C |
ái chợ quê, đi loáng qua thì đã giáp vòng. Có lòng vòng đôi ba lượt vẫn chưa mỏi chân. Vậy mà năm nay rộ lên một tin: “Có ông đồ rồi!”. Để minh chứng, những người loan truyền chìa ra cặp liễn được viết bằng những nét gạch ngang, sổ dọc lượn vòng... màu đen trên nền đỏ thẩm của giấy hồng đơn.
Thật chẳng ra gì khi ăn Tết mà không có liễn. Thịt mỡ, dưa hành dù có mắt đến đâu thì ăn ít lại, cũng còn có thịt có dưa; không có liễn thì ngày Tết khác chi ngày thường! Thật hổ thẹn với ông bà khuất mày, khuất mặt. Còn đâu là truyền thống dân tộc!
Đã qua hai cái Tết dân ở đây phải chịu vậy. Ông đồ duy nhất của họ đang ốm yếu vì mớ tuổi đời ngày càng chồng chất. Người ta có thể lếu láo đủ thứ chuyện đông tây, chuyện dưới biển chỉ cần cái miệng dẻo và mặt dạn mày dày một tí nhưng viết liễn đâu phải là chuyện đùa, bạ đâu làm nấy được.
***
Đám đông vây quanh lấy chiếc bàn chật ních, chốc chốc có một người chen ra trên tay cầm đôi liễn còn chưa ráo mực. Cứ như vậy là năm nay ông đắt hàng như tôm tươi. Một số người hể hả, một số người sửng sốt: “Quái! Sao ông đồ nhí quá vậy?” Đến trưa, vòng người giãn dần mới thấy: Vẫn chiếc bàn bày nghiên bút, giấy đỏ mực Tàu đơn sơ như năm nào, vẫn chiếc áo dài the thâm, đầu đội khăn đóng; nhưng ông đồ năm nay lại một cu cậu thiếu niên trạc tuổi mười lăm. “Ông” đang xì xụp húp tô hủ tíu một cách ngon lành. Những người dân quê vui vẻ đứng đợi, còn bảo: “Cậu cứ ăn cho vững bụng, đừng để đói run tay”. Viết cho đẹp, cho đã. Tết nhất mới có một lần nhe cậu!”. Nạp “năng lượng” xong “ông” đồ lại bắt đầu mài mực, rọc giấy. Chập hai được tiếp tục vẫn bằng những câu hỏi hướng dẫn:
Bác dán liễn ở đâu?... Trước cửa nhà thì dùng câu:
Nhất môn thiên tử bình an phúc
Vạn đại nhân hòa phú quý xuân
Hay:
Sinh ý hưng long thông tứ hải
Tài nguyên quản tiết đạt tam giang
- Dì dán ở bếp thì không gì qua mấy chữ
Chính khí đạt thiên đình
Linh quang tư hỏa đức
Còn bàn thờ thần tài thì:
Kim chi sơ phát diệp
Nhân thọ chánh khai hoa
- Cô dán ở cửa buồng dùng bốn chữ:
Kim ngọc mãn đường
Hay:
Lão thiếu bình an...
Cứ thế “ông” đồ giải quyết tuần tự theo yêu cầu của mọi đối tượng khách hàng, êm xuôi, hài hòa. Thật ra, đến chiều dọn về nhà rồi Hữu (ông đồ) mới hòan hồn. Vào thưa trình ông nội, thấy ông gật gù hể hả, Hữu vô cùng an tâm. Cậu không ngờ chuyện chỉ có vậy, cũng không khó lắm mà ông nội bứt rứt, đeo mang.
Chuyện tưởng chỉ đơn giản giữa ông cháu, hay rộng hơn một chút là ra xóm làng thôi. Nhưng báo chí đánh hơi thấy, đánh giá đây đúng là một hiện tượng. Rồi lực lượng phóng viên đổ xô về phỏng vấn, chụp hình, quay phim khai thác đề tài “ông đồ nhí” đưa lên các số báo Xuân. Cái chợ nhỏ một phen sôi động.
Đã thế còn có mấy đoàn khách du lịch kiểu “Tây-ba-lô”, thấy là lạ, họ tấp vô, cũng quay phim, chụp hình. Có một ông Tây ngẫu hứng, chế tác liền một kịch bản, xì xò với anh thông ngôn của đoàn đề xuất cùng “ông đồ”, xin cho được làm việc khoảng tám phút, rồi ông ta hướng dẫn Hữu vào vai. Tất cả đều diễn ra suôn sẻ, vui vẻ theo kịch bản mì ăn liền. Nhưng đến lúc quan trọng nhất là dịch sang tiếng nước ngoài tên để gọi nghè ông đồ đặt cho cái”tít” của đoạn video vừa quay, anh thông ngôn lại lúng túng. Dùng danh từ tour theo ngữ cách. Tàu là thầy dạy, hay disciple là trẻ theo thầy học nghề, ông Tây không chịu, bảo chẳng dính dáng đến nghề viết liễn này. Dùng động từ calk hay trace rồi thêm phần đuôi là ist hay er để chỉ người làm hành động đồ theo một mẫu nào đó, ông Tây phản bác rằng “ông đồ” sáng tạo nghệ thuật, nào có tập đồ như bọn trẻ mới học vỡ lòng đâu! Cuối cùng anh thông ngôn chợt sáng khi thấy “ông đồ” giao liễn xong, liền nhận được tiền. Anh nghĩ trong cơ chế thị trường, đây không mua bán chứ làm gì? Anh mạnh dạn dịch từ ông đồ ra tiếng nước ngoài là “người bán chữ”. Ông Tây “ô-kê” một tiếng và tươi cười ra dấu muốn mua vài cặp liễn đối. Hữu cẩn thận gói vào bọc ni lông . Ông Tây trọ trẹ “Khan êm” (cám ơn) và đặt tờ một trăm đô la lên bàn, rồi cùng đoàn tiếp tục cuộc tham quan.
Năm sau Hữu lên mười sáu tuổi, học lớp mười. Cậu bắt đầu có hứng thú trong việc mài trò học thêm chữ Nho. Vì nó là một trong những điều kiện ít ỏi làm ông nội vui lúc tuổi già xế bóng; nó cũng giúp cậu kiếm được tiền đỡ đần cho gia đình trong dịp Tết qua dịp viết liễn; nó giúp cậu đọc được những câu chữ trong đình chùa, miếu mạo. Ngoài việc hiểu nghĩa, cậu còn cảm nhận được cái hồn của những nghệ nhân khắc chạm trên bia đá, bảng gỗ qua những nét thảo tài hoa rồng bay phượng múa. Có thể đây cũng là một phương tiện giúp Hữu thâm nhập vào thế giới xa xưa của những bậc tiền nhân như ông nội của Hữu thường ca tụng. “Văn tự giúp ta giữ gìn được quá khứ một cách rõ ràng và sống động”. Nghĩ như thế, Hữu rất phấn khích, sẵn sàng cho năm thứ hai cậu làm ông đồ.
Sau ngày đưa ông Táo về trời thì chợ Tết cũng bắt đầu nhộn nhịp. Hữu vừa bày biện xong bàn ghế, bút nghiên, giấy mực,... Đùng một cái, phía bên kia dãy phố, ông Chín Vạn cũng chuẩn bị đâu vào đấy.
Năm nay người ta kháo nhau về chuyện có hai ông đồ, một trẻ một già. Như vậy mới rộng đường chọn lựa, mới có yếu tố cạnh tranh. Kinh tế thị trường mà! Đúng ra, khách của ông Chín Vạn là những người quen biết ông; khách của Hữu là những người đã từng biết Hữu và ông nội của cậu từ những mùa trước.
Có những khách trôi nổi đứng xem thấy ai viết chữ vừa ý mình là đặt hàng. Nét bút của ông chính chắn, cứng cáp, thiên về lối chữ Lạc Mai. Hữu non tay hơn nhưng có lối viết chữ Thảo hoa mỹ, đầy hứa hẹn. Cũng có khách chờ bên này lâu quá bèn sang bên kia. Nói chung, sau hai năm hụt hẫng, Tết này lại có hai ông đồ, người ta thấy vui hẳn lên. Riêng ông Chín Vạn và Hữu mỗi khi gặp nhau vẫn gật đầu chào nhau rất phải phép, có người xấu miệng gièm pha “biết đâu bằng mặt, không bằng lòng”. Do lượng khách chia cho hai bên, nên Hữu bớt vất vả, thu nhập có giảm. Rồi mùa Tết cũng qua.
Sang năm, ông Chín và Hữu lại bày đồ nghề viết liễn theo truyền thống xưa nay ở cái chợ quê này. Người ta ước mong hai người giữ được nề nếp tốt đẹp như thế mãi về sau.
Bỗng không biết từ đâu, một gã bán rong, như “từ trên trời rơi xuống” thì phải! Hai cánh tay gã vắt hàng tá liễn, bàn tay gã nắm một xấp đủ thứ: liễn dài, liễn ngang, liễn vuông,.. Miệng gã ong óng từ đầu chợ tới cuối chợ: “Liễn đây, liễn đây! Dán trước cửa nhà, dán trên cửa buồng, bàn thần tài, bàn thờ ông Táo, miếu thổ thần, miếu bà chúa xứ, dán lư hương, dánh bánh trái, chậu hoa... “Đã thế, gã lại cao giọng ngân nga tràng giang đại hải: “Phước, lộc, thọ - Xuất nhập bình an - Gia môn khang kiết - Thổ vượng nhân nhi vượng. Thần an gia tự an - Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ, Xuân mãn càn khôn phước mãn đường...” Người ta ùn ùn tranh mua, ách tẳc lưu thông. Mấy ông quản lý thị trường nhiều phen nhắc nhở gã, mấy bà mấy cô bị gã án mặt, xua đuổi gã. Vẫn không ăn thua gì, cho đến khi gã bán sạch nhẵn.
Liễn của gã được in bằng kỹ thuật cao, trên nền giấy hồng tươi có “coating” nylon, trang trí hoa văn rồng phượng, mai đào, chữ “ép kim” đều đặn, mỹ thuật bằng nhũ vàng, nhũ bạc lộng lẫy, giá cả phải chăng.
Ông Chín thỉnh thoảng nhìn sang Hữu, bắt gặp cái nhìn ngỡ ngàng trong đôi mắt cậu. Đến trưa hai mươi bảy, ông Chín chợt phát hiện Hữu đã dọn về từ hồi nào, bỏ lại khoảng trống ... trong lòng của ông. Đúng là một ngày đầy những tình huống bất ngờ. Ông đang rối bời với những ý nghĩ không đầu vào đâu.
Chừng nghe được, thì ra ông nội của Hữu trở bệnh lại, cu cậu nóng lòng về gấp. Thế là hôm nay ông Chín cũng phải về sớm, phần vì gã bán rong, phần tranh thủ ghé qua thăm hỏi ông bạn già nho nhã. Ông nội Hữu gượng ngồi lên tiếp bạn. Đó là chữ “lễ” không sao bỏ được. Ông cho gọi Hữu lên chào ông Chín. Sau khi chuyện vãn đôi câu, ký thác Hữu, khẩn khoản nhờ ông Chín tiếp giúp chỉ bảo.
Ra về, ông Chín vừa mừng vừa thẹn. Mừng là bỗng nhiên ông có được một cậu học trò đầy nhân nghĩa. Hữu là một ông đồ bất đắc dĩ. Cha cậu nặng sinh kế gia đình, nên cậu thay cha gắng học chữ Nho, cố không để bị thất truyền. Mỗi độ Xuân về Hữu đều theo chân ông nội, xách đồ nghề cùng nội ra chợ ngồi viết liễn. Mấy năm gần đây nội của Hữu già yếu phải nằm nhà, bà con lại tìm đến nhờ viết cho đôi câu mừng Tết. Không nỡ từ chối nhưng bất lực tòng tâm, khó khăn lắm nội Hữu mới viết xong cặp liễn. Thấy cứ để nội tiếp tục nư vậy thật bất lợi cho sức khỏe, chi bằng Hữu noi gương theo con đường của nội, và tuổi đời còn non nớt, Hữu bấm han, đơn thân độc mã ra làm ‘ông đồ”.
Vậy mà chỉ những lời khích bác của một số người có tâm địa hẹp hòi đố kỵ “ông là Nho nòi, là người được chân truyền, chẳng lẽ chuyện dăm ba câu đối lại để một thằng “ranh con” múa bút giữa chợ như chỗ không người hay sao!?... “Những lúc như thế này ông không ra tài kinh bang tế thế thì đợi đến khi nào nữa?” . Phần vì bực mấy thằng con không đứa nào chịu theo nghiệp của ông, phần vì muốn xiển dương chữ Nho, nên trong phút giây bốc đồng ông Chín quyết định ra tay. Đó là một sự sơ suất!
Để sửa chữa sai lầm, qua ngày hôm sau, ông Chín xách đồ nghề đến cùng với Hữu. Hữu mừng quá, mài mực không biết mỏi. Hai thầy trò miệt mài viết. Khách hàng lại đông đảo. Vì có người biết chuyện, nhận ra những cặp liễn của gã bán rong không đối nhau, đúng là đầu Ngô mình Sở. Tết mà treo những thứ bá nạp, không hòa thuận là điều tối kỵ, làm sao cả năm mần ăn khá được! Nên những hôm sau, gã bán rong chỉ bán được mấy chữ Phước Lộc Thọ in trên giấy vuông để dán mâm ngũ quả, lư hương, chậu kiểng,...
Chiều về, Hữu thu dọn và giao tiền cho ông Chín. Ông chia đều hai phần cho mỗi người, sau đó gởi luôn phần của ông cho Hữu, công chỉ giữ lại mười ngàn uống cà phê. Hữu từ chối, không dám nhận số tiền của thầy. Ông Chín xoa đầu bảo: “Ngốc ơi là ngốc! Thầy gởi số tiền này bồi dưỡng và mừng thọ cho ông nội của con, chứ thầy đâu có nói là cho con!”
T.K.S