Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mối tình bên suối

M

ối tình bên suối là một bản tình ca tuyệt đẹp, bắt nguồn từ chiến khu Ba Lòng trong sáng và hồn nhiên. Một mối tình như của trời cho, mà trong cơ chế thị trường, dù có bao nhiêu ngọc ngà châu báu, cũng không thể nào tìm được.

Thực ra, hồi ấy, xuân hè năm Đinh Hợi – 1947, sinh hoạt ở chiến khu còn thiếu thốn mọi bề, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, bữa khoai, bữa sắn, khi rau má, lúc rau tàu bay, ăn ở tập thể trong các lán trại tranh tre nứa lá… yêu đương là chuyện không dám đâu. Dần dà tình hình chiến khu ổn định, quán xá mọc lên. Quang cảnh chiến khu đẹp quá, những cánh rừng xanh ngắt, những dòng suối trong veo, mây, mưa, trăng, gió… cái chi cũng khác ở đồng bằng. Chiều chiều, mặt trời lặn, trông to hơn chiếc nong, màu sắc rực rỡ. Đêm đêm ánh trăng sao vằng vặc giữa đồi núi điệp điệp trùng trùng, cảnh thiên nhiên thật hùng vĩ. Ngày nghỉ, rủ nhau vào rừng, vào suối, bắt cá, bắt chim vui lắm. Cũng chơi bóng đá, cũng đánh bóng chuyền. Ban đêm học thêm văn hóa và ngoại ngữ. Con trai chưa vợ, con gái chưa chồng, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nên đây đó đã xuất hiện cảnh “Lơ thơ tơ liểu buông mành. Con oanh học nói trên cành mỉa mai”. Đột phá điểm, không biết thật hay bịa, mà nghe người ta đồn rằng, bên phụ nữ tỉnh Quảng Trị, chị em bảo ai yêu họ, phải có 6 điều kiện: Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu với 3 điều kiện sau cao hơn thế nữa. Có một anh chàng đi xem mặt về, bảo rằng: “Quê ta có lựu có đào. Sáu điều kiện ấy đâu nào có hơn!” Chẳng bao lâu, đâu lại vào đó, có chàng trai xứ Nghệ cao tay ấn, tìm đến, đưa 6 điều kiện ra và dắt cô nàng đi luôn. Tiếp theo là các anh quê ở Thanh Hóa, Huế, Quảng Bình, Quảng Nam… họ ve con gái Quảng Trị rất giỏi. Anh chàng Phú Yên cưới cô y tá ở Cổ Thành… Thấy vậy, trái tráng Quảng Trị, có người bảo “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy”. Con trai Vân Tường, Triệu Phong lại chạy lên ve cô y tá mặc quần “short” ở Tân Định – Cam Lộ, còn 3 chàng trai ở An Hưng – Cam Lộ lại lặn lội về tìm chim yến tận làng Phú Liêu – Triệu Phong. Làng Đơn Quế, làng Lượng Điền – Hải Lăng. Lại có anh chàng ở làng Lương An – Đông Hà chạy lên đến khe Cau để cưới cô gái Thạch Hãn – Cổ Thành… Đám cưới thuở ấy ở chiến khu, chỉ bánh trái đơn sơ, nhưng văn nghệ rất vui. Trong buổi đám cưới anh em ở Ban Địch Vận, có người chúc rằng: “Hôm nay đến với Phước, Tề. Anh em địch vận xin thề một câu. Chúc cho anh chị sống lâu, lên giường, xuống ngựa, bí bầu mau to”. Trong các tiệc cưới, anh chị em thường hát các bài trữ tình như Thiên thai, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu, Cô láng giềng, Đêm đông, Suối mơ… và ngâm những bài thơ cách mạng. Cũng có đám cưới, văn nghệ quá trộ tràng. Hôm dự lễ cưới của chàng trai xứ Quảng, có người hò rằng: “Quảng Nam Quảng Ngãi mô xa. Ở đây với đó, mà anh lại bò. Ai ơi! Có thân có thích thì lo. Kẻo người quân tử họ bò đến nơi”. Hôm đám cưới một cô trông hơi đanh đá, có một cụ đồ hát rằng: “Kính lấy đấy! Răn lấy đấy! Liệu học ăn, học nói, học gói, học mở; khi anh nó hoặc ra xô xát chi lời, cũng tươi, cũng đẹp, cũng vui, cũng cười, chớ như ai học thói nhà ma, mà hoặc con cà, con kê chi kể lễ… Chẳng biết rằng khôn ngoan cũng thể đàn bà, tuy rằng vụng dại cũng là đàn ông”. Trong chiến tranh, cưới hỏi cũng nhiều hoàn cảnh thật éo le. Có anh vừa cưới xong thì tử trận. Có anh vừa cưới được 3 ngày thì bị địch bắt. Có đám cưới thiếu cô dâu chú rể. Hôm đám cưới anh chàng Long Quang với cô nàng Tài Lương, hai họ đợi mãi, trời tối rồi mà chàng rể bị kẹt địch phục kích ở quốc lộ 1 chưa vượt qua được. Có một cuộc tình duyên giữa cô gái trẻ với ông chồng già mới ly dị vợ, có người châm chọc theo văn chương cụ đồ… “Duyên phận ngán thay duyên phận, trâm cài lược giắt, luống công trình trau chuốt bấy lâu. Chồng con sao khéo lấy chồng con, nón gộ, quai mây, ngó hình dạng ra chiều buồn bã. Tân Lang tuổi tác bao nhiêu, hột cau giống, quả mướp xơ, ước đâu bốn tuần thêm lẽ nữa…” Khi chê chàng rể già, họ nói “tóc rể tre, da đồng điếu, phỏng chừng trong một nước, có mấy người này! “Tình duyên, bởi vậy, có lúc cũng dễ sợ lắm. Có anh chàng trót yêu cô gái cùng làng, khi làng lên chiến khu, chàng nghi ngờ cô ta đã yêu người khác, bèn băng đồi, vượt suối lên chiến khu, chàng nhặt 2 ống tre lồ ô, bỏ cát và ruốc vào trong ống, rồi mang đi mang lại lẩn quẩn, tự xưng là Đại tướng, đòi bắn vào cuộc tình duyên. Tội nghiệp anh Đàn quê ở Ngô Xá, yêu một cô y tá, bị người khác yêu mất, điên tiết lên, anh bơi từ Ba Lòng về thị xã Quảng Trị, xông vào đồn giặc, tự xưng là nguyên soái dùng tiếng Pháp chửi bọn thực dân xâm lược, bị nó giết mất. Hình như tình yêu thời ấy, đôi lúc như say đắm, ngẩn ngơ, mơ màng…

Tài và Liên yêu nhau một cách dè dặt. Từ Bơng ra Rừng Thông Thanh Hóa, lúc trở về, Tài biếu cho chị em y tá một ngòi bút máy Cao – lô. Liên nhận bút mà mặt như e thẹn. Lúc đi chơi suối về, Tài trao cho Liên một mảnh giấy, ghi mấy câu: “Yêu là gì ta chưa hề được biết! Sao lòng cứ mãi miết tình yêu. Suối Ba Lòng, dòng sông chảy xiết. Níu tay nhau, vuốt áng mây chiều”. Lần sau, thấy Liên cười e thẹn, Tài đưa tiếp thêm một mảnh giấy khác, có ghi rằng: “Đá Nổi âm vàng bài tứ tuyệt. Ba Lòng xao xuyến bản tình ca. Núi sông thấu hiểu lòng người nhỉ! Một tấm tình ta, muôn đóa hoa…” Một hôm Tài nghe Liên đã có người yêu rồi và họ đang trách móc. Tài liên trao cho Liên một mãnh giấy thứ ba, có ghi lại tâm tư của mình: “Đây nhiều, hay chỉ một thuyền thôi. Mà ô hay, họ trách rằng tôi. Cho thuyền xuôi, để khách ngồi đợi. Bến sầu đau với tháng ngày trôi. Không! Gặp khách, tôi hỏi trước rồi. Buồn chi! Khách nói thiệt cùng tôi. Vì mến thuyền hay e lỡ bến! Nhường lại khách. Tôi còn chuyến sau”. Đọc bài này, có người khen Tài cao thượng. Thực lòng Tài nghĩ rằng không khéo vấp phải “Lắt lẻo cành thông cơn gió giật. Đầm đìa lá liễu hạt sương gieo”. Tội chi, mình còn trẻ “Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây. Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể”. Ở cái quân y viện này, nhiều cô y tá đã yêu ai đâu! Giống như “Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng. Trước hoa dưới nguyệt, trong lòng mộng mơ”. Phải tìm cô y tá nào “Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết. Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ”. Thiếu cảnh: “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa. Xuân Lan, Thu Cúc mặn mà cả hai”. Bẳng đi một thời gian dài, Tài không trao đổi gì với Liên nữa. Bỗng một hôm, cùng mấy cô y tá xuống Tân Trà, qua làng Hạ chơi. Chiều về, bước qua chiếc cầu tre, trông cảnh vật như “Dưới cầu nước chảy trong veo. Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”. Nhìn Liên như muốn nói “Cậy ai mà gửi tới cùng. Để chàng thấu hiểu tấm lòng tương tư”. Tối ấy về, thấy chiến khu như “Đêm thâu khắc lậu canh tàn. Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương”. Sau đó, giặc bắn đại bác và cho phi cơ oanh tạc chiến khu Bơng. Nó bắn dữ dội lắm. Anh chị em gặp đâu núp đó. Liên ngồi bên cạnh bà Thu, máy bay bắn bà Thu chết, may Liên không việc gì. Tài ngồi bên cạnh anh Đạt (Quê ở Long Quang), anh Đạt bị bắn chết, may Tài không bị thương. Sau nhiều đợt bắn phá như vậy, Quân y viện trung đoàn 95 để lại ở chiến khu Bơng một bộ phận nhỏ, còn đại bộ phận di chuyển về chiến khu Chả Cá. Hôm ấy, Liên lên Bơng nhận thuốc về cấp cứu cho thương binh ở Chả Cá, trời tối, hết đò về Bến Trấm. Thấy Liên hốt hoảng chạy lui, chạy tới dọc bờ sông ở bến Bơng, Tài liền mượn chiếc đò con của bà Trọng, tự chèo đưa Liên về Chả Cá. Khi đò về bến Bàu Ngược, cách Bơng khoảng 6km, bổng Liên kêu lên: “Đẹp quá, anh Tài ơi! Tại sao trăng cứ quanh mình, khi thì trước mặt, khi thì sau lưng, khi bên trái, khi bên phải như vậy!” Tài cười, ừ, đây là khúc eo, dòng sông chảy vòng quanh trở lại, nên ta thấy như “Thuyền qua, thuyền lại khúc eo. Trăng lui, trăng tới, trăng theo chúng mình”. Thật vậy, cảnh vật thiên nhiên ở đây, hai bên dòng sông là các thung lũng, núi đồi bát ngát mênh mông, lại xen vào các khoảnh cây lơ thơ, lúp xúp… trông đẹp gấp trăm ngàn lần so với các công viên ở đô thị. Kỷ niệm đêm nay thật êm đềm. Thế rồi, giữa mùa thu năm 1948, giặc Pháp huy động thủy lục, không quân lên càn quét đốt phá các chiến khu. Chúng thiêu sạch chiến khu Chả Cá, nó bắt cả nhà ông Phan Văn Hy, giám đốc bệnh viện. Tài cùng các bạn Ích, Thái, Lương, Truyền, Liên… thoát ra khỏi vòng vây, chạy sâu vào rừng tìm trái cây ăn cho đỡ đói, vì bị giặc vây 3 ngày đêm rồi. Khi Liên lội qua suối, nhìn Liên như “cành xuân hoa chúm chím cười. Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai”. Sau trận càn này Quân y viện chuyển lên Ba Lòng.

Một hôm bên dòng sông Thạch Hãn trong veo, Tài gặp Liên ở trên đồi xóm Mít. Đá nổi, dưới ánh trăng rằm trung thu tuyệt đẹp, trông như “đôi phen gió tựa hoa kề. Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu”. Tài hỏi thật Liên đã yêu đương như thế nào rồi. Liên thẹn thùng rằng Hùng có muốn ngỏ lời xây dựng với Liên, nhưng gia đình không đồng y, nên Liên không dám. Tài hỏi, nếu Tài muốn xây dựng với Liên có được không! Liên cười, Tài cũng cười. Từ đó họ công khai đi lại tìm hiểu nhau. Dưới đồng bằng, cha mẹ hai bên qua về dặm hỏi, sợ điều dị nghị lôi thôi, Tài nói “Thân ta, ta phải lo âu. Miệng hùm, nọc rắn, ở đâu chốn này”. Sau hơn một năm tìm hiểu, họ thực tình yêu nhau, họ thông cảm lại với Hùng rồi họ cưới nhau. Đám cưới rất vui, được Chính ủy Trung đoàn 95 kiêm Bí thư Tỉnh ủy (anh Lê Chưởng) đến chụp hình lưu niệm. Anh em yêu cầu Tài ngâm thơ, Tài ngâm rằng “Ba Lòng – Đá Nổi cho ta. Mối tình bên suối, bao la gió đồng. Mai ngày độc lập thành công. Về thăm quê mẹ bên sông Đông Hà”. Cưới xong, Liên ở lại quân y, lo chăm sóc thương bệnh binh, còn Tài ra trận dẹp giặc cứu nước, làm cho mối tình như “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời. Đã mòn con mắt, phương trời đăm đăm”…

                                                                         Đông Xuân 1994-1995

                                                                                       P.Q.S

Phan Quốc Sắc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 9 tháng 06/1995

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

9 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

9 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

9 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

10 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground