Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngày biển đông

1

. Trảng cát nóng như chảo rang. Người đàn bà bước qua trảng cát. Tay bà dắt theo đứa con gái nhỏ. Gió từ biển chưa thổi thốc vào. Một ngày lặng gió. Một ngày chỉ hầm hập trên đầu cái nắng của ông mặt trời cháy đỏ.

Chân lún sâu dưới cát. Bàn chân to bè của người dân trảng cát. Cát… chỉ toàn là cát. Hết cát là biển. Soãi chân ngược lên là núi. Núi ăn liền ra tới biển. Không có đồng đất. Sự sống cái làng bán sơn bán thủy này gởi nhờ trên cát. Gió Nam Lào thổi tung cát lên mù trời, mù đất. Gió mùa Đông Bắc thổi biển tung lên những đợt sóng gầm thét, phủ cả trảng cát mênh mông. Một năm hai mùa gió chướng là sự nghiệt ngã của thiên nhiên. Một năm bốn mùa của con người là sự đói nghèo lưu cứu của người dân trảng cát.

Người đàn bà gầy khô như xác ve. Áo bạc thếch màu nắng gió. Cái nón lá xám màu, nát rách đến độ muốn vứt đi.

Một tay dắt đứa con gái nhỏ. Một tay cầm cái bị cói, người đàn bà cố gắng bươn mau, qua khỏi cái trảng cát mênh mông này. Tụt tận xa kia là những xóm làng nghèo khổ, ẩn hiện mịt mờ giữa cát trắng và những gốc liễu xẩm màu.

Làng Hạ. Nụ cười cháy xém trên môi. Người đàn bà không thể quên được gốc tích của mình, quên được mình đã sinh ra trên cái rẽo đất buồn bã này - không lên rừng hái củi, thì ra biển đánh vật với sóng gió ngoài khơi. Kiếp nhân sinh ở đây là chuỗi ngày lao lung, cực nhọc. Biển nuốt chửng lấy người  trong những cơn thịnh nộ. Rừng thâm u, huyễn hoặc, không bảo bọc gì được cho người. Những gánh củi ở rừng về, xiêu vẹo bước chân qua trảng cát, chạy cả chục cây số về phố huyện để bán được cái giá bọt bèo, tủi thân quay về với biển. Biển dồn cơn sóng vỗ, gầm thét vỡ trời, ân huệ biển ban cho buổi có buổi không... Rồi cũng hàng chục cây số, gánh trên đôi vai nặng, người dân làng Hạ với những thúng cá chạy khắp làng quê phố thị mà cái nghèo vẫn lưu cửu nghèo. Khi thuyền đẩy lên bờ, khi mùa biển động, bão về…đã quật những trận cuồng phong dữ dội, thì người dân làng Hạ co lại với cái bao tử lưng lẻo và con mắt buồn phiền, mỏi mòn nhìn ra biển.

Cũng như những người dân khác, con mắt buồn phiền, mỏi mòn đó đã in dấu đời đời lên trên khuôn mặt gầy khô, đen sạm của người đàn bà này. Bà tê tái trái tim; rách bướn sức sống, chút còm cõi hơi sức bà cố dành dụm đến phút cuối cùng mà kéo lếch con bé đi. Con bé chừng mười tuổi, lùn cùn chạy trên cát. Quen với nắng gió bỏng rát thịt da, con bé không một tiếng than phiền. Được theo mẹ đi xa đó là niềm hạnh phúc, vui sướng của nó. Nó đội cái mũ cói còn mới tinh và mặc bộ đồ đẹp nhất của nó. Nó cũng gầy khô như mẹ, cũng loắt choắt, nhỏ nhoi giữa cái trảng cát mênh mông.

Hai mẹ con đi vội lắm. Đi như chạy nhưng vẫn chưa ra được trảng cát và cái nóng hầm hập như thiêu đốt cả hai…

2.

Từ độ người anh cả ra biển không về, người chị dâu vật mình vật mẩy, nằm chết giấc trên bờ để đợi chồng… thì đứa con trai thứ ba của gia đình nầy có ý định bỏ biển ra đi.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa biển động thù dân biển có kẻ đi không về. Năm ấy, cả làng mất hơn chục mạng người. Cái đói rách cùng sự chết chóc làm tan hoàng làng biển…Đứa con trai mới lớn của làng Hạ quặn thắt ruột gan, nó bỏ biển chạy ngược về phía núi mà gào thét. Người anh cả chết, bạn bè nói có đứa chết. Cháu nó mới lên ba quấn vành khăn tang trắng, dại khờ đứng đăm đăm về phía biển. Mùi biển đã bao đời nuôi nó lớn. Khoảng núi rừng sau lưng bao đời dạy nó tính cách bền bỉ chai lỳ… Thế mà chiều hôm đó nó muốn vứt bỏ hết mà đi.

Mặt nó thâm u, buồn bả. Bố nó kiệt hết sức lực vì sự mất mát quá nhiều, đã đổ gục bên chai rượu. Chất men cay này giúp người ta chống đỡ với nỗi đìu hiu, với cơn đau buồn sinh ly, tử biệt. Em trai đã ra biển không về, bây giờ đến lượt thằng con cả. Và mai nầy nữa, để có cái ăn người ta phải thí xác ngoài biển. Nhưng cái ăn nào sung túc, no đủ gì cho cam. Vẫn cái biển đong cho từng bữa, và biển đòi lại thì vô cùng.

Người bố nằm gục trên tấm phản giữa nhà. Người mẹ cắm những cây hương lên bàn thờ…

Hơi gió thổi vào tanh nồng, đặc quánh. Ngoài kia biển khơi vẫn còn đen kịt một màu; thế mà biển vẫn chưa trả xác vào bờ. Thế mà biển vẫn còn ầm ào thịnh nộ… Và làng biển người ta vẫn còn chạy dọc theo biển mà kiếm tìm, mà chờ đợi, mà thét gào.

Người chị dâu đã xõa tóc chạy mãi trên biển ba ngày liền. Ba ngày rồi cả tuần… Cái xác của người anh cả đã bị biển khơi nhấn chìm, không trả lại. Thế là không quan tài, không đám đưa, chỉ có một bàn thờ khói hương nghi ngút. Và người ta sì sụp lạy, người ta lặng lẽ quấn lên đầu mình vành tang trắng và người ta ngồi khóc bên nhau.

Khóc mãi để tự vắt kiệt sức mình, và rồi cuối cùng người ta cũng phải đứng dậy - Ngậm cái đau và lo chống cái đói.

Những con người như những cái bóng lại chờ biển lặng để ra khơi. Hương khói lại đốt lên cúng đất trời và biển, cùng những vong hồn phiêu dạt đâu đâu ngoài tít xa khơi của bạt ngàn ngọn sóng.

Đứa con trai thứ ba, đứa con trai duy nhất còn lại của gia đình này không đi biển nữa. Người chị thứ hai lấy chồng ở mé núi, người anh rể cũng có hai đời ông cha, chú bác chết ngoài biển khơi nên bỏ nghề đi biển. Gã tìm về rừng với nghề đốt than để sống.

Đứa con trai theo anh rể học nghề sơn tràng, đốn cây, đẵn gỗ, đốt rừng. Nhưng ăn của rừng cũng rưng rưng nước mắt. Được chừng nửa năm, cây đổ đè người anh rể què chân, bại liệt nằm một đống. Đứa con trai buồn bã đứng nhìn rừng, nhìn biển, nhìn doi đất… cát, toàn là cát. Nơi đây gọi là quê hương xứ sở! Nơi đây là chỗ chôn rau cắt rốn! Nó thấy sự an bài của thượng đế chẳng có chút gì hào phóng với quê hương, bản quán của nó. Lòng nguội lạnh như tro than, một buổi chiều nó về thưa với bố… Nó không thể ở lại đây sinh sống được. Đời nó còn dài. Nó là đứa ham ăn ham làm, thương cha, thương mẹ, thương chị, thương em nhưng nó muốn kiếm một mảnh đất khác.

Người bố đã ngồi lặng im nghe con nói. Nước mắt ông tự trào ra, cõi lòng ông tự dứt ra từng mảnh. Hình như cái buổi chiều ấy có tiếng quạ kêu quang quác ở phía hẻm núi và tiếng sóng gầm thật sâu, thật đục từ ngoài lòng biển dội vào.

Ông bố lắc đầu, bấm đốt ngón tay nhẩm tính. Cứ mỗi đời có đôi ba người hoặc nằm lại ngoài kia biển dữ, hoặc theo nghề sơn tràng mà chết. Những cái chết bất đắc kỳ tử, những cái chết quá đỗi tội tình.

Câu con trai độc nhất để nối dõi tông đường, ông không thể cầm chân con lại. Có một điều ông cứ băn khoăn. Thằng con ông tuy lớn xác, điềm đạm, lo  làm ăn nhưng nó còn non dại quá, chữ nghĩa chẳng có là bao. Ở cái làng chài này, được học hết cái cấp hai là vạn nhất, nhưng ra ngoài kia phố thị chữ nghĩa như vậy là quèn. Nghề nghiệp của nó cũng không có. Cái sức khỏe của nó cũng chỉ để làm cu ly, làm cửu vạn, liệu có qua ngày đoạn tháng được không.

Ông trầm ngâm nhìn trời, nhìn biển, nhìn đứa con trai nối dõi tông đường còn lại và hai đứa con gái út, loắt choắt không được đến trường, đến lớp. Ông rầu rĩ.

Bà mẹ cũng không biết nói gì. Bà cũng chỉ đăm đăm nhìn đứa con trai phổng phao mới lớn của mình. Bà phát hiện ra cái vừng trán nó rộng hơn, tóc nó rậm đặc hơn và hơi thở của nó cũng nóng hổi hơn. Nó sẽ bỏ bố mẹ mà đi tới một phương trời khác, không có biển dữ giết người, không có khói muội than làm đen thui đen thủi khuôn mặt và thân hình nó. Nhưng nó sẽ sống làm sao? Những đứa con khôn lớn đã ra đi, đã lìa bỏ bố mẹ, có đứa đã vĩnh viễn không về. Còn nó, nó sẽ làm sao?

Người mẹ ôm đứa con gái út vào lòng mà sụt sùi!

3.

Đã ba năm tròn dài rồi…

Người mẹ lẩm bẩm như thế khi ở sân ga. Bây giờ trước mặt bà là một con tàu sang trọng hẳn hoi. Nó thắp đèn sáng trưng và ụ những hồi còi lanh lảnh. Con tàu sang trọng này dành cho những chuyến hành trình đi xa; không phải những con tàu chợ năm xưa đen ngòm, dơ bẩn còn đọng trong ký ức của người mẹ từ cái thuở còn con gái. Hình như có một vài lần gì đó, trong sâu thẳm xa lắc, xa lơ đã in hình bóng con tàu đen ngòm đó mà người mẹ, lúc bấy giờ thú vị được nghe hồi còi nó ụ. Nghe tiếng nó thở phì phò. Nghe nó mệt nhọc, kéo rõ dài hàng chục cái toa đông kịt người, súc vật, hàng hóa…

Trong toa tàu sang trọng này, người mẹ khép nép ngồi, giữ vẻ ngay ngắn, trang nghiêm. Con bé nép vào mẹ đã ngủ say lâu rồi. Con tàu đã qua bao nhiêu dòng sông, qua bao nhiêu chiếc cầu, bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu làng mạc, bao nhiêu phố phường. Người mẹ thoắt vun vút trước mắt mình mà không biết cơ man nào là cảnh vật dồn thổi nhau, chạy ngược về phía sau.

Đêm phủ xuống mặt đất; con tàu vun vút chạy…

Ngày trải ánh nắng xuống cõi người, rộn ràng mọi hoạt động, con tàu vun vút chạy…

Người mẹ vẫn giữ thế ngồi bất động, mắt dõi qua ô cửa.

Cái nắng như lửa đốt trên trảng cát, và cái mùi vị oi nồng của biển đã không còn nữa. Phơn phớt, nhẹ nhàng trên da thịt của người mẹ là ngọn gió của đồng đất trong buổi ban mai trời dìu dịu. Một thành phố vừa thức dậy. Qua ô cửa người mẹ thấy cái hớn hở của một ngày mới trong bề thế sang trọng và tiện nghi của một nơi mà đời bà không mơ tưởng được.

Bà nén tiếng thở dài, đưa tay xoa đầu con gái nhỏ.

Cử chỉ âu yếm này đã đánh thức con bé. Nó dụi mắt nhìn mọi người, nhìn mẹ nó và nhìn qua ô cửa con tàu.

Hơn mười tuổi, đây là chuyến đi xa nhất của con bé. Nó xa khỏi làng chài, xa khỏi trảng cát, xa khỏi cái nơi chỉ toàn những mái tranh vách nứa xiêu vẹo, những đồ đạc ít ỏi, nghèo nàn.

Nó xa khỏi cái nơi an toàn những khuôn mặt phong trần, sạm màu nắng gió. Những khuôn mặt thiếu thốn, gầy ốm. Ngồi ngay trong toa tàu này quanh nó là những màu da bóng bẩy, sáng trưng. Những con người mới mẻ, béo tốt mà nó chưa từng được trông thấy. Họ thật đẹp đẽ, thật cao sang.

Bỗng nhiên con bé thấy bộ đồ hoa đẹp nhất của mình chẳng có nghĩa lý gì. Cái mũ cói mới tinh của nó cũng chẳng có nghĩa lý gì. Tàu vun vút chạy, con bé ngỡ ngàng nhìn qua ô cửa. Thế giới rực rỡ lạ. Mọi sinh linh tươi đẹp lạ… còn nó và mẹ nó trong toa tàu này thì gầy còm, khô héo.

Vào khoảng quá trưa, con tàu đổ ở cái gầm mẹ con nó phải xuống. Bây giờ thì trời nóng dữ. Sân ga đông kịt những người. Cái mùi oi nồng lại phảng phất nhưng không giống cái mùi ở biển dã, mà cái mùi oi ngồn ngột của hơi người, của mọi thứ xú uế bốc hơi, khăm khẳm và khó chịu…

Người mẹ kéo tay người con gái nhỏ luồn giữa dòng người để ra con đường cái rộng thênh thang mà cũng đông nghịt những người.

Ở đây nhà cửa sang trọng quá và xe cộ nhiều quá. Con bé đưa mắt nhìn mãi không chán.

Khoảng đến mãi xế chiều người mẹ mới tìm được cái địa chỉ cần tìm…

Sau khi cẩn thận trả xong những đồng tiền còn mới tinh màu giấy cho gã xe ôm, người mẹ rón rén, dè dặt đi vào cổng một ngôi nhà cổ kính, to đùng. Nó xây dựng theo kiểu kiến trúc thời thuộc địa.

- Tôi nhận ra cháu trên màn hình ti vi liền gởi thư cho chị, thế mà bây giờ chị mới đến.

Người đàn bà trạc tuổi người mẹ, giúp việc trong ngôi nhà to đùng này tiếp người mẹ dưới gốc cây sau vườn.

Người mẹ đưa tay chùi mắt:

- Tôi nhận được thư ngày hôm trước.

Cả hai người đàn bà đều không biết lá thư báo tin chạy vòng vèo từ tỉnh về tới huyện thì nằm yên ở đó hơn cả tháng mới về được cái làng biển hẻo lánh.

- Cách đây nửa năm nó có ghé thăm tôi. Hỏi nó, nó bảo làm ăn tàm tạm. Thế rồi biệt tin.

Hai người đàn bà ngồi sát vào nhau, thì thầm to nhỏ với nhau trong khi con bé men theo vườn hoa, đứng ngắm sững sờ những nụ hoa hồng đủ sắc, và những chậu cảnh có vóc dạng kỳ lạ, đẹp như trong chuyện cổ tích.

- Cháu đi như vậy tròn ba năm một tháng lẻ bảy ngày. Không giấu gì chị, thỉnh thoảng cháu có gửi về vài trăm nghìn, nhưng không đều lắm. Nó là thằng chăm ăn chăm làm, thương cha, thương mẹ. Ở cái làng quê mình vài ba trăm ngàn là to lắm. Định dành dụm để có lúc gầy dựng vợ con cho nó…

Người đàn bà giúp việc chăm chú ngồi nghe rồi thở dài nhìn trời, nhìn con nắng, giục người mẹ:

- Thôi, phải đi thăm nó bây giờ mới kịp. Chị chờ tôi xin phép bà chủ.

Trong khi ngồi chờ người đàn bà giúp việc, người mẹ nuốt nước mắt nghĩ nhiều về đứa con trai.

Năm thứ nhất nó có về thăm một lần. Dáng nó có vẻ mệt mỏi, chán nản. Nó bảo nó kiếm được chỗ làm nhưng công việc không đều. Nó vẫn gầy, da nó vẫn sạm màu nắng như những ngày còn đi biển. Nó có cái cốt cách của người kẻ chợ. Nó biết uống rượu chút đỉnh và hút thuốc lá chút đỉnh. Nó thèm ngồi uống trà một mình mỗi đêm trước khi đi ngủ… Năm thứ hai nó cũng có về thăm một dạo, nó nằm dài ở nhà chừng mười ngày. Ngày nào nó cũng ngủ ly bì. Độ ấy nó béo khỏe hơn, vững vàng hơn. Nó mua quà thật nhiều về cho bố mẹ, cho các em, các cháu. Nó bảo công việc làm ăn có khá hơn. Hình như đi giao hàng, đưa hàng gì về cho người ta. Hai bên mép nó những sợi ria bắt đầu đen nhánh. Chừng như nó vượt tuổi hai mươi được hai năm rồi thì phải. Năm thứ ba cũng thế. Khoảng nửa năm trước nó về…Áo quần nó sang trọng hơn. Phong cách nó đàng hoàng, có vẻ, có dáng hơn… Nhưng cặp mắt của nó thì lạnh lùng và buồn bã lắm. Buồn như thuở nó còn đi biển và chờ đợi cơn gió dữ ngoài biển khơi trong những ngày biển chết với cái mùa đặc quánh, tanh nồng mùi sát tử…

Dẫu nó quay về hay không thì thỉnh thoảng nó vẫn gởi tiền và quà về. Khi thì ra bưu điện nhận; khi thì người quen mang về tận nhà. Thế mà chỉ hơn ba tháng nay nó được người ta nhắn lên màn hình ti vi.

Người mặt gục mặt vào trong đôi bàn tay và hình như bà nghe có tiếng gió rít thật xa, thổi từ ngoài biển vào…

4.

Hai người đàn bàn và con bé đi ngược ra hướng ngoại ô.

Nắng bắt đầu ngã về chiều. Tít tận xa kia ngọn đồi ma với những hàng sầu đông cao vút. Nơi an nghỉ đời đời…

Người mẹ bày trong cái bị cói ra một con gà trống luộc và một bát xôi; bó hương cùng chai rượu. Con gà trống và bát xôi đã khô quắp.

Con bé không quan tâm đến công việc mẹ nó làm. Nó ôm khư khư con búp bê trên tay. Con búp bê này, nửa năm trước anh nó mang đến cho người đàn bà giúp việc không gởi được về cái làng chài cho con bé. Trưa nay, sực nhớ, bà ta đem con búp bê ra. Con búp bê lớn lắm, bằng một em bé sáu bảy tháng tuổi. Mặt nó đẹp như thiên thần. Con bé áp mặt con búp bê vào ngực mình. À..ơ.. ru búp bê ngủ.

Người mẹ đốt hương trên ngôi mộ cỏ chưa kịp mọc. Ngôi mộ thấp tè. Người gác nghĩa địa là một gã đàn ông chân đi cà thọt. Người chết có khuôn mặt rất trẻ được phóng to trên màn hình. Gã nằm chết mà như nằm ngủ. Sau cùng chính quyền đã chôn cất gã ở đây.

Người mẹ sụt sùi:

- Tôi là người mẹ của người chết dưới này.

Bà ta chỉ lên ngôi mộ nói với người đàn ông gác nghĩa địa như vậy. Ông ta chăm chú nhìn cái dáng ốm gầy và nghèo nàn của bà rồi thở dài. Mùi biển dã oi nồng còn vãng vất trên con người bà…

- Cậu ta bị đâm một nhát ngay vào chỗ trái tim. Người ta ngờ có liên quan, dính líu đến các băng đảng làm ăn phi pháp. Đây là một vụ thanh toán lẫn nhau vì tiền bạc hay vì một lý do gì đó. Trong người cậu ta có rất nhiều tiền…

Giọng người đàn ông nghe ồm ồm trong buồi chiều nhợt nắng… làm người mẹ kinh hãi như nghe có tiếng gió xoáy, rít mạnh trong những ngày biển chết. Cái mùi sát tử ẩm trong không khí, phảng phất trong hơi gió làm tay chân người mẹ run lên bần bật:

- Không đâu, nó là đứa hiền lành, chịu thương, chịu khó. Nó không phải là người xấu…

Người mẹ hét to cãi lại. Nhưng lưỡi bà cứng đi. Bà bổ sấp trên ngôi mộ. Người đàn bà giúp việc đưa ống tay lên quệt nước mắt. Phải nhọc nhằn lắm bà mới tìm được chỗ chôn cất thằng bé ở nơi đây. Nó với bà chỉ là kẻ đồng hương thôi. Nó với bà có cùng chỗ chôn nhau cắt rốn tận cái doi đất ven biển mà bốn mùa chỉ gió dữ  và đói cực…

Bỗng cả hai người đàn bà cùng khóc rống lên làm con bé đang mãi mê dỗ con búp bê ngủ, giật mình đánh rớt con búp bê thiên thần xuống cỏ…

Trong cái giây phút đó, ở cách xa hàng trăm cây số, tại cái làng Hạ nhỏ nhoi nằm ven biển. Người bố đang say bỗng tỉnh hẳn rượu và hai hàng nước mắt rơi xuống, cũng nỗi đau quặn thắt khôn nguôi nhói lên ở trong lòng…

Một điều ông vô cùng ân hận là để đứa con ra đi, khi làng biển của ông người ta bắt đầu đưa phao cứu sinh về, đưa tiền đưa của về cho ngư dân đóng thuyền to, bè lớn để chống chọi với sóng dữ trùng khơi… và ở rừng thì các chương trình trồng rừng, cứu độ người dân sơn tràng ra khỏi cơ cực… Tiền của bắt đầu đổ xuống và hy vọng phục sinh bùng lên…

Thế mà con ông đã không về, vĩnh viễn không về…

Bây giờ ông mới hiểu, cái ác độc của những cuộc tranh ăn phi pháp còn hiểm sâu hơn rừng độc, hơn biển dữ.

T.Đ

Thái Đào
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 38 tháng 11/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

7 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground