Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nẻo về ấm áp...

C

ăn hộ của Hoàng ở tầng trệt, bù xù, rệu rạo như tổ chim vừa trải qua một mùa đông dài. Bích nhớ lần đầu tiên, khi băng qua những dãy hành lang tối om, ẩm ướt để đến nơi ở của Hoàng, Hoàng đã nhìn Bích lưng lẻo ngập ngượng: Chỉ gắng sống ở đây thêm một vài năm nữa, sau đó sẽ kiếm thuê căn hộ khác khá hơn. Ở đây, điện nước phập phù, nhà cửa ọp ẹp, chung cư được xây từ thập niên sáu mươi, bảy mươi, bây giờ đã "oải" và xuống cấp lắm rồi.

Ngày đó, Bích mới hai mươi tuổi và hôm nay đã gần đầu bốn. Ngày đó Bích là cô gái xuân tươi hơ hớ, đang trong tầm ngắm tán tỉnh của Hoàng, còn giờ thì đã sắp trở thành "con mẹ sề" theo kiểu nói của mấy cô Bắc Kỳ sống cùng chung cư. Vậy mà nghiệt ngã thay, đến tận hôm nay, Bích vẫn ở cùng Hoàng trong căn hộ cũ xì mốc mếch, tàn tạ như một bà già bị bệnh hen suyễn kinh niên.

Sau một ngày quay cuồng với đủ công việc bà rằn ở cơ quan, vượt qua những tuyến phố nghìn nghịt người, thường xuyên tắc đường và ồn ào điếc óc, quẹo qua rất nhiều con hẻm sâu hun hút bốc mùi nước cống khăm khẳm thối, Bích mới đến được "tổ ấm" với những bức tường loang lổ đầy rẫy vết rạn nứt, kèm theo vô số phiền toái, ngột ngạt của cuộc sống tạp cư. Bích bực nhất là lúc phải hứng chịu những trận "bom nước" hoặc" bom rác" của  một kẻ vô ý thức nào đó bất thần dội xuống từ tầng trên, sợ những đôi mắt lấm lét xoi mói của hàng xóm mỗi khi vợ chồng to tiếng... Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là khi cống tắc, dòng nước đen ngòm rú òng ọc như đê vỡ và tung tăng lều phều tràn lan khắp toilet. Hoàng quần ngố, ở trần lội bì bỏm loay hoay ngăn nước bẩn tràn vào phòng khách, miệng oai oải kêu ca trời gần đất xa. Con gái Bích te tái liến thoáng: Sài Gòn bị lũ, nhà mình cũng bị lũ, má gấp cho con chiếc thuyền giấy để con thả thuyền nghen má!

Những lúc đó, Bích ngồi rã rượi như một cái xác không hồn, mặc cho Hoàng cáu tiết, mặc cho cô con gái chóc chách kèo nài. Và Bích thèm ghê gớm được sống lại thuở hồn nhiên, vô tư của thời con gái, lúc Bích còn là hoa khôi của trường Cấp 3 phố huyện.

Ngày đó, Vùng Cùa cảnh sắc hữu tình, nức tiếng gần xa về mỹ danh "Miền gái đẹp" đã đóng góp cho trường cấp ba Tân Lâm một thiếu nữ sắc nước hương trời là Bích. Thiếu nữ thời Bích không xe xua tóc quăn hay nhuộm vàng như thiếu nữ bây giờ. Tóc Bích đen, dài, mượt tựa dòng suối, lơ đãng vờn quanh khuôn mặt đẹp rạng ngời như đóa hoa lung linh. Bên cạnh Bích bao giờ cũng là Ngọc, một người đẹp mười phân vẹn mười, chỉ kém cạnh Bích vài phân. Mỗi khi bóng dáng Bích và Ngọc lướt qua sân trường, tức khắc sẽ tạo ra "cơn địa chấn" nho nhỏ trong tim những chàng học trò trường huyện. Những bức thư tỏ tình viết bằng đủ màu mực, đủ lời yêu thương từ vụng dại, chân thành đến lãng mạn, cao siêu... rập rờn bay đến với Bích và Ngọc như muôn ngàn cánh bướm...

Bích vẫn còn nhớ mãi những ngày đầu xuân, khi đám thanh niên trai trẻ của huyện náo nức tòng quân. Trên bục cao, Bích bận áo dài màu thiên thanh, tóc sóng sánh như làn suối, trên bàn tay xinh là cành hồng nhung vừa hé nụ, và giọng ngâm thơ của Bích cất lên:

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa

Cùng với nhiều đồng chí nữa

Chiếc áo đỏ rực như than lửa

Cháy khôn nguôi trước lúc chia ly...

Tiếng thơ ngân nga quyện hòa cùng sáo trúc khoan nhặt, lan tỏa vào không gian, lắng thành giọt tâm hồn đọng mãi trong bầu ngực thanh tân, đầy nhiệt huyết của những chàng trai trẻ má còn bầu bĩnh non tơ, làm cho đôi mắt của họ thêm long lanh, rực sáng. Ngày mai, cho dù đi đến góc biển chân trời, hình ảnh Bích với tà áo dài thiên thanh mỏng manh như đám mây nhẹ nhàng bất chợt ghé qua bầu trời cùng giọng ngâm thơ sâu lắng của nàng sẽ trở thành dấu ấn khó phai mỗi khi họ nhớ về quê hương, như là nụ cười rạng rỡ, ấm áp, không bao giờ tắt...

*  *  *

Đã mười mấy năm rồi, mày làm vương làm tướng gì ở trong đó mà không về quê. Đã đành bố mẹ mày cũng đã chuyển hẳn vào Nam, nhưng mày vẫn còn bạn bè, còn thầy cô. Mày tệ bạc vừa thôi, còn để dành cho người khác tệ bạc với chứ. Giọng Ngọc xoe xóe ở đầu máy điện thoại.

Bích thở dài: Tao bận quá, sợ lần này cũng không về được.

Bận cái con khỉ mốc, dẹp công việc sang một bên, dẹp hết. Lần này là kỷ niệm 20 năm bọn mình ra trường đấy. Có tiếng thở dài, rồi tiếng thút thít: Tao nhớ mày quá, Bích à. Tao mà giàu có như người ta thì đã chạy ngay vào Sài Gòn với mày rồi. Không biết bây giờ mày ra sao, gầy béo thế nào, còn đẹp như ngày xưa không. Lần nào điện thoại hỏi mày, mày cũng chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Lần này mày nhất quyết phải về, không là tao từ mặt...

Tắc xi dừng lại thị trấn, Bích vừa bước xuống, chưa kịp chải lại mái tóc thì một người to béo đẫy đà đã bổ sập vào người nàng, ôm xiết chặt khiến Bích ngợp thở. Rồi véo, rồi rứt, rồi xuýt xoa và ời ợi khóc ngay giữa thanh thiên bạch nhật làm Bích thực sự lúng túng. Tao đây, Ngọc đây, mày có nằm mơ cũng không nhận ra con Ngọc ngày xưa nên tao mới chủ động tấn công mày trước. Bích lùi lại, mở tròn mắt nhìn bạn. Ngọc đây à, đây là Ngọc ư? Trước mặt Bích là một người đàn bà nhàu nát bể bã, bộ quần áo màu tím xộc xệch, nhăn nhúm, tóc tai bù rối xác xơ...

Mày thấy tao xuống cấp lắm phải không? Còn mày, sao lại xanh xao thế. Người Sài Gòn, người thành phố như vậy là vứt, phải phát tướng như tao chứ. À, nghe bảo dạo này làm ăn khấm khá lắm phải không?

Cũng được... vừa mới xây xong ngôi lầu mới, anh Hoàng đi nước ngoài liên tục nên cũng có đồng ra đồng vào.

Nàng trả lời nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt bạn. Mặt nàng rân rân và dường như đỏ ửng lên vì ngượng. Nàng cũng không ngờ mình lại nói dối một cách trơn tru như thế , nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Chẳng lẽ lại thú thật là nàng đang sống cũng Hoàng ở một căn hộ chung cư cũ kỹ, rách nát sau hơn mười mấy năm lập nghiệp ở Sài Gòn?

Vậy là nhất mày rồi, nhưng cũng đừng ham làm giàu mà không lo chăm sóc sức khỏe, tao thấy mày xanh xao lắm. Ngọc vừa nói vừa đẩy Bích lên xe.

Chiếc xe máy cà tàng rú lên đành đạch như trẻ con ăn vạ, rung rinh, đảo qua đảo lại rồi bươn ra đường lộ. Thị trấn, không còn như xưa. Đường thênh thênh rải nhựa bóng loáng. Nhà cao tầng lô nhô, cửa hàng cửa hiệu san sát, chẳng còn chút bóng dáng của cái thị tứ nghèo nàn, buồn tẻ đường đất, đèn dầu như thuở Bích còn trẻ trung.

Cam Lộ giờ thay đổi quá, Bích áp má vào tai Ngọc thì thào, mắt háo hức đảo ra chung quanh.

Đường này bây giờ đã là đường xuyên Á, nối một mạch từ đây sang  tận Lào, Thái Lan, mày thấy đã khiếp chưa? Lúc nào giàu có, tao và mày làm một chuyến chu du thiên hạ cho bõ thèm, dẹp chồng, dẹp con sang một bên, chịu chưa?

Xe loanh quanh qua những đường phố lớn rồi trở ngoặt vào hẻm nhỏ và dừng lại trước một ngôi nhà lợpphibroximăng tồi tàn. Mấy đứa trẻ cao thấp, áo quần te tua chạy túa ra như một bầy nhặng cuống quýt. Ngọc gạt mạnh chân chống, thét như một nữ tướng: Con Thủy, mày đã dọn dẹp nhà cửa chưa? Trời ơi, chỉ có ăn là giỏi, dặn dò mãi mà nhà cửa tênh bềnh thế này đây.

Ông xã đi đâu mà chẳng thấy? Nàng nhìn Bích dò hỏi. Bích cúi gằm mặt, lẳng lặng dẫn nàng đến trước bàn thờ nhỏ. Một người đàn ông miệng rộng, cười tươi như hoa như đang nheo nheo mắt cười với nàng.

Anh Chiến... anh Chiến... mất khi mình sinh con bé thứ ba, vì ảnh hưởng của chất độc da cam. Cũng may mà hai đứa con đầu của mình không bị bệnh, còn út Hương thì...

Có tiếng ú a ú ớ, dường như có ai đó đang dật khẽ vào gấu quần khiến nàng cúi mặt xuống. Một luồng điện chạy lan xuyên suốt khắp cơ thể khiến nàng run rẩy, bủn rủn. Trước mắt nàng là một cô bé đầu trọc lóc, hai hố mắt được bịt kín bằng những đụn thịt nhăn nhúm, xanh nhớt nhát, đôi môi sứt phô cả lợi đỏ hỏn và hàm răng lở lói...

   Tại sao mày dấu tao mọi chuyện, mày có còn là bạn của tao nữa không? Nàng gần như gào lên.

Ngọc tiến sát đến cạnh nàng, khuôn mặt nhòa nhuện nước mắt. Nàng đổ sập người vào Ngọc, xiết Ngọc đến ngạt thở. Mùi mồ hôi của Ngọc ấm nồng cay cay, mái tóc Ngọc xõa tung, cọ vào má nàng nhơm nháp.

Nàng nhắm mắt, mặc cho nước mắt hối hả rơi. Bất chợt hình ảnh sân trường tràn lá me bay hiện về. Ngọc đang đứng đó, áo trắng tinh khôi, mái tóc thề ngang vai bay tung trong gió sớm, thanh tân và ngọt ngào bên đời mênh mông...

 

*  *  *

Nhà hàng ở trung tâm thị trấn, bao bọc xung quanh là cây xanh, ríu rít tiếng chim và âm nhạc êm dịu. Những bàn ăn trải khăn trắng sang trọng và lịch thiệp. Dưới hồ nước, mấy cành sen súng phơn phớt hồng kiêu hãnh tỏa hương...

Người đàn ông ngước nhìn nhìn Bích, chăm chắm như muốn thu cả hình ảnh nàng vào trong tầm mắt. Bích cảm thấy hơi ngượng, dịu dàng vuốt đám tóc lòe xòe vướng bên má, khẽ khàng ngồi xuống.

Lại một nạn nhân nữa của mày. Bươn bả non ngàn cây số từ Hà Nội vào đây để gặp lại mỹ nhân vang bóng một thời, mày thấy đã sướng chưa? Ngọc nheo mắt nhìn Bích. Người đàn ông má thoáng ửng đỏ: Tôi cũng không ngờ được gặp Bích ở đây, cũng đã gần hai mươi năm...

Tôi học trên Bích và Ngọc hai lớp, tên Đông, nhà ở cuối thị trấn. Ngày đó, tôi nhút nhát và khờ khạo lắm.  Tôi đã viết rất nhiều thư cho Bích, đã chờ đợi và vẻ ra biết bao viễn cảnh, ảo mộng cho riêng mình, nhưng cuối cùng thì... vẫn không nhận được một dòng hồi âm từ phía Bích.

Ngày đó, tôi bận quá, thư gửi đến thì nhiều... Bích lúng túng phân trần. Tôi biết, nghĩ lại thấy mình thật buồn cười. Sáng nào, tôi cũng đều đứng chờ ở hành lang, để được nhìn Bích đi từ cổng trường vào lớp. Phải nhìn được Bích một lần, tôi mới có thể yên. Lần gặp Bích sau cùng là dịp tôi lên đường nhập ngũ. Ngồi dưới đám đông, tôi lặng người ngắm Bích trong màu áo thiên thanh, mê đắm ngất ngây với giọng ngâm thơ ngọt ngào của Bích. Tôi mơ màng như thế lâu lắm, mãi cho đến khi tiếng còi rít lên báo hiệu tập họp. Tôi bước lên xe như kẻ mộng du. Khi xe xuất hành, tôi vẫn cố ngoái đầu nhìn lại, mãi cho đến khi màu áo thiên thanh của Bích xa dần, xa dần và mất hút trong đám đông người đưa tiễn...

Những năm ở quân ngũ, và kể cả sau này, khi đã ra quân, bước vào thương trường và cuộc sống thường nhật bộn bề, tôi vẫn luôn nghĩ đến Bích, hễ có dịp về quê, thể nào tôi cũng tìm mọi cách để tìm hiểu thông tin về Bích. Biết Bích ở Sài Gòn nhưng Ngọc cương quyết không cho tôi địa chỉ, may mà lần này...

Bây giờ anh đã có mấy cháu rồi, chị quê ở đâu? Bích chủ động cắt dòng hồi ức miên man của người đàn ông.

Muộn màng lắm, mới lập gia đình thôi, cháu trai mới lên ba tuổi ...

 Trời có cho ai tất cả mọi thứ đâu. Anh Đông lập gia đình muộn nhưng giờ đã là Giám đốc một Doanh nghiệp có tiếng ở Hà Nội, dưới tay có hàng trăm công nhân, đi ô tô đời mới nhất và túi luôn rủng rỉnh đô la... Ngọc đột ngột xen vào.

   Đông cười: Ít tháng nữa, Đông vào Sài Gòn, chắc là còn có nhiều dịp gặp Bích dài dài...

***

   Tao đang ở Sài Gòn, đem bé Hương vào chữa bệnh, đang ở Bệnh viện... đường ... Quận... Giọng Ngọc buồn buồn.

Út Hương bị làm sao? Bị bao lâu rồi?

 Đã gần một tháng trời rồi, nặng lắm, không biết có qua được hay không? Có tiếng thút thít trộn lẫn tiếng ho khan của Ngọc phía bên kia điện thoại.

   Nàng vớ vội chiếc túi xách trên bàn, luống cuống mở tủ lấy tiền rồi hối hả chạy xe ra phố. Ngọc chờ nàng ở đầu hành lang tầng một, dẫn nàng vào một căn phòng la liệt người. Út Hương nằm đó, xanh xao rớt rát. Chiếc chăn chiên đắp nhẹ lên hình nhân ốm yếu, cóm rọm như con sâu thu mình trong tổ kén, mùi tanh dờn dợn lẩn quất khắp căn phòng.

   Toàn người Út Hương nổi đầy những nhọt, mưng mủ sưng tấy. Nằm ngửa cũng đau, nghiêng bên phải, bên trái cũng đau. Cháu khóc ngằn ngặt từ đầu đêm cho đến sáng, lúc nào mệt mỏi quá mới ngủ thiếp đi... Nhìn cháu vật vã từ ngày này sang ngày khác, đau lòng lắm Bích ơi. Ngọc ngồi thụp xuống nền nhà, hai tay quệt nước mắt nhòe nhoẹt trên mặt, đau đáu nhìn con.

   Nàng run run nắm tay Ngọc an ủi rồi khe khẽ mở túi, dúi vội xấp tiền vào tay bạn.

   Ngọc cầm lấy đi, để lo thêm cho cháu.

   Không, tớ... tớ... không thể... nhiều tiền như thế... mà cậu cũng chỉ là công chức bình thường...

Nhưng anh Hoàng đi nước ngoài suốt, từng này không đáng là bao. Hơn nữa, đây là Sài Gòn chứ không phải ở quê mình... Hàng trăm thứ cần phải chi tiêu, Ngọc ạ. Bạn bè không giúp nhau trong lúc này thì lúc nào. Nếu Ngọc không nhận, liệu mình có yên tâm được hay không?

Ngọc không nói gì, run run ôm Bích vào lòng. Bích lặng yên để mặc bạn run rẩy trong từng cơn nức nở...

***

   Đồ ăn tàn phá hại, đồ nhân nghĩa rởm đời, hơn chục triệu bạc của tôi chứ ít à? Cô xem còn cái gì trong căn nhà nát này có giá trị thì bán tống, bán tháo hết đi mà lo cho bạn cho bè. Cô có biết tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được triệu bạc không? Thời buổi lạm phát, cắn tay không ra chút máu, vậy mà cô nỡ rứt ruột đem tiền đi cho. Cô giết tôi đi, trời ơi là trời....

   Hoàng lồng lộn, đi đi lại lại trong căn phòng chật chội, vò đầu, bứt tóc, ra rả chửi rủa. Con gái nàng dựa lưng vào góc phòng im thin thít, ngước đôi mắt to tròn nhìn bố. Nàng len lén cúi đầu, đôi chân di di lên nền gạch hoa cũ kỹ , ố xám, run rẩy phân bua:

   Em... em có lỗi... nhưng hoàn cảnh Ngọc như thế. Một mình lang thang đất khách quê người, biết bấu víu vào đâu. Không có tiền chạy chữa, trả viện phí thì bé Hương sẽ chết mất... Ngọc quá nghèo, đã thế, bệnh của bé Hương chỉ bệnh viện lớn ở Sài Gòn hoặc Hà Nội may ra mới chạy chữa được... Mà Sài Gòn thì đắt đỏ,  đụng vào đâu cũng là tiền...

   Cô còn mở miệng nói được nữa cơ à. Cút, cút ngay, xéo đi cho khuất mắt... Hoàng lăn xả vào nàng như một con thú hoang trong cơn say tiết, vung tay đẩy mạnh làm nàng bổ dúi dụi xuống sàn nhà. Chưa bỏ tức, Hoàng kéo nàng sườn sượt, đẩy nàng ra khỏi cửa. Nàng trì chân níu kéo nhưng thật bất ngờ, Hoàng nghiến răng, đạp mạnh khiến nàng bật dội thẳng ra ngoài, lăn lông lốc và đập đầu vào chiếc lan can củ kỹ, lở lói. Máu từ hai bên thái dương ri rỉ chảy xuống lành lạnh. Đầu nàng đau nhói, tim nàng dường như cũng vỡ tung, rỉ máu... Nàng gục đầu chết lịm, tê tái nhưng mặc kệ, Hoàng vẫn đóng sầm cánh cửa và huỳnh huỵch bước vào nhà...

Nàng ngồi chết lặng như thế  không biết cho đến bao lâu, mãi cho đến khi có tiếng di động vang lên và giọng nói của Ngọc run run trong điện thoại. Nàng không còn tin vào tai mình. Nàng bật dậy như lò xo rồi phóng xe chạy ra phố.

Sài Gòn về chiều nườm nượp người xe, như thể những đàn kiến lúc trời tức mưa dồn dặc, ứ đọng ở các con hẻm nhỏ rồi bất thần đổ tràn ra phố lớn, nghìn nghịt, bất tận. Quẹo qua vòng xoay Hàng Xanh, một chiếc xe cồng kềnh, to vật vã suýt đâm đầu vào xe nàng. Gã thanh niên có khuôn mặt râu ria bặm trợn, trừng trừng nhìn, xách mé chửi rủa nhưng nàng mặc kệ. Nàng lạng lách qua dòng người xe tràn ngập trên phố , hồng hộc chạy lên những bậc cầu thang dựng đứng và dừng lại trước phòng bệnh của Bé Hương.

Trong căn phòng tối lờ nhờ, những bóng áo trắng lạnh lùng đẩy chiếc băng ca ra khỏi phòng, bên trên là hình nhân nhỏ rúm ró trong tấm ra ố màu. Ngọc tóc tai xõa xượi chạy theo băng ca, hai tay cào cấu, chới với,  gào thét đến khản đặc cả giọng...  Tiếng gào khóc của Ngọc như những mũi kim nhọn đâm thẳng vào tim nàng nhức nhối. Những bóng áo trắng vẫn loang loáng, loang loáng vút qua. Chiếc băng ca chở thân xác và linh hồn nhỏ bé của Út Hương vẫn lao vun vút về phía hành lang hun hút, ẩm thấp và lạnh lẽo...

   Nàng thở dốc, tay ôm lấy ngực, đầu tựa vào tường. Cảnh vật quanh nàng chao đảo. Đầu óc nàng trở nên mụ mị. Bên tai nàng ong ong tiếng thét thất thanh của Ngọc trộn lẫn với tiếng chửi rủa sa sả của Hoàng và cả tiếng cười tru tréo của ai đó cất lên sằng sặc, man rợ, lạnh lẽo... Nàng ôm đầu, hai chân từ từ quỵ xuống...

 Một bàn tay cứng cáp, rắn chắc luồn xuống sau lưng nàng, đỡ nàng trở dậy. Bao bọc quanh nàng là hơi thở ấm áp, nồng nàn. Nàng nheo nheo mắt cho đỡ chói rồi khe khẽ mở ra. Lòa nhòa trước mắt nàng là khuôn mặt của một ai đó trong quen lắm. Đông! Đúng là Đông rồi. Nàng gần như thét lên, mừng rỡ.

Đông nhìn nàng dịu dàng, giọng trầm ấm: Bích, Bich tỉnh lại đi. Những lúc thế này cần phải bình tĩnh. Bạn bè cùng lớp ở Cam Lộ cũng đã lặn lội vào Sài Gòn thăm Ngọc và Út Hương. Ngày mai, bọn mình sẽ đưa Út Hương về quê. Rồi mỗi người mỗi tay cùng chung sức lo cho Ngọc, giúp Ngọc vượt qua nỗi đau và thời khắc gian nan này. Khó khăn nhiều đấy, nhưng không có việc gì không thể vượt qua, nếu bạn bè bọn mình luôn bên nhau, có phải không Bích?


P.M.Q

 

 

 

Phạm Minh Quốc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 169 tháng 10/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground