Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người lái đò ở bến Cô Giang

 

L

ão Đàn đưa tay lần tìm túi thuốc, thong thả vấn một điếu to tướng rồi châm lửa, rít một hơi dài khoan khoái.

Ngoài kia, mưa lay phay như rắc bụi lên mặt sông. Gió lạnh về hun hút. Những ngày trời quang mây tạnh, vào độ giờ này vẫn có người qua sông, gọi đò còn trời mưa rét thế này chắc hẳn chẳng có ai, nghĩ vậy nên lão mới ung dung ngồi nghỉ ngơi. Mà thực ra lão cũng chẳng thích ngồi bó gối. Công việc quần quật suốt ngày nên làm lão bớt cảm thấy trống trải, cô quạnh. Cái cô quạnh của một người đã qua phía dốc bên kia cuộc đời nhưng vẫn còn vò võ một thân, một mình bên bến đò vắng, vui với nghề đưa khách qua sông.

Đò ơi ... cho qua sông với...ói...ới...ới... Đò ơi...Có tiếng ai kêu đò văng vẳng lúc xa lúc gần.

Lão Đàn làu bàu, vút điếu thuốc xuống đất, lật đật bước ra. Sau hồi loay hoay, con thuyền đã bồng bềnh trên mặt sông. Lão nheo nheo mắt ngắm nhìn dòng sông trắng xóa duỗi làn mưa bụi rồi ngửa mặt nhìn trời. Trên nền trời tím thẫm, một đàn chim chấp chới bay về phương nam. Một mùa đông nữa lại sắp về. Lão khẽ thở dài.

Một người phụ nữ co ro trong tấm vải nhựa đứng trên bờ sông chờ lão.

Lên thuyền đi, còn đứng đó làm gì. Giọng lão lạnh lùng. Người đàn bà chợt sững sờ nhìn lão. Cái nhìn lạ lắm. Vừa thảng thốt, ngạc nhiên, vừa xa xôi vừa gần gũi, lại có chút gì như trách móc, hờn dỗi. Lão cúi mặt cố tránh ánh mắt của người đàn bà. Dẫu vậy, khi thuyền đã lênh đênh giữa dòng, lão vẫn cảm thấy có một đôi mắt đăm đắm đang nhìn mình.

Xin lỗi... xin cho hỏi... có phải ông là Đàn... tên ông là Đàn. Người đàn bà run run. Lão giật nẩy mình khi người đàn bà xa lạ gọi đúng tên. Lão từ từ ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào mắt người đàn bà. Trời ơi!... Lẽ nào...

Chưa kịp buông lời, người đàn bà đã gục vào vai lão, rưng rưng nước mắt: - Cha ơi... con là Chiều... Chiều về với cha đây mà... Cha không còn nhận ra con ư?

***

Giải phóng miền Nam chừng mấy tháng. Đàn mới trở về làng, huân chương lấp lánh trên ngực áo. Suốt cả mấy tuần lễ, Đàn ngập tràn trong lời chúc tụng, trong những ánh mắt ngưỡng mộ của dân làng. Mới chân ướt chân ráo trở về, lãnh đạo xã đã đến đề nghị Đàn đứng chân trong ủy ban nhưng Đàn đành từ chối vì lý do sức khỏe.

Mặc dầu vậy, Đàn vẫn được trọng vọng đặc biệt. Khi làng, họ có giỗ chạp, tiệc tùng, Đàn được vinh hạnh ngồi mâm trên, làng xã có việc gì quan trọng cũng cử người đến hỏi, xin ý kiến Đàn.

Công việc đồng áng, rồi việc quân sư cho xã, thôn cứ dồn dập khiến Đàn ít có thời gian suy nghĩ vẫn vơ. Chỉ khi đêm xuống, nhất là khi trái gió trở trời, các vết thương cũ tái phát, hành hạ, Đàn mới thấm thía nỗi cô đơn. Chỉ cần nhắm mắt, Đàn đã như nghe thấy văng vẳng tiếng thét thất thanh của con trai Đàn, tiếng rú khủng khiếp của vợ Đàn và cả tiếng rờn rợn của thân nhân những sinh linh vô tội vùi xác dưới lòng địa đạo.

Đó là một ngày nóng rực. Nắng ong ong hầm hập đổ xuống những xóm làng xác xơ, xuống những triền đất đỏ chóa. Từ tảng sáng, máy bay Mỹ đã ầm ào lao ra oanh tạc vùng giới tuyến. Cả đất trời chao đảo, quay cuồng trong tiếng gầm rú, tiếng rít khét lẹt của phi cơ. Và bom trút xuống, trút như mưa kèm theo những tiếng nổ dậy trời, đinh tai nhức óc. Mặt đất như nẩy lên, như run bần bật dưới sức mạnh khủng khiếp của bom đạn. Những vầng lửa đỏ lan ra, lan ra, rừng rực cả góc trời. Từ điểm chốt, ruột gan Đàn nóng bừng khi nhìn thấy những đụn khói đen ngòm bốc cao phía làng Hạ, nơi vợ con Đàn đang sinh sống.

Bom vừa dứt, Đàn vội vã xin phép thủ trưởng ghé qua nhà. Trên một đám đất đỏ nhão nhoẹt vì bom cày xới và vì một cơn mưa bất thần đổ xuống, hàng chục người, già có, trẻ có đang lăn lộn gào thét.

Địa đạo sập! Đàn nghe tiếng ai đó thét mạnh bên tai. Mắt Đàn nhòa đi, tim Đàn như muốn bật tung ra khỏi lồng ngực. Đàn vừa đi, vừa chạy trên những mô đất lô nhô. Đã đào thấy người rồi! Tiếng thét thất thanh làm chân Đàn khuỵu xuống. Một xác người bê bết đất đỏ được lôi ra khỏi đống đổ nát, hai tay dài lỏng thỏng.

Một người nữa, năm người, mười người, mười lăm người, hai mươi người... Đàn chạy đi chạy lại như điên dại, trống ngực đập thình thịch, mặt không cắt được ra một hạt máu.

Toản... thằng Toản... con ơi...

Đàn rú lên khi nhìn thấy thằng Toản mềm oặt trên tay một anh dân quân. Đàn nhào đến, Đàn giằng lấy thằng bé rồi ngửa mặt lên trời mà khóc khùng khục. Thằng bé trên tay Đàn, mắt mở trừng trừng, da xanh lét. Trên đôi môi xinh xắn, một vệt máu khô còn đọng lại.

Một xác người nữa được đưa đến. Đất trời như sụp đổ dưới chân Đàn. Trên chiếc chiếu hoa cháy nham nhở, vợ Đàn nằm ngữa, tóc tai rủ rượi, thân thể tím bầm. Một cánh tay dập nát... Đàn không khóc được nữa. Đàn quỵ xuống... quỵ xuống...

***

Người Đàn như lên cơn sốt khi bắt gặp thằng bé. Hôm đó, như thường lệ, ăn cơm chiều xong. Đàn thong thả rảo bộ quanh các con đường làng. Một đám đông trẻ con đang la hét, chỉ trỏ huyên náo làm Đàn cảm thấy tò mò. Đàn xỏ tay vào túi quần, ung dung bước đến. Nhìn thấy bóng Đàn, lũ trẻ nháo nhác, tản ra xung quanh, có thằng bé ù chạy.

Trước mắt Đàn là một cậu bé chừng sáu tuổi, mặt cúi gầm xuống, hai tay bị trói quặt ra sau. Chiếc áo sơ mi kẻ sọc bê đết đất bị rách toạc một mảng lớn, bay phất phơ. Nhanh như cắt, Đàn chụp lấy cánh tay của một cu cậu cao tộc ngộc, đầu trọc lóc đứng cạnh. Ai bảo chúng mày đánh thằng bé. Thằng nào cầm đầu trò chơi quái ác này, nói mau?

Thằng bé đầu trọc mặt tái mét, lắp bắp: Bọn chúng bảo thằng này là giặc, là con của ngụy bám đít Mỹ, phải trừng trị...

Đàn quệt nhẹ sau mông thằng đầu trọc rồi lật đật cởi trói cho thằng bé. Đàn gần như rên lên khi nhìn thấy bàn tay cu cậu tím bầm vì vết trói. Con tên gì? Con nhà ai? Giọng Đàn âu yếm. Thằng bé ngẩng đầu nhìn Đàn. Người Đàn lạnh toát. Trời ơi! Sao thằng bé lại giống thằng Toản đến thế. Cũng mái tóc mềm như tơ, đôi mắt trong veo và cặp mi dài, cong như con gái.  Cũng nước da mịn, trắng hồng và đôi môi đỏ chon chót như thoa son. Đàn sụp xuống ngắm thằng bé chằm chằm như bị thôi miên. Thằng bé ngỡ ngàng nhìn lại Đàn. Con tên gì? Nhà ở đâu để chú đưa về?

Con là Hà, nhà ở gần bến Cô Giang.

Đàn đúng dậy rút khăn mù soa lau mắt cho nó rồi nắm tay nó, bước đi. Thằng Hà yên lặng đi bên Đàn, bàn tay nhỏ bé nắm yên trong tay Đàn tin cậy. Men theo con đường nhỏ cỏ dại mọc um tùm xanh mướt, Đàn và thằng bé dừng lại trước một ngôi nhà xinh xắn, lợp ngói tươi roi rói.

Thằng Hà nhanh nhảu vào trong lát sau trở lại với một cô gái trạc mười bảy mười tám tuổi. Đàn tròn mắt, ngạc nhiên vì giũa chốn quê mùa này lại xuất hiện một thiếu nữ đẹp và kiêu sa nhường kia.

Chào ông... con là Chiều .. chị gái của cu Hà. Cảm ơn ông đã bảo vệ thằng nhỏ thoát khỏi bọn trẻ. Xin rước ông vào nhà chơi. Đàn suýt bật cười vì cách xưng hô và lối nói kiểu cách của cô gái nhưng cũng theo bước hai chị em vào nhà. Ngôi nhà ba gian rộng rãi, mát mẻ. Đồ đạc không đắt tiền nhưng lịch lãm và sạch sẽ.

Mắt Đàn dừng lại trên bệ thờ. Giữa những bát hương to nhỏ là ba tấm ảnh phóng to còn mới. Trong chiếc đĩa sứ men xanh có những vành tang trắng tinh xếp gọn ghẽ.

Nhà cháu vừa có chuyện buồn? Đàn rụt rè. Cô gái đưa mắt nhìn xa xăm. Đó là hình của nội và ba má con. Họ vừa mất đợt tháng tư năm bảy lăm.

Mất cùng một lúc, tại sao?

Đàn giật mình. Cô gái lúng túng, mặt ửng đỏ: Chuyện đã qua xin ông đừng hỏi. Nhắc lại chỉ thêm buồn.

Thấy ngồi lâu không tiện, Đàn đứng dậy chào chủ nhà ra về. Đi một đoạn, ngoái lại, Đàn vẫn thấy thằng Hà đứng trước cổng trông theo. Nhìn dáng vẻ nhỏ nhoi, đơn lẻ của nó, tim Đàn như nghẹn lại.

Mãi sau này Đàn mới biết Hà và Chiều là cục cưng của ngài quận trưởng ngụy. Trên đường di tản vào Đà Nẳng, chiếc xe chở gia đình ngài quận trưởng bị một đám tàn quân bất ngờ đánh cướp. Ba má và có bà nội của Chiều và Hà bị bắn chết tại chỗ. Hai chị em dắt díu nhau vật vờ hàng chục ngày trời mới về được quê. Ngôi nhà mà hai chị em đang trú ngụ là của cải duy nhất còn sót lại của ngài quận trưởng - con người nổi tiếng quyền uy một thời...

 

***

Thi thoảng, Đàn lại ghé đến ngôi nhà nhỏ bên bến Cô Giang thăm cu Hà. Từ khi gặp thằng bé, Đàn thấy cuộc sống đỡ buồn tẻ, cô đơn. Đàn có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ nghe cu Hà bi bô kể chuyện, những câu chuyện không đầu không cuối. Nhiều lúc Đàn ngẩn cả người ngồi ngắm nghía, vuốt ve thằng bé, cứ ngỡ là thằng Toàn đang trở về bằng xương bằng thịt. Có thức gì ngon, Đàn cũng để dành cho cu Hà. Đàn còn thức trọn cả đêm cắt cắt, dán dán cho cu Hà một cánh diều to tướng, lộng lẫy mà bọn trẻ trong làng phải ao ước, thèm muốn. Cu Hà cũng quý Đàn ra mặt. Vừa nhìn thấy Đàn, nó đã chạy nhào tới, sà vào lòng, ngồi vắt vẻo trên đùi Đàn và tít mắt cười để lộ hàm răng sún ngồ ngộ. Chỉ vài ngày không đến, Đàn đã nhớ quay quắt tiếng cười trong trẻo, ngây thơ và cái giọng Huế chơn chớt, líu lô của nó. Nhìn thấy cu Hà quấn quít bên Đàn, Chiều vui lắm. Những cái vui của Chiều ít khi biểu lộ ra ngoài bằng lơi nói mà chỉ qua nụ cười và ánh mắt thân thiện dành cho chú Đàn.

Sau ngày giải phóng, từ một tiểu thư thành thị quanh năm mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu, Chiều dạt về quê trở thành xã viên hợp tác xã, thành lao động chính của gia đình. Chiều phải dần quen với lối sống đạm bạc, phải trệu trạo nhai bo bo, bận những bộ áo quần may bằng vải thô tối màu. Hơn thế Chiều phải quen dần với việc đồng áng. Những lúc Chiều lóng ngóng vụng về với cây mạ trong tay. Những khi tay Chiều đau rát, nhức nhối vì không quen cầm cuốc, nước mắt ứa ra... chú Đàn thường có mặt bên cạnh để an ủi, hướng dẫn, chỉ bảo tàng li từng tí. Cũng chính Đàn là người động viên Chiều thi vào đại học. Đàn bảo: Theo chú lao động chân tay cũng rất quý nhưng Chiều đã thi đỗ tú tài loại giỏi, phải thi đại học để có thể giúp ích nhiều hơn cho quê nhà...

Nghe lời Đàn, Chiều đã cầm lại cây bút, cuốn sách. Mùa hè năm đó,  Chiều đã bươn bả vào thành phố dự thi. Đàn trao cho Chiều số tiền tiết kiệm ít ỏi, tiễn đưa Chiều lên tận phố huyện. Khi xe rời bánh, Chiều rơi nước mắt khi thấy chú Đàn và thằng Hà đứng vẫy theo lưu luyến...

 

***

            Trưởng thôn là một người đàn ông có khuôn mặt nung núc mỡ, tướng ngủ đoản. Năm chiến sự diễn ra ác liệt, Kiền cùng vợ con tìm đường chạy trốn vào Sài Gòn nhưng không thành. Trong cơn binh lửa ác liệt, số phận run rủi đã đưa đẩy Kiền dạt ra miền Bắc, được bà con miền Bắc giang rộng tay che chở. Giải phóng miền Nam Kiền đường đường trở về làng với cái danh rất kêu “dân tập kết”.

Vừa giải phóng, công việc bộn bề, thấy Kiền nhanh nhẹn, có học vấn lớp tám nên ủy ban xã giao cho Kiền chức trưởng thôn. Suốt đời chân lấm tay bùn, thành phần bần cố nông nay có chút chức sắc, Kiền thấy mình đã oách lắm.

Trong các cuộc họp, Kiền oang oang diễn thuyết, hoa tay múa chân, đập bàn đập ghế.

Giới ngụy quân ngụy quyền cũ sợ Kiền một phép. Chỉ nhìn thấy Kiền đã hết cả vía, mặt xám như chàm. Có bận trong cuộc họp dân, một trung úy ngụy cũ to gan cải đôi với Kiền, Kiền đã không ngại ngần cho mấy cái tát, rồi thét dân quân xách cổ tống thẳng ra ngoài sân. Dân làng thì thào: Nghe bảo Kiền  có ô dù lớn lắm ở huyện, hình như phó chủ tịch huyện là bà con bên nội của Kiền nên Kiền có làm việc gì quá đáng, ủy ban xã cũng lờ đi.

Nhìn tướng điệu vênh váo của Kiền, chứng kiến cảnh Kiền tác oai tác quái Đàn bất bình lắm. Là người có vợ con chết tức tưởi vì bom đạn giặc, Đàn cũng chẳng mấy tình cảm với giới ngụy quân cũ nhưng đảng viên cộng sản có tính rộng lượng, quảng bá như Đàn thì không thể nào chấp nhận sự phân biệt đối xử, phê bình thẳng thắn với trưởng thôn nhưng Kiền vẫn phớt lờ, chỉ nhách mép cười khẩy. Rồi cái gì đến cũng đến, sự đụng độ giữa Đàn và gã đã xảy ra. Mọi chuyện bắt đầu từ Chiều. Sau khi thi đại học về. Chiều vui lắm vì làm bài rất tốt. Song chờ mãi, chờ mãi vẫn không nhận được hồi âm của nhà trường. Sốt ruột, Đàn cơm đùm gạo bới lên thành phố hỏi thăm. Đến bơi, Đàn bàng hoàng, sửng sốt khi biết tin Chiều là một trong những thí sinh thi đỗ vào trường với điểm số cao nhưng đã bị gạch tên trong danh sách vì khai giảng đã lâu mà không đến nhập học.

Đàn tức tốc đón xe về làng, tình cờ gặp trưởng thôn ở bến đò. Nghe Đàn kể lể, trưởng thôn ngửa cổ cười hềnh hệch và nhìn Đàn như một người từ hành tinh khác đến.

Nó và ông là gì, quan hệ thế nào mà ông lên tận thành phố hỏi điểm cho nó? Nói thật với ông, ngữ như nó, có thi năm lần bảy lượt cũng chẳng vào được đại học. Làm gì có chuyện ngược đời. Con cán bộ, đảng viên còng lưng ngoài đồng, con ngụy quân nợ máu chễm chệ ngồi trên ghế đại học.

Đàn ôn tồn: Ông đừng nghĩ như vậy. Đất nước đã thống nhất rồi, ngụy quân cũ cũng là công dân của nước độc lập. Hơn nữa, bố mẹ nó có tội chứ đâu phải là nó? Tôi hỏi thật, Kiền có nhận được giấy nhập học của nó trong tập giấy tờ công văn gửi cho thôn không?

Kiền cười phe phé: Ông đi tìm giời mà hỏi, nhưng theo tôi ông nên khuyên nó đừng phí tiền đi thi năm sau nữa. Cũng vậy thôi.

Hơi nóng bốc lên mặt, Đàn hơi sừng sộ: Có nghĩa là ông nhận được giấy báo nhưng đã hủy đi? Ông thật là hết chỗ nói. Kiền nhếch mép: Nếu tôi bảo tôi hủy thì ông làm gì được tôi. Còn ông bom đạn khắp chiến trường không chết nay đừng vì gái đẹp mà tiêu hủy tất cả.

Đàn đứng sững. Không nói không rằng Đàn nhào tới, vung mạnh quả đấm vào mặt Kiền. Kiến lùi lại ôm mặt, mắt tối sầm. Rồi mày sẽ biết tay ông ...

***

Đàn không thể tin vào tai mình khi nghe dân làng xì xào về mối quan hệ bất chính giữa Đàn và Chiều. Họ bảo làng có người tận mắt nhìn thấy hai người giở trò bỉ ổi giữa đàn ông và đàn bà với nhau. Người tốt bụng bán tín bán nghi. Nhũng kẻ ác khẩu, lắm điều có cớ để bàn tán, dè bỉu: Đúng là già con chơi trống bỏi. Tuần nào chả thấy hắn ăn dầm ở dề nhà con bé đó. Đàn ông, hai thứ tóc trên đầu mà lại léng phéng với con gái thật là đốn củi ba năm thiêu rụt một giờ. Ấy mới biết, anh hùng nào cũng gục ngã dưới chân mỹ nhân...

Suốt cả tuần. Đàn nằm lặng trên giường. Người nóng bừng như sốt. Rồi Đàn đổ bệnh thực sự. Đàn xuống sức trông thấy. Hai mắt Đàn trũng sâu, nước da xanh xao nhợt nhạt. Năm bảy lần Đàn gượng dậy, muốn đi thanh minh nhưng lại thôi vì làm như thế chẳng khác gì là thú tội trong khi mình trong sáng.

Bất chấp cả sự dị nghị, sự độc mồm độc miệng của thiên hạ Chiều và Hà lúc nào cũng quấn quít bên Đàn.

Chiều nấu cháo, chạy vạy mua cho Đàn từng viên thuốc. Cu Hà bi bô kể cho Đàn nghe những câu chuyện ở lớp. Có đêm, Đàn sốt cao, rét run cầm cập, đắp đến hai, ba chiếc chăn vẫn còn lạnh. Chiều không ngại nằm đè lên người Đàn truyền hơi ấm cho Đàn. Đàn nhắm mắt để mặc cho những giọt nước mắt đùng đục chảy vòng quanh má. Không kim nổi lòng mình, Đàn quờ tay nắm lấy tay Chiều, nghẹn ngào? Con ơi!...

Nhờ sự chăm sóc tận tình của Chiều, sức khỏe của Đàn khá lên trông thấy. Đàn có thể ngồi dậy, làm các việc lặt vặt trong nhà. Hai hôm liền, Chiều và Hà không ghé qua Đàn đã thấy sốt ruột. Đàn vùng dậy khoác thêm áo vào người, lần theo con đường nhỏ dần đến ngôi nhà bên bến Cô Giang. Ngôi nhà lặng như tờ. Đàn bắc tay lên miệng gọi với vào trong nhưng không có ai thưa. Tần ngần mấy giây, Đàn đẩy mạnh cửa. Trên chiếc màn gỗ bóng loáng, một phong bì đặt ngay ngắn, đề tên Đàn. Đàn run run mở ra.

Cha!

Con và cu Hà phải ra đi. Con biết sự ra đi đột ngột của hai con sẽ làm cha đau đớn lắm thêm một lần nữa, trong cuộc đời. Cha lại mất đi những người con thương mến.

Nhưng cha ơi hãy hiểu cho con. Con biết rằng: Cha đã lăn lộn trên bom dưới đạn mấy chục năm để có ngày hôm nay. Cha đã được mọi người kính phục, không thể vì bọn con mà cha phải chịu điều này tiếng nọ. Cha hãy giữ gìn sức khỏe và tin rằng ở bất cứ nơi đâu, hai đứa con cũng vẫn mãi hướng về cha.

Hai con.

***

Thằng Hà, thằng Hà đâu rồi? Sao nó không về cùng con? Lão Đàn ôm vai Chiều lắc mạnh giọng lạc đi. Chiều ngồi sụp xuống thềm nhà mắt đỏ hoe: Trên chuyến thuyền vượt biển năm đó, mười mấy con người trong đó có cu Hà đã bị bọn cướp biển ném xuống lòng đại dương. Chỉ còn con và vài cô gái trẻ có nhan sắc được giữ lại. Lăn lóc hết trại tị nạn này đến trại tị nạn khác, không ngờ có ngày còn được gặp cha.

Lão Đàn ôm mặt nấc khan, ruột gan lão đau đớn như có hàng ngàn mũi kim châm. Sao ngày ấy chúng con vội vàng thế. Con phải biết rằng, cái xấu bao giờ cũng phải chịu thua cái tốt. Sau mấy năm con đi, lão Kiền đã bị kỷ luật, cách chức vì liên tiếp có những việc làm sai trái. Trong làng mình cái Vân, thằng Thức đều là con ngụy quyền, nay đều tốt nghiệp đại học. Còn bọn con, chỉ vì giữ tiếng cho cha mà...

Chiều lặng thinh, run run mở túi, rút ra một tấm ảnh nhỏ lồng trong khung kính. Thằng Hà! Mắt lão Đàn sáng lên. Lão lật đật đeo kính rồi săm soi, ngắm nghía. Bàn tay sần sùi, chai sạn vuốt ve lên tấm ảnh run rẩy. Lão đứng dậy đặt tấm ảnh lên bàn thờ, thắp nhang..

Chiều cũng đứng.dậy, đi đến cạnh cửa. Bất giác, cả hai đều ngước mắt lên bàn thờ.

Dưới làn khói hương nghi ngút, dường như thằng Toán, thằng Hà và cả vợ lão đang nhìn hai người, thật ấm áp và trìu mến.

P.T.K.O.

Phạm Thị Kim Oanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 74 tháng 11/2000

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground