Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mỗi mùa một khác

Mấy tháng nay, bà không dám bước chân ra khỏi nhà. Ngoài nỗi sợ con virus, bà còn sợ nhỡ mình đi khuất mặt, người ở nhà sẽ vơ vét của cải, thậm chí mang luôn hai đứa cháu nội đi đâu không chừng. Thế mới nói, nhà thêm người đáng ra là vui, đằng này bà lại lo lắng mất ăn mất ngủ.

Đợt trước, Thăng chạy xe máy từ trong Nam về quê tránh dịch. Anh cũng như nhiều người khác, công việc lao đao bởi dịch bệnh kéo dài. Thời điểm Sài Gòn ở đỉnh dịch, bà lo lắng, bảo anh coi thu xếp về nhà. Anh cũng sợ lỡ mình có bề chi, không ai chăm lo con cái và cha mẹ. Vậy là quyết định về, có điều, anh không về một mình, Thăng đèo thêm cô bạn gái.

Xóm có mười mấy nóc nhà san sát nhau nên đôi khi gà nhà nào gáy, người trong xóm còn hay biết, huống chi tự dưng xuất hiện một cô gái lạ. Sau khoảng thời gian cách ly, một buổi sớm, người ta trông thấy cô gái trắng trẻo đang quét lá trước sân nhà bà. Hỏi ra, là con dâu mới, dù chưa cưới hỏi. Hồi đó, mẹ của con bé Ty cũng về mần dâu trước rồi mới cưới đó thôi. Nhắc lại thấy thương người bạc mệnh, cô con dâu đó hiền lành, mất cũng hơn năm năm rồi. Kể ra Thăng cũng cần có người bầu bạn rồi phụ chăm hai đứa con gái đang tuổi lớn. Chòm xóm là vậy, chuyện nhà người ta nhưng cả xóm cũng mất mấy buổi râm ran bàn tán.

Minh họa: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Minh họa: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Cô gái đó gốc gác ở đâu, nhà cửa thế nào đến bà cũng chẳng rõ. Chỉ biết là ở trong Nam, hai đứa quen nhau qua mạng, yêu đương tìm hiểu mấy bữa thì Thăng dắt về. Người trong xóm nói, Tết này nhà bà vậy là vui rồi, có con dâu mới thì hơi ấm cửa nhà cũng khác. Người thì mạnh miệng nhắc nhở, phải coi gốc gác, cha mẹ thế nào đã chớ. Đem về ở trong nhà vậy, lỡ nó hốt vàng hốt bạc rồi đem cháu đi bán biết mô chừng. Bà vốn đã lo, nghe vậy càng thấy bất an hơn.

Thăng ở nhà chơi với con được mấy bữa thì có việc mần ngay. Anh có kinh nghiệm lái xe nên người quen mở lời, thuê anh lái xe chở hàng giùm họ. Đợt dịch căng thẳng thì đi trong tỉnh, sáng đi tối về. Bữa sau nguôi dịch thì đơn hàng ngoại tỉnh nhiều hơn, lắm chuyến anh đi mười ngày, nửa tháng mới về nhà. Cô gái tên Mai đó cũng hay thiệt. Nhà cửa lạ hoắc lạ huơ, không ai thân quen mà về ở tròn trịa vậy đó.

Mai nói tiếng miền khác, nết ăn ở cũng khác. Mấy bữa đầu tiên cô nấu, ông bà không ăn được nhưng hai đứa nhỏ thì thích mê. Con bé Ty lớn một chút nên còn e dè chứ bé Mi thì quấn lấy Mai. Làm quen chưa được bao lâu mà tối tối Mi đã mang chăn gối đòi sang ngủ với dì Mai chứ nhất quyết không chịu ngủ với nội. Rõ là con nít. Thế nên bà càng sợ, khiến hai đứa nhỏ có tình cảm rồi ngộ nhỡ mai mốt rời đi, tụi nó lại đau lòng thì thương lắm.

Bữa đầu tiên gặp, Mai đã dạ thưa và gọi ông bà bằng ba mẹ ngọt lịm. Bà lấn bấn, xưa chừ chẳng cảm tình với mấy đứa con gái tự nhiên như thế. Ông bảo người miền trong ấy là vậy, họ xởi lởi ngọt ngào chứ không cục mịch giữ kẽ như ngoài mình mô. Bà nhắc chuyện hồi xưa, mẹ con Ty đám cưới xong còn chưa mạnh dạn gọi tiếng ba mẹ, dù nó cũng lên ở trước mấy bữa rồi mới cưới.

Chuyện ăn, chuyện nói đến chuyện ở với cô gái này khiến bà đau đầu. Tính bà xưa nay tiết kiệm. Bà trồng rau trái quanh nhà đủ ăn, mùa nào rau nấy, nhiều bữa không cần đi chợ. Vòi nước máy bà luôn để ri rỉ để đồng hồ nhích từng tí, sẽ đỡ tiền mỗi tháng. Bếp gas có nhưng bà chỉ nấu bếp củi. Áo quần vò chút xà phòng rồi giặt tay, Thăng sắm máy giặt nhưng bà không xài mấy. Từ bữa cô gái tên Mai này về, bà van trời van đất vì tiền điện tiền nước tăng mấy lần. Nó mở vòi nước xối xả, tắm thì lâu, giặt đồ cũng cho vào máy. Bà than thở với ông, Mai đi chợ sang lắm, bữa nào cũng mua thịt cá đủ đầy, cô bảo hai đứa nhỏ đang tuổi lớn, cần ăn uống cho đủ chất. “Nó làm như xưa chừ tui bỏ bê cháu nội không bằng.” Bà càu nhàu, bực dọc. Ông cười hiền, cái chi đúng thì bà nên tiếp thu.

Mới ra đây tầm một tháng, da Mai đã bắt nắng đen thui. Trời nắng nôi được vài bữa thì chuyển mưa, rét lạnh. Mai bảo từ nhỏ tới giờ cô chưa trải qua cơn rét thế này. Bà cười, thời tiết thế mà còn than van, gặp bữa lụt lội, chắc nó bỏ đi luôn quá. Ông tỏ ra thông cảm, nói trong kia chỉ hai mùa mưa nắng, không khắc nghiệt như xứ mình, nó không quen cũng phải, người ta ở mô quen nấy.

Bà vốn tự tin ở khoản đọc được tâm ý của người khác nhưng với đứa con gái này thì chịu. Nhìn vào mắt nó chẳng thể biết được tà hay thiện, lành hay dữ, chẳng rõ là người thật bụng hồn nhiên hay đang toan tính oán hiềm gì. Thăng đi dài ngày, nỗi lo của bà càng dài hơn. Cũng tại hàng xóm sát vách lâu lâu lại hỏi bà đã biết được nhà cửa, quê quán của cô gái đó chưa. Bà thậm thụt chờ con trai về để hỏi, con tìm hiểu người ta kỹ càng chưa mà dắt về ở luôn nhà mình thế ni. Mai nghe được, cô nói trong tức tưởi, mẹ ơi, con là con gái chưa chồng, con chấp nhận anh Thăng đã là thiệt thòi rồi, mẹ còn đòi hỏi chi nữa. Bà nghẹn lời, nó trả treo ớn thiệt, đâu hiền lành giống mẹ con Ty đâu. Đứa con dâu đã mất kia, hồi đó, bà nói phải trái chi nó cũng dạ thưa, không bao giờ cãi lại.

Không biết trước đó, Mai biết hoàn cảnh của Thăng mà thương hay là thương rồi mới biết. Còn trẻ vậy, dễ chi chấp nhận cảnh làm vợ sau, làm dì ghẻ chăm con chồng. Bà tưởng tượng biết đâu Mai có chồng có con rồi, nhiều khi nó trốn nợ không chừng. Mấy đêm Thăng không ở nhà, bà đều giành việc khóa cửa rồi đem chìa khóa giấu kỹ dưới gối. Đêm nằm thao thức, cứ nghĩ nhỡ đâu đứa con gái kia mò dậy, nó lấy xe máy, tìm vàng, tìm tiền bạc bà giấu kỹ rồi bồng cả cháu của bà đi.

Bữa nào có Thăng ở nhà thì bà yên tâm đôi chút, có điều lại khó chịu vì hai anh chị thậm thụt cười nói cả đêm, chẳng ý tứ chi cả. Sáng ra bà đằng hắng, bảo Thăng đi mần vất vả, để nó nghỉ ngơi bớt. Đứa con gái cười, liếc mắt con trai bà rồi bảo, tại ảnh chứ không phải con. Trời trời, bà tức lộn gan mà không biết nói chi.

Hôm rồi, bà nghe Mai la con bé Ty vì con bé không chịu làm bài tập. Bà chưa bao giờ la mắng hai đứa cháu, nghĩ nó đã côi cút mẹ, thương chiều còn không đủ. Người này mới về ở mấy bữa, có mình đây mà còn vậy, huống chi mai mốt khuất mặt, chắc nó hiếp đáp con cháu mình cho coi. Càng nghĩ, bà càng lo đến quặn ruột. Thằng con trai bà xem ra trúng bùa mê thuốc lú chi rồi. Mấy tháng nay trường học nghỉ vì dịch bệnh nên tụi nhỏ ở nhà, phải học trên điện thoại, gọi là học online gì đó chẳng rõ. Đợt trước, bà nghe nó nói với Thăng, phải sắm cái máy tính để bé Ty học, tình hình dịch bệnh còn kéo dài, học trên điện thoại hư mắt hết. Thăng lật đật đi mua cái máy mười mấy triệu bạc, bà điêu đứng vì tiếc của.

Năm ngoái, nhà bên xóm cũng có thằng con trai dẫn bồ quen đâu trên mạng về ở y hệt. Tưởng đâu cưới hỏi đến nơi, ai dè một hôm cô gái trộm hết tiền vàng rồi biến mất. Nhà đó có của, lại sợ mất mặt nên không báo công an. Mà cô gái ở lâu trong nhà, nhiều khi hiểu tính nết nhà đó, nó nịnh từ ông bà già đến đứa con nít nên ai cũng quý. Tới ngày nó biến mất cùng đống tiền vàng, ông bà già trong nhà vẫn không chịu tin là nó lấy. Từ bữa nghe chuyện, tâm bà càng sinh nghi ngờ. Bà nghĩ cô gái tên Mai này có khi cũng vậy, nó lấy lòng hai đứa cháu của bà, lấy lòng chồng con bà hẳn có mục đích.

Bà từng làm mai mấy đứa con gái trong làng cho Thăng nhưng anh đều từ chối. Bà nghĩ ưa con gái trong làng trong xóm an tâm hơn, ít ra còn biết nhà cửa ba mạ nó. Mình nắm đằng chuôi vẫn hơn đằng cán. Ông bảo bà nghĩ nhiều rồi mang cực vào thân. Phải tin tưởng nhau chớ, đời sống mà không tin nhau thì làm sao mà sống. Nhìn người ta, nếu không thể bằng tâm từ bi tốt đẹp thì cũng phải ngó cho đúng. Chuyện nhà bên xóm ông lạ lùng chi, thằng con nhà đó nghiện ngập, nó trộm tiền của cha mẹ, con bé kia biết thằng này nghiện nên bỏ đi đó. Mấy chuyện tình cảm muôn đời là do duyên phận nên bà đừng tham gia. Bà không cãi được ông, xưa chừ ông đọc nhiều sách nên nói chuyện lúc nào cũng lý lẽ văn vẻ.

Mới đầu tháng chạp, ông bị ngã, phải nhập viện. Đúng là, cuối năm còn gặp hạn. Thăng chở hàng đi tỉnh nên không có nhà, gọi cũng chẳng về được. Bà khóc lóc, cuống cuồng cả lên. May có Mai, cô gọi xe chở ông lên viện rồi làm thủ tục phẫu thuật kịp thời. Mai gọi điện về cho bà, bảo dịch giã nên họ không cho ai vào thăm đâu, chỉ một người được vào chăm sóc thôi. Cô sẽ lo cho ông nên dặn bà yên tâm ở nhà với hai đứa nhỏ. Bà khóc sụt sùi trong điện thoại, ờ, con chăm ba giùm mẹ. Hình như đó là lần đầu tiên, bà xưng mẹ con với Mai.

Lâu nay có Mai nên bà không đi chợ. Sáng nay ghé mấy quầy hàng, nghe người ta hỏi thăm cô con dâu đảm đang kia sao không thấy. Thiệt tình, bà nghe cũng vui vui, cũng mát mặt. Đi đâu nó cũng nói là con dâu bà. Lạ lùng, tự dưng đứa con gái xa lắc xa lơ ở mô về đây rồi thành người nhà mà bà chẳng mất của nả công cán nào. Kể ra mấy tháng nay, có bàn tay của Mai, nhà cửa ấm áp hơn. Hai đứa cháu có da có thịt, vui vẻ hoạt bát hơn.

Mấy củ hoa ly Mai mua đợt trước đã bắt đầu hé nở kịp Tết. Mỗi mùa một khác, ngoài rau trái thì trồng bông ba cho cửa nhà rực rỡ mẹ ơi, nhất là xuân về tết đến thế này. Bữa bà tiếc tiền khi thấy Mai mua hoa hòe thì cô bảo vậy. Ông khen Mai có tay trồng cây chăm vườn. Chỗ góc sân rộng thì Mai rải đất, vùi mấy củ ly, thược dược đủ màu. Bên hiên, Mai sắp mấy chậu hoa hồng nở bông thơm ngát. Ngoài hàng rào, đám sao nhái nở rực rỡ, nom cửa nhà đúng là có chút sức sống, tươi vui hơn.

Từ hồi đó đến nay, bà không có ý để nhà cửa đẹp đẽ, chỉ cần no và ấm. Tết đến cũng làm qua loa đại khái, bày biện thêm tốn kém. Mấy đợt như trung thu hay sinh nhật đứa cháu nào, bà cũng làm lấy lệ. Mới đây, sinh nhật bé Mi, Mai trang hoàng nhà cửa, dán bong bóng, bày bánh trái đầy đủ. Khỏi phải nói, con bé Mi mừng vui dữ lắm. Thế mới biết, cùng là đàn bà nhưng khác thế hệ, tư tưởng thì sự chăm lo vun vén cũng khác nhau.

Mai hỏi ở đây Tết sẽ làm món gì, mẹ bày con với. Bà nghe, thấy lòng phấn khởi, bảo mai mốt trời nắng thì mua đu đủ, cà rốt về gọt rồi phơi mần dưa món. Bà sẽ gói bánh chưng bánh tét, làm mứt gừng, mứt cà rốt. Bà biết chắc Mai hỏi để bà vui chứ thời nay tụi trẻ làm chi chỉ cần xem điện thoại là biết.

Mấy bữa vừa ra viện, ông tính sẽ làm mấy mâm cơm mời bà con rồi thắp hương cho gia tiên, báo cáo Mai là dâu con của nhà mình. Ông bảo Tết năm nay bao nhà thiếu người, nhà mình thêm người là vui rồi, mạ bây đừng lấn cấn hoài nghi nữa. Bà cười e ngại, tui biết rồi. Cũng nên mừng vì thằng con trai đã thu xếp chông chênh, mất mát trong lòng, để người khác bước vào nhà này cùng nó.

Bà áy náy vì trước giờ đã dò xét hơi nhiều. Lấy ra sợi dây chuyền vàng cất kỹ lâu nay, bà đưa cho Mai, bảo mẹ cho con, con về làm dâu mẹ mà chưa có chi. Mai cười, con không thích đeo vàng bạc, mẹ cứ giữ đó giùm con. Ừ, nói như ông cũng phải, Tết nay nhà họ thiếu người, nhà mình thêm người là may mắn lắm. Mà không phải thêm một người đâu, sang năm, biết đâu mình có thêm thằng cháu bồng bế. Mấy hôm nay, trông cái mặt xanh xao, vẻ uể oải nhạy mùi của Mai, bà đoán cô nghén rồi.

Hai tám tháng Chạp, Thăng vẫn chưa nghỉ việc, anh còn tranh thủ mấy mối hàng cuối năm. Tết càng cận, càng nhiều hối hả và thúc giục. Lúc Mai đang sên mứt gừng trong bếp thì cô có điện thoại. Tiếng bạn hỏi dồn, tìm được chỗ cất tiền vàng chưa mà không bùng hả mày, tính ở luôn xứ đó hả, hay định chơi cú lớn vậy bây. Mai ậm ừ rồi tắt điện thoại. Cô sờ bụng, biết rằng Tết này đã khác. Ngôi nhà này rồi cũng khác mà đời cô từ nay cũng không còn như cũ

DIỆP ANH

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground