H |
à nhấn mũi bàn chân phải để chiếc Dream dừng lại, trả về số mo, nhẹ nhàng vặn chìa khóa điện ngược chiều kim đồng hồ, chân trái chống xuống đất, tay phải đẩy tấm mê - ca của chiếc mủ bảo hiểm lên. Chao, qua song cửa sắt nhà phà mặt sông rộng mênh mang, mặt nước dềnh lên lăn tăn như chảo nước sắp sôi. Gió nam từ ngoài biển hút vào cửa sông, tấp vào bến phà mát rượi. Hà búng nhẹ một chấm bụi trên tay áo, nới lỏng chiếc caravát màu xanh lục trên ngực để cho trời rót gió vào người, rút trong túi váo vét ra chiếc khăn mùi xoa nhỏ, vê góc khăn cho xoăn lại bằng những cái đầu đũa, rồi cúi xuống phết nhè nhẹ vào cái chấm bùn vương ở đầu giầy bên phải. Xong việc, Hà gỡ góc khăn đặt lên mặt đồng hồ chiếc xe, vuốt đi vuốt lại cho phẳng, gấp làm tư đút trở lại túi áo, rồi ngẩng lên cho cặp mắt lang thang ra ngoài bến. Ở bên kia sông, chiếc phà đang nằm chờ khách, hình như mới chỉ có chiếc xe lam và hơn chục người. ở giữa sông, một chiếc thuyền nan nhỏ, trên thuyền có hai người, người đàn bà đang cầm mái chèo gẩy nước, còn người đàn ông ném lưới xuống dòng sông. Một đàn vịt cỏ, Hà đếm được sáu con đang say sưa ân ái với dòng nước đẹp. Bên phải bến còn một chiếc phà ôm những chiếc phao tròn như những quả trứng, đang trầm tư nằm ấp dòng sông. Xa xa phía bờ bên kia, sau những rặng chuối xanh thẫm, mờ mờ một làng quê màu xanh lục, đấy là làng Hạ. Người đi xa nhỡ phà còn có cái thú, vừa được nghỉ ngơi thư giãn, vừa được ngắm cảnh mây trời non nước.
Khách chờ phà ở bên bến cũng được mươi người. Buổi sang từ thành phố qua phà thường vắng khách. Khách ít, mà hàng thì nhiều. Dọc hành lang nhà chờ có đến mười một sạp bày bán các thứ hàng tạp hóa đỏ rực, chủ yếu hàng giải khát. Một cô gái chừng hai mươi, hai mốt tuổi phanh “chét” chiếc mi- ni đỏ, dúi bánh trước chạm cổng sắt, hếch khôn mặt trắng như trứng gà chưa bóc, đôi môi tím mọng theo như mốt phụ nữ Hàn Quốc, vắt sang Hà tia nhìn, rồi đánh khuôn mặt bự đầy phấn ra sông vẻ tỉnh bơ, đôi hoa tai như hai cái lá rau ngót lung liếng bên má, sợi dây chuyền treo một quả tim màu vàng nằm chềnh ềnh trên khuôn ngực trắng nõn. Phụ tùng, đồ lề mang theo của cô gái chỉ vỏn vẹn chiếc túi thổ cẩm tong teng ở ghi đông. Hà nghĩ: “Dân ca ve về nghỉ phép là cái chắc”... Một phụ nữ mặt tròn như quả táo lai, bê chiếc mẹt đựng những đẫn mía tím lịm dâng lên tận ngực Hà. “Mua đi anh. Mua về làm quà cho bà chị thì tuyệt”. “Mía có ngọt không”, tiện mồm Hà hỏi: “Không ngọt, em không lấy tiền. Ơ kìa, con vịt nó lặn!”. Thẩn thờ nhìn đàn vịt nhào lộn một lát, như sực nhớ ra nhiệm vụ, chị ta cúi xuống nhấc đẫn mía dí sát vào mặt Hà: “Anh mua dùm em đi. Mía em ngọt lắm cơ”. Hà cười, hỏi: “Chị có bán cả đường ký chứ?”. “Anh mua đường ạ. Để làm gì hả anh?. “Để chấm mía nhà chị”. Chị bán mía bắn cái lườm sang Hà tưởng cháy da mặt: “Cái ông... thổ tả này”. “Chú ơi, mua thuốc lá”. Hà quay sang trái, một chiếc rổ nhựa đựng đầy những bao thuốc lá, kẹo cao su, hạt bí, hạt dưa... kề sát bụng Hà. Trông thấy cô bé xinh xẻo, Hà bỗng dịu giọng: “Chú không biết hút thuốc lá, cháu ạ”. “Con trai lịch sự thế mà không biết hút thuốc lá. Mặc quần lụa đi cho rồi”. Hà vẫn nửa đùa, nửa thật: “Thế đấy, vậy cho nên mới to khỏe, kềnh càng thế này. Khổ thân chú”. Cô bé biếu Hà một cái nguýt ngọt lịm, cắp rổ nhựa lặng lẽ quay đi.
Bến phà phía bên kia sông hình như có gì lộn xộn. Hà nhìn thấy mấy anh nhà phà vác xà beng cạy, bẩy mép phà. Ca nô lại nổ, gầm lên, bọt nước trắng xóa. Thôi rồi, phà mắc cạn. Hà thở dài, nghĩ đến công việc công ty giao mà lo. Đường từ đây về làng Hạ chỉ mười cây số thôi, nhưng Hà còn phải gặp chính quyền, xuống nhân dân, ra cánh đồng xem xét, nghiên cứu để có được kết luận chính xác mang về công ty. Đâu có phải vài giờ mà được. Kiểu này có khi phải nằm lại làng Hà là cầm chắc.
“Tình yêu có từ nơi đâu... Êm êm một khúc sông Cầu”. Bỗng có tiếng hát rè rè, choi chói cất lên. Hà giật mình nhìn xuống phía dưới. Một phụ nữ cao dong dỏng. Chiếc áo của chị ta mà không rõ là kiểu áo gì, nó cũng có cổ, có túi, có tà nhưng hình như nó là tổng hợp của những kiểu, nó cũng có màu, nhưng Hà khó gọi là màu gì được. Đúng ra nó mang gam màu đất, màu quả đất. Chiếc quần vải đen dăn deo cong queo ôm lấy thân hình gầy ghèo. Khuôn mặt chị ta khó xác định tuổi lắm bởi chiếc khăn len vằn xanh quấn bịt gần như kín mít, chỉ để hở cái miệng và hai con mắt lại bị mù. Tất cả những gì để tạo nên người phụ nữ trên cơ thể chị ta tuy đã bị tàn phá nặng nề nhưng Hà vẫn nhận ra di tích của một thời xuân sắc.
Chiếc mũ rằn ri mệt mỏi quay sang trái, đôi bàn chân nứt nẻ của chị ta cũng dò dẫm bước theo. Chị ta đang đi về phía Hà. Thế này thì chỉ lát nữa chị ta sẽ tới được chỗ Hà, sẽ dí cái mũ bẩn vào người Hà cho mà xem. Đến lúc ấy thì cũng khó xử. Không cho thì ngượng mà cho thì... thóc đâu mà đãi gà rừng. Chỉ hong hóng chờ người ta bố thí. Chửa biết chừng lột khăn ra, không khéo mặt lại như hoa hậu. Giả sử mắt có bị mù thật, thì huyện nào tỉnh nào bây giờ chẳng có hội người mù, được cộng đồng chăm sóc, ưu tiên vay vốn tạo công ăn việc làm đến nơi đến chốn. Nhưng mà lại muốn ăn không ngồi rồi cơ. Lang thang thế này có khi còn sướng hơn người lao động. Nghe nói trước đây đã có lần Nhà nước gom họ lại để nuôi, vậy mà họ vẫn trốn ra, đi như thế này.
Một cậu thanh niên đậu trên chiếc xe đạp “địa hình”, chân phải gác lên song sắt, móc túi lấy ví, vừa nhăn nhó vừa nói với người đàn bà ăn mày: "Có tiền trả lại không? Bốn chín nghìn, năm trăm". Chiếc mũ trên tay chị ta khựng lại một giây rồi ngậm ngùi quay qua phía khác. "Chê hả? ăn mày, đòi xôi gấc hơ hớ". Chiếc ví lại chui tọt vào chỗ cũ. Chiếc micrô của người đàn bà ăn mày run run đưa lên miệng: "Dù đạn bom vẫn dội thét gào. Dù thân thể triền miên mang đầy thương tích. Dù cho hai ngã đường chiến dịch, ta vẫn thường hái hoa tặng nhau. Ơ, trái tim... Lạy ông, lạy bà rủ lòng...”. Một tờ hai trăm đồng nâu nhạt gấp bốn nhỏ bằng cây tam cúc từ tay người đàn ông đặt vào lòng chiếc mũ: “Làm ơn đừng hát”. Tiếng người đàn ông nhỏ nhưng rõ như một cái lệnh, làm người đàn bà ăn mày hơi cúi xuống, cái cơ ở mang tai hơi vểnh lên, rồi chị ta quay đi.
Hà thở phào tiếp tục ngồi nhai kẹo cao su. Người ăn xin đi được hai bước thì dừng, như nhớ ra điều gì, đôi chân lại dò dẫm quay trở lại.
Hà ngoái về phía sau thấy còn chỗ trống, bèn dừng chân đạp xuống đất đẩy cho xe lùi đến khi bánh trước xe của Hà ngang với bánh sau của chiếc Wave bên cạnh. Thế là được, mụ ăn mày chắc là không đi tới chỗ này đâu. Tính Hà thoáng đãng. Nhưng mà khổ, Hà biết túi áo ngoài của Hà không có tờ một trăm, hai trăm nào cả. Nếu có Hà cho mụ ta ngay chả tiếc. Hà không có thật, túi áo vét chỉ có tờ hai nghìn để chút nữa còn qua đò Hàn. Rút ra bảo chị ta trả lại cũng kỳ. Mà chua chắc đã có tiền trả lại lúc đó chả lẽ lại cất đi. Mà bỏ cả vào trong đáy mũ kia thì... Vả lại chẳng ai có thể thương được cái loại người không chịu lao động, chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng.
Người đàn bà ăn xin chậm chạp lách hết chỗ nọ đến chỗ kia, gần như không bỏ sót người khách nào. Trong chiếc mũ của cho ta đã lại có ra tờ hai trăm, một tờ năm trăm và một tờ một nghìn. Thỉnh thoảng tay phải chị ta sờ vào lòng mũ như để xác định lại hiệu quả lời hát của mình. Chị ta nhầm rồi, người ta bố thí cho không phải vì tiếng hát nghe cứ như rót mật ong vào lỗ tai, mà chính vì cái vóc người thon thả lại bị bọc trong một lớp dẻ nhàu nhĩ tướp táp cùng với cử chỉ nhẫn nhục, tội nghiệp của chị ta. Riêng Hà, Hà không thể nhầm lẫn được. Chỉ nhìn vào đôi môi kia là Hà biết, môi trên hình cánh chim, môi dưới dày hơn hơi trê trễ như vầng trăng ngữa trông quý phái lắm. Rõ ràng chị ta không đến nỗi thế này. Ngày xưa, hồi con ở bên Nga, người yêu Hà cũng có đôi môi từa tựa như thế, chỉ khác là nó đầy hơn, mọng hơn và đỏ hơn thôi. Hà cũng đã nghiện đôi môi quý phái ấy và tốn không biết bao nhiêu công sức vì sức quyến rũ của nó. Tiếc thật, không biết bây giờ Quỳnh ở phương trời nào? Giá mà biết tin Quỳnh ở đâu, nhất định Hà phải tìm cho bằng được.
Bên kia sông, chiếc ca nô phụt khói phừng phực, gầm lên, quẫy đạp, cắn chặt lấy chiếc phà ra sức ray rỉa, giật mà chiếc phà vẫn ì ra ăn vạ. Kiểu này, biết đến bao giờ Hà mới qua được sông? Giá mà phà không mắc cạn thì cổng đã mở, Hà đã phóng vù xuống phà, đỡ lằng nhằng rắc rối. Có mỗi cái bến phà bằng lỗ mũi, khách có một nhúm cũng xin với xỏ.
Chả biết thế nào người đàn bà ăn mày lại cứ vòng đi, vòng lại chỗ Hà. Không xéo đi cho đỡ tức mắt, lại cứ như ma ám người ta. Đấy, mụ ta lại vòng lên phía trên, hình như mụ biết còn có Hà chưa bố thí cho mụ thì phải. Đã thế, Hà nhất định không xí cho một xu bọ.
Hà tiếp tục cho xe lùi thêm tí nào đến khi bánh trước tụt hẳn xuống sau chiếc Wave. Ở vị trí này Hà cơ động dễ dàng hơn. Cũng chả làm sao, nhưng mà Hà ghét. Tính Hà thế, đã ghét ai Hà phải tránh xa.
Người công nhân nhà phà đứng ở ngoài bến ngông ngóng sang bên kia sông. Một lát, anh ta cầm đôi gang tay đi vào: "Kiểu này còn lâu mới rời bến được". Anh ta nói cho mình nghe, nhưng mọi người đều nghe được. Hà cũng nghe mà lòng bồn chồn. Chậm giờ nào thì Hà thiệt chừng ấy. Chuyến đi công tác này, giám đốc chi cho Hà một triệu. Nếu xuôi chèo mát mái thì thế nào Hà cũng kiếm được đôi trăm. Còn lỡ làng trắc trở thì chưa biết chừng, phải bỏ tiền túi ra cũng nên. Công việc của Hà là xuống làng Hạ điều tra khả năng tiêu thụ phân NPK của nông dân. Cùng với dữ liệu ở một số thị trường khác để công ty quyết định định mức sản xuất cho phù hợp. Cũng đã lâu lắm rồi, từ ngày ở Đức về nước nay Hà mới đi về hướng này, qua bến phà này. Người đàn bà ăn xin kia có lẽ cũng mới xuất hiện ở đây thôi. Mặc dù chị ta không có cái trơ tráo, lì lợm của những kẻ xin xỏ, nhưng mà thấy nó hãm hãm thế nào, đuổi đi không được, mà tránh cũng không xong.
Người đàn bà ăn mày đứng tì vào chiếc giỏ xe Wave, bàn tay cầm micrô đang rờ rẫm chiếc gương chiếu hậu ở bên trái. Có lẽ chị ta sẽ lách vào bên trái. Đúng rồi, chiếc mũ bân bẩn đang dịch dần về trái chiếc giỏ xe. Hà lặng lẽ đẩy chân trái đưa chiếc Dream của mình tiến lên bên phải chiếc Wave. Đến cự ly "an toàn” thì dừng lại phóng tầm mắt qua sông: "Chết vật, phà với chả đò. Lỡ hết việc”. Hà thở dài nói với người bên cạnh.
Một cậu thanh niên mặc quần bò, áo phông ngồi trên gác ba ga chiếc xe đạp màu đen, choãi hai chân như hai mái chèo, đẩy chiếc xe lên chỗ trống bên trái chiếc Wave, chiếc xe đạp đụng vào cánh tay của người đàn bà ăn xin. Sự va chạm tuy không mạnh, nhưng bất ngờ nên chiếc micrô trên tay chị ta rơi xuống đất. Chị ta dơ hai bàn tay tà tà trước bụng, từ từ ngồi xuống, khép hai đùi lại, dùng hai bàn tay sờ mặt đất để tìm lại vật vừa rơi. Phải rồi, và chợt hiểu ra... cách ngồi nhặt của rơi thế, đích thị là cách của nhũng người con gái nhà gia giáo, có giáo dục. Xin xỏ gì loại này, chỉ khéo giả vờ. Hà không xì tiền cho là phải lắm rồi, để cho mụ biết điều mà về rèn luyện lao động. Ngày xưa, Quỳnh cũng có kiểu ngồi như thế này, nên Hà hiểu. Không lấy được Quỳnh, Hà cũng ân hận lắm, là vì hồi đó sự hối thúc phải chạy sang Đức để cướp cơ hội kiếm tiền nó bức bách Hà quá, không thể mang theo Quỳnh được. Hà nhớ mãi cái đêm cuối cùng ở đất Nga. Hà không ngủ được, tay ôm Quỳnh nhưng trong đầu chỉ lộn nhào những phương án đi thế nào? Trốn làm sao? Để sang Đức an toàn trót lọt. Còn Quỳnh suốt đêm Quỳnh định nói điều gì mà không sao nói ra nổi. Hà cũng mang máng hiểu. Nhưng lúc này Hà không muốn nghe, không muốn nhận bất cứ thông tin nào làm lỡ chuyến đi của Hà. Có lẽ Quỳnh mới lấy được quyết tâm: “Anh này...”. “Gì”. “Anh ạ, em... em...”. Hà hất cánh tay Quỳnh đang đặt trên ngực mình, xoay lưng lại, sẵng giọng: “Ôi giời, sốt cả ruột”. Thế là cái điều hư hư, thực thực đó không bao giờ được nói ra nữa, và Hà cũng mất luôn Quỳnh từ cái đêm hôm ấy. Sau này Hà cứ tự dằn vặt mình, nếu như chuyến đi ấy bị lỡ, thì làm sao Hà để mất được Quỳnh.?
Phà vẫn chưa sang được. Người đàn bà ăn mày đã tìm được chiếc micrô, đúng dậy quay về hướng bên trái, đó là vị trí cô gái “mỏ tím” có chiếc mi- ni đỏ. Cô gái nghiêng người, dùng hai ngón tay xỉa vào cạp quần móc ra tờ bạc một nghìn đồng nhàu nát, rụng vào lòng chiếc mũ của người đàn bà ăn xin, rồi tiện tay xoay chị ta về bên phải: "Quay lại bên này, đây hết người rồi".
Đi được vài bước, chị ta dừng lại tựa lưng vào cổng sắt. Bàn tay phải chậm chập đưa ba ngón tay vét vào dây mũ. Khi ngón tay chạm phải tờ bạc một nghìn thì chụm lại, rồi ba ngón tay bấm lấy tờ bạc cùng chiếc micrô và lại rờ rẫm bỏ tờ bạc vào trong chiếc bao “xác rắn”. Hà nghĩ, từ nãy đến giờ tính sơ sơ chị ta cũng kiếm được ba nghìn rưỡi bạc. Một ngày chục chuyến phà, chị ta cũng thu nhập được ba chục nghìn đồng. Bằng mấy người làm công ăn lương Nhà nước.
Men theo chiếc cổng sắt, đến đầu chiếc Wave người đàn bà ăn mày dừng lại, đưa chiếc micrô lên miệng: “Tình yêu có từ nơi đâu. Êm êm một khúc sông Cầu. Sao trời đẹp như mắt lưới. Rơi đầy xuống dòng sông sâu”. Tiếng hát rè rè, thiểu não lại vang lên. Tiếng hát ngừng thì chiếc mũ ngửa như lòng bàn tay đưa ra: “Lạy ông, lạy bà làm ơn, làm phúc”. Chiếc mũ từ từ lách vào bên phải chiếc Ware.
Hà quay lại sau, xe đạp, xe máy và người đã chật như xem bóng đá, tiếp không được mà lùi lại càng không. Hà ngẩng lên, nhìn sang sông, phà vẫn mắc cạn.
Hà định dựng xe rồi vào cái quán bên cạnh uống gì cho mát, cũng là để giết thời giờ và... Chậc, nhưng mà thôi, việc đếch gì phải thế. Thế là Hà đút hai tay vào túi quần, cho mát đi du lịch dọc bến sông. Coi như không để ý, không nghe, không biết gì diễn ra xung quanh. Lát nữa xuống phà, lên bến tỏa đi mỗi người mỗi ngả, ai biết được ai.
Người đàn bà ăn xin vẫn quẩn quanh mãi. Chiếc mũ cáu bẩn đang từ từ lượn đến chỗ Hà. Mà ai bắt tội Hà phải đứng đây làm gì cho nó mỏi, cứ ngồi vào quán thư giãn một chút đã sao? Còn lâu phà mới sang được cơ mà. Hà đã chống xe bằng chân phụ rồi, thấy chưa yên tâm lại hất lên, chống lại bằng chân chính và lách đến cái quán gần nhất. “Anh uống gì ạ”, chị chủ quán thấy Hà ngồi xuống ghế thì hỏi, tay cầm chiếc quạt phơ phảy đuổi ruồi. “Không ạ”, Hà trả lời mắt vẫn nhìn ra xe của mình, rồi nhổm dậy nhìn cái ghế xem có bụi bậm gì không. “Anh uống nước khoáng nhé? Em mở”. Hà lắc đầu. “Vậy anh ăn cốc chè đỗ đen?”. Hà quay lại: “Sợ đường hóa học lắm”. “Hay anh uống cô ca?”. Không
thấy Hà nói gì chị chủ quán tóm lon cô ca toan “giật nụ xòe”, Hà vội giơ tay ngăn: "Không, không tôi không uống nước mắm, đừng bật”. Với được câu nước mắm, chị chủ quán đặt lon cô ca xuống, tóm luôn lon bia Halida: “Ừ, đúng, đó là thứ của đàn bà. Mày râu các anh phải cái này mới đã. Nắng nôi thế này, tưới vào tươi hẵn ra. Nước giải khát cao cấp mà”. Hà định lắc đầu nữa, nhưng nghĩ cũng ngại, ngồi xuống ghế của người ta mà không mua cho người ta cái gì cũng chẳng ra làm sao. Thôi thì, cũng chẳng đi đâu mà thiệt, cho vào dạ dày chứ đổ đi đâu? Làm lợi cho sức khỏe Hà không tiếc, tính Hà thế. Thế là Hà im lặng. Pặc! Một làn bụi trắng từ cái lỗ hình tam giác cân ở nắp lon Halida bắn lên Hà đành phải đỡ lấy cái lon ngập ngừng rồi đưa lên miệng. Chà, tiền nào của ấy, đã thật.
Nhìn ra xe, Hà thấy người đàn bà ăn xin đã dò dẫm đến được chỗ dựng chiếc Dream của Hà, tưởng chủ của chiếc xe còn đứng có, nên chiếc mũ rằn ri vẫn dơ lên chỗ trống: “Lạy ông, lạy bà làm ơn...”. Chị ta còn sờ sờ vào chiếc xe của Hà như để tìm gì đó rồi mới bước đi.
Móc tờ mười nghìn trả cho chị chủ quán mà Hà cảm thấy tiêng tiếc. Đúng ra chỉ có tám nghìn mụ chém tàn bạo quá. Kỳ kèo cũng ngại, nó chẳng bớt, có khi còn làm bẽ mặt. Hà đứng dậy, không thể không nói một câu: "Đắt quá thể” rồi ra xe của mình đứng chờ.
Uống hết lon bia lạnh mà chẳng thấy sảng khoái tý nào, lại chỉ thấy bực bội, nhoáy một cái mất toi chục bạc, phà với chả đò, Hà thở dài cằn nhằn rồi ngồi lên yên xe. “Làm ơn, làm phúc", Hà giật mình quay lại. Đúng như là ma ám, chiếc mũ rằn ri từ dưới đi lên huơ huơ dí vào ngực Hà: “Làm ơn... ông bà làm ơn”. Đến lúc này thì Hà không chịu nổi, đồ lì lợm, đã nhỡ phà, nhỡ công nhỡ việc lại còn ám, rách việc quá. Chiếc mũ vẫn không buông tha Hà, bực mình Hà sẵng giọng: “Ối giời, sốt cả ruột". Tiếng Hà vừa dứt, tiếng mũ rằn ri trên tay người đàn bà ăn xin bỗng run lên bần bật, rồi chiếc mũ rơi xuống đất, cả chiếc micrô cũng văng theo rơi vào chiếc bô xe của Hà kêu toáng, cùng lúc chị ta loạng choạng ngồi thụp xuống, hai bàn tay xanh lét lập cập ôm lấy mặt.
“Thôi chết! Chị này trúng gió rồi", chị phụ nữ bán mía vội liệng chiếc mẹt xuống đất, rồi xòe xuống ôm lấy người đàn bà ăn xin: "Khổ thân chưa, đã bảo ở nhà với con cho nó khỏe rồi hẵng đi. Ai có hộp cao cho xin tý. Giữ hộ tôi cái mẹt" . Có đến ba bàn tay chìa cao ra.
“Chị này ở gần nhà tôi mà. Khổ lắm cơ, đi xin về nuôi thằng bé con thằng mất dạy đấy. Ơ kìa, ai mở hộ hộp cao”. Miệng nói thía lia, tay chị phụ nữ gỡ tung cái khăn trên mặt người đàn bà ăn xin để xoa cao. Trời! Tim Hà như loạn nhịp, mắt hoa lên, Hà không tin ở mắt mình nữa. Tuy đôi mắt người đàn bà đã mù, tai bên phải gần như cháy rụi, một vết sẹo nham nhở bên má trái và trán làm khuôn mặt biến dạng, nhưng Hà vẫn nhận ra Quỳnh. Từ trên yên xe, Hà vội tụt xuống, đứng xoay người trở lại, môi Hà run, chân Hà nửa muốn nhấc lên, nửa lại như chôn chặt xuống đất. Hà muốn lao đến ôm Quỳnh, muốn gào lên: “Quỳnh ơi, em ơi, anh đây mà! Vì anh, vì anh tất cả”. Nhưng có bao nhiêu con mắt nhìn xuống Quỳnh – người đàn bà hèn mọn, tội nghiệp. Hầu hết những tờ bạc hai trăm, năm trăm, một nghìn, có cả tờ hai nghìn lần lượt được gom lại đặt vào lòng chiếc mũ rằn ri. Hà kịp dừng lại... Quỳnh chưa nhận ra Hà. Mà ở đây cũng có ai biết Hà đâu. Rồi Quỳnh cũng sẽ tỉnh lại thôi. Vả lại lỡ chuyến phà này thì việc lớn của Công ty hỏng hết. Việc Nhà nước đừng có đùa.
Chị phụ nữ bán mía ngồi bệp xuống nhà phà, bế Quỳnh lên lòng, vừa xoa cao, vừa nói: “Chị này mới ở cờ cờ bờ bờ về (CCPP). Cũng không ai như chị ấy cơ, để cho cái thằng đểu chạy làng sang Đức, rồi ở lại vượt cạn một mình. Đứng giãn ra cho nó thoáng một tý. Ngày trước chị đẹp lắm cơ. Bị ghen nhầm đấy, nên mặt mũi mới thế này. Tạt axit mà. Cũng may mang được xác về nước. Phải công nhận chị này hiền và khổ nhất quả đất. Đã bảo đứng lùi ra cho nó vào”.
Hà như người chết đứng, mặt đỏ tím lịm như tiết luộc. Chiếc cravát như cái dây buộc cổ làm Hà nghẹt thở khó chịu. Trong đầu Hà đông cứng lại như băng. Người đàn bà hèn mọn, bất hạnh kia đã một thời là thần tượng khiến Hà mê mẩn và cũng đã ban cho Hà hạnh phúc. Vậy mà...?
“Ơ, cái nhà anh này có xuống phà không?”, tiếng người công nhân nhà phà làm Hà bừng tỉnh. Hà nhìn lên, phà đã cập bến từ bao giờ. Cổng mở, mọi người đã xuống phà hết từ lâu. Hà ngập ngừng không muốn ngồi lên xe nữa. Lúc đó ca nô đã phụt khói, gầm lên, miệng phà đã bắt đầu nhả bến.
B.T.M