Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người Bắc muối cà xứ Nghệ

Ô

ng Cuộc bảo tôi "Mình muốn đi một chuyến dối già, thăm những người thân, những người quen biết ở Thái Bình, Hải Dương... gần như cả cuộc đời cán bộ, mình công tác ở vùng đó. Đất và người ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, càng già càng không thể quên được. Bây giờ không đi thăm, chẳng biết bao giờ đi được nữa. Anh cứ đi với tôi, tiền ăn uống xe tàu tôi bao"

Thế là may, tôi cũng công tác ở đồng bằng Bắc Bộ nhiều năm, cũng nhiều thương nhớ, cũng mong được về thăm có điều không có tiền. Bây giờ được làm việc ơn nghĩa, hộ tống ông, lại được ông “bao”, tôi "Dạ!"

Vượt qua cầu Tân Đệ, tôi xúc động vô cùng. Con đê chắn nước sông Hồng chảy ngoằn nghèo bao bọc những làng quê trù phú. Bắc Bộ bây giờ không chỉ ở thành phố mà ở nông thôn cũng rất nhiều nhà lầu. Đường đi sáng mặt nhựa, sáng mặt bê tông nối làng tới làng, xóm tới xóm, nhà tới nhà. Đang mùa lúa chín, ngan ngát tầm mắt một màu vàng xuộm, sóng lúa rập rờn những cánh đồng "tam thiên mẫu". Không chỉ ngày lễ, ngày hội, dân vùng này rất thích treo cờ Tổ quốc cả trong những ngày thường. Những lá cờ đỏ phấp phới bay, kiêu hãnh trong những ngày đổi mới. Tôi thấy mừng cho chốn xưa người cũ của chúng tôi.

Bữa cơm đầu tiên tiếp ông Cuộc, tôi được tham dự thật là thịnh soạn. Không những người nhà mà hàng xóm, cũng đến chung vui rất đông. Nhiều người trong số đó cũng biết ông Cuộc, cũng mừng vui chẳng kém chủ nhà:

- Bấy lâu ông vẫn khỏe không ông? Đường ngái xa xôi mà ông vẫn gắng được về thăm đất xưa người cũ thật quý hóa quá.

- Bác gái trong đó sức khỏe thế nào? Các cháu học hành có tấn tới không?

- Đất nước đổi mới, chắc trong quê ta bây giờ cũng sướng hơn, phải không ông? Đã qua rồi cái thời ăn khoai ăn sắn thay cơm, đời chúng mình thế nào cũng được nhưng mừng cho con cháu.

- Ông ra chơi lần này nên ở lại lâu lâu, xa nhau lần này nữa, đám bạn già chúng mình khó khăn gặp lại. Tuổi già như trái chín trên cây, rụng mất khi nào khó mà biết trước.

Tay bắt mặt mừng, lời thăm hỏi từ tốn, nồng ấm tình cảm, thật là cảm động. Tôi hầu chuyện nhường lời cho các bậc cao niên bạn hữu, lâu lắm rồi họ mới có dịp gặp lại. Tôi chú ý tới mâm cổ không phải vì những món xôi vò, giò lụa, đĩa thịt cầy Bắc... người vùng này chế biến cực ngon mà là một đĩa cà muối để chính giữa mâm. Ở quê tôi chẳng ai đãi khách quý bằng cà muối. Những mâm cổ lớn cưới xin, kỵ giỗ chẳng ai đặt đĩa cà lên trên. Nếu làm như vậy có khi còn phản cảm, sẽ có người cho là ki bo, khinh bạc. Đĩa cà quả nhỏ tròn căng như những viên bi, trắng đều không một vết thâm. Tôi ăn một quả và thấy rất ngon. Trên đất nước ta, nhiều vùng quê có cà muối nhưng mỗi nơi muối mỗi cách. Ví như quả cà muối xứ Huế, dù nhỏ như đầu ngón tay vẫn được chẻ đôi, trộn với nhiều gia vị có màu đỏ thẩm.Ở quê  tôi lại muối cà lẩn với cá mắm con, quả cà muối chín có màu đen đen. Ở đây muối nguyên quả, không gia vị, để nhiều tháng vẫn trắng giòn, cắn vào chân răng vẫn thấy trặm trịa. Tôi buột mồm:

- Các bác muối cà y chang như người xứ Nghệ.

Những người ngừng đũa cùng khen tôi:

- Chú đi nhiều biết nhiều là phải. Quả cà ở xứ này trồng nhưng cách muối là của người xứ Nghệ. Chú cứ thực lòng dùng cổ với anh em. Chốc nữa uống trà tôi sẽ kể gốc tích chuyện đó.

* * *

Năm ấy hạn lớn. Ruộng đồng của một vùng rộng lớn Bắc Bộ đều nẻ chân chim. Ao hồ chẳng còn được mấy nước. Nước các con sông đều xuống thấp, đứng trên mặt đê nhìn xuống mặt sông thấy ngợp. Lá úa đã nhạt màu, phía đầu ngọn lá cháy vàng. Cả vùng chỉ có vài chục chiếc xe đạp nước hoạt động chống hạn, cũng chỉ làm đối phó với dư luận, để cấp trên khỏi khiển trách. Trong thực tế chúng tôi đã bất lực, ngầm chấp nhận mất trắng cả vụ.

Dạo đó còn kinh tế bao cấp, còn chiến tranh, đời sống toàn dân rất khó khăn. Sau mỗi vụ, trong dân không có thóc dự trữ. Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", hạt gạo làm ra sử dụng rất chắt bóp, số còn lại dồn cho mặt trận. Nếu mất mùa, càng là đại họa. Làng quê trở nên nháo nhác. Nhiều nhà đã ăn cháo độn khoai sắn thay cơm để kéo dài lượng lương thực còn lại. Cuộc họp của Đảng ủy, Ủy ban, Hợp tác xã, đội sản xuất bàn kế hoạch sản xuất rau màu ngắn hạn chống đói, vạch kế hoạch đi mua khoai sắn ở Sơn La, Lai Châu... Kế hoạch như vậy nhưng ai cũng nhận thấy khó thực hiện. Trồng rau màu thì giống má ở đâu? Rau màu vẫn cần nước mà nơi nơi đất đều khô hạn. Mua sắn lấy đâu ra tiền? Một cân sắn chở từ Sơn La về tới Thái Bình giá đắt chưa biết chừng còn hơn một cân gạo. Cần tới hàng vạn tấn sắn chưa hẳn đã có sắn để mua. Trẻ con đã bắt đầu bỏ học đi đào rau sam, rau má. Người lớn đã bỏ đồng, bỏ ruộng chuẩn bị khăn gói lên ngược làm thuê.

Ông Cư nói:

- Dạo đó tôi làm phó chủ tịch ủy ban Xã, ngồi ở văn phòng như ngồi trên lửa. Ban quản trị nhìn Ủy ban, Uỷ ban nhìn Đảng uỷ, ai cũng mong có một ai đó hiến kế gì nhưng chẳng có kế gì sất.

- Bác về!

- Bác về!

- Bác về!

Chúng tôi ùa ra khỏi văn phòng, chẳng thấy Bác đâu, chỉ thấy thôn làng dậy lên tiếng vui mừng. Nhiều nhà đã treo cờ đỏ, cả làng tung bay cờ đỏ.

Lãnh đạo xã chạy theo dân, vừa chạy vừa hỏi:

- Bác đâu? Bác đâu?

- Bác ra ngoài đồng! Hàng vạn người cùng chạy ra với Bác, vừa chạy vừa hô:

- Bác Hồ muôn năm!

- Bác Hồ muôn năm!

Tôi chạy theo mọi người quýnh chân, ngã dúi dụi. Ngã lại đứng lên, lại chạy. Ông cụ về sao không nghe tiếng xe pháo gì cả? Sao cấp trên không ai báo cho xã biết hở trời? Tôi lại lo: chết cha rồi, có vài cái xe đạp nước đang hoạt động! Dối trên, dối dưới, dối sao được Thánh thần.

Tôi ra đến nơi đã thấy Bác đang bước giữa ruộng, quần xắn cao trên đầu gối. Bác cúi xuống nâng đỡ những cây lúa đang lã đi vì khát. Bác lặng lẽ nhìn mảnh ruộng rồi nhìn cả cánh đồng khô kiệt, nhìn những khóm tre và những cây phi lao chết đứng vì khô hạn. Tôi thấy mình có lỗi với Bác vì đã không lãnh đạo được dân phòng chống hạn từ đầu để Bác phải bận tâm giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt thế này. Bác ơi! Chúng con có lỗi! nhiều người kể cả vợ tôi cũng chê tôi có trái tim đá ấy mà lúc đó tôi đã khóc. Tôi khóc không thành tiếng nhưng nước mắt cứ trào ra không thể kìm được.

Tôi xen đến gần Bác. Biết tôi là cán bộ. Bác nhìn tôi rồi nhìn bao quát toàn dân đang đứng dày đặc quanh các giường ruộng. Mọi người vẫn hô vang: "Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!" Có người vừa vỗ tay vừa nhảy tâng tâng hồn nhiên như đứa trẻ thơ lâu ngày được gặp lại mẹ cha. Bác vẫy tay cho mọi người im lặng rồi từ tốn nói:

- Có phải các cô các chú định ngược Sơn La, Lai Châu mua sắn, có người định bỏ ruộng đồng đi làm thuê, làm mướn hay không? Hạn lớn nhưng không phải không chống được hạn. Phải huy động  toàn bộ sức lực của dân, vắt đất ra nước thay trời làm mưa. Chống hạn bây giờ là việc trước hết, việc cấp bách. Chống hạn như chống giặc. Chống hạn để khỏi đói, để có gạo ăn, có gạo chi viện chiến trường.

Nói rồi Người leo lên một xe đạp nước, ngồi cạnh...

Bà Học ngắt lời ông Xứ. Bà kể những kỷ niệm về Bác mà mắt sáng ngời, lòng hân hoan như hôm nào được ngồi cạnh Bác:

- Bác leo lên xe đạp nước của tôi đấy. Hồi đó tôi mới mười bảy tuổi. Thấy Bác leo lên xe đạp nước của mình, tôi mừng quá luýnh quýnh muốn đưa tay đỡ Bác nhưng bác nhanh nhẹn lắm. Bác đội một chiếc mũ cối bạc trắng, mặc một bộ đồ áo bà ba nâu, ống quần vẫn xắn cao hơn đầu gối. Cổ áo Bác trạc ra hai khuy ước chừng đề chống nóng. Bác vắt qua cổ một chiếc khăn vải khá dài. Bác đạp xe nước thật dẻo chân. Tôi được đạp xe cùng Bác mặt mày hớn hở. Chân đạp xe, mắt cứ chăm chắm nhìn Bác không rời.

Mọi người lại ùa ra vây xung quanh Bác không muốn rời. Bác lại nhìn mọi người ôn tồn chỉ bảo:

- Nước vẫn còn dưới đất, dưới sông, trong ao hồ, dưới giếng. Cần phải gom góp nước lại, khơi nguồn, khơi dòng chảy. Một thùng nước đổ được lên đồng là có một long gạo. Phải huy động phương tiện chống hạn, tranh thủ từng giây.

Nhìn Bác đạp guồng nước dẻo dai dưới trời nắng như đổ lửa, mồ hôi rơi xuống từng giọt, tôi xót lắm. Lời Bác nói ân cần, từ tốn mà sao có sức mạnh động viên và đoàn kết lớn lao đến như vậy. Mọi người nhanh chóng về nhà lấy dụng cụ chống hạn tản ra đồng. Hàng trăm chiếc xe đạp nước được huy động. Hàng ngàn gàu dai, gàu sòng cùng bươn bả tát nước. Nước được vét lên từ ao lớn của làng, ao nhỏ của gia đình. Nước được múc lên từ các giếng nhà được hàng ngàn học sinh, thiếu niên khiêng, ke ra đồng. Có những em nhỏ, hai đứa chỉ khiêng được một cái thùng hai chục lít nước vẫn lặc lè khiêng, mệt thì nghỉ, nghỉ xong lại khiêng quyết không bỏ việc. Giếng cạn được đào sâu thêm và đào thêm giếng mới. Kênh mương được nạo vét để dòng nối dòng như hàng ngàn mạch máu bị tắc, bị xơ cứng được khởi động lại đưa sức sống trở về với cánh đồng sắp chết. Nước từ các con sông được hàng chục vạn người tát lên cao nhiều bậc, đổ vào kênh mương, ào ào chảy vào ruộng gần, ruộng xa.

Công nhân trạm bơm đánh trần sửa chữa máy. Máy không hư hỏng nhiều nhưng do nước sông hạ xuống thấp vòi hút không với tới, vì không có dầu để chạy, vì thiếu tin tưởng vào công vịêc chống trời nên bị bỏ bê, giờ đã được khởi động. Nước được gàu dai, gàu sòng đẩy lên cao. Vòi bơm đẩy tiếp vào mương máng. Dạo đó nông thôn không có điện, dân chúng thắp sáng bằng đèn dầu. Dầu hỏa đắt và hiếm, dân chúng mua dầu mazút. Bây giờ trạm bơm cần dầu chạy máy, nhà nhà đều góp vào. Người một chai, kẻ nửa lít. Hàng vạn gia đình đóng góp phút chốc đã được cả chục phi lớn. Ông trạm trưởng trạm bơm mặt mày rạng rỡ, rối rít cám ơn làng trên, xóm dưới.

Noi gương Bác, cả xã, cả huyện rồi cả tỉnh, cả đồng bằng Bắc bộ, già trẻ, gái trai, thiếu niên, bộ đội, công an, thương binh... đều ra đồng chống hạn. Ngày hôm sau sinh viên, học sinh, công nhân và nhân dân các thành phố, thị trấn cũng đổ về chống hạn. Nước đã được tưới đều các mặt ruộng. Như một trái tim vô hình vĩ đại đập mạnh, các mạch máu tuôn trào rạo rực, cây lúa đã lã đi bắt đầu hồi sinh trở lại, nhành lúa vui mừng xôn xao trong gió.

Tôi nghe ông Xứ kể chuyện Bác Hồ về chống hạn với dân rất cảm động quên cả chuyện muốn biết: "người Bắc muối cà xứ Nghệ". Ông Xứ gắp một quả cà nhỏ vào mồm nhai rau ráu, ngon lành. Đôi mắt ông như biết cười, nhìn lên ảnh Bác treo trang trọng giữa nhà mà ngỡ như năm nào được gần bên Bác. Ông nói:

- Nhiều người ngồi trong mâm năm đó cũng được tham gia chống hạn với Bác Hồ.

Tôi thấy nhiều người gật gù. Bà Lĩnh khoe:

- Dạo đó Bác chống hạn tại cánh đồng làng mình, nên tôi cũng xen tới được gần Bác. Tôi đứng gần Bác cách nhau chỉ một mâm cổ thế này thôi. Mấy ngày sau đó tôi tát gàu sòng. Trời như đổ lửa, mồ hôi như tắm, ăn uống sơ sài thế mà tát mãi, tát mãi không thấy mỏi. Hình như Bác cho tôi và tất cả mọi người thêm sức mạnh anh ạ. Mãi tới bây giờ, lúc nào ra đồng tôi cũng như thấy Bác đang ngồi trên chiếc xe đạp nước đầu kia.

Ông Xứ kể tiếp:

- Mọi người cứ tưởng Bác bận trăm công ngàn việc trọng đại, chỉ đạp xe nước vài phút động viên con cháu, ai ngờ bác đạp đến trưa. Thỉnh thoảng Bác lại lấy khăn lau mồ hôi qua mặt. Tôi đến thưa với Bác: - Cho chúng cháu lấy tấm vải làm cái rạp che bên trên. Bác nói: - Mọi người đều làm việc dưới nắng, đã ra đồng là làm việc dưới nắng dưới mưa. Chú tranh thủ thời gian chống hạn với bà con. Bác chống hạn, chú lo cho Bác, hai người rồi cũng chỉ có một công!

Giờ cơm trưa, mọi người túm lại từng nhóm ăn cơm tại chỗ. Tôi thấy Bác rửa tay ở mương nước, rồi lau tay vào chiếc khăn vải. Bác đi thẳng đến một nhóm các chị đang bày cơm ra trên một tờ báo cũ. Thấy Bác đến mọi người vừa vui mừng vừa lúng túng bởi nắm cơm của họ nhiều khoai sắn quá không dám mời Bác. Bác nói:

- Bác cũng đói rồi. Bác ăn cơm chung với các cô cho vui.

Bác mở một gói mo cau từ sáng tới giờ vẫn buộc ở bên hông. Mọi người kinh ngạc: Một mo cơm độn khoai, một gói muối vừng nhỏ.Bác bẻ cơm chấm muối ăn rất ngon lành. Chúng em đã lấy lại được tự nhiên, cùng ăn với Bác vui vẻ, nhiều người cảm động thương Bác rơi nước mắt.

Một đồng chí cán bộ tỉnh thưa với Bác: Chúng cháu đã chuẩn bị cơm trưa mời Bác.

Bác nói: - Phải ăn cơm tại chổ tranh thủ thời gian chống hạn. Mỗi người tranh thủ được vài giây là cứu được một khóm lúa.

Đoạn Bác hỏi:

- Có phải các chú chuẩn bị thịnh soạn lắm phải không?

Đồng chí cán bộ lúng túng:

- Thưa Bác mấy khi chúng cháu được đón Bác.

Bác ôn tồn:

- Bác là người nhà đâu phải là khách. Một người đi chống hạn mà mất vài người đi chợ, nấu nướng, đi mời thì lãng phí nhân công quá. Đã nấu rồi thì cũng nên ăn. Chú mang phần của Bác bồi dưỡng các chú thương binh. Bác được tin các chú thương binh nhẹ ở các trại thương binh của tỉnh và huyện cũng đã tình nguyện ra đồng chống hạn.

Bác hỏi thăm đời sống gia đình của từng người, hỏi thăm sức khỏe của các cụ già em nhỏ. Để Bác vui, chị em chúng tôi đều nói: - Mọi người trong gia đình đều khỏe, đủ ăn, đủ mặc, làm nghĩa vụ xã hội tốt. Bác nói: - Các cháu không nói đến gian khổ chắc là muốn Bác vui. Đất nước đang chiến tranh không gian khổ thế nào được. Phải xây dựng khối đoàn kết thật tốt, sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn gian khổ. Thắng giặc Mỹ, đất nước thống nhất sẽ được xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Mọi người sẽ có cơm no, áo ấm, ai ai cũng được học hành.

Chúng tôi hiểu đó là ước nguyện của Bác cho con cháu muôn đời.

Nói đoạn Bác nhón một quả cà muối, cắn một miếng nhai ngon lành. Bác nóí:

- Các cô muối cà đã ngon nhưng vẫn chưa ngon bằng người xứ Nghệ muối cà. Vại cà xứ Nghệ ăn quanh năm, nhưng lúc nào vớt ra khỏi vại vẫn trắng, vẫn giòn. Kỹ thuật khác nhau ở chỗ phơi cà, hòa muối, nén, dằn. Nếu cô chú nào có dịp vào xứ Nghệ nên học thêm kinh nghiệm. Thời nào món cà muối vẫn là món ăn dân dã mà ngon. Đừng để con cháu sau này lớn lên giỏi rán cá, giỏi chế biến thịt nhưng không biết cách muối cà.

Ông Xứ vỗ vai tôi cười ha! ha!. Anh hiểu sự tích người Bắc muối cà xứ Nghệ rồi chứ. Mấy anh bộ đội huyện tôi dạo đó đang chiến đấu ở tiểu đoàn cao xạ pháo bảo vệ ba - ra Đô Lương ở Nghệ An nhận được thư nhà kể lại chuyện đó đã ghi chép khá kỹ cách muối cà của người xứ Nghệ gửi về, từ đó cả vùng này muối cà ngon như thế này đấy.

Nhờ Bác, biết ơn Bác, đã giúp dân chúng tôi cứu được một mùa lúa tưởng mất trắng, thoát được nạn đói đe dọa mọi người. Và để tưởng nhớ lời Bác dạy, dân quê tôi có thêm một phong tục đẹp, mọi cổ bàn lớn đều có đĩa cà xứ Nghệ.

Ông Xứ lại vỗ vai tôi:

- Đúng như lời Bác nói, bây giờ nhiều cá thịt, ăn cà muối vẫn thấy ngon.

Một tuần sau tôi và ông Cuộc trở về Quảng Trị. Lúc đã yên vị trên ghế mềm của tàu hỏa, ông Cuộc moi trong ví ra mấy tờ giấy ghi đặc chữ:

- Thu hoạch lớn của tớ ở chuyến đi dối già này.

Tôi lôi ra trong ba lô ra một cuốn sổ:

- Ăn nhằm gì! Tôi ghi chép trên trăm trang tư liệu!

- Nhưng có cái này không? Ông Cuộc mở rộng trang đầu chìa ra trước mặt tôi:

Câu chuyện Bác Hồ chống hạn và kỹ thuật muối cà xứ Nghệ

Ông cười rung rung cả chòm râu thưa.

                                                                                         L.V.T

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 179 tháng 08/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground