Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người, củi cùng khô

Coi bộ lần này dì làm thiệt. Mất một triệu, dì tin chắc mẹ lấy, bù lu bù loa chạy lên Sài Gòn méc ngoại. Ngoại móm mém kêu bây coi kĩ chưa, con Hai nó đâu có tham. Dì lau nước mắt, chân mày nhướng lên, chớ lần trước con bắt gặp chỉ lấy năm trăm ngàn má nói sao. Ngoại thở dài, chỉ biết ờ ờ, không vắt nổi lý do nào cho đứa con gái lớn nghèo khổ của mình mà vừa lòng được đứa con gái nhỏ.

Mẹ không lấy một triệu đó, nhưng dì không tin. Một lần bắt gặp, dì đổ hết những mất mát đều do mẹ. Dù mẹ khóc giơ tay thề nói xạo xe đụng, dì vẫn tỉnh bơ giữ nguyên mặt lạnh, ủa lần trước sao xe chưa đụng chị ta. Mẹ cứng họng mắc nghẹn tiếng nấc, thở không được, ôm ngực bỏ về. Dì đứng ngó theo dáng chị mình xiêu xiêu như đám lá khô bị gió đẩy, chửi đổng con chuột ăn quen mò hoài hũ gạo. 

Nguyên cớ năm trăm ngàn là do tôi, đứa con yếu ớt ba bốn bữa bệnh một lần, nửa tháng nhập viện một lần. Bữa đó, tôi té cầu thang ruột xoắn vô nhau phải mổ gấp để gỡ, không có dì ở nhà để hỏi, mẹ mở tủ lấy đỡ tiền đóng viện phí rồi trả lại sau. Dì về ngay lúc cánh tay run run của mẹ nhét tiền vô túi quần, cửa tủ còn chưa đóng. Hình như nắng hôm đó cháy quá, hình như dì mới cãi lộn với chồng, hình như lô quần áo kì này âm vốn. Tất cả khiến dì nổi điên trước khi kịp nghe mẹ giải thích. Dì la làng, để hàng xóm xông vô coi chị mình ngồi bệt dưới đất, mồ hôi cùng nước mắt đã đẫm ngực áo. 

Minh hoạ TRỊNH HOÀNG TÂN

Mẹ không lấy gì cả. Tiền cũng đã trả lại nhưng mẹ bị hai chữ “ăn cắp” đè lên, đi chợ không ngẩng mặt nổi để chào bà con. Bữa dì nói mẹ không cần ra coi phụ tiệm quần áo của dì nữa, mẹ cũng khóc. Nước mắt chảy ra như máu trắng của cây, khi người ta rạch dao vào thân gỗ từng nhát bén ngót. 

Dì nói từ mặt mẹ, khi tiền hốt hụi không cánh mà bay. Đúng bữa mẹ ghé ngang, xách theo con cá lóc mập ú ba câu được ngoài ruộng cho dì. Dì khóc ngất, hỏi sao chị ác với tui vậy. Dì chặt đứt tiếng ú ớ tìm câu đáp lại của mẹ, thôi thôi chị đừng nói nữa tui không muốn nghe. Mẹ chỉ biết chết trân, con cá lóc tuột khỏi tay còn nguyên cọng dây xỏ ngang mang lách tìm chỗ thoát. 

Mẹ về, lượm giữa đám củi đang phơi trong sân một cây khô đét. Đít quần đáp đất như đứa nhỏ vọc dơ, hì hục đào, cắm, vun. Mẹ trồng cây củi khô, đưa tay áo quẹt nước mắt nghẹn biểu khi nào nó lên chồi tao mới nhìn mặt dì mày. Mẹ đi ra nhà sau, không màng phủi đất cát bám đầy người. Bóng tối như đang phủ lấy mẹ, nuốt mẹ vào bụng của nó, hay chính mẹ đang trốn vào nó, trở thành một phần của nó…

*

Đi ngang qua tiệm dì, tôi nói thấy ế quá, mẹ coi như không nghe. Mẹ vẫn lựa những hạt đậu hư ra khỏi rổ đậu, chuẩn bị ngâm qua đêm mai nấu chè cúng rằm. Chè đậu trắng, thứ chè dì thích nhưng chẳng bao giờ ăn nữa, nếu là mẹ nấu. 

Tôi vuốt đầu con mèo đen, nó kêu ngao ngao trộn trong lời tôi, con nghe người ta nói dì dượng ly thân rồi. Con Mì ở với dượng, dì ra tiệm ở luôn. Mẹ vẫn điềm nhiên lựa đậu, quăng cả những hạt nguyên căng mẩy ra sân. Lũ gà khoái chí ùa tới nhặt, lâu lâu mới được bữa ngon.

Tôi dò coi ý mẹ, nhưng không thấy gì trên gương mặt mà những nếp nhăn đang đậm thêm mỗi ngày. Mẹ tỉnh bơ như nghe kể chuyện người ta đi chợ mua rau, như thể thằng nam chính trong bộ phim “Đời giang hồ” chiều nay có bị bọn ác hãm hại không, đáng để quan tâm hơn. 

Tôi ngó ra sân, đâu hay vô thức đụng ánh nhìn của mẹ, khi cả hai đều cắm mắt vào cây củi khô đứng sững kế bàn ông thiên. Mưa tới, mặc cỏ đã phún lên xanh rì dưới chân, mặc mớ dây leo lấn lên nhờ chỗ tựa, nó vẫn tong teo như trước. Nước có ngấm vào trở nên sậm màu hơn, nắng lên vài trận trở lại khô cong như đá tảng. Củi khô đời nào mọc chồi nổi.

Đời nào?

*

Mẹ hầm hầm về nhà, quật đám rau muống tan nát xuống sàn nước. Mấy con cá rô trong bọc xổ ra đành đạch búng thân, mẹ thò tay chụp lấy, gai cào ngón cái bật máu không hay, quăng vô rổ dộng mạnh cán dao. Mấy con cá nằm ngay đơ, đuôi không giẫy nổi, máu ọc ra khỏi mang. Mẹ mở vòi nước, dòng lạnh xối ào ào tuôn. Cuốn hết máu, cuốn sạch nhớt, ống bọng uống quá nhiều nước kêu òng ọc mấy tiếng, mẹ mới hay. Ngó ề rau bầm dập lá nằm một bên, mấy con cá trắng ớn nằm một bên, nước linh láng chảy, bọc trứng trong giỏ tươm lòng trắng ra nhớt nhợt, không biết bể hết chưa. Mẹ thờ thẫn đứng lên, ngồi xuống, nước không khóa ngấm vào quần. Ngấm lên áo. Như ngấm ngược luôn lên đầu. Mẹ ngồi giữa sàn nước, ôm mặt. Ngón tay máu vừa kịp đông giờ gặp nước mắt lại rỉ ra, thành những dòng máu mặn luồn theo kẽ tay ngả đỏ.

Đợi mẹ bình tĩnh lại, tôi mới dám hỏi chuyện. Hồi nãy mẹ đi chợ trên thị trấn, gặp dì. Mẹ cất tiếng kêu, dì coi như không thấy, đi phớt ngang qua. Vai dì né mẹ, chân theo đà nghiêng đạp xuống vũng sình văng tung tóe dơ ống quần kaki trắng nõn. Dì ưa sạch sẽ, vậy mà…

Nếu có nhiêu đó, mẹ còn nhịn được. Sượng trân cầm giỏ bước đi, chưa kịp quẹo vô quầy thịt đã bị tiếng dì cùng mấy người bạn níu dép. Nghe đâu bàn vụ án trên tivi, anh em trong nhà giành miếng đất chém nhau đổ máu. Vụ đó lớn, mẹ cũng biết. Biết cả câu dì sẽ nói, anh em khác cha bởi đâu có thương nhau. Dì lặp lại mấy lần, bằng cái cách người ta khoan đi khoan lại mũi chồng mũi lên bức tường để lần lượt bắt từng con ốc vít lớn hơn. Tới khi chỗ khoan tuầy huầy người ta nhổ ốc bỏ đi, để cái lỗ sâu hoắm trơ đó vĩnh viễn trên bức tường. Mắt dì liếc hờ về phía mẹ, khi nói. Khi lặp lại. Khi nhấn từng tiếng như nhấn mũi dao vào da thịt mẹ. Từng tiếng trì nặng, tới mức chân mẹ đi không nổi phải lê, đôi dép lào nổi tiếng bền đã đứt quai nằm lại bên sạp rau. 

Tôi dán băng keo cá nhân vô gót chân mẹ, sau khi đã chùi sạch máu đông bện cục. Mẹ khóc bằng lời. Mẹ kể lại những chuyện tôi đã nghe tới thuộc lòng. Rằng dù mẹ với dì khác cha, mẹ vẫn thương dì gần chết. Tôi không cản, để mẹ cứ nói. Không thể ngăn đợt lũ bằng con đập chắn dựng lên đột ngột. Phải mở cửa xả bớt áp lực nước đi, con đập mới mong chịu tiếp nổi lâu dài.

Ông ngoại bỏ mẹ đi khi còn nhỏ xíu, ông ngoại ruột của tôi. Bà ngoại đi thêm bước nữa, bỏ mẹ cho ông cố nuôi. Tới lúc đẻ dì, bà ngoại xuống bắt mẹ tôi về giữ em. Một tay mẹ lo cho dì, chứ bà ngoại đi suốt đâu dòm ngó gì hai chị em. Dì bám dính lấy mẹ, đi đâu cũng phải cặp nách ngang hông. Đi chợ, nấu cơm, chẻ củi, gánh nước. Đi học cũng đem theo, gửi hàng xóm sợ họ không coi dì đàng hoàng, thời đó nhà nào cũng con đông nhờ vả khó lòng. Mẹ vừa kể vừa vạch áo chỉ cho tôi coi vết sẹo trên lưng quần, chỗ dì tì bám vô, ẵm riết bí da mồ hôi ăn tới vầy nè. Hai chị em thân nhau, đi đâu cũng có cặp, cho tới lúc dì đi học. Mẹ bị ngoại bắt nghỉ ngang, nhường cho dì học. Mẹ ở nhà phụ ngoại, lúc đó ngoại ra bán gạo, thòm thèm nhìn em cắp sách tới trường, tối tối chỉ biết đợi em học bài xong mượn sách mượn tập lật coi chơi chơi cho đỡ cơn ghiền học. Vậy đó mà mẹ có than lời nào đâu.

Rồi mẹ lấy chồng, dọn theo nhà chồng về Kiên Giang. Đẻ tôi cũng ở dưới, tôi năm tuổi mới dọn về quê ngoại lại. Dì lúc đó cũng đã lấy chồng. Hai chị em chỉ còn thân được mấy lúc giỗ quảy túm tụm gói bánh, nấu chè xôi cúng kiếng. Hoặc nhờ vả nhau thứ này thứ kia, mà chủ yếu là mẹ nhờ dì, vì nghèo. Dì cũng giúp, vui vẻ có, hờn mát có, quạu quọ có. Dần dần từ chối nhiều hơn, khi con Mì ra đời. Tiền bạc đâu dư hoài để lấp vô chỗ thiếu giùm, mà mẹ thì luôn luôn hẫng hụt (phần nhiều do sự yếu ớt của tôi). Lảng tránh từ từ bằng câu hỏi mượn, mẹ với dì cũng cạn bớt dòng máu chung mà nhiều người ác ý hay xỏ xiên đâu có chung được bao nhiêu.

Dì ra mở tiệm bán quần áo, kêu mẹ ra phụ. Vừa có chuyện làm, vừa có dịp gần gũi chị em, mẹ mừng húm. Mẹ có duyên buôn bán, nhờ vậy tiệm dì mới đông khách. Khách toàn quay lại vì mẹ, nói mẹ vui vẻ, lựa đồ khéo. Không có mẹ chắc dì dẹp tiệm sớm. Không nhờ mẹ cản chắc dì ham rẻ nhập mấy lô hàng lỗi, đem về bán không được sạch vốn chắc. Từ từ thấy tiệm bán được quá, dì nhập thêm đồ. Coi có mình mẹ sợ bán không nổi, dì kêu thêm đứa cháu của cậu qua phụ. Cậu là em trai cùng cha khác mẹ của dì. Sau đó thì tôi té lầu nhập viện, mẹ lén mượn đỡ tiền dì để rồi từ đó khô hẳn nghĩa tình.

Kể tới đó, mắt mẹ càng đỏ. Mẹ đứng lên, chân rời khỏi tay tôi, miếng băng cá nhân tuột ra để vết thương mới khô miệng lại chà xuống đất. Tôi chậc lưỡi, xót. Mẹ vô buồng, tìm gì đó. 

Tôi chưng hửng nhìn mẹ đem xấp vải cất kỹ dưới đáy tủ ra. Mẹ cầm theo hộp quẹt, trải tấm vải ra đất, châm lửa. Xấp vải mẹ mua chung với dì hồi trước, định may hai bộ đồ giống nhau mặc cặp. Bù cho ngày còn nhỏ nghèo quá có cái áo đẹp nhường tới nhường lui, mẹ là chị lớn nên luôn dành phần cho em, chưa từng thử cảm giác người ta khen hai chị em bận đồ cặp đẹp dữ. 

Lửa nhai ngọt từng sợi vải, bùng lên, mùi cháy lan ra theo khói chảy ngược lên trời. Mẹ đứng trong vũng khói xoáy, nước mắt rớt từng giọt vô lửa cũng cháy. Nhìn bóng lưng mẹ mờ trong khói, tôi nhào ra ôm lấy. Tôi sợ mẹ sẽ bước vô đó, cháy như cách tấm vải đang lụi tàn dần, trong ngọn lửa rực rỡ hung hãn. 

Bên bàn ông thiên, cây củi càng cằn khô.

*

Thứ có thể khiến một người bám riết đất này mấy mươi năm muốn rời đi, hẳn là ghê gớm lắm. Tôi ngạc nhiên nghe dì đòi theo qua Lào, như đợi sẵn chỉ chờ tôi kể. Tôi có người chị quen biết lâu trong xóm định qua đó mở quán ăn, cần người phụ nên rủ tôi theo.

Tôi không định ghé qua chỗ dì nhưng lướt ngang thì nghe tiếng dì kêu lại. Tiếng quen, chỉ người là lạ. Dì nhìn khác quá, ốm đi hẳn. Người đàn bà đẹp ngày xưa khô quắt lại, như cách người ta ướp khô mớ bông thơm. Chỉ đường nét còn gợi chút hương quá khứ từng bung cánh mê dụ bướm ong.

Dì nói sắp đóng tiệm. Chứ buôn bán ế vầy, cầm cự chỉ thâm vốn thêm. Tôi nhìn cửa tiệm của dì, ngày mẹ còn phụ bán nó treo đầy quần áo kiểu cách rực rỡ xếp lớp, giờ thưa thớt những kiểu đồ lỗi thời đóng bụi. Dì có ý định thanh lý hết chỗ đồ còn lại rồi kiếm việc khác làm, như theo tôi qua Lào chẳng hạn. Tôi không biết nói sao, chỉ ừ ừ theo. Những nét mệt mỏi trên mặt dì như cố kể những chuỗi ngày khó khăn đã qua, mà ít nhiều tôi đoán được. Tôi nhìn dì, nhớ mẹ, chỉ biết lén thở dài. Lúc tiễn tôi về, dì đứng trong góc khuất của cánh cửa nhìn ra, như sắp tan vào bóng tối. Tôi chợt thấy hiện lên hình ảnh của mẹ tôi ngày trước, bụng gợn quặn chua xót không rõ nguồn cơn. 

Về kể cho mẹ nghe, mẹ chỉ cười trừ. Mẹ trộn cám cho heo ăn, coi như nghe chuyện mấy bà hàng xóm cãi lộn. Mẹ than mấy con heo kén ăn quá, ráng chăm chút tụi nó Tết mới có tiền trả bớt nợ. Tôi cười, mẹ tính trộn cám cho heo ăn nguyên tuần hay gì. Mẹ liếc tôi, tần ngần nhìn thau cám ứ hự, lũ heo cũng giơ mũi đầy cám hít hít người đàn bà đột nhiên bữa nay hào phóng cho ăn quá trớn. Gác thau cám còn quá nửa lên nóc chuồng, mẹ bỏ đi gom củi.

Tôi nói dì có gửi lời hỏi thăm mẹ. Dì kêu đang có dịch bệnh, mẹ đi chợ nhớ đeo khẩu trang vô. Mẹ tôi ừ hử, tay cứ đảo đi đảo lại trên ề củi, hết lượm rồi buông. Tôi đoán mẹ đang cười, dù mẹ quay lưng với tôi. Nhưng tấm lưng đó dựng thẳng hơn ngày thường, vai mở ra, giống hệt một nụ cải sắp bung xanh. Mà mẹ làm như không, quay qua nạt tôi, đứng đó nói tào lao mấy chuyện mèo khóc chuột, lo rinh củi vô để mưa ướt hết giờ nè.

Trời có chuyển mưa đâu. Chắc chỉ có lòng mẹ chuyển, cơn mưa sẽ tưới mát đợi chờ đã sắp bạc màu. Bất giác, lòng tôi bị rút mất một khoảng. Khi mắt mẹ nhìn cây củi vẫn đứng kế bên bàn ông thiên, chưa từng có dấu hiệu nào sẽ trổ lá mọc chồi. Tôi lơ đãng nghĩ không biết tối nay mẹ có ngủ sớm không. Nửa đêm ra tráo một cây củi, cũng đáng.

*

Đứa cháu của cậu cuối cùng vẫn không nhận chuyện nhiều lần lấy tiền dì. Chẳng ai rửa sạch chữ “ăn cắp” cho mẹ. Mẹ cũng không màng nữa, khi người mẹ muốn nghe nhất đã không thể nghe.

Trước bàn thờ của dì, đứa cháu cậu vẫn điềm nhiên khấn xin trúng số. Nó nghe ai đó đồn người tự tử chết linh. Mẹ không trách cứ gì, lẳng lặng nhìn khói nhang bốc dày lên, sánh đặc lại, cố cắt nghĩa có lời nhắn nào người đi muốn gửi lại.

Dì đi đột ngột không trăng trối gì. Tin dì tự tử tới lúc mẹ đang đi đám cưới xóm trên, mẹ lăn ra ngất xỉu giữa đám phải nhờ người khiêng về. Không ai biết tại sao dì lại chọn cách đó, dù ai cũng lờ mờ có những dự đoán của riêng mình. 

Những bàn tán bỏ mặc mẹ ngồi một góc, chăm chú nhìn đứa em gái cười tươi trong tấm hình chữ nhật lộng khung được rọi ra từ mớ hình hồi còn rạng rỡ của dì. Mẹ đã không kịp gặp dì, không biết được rõ ràng em mình hốc hác ra sao, chưa kịp nghe một câu thở than nào, cũng chưa được đong ngọt tai một lời hỏi thăm trực tiếp.

Cây củi kế bên bàn ông thiên đã được tôi tráo, mọc lá xanh um. Nó lọt thỏm giữa những mỡ màng xanh, bình thường như đám cây cỏ xung quanh. Mẹ biết tôi tráo, mà làm như không hay. Chỉ là mẹ chần chừ chưa muốn gặp dì ngay lúc đó, dù cớ đã có. Cớ hỏi thăm. Cớ cảm ơn. Cả cớ củi khô trổ lá. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ là không biết nói gì khi gặp nhau. Chữ “ăn cắp” ai biết có còn đọng môi người kia, buồn không biết có còn sót men trong lòng người này, gặp nhau lỡ miệng một câu chắc sợi tơ mành khó khăn lần được biết đâu đứt phựt. Vậy thì hối hận cả đời.

Và giờ, mẹ cũng đang hối hận. Khi đã nghĩ quá nhiều, khi không đọc được tín hiệu chới với thông qua tôi mà dì hình như cố gắng thả đi. Phải chi mẹ chịu nhún nhường, làm bộ đảo qua chỗ dì một chút. Vài phút thôi cũng được. Biết đâu sẽ đọc được trong ánh mắt thâm quầng tín hiệu, biết đâu sẽ lượm được trong nếp nhăn trán uất ức, biết đâu sẽ soi ra trong mớ tóc bạc niềm chới với. Hoặc dì sẽ có cớ vịn, bước ra gặp chị mình, mà tìm sợi dây leo lên khỏi giếng sâu hun hút. Một ngọn đèn soi đường đi, trước khi bóng tối kịp quánh đặc khuấy tan cùng nhau thành một khối.

Lần này mẹ không khóc, sao tôi thấy dòng mặn đắng vẫn tồn tại. Đầy ứ hự, sóng sánh, cuộn tròn. Như chính tấm lưng còng khiến dáng mẹ ngồi mang dáng hình giọt nước mắt câm.

Cây củi khô tôi quăng bỏ sau hè, ngày giỗ dì tôi ra dọn vườn bắt gặp. Không biết có phải là rêu không, mà từ kẽ nứt thớ gỗ còi tứa ra nét xanh nhỏ xíu.

P.D

PHÁT DƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 310

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground