Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phong lan

 Tôi với tay đón lấy tờ giấy chú Tân đưa, lơ đãng đọc qua mấy dòng, chi chít mấy con số. Giọng chú Tân cất lên trịnh trọng hơn bao giờ hết:

- Đây tất cả tao gom lại đủ trong đó hết, mày coi còn khiếm khuyết chỗ nào kohong, tao bổ sung, rồi “lên” cho tao một bài kha khá, mấy cụ kỳ này siêng nghe siêng đọc, mình phải nắm được cái chỗ ấy, may ra…

Cái “may ra” lấp lửng của chú Tân tôi hiểu tất. Khỉ thật, đời thường có nhiều vấn đề diễn giải bằng hàng trăm ngàn lần, từng tràng, từng đống sách vẫn chưa ngả ngũ nhưng có cái mới chỉ lấp lửng thôi cũng đã hiểu hết ngọn ngành. Ngôn ngữ thời nguyên tử, vi tính có khác!

Vừa nghĩ ngợi vẩn vơ, tôi vừa ngao ngán xoài người lên chiếc ghế salon bóng loáng, nhìn quanh một lượt khắp căn nhà của chú Tân. Kể cũng khiếp! Chú về ở cái đất thị xã mới chỉ khoảng hai năm, khoảng thời gian hai năm đối với tôi quả là “tăng tốc” đối với cái cơ ngơi trông “sầm uất” của chú. Khó có ai là người lạ khi bước vào nhà chú biết được chú đang làm ngành nghề gì. Khách có thể nhìn thấy bên bức tường phòng khách cơ man nào là bằng biếu, giấy khen đủ cỡ đủ loại. Này nhé, bằng tốt nghiệp đại học bách khoa, bằng đại học hàm thụ kinh tế chính trị học, bằng khen thưởng thành tích trong phong trào chống bão lụt năm 88 do Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cấp, bằng khen chiến sĩ thi đua đạt loại xuất sắc trong phong trào xóa mù năm 91 do Sở giáo dục Vĩnh Long cấp.v.v.. Khách có thể nhìn phía bên kia, trên những chiếc móc áo cầu kỳ là bức tranh “Người tình Polémacxoa” có chữ đề tặng của danh họa Bửu Phiên và bên cạnh là bức ảnh phóng lớn cỡ 40 x 30 có chú Tân đứng kề bên diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín và ca sĩ Bảo Yến. Có lẽ bức ảnh được chú Tân “dàn xếp” chớp vào năm 1990 khi đoàn ca nhạc chi hội Điện ảnh Sài Gòn ra diễn ở tỉnh.

Có thể nói tóm lại một câu: Chú Tân trang trí, bày biện thật ngoạn mục y như một phòng triển lãm “Đa năng trí thức”. Và các khách lạ cứ thoải mái ngồi một chỗ để suy diễn một cách logic về những gì còn lại trong ngôi nhà này để có thể há hốc mồm khi nghe chú Tân tôi hãnh diện một cách trang trọng tuyên bố: “Tôi là hiệu trưởng của một trường trung học tỉnh nhà!” Hẳn nhiên sau đó khách sẽ được nghe một bài tường thuật hùng hồn về cuộc đại chiến thế giới thứ hai, vấn đề nguyên tử hạt nhân của Bắc Triều Tiên và đạo đức giáo dục thời đại, xen vào đó là kết quả của trận thi đấu vô địch quyền Anh thế giới năm 1993.

Nếu ai thật tinh ý, có thể thấy được chiếc kính trắng gọng sừng chú Tân đang để trệ xuống trên sống mũi chẳng phải là kính cận, chiếc kính được chú mua ở cửa hiệu kính bảo hộ lao động.

Và giờ đây tôi đang bị buộc phải thi hành một “phi vụ” oan nghiệt, đó là viết một bài với đề mục (do chú Tân gợi ý): “Có một người như thế”. Đương nhiên là tôi phải cố đào bới, lục lạo, tưởng tượng hết cỡ để làm nên một chú Tân, không phải, một cán bộ lãnh đạo năng nổ, có một bề dày công tác phi thường trong nền giáo dục tỉnh nhà. Tôi cố nói rõ cho chú Tân biết rằng: việc nhớ và ghi lại công tác chú trong hai năm qua, chú phải mất toi 6 ngày ròng rã thì việc ghi chép, xây dựng “tác phẩm” của tôi, chú cũng phải nương tay chút ít, tệ lắm là ba hôm mới hoàn thành.

- Thế thì hỏng bét ! – Chú Tân tôi hậm hực nói to – Ngày 15 là chính thức Sở cùng với Bộ vào kiểm tra và đánh giá chất lượng trường, đương nhiên là các cụ phải quan tâm ghé mắt đến hệ thống thông tin đại chúng, chú em mày không lên kịp cho tao thì toi việc rồi còn gì?

Tôi thực sự đâm hoảng và cuối cùng tôi cũng cứu vãn tình thế bằng cách “luận” cho chú nghe về kết quả không mấy hay ho một tác phẩm không thai ngén đủ ngày tháng bị buộc đẻ non…!

Đòn đánh của tôi quả có phần tác dụng, bởi chú Tân đã xuống giọng thân mật:

… Thì cố gắng một chút cho chú thử nào, mấy khi chú cầu cạnh thằng cháu tích cực như bây giờ, sao cũng được, miễn là ngày mai, ờ… chiều mai nhé, có cho chú là được.

Đến nước này thì tôi đành phó mặc cho “thằng tôi” khốn khổ. Chú Tân thực sự trả lại cho tôi cái lặng im dịu dàng, trong mắt của một buổi sớm mai tháng hai ở mảnh đất thị xã này khi chú bắt chặt tay tôi, cười hề hề rồi dắt xe máy ra khỏi nhà phóng về cuối phố mất hút. Tôi lại mỉm cười một mình với ý nghĩa thật ngộ: Với cú đi này, không khéo ngày mai này chú lại buộc tôi phải đổi đề tài!

Chưa bao giờ tôi thấy bực bội bằng lúc này, hết nhìn những mảnh văn bằng kia lại cúi xuống lơ đãng đọc những con số, những dòng chữ chú Tân đã cần mẫn ghi trên trang giấy. Tất cả trở nên loạn xạ, rối bời không sao lắp ghép được, cuối cùng chúng như những bóng đáng kỳ quái nhảy tưng tưng trước mắt tôi. Đến lúc này tôi mới hiểu được rằng thế nào là giá trị chân thực của một vấn đề cần phản ánh và cái giá phải trả cho một sự hư cấu phù phiếm.

Đành phải đi dạo một vòng ngoạn cảnh mở ý, y như các văn sĩ viết tiểu thuyết thường làm khi chuẩn bị quyết định số phận của một nhân vật. Ghê gớm thật!

Khẽ mở cửa ra sau, tôi nhoài người bước ra khu vườn sau nhà, khu vườn khá rậm rạp, rợp bóng cây ăn quả, lại có những giò phong lan đeo lủng lẳng trên các nhánh cây. Cũng tại đây, tôi lại phát hiện thêm một chi tiết mới về ông chú: Ông là người chơi phong lan sừng sỏ! Tôi không rành lắm về học này nhưng tôi nói “sừng sỏ” ở đây nghĩa là chú có nhiều loại lan quá, quá tỏ người chơi có công sưu tầm. Có điều (lại có bề trái vấn đề nữa đây) sao lan tiều tụy quá, hư hao quá, những sợi dây treo mục ruổng sợi đứt sợi còn, giò lan nghiêng ngửa xốc xếch, chứng tỏ người chơi cẩu thả, tùy tiện quá mức. Tôi với tay sửa một giò lan và nghe thoảng mùi hương tinh khiết của núi rừng. Bất giác tôi bỗng bồi hồi. Đúng! Một cảm giác nôn nao khó tả vừa ập đến trong tôi mang một hương vị ngọt ngào của một thời xa vắng. Mùi hương mang một nỗi nhớ chưa định hình rõ rệt làm mắt tôi nhòe hẳn đi trong tia nắng sớm mai lọt vào kẽ lá khu vườn – như một phản xạ tôi chạy nhanh về cuối khu vườn và bỗng run lên, một gốc bưởi tàn lụi không người chăm bón, kế bên là chiếc cối đá to kềnh nằm lăn lóc rêu phong. Tôi bỗng thốt nên tiếng: Cô Dung!

Đúng, cô Mai Thị Hạnh Dung, cô giáo văn của tôi. Không thể nào lầm được, gốc bưởi kia và chiếc cối đá giã gạo đổ kềnh, và còn nữa, kia là những giò phong lan, hình ảnh và hương vị quen thuộc ập về vội vã, đau đớn, ngọt ngào làm tôi bần thần đổ gục chân xuống đám lá vàng khô trãi đều trên mặt đất.

Tôi nhớ cách đây không lâu, chú Tân viết thư cho tôi và bảo rằng chú rất khoái khi vừa mua được một ngôi nhà khá rẻ ở thị xã, tôi mừng vì chú đã có nhà gần nơi chú đi dạy học. Chú nói thêm rằng tuy thím Thoan chưa ra ở với chú nhưng chú cũng cố gắng tạo lập căn nhà và đồ đạc cho nó đường hoàng một chút vì căn nhà còn nhếch nhác quá.

Và giờ đây, chỗ tôi đang đứng, đích thị là mảnh đất của ký ức xa xưa ngọt ngào, nơi tôi, thằng Sinh “tá lả”, thằng Hoàng “quạu” và cả thằng Thắng “Đông Kisốt” cùng cô Dung – cô giáo dạy môn văn của chúng tôi, từng “hạnh phúc bên nhau!” Tôi có thể lạm dùng từ “hạnh phúc bên nhau” một lần nữa sau cái lần thằng Thắng “Đông Kisốt” buột miệng thốt lên và khiến cô Dung phải dè dặt căn dặn: “Này, ở dinh cơ của cô thì thoải mái nhưng ở lớp thì … coi chừng!”

Những ngày tháng không thể nào quên ào ạt xô về làm tôi choáng ngợp và bất chợt tự trách mình thậm tê. Tôi có thể quên đi được sao một mái ấm yêu thương, nơi mà cô Dung đã dành cho bọn tôi những giờ học ngoài thật thú vị? Tôi đã phủ lớp bụi trần tục lên ký ức vẽ đẹp đẽ về những buổi chiều bên nồi cháo bột – cá lóc bốc khói cô Dung chiêu đãi, tôi quay lưng không nhìn đến vệt sẹo dài bên cánh tay phải của cô Dung, một tai nạn trong đợt cô đưa chúng tôi đi thu học sinh giỏi văn toàn tỉnh và vội xóa nhòa trong tâm trí cái tên cô chỉ đặt riêng cho tôi “Thằng Toàn ghi ta” – Chỉ mỗi một bên tôi, khi tiếng ghi ta cất lên (hồi đó, tôi mới chỉ tập chơi xềnh xoàng), cô Dung mới thực sự trở về cái thật của riêng cô. Tôi được nghe cô phàn nàn về cái hình thức khó coi của cô rồi chuyện tình duyên ngang trái, chuyện gia đình, chuyện công tác và những kỷ niệm về những giò phong lan Trường Sơn. Trong tiếng ghi ta của tôi và tiếng hát cao vút ngọt ngào của cô Dung, tôi đã thấy cô Dung chẳng xấu chút nào, cô kiêu kỳ như một bức tranh trinh nữ.

Chúng tôi, những thằng học sinh lớp 12A thực sự lớn hẳn về tâm hồn và tri thức bên cạnh sự chăm sóc của cô, và dáng cô vẫn uy nghiêm, bật nổi giữa đội ngũ giáo viên trường. Mùa hè năm ấy, chúng tôi thực sự chia tay và lần đầu tiên tôi thấy cô khóc, những giọt nước mắt thương yêu lăn tròn trên má của cô, vầng trán thông minh thêm những nếp nhăn thời gian, và trong phút chia tay ấy, tôi vội vụt quay đi chỗ khác khi bắt gặp một tia nhìn thật buồn, thật sâu lắng. Tôi không kịp hoặc tôi không dám phân tích ánh mắt nhìn ấy, chỉ thấy cô Dung vội vã quay về…

Chưa bao giờ tôi thấy ít cảm tình với khu phố này như bây giờ, những nhà của quán xá mọc lên chi chít, sự ồn ào của những ngày thường đã trở thành đồng minh của trí nhớ tồi tệ của tôi – trong việc nhận dạng được một ngôi nhà như thế của ngày xưa. Tôi tìm đến bờ hồ nơi ngày ấy những mái tranh đã được dựng lên thành một ngôi trường. Giờ đây, khoảng đất ấy người ta đã tiến hành xây dựng nhà ở, công xưởng. Tôi bỗng ước ao được nghe tiếng kẻng vào học năm xưa phát ra từ vỏ một quả bom, khát khao được nhìn thấy từng giọt mồ hôi đổ trên lưng áo thầy cô và những cơn mưa lớn đổ về, nước rả rích giọt ướt nhòe phiến bảng. Ray rứt nỗi nhớ hình dáng một cô giáo thật hiền, thật cô đơn mà sôi động bên từng buổi giảng.

Thơ thẩn vào sân của ngôi trường mới, tôi tìm gặp được một thầy giáo còn trẻ, khi nghe tôi hỏi về cô Dung, anh ôn tồn cho biết.

- Cô ấy đã chuyển về quê dạy rồi, thật “hoàn cảnh”, ông thân của cô ấy bệnh lao phổi nặng, nhà chẳng có gì để bán mua thuốc thang, cô ấy bán ngôi nhà cho ông Tân trường mình và xin chuyển công tác về quê gần gũi thuốc thang cho cha, nghe đâu bây giờ cũng còn vất vả lắm, cô ấy vẫn chưa có gia đình.

Tôi thần người đứng lặng quên cả cám ơn anh giáo trẻ. Quê hương Nam Hà thật xa lắc xa lơ làm sao có thể làm một cái gì đó thực tình nghĩa với cô Dung. Tôi bước nhanh ra khỏi khu trường như muốn với theo những kỷ niệm và hơn nữa ông chú ngoạn mục biết đâu lại xuất hiện gọi tôi. Mà tôi thì đang đi đến những quyết định bất ngờ. Bài viết của chú Tân có hoàn thành hay không, cái đó tôi chưa nghĩ đến, nhưng cái chắc chắn nhất, thôi thúc nhất là: Phải cứu lấy những giò phong lan trong ngôi nhà oan nghiệt kia, có thể tôi sẽ làm giúp chú Tân khâu chăm chút phong lan, mặc dù tôi đang chẳng có chút vốn liếng hiểu biết gì về nó. Và một điều chắc chắn hơn: Tôi sẽ viết về cô Dung – cô giáo của tôi!

                                                                                       H.Đ.T

Hà Đình Tuấn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 3 tháng 12/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground