T |
răng tròn như chiếc bánh xe bằng gỗ của lũ trẻ, tỏa sáng dịu dàng trên vòm cây vú sữa, dọi xuống hai mái đầu một già, một trẻ của hai bà cháu Cơ Ma thành những mảng sáng tròn tròn. Gió lướt nhẹ trên những thanh ngô, trên những luống hoa tha-chăn-thi (hoa dơn) xanh mơn mởn trông xa như những gợn sóng.
Những đêm trăng như thế, thường đưa người ta trở về với những chuyện cũ và cũng dễ gợi lên những nỗi nhớ mong. Bà Cơ Ma cũng vậy. Từ chập tối tới giờ, bà không tài nào ngủ được, cứ nhắm mắt là hình dáng người bộ đội Việt
- Bà ơi! Ba Linh cháu về chưa, bà?
Mỗi lần nó hỏi là mỗi lần bà buồn mang mác. Nhưng bà cố kìm giữ, không để cho cảm giác ấy lọt vào đôi mắt ngây thơ của nó.
- Bà này! Liệu tết Chô-thơ-nam Thơ-mây này, ba Linh cháu có về không hở bà?
- Bà không biết nữa cháu à.
- Về! - Nó ngúng nguẩy cái đầu - Thế nào tết ba cháu cũng về ba há? - Đôi mắt đen tròn của nó rơm rớm nước - Cháu nhớ ba cháu quá.
- Cháu học cho thật giỏi, ba Linh mới về.
Bà trả lời và ôm nó vào lòng, áp cái má nhăn nheo lên mái tóc quăn đẫm mồ hôi của nó. Tôi nghiệp cho thằng cháu bà quá. Bà với nó chẳng thân thích ruột rà gì, nó chỉ là đứa cháu nuôi của bà. Thế mà bà rất thương yêu nó. Pôn pốt đã giết chết mười lăm đứa vừa con vừa cháu của bà. Pôn pốt ác như con quỷ Pờ-kin, nó không thương xót ai. Giờ đây bà sống một mình, chẳng còn ai thân thích. May sao có thằng A Sao này bên cạnh. Nó là niềm vui hằng ngày của bà, là nguồn an ủi bà trong những ngày tháng cô đơn. Nó là cháu bà rồi, nó sẽ mãi mãi ở bên bà cho đến khi bà chết. Bà phải lo cho nó ăn, cho nó học, để cái đầu nó rộng ra, nghĩ nhiều việc tốt, con mắt nhìn nhận xa để thấy hết lẽ đời. Bà sẽ dành thời gian trong kỳ nghỉ hè tới cho nó đến chùa hầu máy lục xoong, để nó biết làm nhiều điều thiện.
Càng lo cho thằng A Sao, bà lại càng nhớ đến thằng Linh nhiều. Bà mong đợi nó về như mong đợi một cơn mưa giữa mùa khô. Thời gian quay nhanh như con thoi mà nó vẫn biệt tăm. "Má đừng nghĩ ngợi nhiều rồi con sẽ về thăm má mà". Sau khi sửa sang lại ngôi nhà cho bà, nó cùng đơn vị chuyển lên đơn vị biên giới giáp Thái Lan. Trước khi lên xe nó chẵng nói đi, nói lại câu đó mãi sao. Thế là đã hai mùa khô, vẫn không thấy nó quay lại. Hay nó quên mất câu nói đó rồi. Nó không còn nghĩ đến bà, đến thằng A Sao nữa ư? Không, bà không tin như vậy. Thằng Linh không bao giờ quên bà. Những con người tốt như thế không bao giờ sai lời hứa. Hình ảnh lúc đầu gặp Linh bà vẫn nhớ rõ mồn một.
… Mấy ngày hồi đầu tháng giêng năm 1979, bà Cơ Ma đứng ngồi không yên, người lúc nào cũng như có kiến đốt. Bà bồn chồn thật sự khi nghe từ xa tiếng súng rộ lên. Lính Pôn pốt các nơi chạy về, chúng nó đào hào, đào hố cả ngày cả đêm. Rồi mai kia, súng nhỏ, súng lớn sẽ kéo đến cái phum nhỏ bé của bà, số phận bà và trăm người dân sẽ ra sao? Có người sợ quá buộc phải chạy vào rừng theo gia đình bọn ăng ka, riêng bà và nhiều gia đình khác không chạy. Chạy vào rừng với Ăng ka cũng chết, thà chết ở nhà. Hơn nữa cái chân của bà mấy ngày hôm ấy sưng vù lên, thỉnh thoảng cơn sốt lại đến hành hạ, mỗi lần đi ra hồ lấy nước còn hó huống hồ gì vào rừng. Một ý nghĩ lại chợt đến với bà: Ai đánh Pôn pốt thì bà chưa biết, nhưng bà tin họ là người thiện. Bởi Pôn pốt ác thế, ai dám đánh nó là người thiện thôi. Bà yên tâm ở lại, cái tay của bà yếu lắm rồi thế mà bà vẫn cố hì hục đào được chiếc hầm con đủ để bà chui vào.
Sáng hôm sau, khi con chim rừng chưa kịp cất tiếng hót, thì súng đã nổ ran, đất đá bay rào rào trên ngọn cây, rơi lộp bộp trên mái nhà. Tiếng súng và tiếng hét của bọn lính làm cho cái phum vốn yên tỉnh bỗng chốc náo động hẳn lên. Bà Cơ Ma hoảng quá, chỉ biết chui vào hầm, không hiểu thực hư ra sao. Đến quá trưa bọn ăng ka và lính áo đen chừng không chống cự được, chúng chạy đến từng hầm lùa dân đi theo chúng dưới tầm đạn ken dày. Bà Cơ Ma cũng nằm trong số đó, đôi chân của bà lê từng bước nặng nhọc, cánh rừng đầu mùa khô trụi hết lá trơ ra những mảnh đen đủi, ánh nắng gay gắt phả xuống như muốn thiêu cháy hết mọi người, mồ hôi bà Cơ Ma túa ra nhễ nhại, đôi chân vốn đau giờ lại đau hơn. Mệt, đói, khát, cơn sốt thường ngày lại kéo đến làm bà mệt lả. Bà nằm lại bên con đường mòn ở giữa rừng, mặc cho bọn lính quát mắng. Đôi mắt bà nhắm nghiền lại, bà cứ nằm thở dốc. Khi tiếng súng dịu hẳn, mặt trời đã hạ xuống thấp, một nửa khuất sau dãy Pi Xi, làm cho rừng chiều trở nên lạnh lẽo. Bà nghe có tiếng nói rì rầm đâu đó. Một lúc sau bà nhìn thấy một người con trai rất trẻ mặc quần áo màu xanh cỏ úa đến gần bà. Bà sợ hãi, đôi mắt già mờ đục mở to hoảng hốt. Người con trai vội chắp hai tay lên trước ngực chào bà theo phong tục Khơ-me và lễ phép hỏi:
- Thưa má, sao má lại ở đây?
Bà ngạc nhiên. Sao người con trai này lại gọi bà bằng má. Từ khi lũ con bà bị giết, cái tiếng má êm ái đó như đã bị chôn vùi theo dưới nững nấm mồ của chúng rồi. Bây giờ bà nghe lại tiếng má ấy ở một người xa lạ, tự nhiên bà cảm thấy trong nổi lòng u uất của mình đang nhen lên một niềm vui. Tuy thế bà vẫn chưa hết lo sợ, đôi mắt mờ đục của bà cứ nhìn chằm chằm người con trai nọ.
- Thưa má, má đừng sợ, chúng con là bộ đội Việt Nam sang cùng bộ đội cách mạng Cam-pu-chia đánh Pôn pốt cứu nhân dân Khơ-me đây. Thế gia đình má còn ai không?
- Không, Pôn pốt giết hết rồi - Bà buồn rầu đáp.
Đôi mắt người con trai nhìn bà nhưng rồi đôi mắt ấy lại dăm dăm dõi về một nơi nào đó rất xa. Một lúc sau người con trai ấy nói với bà:
- Bây giờ con đưa má về.
- Chân má đau không đi được! - Bà trả lời và cúi xuống xoa xoa đôi chân đang sưng vù, mọng nước.
Người con trai quay sang nói gì với mấy người đứng bên. Nghe xong, họ đi cả về phía trướcchir còn người con trai đó ở lại.
- Con cõng má đi má ạ. Tối rồi. Bọn Pôn pốt còn lẫn trốn trong rừng, nằm đây nguy hiểm lắm.
Bà Cơ Ma lại ngạc nhiên một lần nữa. Bà không thể tưởng tượng được rằng, sao người ta lại tốt với mình đến như vậy. Người con trai đeo khẩu súng chéo trước ngực, anh đưa bình toong nước cho bà uống, rồi quỳ xuống đất vắt hai bàn tay bà qua vai, cõng đi.
Mới chập tối mà bóng đêm trong rừng đã đặc quánh lại, con đường mòn mờ mờ chạy ngoằn ngoèo, người con trai mò mẫm từng bước đi, thỉnh thoảng vấp cây rừng, người chúi xuống, báng súng đập vào người bình bịch. Hình như người con gái ấy không chú ý đến điều đó, cứ cõng bà đi mãi miết. Cho đến khi chùm sao Tua rua treo chênh chếch ở hướng Đông, người con trai mới đưa bà về đến phum, nơi đơn vị đang trú quân.
Mãi ngày hôm sau, bà mới biết người con trai dó tên là Linh. Hàng ngày Linh chăm sóc bà như chăm sóc chính người mẹ mình. Linh nấu cháo cho bà ăn , giặt giũ quần áo cho bà. Biết bà thèm canh cua, Linh ra dọc bờ canh bắt cua về cho vào ăng-gô giã nát, lấy nước nấu canh cho bà ăn.
Một hôm bà thấy Linh lôi tấm vải hoa ra, hình như là tấm chăn, bà đoán vậy, nó trải ra phản đo đo một lúc và cắt ra từng miếng, xong nó lấy kim chỉ ra khâu. Những đường may thẳng tắp, đều đặn nối tiếp nhau dưới bàn tay mềm mại của Linh. Bà buột miệng:
- Không ngờ con khéo đền như vậy.
- Dạ! - Linh ngẩng đầu lên nhìn bà trìu mến. - Má con ở quê làm thợ may nên con học được đó, mà bộ đội thì phải biết làm nhiều việc, má à.
Hai ngày sau, Linh đưa dến cho bà một chiếc áo, bà sững sờ nhìn nó. Không ngờ nó lại may áo cho bà.
- Ôi, thế con lấy gì để đắp, sắp đến ngày lạnh rồi.
Nó cười và nói:
- Con nằm chung được mà. Thấy má có mổi chiếc áo đen rách to thế kia, con may cho má mặc.
Bà Cơ Ma cầm chiếc áo trong tay mà thấy lòng mình nôn nao.
Hơn một tuần lễ trôi qua, đôi chân không còn đau nữa, nó đưa bà về ngôi nhà cũ theo yêu cầu của bà. Tới nơi, nó hì hục suốt buổi sắp xếp, dọn dẹp kê lại giường, bày bàn thờ, dẫy sạch đám cỏ tốt um ở trước sân. Và từ đó trở đi chiều nào nó cũng đến với bà, khi thì xới luống rau, lên vồng khoai, khi thì trồng cây ăn quả, bàn tay nó mát nên trồng cây gì cũng lên xanh mơn mởn. Tuy sống một mình, nhưng bà cảm thấy những nổi đau cũng dần dần dịu đi vì có nó bên cạnh.
Bẵng đi hai ngày không thấy nó đến, chiều nào bà cũng nhìn chằm chằm ra con đường, mong đợi nó. Đến ngày thứ ba nó về, tay dắt theo một đứa bé khoảng bảy tuổi, nó nói với bà:
- Đây là cháu A Sao. Ba má nó chết rồi, con dẫn về đây ở với má để má đỡ buồn.
Bà đưa mắt nhìn thằng bé mà thầm cám ơn Linh, nó đã đoán trúng cái bụng của bà. Bà già rồi, không thể côi cút một mình được. Bà bước tới nắm lấy tay thằng bé hỏi nó:
- Cháu ở với bà nghe?
Thằng bé không trả lời, đưa mắt nhìn bà chằm chằm, chắc là nó đang tìm một cái gì đó quen thuộc trên khuôn mặt bà. Bà đưa tay vuốt lên vai nó, một lúc sau nó gục đầu vào ngực bà khóc rưng rức.
Linh ở lại với bà hai ngày, thằng bé cứ quấn quýt bên Linh. Bà Cơ Ma bảo thằng bé gọi Linh bằng ba, lúc đầu nó ngượng, nhưng sau nó thấy Linh thương nó, như bố mẹ thương nó vậy, thế là nó gọi ba. Hai ngày ở với bà , Linh có dịp chữa lại ngôi nhà khang trang hơn trước. Đến ngày thư ba Linh chào bà để trở lại đơn vị. Khi chia tay, bà nắm lấy vai Linh rưng rưng nước mắt:
- Má cám ơn con nhiều lắm, con đã cứu má, mang lại cho má niềm vui sướng. Bây giờ má không còn ai thân thích nữa, con là con trai của má.
Linh ''dạ'' khẽ một tiếng rồi nắm lấy bàn tay của bà:
- Má ở nhà đừng buồn , khi nào rỗi con sẽ về thăm má. Nói xong nó vội vã ra đi…
* * *
Như mọi bữa, sau khi tưới nước cho mấy luống hoa, lo cơm nước cho thằng A Sao đến trường xong, bà Cơ Ma vác cuốc ra mảnh đất còn lại ở gốc vườn gần đường ô tô, nơi bà định sẽ trồng dưa hấu. Dạo này sương đêm xuống ít, thời tiết thích hợp với dưa hơn. Cái tay bà không còn khỏe như trước, nhưng vẫn còn làm được việc, cả đời bà lặn lội với ruộng đồng rồi, để phí một mảnh đất nào dù là cỏn con bà cũng không yên lòng. Những nhát cuốc bổ xuống đất lạt lên từng lát đất mịn màng, đen thẩm. Đất quê bà đâu cũng như đâu, chỉ cần cuốc lên bỏ hạt xuống là có cái ăn thôi.
Bà mải mê với công việc, mặt trời đã lên cao, nhưng bà vẩn chưa nghỉ, định bụng cuốc xong chỗ này rồi nghỉ luôn. Chiều nay bà còn đến trường họp phụ huynh học sinh. Trường gửi giấy và khen thằng cháu bà học giỏi, làm bà mừng lắm, như thế là nó không phụ bà, nó là đứa cháu ngoan của bà.
Bà Cơ Ma cảm thấy khoan khoái với ý nghĩ vừa chợt đến ấy, bà ngừng cuốc, đưa mối khăn cro-ma quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán và ngồi xuống cành cây, với tay sang chiếc giỏ đựng trầu đan bằng mây, lấy một miếng đưa lên miệng nhai.
Trên đường cái, xe vẫn ầm ầm lướt qua, loang loáng trước mặt bà. Một chiếc đang chạy bỗng dừng lại đột ngột, bụi cuốn lên như vừa có cơn gió xoáy, phủ thêm vào các tán lá một lớp vàng mỏng. Từ đầu xe, một người bộ đội nhảy xuống đi nhanh về phía bà.
- Má ơi, má!
Người bộ đội ấy bước đến nắm lấy tay bà rồi mà bà vẫn chưa nói được câu nào. Niềm vui đến đột ngột quá làm lưỡi bà líu lại, bà nói như reo:
- Phật ơi! Thằng Linh con trai má.
Bà ôm chầm Linh, vuốt lên mái tóc bám đầy bụi đường của nó. Thế là nó đã về thăm bà rồi.
- Má mong con nhiều lắm không? Con bận quá má à.
Linh nói lắp bắp, có lẽ anh cũng đang xúc động không kém gì bà.
- Ừ, má biết bộ đội chúng mày còn phải lo đi đánh cái thằng giặc còn lẫn trốn trong rừn cho mọi người được yên, lấy đâu ra thời gian rảnh rỗi. Nhưng mong thì cứ mong phải không con? - Bà Cơ Ma âu yếm nhìn Linh.
Giọng Linh nhỏ nhẹ bên tai bà.
-Con chỉ được phép ghé thăm má một chút thôi, con phải đi ngay má à.
- Ôi! Con không ở với má được một ngày à? - Bà Cơ Ma nói giọng buồn buồn.
- Con không những không ở với má được một ngày mà… Con có câu này má đừng buồn cơ.
- Sao, cái gì, con cứ nói đi.
- Con được lệnh trở về Việt
Đến lúc này thì bà Cơ Ma lặng người đi, đôi mắt bà nhấp nháy. Một khoảng trống nặng nề vụt đến xâm chiếm lòng bà. Như thế là con nuôi của bà sẽ không bao giờ trở lại đây thăm bà nữa. Nó là người Việt
- Vậy con có được sang thăm má một lần nữa không con?
- Cũng khó đấy má à.
"Khó tức là không được phải không con? Thế là từ nay má chỉ còn biết nhớ con theo mặt trời mọc, mỗi ngày, chứ không còn mỏi mắt trông con và còn được gặp như mọi lần nữa. Biết làm sao được con ơi. Nhờ đước Phật Như Lai phù hộ con có sức khỏe…" Bà Cơ Ma muốn nói cái ý nghĩ đó ra với Linh. Nhưng bà không diễn đạt thành lời. Lồng ngực bà lại có một cái gì đó đang cấu xé, bà cố kìm nén để khỏi bật ra tiếng nấc.
- Mà à, má đừng buồn, đã có A Sao bên má rồi. Con về nước, đó là nhiệm vụ má à! - Linh cũng cố nén cơn xúc động để động viên bà. Bà vẫn im lặng nhìn Linh, nước mắt vận tuôn trào không sao ngăn nỗi.
Thằng A Sao đi học về từ bao giờ, có lẽ nó đứng đâu đó nghe hết câu chuyện giữa bà và Linh. Nó chạy sắn đến ôm chặt chân Linh giọng mếu máo.
- Ba bỏ con với bà ở lại một mình sao ba?
Giọng nó ngây thơ đáng thương. Linh cảm thấy rưng rưng trong lòng. Tội nghiệp cho thằng bé quá. Bố mẹ bị Pôn pốt giết chết, cách mạng về, nó tìm lại được ở Linh tình thương yêu của người cha thì bây giờ Linh phải xa nó. Linh muốn nói với nó thật nhiều điều trước khi anh trở về quê hương, nhưng anh nghĩ nó còn nhỏ quá, nó chưa đủ trí khôn để hiểu cáo điều anh nói. Dù sao anh vẫn tin rằng lớn lên nó sẽ hiểu. Tình thương yêu của người bà không cùng máu mủ sẽ giúp nó hiểu, những điều nó học được dưới mái trường cũng sẽ giúp nó hiểu. Linh cúi xuống ôm thằng bé vào lòng, hôn lên đôi má phinh phính của nó. Thằng bé thổn thức trong vòng tay Linh. Tiếng còi xe ngoài đường vang lên thúc giục.
- Má ơi, con đi đây, anh em gọi rồi.
Bà Cơ Ma hối hả chạy ra sau vườn bẻ vào một chục bắp ngô rồi chạy vội vào nhà lấy ra một tấm cro-ma còn nguyên lớp hồ, bà trao cho Linh. Giọng nói bà nghẹn lại:
- Má… gửi cái này cho má con ở bên quê… Má cầu chúc sức khỏe… cho hai ông bà bên ấy.
Linh cầm chiếc khăn và bó ngô trong tay, nhìn nguwoif mẹ, nhìn đứa bé, đôi mắt anh nhòa đi:
- Má ở lại mạnh giỏi nghe má. A Sao ở lại ngoan, đừng để nội buồn nghe.
Linh bồi hồi rút tay mình ra khỏi tay bà bước lên xe, chiếc xe nổ máy từ từ lăn bánh. Linh thò đầu ra đưa tay vẫy vẫy và gọi vọng xuống:
- Má…ở lại, A Sao ở…lại.
A Sao khóc thét lên. Bà Cơ Ma kéo nó vào lòng, vỗ vỗ lưng nó. Miệng bà lắp bắp bảo nó nín đi, nhưng bà cũng lại khóc òa.
L.Q.P