Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phần thưởng văn chương

Đ

ôi lúc tôi tự hỏi người ta sinh ra văn chương hay văn chương tự nó sinh ra để làm cái gì ? Ngày còn bé thơ, bà và mẹ hay ru tôi ngủ bằng những câu hát ví von, sau này đi học cô giáo bảo đó là văn chương, rồi những gì tôi đã học được trong cái hành trình làm người, tất cả cũng là văn chương.

Tôi biết chữ, bập bẹ tập làm thơ để… ba tôi đem khoe với mọi người trong những cuộc trà dư tửu hậu. Mười tám tuổi, có một cô bé dễ thương trên gác hai kia cứ làm tôi thơ thẩn và… thành thơ. Tôi vào đại học, nhà nghèo chắp bút kiếm thêm tiền và lâu lâu cũng được lãnh vài đồng nhuận bút. Có khi tôi viết văn chỉ để đổi một cái cười của em… Nhưng như thế tôi vẫn không tự trả lời được câu hỏi của chính mình “Văn chương sinh ra để làm gì?”.

Và bây giờ, khi đã thành một ông lão gần đất xa trời, tôi mới hiểu…

***

Chiều nay khi đạp chiếc xích lô về ngang ngõ thì gặp anh bưu tá, nghe nói có thư, tôi biết lại cái thằng út gửi về đòi tiền học ấy mà. Tôi có ba thằng con trai, hai đứa đầu lập gia đình rồi tung cánh bay đi khỏi nơi này, nó chê quê nghèo, ở lại có mà chết đói. Thằng út sáng dạ nên may mắn đỗ được đại học. Tháng tháng lại phải gởi tiền lên cho nó trả phí trọ, ăn tiêu. Lâu lâu có gì bất trắc nó mới gửi thư về xin thêm.

Tôi cầm lấy lá thư “chả biết nó đòi thêm mấy nơi cái xác già này nữa?”. Nhưng… không phải là thư nó. Bất ngờ quá! lá thư từ ban tổ chức cuộc thi truyện ngắn của hội văn nghệ tỉnh. Mừng quýnh tôi bóc ra xem và nhận được giấy mời về nhận giải vào đầu tháng tới.

Chả là bữa trước nhân đọc được thông báo về thể lệ cuộc thi trên tờ văn nghệ địa phương, cũng kiếm ít giấy về viết lách cho vui rồi gửi. Mấy tuần sau truyện được đăng nhưng không có tên tác giả mà chỉ có cái mã MC72. Tức chết đi được vì truyện của mình mà không có tên, té ra đọc phần ghi chú ở dưới mới biết là các truyện đều được đánh mã cắt phách để chấm cho công bằng. Ra là thế. Tôi đã dành hết số tiền đạp được ngày hôm đó để mua báo biếu mấy tay đồng nghiệp ngày ngày vẫn cùng ngồi chờ khách nơi góc phố. Chúng nó khen lắm nhưng mà “chắc gì của lão?”. Lần náy thì được giải về cho chúng lác mắt ra, xem có còn nói lão bốc phét không.

Cái giải văn đến với lão già đã ngoại lục tuần này chẳng khác gì một thang thuốc bổ trường thọ, chí ít nó cũng giúp sống thêm được vài năm nữa để còn đạp xích lô. Ai cũng muốn sống, càng già lại càng ham sống sợ chết, tôi thì chỉ muốn sống để cho thằng út ra trường rồi nhắm mắt cũng được. Thật không ngờ cái truyện ấy lại được giải nhưng đã cắt phách chấm thì công tư lắm, với lại tôi chỉ là tay xích lô quèn đâu đáng để người ta nể trọng.

***

Cái truyện của tôi cũng chả có gì, nó chỉ là chuyện có thật về những ngày tôi còn máu me văn chương.

Ba mươi tuổi, nghề nghiệp long bong, cha mẹ cưới cho cô vợ đã mấy năm nay. Được cái nhờ vợ lanh tay nên làm ăn cũng ra chiều. Nhưng ăn bám vợ mãi cũng chán, tôi sắm chiếc xe máy sáu bảy gia nhập vào đoàn xe ôm đường phố. Cũng nhàn hạ thôi nhưng anh nào nhanh nhanh mồm thì bắt được khách chạy luôn. Tôi ra đây không phải vì kiếm tiền mà chỉ để thiên hạ không coi mình là thằng thất nghiệp. Vậy là chỉ những khi có khách hỏi tôi mới nổ máy đèo người ta, còn lại vẫn chống xe lên mà đọc báo.

Có một cậu bé hằng ngày vẫn ôm chồng báo đi bán rong, cứ sáng ra là nó đi ngang chìa tay báo mời tổ xe ôm. Cũng đồng cảnh cù bất cù bơ nơi góc phố, thôi thì mua cho nó tờ bóng đá lấy may. Tôi thì không khoái máy anh thể thao lắm nên hỏi tìm mua tờ văn nghệ. Thằng bé lấm láp trố mắt nhìn tôi một lúc rồi lôi tờ thuốc và sức khoẻ. Tôi hỏi “cháu không biết chữ à?”. Nó ngúc ngắc. Té ra nó đi bán báo mà chả biết chữ, cứ nghe hỏi bóng đá thì lôi tờ có hình quả bóng… có lẽ vì thế mà khi tôi hỏi tờ văn nghệ, nó lôi tờ thuốc và sức khoẻ có hình cụ nghệ ra… nhưng lần sau thì nó đem tờ văn nghệ đàng hoàng. Nó bảo nó biết tờ văn nghệ thì nhiều chữ mà ít hình, rồi có thêm mấy ô đóng khung trong đó có các câu đều ngắn, tôi bảo đó là thơ.

Bao giờ tôi trả tiền xong nó cầm lấy đút vào túi quần và đứng đợi tôi đọc cho nghe một bài thơ, đoạn văn rồi mới chịu đi bán tiếp. Trong cái cặp mắt long lanh ngây thơ của nó mỗi lần chăm chú nhìn tôi đọc như có gì đó thèm khát. Cứ đến đoạn văn nào hay nó lại cười lên và gật gật vẻ già dặn. Tôi biết nó cũng có tâm hồn và yêu văn chương, tiếc là nó không biết chữ. Nó bảo có lần đi bán báo dọc đường thấy mấy cậu học sinh vừa đi vừa đọc bài gì đó mà “chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh”. Tôi nói đó là bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu và đọc cho nó nghe. Thằng này cũng sáng dạ lắm, chỉ nghe qua một hai lần là thuộc.

Tôi kết thúc câu chuyện bằng giấc mơ trở thành nhà văn của đứa bé và tôi tin nó sẽ đạt đạt được ước mơ ấy.

Đó là thằng Bớt, năm ấy nó mười hai tuổi.

Sau này tôi không gặp lại nó nữa, hỏi mấy đứa bán báo thì chúng cũng không biết. Nó bàn giao cái nhiệm vụ đem báo văn nghệ cho tôi vào mỗi sáng thứ bảy sang cho thằng bạn.

Thú thực hồi ấy tôi cũng lăm le dăm chữ nên bày đặt viết lách cho vui. Cũng có lần gửi thơ gửi truyện đến tạp chí nhưng họ không đăng cho vì bảo văn tôi đơn giản quá. Thì đúng là vậy thật bởi tôi có phải là nhà văn đâu mà bảo phải viết cho giỏi, biết gì viết nấy.

Vì tự ái, mấy lần sau tôi chẳng thèm gửi nữa, trong mình cái giấc mộng văn chương chìm nghỉm. Vậy mà ba mươinăm sau, khi đã thành một ông lão, tôi lại được cái giải văn. Vâng! Cái truyện có thật của tôi nó đạt giải, mừng lắm! Tôi muốn tìm gặp lại thằng Bớt để đưa nó xem cái truyện mà không thể. Chẳng biết bây giờ nó ở đâu, làm gì, có còn yêu văn nữa không?

***

Sáng nay tôi sửa soạn tươm tất đi nhận giải, tôi cũng không biết là được giải cao hay thấp, họ bảo như thế để cho hấp dẫn.

Hội trường trụ sở văn nghệ tỉnh đã khá đông đại biểu và các bạn yêu văn, những tác giả đạt giải được mời lên ngồi đầu. Ở cái hàng ghế này thì nhìn rõ tất cả những nhà văn trên sân khấu, những người mà tôi hằng ao ước được gặp gỡ một lần được nắm tay họ là hạnh phúc lắm. Nhà văn tổng biên tập tạp chí văn nghệ tỉnh kiêm trưởng ban tổ chức được mời lên công bố danh sách giải cuộc thi. Tên tuổi của nhà văn này thì tôi đã biết lâu nhưng chưa có dịp nhìn thấy, anh ta cũng còn khá trẻ, khuôn mặt phúc hậu và hơi ngăm đen. Cuộc thi lần này có mười truyện đạt giải, năm giải ba, ba giải nhì, một giải nhất và một giải đặc biệt. Tổng biên tập lần lượt công bố các tác giả và tác phẩm đạt giải từ thấp lên cao. Tôi ngồi dưới hồi hộp chờ đợi, giải ba không có tôi, giải nhì cũng không và qua hết chín cái giải, tôi bàng hoàng. Trời ơi, chả nhẽ giải đặc biệt? Tôi chăm chăm nhìn lên sân khấu để chuẩn bị nghe tên mình. Nhà văn tổng biên tập nghiêng cái đầu nhìn cho rõ tên người đạt giải cao nhất, cả hội trường lặng đi chờ đợi.

Và ở vị trí này, tôi nhìn rõ chân dung anh tổng biên tập, “thằng Bớt”, đúng là nó rồi, cái bớt bên mép trái cổ thì không lẫn vào đâu được. Và tự dưng trên cái khuôn mặt của nhà văn các đường nét của thằng Bớt ba mươi năm trước hiện lên rõ ràng. Đúng là nó, suýt nữa tôi kêu lên. Chẳng biết ai xui mà tôi lẻn ra khỏi hội trường. Ra khỏi cửa thì nghe tiếng vỗ tay tán thưởng rổm rả rồi bất chợt  tất cả im lặng, chắc họ đang chờ đợi để chiêm ngưỡng chân dung người đoạt giải đặc biệt.

Tôi cố bước đi thật nhanh như sợ người ta kéo lại mà tung hô rồi đặt vào tay phần thưởng giá trị. Thâm tâm lúc ấy không còn muốn nhận giải nữa. Bạn có biết vì sao không? Vì chính cái việc thằng Bớt của tôi trở thành nhà văn đã là một phần thưởng quá xứng đáng, nó đã làm cho tác phẩm của tôi đạt đến tính đích thực.

Và thưa các bạn! Tôi nghĩ văn chương cũng chỉ cần như vậy là đủ, văn chương không cầu cái lợi ích tư hữu, nó là sản phẩm của tư duy sáng tạo, là sự vật trừu tượng và phần thưởng của nó cũng không thể gán bằng vật chất nào cho đủ.

Phần thưởng văn chương chính  là cái cao cả của giá trị làm nên con người.

H.C.D

 

Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 169 tháng 10/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground