Nghe tin bắt được Bùi Thị Xuân, Nguyễn Ánh mừng lắm. Y truyền cho viên đô uý hầu cận, lấy ngựa lưu tinh, cầm quân lệnh đi ngay, rồi thân đốc dẫn về. Nguyễn Ánh nói:
- Bùi Thi Xuân là một đứa kiệt liệt, ngươi phải dùng củi lim, dẫn theo những quân giỏi tướng giỏi, giải về…Quân Tây Sơn dẫu đã thua vỡ, song phải dè chừng cẩn thận, không được sơ khoáng.
Viên đô uý nhận lệnh đi ngay.
Mấy ngày sau Nguyễn Ánh bồn chồn vào ra, dù rất nhiều công việc, song điều chờ đợi của Ánh vẫn là giáp mặt một nữ tướng có một không hai của những kẻ đã làm mấy đời chúa Nguyễn thất điên, bát đảo.
Nửa đêm tháng chín mưa tầm tã, viên đô uý hầu cận của Nguyễn Ánh giải Bùi Thị Xuân về đến Phú Xuân, y không ngại khuya khoắt, theo lệnh của Nguyễn Ánh vào tâu trình. Quân thị vệ thấy đô uý đến, không dám cản nhưng khẽ nhắc:
- Bẩm đô uý, Chúa thượng vừa chợp mắt.
- Ta được lệnh, bắt được Bùi Thị Xuân lúc nào về đến Phú Xuân phải vào bẩm ngay cho chúa thượng!
Thị vệ sợ đô uý phải để cho vào, Nguyễn Ánh ngủ rất say, chỉ nghe thấy nói đến tên Bùi Thị Xuân là bừng tỉnh ngay dậy, hỏi dồn:
- Đã dẫn được con cọp cái của lũ giặc quỷ ấy về rồi à?
Đô uý hầu cận thưa:
- Cũi tù còn chờ ở cửa dinh chúa thượng.
Nguyễn Ánh mặc áo ngủ, vội vã đi ra cửa dinh. Quân lính bật thêm hàng trăm ngọn đuốc để thấy rõ cũi tù. Một cái đầu tóc dài buông xoã lên trên cũi lim, lúc bấy giờ ngài mới mỉm cười vỗ vào vai viên đô uý nói:
- Dẫn ngay giam vào ngục đại hình. Còn ngươi mai sáng vào lĩnh thưởng!
Viên đô uý lậy tạ, lại hỏi:
- Nhưng còn con gái của Bùi Thị Xuân thì sao?
Nguyễn Ánh hỏi:
- Bắt được cả con gái của con quỷ cái ấy nữa ư?
- Dạ, hai mẹ con Bùi Thị Xuân sống chết không rời nhau. Bùi Thị Xuân thấy mình bị vây bắt, đã cho tướng đem con chạy, nhưng con bé con ấy, không đi, lại quay lại cầm gươm định cứu mẹ nên cả hai mẹ con đều bị bắt.
Nguyễn Ánh sướng như mở cờ trong bụng, nói:
- Hay lắm ! Ta sẽ có một buổi hành hình đâu ra đấy!
Với Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, Nguyễn Ánh thù đến thấm xương, khắc cốt. Ánh tiếc rằng đời mình không trả thù được Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ là hai kẻ đã lật đổ cả giang sơn của chúa Nguyễn.
Khi Võ Văn Dũng đã trị được Bùi Đắc Tuyên, quay kại muốn hoà thuận với các tướng Tây Sơn, công thần của Nhạc và Huệ, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, được lãnh việc chỉ huy mạn Đàng Trong vẫn còn kiệt liệt lắm.
Năm Kỷ Mùi (1799), quân Tây Sơn đã trông thấy thất bại. Nguyễn Ánh đã chiếm được Gia Định, cho quân đánh chiếm thành Bình Định, nơi dấy nghiệp của Nguyễn Nhạc xưa. Nguyễn Ánh giao cho hai đại thần, tứ trụ triều đình là Hậu quân Chưởng cơ Võ Tánh và lễ bộ Thượng thư Ngô Tòng
Võ Tánh và Ngô Tòng Chu hết lòng giữ thành. Tánh lấy em của Gia Long, được coi là tướng tin cậy nhất đứng trên cả hàng danh tướng, được gọi là phò mã. Ngô Tòng Chu là người nhu thuận, dễ bảo, Gia Long rất yêu. Một mềm, một cứng cáp, đưa ra giữ lấy thành Quy Nhơn, bịt lối ra vào trên bộ, trên biển của nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh muốn cắm mốc từ Quy Nhơn trở vào miền trong, là vùng tung hoành ngang dọc của mình.
Nguyễn Quang Toản, biết được ý đồ đó, nên mật sai Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân phải vây hãm, nhổ bật được cái chốt hiểm hóc mà Nguyễn Ánh cố tình níu giữ lấy.
Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đích thân vây thành. Suốt hai năm trời, bởi bận phải củng cố phần giải đất phía Nam của nhà Tây Sơn sau khi hạ bệ được Thái sư Bùi Đắc Tuyên, nên thành Quy Nhơn Võ Tánh vẫn cố thủ được.
Đến năm Mùi, khi đã rảnh tay, vợ chồng Bùi Thị Xuân dốc sức vây hãm, lấy bằng được lại thành Quy Nhơn. Võ Tánh, Ngô Tòng Chu bị hãm đến tuyệt lương, lại bị hoả hổ, tên độc của quân Tây Sơn diệt hết những ổ kháng cự mà Võ Tánh bố trí. Những toán quân liều chết mở đường máu hoặc cải trang lén lút ra ngoài thành hòng mang mật thư đi cầu viện hoặc kiếm lương thực, thuốc men về cho quân trong thành, đều bị Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân diệt bằng hết !
Bùi Thị Xuân thân đốc chiến đánh vỗ vào cửa chính thành Quy Nhơn. Võ Tánh và Ngô Tòng Chu đều chết, song vì thề quyết một trận thư hùng sống mái nên không thể đem quân vào ứng cứu được. Cũng vì giữ được thực lực, nhờ Võ Tanh và Ngô Tòng Chu làm tổn hao binh tướng của Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân nên sau này Nguyễn Ánh mới phản công, lấn đất của Tây Sơn rồi dần thu phục được Phú Xuân…
Sớm hôm sau, Nguyễn Ánh thân vào ngục xem mặt Bùi Thị Xuân. Y không lộ mặt mà chỉ mặc áo thường, đội mũ đen như một viên hình quan đến hỏi.
Hai mẹ con Bùi Thị Xuân vẫn không rời nhau. Khi có người báo quan nhà Nguyễn đến hạch tội, Bùi Thị Xuân đứng bật dậy quay mặt vào phía trong. Nguyễn Ánh hỏi:
- Nữ tướng bậc nhất của Tây Sơn, giờ phải chui vào nhà lao ư!
Bùi Thị Xuân không thèm đáp
Nguyễn Ánh cười lại hỏi thử:
- Mấy năm trước nhà ngươi còn tung hoành ngang dọc, tưởng không ai hạ nổi mình. Bây giờ thì gươm đâu, người đâu, đến nỗi thân tàn ma dại thế này!
Bùi Thị Xuân quay lại nói:
- Chỉ có bọn tiểu nhân mới đắc ý khi người khác thất thế! Lũ chuột thỏ ở trong hang làm sao hiểu được chí bị của chim bằng ngoài khơi! Giết ta thì giết đi, đừng lảm nhảm như một đứa thất phu nữa.
Nguyễn Ánh tức lắm…
***
Ánh cho hành án mẹ con Bùi Thị Xuân với tội lăng trì …
Trước khi hành quyết, y còn dẫn hai mẹ con võ tướng đi bêu khắp kinh thành.
Bãi cỏ có rào chắn, quân sĩ cầm gươm dao tuốt trần. Bùi Thị Xuân bị đẩy vào giữa bãi, tay bị trói chặt. Đứa con gái của nữ tướng trên mười tuổi cũng mặc áo tù như mẹ, chạy vội theo mẹ như cái bóng. Đã hơn mười ngày bị hành hạ đủ điều, nhưng Bùi Thị Xuân vẫn giữ tư thế kiệt liệt, không để cho kẻ thù thấy mình mệt mỏi.
Một con voi đực lớn mình mốc, đôi ngà cong và nhọn, được quản tượng thả vào bãi. Tên đao phủ mặc áo đen, bịt mặt, chỉ để hai lỗ mắt, điều khiển voi xông thẳng đến cô con gái của Bùi Thị Xuân.
Con voi như một thớt đá lớn đâm xầm đến trước mặt. Quản voi thét:
- Sát ! Sát ! Sát !
Đó là một con voi trận được Nguyễn Ánh yêu nhất. Mỗi lúc vào trận, nó tả xung hữu đột, có lệnh của người cai quản là tung vòi quấn chặt lấy kẻ trước mặt nó hất bổng lên trời rồi giơ ngà ra mà xiên thẳng vào thân người rơi xuống.
Để hành quyết theo đúng lệnh của Nguyễn Ánh, gã quản voi đã cẩn thận, tập cho voi cả ngày gôm trước. Y lấy những thân chuối và hình nộm, đặt ở trong vườn rồi điều voi tới. Con voi đến đúng chỗ, quăng cây chuối hoặc hình nộm lên rồi lấy ngà xiên ngang. Có cây chuối trúng ngà mắc kẹt, phải sai tên chăn voi đến gỡ. Cứ mỗi lần tập, voi lại được thưởng một bó mía lớn nên nó lại càng hăng hái.
Bữa kia khi quản trượng thét lệnh, con voi xầm xầm xô tới thật.
Cô gái bất ngờ kêu mẹ:
- Mẹ ơi ! Mẹ ơi ! Cứu con!
Nước mắt Bùi Thị Xuân ứa ra nhưng miệng nữ tướng lại thét lớn:
- Con gái mẹ không được khiếp hãi trước bọn cẩu trệ…
Cô gái nhắm mắt lại chờ chết.
Nhưng con voi đứng sững lại không chịu quấn lấy tù nhân…viên quản tượng gầm lên.
- Sát! Sát! Sát!
Mấy nhát búa bổ vào đầu voi. Voi cáu giận hí lên giữ dội, rồi dùng vòi cuốn cô gái tung lên trời theo lệnh chủ. Nhưng nó không giơ ngà xiên vào người cô, lại quay mình lại. Cô gái rơi xuống đất bất tỉnh. Bùi Thị Xuân nghe tiếng con ngã, sững người ra, tư thế vẫn đứng thẳng. Bà biết, dù con voi không xiên ngà vào con gái mình nhưng con bà cũng không thể sống nổi!
Quản tượng lại thét voi xông đến nữ tướng Tây Sơn. Nó không chịu đi. Nó lỳ ra! Trên thảm cỏ xanh, vị nữ tù bị bịt mắt, trói tay vẫn hiên ngang trước bọn quan, tướng của Nguyễn Ánh…
Quản tượng đành đánh voi ra khỏi bãi. Sau đó chúng bịt mắt bốn con voi khác rồi đưa vào. Chúng đành dùng kế buộc chân tay Bùi Thị Xuân vào bốn chân voi rồi đánh voi chạy theo bốn hướng khác nhau …
Chỉ thấy thịt bị xé toạc ra, máu vọt lên, tịnh không vó một tiếng kêu nào cả!
***
Viên đô uý cận thần chứng kiến từ đầu đến cuối về bẩm lại Nguyễn Ánh. Ánh nghiến răng nói:
- Nó phải chết như thế.
Y lại cho chặt đầu Bùi Thị Xuân đêm tế trước mộ công thần Võ Tánh- Ngô Tòng Chu rồi mới chôn!
Nhưng khi y bứơc vào xem đầu Bùi Thị Xuân lần cuối cùng thì một làn gió lạnh ào qua mặt, khiến y xây xám, loạng choạng, ngã vật xuống đất.
Bọn cận thần phải xô đến cứu, hồi lâu y mới tỉnh.
Ngày Canh Mão, tháng Canh Tý, năm Bính Tý.
N.V.P.