Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngọn đồi

Có một ngọn đồi. Không hẳn. Trước kia chắc chắn nó là một ngọn đồi thực thụ. Một khoảnh rừng thưa nhô cao, nằm ngay giữa cánh đồng rộng lớn.

Bà H. đến sống nơi này khi còn rất trẻ. Mấy chục năm trôi qua, ngọn đồi như một người bạn, một kho tàng, một chốn ẩn dật và tìm lại chính mình của bà.

Ngày đó ngọn đồi mênh mông lắm. Những hôm rảnh việc, phải hết cả buổi chiều bà mới đi được một vòng quanh đồi. Một phần cũng do cái sự la cà, đụng vào đâu là quên cả đường về. Phần nữa, xóm làng còn hoang vắng về phía đó nên thiên nhiên cứ thế mà sinh tồn, phát triển.

Ngọn đồi là thế giới của các loài cây. Vì là dân nhập cư, đến từ một phương trời xa lạ, nhưng quá tò mò nên bà cứ ưng khám phá, tìm hiểu. Có nhiều cây đã thành cổ thụ, trong đó có cây dâu tằm. Cây dâu tằm mọc lên khi trong làng còn trồng dâu, dệt lụa, ngành nghề này đến từ châu Á xa xôi, theo chân Marco Polo, trở thành thịnh vượng một thời, tức là xa xưa lắm. Những cây bồ kết tây trái to, dài và thân cũng đầy gai nhọn. Mùa bồ kết rụng, bà mân mê chúng để nhớ về thời con gái, mái tóc đen dài và bóng mượt, thơm ngát mùi bồ kết cùng chanh và vỏ bưởi. Những cây mận đỏ, mận xanh cứ đầu xuân là hoa bung ra trắng rợp cả đồi, che cho những đám thủy tiên vàng và violet tím lan tràn dưới đất. Có mấy cây hoa cơm cháy màu trắng như những dề cơm cháy có được lúc còn nấu cơm bằng củi than. Ở đây người ta lấy hoa cơm cháy nấu si rô hay làm nước uống lên men. Hè đến, mận, dâu, mâm xôi, anh đào chua… chín là lúc bà len lỏi mang bọc lên đồi hái quả. Quả nhiều hái không xuể, bà không phải giành ăn với lũ chim.

Minh họa: LÊ CẢNH OÁNH

Minh họa: LÊ CẢNH OÁNH

Chim trên đồi thì nhiều vô kể. Bầy quạ đen ngoa ngoắt, lũ ác là hai màu đen trắng có cái đuôi dài, chiếm ranh giới sống thành từng cặp trên các ngọn cây. Bầy cò, càng lúc về càng nhiều, đủ loại. Se sẻ, bồ câu, chim cu… quanh năm suốt tháng hót líu lo, ríu rít từ sáng sớm cho tới chiều tối. Ai điện thoại cho bà H., đúng lúc bà đang ở ngoài vườn đều ghi nhận được tiếng các loài chim vọng vào, trầm bổng, hòa điệu như dàn đồng ca. Dưới đất là lãnh địa của gà lôi và trĩ, chúng cứ đi dạo nhởn nhơ, thong dong, vì là vùng cấm săn bắn. Mùa chim di trú, những con chim thiên di về ngang phủ kín bầu trời, sà xuống cánh đồng kiếm thức ăn rồi cả đàn bay đậu lên các cành cây nghỉ, nhìn từ xa, ngọn cây nào cũng như lủng lẳng quả. Cú, nhím và rắn nước cũng ghi danh vào cư dân của ngọn đồi. Đông nhất đó là bầy thỏ rừng. Chúng cứ tự nhiên kiếm ăn, sinh sôi, nảy nở. Sáng sớm và chiều tối chúng tràn ra đầy cả cánh đồng. Chúng không bao giờ đi quá lãnh địa của mình, tức là băng qua con đường tỉnh lộ xe chạy nườm nượp, để qua tới cánh đồng phía bên kia. Nhưng có những lúc không còn một bóng thỏ trên đồng cỏ. Theo quy luật tự nhiên, đó là lúc tới hồi tận diệt. Bầy thỏ lăn ra chết, không để thấy xác, cũng không nghe thấy mùi hôi thối. Rồi đến một lúc nào đó chúng lại bùng ra, như chưa hề có một cuộc phân ly.

Trên ngọn đồi đó bà H. còn tìm thấy nhiều báu vật khác. Những cành cây, những chùm quả dại và nhiều loại hoa mọc tự nhiên cho bà được hưởng những giây phút nhẹ nhàng, gần như đạt tới cảnh giới thiền, lúc sắp đặt chúng theo ikebana, nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản. Nhưng bà không thể cắm chúng trên những bàn chông đầy đinh nhọn được nữa, cho dù giờ đây có thể đặt mua dễ dàng, nhanh chóng qua mạng. Hoa dã quỳ có một thời gian vàng hết ngọn đồi mỗi độ thu về. Chùm trái mọng của cây thương lục màu tim tím, giống y những trái mồng tơi, nhắc bà H. những ngày thơ chơi đồ hàng bên hiên nhà hay tuổi mộng mơ ngồi nắn nót chép những vần thơ mực tím. Chùm trái đỏ của cây sơn tra hay của cây trúc nhật rất thích hợp khi mùa Giáng sinh về, bà H. bày biện trang trí chung với trái thông, rêu và vỏ cây. Thiên nhiên theo bà về tận trong nhà.

Khi bà quyết định dồn tâm sức để có một mảnh vườn của riêng mình, trồng hoa để no con mắt, trồng rau gia vị để nấu những món comfort food làm no bao tử và làm đầy, ấm nóng cho tâm hồn thì ngọn đồi là nơi bà gởi được mớ rễ cỏ dại, những xô đá cuốc lên to hơn củ đậu… Mỗi lần khiêng bỏ trên đồi là bà có thể tha về một thứ gì đó: củ thủy tiên, củ diên vĩ, củ hoa ông lão, mớ hạt hoa poppy, hoa cúc, cỏ bồ câu, cỏ chân ngỗng, những cành hồng của vườn hàng xóm tỉa bỏ…

Khi làng xóm phình to ra thì phía ngọn đồi đó cũng không có khu nhà mới nào lấn tới. Nhưng ngọn đồi hẹp dần, do người ta chặt bớt cây, đào xới lên để trồng cỏ thơm, cỏ ba lá, trồng lúa mạch… để nuôi bò. Nhưng ngọn đồi vẫn là một thế giới bà chiếm làm của riêng, dù chẳng bao giờ nó là của bà cả. Sáng chiều, bốn mùa bà đều ghé thăm nó. Tệ hơn thì từ cửa sổ nhà, bà ngóng ra. Nhất là vào những buổi hoàng hôn, mặt trời đỏ, to tròn, từ từ xuống nơi chân núi xa, bầu trời nổi vân, đầy những ráng chiều tím, vàng, cam, xám ngoét… đầy tâm tư.

Lúc xưa, lên xuống đồi bà đi thoăn thoắt, gần như chạy. Giờ đây nhiều phần chậm lại, sợ cái đầu gối đau, sợ cái mắt cá trật, sợ trượt chân, tức là tránh những rủi ro không hề mong đợi. Tuy nhiên khi nhìn ông lão Andrea, hàng xóm nghễnh ngãng, đã trên tám mươi, bao nhiêu thứ bệnh, vẫn thường đẩy máy cắt cỏ ngược lên đồi, trèo lên thang chặt bớt nhánh cây, dùng cuốc chim đào bứng cả bụi cây to, bà nghĩ rằng, cuộc sống giữa thiên nhiên, dù cho có lấy đi bớt của bà sự nhanh nhạy, khiến cái lưng ngày càng ê ẩm nhiều hơn, tước bớt giấc ngủ đang ngon vì phải dậy tưới cây, cuốc đất trước giờ mặt trời bỏng rát, đối với bà là một thang thuốc bổ, một phép chữa lành, giữ lại sự trẻ trung của tâm hồn. Bà thấy mình giàu có và tự do hơn Marcovaldo trong tập truyện ngắn của Italo Calvino rất rất nhiều. Marcovaldo là một người lao động phổ thông, sống khó nhọc, nghèo túng và đầy giam cầm trong thành phố, lúc nào cũng ngước mắt lên cao hay nhìn quanh, để tìm kiếm thiên nhiên, mơ tưởng đến thiên nhiên ngay cả trong giấc ngủ. “… Một ngọn lá vàng đi trên cành, một cọng lông mắc lại trên mái ngói, ông không bỏ qua bao giờ: không thể có một con ruồi trên lưng ngựa, lỗ mọt đục trên một cái bàn, vỏ trái sung tách đôi trên lối đi mà Marcovaldo không để ý tới, lấy nó làm đối tượng để suy luận, để phát hiện ra sự thay đổi của các mùa, là những mong muốn của tâm hồn ông và của cái hiện hữu đầy nghèo khó của ông.” (Trích Marcovaldo - Italo Calvino).

Lạ một điều, cùng ngọn đồi đó, suốt mấy chục năm dõi theo mùa về, những ngày tháng năm thuộc cuối xuân đầu hạ, luôn thấy bông gòn phủ trắng mặt đồi, bà cứ cho là bông gòn theo gió từ đâu bay về, vượt qua mấy ngọn cây, rớt lại nơi đó. Bà cám ơn gió vì gió không quăng vào vườn, để cho bà phải vừa quét sân, quét cầu thang, vừa hắt xì, nhảy mũi liên tục và nước mắt ròng ròng.

Vậy mà năm nay, một buổi chiều muộn, từ cửa sổ tầng ba trông ra đồi, bà thấy cái cây. Chính nó! Cây bông gòn. Ngay cái nơi bà hay vứt đổ, mót lượm, chính giữa đồi, cái cây thẳng tắp, mạnh mẽ, cao trên ba mươi mét, cao vượt hẳn hết những cây khác. Bà chạy xuống cầu thang, tung ra vườn, leo lên đồi, ngửa cổ lên, sửng sốt. Bà từng không biết bao nhiêu lần chụp hình cây, tách vỏ cây, cắt cành cây đem về cắm hoa và rồi lại chụp hình, khoe. Bà ngửa cổ nhìn lên, cây lấp loáng, duyên dáng, nhún nhảy dưới ánh mặt trời vẫn còn rực rỡ. Những cụm bông trắng như mây ở phía trên cao. Dưới đất, những đám nhỏ mây trắng đó bám quanh, lăn lóc, vương vãi, dày đặc. Những cụm bông bao nhiêu năm trường làm cho lỗ mũi, cuống họng và buồng phổi bà tổn thương, cơ thể hao nước theo những cơn dị ứng. Những cụm bông chứa đầy hạt, sẵn sàng gởi gió mang theo, gieo vãi mầm sống mới khắp nơi. Đó chính là những cụm bông của cây dương “run rẩy”, xứ này gọi là pioppo tremolo, lá gần giống lá dâu tằm, thuộc họ liễu. Nó có tên gọi đó bởi vì chỉ cần một cơn gió nhẹ thoáng qua là cả vòm cây và từng chiếc lá rung lên, run rẩy, một điệu múa dịu dàng, uyển chuyển. Có điều, chỉ cho đến lúc này, dáng vẻ này bà trông thấy được lần đầu tiên.

Phải chăng, rất tự nhiên, như trăng đến rằm lại tròn, cái phải đến rồi sẽ đến, như cái thời điểm này đây, bà được trông thấy cây “bông gòn run rẩy” trong một hình hài mới?

Bà tham lam nghĩ tiếp, tới một thời điểm nào bà sẽ hái được chữ trên cành? Không phải để trở thành nhà văn hay lưu lại vài cuốn sách đâu, bà chẳng bao giờ ham thế. Mà là chữ nhảy ra từ sâu thẳm nào đó trong tâm hồn bà, giúp bà kể lại được chuyện đời, chuyện người, những nhân vật, tính cách ít nhiều độc đáo, chuyện của mùa, của loài… Những dòng chữ dữ dội và dịu êm, khôn ngoan và trong trẻo. Như chính thiên nhiên.

L.H

(Bergamo- Italy)

 

LIÊN HƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 341

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/04

25° - 27°

Mưa

18/04

24° - 26°

Mưa

19/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground