Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người đàn bà trên sân ga

Mưa xối xả. Những bọt nước đục ngầu nổi dập dềnh trên khoảng sân hẹp trước nhà. Mưa gõ ầm ĩ trên mái tôn.

Chị ngồi co ro, đưa mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ, bài trí giản dị đơn sơ như trong thời chiến; mơ hồ nghe tiếng nhạc của nhà bên nghe loáng thoáng trong tiếng mưa, cũng ướt át và lạnh lẽo như thế.

- Mưa ngâu tháng bảy. Ngưu Lang – Chức Nữ khóc nhiều quá đấy mà, chắc là còn lâu mới tạnh được. À, Hằng uống cà phê nóng cho ấm người nhé!

- Quá lâu rồi không gặp, trông Hằng không già đi bao nhiêu. Ai bảo thời gian là kẻ thù của nhan sắc nhỉ? – Anh cười thân ái- Vậy mà đã hơn hai mươi năm rồi…

- Vâng, hơn hai mươi năm…

Chị nhìn anh lúi húi pha cà phê. Bộ quần áo bộ đội cũ kỹ, bạc màu. Đôi mắt trũng sâu và khuôn mặt đầy những nếp nhăn khắc khổ. Ngay cả nụ cười cũng nhuốm vẻ mệt mỏi. Hơn hai mươi năm. Anh ngày ấy và bây giờ… Chàng trai trẻ nồng nhiệt và đam mê, lửa trong mắt và nụ cười rạng rỡ, quán quân bơi lội của làng, giờ đã là người đàn ông ngoại tứ tuần gầy gò, khắc khổ và già sớm. Người đàn ông với nước da vàng bợt có lẽ đã qua nhiều trận sốt rét rừng.

Tất nhiên chẳng có ai sống mãi với tuổi hai mươi.

- Hằng về từ bao giờ?

Lòng chị ấm lại không phải vì tách cà phê nóng mà vì cái cách anh gọi chị bằng tên như ngày xưa, vẫn cái âm sắc đầy trìu mến ấy. Đã lâu rồi không ai gọi chị như thế nữa, kể cả Nhân…

          - Em ra đây đã hai ngày rồi. Cứ ngỡ là không gặp được người quen biết nào nữa. Không ngờ lại được gặp anh.

“Em muốn đi nghỉ mát đâu tùy thích: Huế, Nha Trang, Hạ Long, Sa Pa…Anh đồng ý và thu xếp cùng đi với em. Nhưng còn ra quê? Ngoài đó hoang tàn đổ nát, đâu còn ai thân thích nữa? Thôi, em dẹp chuyện đó đi, đừng dở hơi thế! Nhân đã làm một thôi một hồi khi chị nói với anh ý định về thăm quê. “Anh không đi, em đi một mình. Người ta ai cũng có quê hương. Vả lại, cũng gần hai mươi năm em đã về được đâu. Anh không muốn thì ở nhà cũng được”. Chị kiên quyết giữ ý kiến. Cuối cùng, Nhân hậm hực chấp nhận: “Thôi được, em cứ đi nếu thực sự em muốn thế. Tuy nhiên em nên về sớm một chút để trông coi các con. Dạo này chúng nó tập quen với quán xá, vũ trường rồi đấy!”. Nhân nói rồi xách cặp ra xe, để lại cho chị một xấp tiền dày cộm- cái điều duy nhất mà lâu nay Nhân có thể làm cho chị.

          Đã hai ngày chị trở về đây. Ngơ ngác và cô đơn như người khách lạ nơi cố hương của mình. Chỗ đồng cỏ hoang và những mảng tường lở ngày xưa giờ đã là một thị trấn, không xô bồ nhưng cũng khá đông đúc và chật chội. Thời gian dễ dàng xóa sạch mọi chứng tích. Bức tường rêu, những cây đuối già đổ xuống bóng mát có tím hồng màu hoa me đất. Nơi đó ngày xưa bao la yên ắng đến độ cả anh và chị đều nghe rất rõ nhịp tim nhau đang gấp gáp đập dồn trong lòng ngực, chị đã run rẩy, trong đôi cánh tay rắn rỏi anh quàng riết qua vai. Nụ hôn đầu vụng về nhưng đắm đuối, suốt đời chị không quên nổi…Chị đã nói gì nhỉ? Rằng sẽ đợi anh, dù năm, mười năm, dù cả cuộc đời…

        Vậy mà, điều gì đã xãy ra?

        Một người bạn cho chị biết anh đang ở đây. Và chị đã do dự trước khi quyết định đến nhà anh. Hơn hai mươi năm. Thời gian đã cho vết thương lành sẹo. Chị đã có một gia đình đầy đủ, còn anh đã ly hôn. Mọi nhầm lẫn, những khắc khoải hy vọng, nỗi đau mất mát cũng đã qua. Hoài niệm và những ký ức tuy chưa hẳn đã ngủ yên trong tâm thức nhưng nhiều lúc chị nghĩ là đã quên anh, quên được mối tình đầu. Vậy thì, có nên không?.. Liệu cuộc gặp gỡ rất nhiều lần sau này có khuấy động những gì đã lắng lại, đã chìm sâu trong chị, và có thể, cả trong anh nữa không?.

       Chị ngẩng lên, gặp cái nhìn thẳng, chăm chú và đắm sâu của anh. Bỗng bối rối: Ánh mắt ấy… Ánh mắt của chàng trai tuổi hai mươi từng khuấy động những nhớ nhung và yêu thương trong chị tuy có lơ đãng hơn, chín chắn và điềm tĩnh hơn. Đấy là cái nhìn của một người đã đi qua mất mát, đau khổ, đã thấu hiểu điều lẽ buồn vui cũng như đã chứng kiến nhiều thăng trầm biến ảo của cuộc đời này. Tuy nhiên, vẫn là sự tin cậy, trìu mến và ấm áp ấy. Hơi luống cuống và có phần mất bình tĩnh, chị nhìn xuống tách cà phê trên tay, ngạc nhiên thấy mình bỗng dưng rụt rè nhút nhát như một cô gái mới lớn. Anh cũng mắt nhìn ra màn mưa bời bời trắng ngoài khung cửa. Căn phòng rơi vào khoảng trống đầy im lặng bứt rứt.

        Chị cât tiếng trước:

        - Quê mình thay đổi nhiều quá phải không anh? Em đã không thể hình dung ra nó như bây giờ.

        - Đúng vậy – Anh trầm ngâm- Ngày xưa chỗ này chưa có thị trấn. Nhà cửa cũng thưa thớt. Hai mươi năm…Mọi cái đều mới và khác đi nhiều.

        - Liệu anh có trách chị về lời ước hẹn năm xưa không? Rằng ngay cả tình cảm con người cũng có thể khác đi, cũng có thể thay đổi dễ dàng…

        Ừ, mà tại sao ngày ấy cả Nhân và anh đều yêu chị? Hồi đó cả họ cả chị đều rất trẻ. Có điều ngay từ hồi ấy, chị biết mình phải trao trái tim cho ai. Chị yêu anh mà không cần phải so sánh. Đơn giản là chị không hề lựa chọn. Nhưng rốt cuộc, định mệnh nào đã bứt anh và chị ra khỏi cuộc đời nhau?

        Khi rãnh rỗi, chị thường hay buồn. Và trong một lần như thế, Nhân đã hỏi chị: “Em còn yêu cậu ấy phải không?”. Chị im lặng, mãi sau mới trả lời: “Anh biết rồi đấy, anh ấy đâu còn nữa”. Nhân cũng im lặng một lúc: “Đúng vậy”. Bỗng chị chồm lên níu lấy tay Nhân: “Anh có tin là anh ấy chết rồi không? Nhân né tránh đôi mắt chị: “ Chẳng phải có giấy báo tử của anh ấy rồi sao? Mà lâu rồi có ai nghe tin tức gì của Phong đâu? Em hãy sống cho mình một chút. Và đừng bất công như vậy. Anh thật không hiểu chỉ vì một lời ước hẹn vu vơ, xa xưa mà lại ràng buộc con người ta đến thế”. Không phải vì những lời ước hẹn, mà chính là tình yêu ràng buộc người ta với nhau”. Suýt nữa thì chị thốt ra cái ý nghĩ ấy, song lại kìm được.

        Và bây giờ, chị đang ngồi trong căn phòng nhỏ giản dị ấy. Trước mắt chị là anh, chính là anh bằng xương bằng thịt. Và đó cũng chẳng phải là một giấc mơ trong hàng bao nhiêu giấc mơ tương tự của chị.

        - Cho em hỏi điều này: Tại sao anh và cô ấy lại chia tay nhau? Anh không trả lời ngay, điếu thuốc cháy lập lòe. Đôi mắt anh sâu hút và xa xăm hơn sau màn khói mờ che phủ. Chị bỗng thấy bứt rứt: Đâu còn là anh của chị, của hơn hai mươi năm trước.

Anh dụi mạnh mẫu thuốc gạt tàn:

   - Năm bảy lăm anh về làng, chẳng còn ai thân thích nữa. Năm tám mươi thì anh và Hiền cưới nhau. Sau đó Hiền sinh đứa con đầu lòng, một đứa bé mềm nhũn, đầu to tướng và không ngón tay ngón chân. Cô ấy ngất xỉu ngay lập tức khi lần đầu nhìn cái hài nhi tội nghiệp (Nó chỉ sống được ba ngày). Khi tỉnh dậy, Hiền khóc nhiều lắm và suy sụp hẳn, cứ ngơ ngác như người mất hồn. Cô ấy cũng như bất kì ai khác, không hề chuẩn bị để chào đón một đứa con như thế. Còn anh bác sĩ cho biết trong những năm ở chiến trường, anh đã bị nhiễm khá nặng chất Điôxin. Và như vậy, những đứa con sau sẽ không bao giờ là những đứa trẻ bình thường được… Sau chuyện ấy, anh thực sự thấy mình không mang lại điều gì tốt lành cho Hiền cả. Hiền thuộc thế hệ sau này, cô ấy không sống nhiều trong chiến tranh, không hiểu rõ về chiến tranh, vậy mà là phải gánh chịu những mất mát và bi kịch của nó. Cô ấy phải sống cho cuộc sống hiện tại, tương lai với những nhu cầu thiết yếu của con người; Cần có một chỗ dựa vững chắc, một gia đình đầy đủ. Anh thì vụng về không làm được những điều ấy. Chưa nói Hiền lại tháo vát, sắc sảo, lại trẻ đẹp và rất khao khát được làm mẹ…

   - Và anh đã chủ động xin ly hôn? Chị rụt rè ngắt lời.

Anh khẽ gật đầu nói tiếp:

   - Hiền đã có một đứa con trai. Chồng của cô ấy là một người buôn ở phố huyện. Thỉnh thoảng cô ấy lại đem thằng bé về đây, nấu nướng , dọn dẹp căn phòng này thật ngăn nắp rồi mới đi. Lần nào cô ấy cũng khóc. Anh thật áy náy quá.

   - Chị bần thần nhìn những hoa bất tử đã khô cắm trong chiếc lọ nhỏ xinh làm từ mảnh pháo sáng. Có lẽ, mọi đồ đạc vẫn lưu giữ dấu ấn của bàn tay Hiền. Dẫu vậy, anh vẫn mất mát, hy sinh quá nhiều.

Ừ, mà tại sao ngày ấy lại có giấy báo tử của anh về làng? Trong chiến tranh, không có gì là không thể cả. Nhưng nếu ngày ấy người ta nói với chị rằng anh bị thương rất nặng, bị mất tích, bi bắt… nghĩa là những tình huống rất xấu nhưng không phải là cái chết chị vẫn có hạnh phúc là được đợi chờ và hy vọng. Tuy nhiên, mọi chuyện đã qua từ lâu, và có thể chị sẽ không có có điều gì phải day dứt nếu như người duy nhất biết anh chưa hy sinh mà vẫn im lặng dấu diếm không phải là Nhân, chồng chị bây giờ… Nếu như không phải bây giờ trở về cùng với một thân thể đầy thương tích, một lá phổi duy nhất còn lại là chất Điôxin đang thấm sâu vào từng mao mạch, gặm nhấm dần dần từng tế bào sống trong anh…

   - Nhân khỏe không em?

   - Vâng, anh ấy khỏe- chị thẫn thờ đáp.

   - Đã lâu rồi không gặp lại Nhân. Hồi đó anh và cậu ấy bao giờ cũng đi cùng nhau. Anh em trong đơn vị gọi cậu ấy là thi sĩ. Nhân làm nhiều thơ lắm, bài nào cũng khí thế, hào hùng, phải nói làờnh những bài thơ ấy mà bọn anh có thêm phần nào can đảm. Giờ cậu ấy còn làm thơ nữa không Hằng?

   Thơ ư? Phải, hồi đó Nhân trở về trong vầng hào quang chiến thắng, dáng dấp phong sương pha trộn chút gì kiêu hãnh, và hầu như không hề bị chiến tranh làm sứt mẻ đi. Khi nỗi đau vì cái tin anh hy sinh chưa hề nguôi dịu trong chị thì Nhân đến, ân cần, chăm chút. Những câu chuyện hấp dẫn về các trận và cả những vần thơ an ủi ngọt ngào. Giờ chị mới nghiệm ra rằng, bao giờ Nhân cũng là người có mặt đúng lúc, đúng nơi. Nhân biết đi đúng chuyến tàu cần đi và đúng sân ga cần đến. Bây giờ thì Nhân đã làm phó giám đốc của một công ty kinh doanh có tầm cỡ của thành phố, là chủ nhân của căn biệt thự uy nghi, có đôn sứ, chậu cảnh và lối đi rải sỏi trắng… Lúc nào Nhân cũng bận rộn với những buổi tiệc tùng chiêu đãi, những bản ký kết bạc tỷ và những chuyến đi công tác nước ngoài… Đã từ lâu rồi, Nhân không làm thơ nữa. Đối với anh bây giờ, thời gian là tiền bạc, huống chi thơ lại là món quà giết thời gian một cách vô bổ, vô nghĩa lý…

   Cuộc sống của gia đình chị có đầy đủ tất cả, từ tiền bạc đến địa vị, tăm tiếng… Nhưng lờ mờ chị vẫn cảm thấy thiếu vắng một điều gì. Người ta bảo chị may mắn, có được một người chồng thành đạt như Nhân. Điều đó đúng hay không?

   Chị ngẩng đầu lên nhìn anh:

   - Anh…Có khi nào anh oán trách anh Nhân không? Và cả em nữa.

   - Kìa, đừng như thế, Hằng. Chiến tranh đã qua lâu rồi có mắc nợ ai điều gì đâu?

   - Giọng anh trầm xuống rất khẽ - Hãy để quá khứ ngủ yên lành trong mỗi người…

   Chị im lặng.

   Anh bỗng đứng dậy hoạt bát hẳn.

   - À, Hằng ra đây xem, có thể sẽ rất thú vị đấy!

Anh mở cánh cửa bên nhà. Chị ồ lên, sững sờ: Trước mắt chị là một trời hoa phong lan có hàng trăm giò lớn nhỏ. Vô số sắc màu lộng lẫy và hương thơm ngào ngạt. Chị mang máng hiểu chúng đều là những loài hiếm quý.

Sau những căn nhà cũ xỉn trong căn hẻm nhỏ, giữa những tiếng chửi bới chanh chua của những bà hàng rong lắm mồm nhốn nháo ô hợp rất đời kia thì góc hiên này quả thực  là một thiên đường lý tưởng cho sự thư giản tâm hồn.

Anh say sưa kể:

   - Hồi ở rừng, đại đội anh có nhiều Phong: Phong lì, Phong lếu, Phong voi. Còn anh, tụi nó gọi anh là Phong lan vì cái tội mê hoa của anh – Buồn cười thật. Hồi ấy, cứ đến giờ nghỉ ngơi giữa đợt hành quân, anh lại đi tìm phong lan. Nhưng nhiều lúc phải bỏ lại vì không thể mang hoa theo vào các trận đánh. Anh còn nhớ rừng có nhiều chỗ cây bị đánh tả tơi, không còn mảnh lá, vậy mà chẳng hiểu sao lại có một chùm hoa trắng muốt, rủ tha thướt và cứ thơm ngào ngạt gần cả tháng trời, có lẻ em sẽ không hiểu hết cảm giác và ý nghĩ của anh khi gặp hình ảnh ấy đâu.

   - Chị như mê đi giữa hương và sắc. Bên cạnh chị, anh bỗng nhiên phấn chấn và đầy đam mê khi kể về lịch sử của từng giò

 lan. Khi phân tích cho chị thấy cái đẹp, sự quý phái vương giả của từng loài.

   “Ồ đẹp quá!”, chị xuýt xoa ngơ ngẩn nhìn một giò lan mới, với những chùm hoa trắng li ti. Những cánh hoa dài mềm mại vươn lên hờ hững từng cành uyển chuyển và thanh thoát như một chùm hoa đang cánh, nửa muốn bay, nửa ngập ngừng muốn đậu.

   - giò lan này anh vừa tìm được mới đây thôi, trong lần đi tìm hài cốt của mấy thằng bạn cùng đơn vị. Nó nằm cheo leo trên một vách núi cao nguy hiểm trở, như thách thức sự kiên nhẫn và lòng can đảm của con người ta vậy. Gần nửa ngày loay hoay, cuối cùng anh cũng lấy xuống được. Cũng phải nói thêm rằng, trong cái thung lũng mù mịt  dây leo, dưới vách núi ấy, có hai đứa bạn của anh đã nằm lại…

   …Em xem, chuỗi hoa này có giống một bầy hạc múa không? “Vâng”, chị gật đầu tán thưởng nhưng hình như đầu óc lại trôi phiêu du về nơi nao.

   …Hồi đó, một năm sau ngày nhập ngũ, chị nhận được thư anh. Anh đã kể về những trận sốt sét rừng dai dẳng, những cơn mưa rừng triền miên, và đặc biệt là loài hoa rừng vương giả: “Hết chiến tranh anh sẽ mang về cho Hằng một chùm Phong Lan đẹp nhất của rừng. Hằng sẽ thích cho mà xem…”

   - Hằng sao vậy, trông xanh quá!

   Chị giật mình, sực tỉnh - không đâu em thấy vườn lan của anh thật tuyệt vời. Em không khách sao đâu, quả thật đó là một tài sản vô giá. Thật tiếc đã đến giờ em phải về.

Anh không nói gì? Cũng không giữ chị lại. Chị lấy mũ, quay chào lần nữa: “em về”.

“Hằng về nhé!” Anh tiễn chị ra cửa. Vẫn cái ánh mắt ấm áp và trìu mến, chị nhận ra trong đôi mắt ấy có sự tin cậy, nghị lực tiềm tàng và một sự tự chủ lớn.

- Ngày kia Hằng vào phải không? Nếu không có gì thay đổi, buổi chiều  anh sẽ đến sân ga.

        Mưa đã tạnh từ lâu.

Chị bước nhanh ra cửa. Trông ngơ ngẩn và mộng mị.

Hoàng hôn sau mưa đỏ thẫm phía chân trời.

                                                         

                                                               ***

 

- Cô Hằng phải không ạ?

Chị ngạc nhiên nhìn chú bé da đen nhẻm trông rất lanh lợi, nhận ra người đã sốt sắng chỉ nhà anh cho lần trước.

- Chú bộ đội nhà số 302 nhờ cháu đưa hộ cô cái này.

Chú bé xách một giò phong lan lớn tuyệt đẹp. Chị nhận ra một cánh Hạc múa, bỗng sững sờ:

- Của cô ư? Vậy chú ấy đâu hả cháu?

- Đi rồi cô ạ. Sáng nay có chiếc U - oát đến đón chú ấy, cùng với các chú bộ đội già nữa. Cháu biết là những chú ấy đi tìm hài cốt liệt sĩ trong rừng sâu, như những lần trước. À, chú ấy nhờ cháu nói hộ chúc cô lên đường bình an, chú gửi lời hỏi thăm gia đình và xin lỗi cô vì không đến được như lời đã hẹn - chú bé liến thoáng.

- Vậy ư. Cô cám ơn cháu.

Cậu bé cười tươi tỉnh, nhìn chị chăm chú, già dặn như để đánh giá:

- Cô ạ. Cô có phải là bạn chiến đấu của chú Phong không?

- Không đâu, cô là bạn của chú ấy hồi bằng cháu kia. Còn cháu, cháu cũng là bạn của chú ấy phải không?

Không đáp lại câu hỏi của chị, chú bé nói nghiêm trang:

- Mẹ cháu bảo chú Phong là người rất tốt, và bạn của chú ấy các bác cựu chiến binh ấy, và cả cô Hiền nữa, cũng toàn là người tốt thôi. Mẹ cháu bảo không có chú Phong và các cô chú ấy thì người trong hẻm chẳng ai quan tâm đếm xỉa đến ai cả.

Chị cười:

- Ừ,  Thế cháu có thường xuyên đến chơi với chú Phong không?

Mắt bé sáng lên:

- Có ạ, chơi với chú Phong thích lắm. Chú ấy dạy cháu thổi sáo và cả chơi cờ tướng nữa. Nhưng mà mỗi khi chú ấy lên cơn đau trông thương lắm. Cô biết không, chú ấy đau ghê lắm, nhưng chẳng ai biết đâu. Vì mỗi lần như thế, chú ấy thường bảo cháu khóa cửa ngoài lại. Ai đến đều tưởng chú ấy không có nhà, Cháu chỉ làm được một việc là tưới phong lan cho chú ấy. Nhưng mà cứ trở trời là chú ấy lại đau. Người tốt như chú ấy thế mà khổ cô nhỉ!.

   Chị thẩn thờ ngồi lặng. Đầu ong ong những ý nghĩ lộn xộn, không ra đầu ra đuôi, một nỗi buồn mênh mang tràn ngập trong tâm hồn hoang trống của chị.  Tại sao? Ngày kia… chị về đến nhà. Cuộc sống sẽ vẫn như cũ, nhàn nhã, rảnh rỗi trong căn nhà rộng thênh thang vắng ngắt và lạnh lẽo. Vẫn là Nhân, trịnh trọng, oai vệ trong chiếc xe hơi đời mới choáng lộn, ca táp căng phồng trên tay. Vẫn là chị, người đàn bà ngồi bên song cửa, cứ thảng thốt lật dở những trang ký ức  đã rất xa xăm của đời người…

Còn anh, cái gì làm nên sức mạnh trong anh, trong thân thể đầy thương tích và bệnh tật ấy? Sức mạnh mà Nhân không thể có, cả chị cũng không có.

Hoàng hôn đã xuống dần. Bóng chú bé đã khuất hẳn vào đám hành khách vừa xuống ga.

                                                              ***

Tôi là một người không giữ vững vị trí gì trong câu chuyện giản dị. Chỉ một chiều nhàn rỗi, thả bộ qua sân ga nhỏ bé của thị trấn, tôi thấy người phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi – mặc dù trông còn trẻ hơn rất nhiều, quý phái, ăn mặc sang trọng, ngồi như hóa đá trên chiếc ghế dài, trong khuôn viên. Chiều hôm ấy sân ga vắng người, tôi thấy ánh chiều sắp tắt ngập mênh mang trong mắt hoang vắng như vô hồn của chị. Tàu đến đã một lúc mà người đàn bà không hề biết, chỉ đến khi tiếng còi tàu rú lên gắt gỏng, xé toang bầu không gian chiều ngưng đọng của thị trấn, chị mới giật mình sực tỉnh, nhìn đồng hồ. Rồi ngơ ngác và thờ thẩn, chị xách va li, một tay kia vẫn ôm khư khư bên mình giò phong lan trắng tuyệt đẹp, và vẫn dáng vẻ vô hồn ấy, chị đi đến con tàu phương nam.

Chị xa dần và đến lúc quay đầu lại, tôi thấy đôi mắt chi ấy tối sẫm trong ánh hoàng hôn đang tắt.

Hình bóng ấy ám ảnh lấy tâm trí tôi trong suốt đoạn đường về. 

 

                                                                                               T.T.H.

Trần Thu Hòa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 33 tháng 06/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

6 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

9 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground