Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghĩ thật kỹ trước khi đi Đại Lĩnh

TRUYỆN NGẮN

Ngôi biệt thự xây dở chắc vẫn còn trên đỉnh đồi đối diện thị trấn, hoang phế, lẩn lút trong sương. Hồi mình ở đó, có vài trưa nó thoát được sương mù, nhưng chẳng thể thoát khỏi rêu và lớp lớp dây bìm bìm, bộ rễ chằng chịt của cây đa mọc từ một cửa sổ bám vào tường gạch, thành ra nắng cũng chẳng làm cho tòa nhà thôi tối ám, chỉ là bớt rờn rợn ma quái hơn lúc sương đục phủ lên.

“Lần tới tụi mình qua bên đó coi thử”, nhớ là mình nói vậy, lúc đứng cạnh cửa sổ, cái rèm vải ám mùi thuốc lá cứ mượn gió phất vào mặt. Bồ tựa nửa lưng vào cạnh cửa bên kia, ánh sáng bên ngoài hắt vào làm mặt anh nửa sáng nửa khuất trong bóng tối. Không biết giọng bồ từ nửa nào, mà gượng gạo.

“Trơn lắm, sương kiểu vậy lúc nào mà không đọng nước”.

Con mắt ở nửa mặt ngoài sáng ngó bâng quơ cục mây ngang qua cửa sổ, nhưng con mắt khuất trong tối của bồ như đang nhìn mình. Lúc đó còn chưa nhận ra bồ hay ngó chừng mình, như dợm nói chuyện gì đó. Một chuyện mà phải nhìn sắc mặt đối phương để nói, hẳn phải quan trọng lắm. Nhưng mình đã bỏ qua những dấu hiệu. Ở với bồ thì đầu mình cùn lụt vô lo, nằm nói chuyện với nhau, có những câu lúc rời khỏi mới nảy ra. Lẽ ra mình nên nói như này, như kia, mới phải. Có lần bồ gườm gườm, nói người gì đầu óc trên mây, sao tự lo nổi cho thân. “Não em anh ăn mất, mới thành ra như vầy”, mình cười. Khi chỉ một mình, tự mình sống sót, bộ não mới thoát trạng thái ngái ngủ, mình ăn nói trôi chảy, các giác quan nhanh nhạy trở lại. Một mình thì nhắm hướng đi rất nhanh, chưa từng lạc đường. 

Có thể nhà nghỉ nằm ở sườn dốc Ứ Hự. Bởi con dốc hẳm đứng, nên lần đầu nhìn thấy nhà nghỉ, mình đã lo nó nghiêng. Kiểu này ngủ một giấc thấy mình tụt xuống chân giường, và bao nhiêu tủ bàn giày dép đều giạt về phía đó, hình dung làm mình mắc cười. Bồ nghe kể, vẽ những hình kỷ hà lên bụng mình, giọng khàn đi, tôi sẽ cố định em lại, có trôi thì trôi cùng nhau. Bên vách nghe có tiếng máy hút bụi rít lên. Lúc đó chưa biết chị dọn phòng có một bên chân giả, hay nhìn vào điện thoại, thở dài.

Chỗ nghỉ dưỡng dành cho giáo viên, nên lấy tên là Bụi Phấn. Có thể nó vẫn chưa đổi tên. Ba năm không phải là dài. Họ chưa thay màu sơn mới, không chừng. Ngoài cái tên định danh, những khu nghỉ dưỡng bao cấp luôn giống nhau từ lối kiến trúc lầm lì hình khối, cho tới mấy cái cửa mở được hay không là do trời, xác chuồn chuồn nằm rải rác trên những gờ tường chỗ chiếu nghỉ, vài góc vách bị ngấm nước bong sơn, và phong cách của người trực quầy lễ tân cũng sao chép y xì, hoặc như vừa ngủ dậy hoặc như dang dở bữa cơm, mặt nặng trịch lúc giao chìa khóa. Khách đi qua lại sảnh, họ không thèm ngẩng lên nhìn. Như một mặc định, đài phun nước ngoài sân không bao giờ có nước, hoặc có thì cũng rong rêu, rọng mấy con nòng nọc lượn lờ chờ ngày đứt đuôi. Nếu không phải mùa hè, thì những hành lang dài, cái thang máy rột rẹt chậm rãi, những tấm kính mờ ố phía sảnh, căn phòng nửa tối nửa sáng ngó lên đồi nơi những đám mây rơi tự do từ đỉnh núi xuống, tấm vải trải giường một ngày nhàu vài lần lúc nào cũng âm ẩm mồ hôi, hết thảy chúng là thế giới của tụi mình. Chỉ cuối tháng Năm cho tới giữa tháng Tám, khách bắt đầu đông. Mùa hè. Mùa tụi mình không gặp nhau.

Tranh của Hồ Trọng Hiếu

Tranh của Hồ Trọng Hiếu

Bồ không gọi suốt ba tháng đó. Mình không hỏi anh bận gì. Cũng không biết bồ quen ai, có việc gì ở thị trấn mà mỗi lần tới đây, anh thường đi vắng chừng vài giờ đồng hồ, lúc quay lại luôn đói ngấu, cả cơm và mình. Đến tên bồ mình còn không chắc chắn đó có phải tên thật hay không, thật ra có thể xác minh bằng cách lục xem giấy căn cước lúc bồ đi tắm. Nhưng người trưởng thành không làm vậy. Họ tan với nhau, họ không sở hữu nhau. Có gì quan trọng hơn chuyện bồ đang ở đây, với mình, thì thầm về giấc mộng khuya qua. Phải gần gũi thế nào thì người ta mới kể chiêm bao cho nhau nghe, mình nghĩ vậy, lúc mân mê vành tai bồ. Cái lườm đỏ mắt, cách nhả khói thuốc, ánh nhìn dại đi, tiếng rên đứt quãng sau cú rướn cuối, nốt ruồi son trên rốn, bàn tay mướt mồ hôi khi ngồi ở bến xe thị trấn tiễn nhau về. Mình thông thạo hết. Chẳng ai hiểu bồ bằng mình, hiểu đến từng mẩu tủy trong xương, khi đó mình nghĩ vậy. Mười bảy hay ba mươi bảy tuổi, đàn bà đều ảo tưởng như nhau trước một người khiến chị/cô ta mất não.

Có thể thị trấn chẳng thay đổi gì. Một nơi chốn như trốn tránh, lánh mặt ai đó. Vào hay ra khỏi nó chỉ có một con đường lượn theo sườn phải của Đại Lĩnh. Hồi mới tới thị trấn với bồ, nghe người địa phương khoe nay mai họ mở một đường hầm xuyên núi thông ra Bắc Thạch, con đường sẽ phá thế độc đạo của thị trấn. Nhưng hôm mình đi khỏi đó, cũng không có con đường nào khác. Ở hướng nào ngó về thì thị trấn cũng bị khuất tầm nhìn. Ngay cả ở trong thị trấn cũng không thể nhìn bao quát được nó bởi gương mặt sương mù. Nghe nói chỉ mùa hè thì sương tan, thị trấn mới đưa mặt ra chịu trận, như một món hàng cho khách du lịch lật trở săm soi. Mùa hè mình không ở đó.

“Phải chị tới lúc hè, khách nườm nượp, tui chạy bàn muốn rã cặp giò”, thằng nhỏ phụ việc ở quán cơm nói. Từ gặp lần đầu, cái vỉ đập ruồi không bao giờ rời khỏi thằng nhỏ, nếu không lăm lăm trên tay thì cũng giắt sau lưng. Khó đoán tuổi, gương mặt choắt lại trên một thân hình đẹt ngắt. Trước nó làm nài ngựa bên Tây Thành, đang tuổi lớn thì không được lớn, giờ thì lỡ mất cơ hội lớn. “Tui vầy mà bị chê bự rồi, nên chủ thải ra, không cho làm nài nữa”, thằng nhỏ nói.

Có thể thằng nhỏ vẫn còn đập ruồi cho quán cơm đó. Nó hay bắc cái ghế ngồi dưới đường đón khách mỗi khi đám ruồi giạt đi. Nhưng có tối mỗi mình ngang qua. Nó kéo thêm cái ghế nói mình ngồi đây mà chờ, đi chi cho mỏi, thị trấn có nhiêu con đường để đi đâu. Ngồi trước quán đó thì mình sẽ thấy được ngã ba, nơi bồ sẽ hiện ra sau vài giờ đi vắng. Có nhìn thật chăm chú không rời mắt thì cũng không biết bồ đi từ con đường nào ra đó, đường lên trạm phát sóng hay đường từ bến xe thị trấn, con đường thứ ba ngang qua chỗ mình ngồi, chắc là không phải rồi. Thằng nhỏ nói kiểu bà chắc là để tang thằng cha kia rất lâu, tại sao hả, vì trong mắt bà đâu có nhìn thấy chi khác. Đó là khi mình hớn hở trở lại, khi nhìn thấy bồ đằng xa, tay thọc vô túi quần, ung dung đảo chân qua những vũng nước nhỏ trên đường. Thằng nhỏ kêu vói vô bếp, “một bàn hai khách nha, canh không hành”. Nó thấy mình vớt hành trên tô canh khổ qua chỉ một lần, là nhớ. Bồ kỵ hành, dù là canh hay trong món trứng chiên. Bồ nói hành cay, hồi đó mình cãi cay gì chỉ mấy cọng hành nhỏ xíu. Nhưng ba năm trở lại đây thấy hành cay thật, lần nào cắt hành để cho vào nồi canh sôi trên bếp, cũng muốn chảy nước mắt ra. Bữa bạn gọi nói lần này họp lớp ở Đại Lĩnh, mình cũng đang cắt hành, nói đi chớ, sợ gì mà không đi. Bạn ở đầu dây bên kia chắc lạ, bởi cái giọng ăn thua đủ, đi họp lớp thôi mà sao nghe như đi thanh toán nợ nần.

Nhưng giờ bỗng bần thần, rừng trâm mốc chắc vẫn còn nằm dọc đường đi Suối Đá. Vạt rừng cả trăm năm tuổi, tàng lá che khuất cả mặt trời. Không thấy lối mòn nào, dây leo, cỏ hoang mọc bịt kín. Nghe nói mùa hè là mùa trâm. Mùa hè mình không ở đó ăn trâm chín cây. Mình đã từng chứng kiến rừng trâm thay lá, trổ bông, kết trái, chỉ không đợi được trái chín. Bồ nói trông đợi gì thứ trái đó, vị vừa chát vừa chua. Bao giờ đi ngang rừng trâm mốc bồ cũng trĩu xuống, vai đổ về phía trái. Một bữa bồ nói hai mươi năm nữa, tôi sẽ chào em ở trước một cửa rừng này, trước khi đi miết miết sâu vào trong đó, “để chết”.

Mình nhớ mình đã ôm xiết bồ ngay bên đường, ngay chỗ người ta qua lại, mà không đợi một đám mây trờ tới che chắn tầm nhìn. Không hoàn toàn vì hình dung người đàn ông già khọm một mình dấn bước vào khu rừng tối, mà còn bởi con số hai mươi năm. Lần đầu tiên mình nhận được một lời nói mang ý nghĩa hứa hẹn. Ở bên nhau hai mươi năm nữa. Đừng đợi những người trưởng thành nói ra những câu hẹn thề nông nổi. Bồ kiệm lời, yêu cũng không nói yêu. Bồ chỉ lén nhặt tóc giấu vô thùng rác khi mình vừa gội đầu xong, anh biết mình nhìn thấy mớ ấy thế nào cũng xót. Hoặc hay lấy tay áp vào rốn mình. Hoặc đi phía ngoài mỗi khi bước vào lòng đường, bởi vỉa hè ở đây là giang sơn của cúc dại. Hoặc dang tay che mình khi băng qua đường sang tiệm sách, dù chiếc xe công nông còn chưa hiện ra, ta chỉ nghe tiếng ống pô chói chang của nó đâu dưới dốc, và một cuộn khói đen lẻn vào giữa mấy vẩn mây bạc.

Tiệm sách chắc vẫn y vậy. Ông già chủ tiệm chắc không chịu dẹp đâu, “trừ khi tao chết”. Có lần khách trong tiệm nghe ông gằn câu đó trên gác, và nhỏ con ông thì xầm xầm lao xuống đất bỏ đi. Nó muốn lấy chỗ này làm tiệm bán piano. Cuộc chiến khiến những người ngoài thấy ái ngại không biết nên đứng về phía ai, bởi sách hay đàn thì đều vô lý ở đây. Một thị trấn chỉ sống vào mùa hè, sinh lợi trong thời gian ngắn ngủi, thì mua cuốn sách, hay cây đàn có vẻ hơi xa xỉ. Nhưng tiệm sách đã nhân sự vô lý đến tận năm mươi ba năm. Thư Viên, tên nó, được khắc rãnh vào cái lam gió ngay đằng trước mặt tiền, bên cạnh là con số “12-08-1969”. Năm đó mình còn là mảnh hồn con vất vưởng trong cõi vô minh nào, chờ đến lượt.

“Còn tôi chắc chừng hơn tuổi là cùng, mẹ cho ngồi đầu gánh, đi tản cư”, bồ nói, vói lấy một cuốn sách bìa da giá trên cùng, hình như là Từ điển vô thần luận. Tụi mình là khách quen, có thể ngồi đó đọc cọp bao lâu cũng được, tới chừng nào bồ nói, “về phòng thôi, thèm rồi”. Ra khỏi đó, bồ luôn mua vài cuốn sách tặng mình, khó nhận ra đó là sách cũ hay mới. Nhưng như ông già chủ tiệm nói, chữ luôn mới, kể cả khi ta từng đọc nó rồi, nhưng ta hôm nay đâu phải ta hôm qua.

Đoán rằng thị trấn chẳng thay đổi mấy đâu, ở độ cao một ngàn mét so với mặt nước biển, nó chỉ rã đông được vào mùa hè ngắn ngủi. Cái vực sau lưng bến xe vẫn còn y chang vậy. Nghe nói vực không sâu, nhưng người ta không bao giờ thấy đáy, bởi những cụm mây luôn tràn xuống vực, phủ lên lớp sương lưu cữu không tan. Một bữa đứng ở đó, lúc mình cố tách màu mây bạc, sương sữa và khói thuốc lá trên tay bồ xam xám, thì bồ nói,

“Tụi mình là tới đây thôi”

“Tại sao?”, mình hỏi. Tại sao? Lý do là gì? Nhưng mấy câu hỏi đó nảy ra lúc mình theo xe chiều xuống núi, chứ trước đó đầu cứ mụ đi, khóc lóc này kia. Người trưởng thành hay con nít ranh thì cũng có lúc thật mất mặt.

Có thể mình sẽ tình cờ gặp lại bồ trên một con đường thị trấn, dịp họp lớp tới đây. Thị trấn có rộng mấy đâu, quanh quanh mấy con đường cong cong hình xoắn ốc, đi một lúc lại quay về đúng cái ngã ba. Có thể bồ quay lại Đại Lĩnh ngay sau cuộc chia tay, dễ như không. Như một ví dụ nhỏ về sự khác nhau giữa căn tính của đàn ông và đàn bà. Bồ vẫn sẽ ung dung như mọi khi, tay đút túi quần đảo chân qua những vũng nước nhỏ. Có thể anh một mình, hoặc là cùng ai đó.

N.N.T

Nguyễn Ngọc Tư
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 317

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground