Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một đời cam chịu

Bệnh viện nằm thu mình trên ngọn đồi thoai thoải giữa cánh đồng Cự Nẫm. Nấp dưới những lùm cây lụp xụp là những hầm lán dùng làm phòng mổ, phòng điều trị và nơi sinh hoạt cho đội ngũ cán bộ y bác sĩ. Dẫu có tinh tường mấy thì lũ cướp trời cũng không thể phát hiện được nơi đây đang ngày đêm tiếp nhận cấp cứu cho những bộ đội cán bộ và nhân dân bị thương do máy bay Mỹ đánh phá.

Bác sĩ Hạnh và y tá Minh hầu như thường trực ăn ngủ và làm việc trong hầm mổ, ca này chưa xong đã có ca mới chờ sẵn ở ngoài. Với tay dao điêu luyện bác sĩ Hạnh đã cứu rất nhiều người. Hạnh hơn Minh hai tuổi nhưng chị Hạnh già dặn hơn nhiều lắm, vừa là người thầy chuyên môn vừa là người chị nên họ quý mến nhau như chị em ruột thịt. Họa hoằn lắm thì mới có đêm từ 2 giờ đến 4 giờ sáng, máy bay Mỹ ngừng đánh phá nên không có người cấp cứu, những lúc như thế họ thường rã rời thiếp đi cho đến khi có người gọi dậy để mổ cấp cứu bệnh nhân vừa chuyển tới. Bởi thế mà đã qua bốn tháng trời từ khi cậu y tá chiến trường ra thực tập ở bệnh viện này, chị em vẫn chưa biết gì về hoàn cảnh của nhau.

Đêm Nôen giá rét như cắt da cắt thịt, vắng tiếng máy bay Mỹ gầm rú, nằm bên nhau họ mới có thời gian tâm sự.

- Thanh vắng quá em ơi! Em hãy kể về em cho chị nghe đi…

- Em là con trai độc nhất của gia đình, bố em hy sinh ở chiến trường Đường 9, mẹ ở vậy nuôi con khôn lớn. Em chưa báo đáp được gì cho mẹ, nghe theo tiếng gọi của quê hương đất nước, năm 1968 em lên rừng theo cách mạng được các chú cho đi học y tá và gặp chị ở đây. Mẹ em bây giờ đang sống trong vùng địch kềm kẹp ở Đông Hà, em ước quê hương sớm được giải phóng để về bên mẹ...

- Chị cũng chẳng khác gì em, bố chị hy sinh thời chống Pháp, mẹ ở vậy nuôi hai con nên người nhưng Dũng - em chị đã hy sinh ở chiến trường Đường 9, mẹ buồn rầu lâm bệnh và qua đời sau sáu tháng nhận được tin của Dũng. Trước khi vào chiến trường, Dũng đã có người yêu nhưng chưa kịp tổ chức thành hôn thì nhận lệnh lên đường chiến đấu. Mẹ cứ trăn trở hoài giá như thằng Dũng kịp để lại cho mẹ đứa cháu an ủi tuổi già. Giờ gia đình chỉ còn mình chị nên cứ lấy công việc để lấp trống trải cô đơn, nhiều lúc chị buồn tủi lắm…

Nghe đến đó Minh thấy chạnh lòng rưng rưng:

- Chị ơi! Nếu em hy sinh thì cũng như anh Dũng phải không chị?

Câu nói như vô tình của Minh như mũi kim châm đã làm cho lòng chị Hạnh se lại. Sau câu nói đó, hai người nằm lặng lẽ, khi đã nghe tiếng Minh ngáy đều đều, chị Hạnh thở dài! Ôi tuổi thanh xuân phơi phới, giá như không có chiến tranh họ sẽ có điều kiện thực hiện bao ước mơ hoài bão. Bất chợt chị Hạnh quay sang Minh, vuốt lên mái tóc rồi hôn nhẹ lên trán vô tư như là một sự chia sẻ nhẹ nhàng của người chị cả.

Vừa mới tinh mơ mặt trời chưa kịp hé mà bọn giặc trời đã quần thảo dọc tuyến đường 15 rồi quay lại lượn vòng nhòm ngó quả đồi nơi bệnh viện đang đứng chân. Bất chợt một chiếc, hai chiếc rồi ba chiếc máy bay F 105 bổ nhào ném bom liên tiếp, khói lửa ngút trời, cán bộ, y bác sĩ phải dựa vào chiến hào để đưa bệnh nhân rút về trú ẩn ở các hầm lán nhà ăn ở dưới chân đồi. Bác sĩ Hạnh và y tá Minh chạy xuôi ngược băng bó cấp cứu người bị thương. Chợt Minh lảo đảo ngã xuống bên hào giao thông, máu chảy đầm đìa. Minh bị mảnh bom vào bẹn, bác sĩ Hạnh hốt hoảng chạy đến đỡ dậy. Trong lúc Minh còn ngượng ngùng thì chị Hạnh giật phắt chiếc quần lót và cẩn thận băng bó:

 - Cậu trẻ con quá! Chết tới nơi mà còn ngại với ngùng…

Bốn chiếc “Thần sấm con ma” thay nhau đánh phá đợt này rồi đến đợt khác, phải đến 20 phút sau lũ cướp trời mới cút đi. Vừa ngớt tiếng bom, dân quân và bà con quanh vùng chạy đến, tiếng rên la kêu cứu, tiếng gọi nhau, tiếng cuốc tiếng xẻng hối hả, nhiều hầm bệnh nhân, hầm điều trị và cả hầm mổ bị sập lấp vùi, cả khu vực bệnh viện ngổn ngang hố bom tre nứa bông băng. Bác sĩ Tiến phó khoa ngoại cùng 5 y sĩ y tá hy sinh, 11 người khác bị thương. Một không khí tang tóc đau thương trùm lên bệnh viện. Thực ra máy bay Mỹ sau khi quần thảo tuyến đường Hồ Chí Minh không phát hiện được gì chúng vội đánh xuống một mục tiêu vu vơ giả định nhằm trút hết lượng bom trước khi bay trở về hạ cánh ở Hạm đội 7 ngoài khơi. Đối với một bệnh viện dã chiến thì những trận bom như thế không có gì bất ngờ lạ lẫm nên chỉ vài ngày sau mọi hoạt động trở lại bình thường.

Lại những tiếng máy bay gầm rú, những tiếng bom, những ca cấp cứu được mang đến phòng mổ và những giờ làm việc mệt rã rời nhưng câu nói của Minh cứ ám ảnh tâm can làm chị Hạnh lại nhớ mẹ và em da diết. Vào một đêm trong giây phút bình yên hiếm hoi nằm bên Minh đang thiếp đi vì kiệt sức, bác sĩ Hạnh cứ thao thức hoài với câu nói luôn ám ảnh trong đầu:  “Chị ơi! Nếu em hy sinh thì cũng như anh Dũng phải không chị?”.

Đã bao lần trong đầu Hạnh le lói một ý nghĩ nhưng chị vội xóa đi, cứ thế thành những luồng tư tưởng giằng xé không thôi… Bất chợt chị Hạnh quay sang ôm chầm lấy Minh, chị cảm nhận được hơi ấm từ một người con trai và như được an ủi phần nào cho những mệt nhọc rã rời, cho cả nỗi cô đơn. Có cái gì đó đang trỗi dậy như thật như mơ, chị càng ôm chặt lấy Minh mắt nhắm nghiền, mặc cho Minh vùng vẫy, đêm tối như càng tối hơn và việc gì đến cũng đã đến..

Sau cái đêm định mệnh ấy, chị Hạnh như người mất hồn, cứ âm thầm cần mẫn làm việc mà không nói năng tâm sự với ai cả. Minh thì cứ tìm cách gần gũi an ủi còn bác sĩ Hạnh thì cứ như người vô cảm, đôi mắt mơ màng nhìn xa xăm ra cánh đồng Cự Nẫm. Những mảnh ruộng xanh thì con gái rồi lại chín vàng, đời người như đồng lúa cày xới gieo hạt xanh tốt vàng thơm rồi rơm rạ khô cháy để mùa sau.

Giờ chia tay bịn rịn, Minh lại lên đường trở lại chiến trường phục vụ, chị Hạnh lặng lẽ nhìn theo cho đến khi bóng dáng của Minh khuất ở cuối giao thông hào. Chị bâng khuâng đặt tay lên bụng của mình như thể có cái gì đó đang hình thành thể chất và cũng đang hình thành một niềm hạnh phúc, những nỗi lo âu trăn trở...

Những ngày sau đó từ chiến trường Minh vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi bác sĩ Hạnh nhưng chị chỉ kể về công tác về bệnh viện chứ không nói gì tình hình sức khỏe.

Năm 1972 quê hương được giải phóng, Minh có dịp ra Đồng Hới công tác và tìm đến bệnh viện thăm những người xưa. Đang ngồi nói chuyện với chị Hạnh thì một thằng bé chạy vào chào chú bộ đội, chị Hạnh mỉm cười mà không giấu được bối rối. Khi Minh hỏi thăm, Hạnh chỉ nói bố nó là Bộ đội giải phóng đã hy sinh ở chiến trường rồi chị lảng sang chuyện khác. Chị hỏi thăm gia đình Minh và khuyên anh sớm lấy vợ, xây dựng hạnh phúc gia đình. Minh trở về quê và làm đám cưới với một cô giáo. Họ đã có hai cháu gái xinh xắn chăm ngoan. Những kỷ niệm của một thời bom đạn cứ đáu đáu không yên, sống trong thời bình bên tổ ấm mà lòng Minh cứ trăn trở nỗi mắc nợ với đồng đội, với những người đã có một thời chia sẻ buồn vui.

Trưa hè ở thị xã Đông Hà nóng như thiêu đốt, Minh đang cởi trần ngồi quây quần bên mâm cơm cùng vợ con thì có một thanh niên bước vào.

- Xin lỗi đây có phải là nhà chú Minh không?

- Đúng rồi! Tôi đây... cậu có việc gì gặp tôi?

- Có phải trước đây chú là y tá chiến trường và quen biết với bác sĩ Hạnh không ạ?

- Đúng rồi... đúng rồi… Bác sĩ Hạnh ở bệnh viện B… Chị ấy có khỏe không?

Thằng Lưu đứng ngây người nhìn trân trân vào người đàn ông đối diện mà không nói nên lời. Nó chới với ngồi thụp xuống nền nhà, gục đầu nức nở, tay run run mò mẫm lấy trong túi áo mảnh giấy nhỏ đưa ra phía trước. Minh vội vàng đỡ lấy cầm lên đọc: “Người cầm giấy này là Nguyễn Văn Lưu, cha là Nguyễn Văn Minh quê ở thị xã Đông Hà, mẹ là Lại Thị Hồng Hạnh, quê ở thị xã Đồng Hới”. Đến lượt Minh đứng chết lặng, loạng choạng bước đến ngồi thụp xuống ôm lấy đầu Lưu, đôi vai gầy của người đàn ông ngoài 50 tuổi run lên. Chị Dung và hai con bé cứ ngơ ngác nhìn nhau mà nước mắt cũng giàn giụa. Bữa cơm bỏ dở, cả nhà ngồi lắng nghe Lưu thuật lại những gì mà bác sĩ Hạnh kể trước khi qua đời.

Sau khi Minh lên đường trở lại chiến trường Đường 9, bác sĩ Hạnh với cái bụng ngày càng lớn dần, chi bộ kiểm điểm buộc phải nói rõ cái thai trong bụng là của ai, chị Hạnh một mực khai là của một anh bộ đội chưa biết tên trong một lần cáng thương binh đến bệnh viện và hiện giờ không biết sống chết ở đâu. Cuối cùng chị bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng và xóa quyết định đề bạt phó khoa ngoại. Sinh con trong buồn phiền cô đơn bởi có nhiều người thông cảm sẻ chia nhưng cũng không ít đồng nghiệp tỏ ra miệt thị xa lánh. Một mình âm thầm lặng lẽ nuôi con và lấy công việc làm nguồn sống, nhiều lúc Hạnh cũng tự an ủi mình là ít ra cũng có một bà mẹ nào đó vui mừng hạnh phúc chứ không mong mỏi trăn trở như mẹ của mình… Cứ thế mà sống mà nuôi con đến lúc Lưu đi học chị mới khai trong lý lịch của thằng Lưu là bố Nguyễn Văn Minh, bộ đội chiến đấu ở chiến trường B5 mất liên lạc. Cho đến lúc lâm bệnh nặng biết không qua khỏi chị Hạnh kể lại toàn bộ cho Lưu nghe và kịp viết lại tờ giấy này.

- Mẹ khuyên con đừng bao giờ trách cứ gì ba bởi vì mọi việc đều do mẹ sắp đặt. Mẹ cứ nghĩ rằng đến khi hòa bình thống nhất ba chắc sẽ không còn và đến lúc đó mẹ sẽ đưa con về quê tìm gia đình họ hàng. Ít ra cũng mang lại niềm vui an ủi cho gia đình bên nội chứ không như cậu Dũng của con…

Minh thẫn thờ nhìn mọi người, khuôn mặt từng trải khắc khổ cứ như một thương binh bị mảnh đạn nằm trong đầu đến lúc thời tiết thay đổi anh quằn quại.

- Mọi tội lỗi đều do tôi… Tại sao tôi không hy sinh trong lúc chiến đấu mà sống đến bây giờ, tôi đã làm cho hai người phụ nữ phải dằn vặt đau khổ chịu đựng. Mình ơi! hãy thông cảm và tha lỗi cho tôi… Các con ơi! Lưu ơi! Hãy tha thứ cho ba…

Minh không nói thêm được nữa mà cúi đầu lặng lẽ đến ngồi bên góc phòng như người có tội. Lúc này thì chị Dung không còn gì để nói, trong lòng đang rối bời giận thương trách móc… Sau những phút choáng váng, chị bình tâm lại lòng đắng cay lẫn ngậm ngùi xót thương. Chị tiếc một điều là chưa gặp được chị Hạnh để chị em được chia sẻ an ủi nhau bởi cùng là phụ nữ đã quen luôn chịu đựng hy sinh vì chồng con vì mọi người mà không hề tính toán thiệt hơn. Chị quay sang ôm chầm lấy Lưu nức nở:

 - Con ơi! Con đã chịu quá nhiều buồn tủi thiệt thòi. Giờ có mẹ đây! Con hãy ôm hai đứa em con đi, từ giờ phút này, đây là gia đình của con đó…

Lưu cúi mặt nức nở, với tay cầm lấy bàn tay của mẹ Dung mà nghe lòng ấm lại.

Dòng sông Hiếu vẫn xuôi về Cửa Việt, làn nước trong xanh hiền hòa như dòng sông Nhật Lệ quê mẹ qua mất mát đau thương vẫn thủy chung nơi miền quê khói lửa điêu tàn. Bất chợt Lưu nhớ câu hát  “Muôn người như một gửi về Trị - Thiên tấm lòng sắt son... Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về chung một nhà…”.

 N.M.Đ

Nguyễn Minh Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 318

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground