Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Niềm thương ở lại

 

Chị Dịu ngồi bên thi thể con chị không khóc nổi, đôi mắt nhìn vô định, đờ đẫn chết lặng, những người đứng xung quanh thì kêu la thảm thiết. Tội nghiệp con quá Hiền ơi! Sao con nỡ bỏ mẹ con lại một mình mà ra đi đành đoạn rứa con ơi!... Có lẽ không có ai ở đó mà không đầm đìa nước mắt. Họ thương cho cái số phận hẩm hiu của Hiền một phần nhưng càng xót thương cho cuộc đời trái ngang đoạn trường của mẹ nó - người đã sinh ra Hiền với bao nỗi đắng cay tủi nhục, nỗi đau tột cùng theo năm tháng đã vắt cạn nước mắt nên chị không còn gì để mà kể, để mà khóc.

Chị Dịu sinh ra ở một miền quê nghèo, gia đình có bố mẹ, hai chị em gái và cậu út. Nhưng trong cái đêm khủng khiếp tang thương ấy, một quả bom Mỹ rơi xuống căn nhà tranh bé nhỏ thân yêu đã cướp mất người mẹ và hai đứa em của Dịu, còn cô bé thì bị một mảnh bom cắt ngang làm biến dạng khuôn mặt xinh xắn của người con gái. Không chịu đựng được nỗi đau quá lớn ấy ông Nghị chỗ dựa sau cùng của Dịu đã sớm ra đi để lại một mình chị côi cút trên cõi đời. Cô bé tuổi mới 15 đã phải lam lũ với ruộng đồng kiếm lấy hạt thóc, củ khoai nuôi sống bản thân. Những đêm dài nghe con chim cú văng vẳng trên ngọn cây cao hay tiếng con mèo kêu gào, Dịu quấn chăn nằm khóc một mình cho đến lúc ngủ quên. Nhiều lúc cô bé tưởng chừng không thể chịu đựng nỗi cái cảnh cô đơn này nhưng rồi nhờ sự đùm bọc giúp đỡ động viên an ủi của bà con lối xóm và với suy nghĩ rằng Dịu phải sống để ngày rằm tháng chạp còn hương khói cho cha mẹ và các em đã giúp Dịu vượt qua. Ngày qua tháng lại sống thui thủi một mình nhưng nào có được yên, Mỹ ngụy vẫn cứ nghi ngờ Dịu là “cơ sở Việt cộng” nên đã nhiều lần bị chúng bắt bớ tra tấn cực hình. Nỗi đau thì có thể vượt qua nhưng nỗi nhục và mối căm thù đã gây cảnh tang thương chia lìa cho gia đình thì ngày càng chất chứa. Khi vừa bước sang tuổi 18, Dịu đã lặng lẽ đến bên bàn thờ cha mẹ thắp nén hương khấn vái:

- Cha mẹ ơi! Hãy tha tội cho con. Con không thể cam chịu phải sống trong khổ nhục này, phải làm cái gì đó để trả thù cho quê hương và để cho linh hồn cha mẹ cùng các em nơi suối vàng cũng được thanh thản.

Dịu mua sắm một số vật dụng cần thiết rồi khoác gùi lên đường thoát ly theo giải phóng. Những tháng ngày tham gia hoạt động cách mạng là bước ngoặt có ý nghĩa lớn lao đối với cuộc đời chị, phần nào khỏa lấp những nỗi đau thương trăn trở nỗi canh cánh nhớ đến người thân. Chị như được sống lại những ngày bên gia đình với tình yêu thương ấm áp, tình đồng chí đồng đội đã giúp chị vượt lên phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, lúc thì trực tiếp chiến đấu, lúc thì dẫn đường cho bộ đội đánh vào đồn giặc. Chị thông thuộc đường đi lối lại trên địa bàn đường 9 như trong lòng bàn tay, được đồng đội ví như tấm bản đồ sống và được tặng thưởng nhiều huân chương và bằng dũng sĩ. Và niềm vui lớn đã đến với Dịu, lễ kết nạp dưới căn hầm chị giơ tay thề trước cờ Đảng mà nước mắt đầm đìa vỡ òa trong hạnh phúc và tự hào.

Minh họa: THẾ HÀ

Minh họa: THẾ HÀ

Sau giải phóng, chị trở về nhờ bà con giúp đỡ dựng lại ngôi nhà trên nền đất cũ, dưới mái nhà tranh cột tre đơn sơ này hình bóng những người thân yêu lại hiện về. Cũng tấm ruộng này bàn chân cha ngập dưới bùn sâu đem về những hạt thóc vàng, cũng mảnh vườn này bàn tay mẹ ngày ngày vun xới cây cà luống rau nhọc nhằn nuôi con khôn lớn. Nay đất nước đã được hòa bình thống nhất, bao gia đình được đoàn tụ, bao đồng chí đồng đội của Dịu đã hạnh phúc êm ấm bên chồng con. Chị lại hăng say công tác trong niềm vui chung của quê hương đất nước, ngày ngày đi làm việc ở xã, tối về căn nhà nhỏ với bao kỷ niệm buồn vui. Nhiều đêm Dịu cũng thấy chạnh lòng, nằm một mình nghe tiếng con mọt ken két mái tranh nỗi cô đơn lại càng da diết, dù đã qua trận mạc vào sống ra chết đã tôi luyện ý chí vững vàng nhưng lúc vắng vẻ nước mắt cũng vơi đầy. Chị nhớ thương người thân, chị nhớ thương đồng đội đã hy sinh và chị cũng thương cho hoàn cảnh hiện tại của bản thân mình. Đó là lúc ở nhà, chứ khi đến trụ sở Ủy ban thì chị luôn vùi đầu vào công việc. Với chị chi bộ là gia đình, nhiệm vụ là động lực để sống. Biết hoàn cảnh của Dịu nên anh em cán bộ trong xã rất quan tâm động viên nhất là anh Quýt,  từ sự cảm thông chia sẻ tâm tư đã nảy sinh tình cảm giữa hai người. Rồi cũng có lần chị  tặc lưỡi gật đầu... Thôi thì kiếm lấy đứa con cho đỡ cô đơn và cũng để nương tựa khi mình già yếu. Không lâu sau chị có thai. Khi cái bụng đã không thể giấu được nữa, chi bộ kiểm điểm buộc Dịu phải khai chủ nhân của cái thai là ai nhưng để bảo vệ danh dự và hạnh phúc gia đình anh Quýt chị đã nhận mức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng.

Thôi làm cán bộ xã, Dịu trở về một mình với cái thai ngày càng lớn, đó cũng là niềm an ủi, niềm hy vọng để sống với quãng đời còn lại. Đêm trở dạ bà con lối xóm giúp đưa chị đến trạm xá xã, ở cái tuổi tứ tuần thì việc vượt cạn là không dễ chút nào. Nhưng rồi tiếng khóc trẻ thơ cũng cất lên giữa đêm khuya và tiếng khóc của con thơ cũng làm vơi đi nỗi đau sinh nở của người đàn bà, nỗi đau của cuộc đời mà chị phải chịu đựng. Oái oăm thay con chị không bình thường như bao đứa trẻ khác bởi chị đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Ôm con trên tay chị ngửa mặt lên nức nở. Ông trời ơi! Sao ông lại bất công với tôi đến vậy… Quá đau khổ mà kêu la vậy chứ ông trời nào mà làm cho gia đình chị tan nát chia lìa. Ông trời nào mà làm cho con chị phải bị dị tật thế này?...

Ngày tháng trôi qua Cu Hiền lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và bà con lối xóm. Không nguôi hy vọng, chị đã đi khắp nơi để tìm biện pháp tập tành phục hồi chức năng cho con nhưng đều không có hiệu quả nên mọi sinh hoạt của con chị đều phải trợ giúp. Những lúc trái nắng trở trời nó vật vã ôm đầu kêu la - M..e. ơ..i con.. đ..au quá..cho con..chết.. m..e. ơi… Chị ôm lấy con ngồi đờ đẫn bất lực, ấy thế nhưng khi những cơn đau của Hiền qua đi, gia đình lại rộn vang tiếng cười nói ríu rít khỏa lấp phần nào nỗi buồn hiu quạnh. Dù đứa con tật nguyền nói không tròn tiếng nhưng đêm đêm mẹ con cũng to nhỏ chuyện trò, đến bữa cơm cũng có hai cái bát một đôi đũa và một chiếc thìa nhỏ. Dịu cũng tự an ủi là mẹ con mình còn hơn chị Đọt nhà bên phải sống thui thủi bằng đồng tiền trợ cấp của xã hội và khi qua đời cũng phải gần một ngày bà con lối xóm mới phát hiện được rồi cùng nhau lo chôn cất. Gia đình ngày càng túng thiếu nhưng chị dồn hết tình cảm sức lực của mình để lo cho con. Mỗi lần nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa chạy nhảy tung tăng ngày ngày cắp sách đến trường Hiền lại buồn tủi khát khao, nó cũng có đủ nhận thức để hiểu rằng cuộc đời mình sẽ chẳng bao giờ có được cái hạnh phúc lớn lao đó. Có lẽ niềm vui lớn nhất đến với Hiền là cái lần một tổ chức từ thiện ở ngoài Hà Nội mang tặng nó một chiếc xe lăn, nó lết đến ôm lấy bánh xe và bắt mẹ phải bế lên đặt vào trong xe. Cố hết sức vươn mình chồm lên vô lăng lắc lư làm chiếc xe chạy được mấy mét, nó luống cuống dừng lại nhìn mọi người xung quanh rồi nở nụ cười khó nhọc trông thật xót xa tội nghiệp.

Cu Hiền càng lớn càng tỏ ra thông minh. Trí nhớ của nó thì cả làng cả xã ai cũng phải nể, không biết lấy nửa chữ nhưng cái gì nó cũng biết cũng nhớ, nghe đài, tivi thông báo gì là nó nhớ hết. Trong làng ai qua đời ngày nào, nhà ai trồng rau trồng đậu ngày nào đến tháng nào thì thu hoạch, sắp có sự kiện gì đến với làng xã… nó đều nhớ cả. Trí thông minh, sự quan sát hiểu chuyện của Hiền vượt xa tuổi của nó. Nhiều lần nó cứ gặng hỏi mẹ, bố nó là ai để nó đi tìm thì Dịu trả lời cho qua là ông ấy đã bỏ mẹ con mình đi vào miền Nam sinh sống thế nhưng khi nghe lõm bõm được nó là con của anh Quýt làng bên, lòng nó lại sinh nghi. Nó trốn mẹ ngồi xe lăn nhờ lũ trẻ trong xóm đẩy thẳng đến nhà anh Quýt. Anh Quýt thì lưỡng lự nhưng trong gia đình, nhất là vợ anh thì kiên quyết từ chối và còn dùng lời lẽ mạt sát xua đuổi khinh bỉ mẹ con nó và cuối cùng thì chị Dịu cũng phải thừa nhận anh Quýt là bố nó.

Cu Hiền thường tâm sự là nó rất thương và thông cảm cho hoàn cảnh của mẹ nhưng nó chỉ trách những con người bạc bẽo không có tình người. Nếu như con lành lặn và làm được ông này bà kia thì họ có nhận không?... Từ đó trong lòng Hiền lại có thêm một vết thương nhức nhối càng dằn vặt đau đáu một nỗi oán hận.

Tuổi càng lớn sức khỏe càng yếu dần, những lúc chị ốm Cu Hiền chẳng ăn chẳng nói cứ nằm cuộn mình co quắp bên góc giường, nhiều đêm nó trằn trọc không ngủ rồi đột nhiên quay sang hỏi chị Dịu: M..ẹ  ơi! N.ế..u  m.ẹ  chết đi rồi..thì..ai cho..con..ăn  - ai.. tắm rửa..cho..con ..khi con lên cơn đau ai vuốt ve và ru con ngủ....? Câu nói ngọng nghịu từ miệng đứa trẻ tật nguyền như mũi kim xoáy vào tim gan làm chị chết lặng. Chị không trả lời được mà Hiền cũng không hỏi thêm câu nào nữa. Hai mẹ con lại để dòng suy nghĩ của mình như con đò không mái chèo âm thầm trôi đi và chìm vào đêm vắng.

Bà con lối xóm cứ động viên Hiền là mai kia cháu sẽ được vào sống trong làng Hòa Bình ngoài Hà Nội, ở đó có nhiều người cùng cảnh ngộ được Nhà nước lo đầy đủ được học hành ca hát có bạn bè vui lắm. Nghe xong nó lắc đầu cúi mặt. Cháu biết rồi! Ở đâu mình cũng là người tật nguyền, đã không làm được gì giúp gì cho ai còn để người khác phải nuôi mình suốt đời... Đã hai lần nó bỏ ăn bỏ uống để quyên sinh khi mẹ nó đi nằm viện nhưng được bà con an ủi động viên mãi mới thôi. Nhất là sau lần đó, thấy mẹ khóc lóc đau khổ, Hiền lại càng thương mẹ hơn.

Vào một buổi trưa hè, nó lăn xe ra ngồi hóng mát một mình trên chiếc cầu ván bắc qua đầm sen đầu làng. Bên rặng tre già tiếng con chim gù cất lên như rót vào không gian thanh vắng bao nỗi buồn tủi cô đơn. Hiền ngồi yên đôi mắt nghiêng nghiêng mơ màng nhìn theo những hàng sen chạy tít tắp đến cuối làng. Những bông sen nở trắng tỏa mùi hương ngào ngạt, mùi hương gần gũi thân thương tựa bàn tay mềm vuốt ve an ủi cho lòng nhẹ vơi chút nào. Bất chợt nó nghĩ phải ngắt lấy một bông mang về tặng mẹ và vươn người định ngắt hái cái bông gần mình nhất nhưng bánh xe đã lăn trượt xuống chân cầu sau tiếng nước lao xao rồi lại phẳng lặng như tờ…

 Đi làm về không thấy con, chị Dịu chạy quanh cùng bà con lối xóm kiếm tìm khắp nơi và rồi chết lặng khi thấy dưới gốc sen tàn Hiền vẫn ôm chặt chiếc xe như cố giữ người tri kỷ tri âm cho đến cuối cuộc đời. Giờ thì Cu Hiền đã yên phận rồi, còn đâu nỗi đớn đau se sắt, nơi suối vàng nó đã yên giấc ngàn thu mà trên con đường làng quen thuộc vẫn còn hằn vết xe lăn ngoằn ngoèo qua lại. Bên rặng tre già tiếng chim gù vẫn cất lên buồn bã giữa buổi trưa hè vắng lặng, những bông sen vẫn nở rộ tỏa bóng dưới mặt nước trong ngần thoảng mùi hương ngọt ngào như quê nghèo chẳng phai mờ ký ức buồn thương.

N.M.Đ

Nguyễn Minh Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 315 tháng 12/2020

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/04

25° - 27°

Mưa

18/04

24° - 26°

Mưa

19/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground