Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phía sau ký ức

S

au cả một ngày dưới tiết trời nống nực, người chênh vênh giàn giáo tay bay tay thước, người đánh hồ xách vữa kéo lên thả xuống nhức cứng chân tay, họ lại ngồi bên nhau. Người là thợ lành nghề, kẻ lao động phổ thông. Bao bọc hai người là một không gian nồng ấm. Họ cứ như đôi bạn thân mới tìm ra nhau sau thời gian kẻ chân trời người góc bể.

Trời cuối chiều đang vần vũ. Chưa đến bữa, Lý thợ nề sang nhà người phụ hồ chơi như thường lệ. Sang để uống ngụm chè xanh. Sang để đùa vui với mấy đứa nhỏ dễ thương. Sang để được sống trong không khí thân thương của một gia đình. Trưa sang, chiều sang, có bữa tối tôi cũng sang. Rảnh lúc nào sang lúc ấy. Gặp bữa ăn chén cơm, nếu có uống chén rượu...

* * *

Lý thợ nề lơ đãng, vừa nghe vừa lật lật cuốn an-bum nhỏ trên bàn. Gã lôi ra một tấm ảnh nhỏ ngắm nghía mặt trước mặt sau, hỏi:

-   Ông đây ư? Như không thể tin. Gã hết nhìn ảnh rồi nhìn sang người, ánh mắt dò tìm những nét của ngày xưa còn lưu lại trên khuôn mặt bạn.

-   Vâng, tôi đấy! Người kia trả lời. Sao...?

-   Đẹp trai dữ hí, lại dễ thương nữa...Câu nói như vô tình buột qua cửa miệng, bâng quơ... Người hỏi khẽ nhíu mày rồi đăm chiêu lơ đểnh...

* * *

Chiều nay cũng lại mưa. Cái tiết trời dễ làm mềm lòng những kẻ xa nhà đơn độc, lẻ loi. Việc ngoài trời đã hết, tốp thợ được nghỉ một buổi để sáng mai chuyển chỗ làm. Mọi người đã về hết. Trong cái lán che tạm bằng tấm bạt ở góc vườn, cô độc một dáng ngồi gù gù lưng gấu. Hoàng Ly lơ đãng nhìn ra ngoài. Mưa dăng kính mít, mưa quất nước rào rào, thỉnh thoảng ì ùng đôi ba tiếng sấm xa xa. Mây đen kịt thế kia sẽ còn mưa lâu. Nhìn trời, Hoàng Ly có cảm giác như trời đã mưa từ lâu lắm rồi. Cơn mưa đang kéo người đàn ông cô đơn trở về với những cơn mưa quá khứ. Những cơn mưa đổ rào rào, đổ triền miên trong ký ức kẻ xa quê. Ôi, những cơn mưa của ngày xưa. Những cơn mưa dâng ngập làng xóm phố phường, ướt sũng vườn cây, mái lá, ướt sũng những năm tháng tuổi thơ... Cơn mưa làm ướt đẫm tà áo người con gái mà Hoàng Ly – chàng sinh viên si tình ngóng đợi một cách vô vọng mỗi chiều đầu ngõ. Gã đâu được người đẹp để mắt tới. Mối tình tuyệt vọng đã gặp buổi bắt quân dịch. Gã thẫn thờ bước chân vô lính, không lý tưởng, không mong chờ. Mọi thứ trước mắt gã trở nên xa xăm mờ mịt. Bỏ ngang những năm tháng giảng đường mộng ước, bỏ lại mối tình đắng nghét mà mỗi lần vô tình nhớ lại Hoàng Ly vẫn thấy như có mũi dùi chích thẳng vào tim... Mấy tháng quân trường, dù người ta có nhồi vào đầu gã sự hận thù và vẽ ra những viễn cảnh huy hoàng thì gã cũng chẳng đoái hoài... Đối phương ra sao, hình hài thế nào... Những đêm mưa hành quân, lén mở đài Hà Nội, cái giọng đọc sang sảng của người phát thanh viên, mới nghe có phần ớn gáy nhưng sao mà gợi tưởng đến tò mò. Những điều đó đã có lúc như kích động lòng tự ái của chàng trai... Cho mãi tận lúc ấy, khi mà vẽ kiêu hùng chưa kịp thể hiện được chút nào thì gã mới như sững lại. Trung sĩ Hoàng Ly bị bắt trong một trận phục kích. Tốp biệt kích được thượng cấp gọi là những “người hùng”, kẻ chết kẻ tháo chạy, đã bỏ lại trung sĩ Hoàng Ly với cánh tay phải gãy lìa và vết thương  do một mảnh pháo xiết ngang má. Gã bị bắt, được phía bên kia băng bó rồi bị dẫn về phía sau để tránh xa vùng chiến sự. Trung sĩ Hoàng Ly bị một người lính trắng trẻo, trẻ măng, một tay dong dây trói, một tay cầm tiểu liên thúc ngay sau lưng. Chỉ còn lại hai người, trong hoàn cảnh mà sự hiểm nguy có thể đến bất cứ lúc nào... Thú rừng, bom pháo bất tử...sẽ chẳng từ ai. Sự cảm thông chia sẻ giữa họ không rõ đã đến từ lúc nào...

Như sực tỉnh. Lý thợ nề móc gói thuốc Đà Lạt đã nhăn nhúm rút một điếu rồi lóng ngóng quẹt lửa. Gã nhớ rằng hôm đó cũng đang cơn thèm thuốc và đã được anh ta mồi cho một điếu. Anh ta thông thả tựa súng, giục gã ngồi xuống rồi moi gói Ru Bi từ túi ngực gã... Rừng vắng và mưa lâm thâm, hai người trầy trật đi lên hướng tây. Mưa mãi cho tới lúc gần tối...Cho mãi tới khi rời xa người lính trẻ ấy, Hoàng Ly mới hốt hoảng chẳng biết điều gì vừa xảy ra. Hình như chỗ đó là lối mòn giữa một khe núi, một cây gỗ to đổ chắn ngang. Người lính ấy cởi trói cho gã rồi đẩy gã leo qua thân cây. Xong rồi đến lượt anh ta. Cây gỗ quá to, tay anh ta không sao bám được vào thân gỗ trơn tuột. Rồi anh ta tháo súng đặt lên cây...Hoàng Ly chộp khẩu súng, tháo băng đạn vứt xuống khe nước... Hình như là vậy. Hoàng Ly co cẳng lao thẳng, chẳng biết gai cào đá xiết ra sao, không biết rừng rậm rừng thưa. Nghe ơ...ơ...phía sau tiếng anh ta không kêu được thành lời...

Khi đã chắc chắn xa lắm rồi dừng lại định hướng một lúc rồi Hoàng Ly xoay hướng tìm lối về. Lần mò trong rừng đêm, gã lết đi từng bước. Mãi đến tang tảng sáng hôm sau...Khi tỉnh dậy, gã mới biết rằng được chiến hữu cứu sống. Nhưng mấy tháng trong quân y viện gã không được yên. Không ngày nào là gã không bị lục vấn. Hết mấy thằng bạn như vô tình mà hỏi chuyện bâng quơ rồi an ninh quân đội vặn vẹo. Tay an ninh đã không tin, một người lính miền Bắc lại ngớ ngẩn, ngây thơ đến như vậy. Thế khẩu AK ấy đâu? Sao không cầm về? Tại sao không giết chết anh ta? Mọi điều gã trình bày đều không thể minh chứng cho sự minh bạch. Mặt thằng sĩ quan u tối, ánh mắt lạnh lùng chứa đầy sự nghi ngờ. Thế là gã phải sống trong sự canh chừng, trong sự theo dõi đến ngột ngạt của những đứa tưởng như là bạn bè thân thiết cho mãi tới lúc được bộ đội giải phóng giải thoát. Giải phóng về, gã phải đi học tập cải tạo hơn nửa năm... Ngày trở về cũng là một ngày mưa. Không được chứng kiến ngày quê nhà giải phóng, bước chân gã nhẹ tênh trên nẻo đường về mà không biết rằng sắp sửa phải đối mặt với cuộc sống thực. Những ngày hân hoan tưng bừng qua rồi, thành phố quê gã bình lặng đến xanh xao. Đi đâu gã cũng cảm nhận sự thiếu thốn khan hiếm. “Mối tình tuyệt vọng” của gã ngày đó giờ là một cán bộ thành đoàn. Khuôn mặt thanh tú lạnh lùng, câu nói ngạo mạn trịch thượng hôm đầu chạm mặt khoan xiết trong tim gã. “Nhớ tu tỉnh mà làm lại cuộc đời...”. Chao ôi, thật bẽ bàng, người ta còn bảo may mà gã chưa phải ác ôn nợ máu... Mấy tháng sau Hoàng Ly lấy vợ. Những tưởng làm thế để xoá đi nỗi buồn nhưng hoá ra lại cộng thêm vào nỗi buồn nhục mà gã đang chạy trốn thêm một nỗi buồn mới. Tưởng lấy vợ để được thanh thản mà xoá đi hình ảnh người đàn bà từng làm tan nát trái tim gã nhưng người đàn bà này lại thêm một lần nữa làm tim gã đau buốt... Vợ gã suốt ngày ca cẩm vì phải ăn bo bo, sắn lát, gạo hẩm. Gã phẫn chí theo bạn lên ga tàu bốc vác thuê, vừa để kiếm tiền thêm vừa tránh phải nghe những lời cằn nhằn ca thán. Không ngờ chính những ngày đó đã thêm một lần làm rẽ ngoặt cuộc đời gã sang một khúc quanh khác...

Trời mưa từ lúc quá ngọ, giờ là...Lý thợ nề nhìn sang chiếc đồng hồ chuông mà người chủ mang đến để trên tấm sạp. Năm giờ, trời đã gần tối. Mưa lê thê lúc dày lúc thưa, lúc rào rào lúc tí tách lại đưa gã trở về cái chiều mưa ấy. Không rõ ma quỷ xui khiến thế nào, gã nghe theo mấy thằng bạn, ăn cắp một bì gạo khi được thuê chuyển kho. Mưa gió ai để ý, họ về nhà với vợ con hết rồi. Ai ngờ... Khi bị phát hiện, bị đuổi bắt, gã liều mạng ném lại nửa viên gạch làm chảy máu chân người đuổi theo. Và thế là... Hoá ra, dù đã được học tập cải tạo rồi mà bản chất vẫn không thay đổi... Vẫn chứng nào tật ấy, vẫn thói du côn... Vậy là...Một bì gạo bằng hai năm tù giam. Kho hàng bị hao hụt nhiều thứ... Người ta đang điều tra, truy tìm những kẻ ăn trộm... Thành phố đang có nạn đĩ điếm cướp giật lan tràn. Hình phạt dành cho gã chẳng oan chút nào.

Có một khuôn mặt hốc hác râu ria đang nhìn Lý từ mảnh gương không biết của người thợ nào dắt quên trên vách lán. Lý thợ nề giật mình rồi mỉm cười cầm lấy mảnh gương. Gã đàn ông trong tấm gương trông quá lạ lẫm. Hoàng Ly, chàng sinh viên văn khoa có cái tên gọi mỹ miều và vẻ đàn ông đầy quyến rũ đâu rồi. Giờ đây, thầm gọi lại tên mình gã cảm thấy ngượng ngùng, chua chát. Cái tên ấy đã bị xoá lâu rồi. Nó bị xoá từ ánh nhìn lạnh lùng vô cảm và trịch thượng của người đời. Trong hai năm ở trại, cán bộ có người đã gọi anh là Lý, có người gọi Lỳ. Lý thợ xây, Lỳ thợ nề... Bạn tù cũng gọi như vậy. Chẳng phải người ta xách mé. Ở đây chẳng cần gì phải hoa lá, cứ gọi thế cho tiện. Hoàng Ly là cái gì. Cái tên Hoàng Ly, nếu ai đó vô tình nhắc đến cũng làm gã ngượng ngùng. Giờ đây gã chỉ muốn người ta gọi là Lý. Lý hay Lỳ hay gì gì cũng được...Lý thợ nề. Đúng vậy, gọi thế mới đúng. Bởi gã đã là tay thợ nề chính cống. Gã không ngờ mình tài hoa, có bàn tay vàng, trong hoàn cảnh này mới nảy nở. Hai năm ở tù gã học được nghề làm thợ nề. Tay nghề gã tiến bộ rất nhanh. Nhiều lúc giật mình, gã thầm cảm ơn hai năm tù. Chẳng trách gì người ta nói lao động cải tạo con người... Hai năm dãi nắng dầm mưa, hai năm đổ không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt gã mới thành người...

Vẫn khuôn mặt dữ dằn trong tấm gương, bộ râu nhiều ngày không cạo, mái tóc rễ tre trùm kín tai, ánh mắt gườm gườm như toé lửa. Vết sẹo như một nhát chém chéo bên má phải vẫn còn đây. Lý thợ nề đưa bàn tay xương xẩu miết miết lên vết sẹo. Lý nhớ lúc đó vết thương ở tay đã được anh ta băng bó. Và vết thương này...anh ta đã quấn băng kín mít khuôn mặt gã. Vết thương ở mặt sưng tấy khiến gã rên rỉ suốt dọc đường. Người lính giải gã đi lúc như dỗ dành lúc lại quát lên. Cố mà chịu, đó là do các anh tự giết nhau... Lý dắt lại mảnh gương vào vách lán, buông nhẹ tiếng thở dài...

Sau hai năm tù trở về, đón Hoàng Ly chỉ có ngôi nhà nhỏ trống lạnh trong mưa và người mẹ già dắt đứa con nhỏ của gã. Đứa con gái mới chưa đầy bốn tuổi nép bên hông bà nội trong như một con gà con lạc mẹ. Nó dương cặp mắt lạ lẫm pha chút sợ hãi nhìn gã như một kẻ xa lạ. Gã hỏi vợ con mô? Hắn đi rồi. Đừng tìm mất công... Mẹ gã nói như người mất hồn, đau đớn, dửng dưng... Hẳn bà đã quá buồn phiền về đứa con dâu hư đốn và thất vọng về đứa con trai duy nhất của mình. Giọng nói, thần sắc, vẻ sầu não tiều tuỵ của bà làm buốt nhói tim gã.

Đêm đó, khi đã định thần trở lại, bà đã kể cho gã nghe những tháng ngày vắng gã. Không chịu nỗi cảnh vắng chồng, cảnh khổ sở thiếu thốn nên vợ gã đã thường xuyên vắng nhà. Có những đợt thị đi cả tháng trời. Về cho con gói bánh rồi lại đi. Hắn theo trai. “Mạ biết vậy nhưng phải cắn răng...”

Đã nhiều lần định kể cho người bạn mới nghe chuyện của mình nhưng Lý kịp dừng lại. Gã dừng lại trong sự mặc cảm, dừng lại trong sự đắn đo... Những bữa cơm rau dưa có mặt gã. Người vợ bới cơm cho con, gắp cho chồng miếng cá, luôn miệng giục khách ăn thật lòng... Nhìn cảnh đó bỗng dưng Lý tự hỏi, phải chăng mình đang tự lừa dối, mình đang nợ một sự thật... Một nỗi khát khao bùng lên như ngọn lửa thiêu đốt gã. Cảnh nhà Hùng là niềm mơ ước cháy bỏng của gã. Đi làm kiếm được mấy chục bạc, mua cho các con gói kẹo, còn bao nhiêu đưa hết cho vợ... Chao ôi, biết đến bao giờ mình có được hạnh phúc giản dị như vậy. Có bao giờ không? Giờ này mẹ và con gái đang làm gì. Đâu như năm này nó cũng đã lên lớp bốn rồi... Tội nghiệp nó, có cha cũng như không ... May mà nó còn có nội mà bấu víu... Không biết mẹ nó giờ đây phiêu bạt nơi mô... Mấy năm lại đây, mỗi lần vô tình nhớ đến người đàn bà bỗng dưng sự hận thù biến mất trong gã. Người ta bỏ đi cũng phải thôi. Đàn ông như gã chẳng đáng để đàn bà nương tựa... Lý thợ nề lơ đãng nhìn mấy cuốn sách gác trên sạp. Gã vẫn giữ được niềm đam mê đọc sách từ hồi “Văn khoa”. Đi làm xa gã vẫn thường mang sách theo. Nào Đốt, nào Hê-min-wây, nào Lép, Mai-a... Mới đây còn thêm Ai-ma-tốp. Chẳng phải gã muốn vùi mình vào trang sách để quên hết sự đời, mà thực sự gã mê đắm những áng văn chương. Văn chương chính là chốn rửa sạch tâm hồn, mọi thứ ở đời trở nên nhẹ bổng. Cả mấy năm cầm súng, cả sự mặc cảm, cả những đen bạc cuộc đời, và cả những tháng ngày làm thuê...

Gã với tay cầm lấy một cuốn. Mấy cuốn sách đọc đi đọc lại đã nát nhừ nhưng gã không chán. Hễ ngơi tay là gã đọc. Gã đọc bất cứ nới đâu, vào bất cứ lúc nào. Có hôm ông Hùng bảo ông đọc gì mà đọc lắm thế. Chẳng được gì mà chỉ tội mệt óc. Như tôi ăn no ngủ kỹ có khoẻ hơn không...

Lão ta thật thà đến tội nghiệp... Vừa nghĩ gã vừa nhìn sang bên kia đường. Căn nhà nhỏ của Hùng cũng đang chìm lấp trong mưa. Ngọn khói chiều quằn quại vật vã bò ngoằn ngoèo trên mái lá ướt đầm. Có tiếng mấy đứa nhỏ đang chí choé trêu nhau. Và tiếng người đàn bà vợ Hùng la rầy con chao chát... Chắc là Hùng có nhà. Mưa gió thế ni hắn còn đi mô.

Bữa đó, chủ thầu đưa đến một tốp phu hồ. Đàn ông đàn bà, quang gánh xô thùng xủng xoảng, áo quần rách rưới tả tơi. Họ đứng lố nhố chờ được phân công việc. Gã để ý đến người đàn ông rệu rã hốc hác, tay lăm lăm cái xẻng xúc. Hai ngày sau, khi đã biết tên nhau, Hùng hỏi gã ông người ở mô? Nghe giọng mà không nhận ra được ư? Không! Giọng trong kia cứ na ná nhau, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, hay Thừa Thiên, rứa cả...

-   Còn ông thì ở đây? Ừ, nhà bên tê. Hùng chỉ cho gã cái nhà xây bằng đá, mái rạ bên kia đường. Khi mô rảnh việc mời sang chơi...

Hùng  được chủ thầu giao việc đánh vữa phục vụ cho ba thợ lành nghề.  Quần áo chằng đụp, chân tay mốc meo, đầu tóc bụi cát xi măng phủ chỉ hở hai con mắt, Hùng quần quật không mũ nón. Ngơi ra đôi lúc, Hùng đến xem gã làm. Cái bay trong tay thợ nề Lý loang loáng. Đám vữa xi măng được đánh nhuyễn tới tấp vun vút bay vào những đường gờ, những mảng tường, trong chốc lát biến thành những đường phào, đường chỉ thẳng tắp, sắc như nét vẽ...

-   Ông tài thật đấy, cứ như làm xiếc. Hùng buột miệng khen. Tay nghề cao vậy sao cứ phải ra tận đây? Gã định nói hỏi chi kỳ vậy, nhưng thôi

-   Tài  mà làm chi....

Cái mặt to bè đầy mụn trứng cá của người chủ thầu từ phòng bên bất ngờ ngó sang. Cả hai im bặt ai lo việc nấy. Hùng ngoăn ngoắt xách cái xô không, đi ra đống vữa. Gã cầm cái thước trượt dọc cái đường chỉ vừa đắp làm khuông tranh cho khuông cửa. Chủ thầu chắp tay đứng nhìn tay thước của gã, miệng phì phèo điếu thuốc thơm. Ngôi nhà hai tầng kiểu mới đang vào kì hoàn thiện. Nghe đâu chủ nhà hứa thưởng cho chủ thầu một món tiền lớn nếu hoàn thành sớm hơn quy định để kịp ăn tết. Chủ thầu ráo riết thúc giục thợ và hứa sẽ thanh toán tiền công trước tết...

Gã cũng muốn kiếm một món, tết này về mua cho con gái bộ quần áo, nó cũng đã lớn. Rồi cũng phải sửa sang lại nhà. Chuẩn bị bộ hậu sự... Căn nhà cũ nát cũng đã xấp xỉ tuổi mẹ. Nó cũng đã xập xệ như mẹ rồi. Từ bao giờ gã đâu để ý đến nó... Mà có nghĩ đến cũng biết làm sao. Lúc này đây, tất cả chỉ nhìn vào đôi bàn tay này đây. Gã phải kiếm tiền, phải biết sử dụng đôi bàn tay tài hoa trời ban cho từ những ngày trong tù. Hoá ra lão Hùng nói đúng. Trong hoàn cảnh gã, sách vỡ chỉ là thứ vô bổ...

Gã đã làm như thí xác. Cùng với hai người kia, ba người cầm bay quần Hùng đến nhừ người. Hùng như khung xương lảo đảo giữa những đống xi măng, đống cát sỏi và ngổn ngang sắt thép, gạch ngói. Trông thế mà Hùng thật dai sức. Suốt cả tháng trời không bỏ buổi nào... Chưa hết cối vữa này đã lo đánh cối vữa khác. Muốn cho lão nghỉ đôi lúc nhưng hễ thấy vữa trong thùng vơi đi một ít là lão ta lại xăm xăm đi xúc. Thành thử cả hai như những kẻ đuổi bắt nhau. Thằng cha chủ thầu lại đứng chình ình ra đó nên chẳng thể ngơi tay. Chủ thầu đang lấy lòng chủ nhà. Hắn ta lấy lòng chủ cũng chỉ vì tiền. Tất cả vì tiền. Nghe đâu chủ nhà là một người đang vào cầu. Thỉnh thoảng anh em thợ thấy, hôm thì ông dày đen cà vạt, hôm thì bà váy lửng áo thêu mặt mày bự phấn, đảo qua. Họ rảo bước lên xuống ngó nghiêng bắt sửa chỗ này, làm lại chỗ kia. Cũng có lúc họ chào suốt lượt người làm. Rồi đàn ông được mời điếu thuốc, đàn bà chẳng có gì... Mấy chị mấy cô bảo ông chủ không công bằng. Ông chủ cười hề hề hỏi các chị muốn gì? Chúng em muốn ứng trước tiền công... Nhà em hết gạo. Chồng em ốm không tiền mua thuốc... Chủ thầu sầm sập bước đến nạt. Tháng trước vừa cho mỗi người ứng đấy thôi. Chừng đó chỉ đủ mua rau mắm thôi ông ơi...

Bữa đó Lý thợ nề sang nhà Hùng. Ngồi được một lúc gã bỗng từ tốn nói tôi từng là lính nguỵ đấy, ông bà có sợ liên luỵ chi không? Vợ Hùng, người đàn bà nhỏ nhắn, dừng sự tất bật lại, nhìn gã. Nguỵ nghiếc chi bây giờ nữa. Nguỵ hay gì gì đi nữa cũng đều là người Việt với nhau. Anh cứ nói rứa làm chi... Chuyện từ đời mô rồi mà...

Ngôi nhà nhỏ ba gian thông thống, hai chiếc giường mộc hai bên, Gian giữa kê bàn thờ và phía trước là một bộ bàn ghế gỗ tận dụng. Tường đốc nhà dán la liệt giấy khen của mấy đứa, cả một mảng tường vàng ố màu giấy. Phía trên cùng là một tấm huy chương.

-   Ông cũng được thưởng huy chương?

-   À, loại niên hạn đó ai mà chả được! Đáng ra tôi được thưởng cao hơn...Nếu không bị kỷ luật, suýt phải ra toà án binh thì tôi đã...

Người vợ từ dưới bếp đi lên. Anh lại sắp sửa rồi đó. Chuyện từ tám hoánh rồi mà cứ hễ động đến là... Chả ý tứ gì cả...

-   Thì nói cho vui chứ ác hại đến ai. Chuyện qua lâu rồi, thành chuyện cũ rồi, thành chuyện tiếu lâm rồi. Quan trọng chi...Mà sao hồi đó mình dại mình ngu thế không biết...Bị thẩm vấn, bị tra hỏi mà cứ ớ ra, không được một câu cho ra hồn. Họ dồn cho đến cứng cả lưỡi. Sơ ý một chút mà thành to chuyện.

Như không để ý lời bạn nói, Lý thợ nề như dán mặt vào tấm hình. Khuôn mặt cân đối, mũi thẳng, má phúng phính lông tơ, đôi mắt trong veo... Đúng ông ta rồi, tên đề phía sau, thua mình một tuổi... Tuy lâu ngày, màu mực đã phai nhưng vẫn còn đọc được “Mạnh Hùng Ngày nhập ngũ 25 tháng 4 năm 1970”. Một anh lính miền bắc, đầu húi cao tóc đen nhánh. Bộ quân phục còn ánh màu hồ. Một chàng lính mới...

-   Trông gã Việt cộng ni dễ thương hí...Lý thợ nề cười bâng quơ...Dễ thương như con gái mà sao lại mang cái tên chẳng ăn nhập gì với hình hài rứa? Gã quay sang Hùng. Hồi đó, nếu đụng ông tôi dám chúc mũi súng lắm. Nỡ lòng mô mà nổ súng vô cái người hiền lành như ri... Giọng gã trầm xuống như thầm thì với chính mình.

-   Thì ông cũng vậy. Trông như cọp như beo mà lại mang một cái tên...

-   Tên răng?

-   Tên của phái nữ? Hoàng Ly, nghe không đàn ông một tí mô. Tên thì hiền mà mặt thì... Hùng nhìn sang gã... cái bản mặt dễ gây ngứa tiết. Hôm mới gặp sao mà mất cảm tình.

-   Hồi đó khác chừ. Tôi cũng trẻ trai trắng trẻo chứ bộ...

-   Nhưng mặt mày thì cũng rứa thôi, hồi đó nếu gặp...Hùng lại nhìn gã rồi phì cười, có lẽ tôi sẽ không ngần ngại mà tương cho một phát...

-   Cha, ác ôn dữ hí. Nghe ông nói mà ngán thấy mồ...Vậy đó, tên gọi và con người. Cái bên ngoài và cái bên trong, cái bản chất, nhiều lúc chẳng ăn nhập gì. Cuộc đời có lắm sự trái ngoe vậy đó...

Trời mưa từ lúc quá ngọ, giờ là...Lý thợ nề nhìn sang chiếc đồng hồ chuông để trên tấm sạp. Đã hơn năm giờ. Mưa lê thê lúc dày lúc thưa, lúc rào rào lúc tí tách. Nước mưa bắt đầu tràn lênh láng trên nền lán. Đội ni lông đi chăng? Sang vào giờ ni chắc lại bị giữ lại ăn cơm như mọi lần đây. Mà thôi ăn một mình thì... ngán quá. Lảng vảng trong đầu gã là hình “cha việt cộng” búng còn ra sữa. Gã thấy ngại quá...Bếp đã ướt mèm, mấy thanh củi nổi lềnh bềnh. Mấy lần nhổm người định bước rồi lại thôi. Chẳng lẽ lại trả tiền cơm...Mà mình thì...là người dưng...

Hai thằng xa lạ tự dưng mến nhau. Một hôm, bên xị rượu và mấy trái ổi xanh, Hùng hỏi Lý thợ nề:

-   Bảy mốt bảy hai ông ở mô?

-   Quảng Trị.

-   Tôi cũng Quảng Trị, Lam Sơn bảy trăm mười chín. Đường chính Nam Lào...Bắt sống đại tá lữ trưởng. Có lệnh đi bảo vệ Thành Cổ, chưa kịp vào thì được lệnh quay ra...

Hắn ta chuẩn bị thả phanh rồi đây. Hễ nhắc đến thời đó là hắn ta cứ như người lên đồng. Hùng say sưa, nào hành quân, nào đào hầm, nào phục kích... Rồi nào là trực thăng địch đông như bầy ruồi. Mấy thằng chiêu hồi bắc loa hết chửi miền Bắc rồi kêu gọi các chiến hữu hãy theo về với quốc gia... Cha tiên sư chúng nó, toàn nói điêu nói láo. Lúc đó chỉ muốn tương lên cho mấy phát...Hùng nói hết chuyện này sang chuyện khác, lẫn lộn lung tung thời gian sự kiện. Hai mắt Hùng sáng rực. Điếu thuốc cho vào nõ rồi mà quên cả việc châm đóm... Thằng cha ni thật là...Lý thợ nề ngồi ngay đơ chịu trận. Hắn chẳng ý tứ chi hết, chẳng để ý chi đến mình, coi như không có mình... Giờ mà sang đó, thế nào cũng lại chuyện đó cho mà coi...

Đang mơ mơ màng màng thì Hùng phụ hồ xuất hiện với tấm ni lon đứng lù lù ở cửa làm gã giật mình:

- Sang ăn cơm. Bà ấy mới kiếm được mớ cá đem rán rồi. Rượu đây. Hùng phụ hồ giơ ra cái chai nút lá chuối. Cứ ngồi như ăn vạ thế à...

 

         N.N.L

 

Nguyễn Ngọc Lợi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 170 tháng 11/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground