Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nửa ngày làm vợ

Truyện được hư cấu từ một câu chuyện có thật - xin dâng tặng cho người con trai, con gái trong truyện bằng cả tấm lòng yêu thương và ngưỡng mộ.                  

N

ấm mộ đã đắp xong đâu ra đó, mọi người cũng lũ lượt kéo nhau ra về, Cường vẫn ngồi lại một mình ở nghĩa địa. Anh đốt thêm một nắm hương cắm lên trước tấm bia đá có ảnh của Mai Lan rồi từ từ quỳ xuống phủ phục trước mộ vợ. Bộ quân phục trên người anh ướt đẫm nước mưa và bê bết bùn đất. Khuôn mặt anh bơ phờ, hốc hác, râu ria lổm nhổm. Mưa đã dần ngớt nhưng chưa tạnh hẳn. Gió vẫn gầm rú và những làn nước chênh chếch như những ngọn roi vô hình vẫn đều đặn quất xuống. Nắm hương Cường vừa cắm được dịp cháy bùng lên rồi tắt lịm. Cường phải loay hoay một lúc mới đốt lại được nắm hương khác. Anh choài người về phía trước gần như ôm gọn cả tấm bia đá vào lòng để che chắn bớt ngọn gió và làn nước quái ác. Ảnh người quá cố lồng trong bia thật trẻ trung, thật xinh đẹp. Nụ cười của cô vừa hồn nhiên vừa tươi trẻ. Chiếc răng khểnh bên khoé miệng làm duyên dáng thêm cho khuôn mặt trái xoan. Mái tóc chẻ ngôi buông loà xoà tự nhiên trước trán. Bên má là cái lúm đồng tiền không thể lẫn với ai. Cường nhìn ảnh vợ mà thắt ruột thắt gan. Trái tim anh như nát ra từng mảnh. Đã mấy ngày trôi qua, kể từ lúc Mai Lan trút hơi thở cuối cùng, cho đến hôm nay, khi vợ anh đã mồ yên mả đẹp, Cường vẫn chưa hết bàng hoàng, chưa hết xót xa. Anh đã lăn lộn, gào khóc như một đứa trẻ. Anh đã kêu trời gọi đất đến khản cổ. Nước mắt anh đã khô cạn. Và lúc này đây có lẽ đã được vắt kiệt để tưới lên mộ Mai Lan.

…“Anh Cường ơi, chiều nay sang nhà em học bài rồi cùng em làm bánh. Hôm qua em xin mẹ cân bột để chúng mình làm bánh ăn. Sang anh nhé! Không sang là em giận luôn đó”. Với Cường, Mai Lan bao giờ cũng tha thiết có phần hơi nũng nịu như thế. Cường rất hiểu tấm lòng của cô bạn gái cùng lớp dành cho anh. Ngược lại anh cũng quý mến Mai Lan. Còn bạn bè thì ai mà chả biết Cường và Mai Lan là đôi bạn chơi thân với nhau ngay từ những ngày còn là cấp một, cấp hai. Nói là chơi thân cho nó tự nhiên thế thôi, chứ thật ra không ai là không biết họ đang thầm yêu nhau. Bạn bè gì mà lúc nào cũng kè kè bên nhau như hình với bóng. Không gặp nhau thì thôi, chứ đã gặp thì y như rằng mặt mũi đứa nào cũng tươi như hoa. Đã thế lại còn anh anh, em em với nhau ngọt xớt. Thử hỏi, trong đám bạn bè cùng lớp đã có đứa con trai, con gái nào xưng hô với nhau như thế bao giờ. Ừ, chúng nó yêu nhau như thế kể cũng hơi sớm, không chừng còn ảnh hưởng đến việc học hành. Nhưng mà trông chúng thật đẹp đôi, thật đáng yêu và cũng…ngang sức ngang tài. Cả hai đứa, đứa nào cũng học giỏi, năm nào cũng  đứng đầu lớp. Rồi đứa nào cũng vui vẻ, hoà đồng được thầy cô tin cậy, bạn bè yêu mến. Thằng Cường là con trai không nói làm gì. Chứ cái con Lan càng lớn nó càng đẹp. Con gái nhà quê gì mà nước da cứ như trứng vịt bóc, mịn màng, trắng trẻo còn hơn cả bôi phấn bôi son. Khuôn mặt nó xinh xắn, dễ thương đã đủ để hút hồn bao thằng con trai, thế mà tạo hoá còn ban thêm cho nó chiếc răng khểnh và cái lúm đồng tiền nữa nên càng thêm duyên dáng, mặn mà. Chả trách thằng Cường say nó cứ gọi là  say ngả say nghiêng.

Nhà hai đứa cùng một làng. Cường ở xóm trên, Mai Lan ở xóm dưới, chỉ cách nhau một quãng đường ngắn. Cả hai học cùng lớp. Lý do để hai đứa chơi thân với nhau kể cũng…bình thường. Đi học, Cường phải ngang qua xóm dưới, lại sát ngõ nhà Mai Lan, thế là gặp rồi cùng đi. Vài ba bận  thành quen, nên những lần sau, rồi những lần sau nữa, rồi hết năm học này sang năm học khác, ngày nào hai đứa cũng đợi nhau để cùng đi. Tuổi học trò có khi chỉ giản dị thế thôi mà trở nên thân thiết. Học ở nhà, Cường, Mai Lan và một cậu nữa hợp thành một tổ. Sau, cậu kia theo gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống, thế là chỉ còn lại hai đứa. Mai Lan rủ thêm hai cô bạn khác, nhưng chẳng đứa nào đồng ý. Lý do chúng nó đưa ra chỉ tếu táo thế này: “Chúng tao không học chung cũng là muốn mày với thằng Cường được độc lập, tự do”. Đấy, chưa có gì với nhau cả, mới chỉ là chuyện học hành thôi mà chúng nó đã gán ghép linh tinh. Thế có chết không? Được cái chúng nó sống thật lòng, chuyện gì ra chuyện đó. Tình cảm bạn bè cùng trường, cùng lớp vì thế mà lúc nào cũng hồn nhiên, vui vẻ. Còn lại hai đứa, Cường và Mai Lan luân phiên đến nhà nhau học bài. Cứ một tuần là đổi chỗ. Ngày nào phải học vào ban đêm hay những hôm  mưa gió, thì nhất nhất không cần dặn Cường cũng đến nhà Mai Lan.

Những năm học phổ thông rồi cũng trôi qua một cách lẹ làng. Cường và Mai Lan cùng bước vào kỳ thi đại học. Từ một nơi xa, đang làm thợ phụ hồ chờ kết quả, Cường nhận được điện thoại của Mai Lan: “Anh Cường ơi, em vừa lên mạng về. Em đỗ vào Đại học Nông Lâm rồi! Còn anh, anh cũng đỗ vào Học viện Chính trị rồi! Anh về ngay nhé!”. Lòng ngực Cường đập rộn lên một hồi trống khải hoàn. Mong ước của anh thế là thành. Và Mai Lan, cô bạn gái thân thương của anh thế là cũng toại nguyện. Niềm vui khiến anh dâng trào cảm xúc. Không một phút chần chừ, Cường đón xe trở về. Đêm chia tay để ngày mai lên đường, bên bờ sông, Cường và Mai Lan đã ngồi cạnh nhau rất lâu. Có lẽ chưa bao giờ họ được ngồi cạnh nhau như lúc này. Trăng trên đầu họ vằng vặc, chan hoà. Và dưới kia là mặt nước cũng long lanh, sóng sánh ánh trăng. Gió chỉ nhè nhẹ thoảng thơm mùi rơm rạ, đồng đất quê nhà. Câu chuyện của đôi trai gái tưởng như kéo dài…bất tận. Họ nói với nhau về những ngày đã qua, về một thời đi học. Rồi những buồn vui, thầy cô, bè bạn. Biết bao là kỷ niệm ăm ắp yêu thương. Tất cả như trỗi dậy, ùa về. Họ còn nói với nhau rất nhiều, rất nhiều về chặng đường phía trước. Là nỗi cách xa, nhớ nhung, mong đợi. Là những gian nan, vất vả của bốn năm đèn sách giảng đường sắp tới. Gương mặt Cường và Mai Lan  kề cận bên nhau, ngời sáng trong trăng. Và trong đêm chia tay ấy, Cường đã tỏ tình với Lan. Một lời tỏ tình chân thành, tự nhiên. Còn đối với Mai Lan thì đó là lời tỏ tình không hề làm cô bất ngờ. Bao năm qua, bạn bè đã gán ghép quá nhiều về tình cảm của hai người. Nhưng ngẫm lại, cả Cường và Mai Lan chẳng ai thấy oan uổng chút nào. Đúng là họ đã thầm yêu nhau ngay từ những ngày ấy. Một tình yêu chưa từng có lời tỏ tình, nhưng không hề đơn phương. Có điều hồi ấy cả hai còn quá ngây thơ, vụng dại. Và có lẽ, chính nhờ sự ngây thơ, vụng dại ấy mà cả hai đã giữ được cho nhau một khoảng cách đẹp đẽ, trong sáng. Đó là tình bạn, cao hơn tình bạn là tình yêu ấp ủ trong lòng. Để bây giờ, sau bao tháng ngày chờ đợi, tình yêu ấy không thể giấu kín được nữa. Mai Lan đã đón nhận, không, nói đúng hơn là Mai Lan đã chờ đợi và đón nhận lời tỏ tình này của Cường từ lâu. Như chỉ chờ có thế, họ đã tay trong tay và cùng trao nhau những nụ hôn đầu đời. Những nụ hôn mê say, đắm đuối…tưởng như không thể có gì cưỡng nổi.

Rồi cả hai cùng vào đại học. Cường ở miền Bắc, Mai Lan ở miền Nam. Hai ngôi trường ở hai đầu đất nước. Những bức thư, những dòng tin nhắn, những cuộc gọi…đều đặn đến với nhau từ hai phía. Trong ấy, họ đã gói ghém tất cả mọi nỗi nhớ thương để gửi cho nhau. Tình yêu thật tuyệt vời. Nó làm cho con người ta vui đấy rồi buồn đấy, cười đấy rồi khóc đấy. Chỉ đến lúc này, Cường và Mai Lan mới hiểu thế nào là tình yêu, mới hiểu thế nào là xa nhau. Ừ, ngày còn học phổ thông, mới chỉ là tình bạn, cao hơn tình bạn một chút thôi là những rung động thầm kín, đã có gì sâu đậm lắm đâu, thế mà chỉ một ngày không gặp cả hai đã nhớ nhớ, mong mong. Từ sau cái đêm chia tay, khi mà lời tỏ tình và nụ hôn được trao gửi thì tình cảm ấy đã không còn dừng lại ở đó. Nó không còn ranh giới. Như dòng nước ào ào tuôn chảy, nó trở nên sục sôi, mãnh liệt. Và khi đã yêu nhau mà phải cách xa, không được ở cạnh nhau, cả hai mới thấm thía sự hụt hững, trống vắng. Chưa bao giờ Cường thấy nhớ Mai Lan như lúc này. Và cũng chưa bao giờ Mai Lan lại nhớ Cường như  lúc này.  Nỗi nhớ cứ âm ỉ, dai dẳng, dày vò, tưởng như không thể nào còn chịu nổi nữa. Tưởng như chỉ cần một dòng tin nhắn hay một cuộc gọi hẹn hò ở đâu đó là cả hai sẽ vất bỏ tất cả để đến với nhau. Nhưng thời gian rồi cũng trôi qua. Nỗi nhớ rồi cũng nguôi ngoai. Việc học hành đã cuốn hút cả hai, không cho họ còn có nhiều thời gian để mà suy nghĩ vẩn vơ. Từ phương bắc, Cường gửi cho Mai Lan một bức thư chứa chan tình cảm. Trong thư, Cường nói rằng, Cường không thích gọi điện nữa mà chỉ thích viết thư, vì viết thư tình cảm hơn, nói được nhiều điều hơn. Cường khoe với Mai Lan là Cường đã học gần xong phần thứ nhất môn chính trị. Giờ là thời gian dành cho việc tập luyện ở thao trường. Những ngày ở thao trường, đối với người lính là ngững ngày đầy gian nan, vất vả. Môi trường quân đội đã rèn giũa anh từng bước trưởng thành. Cường thấy mình phải học tập tốt để không phụ công gia đình, bè bạn đã gửi gắm, tin trao. “Em biết không, có những ngày nắng nóng khủng khiếp, luyện tập vô cùng vất vả, giờ giấc hết sức nghiêm ngặt, nhưng lúc nào anh cũng vui vẻ, lạc quan, yên tâm học tập, công tác. Mai Lan có biết vì sao không? Đó là một phần vì anh có em, vì tình yêu của chúng mình. Dù xa em nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy như em đang ở cạnh anh, động viên anh…”. Mai Lan cũng gửi cho Cường một lá thư. Mở đầu, Mai Lan viết: “Anh bộ đội thân yêu của em!”. Qua vài dòng đùa vui cho cả hai cùng cười, Mai Lan mới nghiêm túc kể với Cường việc học tập của bản thân. Rằng Mai Lan vừa qua đợt kiểm tra học kỳ, bài làm của cô nói về sự đa dạng của nông nghiệp nước ta trong quá trình chuyển đổi sản xuất đã được xếp nhất lớp. Rằng Mai Lan chuẩn bị đi thực tập ở một vùng chuyên canh lúa và nếu có điều kiện thì sẽ xin phép về thăm gia đình. Rằng Mai Lan nhận thấy cô ngày càng say mê với ngành học mà mình đã chọn. Sau này khi ra trường công tác, Mai Lan sẽ là cô kỹ sư nông nghiệp tháng ngày gắn bó với những xóm làng bình dị, những người nông dân “ một nắng hai sương”, hiền lành, mộc mạc như đất làng, như hạt lúa, củ khoai…từ bao đời nay. Cuối thư, Mai Lan viết: “Chúc anh bộ đội của em chân cứng đá mềm, hoàn thành nhiệm vụ học tập, luôn nhớ về em. Nhớ em để học tập tốt hơn, phấn đấu tốt hơn anh nhé!”.

Ngày ra trường, Cường được phong quân hàm thiếu uý và được điều về công tác ở một đơn vị đóng quân trong tỉnh. Mai Lan không được thuận lợi như Cường, nhưng rồi sau một thời gian bươn bả cô cũng được nhận về công tác tại phòng nông nghiệp huyện. Thế là chấm dứt những ngày phải đằng đẵng xa cách nhau. Được công tác cùng một tỉnh, cả hai càng có điều kiện gặp gỡ, vun đắp cho tình yêu. Nếu như trước đây, trong những năm đi học, Cường và Mai Lan chỉ mỗi năm được gặp nhau một lần ngắn ngủi vào dịp nghỉ hè, thì nay, đôi khi chỉ mươi ngày, một tuần, họ đã có thể gặp nhau. Và mỗi lần gặp cả hai lại đắm đuối bên nhau. Sau những nụ hôn cháy bỏng, ngọt ngào là những lời hứa hẹn, thề thốt mà cả hai cứ phải lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Cường và Mai Lan cũng chính thức thưa chuyện với gia đình để bố mẹ hai bên làm lễ bỏ trầu cho hai đứa. Thấy các con yêu nhau đã lâu, nay đứa nào cũng đã ổn định công tác, hai gia đình bằng lòng để các con tổ chức lễ thành hôn trong dịp mùa thu tới. Từ nay đến ngày ấy cũng ngót nghét hai tháng nữa. Đó là quãng thời gian đủ để cho đôi trai gái tha hồ mà bàn bạc, chuẩn bị sắm sửa những gì cần thiết cho ngày vui của mình. Một đêm bên triền sông, cũng nơi ấy, trăng ấy, nước ấy; rồi cũng hương vị rơm rạ, đồng đất ấy…tất cả giống hệt cái đêm cách đây hơn bốn năm về trước; cái đêm mà cả hai bắt đầu thổ lộ tình yêu với nhau, thề non hẹn biển với nhau để ngày mai chia tay lên đường, Cường và Mai Lan đã ngồi bên nhau gần như trọn đêm. Cả hai dường như không ai biết thời gian đã trôi đi bao lâu. Trăng cũng dần khuất để thay vào đó là một màn sương dày đặc đang giăng kín cả mặt sông. Sương ướt đẫm trên vai, trên mặt hai người. Sương đọng thành giọt trên quân phục Cường và long lanh trên tóc Mai Lan. Cường vòng tay ôm lấy Mai Lan và khoác cho người yêu tấm áo của mình. Họ đã nói với nhau rất nhiều về chặng đường công tác. Rồi lại nói về tương lai của cuộc sống vợ chồng sau khi tổ chức lễ cưới. Câu chuyện rời rạc, không đầu không cuối. Và cả hai dường như không nhớ là mình vừa nói gì với nhau. Họ như quên đi tất cả. Lúc này, họ chỉ biết có một điều là họ đang rất hạnh phúc. Có lẽ trên đời này họ là nhữmg người hạnh  phúc  nhất. “Sau này, dù được phân công đi đâu, lên rừng hay xuống biển, và có xa cách bao nhiêu, anh cũng sẽ luôn luôn là người chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ và là người chồng tốt của em. Em có bằng lòng không?”. “Còn em, em nguyện suốt đời làm bạn với những người nông dân. Em chỉ mong muốn là mình sẽ làm được một cái gì đó để đóng góp một phần nhỏ, rất nhỏ cho bà con cô bác quê mình. Và em sẽ làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ, yêu chồng, thương con. Được không anh?”. Cả hai cùng nói với nhau. Sương càng lúc càng nặng hạt, khiến cho không khí về khuya có vẻ lành lạnh. Mai Lan ngả đầu vào ngực Cường như muốn tìm hơi ấm từ cơ thể anh. “Khuya rồi, chúng mình về thôi anh!”. Mai Lan thì thào. “Không, anh muốn ngồi với em một lúc nữa”. Cường nói và lần tay vào ngực Mai Lan. Rồi như không chịu nổi nữa, Cường cúi xuống áp cả khuôn mặt vào ngực. Mai Lan ngồi yên, để mặc cho Cường được tự do làm cái công việc của đứa trẻ trong lòng mẹ. Được một lúc Cường lại lần tay xuống phía dưới. Mai Lan nắm lấy tay Cường, miệng ghé vào tai anh: “Không được! Đừng…đừng anh. Chúng mình phải để dành cho nhau đến ngày ấy. Nào, nghe em, đứng dậy đi về đi anh”. Từ phía làng bỗng rộ lên tiếng gà gáy. Và dưới sông cùng lúc nghe có tiếng dập dìu, lao xao của mái chèo khua nước từ những chiếc thuyền đánh cá. Đêm đã dần sáng.

Tin Mai Lan ốm nặng phải vào cấp cứu ở bệnh viện đến với Cường trong lúc anh đang công tác ở một huyện miền núi, chỉ sau cái đêm hai người gặp nhau lần gần đây nhất chỉ vỏn vẹn có mấy ngày. Nhận được điện, Cường thẫn thờ một lúc như người mất hồn. Ừ, sao mà nhanh vậy, mới ngày nào Mai Lan còn khoẻ mạnh thế cơ mà! Cường đứng ngồi không yên nhưng chưa dám báo cáo với chỉ huy vì đợt công tác theo lịch trình phải đến chiều tối mai mới kết thúc. Một số công việc chưa hoàn thành, trong đó có cả phần việc của anh. Vả lại, từ đây về dưới ấy rất xa. Phương tiện đi lại, ngoài xe của đơn vị thì khó có thể tìm được một loại phương tiện nào khác để đi vào lúc này. Thế là đành phải đợi đến năm giờ chiều ngày hôm sau, khi công việc hoàn tất, anh mới báo cáo chỉ huy và cùng trở về thành phố. Mấy tiếng ngồi trên xe, ruột gan Cường như có lửa đốt. Anh chỉ mong mình có phép thần để  đến được với Mai Lan ngay lúc này. Chắc giờ này Mai Lan cũng đang mong ngóng anh từng phút, từng giây. Ôtô về đến đơn vị thì trời đã chập choạng tối, chẳng kịp nghỉ, Cường đã nháo nhào chạy ra nhà để xe, dắt chiếc 78. Đây là chiếc xe máy cũ mà Mai Lan đã dành dụm tiền cả mấy tháng lương ít ỏi của mình để mua cho Cường. “Chắc anh phải đi nhiều, em mua để anh đi công tác, rồi còn có nó để mà thỉnh thoảng về thăm nhà. Em làm trong huyện, đi đâu thì đã có các anh, các chị cùng cơ quan đèo đi, còn không thì chỉ cần xe đạp là được”. Cường hiểu tấm lòng của người yêu. Vả lại, anh nghĩ, anh và Mai Lan đã như người một nhà, của ai thì cũng coi như là của chung, nên anh không nỡ từ chối. Nhưng Cường vẫn nghĩ mà thương Lan, chưa chi đã dành phần thiệt thòi về mình.   

Nửa giờ sau Cường có mặt ở bệnh viện. Và một tin đau lòng đến với anh: Mai Lan bị bệnh máu trắng. Cường choáng váng như nghe tiếng sét bên tai. Anh có cảm tưởng đất trời đang sụp đổ dưới chân. Cả người anh  run rẩy, mồ hôi đột ngột túa ra như gặp phải ác mộng. Cố gắng lắm Cường mới có thể đứng vững được. Rồi khi đã bình tĩnh lại, biết đó là sự thật một trăm phần trăm, Cường vẫn mong như mình nghe nhầm. Anh không tin một người con gái khoẻ mạnh, thông minh và xinh đẹp như Mai Lan lại có thể mang trong mình căn bệnh quái ác này. Không! Không thể như thế được! Mai Lan của anh còn quá trẻ, còn tràn trề sức sống và còn biết bao là ước vọng tốt đẹp ở phía trước. Ông trời không thể thiếu công bằng như thế được. Không thể lấy đi hoài bão của cô ấy, càng không thể nhẫn tâm cướp đi tuổi xuân của cô ấy. Đầu óc anh quay cuồng bởi những ý nghĩ lộn xộn. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cường đau đớn như có ai cầm dao cứa vào cơ thể anh, róc dần da thịt anh. Ngồi bên Mai Lan mà anh ngỡ như đang ngồi ở đâu đâu. Anh không còn biết phải làm gì, nói gì trong lúc này. Mai  Lan vẫn nằm đó, ngay trước mặt anh. Cả người trắng toát một màu trắng bệnh viện. Cô đã ngủ thiếp đi. Khuôn mặt nhợt nhạt nhưng bình thản, vô tư không mảy may một chút âu lo, phiền muộn. Cường nhìn người yêu ngủ mà héo hắt ruột gan. Mai Lan ơi, giá em hiểu được điều gì đang xảy ra với em. Tại sao? Tại sao không phải là anh, là người khác, mà là em phải chịu nỗi khổ này? Nắm tay Mai Lan, vuốt nhè nhẹ lên những ngón tay thon thả, Cường âu yếm nhìn Mai Lan ngủ. Khuôn mặt này, từ cặp mắt, đôi môi, chiếc răng khểnh, rồi cái lúm đồng tiền bên má…anh đã quen thuộc từ tấm bé. Có lẽ nào đến một ngày nào đó anh sẽ không còn được nhìn ngắm khuôn mặt yêu thương này nữa ư? Cường bỗng chợt nhớ tới lời bác sỹ nói với anh: “ Đây là căn bệnh cho đến nay không những ở trong nước mà ngay ở  ngoài nước, kể cả những nước có nền y học tiên tiến nhất cũng phải chịu bó tay”. Vậy là  không một chút cỏn con hy vọng nào nữa ư? Vậy là Mai Lan không thể sống nổi nữa ư? Mới chỉ nghĩ thế thôi, Cường đã thấy thắt ruột thắt gan. Nước mắt anh tự nhiên ứa ra lăn dài trên má. Mai Lan bất chợt tỉnh giấc bắt gặp những giọt nước mắt ấy của Cường. “Tại sao anh khóc?”. “Tại vì anh thương em. Anh thương em nhiều lắm Mai Lan ạ!”. Mai Lan nở một nụ cười yếu ớt trên đôi môi khô ráp: “Rồi em sẽ khoẻ, sẽ lại đi làm. Ốm đau, bệnh tật chỉ là tạm thời thôi mà anh...”. Nghe người yêu nói thế Cường lại càng thấy đau đớn. Và một lần nữa nước mắt Cường lại trào ra.

Bệnh tình của Mai Lan ngày một tiến triển theo chiều hướng xấu. Các bác sỹ đã làm tất cả những gì có thể làm được đối với bệnh nhân nhưng xem ra kết quả chẳng được là bao. Thời gian đầu khi Mai Lan mới nhập viện, Cường vẫn ngày hai lượt đến với người yêu. Nhiều bữa anh chẳng kịp ăn uống gì. Mà có ăn thì cũng không sao nuốt nổi. Ngày ngày, anh chỉ mong thời gian trôi qua thật nhanh để anh đến với Mai Lan. Sau rồi ban chỉ huy đơn vị thấy anh đi lại quá vất vả, đã quyết định cho anh nghỉ phép để anh có điều kiện chăm sóc cho vợ chưa cưới. Thế là anh đến bệnh viện ở hẳn cùng Mai Lan. Kể từ ngày yêu nhau, đây là quãng thời gian Cường và Mai Lan được ở cạnh nhau lâu hơn cả. Chỉ có điều, nghĩ mà buồn, mà thương, khi cả hai còn khoẻ mạnh thì không được thế. Nay, một trong hai người đang phải lắt lay như ngọn đèn trước gió, họ mới được ở cạnh nhau. Từ hôm ấy, Cường không một phút rời xa Mai Lan. Anh chăm sóc cho người yêu từng ly từng tý như quên cả bản thân mình. Còn Mai Lan, sau một thời gian nằm viện, thấy bệnh tình không hề thuyên giảm, nhất là nhìn vẻ mặt mỗi người,  từ bố mẹ, anh chị em, đến các cô dì, chú bác, rồi cả Cường nữa, thấy ai cũng rầu rĩ như đang cố nén một điều gì đó, Mai Lan cũng dần dần biết được sự thật về bản thân. Ban đầu cô chỉ ngờ ngợ, nhưng không dám hỏi ai. Sau rồi cô cũng tự ý thức được là cô đang phải mang trong mình một căn bệnh gì đây ghê gớm lắm! Có điều cô không biết đó là bệnh gì và nguy hiểm đến đâu. Cô chỉ biết là mọi người đang giấu cô. Phải là bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y thì mọi người mới giấu cô. Và khi đã biết rõ mười mươi mình bị bệnh máu trắng, một căn bệnh mà cho đến nay không thầy, không thuốc nào có thể chữa được thì Mai Lan chỉ còn biết ôm mặt khóc. “Mọi người giấu em đã đành. Còn anh, tại sao anh lại nỡ giấu em? Có phải anh lo em không chịu đựng nổi phải không?”. Nói rồi Mai Lan ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, Mai Lan không khóc nữa. Rồi từ đó về sau, qua rất nhiều ngày, Cường không hề thấy Mai Lan khóc một lần nào nữa. Với một vẻ mặt thản nhiên, gần như dửng dưng, gần như chưa từng có chuyện gì xảy ra với mình, chiều chiều, từ gác hai của phòng bệnh, Mai Lan bảo Cường cùng đến bên cửa sổ và cùng ngồi lại nhìn ra bên ngoài. Ở đó, ngay trước mặt hai người là cánh đồng lúa. Xa ra nữa là dòng sông, là xóm làng ẩn hiện sau những luỹ tre. Rồi những con đường, những hàng cây, những bóng người thấp thoáng. Và tít tắp kia mới là chân trời mờ xanh. Như một thói quen, một sự động viên, dẫu biết rằng mọi sự động viên đối với Mai Lan lúc này đều trở nên vô nghĩa, nhưng ngày nào Cường và Mai Lan cũng ngồi với nhau bên cửa sổ nhìn ra xa. “ Liệu em có sống được không? Và nếu sống được sẽ kéo dài bao lâu hả anh?”. Một buổi chiều, bên cửa sổ, Mai Lan đã hỏi Cường. Và Cường đã trả lời Mai Lan rất tự tin, rằng anh vẫn hy vọng Mai Lan sẽ lành bệnh, sẽ khoẻ mạnh trở lại như ngày nào. Rằng nhất định anh sẽ đưa Mai Lan đến những trung tâm y học lớn nhất, tốt nhất để chữa trị cho cô. Nói vậy nhưng thâm tâm Cường hoàn toàn không tin vào những gì anh nói. Anh biết rất rõ những điều anh nói với Mai Lan chỉ là  dối trá, chỉ là động viên. Một người thông minh như Mai Lan chắc cũng hiểu điều đó. Nhưng nếu đến được những bệnh viện lớn, ở đấy có đầy đủ các phương tiện điều trị hiện đại, có các giáo sư, bác sỹ giỏi, có nhiều loại thuốc tốt, anh tin bệnh tình của Mai Lan dù không có hy vọng chữa khỏi, nhưng sẽ có cơ may tiến triển chậm lại, sự sống của Mai Lan sẽ được kéo dài. Nhiều người khuyên anh, kể cả các bác sỹ cũng góp ý với anh như vậy.

Và Cường đã đưa Mai Lan đi. Ròng rã gần một tháng trời, hết ra Bắc lại vào Nam, hết bệnh viện này sang bệnh viện khác, nơi nào được người ta giới thiệu hay chỉ là mách miệng của những người cùng cảnh ngộ, Cường đều đưa Mai Lan đến. Tiền bạc vơi dần mà bệnh tình của Mai Lan không hề thuyên giảm. Những cơn đau đến với Mai Lan ngày một dày hơn. Chứng khó thở, tụt huyết áp, chảy máu cam…cũng thường xuyên xuất hiện. Có ngày Mai Lan gần như không ăn gì. Cường có ép lắm cũng chỉ nuốt được thìa cháo hay thìa nước vắt từ trái cây. Người Mai Lan gầy rộc đi. Nhưng Mai Lan vẫn tỉnh táo, chưa một lần hôn mê. Vẫn hỏi chuyện người này người kia. Và thỉnh thoảng Mai Lan vẫn cười. Nụ cười tuy không còn mơn mởn, tươi thắm như xưa nhưng chưa hết duyên dáng. Những lúc ấy trông Mai Lan thật xiết bao tội nghiệp. Cường đã bao lần phải cố nén để những giọt nước mắt không trào ra khi anh nhìn thấy nụ cười ấy ở Mai Lan. Hơn ai hết, anh hiểu rất rõ mức độ tiến triển của bệnh tật và sức khoẻ của Mai Lan. Các giáo sư, bác sỹ cũng đã làm hết khả năng của họ. Mai Lan dường như cũng hiểu được điều đó nên một mực đòi về, không nằm viện nữa. Cường xin bố mẹ hai bên cho anh được đưa Mai Lan về nhà mình. Anh nói rằng, dù anh và Mai Lan chưa tổ chức lễ cưới, nhưng anh đã xem Mai Lan như là vợ của anh. Anh không thể rời xa vợ chưa cưới khi cô đang phải cận kề với cái chết. Anh cần ở cạnh cô, chăm sóc cô. Đơn vị hiểu được tình cảm sâu nặng của đôi trai gái nên cũng đồng ý cho Cường được kéo dài thời hạn nghỉ phép thêm một thời gian nữa.

Trước đây, khi Mai Lan còn khoẻ mạnh, mỗi lần gặp nhau là Cường và Mai Lan lại say sưa nói về tình yêu, nói về ngày cưới. Hơn một tháng qua, kể từ ngày Mai Lan vào viện thì cả hai dường như không một ai nhắc tới chuyện yêu đương và ngày cưới nữa. Bây giờ được ở cạnh nhau, chăm sóc cho nhau trong cùng một nhà như đôi vợ chồng mới cưới, tình yêu ấy bỗng sống lại trong lòng mỗi người. Nhưng họ cũng chỉ nhắc tới mọi chuyện một cách dè dặt và tránh không đã động gì đến ngày cưới. Cả hai gần như quên hẳn chuyện cưới xin. Họ không nhớ, mà cũng không muốn nhớ đến ngày cưới để làm gì. Nhớ đến e chỉ thêm sầu thêm khổ mà thôi. Nhưng rồi có một lần, trong lúc Mai Lan đang nằm và Cường đang ngồi cạnh, rất ngẫu nhiên, cả hai cùng một lúc nhìn lên tờ lịch treo bên vách. Hôm đó là ngày mười tám tháng tám âm lịch. Thế là cả hai nhìn nhau và cùng nhớ tới ngày ấy. Đó là ngày hai mươi tám tháng tám, ngày mà cách đây gần hai tháng trước gia đình Cường và Mai Lan đã chọn làm ngày tổ chức lễ thành hôn cho hai người. “Vậy là không bao giờ em còn được làm vợ anh nữa rồi!”. Mai Lan nói rồi quay mặt đi không nhìn vào tờ lịch nữa. Cường thấy đôi vai gầy của Lan run lên khe khẽ. Anh muốn an ủi người yêu nhưng không biết phải làm gì. Những gì có thể làm được, dù nhỏ nhoi thôi, nhưng động viên được Mai Lan, Cường đều đã làm tất cả rồi. Nhưng anh không thể để cho Mai Lan hết hy vọng. Anh không thể để cho bất cứ một ý nghĩ nào chia lìa tình yêu của anh và Mai Lan. Chưa bao giờ Cường thấy thương yêu Mai Lan vô bờ vô bến như lúc này. Giá có thể thay thế được cho Mai Lan để gánh lấy nỗi đau cùng cực mà cô đang chịu anh cũng sẵn sàng. “ Mai Lan ơi, chỉ còn đúng mười ngày nữa là đến ngày cưới của chúng mình rồi. Em hãy vui lên đi”. Vừa lau nước mắt cho Mai Lan, Cường vừa nói. Mai Lan nhìn Cường, giọng yếu ớt: “ Nhưng mà còn có ý nghĩa gì nữa đâu, nhắc đến chỉ thêm đau lòng thôi anh ạ!”. Hai tay Cường nắm chặt tay Mai Lan, tiếng anh trở nên tha thiết, khẩn khoản: “ Không! Anh vẫn cưới em. Anh sẽ đăng ký kết hôn và đúng ngày ấy chúng mình vẫn tổ chức lễ cưới. Tổ chức đơn giản thôi cũng được. Miễn sao chúng mình phải chính thức là vợ chồng của nhau, chung sống bên nhau. Nào, vui lên đi em!”. Mắt Mai Lan nhoà lệ: “Em ốm đau, bệnh tật, có sống được bao lâu nữa đâu mà anh cưới em. Có được anh bên cạnh, chăm sóc, động viên em thế này là em hạnh phúc lắm rồi!”. “Không, em sẽ sống, sống trăm tuổi.- Cường nói và nước mắt trào ra -  Anh sẽ xin với bố mẹ  hai bên tổ chức lễ cưới cho chúng mình. Chắc bố mẹ và mọi người sẽ mừng lắm! Đến ngày ấy em sẽ trang điểm thật lộng lẫy.  Em sẽ mặc áo dài này, thắt nơ này, đeo nhẫn cưới này… Rồi còn có cả phấn, son cho em nữa. Em sẽ là cô dâu đẹp nhất, đẹp như ngày nào em hằng ao ước. Em có đồng ý không?”. Trên đôi môi khô héo của Mai Lan bỗng nở một nụ cười lộ ra chiếc răng khểnh xinh xinh bên khoé miệng và cái lúm đồng tiền như vết son bên má. Cường đắm đuối nhìn Mai Lan rồi cúi xuống áp môi mình lên môi người yêu. Từ hôm ấy, sáng nào Cường cũng tự tay bóc lịch. Mỗi tờ lịch được bóc đi là một ngày trôi qua và một ngày mới đến. Cường có cảm giác như trong mỗi tờ lịch mỏng manh kia là cả một gánh nặng thời gian và chất chứa tất cả mọi nỗi niềm của anh trong đó. Một nửa anh mong thời gian hãy chầm chậm lại và một nửa anh mong thời gian hãy vùn vụt trôi. Và như thể chút sức khoẻ ít ỏi cuối cùng của Mai Lan lại đồng hành tỷ lệ thuận với khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Mai Lan ngày một yếu đi. Có ngày bệnh tình đột ngột trở nên nguy kịch. Chứng khó thở sau một thời gian tạm lắng nay xuất hiện trở lại. Mai Lan phải gồng người lên để thở mà vẫn không thở được. Mặt mũi cô xám ngoét lại, có lúc tưởng như lịm đi không trở dậy được nữa. Những lúc ấy Cường phải làm hô hấp nhân tạo bằng cách thổi hơi vào miệng Mai Lan. Có ngày anh phải làm hô hấp tới mấy lần Mai Lan mới thở được. Những cơn đau khiến Mai Lan quằn quại, vật vã. Cường phải đỡ Mai Lan ngồi dậy dựa vào người mình. Anh có thể ngồi như thế với Mai Lan cả buổi mà không cần ai thay thế. Đêm đêm, lúc Mai Lan đã thiêm thiếp ngủ, Cường vẫn ngồi bên cạnh đánh đàn cho Mai Lan nghe. Vừa đánh đàn Cường vừa nhìn Mai Lan ngủ. Anh thấy thương Mai Lan quá! Những lúc ấy Cường lại rơm rớm nước mắt lặng lẽ khóc một mình.

Bước qua ngày hai mươi tám là ngày đã được ấn định cho lễ thành hôn của hai người, bệnh tình của Mai Lan vẫn trong tình trạng nguy kịch. Mai Lan vẫn khó thở và Cường vẫn phải liên tục làm hô hấp nhân tạo. Xen giữa những cơn đau là thời gian Mai Lan tỉnh táo trở lại. Và Cường vẫn không một phút rời xa Mai Lan. Bên ngoài mọi công việc cho lễ thành hôn vẫn đang được tiến hành. Hai gia đình, họ hàng nội ngoại và một số bạn bè thân thiết của hai người cũng đã có mặt. Tuy thế chẳng còn ai dám nghĩ đến chuyện trang điểm cho cô dâu, chú rể như hai người ao ước nữa. Một vài thủ tục cũng phải giảm bớt đi so với dự định ban đầu. Trong này, Cường và Mai Lan ngồi cạnh nhau. Cả hai cùng hướng ra bên ngoài. Đúng mười một giờ trưa, bố Cường thắp hương lên bàn thờ gia tiên và có đôi lời với những người có mặt. Tiếng ông nhỏ nhẹ, chậm rãi: “Thay mặt hai gia đình tôi xin cảm ơn tất cả mọi người đã có mặt hôm nay. Cường và Mai Lan là con của chúng tôi. Hai cháu là bạn học của nhau từ bé và sau này lớn lên các cháu đã yêu nhau, hứa hẹn với nhau sẽ nên vợ nên chồng. Hai gia đình chúng tôi cũng đã làm lễ ăn hỏi và cùng nhất trí chọn ngày hôm nay làm ngày tổ chức lễ thành hôn cho hai cháu. Nhưng một điều đáng buồn đã xảy ra. Đó là từ hơn một tháng nay, cháu Mai Lan bị bệnh nặng, cho đến giờ này vẫn chưa khỏi. Mặc dầu vậy, các cháu vẫn ở bên nhau, chăm sóc cho nhau, quyết tâm kết duyên chồng vợ bất chấp mọi trở ngại bệnh tật. Cảm phục và quý trọng tình yêu son sắt thuỷ chung của hai cháu và để đáp ứng nguyện vọng của hai cháu, chúng tôi tổ chức lễ báo hỷ này, cũng coi như là một lễ cưới nhỏ, để Cường và Mai Lan chính thức nên duyên vợ chồng và là dâu rể của hai gia đình chúng tôi…”. Tiếng bố Cường bỗng chìm đi trong tiếng nấc nghẹn ngào của ai đó. Cường đỡ Mai Lan nằm xuống vuốt những sợi tóc loà xoà trên trán: “Em có nghe bố nói gì không? Bố bảo chúng mình đã là vợ chồng của nhau rồi đấy”. Tiếng Mai Lan chỉ còn nghe như gió thoảng: “Có, em có nghe! Em rất mừng và thấy mình thực sự hạnh phúc”. Có mấy người từ phòng ngoài chạy ùa vào tặng hoa cho cô dâu chú rể. Đó là những người bạn cùng cơ quan của Cường và Mai Lan. Cường đón lấy những bó hoa ôm vào lòng mình và đặt vào lòng Mai Lan. Những bó hoa tươi thắm, thoang thoảng hương thơm như vây lấy đôi vợ chồng trẻ trong ngập tràn khổ đau và hạnh phúc. Mai Lan ngẩng lên lờ đờ đôi mắt nhìn khắp lượt bạn bè và những người có mặt. Cô cố gượng cười như muốn thay cho một lời cảm ơn và thiếp đi. Lúc tỉnh lại, Mai Lan đột nhiên vươn người lên choàng tay ôm lấy cổ Cường, kéo đầu Cường xuống sát mặt mình, miệng thều thào: “ Anh ơi, được thế này…là em mãn nguyện…lắm rồi! Em mệt lắm…em đi đây…”. Rồi Mai Lan lịm dần, lịm dần không còn biết gì nữa. Cường có hỏi gì cô cũng chỉ lặng im.  “Mai Lan ơi, em đừng chết, đừng bỏ anh mà đi. Em đã hứa với anh là em sẽ mãi mãi làm cô kỹ sư tháng ngày lội ruộng với bà con nông dân, mãi mãi làm một người vợ yêu chồng,  một người mẹ thương con cơ mà…”. Cường kêu lên rồi đỡ Mai Lan ngồi dậy dựa vào ngực mình, vòng tay ôm lấy vợ. Anh đã ngồi như thế với Mai Lan cho đến tận lúc vợ anh trút hơi thở cuối cùng. Lúc ấy là mười một giờ khuya. Cường vuốt mắt cho Mai Lan và nức nở khóc. Anh biết lúc này chỉ có khóc, khóc thật tự nhiên, khóc thật thoải mái, anh mới nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau đang vò xé trái tim anh…

Bóng chiều đã sụp xuống, Cường vẫn ngồi lại một mình bên mộ vợ. Mưa đã dần ngớt nhưng chưa tạnh hẳn. Gió vẫn gầm rú và những làn nước chênh chếch như những ngọn roi vô hình vẫn đều đặn quất xuống.

                                                                       Làng Cổ, tháng 12 năm 2008 

N.N.C

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 175 tháng 04/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground