Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa hoa dã quỳ

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Bầu trời một màu mây đen bao phủ như sà xuống sát dãy núi bên kia biên giới. Tiếng sấm mỗi lúc một rền vang, kéo theo những tia chớp nhì nhoằng. Con đường từ thị trấn nhỏ vùng biên vàng rực một màu hoa dã quỳ, lòng vòng uốn lượn như con rắn, vắt qua những rẫy cà phê nối với bản A Bưng, nhòa đi trong làn nước. Dòng Xê Pôn chạy song song với con đường như một vệt màu xanh với làn nước trong trẻo, giờ cũng sẫm lại, trở nên huyền bí.

 

Hồ Mân ngồi bó gối trên sàn nhà, lòng thấp tha thấp thỏm nhìn ra con đường quen thuộc như muốn chờ đợi ai. Ngôi nhà sàn của gia đình gã vừa được các anh biên phòng, công an lợp lại, giờ không còn lo sợ khi mùa mưa đến nữa. Dưới gầm nhà, hai chú lợn con chạy loăng quăng cùng với mấy con gà, con vịt. Số gia súc gia cầm đó do Chi hội phụ nữ xã cấp giống cho vợ gã có thêm công việc làm ăn. Quanh nhà gã, ba bề bốn bên là núi rừng bao bọc, nhìn hết tầm mắt vẫn chỉ một màu xanh án ngữ trước mặt. Hòa trong tiếng mưa rơi là tiếng lách cách được phát ra từ khung dệt thổ cẩm nhà bên cạnh. Bình thường, gã có thể ngồi hàng giờ lim dim mắt, rồi chìm vào giấc ngủ bởi tiếng thoi đưa êm dịu như điệu nhạc ấy. Bây giờ thì khác. Gã đang chán với tất cả.

Minh họa: Thế Hà

Minh họa: Thế Hà

Gã nhìn dán mắt vào làn mưa chênh chếch và những người đang đi đường. Họ đi làm nương về. Lưng ai cũng nặng trĩu những chiếc gùi chất đầy sản vật. Trông họ ướt át, khổ ải, tiều tụy. Hồ Mân sinh ra, lớn lên từ nơi này. Cũng như mọi người, cuộc đời gã gắn với mảnh đất vùng biên, gắn với nương rẫy, hạt lúa, củ khoai từ bấy đến nay.

Thời còn trẻ, gã cũng yêu thích công việc làm nương lắm. Hàng ngày, cứ sáng ra, khi ông mặt trời vừa leo lên đến đỉnh ngọn cây là gã đã lên nương rồi. Còn như bây giờ, gã chẳng đoái hoài, tha thiết gì đến việc phải ngày ngày khoác gùi lên núi nữa. Gã chán với tất cả những công việc nặng nhọc từ nương rẫy lắm rồi! Nghe lời bạn bè, gã muốn làm những việc nhẹ nhàng mà có thu nhập cao hơn làm nương rẫy. Thế nên, lúc này gã chỉ mong sao ông trời ngớt mưa để gã còn đi lên thị trấn.

- Trời đất chi mà mưa hoài…

Dưới chân cầu thang bỗng có tiếng ca thán, rồi nhô lên cái đầu, mặt mũi bơ phờ, tóc tai dính nước mưa. Hồ Mân nhận ra Hồ Sìn, thằng bạn thân cùng bản.

- Mưa gió ni, đi đứng làm ăn chi được mà mày mò đến đây?

- Mưa kệ mưa chứ! Chả lẽ mưa cả tháng rồi cứ ngồi nhà mà đợi à?     

Từ buồng trong, có tiếng phụ nữ vọng ra:

- Anh Sìn, anh về đi, anh đừng đến đây cù rủ chồng tôi đi làm chuyện bậy bạ nữa. Anh để cho nhà tôi yên.

Rồi có tiếng trẻ con ngái ngủ khóc. Vợ Hồ Mân từ trong buồng bước ra, theo sau là ba đứa con nít, hai gái, một trai, sàn sàn tuổi nhau.

Hồ Sìn cau có, tỏ vẻ tức giận:

- Nói chi mà nặng lời vậy chị Mơn?

- Tôi nói vậy không đúng sao? - Mơn nói - Anh thử nghĩ đi, trong khi làng bản ai cũng bám rẫy, bám nương lo làm ăn, thì các anh chơi bời lêu lỏng, làm chuyện càn quấy. Anh nói anh đi làm ăn, nhưng anh đã làm gì? Các anh rủ nhau qua bên kia biên giới, cấu kết với người xấu buôn bán hàng cấm, làm cửu vạn, đánh bạc, rượu chè bê tha… Coi chừng có ngày dính vào ma túy. Già làng Hồ Thia khuyên các anh, nhưng các anh vẫn chứng nào tật ấy. Mấy anh trên Đồn biên phòng cũng góp ý bao lần. Cả anh Thành cũng mấy lần đến nhà…

Hồ Mân quay sang hỏi vợ:

- Cái tay Thành vừa về làm Trưởng công an xã, lại đến nhà?

- Anh ấy đến cũng là đem điều tốt đến cho nhà ta thôi. Bản A Bưng này ai cũng nói vậy mà.

Hồ Mân buông một câu tỏ vẻ bực bội:

- Tốt gì mà tốt. - Rồi gã càu nhàu - Tay Thành này như hòn đá chắn ngang trước mặt mình, không cho mình tự do làm ăn. Hắn muốn hại mình thì có…

- Ô, cái miệng Hồ Mân nói sai rồi. Công an Thành là người tốt với bản mình, tốt với người Vân Kiều mình mà. Bản ta ai cũng quý công an Thành, Hồ Mân đừng nói vậy.

Hồ Mân không còn nghe vợ nói gì nữa, gã đứng dậy, kéo Hồ Sìn bước xuống cầu thang, lao ra giữa trời mưa. Cả hai hướng về phía thị trấn.

Tiếng Mơn như tan vào làn mưa xối xả, đuổi theo chồng:

- Hồ Mân ơi, ở nhà thôi, đừng đi nữa… - Rồi chị ôm con ngồi khóc. Những giọt nước mắt vừa tức giận, vừa tủi thân lăn dài xuống má. Không biết đã bao lần rồi, chị đã khóc vì chồng không chịu nghe lời vợ con, mà chỉ nghe lời người xấu. Cái anh Hồ Sìn ấy cũng là người xấu, sao Hồ Mân lại có thể dại dột nghe theo anh ta?

Mơn quý các anh bộ đội biên phòng, các anh công an, họ chẳng bà con họ hàng gì với Mơn nhưng ai cũng giúp đỡ Mơn. Mơn nghĩ tới cái anh công an tên Thành. Anh ấy trẻ, đẹp trai, nước da trắng mịn màng như nước da con gái. Anh hơn Mơn vài tuổi là nhiều, nhưng nhìn kỹ, thấy anh là người dạn dày sương gió. Hàng ngày, đến Ủy ban xã làm việc, anh vẫn thường đi xe máy ngang qua nhà Mơn. Nhà anh ở dưới xuôi, nhưng vì yêu núi rừng, bản làng này, yêu cái khèn, cái sáo của người Vân Kiều, Pa Kô mà anh phải xa vợ trẻ và con thơ dại, tình nguyện lên đây. Thấy hoàn cảnh nhà Mơn đói khổ, anh gặp chồng Mơn, khuyên nhủ, động viên.

- Anh Mân hãy chịu khó làm rẫy như chị Binh, anh Ràn, bác Hon. Họ cùng bản A Bưng với anh đó. - Anh Thành khẽ khàng nói với Hồ Mân - Nhà họ mùa rồi thu hoạch được mấy tạ lúa, mấy tạ cà phê, bán mấy con heo, thu gần năm chục triệu, nên giờ chẳng ai đói cả, lại làm được nhà mới nữa.

- Tại nhà họ có nhiều rẫy, lại có nhiều người làm. Nhà tôi có ai, anh nhìn xem…

Anh Thành vẫn động viên:

- Anh Mân còn trẻ, lại khỏe như cái cây trong rừng, anh Mân phải làm gương cho mọi người mới đúng chứ. Anh Mân cứ theo người lạ qua biên giới là vi phạm pháp luật đấy!

Mân không những không nghe mà còn to tiếng với anh:

- Sang bên kia biên giới sao lại có thể nói là vi phạm pháp luật? Người Việt mình vẫn hàng ngày đi qua cửa khẩu làm ăn, người Lào họ vẫn qua mình làm ăn, công an Thành không thấy sao?

Anh Thành giải thích:

- Đó là những người họ có giấy tờ, họ có trình báo với Trạm kiểm soát Biên phòng. Còn anh, anh đi chui, đi lén, không ai biết anh đi đâu, làm gì. Như thế là vi phạm.

Khi anh Thành đi rồi, Mân tỏ vẻ bực bội nói với vợ:

- Cái thằng này nó chẳng để mình yên. Nó mới về làm Trưởng công an xã chừng một năm nay mà ngăn cấm đủ chuyện. Trước đây, khi ông Khẩu người cùng bản mình phụ trách công an xã, ông ấy có thế đâu. Ai làm gì cứ làm. Ai đi đâu cứ đi. Bây giờ mấy thằng này về đây, gây bao chuyện phiền phức.

Mơn ngắt lời chồng:

- Cái miệng anh lại nói bậy rồi. Anh Thành là người có học, anh ấy chẳng nói sai đâu.

Thấy cái nhà của Mơn lỗ chỗ lỗ thủng trên mái, ông mặt trời dòm vào được, anh cùng mấy người nữa mua vật liệu sửa chữa lại. Thấy các con Mơn còi cọc, nhếch nhác, anh đưa đường, sữa đến, dặn Mơn cho con uống mỗi ngày. Mỗi lần có mặt ở nhà Mơn, bao giờ anh cũng nán lại, hỏi Mơn về tiếng dân tộc. Anh bảo, phải học tiếng dân tộc để còn nói chuyện với đồng bào, uống rượu với đồng bào, múa điệu cha chấp với đồng bào. Rồi anh hỏi:

- Chị Mơn giải thích cho tôi, đường lên biên giới, tiếng Vân Kiều là gì? Bộ đội, công an là người bạn thân của đồng bào Vân Kiều, nói thế nào?

Rồi anh cười, nụ cười thật tươi trẻ, hồn nhiên. Vừa giận chồng, vừa buồn cho thân phận, bất giác Mơn kêu lên:

- Mân ơi, công an Thành tốt vậy, sao anh không chịu nghe lời?

 * * *

Đại úy Thành đang chúi mũi với đống tài liệu và những tin tức dồn dập về trận mưa đêm qua. Ngay ở đây, mấy ngày nay cũng không ngày nào là không mưa. Thành vặn to chiếc radio. Từ ngày tình nguyện lên xã vùng biên này công tác, anh có thói quen nghe đài. Với anh, nghe đài thì dù trong tư thế nào cũng nghe được, không phải ngồi khư khư trước màn hình như khi xem tivi. Từ ngày lên đây, chiếc radio trở thành bạn đồng hành của anh. Mấy ngày nay, bản tin thời sự liên tục đưa tin về tình hình lũ lụt ở các tỉnh miền Trung. Những trận mưa lớn chưa từng có xảy ra trong vùng. Rồi lũ ống, lũ quét bắt đầu xuất hiện ở nơi nay chỗ kia. Nhiều vùng quê ngập phăng trong nước, có nơi nước ngập ngang mái nhà. Ở một tỉnh lân cận, mưa làm sạt lở cả dãy núi, vùi lấp cả một công trình thủy điện đang thi công, số phận hàng chục công nhân làm việc ở đó chưa rõ sống chết ra sao. Rồi ngay tối ấy, thời sự tiếp tục đưa tin, đoàn cán bộ chiến sĩ quân đội mười mấy người mất tích khi đang trên đường đến công trình thủy điện ấy làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Những tin đau xé ruột gan cứ dồn dập ập đến.

Thành nhìn ra bên ngoài, chỉ thấy một màn mưa trắng trời trắng đất. Tiếng mưa lộp bộp lộp bộp trên những mái tôn át cả mọi âm thanh. Mưa như nghiêng cả bầu trời trút nước xuống mặt đất. Dòng Xê Pôn sủi bọt, động đậy, tựa như có chú cá khổng lồ đang di chuyển bên dưới. Chẳng mấy chốc nước sông đã dâng cao. Dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy, kéo theo những thân cây, gỗ mục, rác rưởi, che kín cả mặt nước, tấp cả vào hai bên bờ.  

Đêm ấy, mưa càng dữ dội. Thành phải trực ở Ủy ban xã. Lực lượng dân quân, công an và các ban ngành cũng có mặt. Bí thư Đảng ủy xã phổ biến tình hình mưa lũ trong vùng và chỉ thị cho các lực lượng sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Trong đêm tối chỉ nghe tiếng mưa rơi, tiếng gió hú, tiếng gầm reo của những dòng nước đâu đó cuộn chảy. Bỗng có tiếng lịch bịch, ùng oàng kéo dài nghe rất lạ. Ai cũng bảo đó là tiếng núi vỡ, tiếng sạt lở đất. Lực lượng cứu hộ được triển khai, tỏa đi các ngả làm nhiệm vụ. Đại úy Thành cùng hai chiến sĩ công an lao ra giữa đêm khuya. Việc đầu tiên là đến ngay những vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, kêu gọi mọi người nhanh chóng di dời đến chỗ an toàn. Xong việc, về đến nhà thì trời vừa sáng. Người cũng thấm mệt, Thành pha gói mì tôm ăn tạm. Chiếc radio phát đi bản tin thời sự, thông báo trận mưa lũ đêm qua đã làm sạt lở một quả đồi, vùi lấp một đơn vị quân đội đóng quân gần đó, khiến hơn hai mươi cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đêm qua, Thành cũng đã nghe anh em đồn nhau về tin dữ này, nhưng còn nửa tin nửa ngờ. Bây giờ mới tin đó là sự thật. Rồi, ở bản bên, có một gia đình mấy người cũng bị đất đá vùi lấp, không một ai sống sót. Miếng ăn bỗng nghẹn giữa chừng.

Trời không ngớt mưa. Nước sông vẫn dâng cao. Ai đó vừa chạy về báo tin, bản A Bưng bị lũ ống quét qua, dân bản đang nháo nhác tìm đường tháo chạy. Thành chỉ kịp khoác vào người tấm nilon rồi băng ra giữa trời. Vài dân quân xã chạy theo anh. Con đường vào bản giờ đã ngập nước. Những dãy hoa dã quỳ hai bên đường, nước đã ngập ngang thân cây, có nơi ngập ngang ngọn cây. Những bông hoa vàng tươi như cố vươn lên khỏi mặt nước, khoe sắc trong mưa lũ.

Bản A Bưng đây rồi! Trước mắt Thành, nước từ trên núi theo các con khe, con suối đổ về. Dòng nước đục ngầu, chẳng khác gì dòng nham thạch từ núi lửa đang phun trào. Nước theo chỗ trũng ùa ra xung quanh rất nhanh. Tiếng người gọi nhau í ới. Tiếng trẻ con khóc. Tiếng chó sủa, lợn kêu… Cảnh tượng diễn ra thật hoảng loạn. Thành nhào đến bế đứa bé trên tay một người phụ nữ, dắt thêm một cụ bà hướng lên mỏm đồi cao gần đó. Lực lượng dân quân cũng nhanh chóng đưa hết các cụ già và em nhỏ đến chỗ an toàn. Lũ vẫn đổ về càng lúc càng hung dữ. Ban đầu nước chỉ xâm xấp mặt đất, nhưng chỉ sau vài phút, nước đã tràn ra khắp nơi. Nước bò dần lên sân nhà, chân cầu thang, rồi dâng cao khắp mọi nơi. Bản A Bưng như một cái ao chứa đầy nước. Mấy con chó, con lợn, bơi bì bõm trong nước, cố bám lấy những thân cây trôi trên dòng nước.

Bỗng có tiếng kêu thất thanh của ai đó:

- Các anh ơi, phía dưới kia còn mấy người chưa kịp ra ngoài… Nói rồi người ấy chỉ tay về cuối bản.

Phía ấy là nhà Mơn. Thành chỉ kịp nghĩ thế rồi ngược theo dòng lũ. Đoạn đường đến nhà Mơn nước chảy rất xiết. Đất đá từng tảng ồ ạt trôi theo. Anh phải vừa đi, vừa bơi, vừa lao người như xiếc trên dòng nước đang lúc hung hãn nhất. Và phải để ý tránh những tảng đá đang đà lao xuống theo dòng chảy. Nhưng nước chảy quá mạnh, hất ngược anh trở lại. Thành phải bám vào bất cứ cái gì để nhích lên, nhích lên, từng tý một.

Trước mặt anh là nhà Mơn, nước đã mấp mé mặt sàn. Mẹ con Mơn hình như đang ở buồng trong. Thành bám cầu thang, ngó vào bên trong cất tiếng gọi:

- Chị Mơn ơi!

- Tôi đây, tôi đây… anh Thành ơi!

- Anh Mân đâu chị?

- Anh ấy đi mấy ngày nay chưa về. Chết mất giàng ơi!

- Có tôi đây, chị đừng lo. Nào, đưa các cháu ra ngoài này đi chị. - Vừa nói, Thành vừa bước lên sàn nhà. Sàn nhà nước đã bắt đầu loang ra.

Ba mẹ con Mơn trông ủ rũ như tàu chuối khô. Gương mặt mấy đứa trẻ nhòa nước mắt. Chúng khẽ run lên từng lúc. Cả ba đứa như ba con chim non chưa đủ lông đủ cánh cứ bám chặt lấy lưng áo mẹ, miệng thút thít khóc.

Mơn nói trong tiếng nấc:

- Tôi nghĩ là nước chỉ tràn qua sân rồi thôi, ai ngờ lại dâng cao thế này…

Hai tay Thành ôm lấy hai đứa bé gái. Anh ngồi xuống nói với Mơn:

- Chị bế thằng cu đặt lên lưng tôi, bảo nó ôm chặt lấy cổ tôi. Còn chị, cứ ngồi yên ở đây, tôi sẽ quay lại đón sau.

Rồi cứ thế, hai tay ôm hai đứa, cõng trên lưng một đứa, Thành dò từng nấc cầu thang, bước xuống giữa dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Đưa được ba đứa con Mơn đến chỗ an toàn, Thành quay lại đón Mơn. Khi anh kịp dìu Mơn ra khỏi nhà thì một đợt lũ ống nữa ồ ạt quét tới. Như một con thuồng luồng khổng lồ trườn ra khỏi hang, nó rướn mình, há mồm, phì một hơi dài. Bao nhiêu nước từ miệng nó ọc ra, phóng mạnh về phía trước. Cây rừng bị nước xô đổ nghiêng đổ ngả từng vạt. Đất đá bị cày lên, cuốn theo. Một dãy nhà sàn bản A Bưng như bị nhổ lên khỏi mặt đất, nổi lềnh bềnh, biến mất chỉ trong giây lát. Ngôi nhà Mơn cũng bị hất tung lên và đổ sụp xuống, trôi theo dòng nước lũ. Thành đứng lặng nhìn theo dòng nước. Bây giờ anh mới biết thế nào là lũ ống, lũ quét. Nó nhanh và mạnh gấp trăm lần trí tưởng tượng của anh.

Mẹ con Mơn thoát nạn nhưng nhà cửa không còn, đồ đạc trôi cả, chị rấm rứt khóc. Thấy bụi hoa dã quỳ đang trôi theo dòng nước, Thành lội ra vớt lên, hái mấy bông cầm trong tay. Những bông hoa dã quỳ dẫu dầm mình trong mưa lũ vẫn nở xòe những cánh hoa vàng tươi. Hoa dã quỳ là loài hoa nở vào mùa thu. Bây giờ đang tháng mười, là mùa dã quỳ nở hoa. Khắp vùng biên này, đâu đâu cũng một sắc vàng tươi. Nhưng oái oăm thay, trận lũ năm nay lại xảy ra vào đúng giữa mùa hoa dã quỳ. Thành trao những bông hoa cho Mơn và động viên:

- Còn người còn của chị Mơn ạ! Nhà bị lũ cuốn trôi, ta sẽ làm lại ngôi nhà mới, chắc chắn hơn. Chị có yêu hoa dã quỳ không? Còn tôi, tôi rất yêu hoa dã quỳ. Dã quỳ là loài hoa hoang dã, nhưng màu sắc của nó là màu của hạnh phúc, nó sẽ đem lại điều may mắn, tốt đẹp cho mọi người…

 * * *

Chiều tối ấy Hồ Mân trở về. Cả người gã ướt át, bùn đất từ đầu đến chân. Nhìn cảnh tượng bản làng, nhà cửa tan hoang, lòng gã chùng xuống. Gã đâu biết, chính lúc gã vắng nhà, lực lượng cứu hộ đã cứu sống dân bản, trong đó có vợ con gã. Gã ôm lấy ba đứa con trong vòng tay mình như muốn an ủi chúng. Rồi khi được vợ kể cho nghe rằng, chính anh Trưởng công an xã thường đến nhà, khuyên gã chịu khó làm nương rẫy, đừng theo người xấu, vượt biên qua bên kia biên giới, là người đã dầm mình trong mưa lũ để cứu vợ con gã. Gã lặng người có vẻ xúc động. Thì ra xưa nay, anh ấy khuyên răn mình cũng chỉ vì tốt cho mình, vợ con mình. Nhất định mình phải tìm gặp cho được anh công an ấy ngay lúc này, để nói lời cảm ơn và xin lỗi anh ta. Nghĩ thế và gã xăm xăm đi ra giữa trời mưa, mặc cho lũ ống lũ quét chưa thôi cơn thịnh nộ.

Nhưng gã không gặp được anh Thành. Cán bộ Ủy ban xã gặp gã, cho gã biết, ngay sau khi cứu được vợ con gã, anh Thành nhận được tin, có mấy người trong bản đi làm rẫy từ hôm qua đến nay không thấy trở về. Chẳng biết chuyện gì xảy ra với họ, nhưng chắc chắn là điều không may. Được tin ấy, đại úy Thành cùng một số cán bộ Ủy ban xã đã xung phong lên đường đi tìm họ. Thôi thì hãy đợi anh ấy về. Và gã đợi. Chưa bao giờ gã có cảm giác mình đợi ai mà nóng ruột nhường vậy. Tự nhiên gã lạnh người khi nghĩ đến điều không may xảy ra với người mình mang ơn. Đây là lần đầu tiên gã nghĩ đến điều ấy. Một người như gã mà còn có chút lương tâm nghĩ đến điều ấy? Xưa nay, trong mắt mọi người, gã là người lêu lỏng, chơi bời trác táng, đi đêm về hôm, làm chuyện càn quấy. Với những người cản ngăn con đường của gã thì gã chỉ có thể coi như kẻ thù. Bây giờ, một tình cảm rất lạ chợt dấy lên trong lòng gã khi nghĩ đến người Trưởng công an xã.

Mưa lưa thưa rồi tạnh hẳn. Tối ấy anh Thành vẫn chưa về. Rồi ngày hôm sau, tin tức về anh và đội cứu hộ vẫn bặt vô âm tín. Hôm sau nữa, khi vợ chồng Mơn và các con đang ăn cơm trong chiếc lều bạt thì nhận được tin dữ. Đại úy Thành bị lũ cuốn trôi và hy sinh khi tiếp cận hiện trường ứng cứu những người mất tích. Vợ chồng Mơn có cảm giác như tiếng sấm bên tai. Chiếc bát trong tay Mơn rời khỏi tay, rớt xuống đất. Mân cũng đặt bát cơm xuống, hai tay ôm mặt nhìn ra ngoài trời. Mơn đau đớn kêu lên:

- Giàng ơi, tội anh quá, anh Thành ơi!

- Vậy là tôi không còn có cơ hội cảm ơn anh nữa rồi! - Mân cũng kêu lên.

Bản A Bưng náo loạn trước tin Trưởng công an xã Lê Vĩnh Thành hy sinh. Mọi người rời khỏi lều bạt, đổ ra đường nghe ngóng. Không ai tin đó là sự thật. Nhưng khi ông cán bộ Ủy ban xã xác nhận đó là sự thật, thì ai cũng bàng hoàng, xót thương cho người chiến sĩ trẻ. Dân làng đốt lửa cả đêm và tấu lên những điệu khèn khóc thương anh.

Mấy ngày sau, đơn vị đưa Thành về thành phố làm lễ truy điệu và về quê an táng. Vợ chồng Mơn buồn bã vì không thể đến được để thắp cho anh nén hương. Chỉ đến khi Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, làm lễ tưởng niệm anh thì vợ chồng Mơn cùng có mặt. Trên bàn thờ là di ảnh của anh, cùng bát hương và một bình hoa huệ trắng. Cạnh đó là chiếc radio anh vẫn thường nghe, chiếc túi đựng tài liệu anh vẫn thường khoác bên mình mỗi khi đi công tác. Mọi người có mặt rất đông. Trong làn khói hương nghi ngút, tất cả cùng cúi đầu tưởng nhớ người chiến sĩ công an đã quên mình, hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Trong căn lều bạt chốn rừng sâu, trong cảnh xơ xác sau trận lũ, nơi chỉ mấy ngày trước, Thành vẫn hàng ngày đi qua và để lại bao tình cảm thương mến của người dân bản. Theo phong tục, vợ chồng Mơn đặt lên một bát hương và cắm lên ít bông hoa dã quỳ, loài hoa mà Thành yêu thích. Thắp nén hương trước vong linh anh, Mơn chợt nhớ tới câu nói cuối cùng của anh với Mơn hôm nào: “Dã quỳ là loài hoa hoang dã, nhưng màu sắc của nó là màu của hạnh phúc, nó sẽ đem lại điều may mắn và tốt đẹp cho mọi người...”.

 

N.N.C

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 323

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground