Điểm cao Đ4 chìm lấp giữa sương giăng mây phủ nhưng vẫn không thể nào xua đi mùi cháy khét của cây rừng. Trong sương lạnh, những bóng người vẫn nằm dán mình sát mặt đất, mắt dõi theo tầng trời đen không một vì sao, lắng tai nghe từ lòng đất những thanh âm nhỏ nhất và tiếng ì ầm quần thảo của không lực địch. Trong không gian ấy, dội lên tiếng pháo ì ùng và tiếng hô xung phong hào sảng, tiếng AK khạc lửa dữ dằn quyết tử. Và rồi cũng trên nền đêm ấy, một chớp sáng rạch trời thổi bùng lên những cột lửa cuộn đỏ như vòi rồng, cuốn lên cao tất cả mọi thực thể trong vòng xoáy bạo tợn, huỷ diệt của nó.
Hửng sáng, dưới ánh mặt trời le lói, tất thảy chỉ còn lại những mảng màu xám lạnh đến rợn người. Mùi cây cỏ, mùi da thịt cháy còn quấn quện trên từng ngọn cây đen trĩu tựa cái que cời ngơ ngác vạch vào nền trời lời cảm thán. Trên điểm cao Đ4, những người lính cùng trung đội mới đêm hôm qua còn nằm sát bên nhau chờ địch tới, giờ cũng đã bay trên tầng cao, khắc khoải nhìn xuống trảng rừng với những thân cây đạn xé, hố bom cày và thi thể của chính họ còn nằm ôm súng trên chốt lửa. Áp lực của quả bom hất ngược thân thể người lính trẻ đêm qua còn bình tĩnh gối súng lên điểm tỳ, nhả từng loạt đạn đanh gọn theo cánh quạt đen sì quay tít trên đầu chiếc F111 đang lượn lờ chỉ chực dội lửa xuống mặt đất, giờ nằm vắt ngang trên bụi sim lúp xúp, khuôn mặt vẫn tươi như đang ngủ. Trong ba lô, phấp phới bay một tấm vải dù hoa xanh, trên thêu bốn chữ “Đường 9 quyết thắng” bằng chỉ quân dụng màu lá mạ.
Chợt có tiếng rên trong giao thông hào, tiếng người lết bằng tất cả sức lực còn lại của mình ra điểm chốt. Người lính thứ mười tám, trườn mình qua những gốc gỗ cháy đen, từng mảng đất đá lồi lõm, tạo thành một vệt máu vằn vện trên nền đất đen đúa. Ánh mắt anh dại đi khi nhìn thấy đồng đội hy sinh. Dù đã quá quen với những cuộc chia ly không định trước như thế nhưng nỗi đau không bao giờ là cũ, dù nó đã được tôi đến trơ lỳ trong cuộc chiến khốc liệt này.
* * *
Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN
Vị tướng bừng tỉnh khỏi khoảng trầm buồn trong ký ức oanh liệt của mình. Buông tiếng thở dài đựng một nỗi niềm sâu đắng, ông bước nhanh vào phòng tắm. Tiếng nước xả gấp gáp, từng dòng nước trượt trên mặt kính cửa phòng, tạo nên những đường kỷ hà chạy song song. Những vệt nước chợt xoắn lại, quấn bện lấy nhau. Và trên ô kính rộng chừng nửa mét vuông, hiển hiện một vách nước trong trẻo đến lạ lùng, từng đường kỷ hà ẩn hiện những gương mặt không có tuổi.
Rồi cửa phòng tắm bật mở. Ông bước ra trong làn hơi mờ ảo ùa theo. Vẻ trĩu nặng dường như đã vơi bớt đôi phần, nhường chỗ cho nét cương nghị thường ngày. Duy chỉ có đôi mắt như đang chứa cả một bầu trời trong cơn áp thấp nhiệt đới, chỉ chờ một tiếng sấm là ào ạt giăng mưa bủa vây bốn phương trời. Ngoài trời vẫn nắng nung người, bầu trời không gợn mây giống như cái ngày ra đi định mệnh, xoá sổ cả trung đội của ông trên điểm cao Đ4 ba mươi bảy năm về trước. Ấy vậy mà lại mưa, cơn mưa trái với lệ thường đổ ập xuống gột rửa bụi bặm trên đường và phần nào dịu nguội cái chói chang nung đốt.
Người thư ký tận tuỵ khẽ khàng gõ cửa, dự định báo cáo chương trình làm việc buổi chiều đã thấy ông nghiêm ngắn trong bộ quân phục. Anh “A” lên một tiếng ngạc nhiên khi thấy thủ trưởng không đeo quân hàm thượng tướng như ngày thường. Trên bộ quân phục mới thẳng thớm từng đường ly là đôi quân hàm đại uý đã bạc thếch màu năm tháng. Anh biết thủ trưởng đang chìm trong không gian ký ức nên lặng lẽ khép cửa. Không quên nhón bước thật nhẹ qua hành lang về phòng làm việc của mình.
Một mình trong phòng, vị tướng kéo hộc bàn, lôi ra một chiếc hộp sắt tây vốn là chiến lợi phẩm thu được trong trận đèo Cù Bai. Hộp lâu ngày kẹt cứng, ông phải dùng sức kéo bật nắp, cẩn thận lấy ra mảnh dù hoa xanh đã thủng một vài chỗ. Áp mảnh dù lên mặt, ông chợt thấy không gian phòng làm việc của mình như rộng ra mênh mông, vẳng tiếng chim hót đầu rừng và tiếng cười lính trẻ.
* * *
Quá nửa trung đội đang khúc khích ngồi bên suối, vừa giặt giũ vừa kể chuyện mấy cô dân quân hay tắm cuối dòng, chợt bật dậy bởi tiếng kêu đầy hứng khởi của Trung, lúc ấy đang làm nhiệm vụ cảnh giới trên mô đất phía Tây căn hầm dã chiến bán âm bán dương sát bìa rừng. Lúc ấy, Doãn tranh thủ xem lại bản đồ địa hình trong hầm cá nhân. Vách hầm thưng bằng những thân luồng bánh tẻ, vỏ ngoài rờ rỡ xanh, phía trong phô phang trắng. Mái hầm lợp bằng lá gồi, một thứ lá to bản mà bà con dân tộc nơi đây thường dùng để dựng những mái lều trú nắng mưa trong suốt hành trình phiêu dạt nơi đầu rừng xó núi của họ, khi mái lá trên những túp lều ấy lần lượt ngả vàng thì họ lại lục tục bỏ đi tìm nơi ở mới. Cũng không hẳn tại vùng đất này tuyệt đường sống của người hay ẩn chứa nhiều loài thú dữ, ma thiêng quỷ khốc mà chỉ đơn giản là kiếp sống của những người dân ấy đã gắn liền với những cơn hoài thai truyền kiếp. Họ đi chỉ vì một lẽ giản dị là đôi chân muốn đi, cái đầu cũng ưng đi, không đi không chịu nổi.
Trung đội trưởng Doãn là người đầu tiên lao mình khỏi miệng hầm, tay xách khẩu AK đã lên đạn, vừa lúc ấy Trung cũng xô tới, nói như sợ có ai đó cướp mất lời: “Báo cáo anh, địch thả dù tiếp phẩm phía đồng Duối, em thấy có mấy cái bay lạc về phía này. Xin ý kiến anh cho em đi thu về cho anh em, nhân thể kiếm thêm chút gì đó cải thiện”.
Thấy dáng vẻ hấp tấp của cu cậu, Doãn phì cười. Anh biết tỏng Trung đã viết thư cho cô bạn trẻ cùng làng, rằng nhất định sẽ gửi về tặng cô bé một mảnh dù để làm khăn quàng nên giờ nó mới quýnh quáng lên thế. Áng chừng cậu chàng đang hăng, anh vờ nghiêm mặt: “Cậu làm gì mà rối như con kền kễn thế. Đang ca gác, không tập trung làm nhiệm vụ mà cứ mê mải đẩu đâu làm mọi người tưởng có chuyện gì. Không còn chút kỷ cương nào cả”. Khuôn mặt đang tươi của Trung đờ ra khi bị khiển trách. Chợt nhận ra sự hào hứng thái quá đến quên cả nhiệm vụ của mình, cậu chàng bất giác lùi lại một bước, rập gót thật mạnh: “Thưa thủ trưởng, tôi xin nhận khuyết điểm. Xin phép thủ trưởng tôi trở về vị trí”. Rồi không đợi Doãn gật đầu, Trung nhảy ba bước dài, định co chân chạy. Nhưng rồi những mảnh dù vẫn nở bung trong đầu, cậu chàng rón rén quay lại, sẽ sọt nói với Doãn: “Lát em hết ca, anh cho em đi nhé. Nó rơi trước mắt mình mà làm ngơ thì phí quá, em cứ tiêng tiếc thế nào ấy. Anh nh….ớ….ớ….!”.
Câu nài nỉ cứ đai ra của Trung làm Doãn không nhịn được cười. Ngay khi ấy, tiếng cười cũng rộ lên từ phía sau. Hoá ra cả trung đội đã lên, đúng lúc anh khiển trách Trung nên mọi người chả ai dám ho he câu nào mà chỉ lẳng lặng theo dõi. Doãn quay lại gọi: “Lương, em lên gác thay cho nó. Còn Hoàng và Ngư đi cùng với Trung - anh nhìn sang cậu chàng mặt vẫn còn chưa hết tái – không tìm thấy dù thì liệu đấy nhé, phạt nấu cơm cả tuần chứ không nói chơi đâu”.
Chỉ chờ có vậy, Trung vội giao súng cho Lương rồi nháy mắt ra hiệu cho hai cậu bạn. Cả ba ào đi. Loáng cái đã hút bóng sau tàng cây rậm rạp. Chừng ba tiếng sau, mấy đứa quay về, người bê bết bùn đất, đeo trên mình lỉnh kỉnh cả đống đồ hộp và đám dây nhợ bùng nhùng. Trung ào vào hầm, tay khư khư ôm một bọc to tướng, nét hân hoan bừng lên trên mặt, nói như hát: “Anh ơi, dù hoa anh ạ. Đẹp hết sảy nhá. Em phải bò qua lạch nước sang bờ đìa bên kia mới lấy được đấy. Nhìn thấy nó là em phê luôn. Thế mới đáng công chứ. Trước giờ em chỉ thấy toàn dù xám, giờ mới tận mắt nhìn thấy dù hoa, lại còn được ôm nó trong lòng làm của riêng mình nữa chứ. Ối chao ôi là sướng. Thật đấy, anh sờ tay thử xem, mát rười rượi nhé, lại có cả hoa nhé. Cứ gọi là sướng mê tơi đi ấy chứ”.
Cả trung đội nhao nhao như tổ mối. Ai cũng muốn tận tay sờ vào mảnh dù hoa, áp nó lên mặt mình để cảm nhận từng sợi vải cọ vào da thịt. Thực ra, nó cũng chỉ là một mảnh vải dù, chất liệu không mấy đặc biệt nhưng lại là dù hoa, nghĩa là mảnh vải dù xanh được in hình những bông hoa nên cánh lính trẻ ham lắm. Dành để tặng cho bạn gái thì chỉ có hết sảy con bà bảy, ghi điểm cao chứ chả vừa.
Sờ chán tay, anh nào anh nấy lại thẫn thờ, chép miệng tiếc rẻ vì lỡ mất cơ hội sở hữu tấm vải dù mơ ước. Trung không nhận ra điều đó, cứ lăng xăng chạy chỗ này qua chỗ nọ để khoe cho thoả, quả quyết bảo là sẽ gửi về cho cô bạn ở quê. Dõi theo vẻ hồ hởi của Trung, Doãn chỉ ngồi cười mủm mỉm. Nhìn đồng hồ thấy đã ngót năm giờ, anh ra hiệu cho mọi người giải tán để chuẩn bị bữa tối. Tất cả lục đục đứng dậy, ai nấy đều cố tránh không dán ánh mắt đầy thèm muốn vào mảnh dù hoa trên tay Trung. Bữa tối hôm đấy uể oải như tằm ươn dâu dù anh nuôi có thêm món đậu nành nấu thịt hộp.
Nửa đêm, Doãn trở dậy. Anh khe khẽ trườn ra khỏi hầm để tránh làm mọi người thức giấc. Anh lên cồn gác thay cho Hạo. Ngồi chưa ấm chỗ thì Trung cũng lên tới, tay vẫn ôm mảnh dù hoa. Doãn lẳng lặng đưa cho Trung điếu thuốc đang hút dở, cu cậu đón lấy, hít một hơi dài rồi đưa trả lại. Cả hai cứ ngồi như thế suốt cả tiếng đồng hồ. Điếu thuốc đỏ trên tay lần lượt được truyền qua truyền lại. Mẩu đầu lọc trơ khấc bị Trung ném xuống đất, di chân lên quả quyết. Trong bóng tối, Doãn không nhìn thấy mặt Trung, nhưng cũng phần nào đoán ra vẻ mặt băn khoăn khi nghe tiếng cậu chàng thủ thỉ: “Anh ạ! Em định thế này, anh thấy có được không. Mảnh dù hoa ấy mình sẽ cắt ra làm mười tám phần chia đều cho mọi người anh nhé. Em chỉ lấy một phần để khi nào ra Bắc tặng cho cô bạn em thôi”. Cũng trong bóng tối, Doãn quờ tay qua vai Trung, bóp nhẹ: “Cậu đã nghĩ kỹ chưa. Mảnh dù đó do cậu tìm được nên cậu hoàn toàn có quyền giữ nó cho riêng mình. Việc này cậu không phải xin ý kiến mình đâu”. Trung nắm tay Doãn, bàn tay ấm nóng nồng hậu: “Em nghĩ kỹ rồi. Em được biên chế về trung đội mới được một năm nhưng em được các anh che chắn, chăm sóc còn hơn tình ruột thịt. Em bàn với Hoàng và Ngư rồi. Chúng nó nhất trí anh ạ. Chỉ xin ý kiến anh nữa thôi”. Doãn quay người nhìn Trung, trong ánh sáng mờ ảo soi rọi của những vì sao đơn lạnh, anh thấy mắt Trung nhìn mình chờ đợi. Anh chợt thấy người lính trẻ đang toả hơi ấm sang cho mình thật đáng yêu.
Thế là đang đêm, anh cùng ba người đồng đội trẻ mò mẫm đo cắt, xẻ chiếc dù hoa thành 18 mảnh đều nhau trong ánh sáng mờ nhạt hắt ra từ chiếc đèn hạt đỗ nhỏ xíu treo giữa nóc hầm. Hoàng vốn là người quê lụa, từng giúp mẹ hồ vải, nhuộm màu nên cu cậu xung phong thêu chữ trên những mảnh dù. Nghĩ mãi không biết nên thêu chữ gì, Doãn đánh thức mọi người dậy trưng cầu ý kiến. Đêm ấy, cả trung đội chụm đầu bàn bạc mới quyết định thêu bốn chữ “Đường 9 quyết thắng” lên một góc dù. Tất cả ba lô được dốc ra để tìm kim chỉ. Ai nấy xâu chỉ vào kim của mình rồi háo hức ngồi đợi Hoàng thêu cho từng người một. Mảnh dù thêu hoàn chỉnh được chuyền tay nhau ngắm nghía. Đường thêu móc xích được thực hiện bằng đôi tay đàn ông vẫn khéo thật là khéo từng đường kim mũi chỉ. Chả ai thiết ngủ, tất tật ngồi bó gối trong hầm dõi theo từng mũi kim của Hoàng như thể nếu không đăm đăm quan sát thì Hoàng và mảnh dù hoa của mình sẽ tan biến mất.
Trời sáng, mười tám mảnh dù đã ở trên tay mười tám thành viên trong trung đội giữa trảng rừng cháy trụi. Doãn cầm mảnh dù của mình, nói trước anh em: “Hôm nay, chúng ta đang kề vai sát cánh bên nhau cùng thực hiện nhiệm vụ trên điểm cao này. Thể theo mong muốn của tất cả mọi người, chúng ta cùng nguyện giữ mảnh dù này như một minh chứng cho tình đồng đội, một kỷ vật của chiến tranh. Mười tám người chúng ta đây đều chưa có vợ, nếu người nào trong chúng ta hy sinh, dù hoa sẽ cùng người đó về nằm trong đất mẹ, nếu ai toàn vẹn trở về, dù hoa sẽ dùng để làm võng cho con cái chúng ta. Tất cả có đồng ý không”. Những mảnh dù hoa được vẫy lên cao: “Đồng ý. Hoan hô trung đội trưởng“.
* * *
Vị tướng thở dài. Mảnh dù hoa duy nhất còn lại trên cuộc đời này đang nằm trên tay ông. Mười bảy mảnh dù kia đã nằm lại chốt lửa trên điểm cao ngày ấy. Vết thương trên vai trái nhói đau làm nét mặt ông bất chợt nhăn lại. Mười bảy mảnh dù hoa kia giờ đã cùng đồng đội ông về với đất mẹ. Ông thấy Trung đang huơ huơ mảnh dù hoa lên trời vẫy gọi, thấy Hoàng cặm cụi xâu từng sợi chỉ thêu, thấy Lương nghiêm trang, lặng im trên chốt gác, thấy Ngư bơi dưới suối như con rái cá, đặt lờ bẫy cá cải thiện bữa ăn cho anh em. Mười bảy gương mặt thân quen đã cùng vào sinh ra tử, chia nhau từng ngụm nước, mẩu lương khô vẫn tươi trẻ trong tuổi tráng niên đại mộng. Mười năm trước đây, ông đã cùng đoàn quy tập mộ liệt sĩ tìm lại được hài cốt của anh em. Lẫn trong đất núi, là những mảnh dù mục nát. Khi ấy, hai hàng nước mắt cứ chảy mãi không thôi trên khuôn mặt vị tướng đã kinh qua biết bao trận mạc. Ông nghe thấy tiếng Trung rì rầm trong tiếng đất, bảo: “Anh Doãn đến tìm chúng em đấy à, vui quá, bọn em ở đây có đông anh đông em, chả ai bắt nạt được”, rồi có tiếng cười, tiếng chào hỏi không ngớt và hình như có bàn tay ai đó thoảng nhẹ như sương lau nước mắt cho ông. Ông lầm rầm khấn gọi tên từng người, lần giở mảnh dù hoa của mình đặt bên cạnh mười bảy bộ hài cốt vừa quy tập, lòng thanh thản lạ lùng bởi anh em đều đã về đây, về bên nhau để mười tám mảnh dù ngày xưa có ngày đoàn tụ dù âm dương cách biệt.
Vị tướng nhấc điện thoại gọi cho thư ký báo cho lái xe chuẩn bị. Ông cẩn thận đặt mảnh dù vào hộp, khoá cẩn thận rồi dứt khoát bước ra khỏi phòng. Hai vai ông như trĩu xuống dù chiếc hộp không mấy nặng.
* * *
Mảnh dù hoa đầy kỷ niệm ấy giờ được đặt trang trọng trong Bảo tàng quân đội với những dòng chú thích thật cụ thể. Một chiều kia, có một trung đội thiếu gồm mười bảy chiến sỹ tìm về tham quan, trên vai họ quàng những mảnh dù hoa, phấp phới dòng chữ “Đường 9 quyết thắng”. Giữa biết bao hiện vật của chiến tranh, những chứng tích một thời khói lửa cứ gợi lên buốt xói. Bên cạnh mỗi hiện vật có tấm biển mang dòng chữ “Đề nghị không sờ vào hiện vật”. Những người lính ấy lặng lẽ ngắm nhìn một hồi lâu rồi đi lúc nào không ai rõ.
Họ không sờ vào hiện vật. Nhưng chỉ nhìn thôi cũng đủ đau rồi!
P.V.A