu vừa rồi của đồng chí phụ trách hẳn muốn hỏi tôi có nguyện vọng gì không chăng? - cả phòng cười lên vui vẻ.

·             - “Có thế thật thì ông thử nói xem ông có nguyện vọng gì không” - trung tá “mi-li-te” chêm vào. Ông đại tá nói tiếp.

·             - Nếu thế thì nhân có đồng chí phó chủ tịch thị ở đây, tôi muốn đồng chí đề nghị Thường trực Ủy ban cấp lại cho tôi mấy thước đất để làm nhà khác có được không? - “Chỉ có thế thôi à?”- ông phó chủ tịch thị hỏi ngang.

·             - Thì ông bảo đã tự nguyện gỡ bỏ nhà mình đi còn dám đòi hỏi tổ chức gì được nữa? Vả lại các ông ạ, tôi chỉ có hai ông cháu, ở nhờ tạm nhà ai ít bữa chẳng được. Có đất, khắc tôi sẽ có chỗ ở mới thôi. Bà Bắc đứng khép nép dự thính chuyện ngoài cửa nãy giờ, nói to vào:

·             - Thưa tất cả các ông, “lếu” không, vườn tôi còn rộng “nắm”, tôi xin cắt “nại” cho ông đại tá trăm mét đất.

Đại úy “nhanh nhẩu” bốc lên: Hoan hô bà Bắc. Chắc chắn thị sẽ cấp đất mới cho ông bạn tôi thôi. Nhưng năm anh em chúng tôi chỉ muốn ở quây quần bên nhau. Được thế thì không có gì bằng.

Anh cán bộ đoàn trưởng giao thông nói:

·             - Hay quá. Chúng tôi thật không ngờ. Tôi đề nghị đồng chí phó chủ tịch thị may mắn có mặt hôm nay ghi nhận câu chuyện này, báo cáo lại lãnh đạo thị, đề nghị thị có biện pháp cụ thể hỗ trợ đắc lực đồng chí đại tá.

Từng đoàn từng đoàn dân xóm bỏ chỗ máy ủi, kéo nhau lên đứng vây quanh căn nhà nhỏ ông đại tá. Nắm bắt được câu chuyện vừa diễn ra, ai nấy tỏ rõ sự hoan hỉ vui mừng.

Ba hôm sau, chỉ hơn nửa ngày, một chiếc máy ủi, một máy xúc, một ô tô vận chuyển đất đá, đã dọn quang, hình thành nên cho xóm “Cố bạn” sơ thảo một con đường. Mảnh vườn nhà ông cửa hàng trưởng ngỡ đã “thoát thân” nhè đâu do bà vợ tham lam cho rào lấn ra con đường cũ nhiều quá, nay bị máy ủi ăn mác vào một mảng khá to. Hai ông bà đành đứng nhìn mà ngậm bồ hòn làm ngọt. Ở nhà ông phó chủ tịch thị, bà vợ lại nói với ông chồng: “Ông ơi, lại cũng phiền đấy thôi. Vườn mình đâm rộng ra thêm mấy mét. Ông nhu nhược thế, rồi đây nhỡ đám nhà đất lại lấy bớt cấp cho người khác, mình sẽ mất vườn à, người ta còn ở ám mất mặt tiền mình. Ông phó chủ tịch chừng không chịu nổi nên nổi cáu: “Tôi nói, bà tham lam và đáo để vừa thôi, để phần cho thiên hạ với”. “À à ông chì chiết tôi, ông chì chiết tôi. Thế thì ông đi mà ăn cơm bếp tập thể ” - Bà phó tức bực chồm lên…

Đám công nhân làm đường chỉ nghỉ trưa chốc lát, lại cho máy chạy đều đều. Quá chiều thì khoảng đường dài hơn ba trăm mét đã hình thành xong khuôn dáng. Chiếc máy còn ủi nốt đám vôi vữa, gạch ngói vụn rồi rà thấp mấy phân chỗ nhà ông đại tá nữa là xong. Mặt trời gần gác núi thì cả xóm “Cố bạn” tràn ra đầy đường. Người ta nhòm ngược, ngó xuôi, thấy cái xóm nhỏ của mình trở nên lạ hẳn. Những ngôi nhà như xích lại gần nhau hơn, trên nét mặt mỗi người đều toát lên vẻ vui tươi hoan hỉ. Một số kéo nhau tới đứng đầu góc đường nơi tiếp giáp với quốc lộ một phóng tầm mắt vút theo con đường xóm mới mở. Con đường thẳng tắp, thẳng tận chân trời bát ngát phía tây.

 

N.T.H

 

 

NGUYỄN TRUNG HỮU

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

4 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

4 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

4 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

4 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground