Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quán trọ chân đồi

Quán trọ nằm dưới chân một ngọn đồi, đồi thấp toàn cỏ tranh liền kề với những dãy núi liên hoàn của dãy Giăng Màn. Từ quán trọ có ba con đường rẽ về ba hướng nhưng đều nằm ở phía tây.

Một đường dẫn đến Trại giam Hoàn Lương. Một đường dành cho thợ sơn tràng đi cưa chặt gỗ lậu, lấy mây rừng, kiếm mật ong, măng nấm, bẫy thú,... đủ các kiểu. Và đường còn lại dẫn lên ngọn núi cao nhất, ngọn Sương Mãi. Trên đó có sư thầy, hai chú tiểu và chiếc am nhỏ. Đường đến quán trọ phải qua con sông có tên rất hay, sông Tuỳ Duyên. Chắc Ngộ cũng tuỳ duyên mà bỏ quê quán lên đây mở quán trọ. Nói bỏ quê cũng không đúng, Ngộ mồ côi cha mẹ sớm, ở với ông bà nội. Ông bà nội cũng về theo tổ tiên những ngày Ngộ đi nghĩa vụ quân sự. Giải ngũ, về làng chỉ có mấy người bà con họ xa, Ngộ khăn gói lên đây lập nghiệp. Mấy năm đầu cũng hành nghề sơn tràng với đám đàn ông ở xóm Bàu nằm bên sông. Mấy năm sau, quen rồi lấy Hạnh cũng ở xóm Bàu. Ngộ thôi nghề rừng, hai vợ chồng đưa nhau qua sông mở quán trọ cho khách thập phương.

Nói quán trọ nhưng vợ chồng Ngộ còn kinh doanh tạp hoá, cả gạo, ruốc, mắm, muối, rau quả... Những ngày đầu mở quán trọ, Ngộ nói với vợ:

- Quán trọ phải có tên, tên thật kêu mới hấp dẫn. Anh định đặt tên Mộng Mơ.

Hạnh cười rũ:

- Sống ở núi, toàn người rừng mà đặt tên Mộng Mơ. Em chịu anh.

- Hay là Biển Nhớ, Hạ Trắng, Diễm Xưa,... giống mấy quán cà phê nhạc Trịnh dưới phố.

- Thôi đi cha, quán trọ mà tên Hạ Trắng, Diễm Xưa..., nghe sến quá thể.

Hai vợ chồng cãi nhau một thôi. Ngộ đồng ý với tên Hạnh đặt, đơn giản: Quán trọ Chân Đồi.

Quán trọ mở chưa đầy một năm thì Phượng xin lên ở cùng. Phượng còn trẻ, tầm chưa tới ba mươi tuổi. Ngộ ngại ngần, ai lại nuôi gái trẻ hơ hớ ở trong nhà. Phượng nói với Hạnh:

- Chị ơi, đời em không còn gì để mất. Nhưng em là người tử tế. Em không quyến rũ chồng chị đâu. Em phụ chị buôn bán, ngày cho em hai bữa cơm, chỗ ngủ là tốt rồi. Em nói sai thì chết đuối ở sông Tuỳ Duyên này.

Hạnh nghe nói cũng xuôi, nhận lời giúp Phượng. Ban đầu cũng có ý canh chừng nhưng dần dà thấy Phượng thực lòng nên yên tâm. Phượng ở năm này qua năm khác, khách qua đường ban đầu còn hỏi, sau quen mặt, dần ai cũng ngỡ là em bà con với Hạnh.

Trại giam Hoàn Lương, người dân địa phương quen gọi là Trại cải tạo Hoàn Lương. Trại này giam giữ toàn dân chịu án hình sự như đâm chém, giết người cướp của, buôn lậu. Lâu lâu có một “ông” tù sổng trại làm cả vùng xôn xao. Cán bộ trại giam lần nào cũng đến quán trọ Chân Đồi dặn dò: nó cao khoảng chừng này, da dẻ thế này, giọng nói thế này..., thấy được thì phải tìm cách giữ chân, báo cho cán bộ biết.

Thợ sơn tràng đi rừng theo nhóm, năm bảy người cũng có, mươi mười lăm người cũng có. Mấy nhóm tìm trầm, gọi là đi “điệu” thường đi chẵn người, kiêng số lẻ, sợ xui. Bọn họ vui tính, uống rượu như bợm, say vào là hát. Rồi cũng có nhóm đãi vàng, họ vào rừng đi ngược lên các khe suối nhỏ đầu nguồn của sông Tuỳ Duyên, tìm vàng sa khoáng.

Mỗi tuần một lần vào dịp cuối tuần, hai chú tiểu trên núi xuống. Họ mua rau củ, khuôn đậu, thực phẩm ăn chay. Hai chú lúc nào cũng cúi mặt, miệng lẩm bẩm niệm Phật, tay lần tràng hạt. Thường hai chú không có tiền, chỉ khiêng theo gánh củi khô đổi chác. Vợ chồng Ngộ cũng vui vẻ đổi các thứ họ cần, không nghĩ đến lời lãi.

Một người nữa cũng hay đến quán trọ vào chủ nhật. Anh ta là giáo viên cắm bản ở gần đó, hỏi thì bảo dạy văn cấp hai, không vợ không con. Người dong dỏng cao, nước da tái xám kiểu của người bị sốt rét rừng kinh niên. Anh ta có mái tóc xoăn, đến đây chỉ gọi uống vài chai La ru. Nhìn kiểu uống và suy tư của anh ta rất nghệ sĩ. Vợ chồng Ngộ đặt luôn biệt danh cho anh là Thi sĩ.

* * *

Tranh của HIẾU HỒ

Tranh của HIẾU HỒ

Phượng không đẹp nhưng có duyên. Cán bộ trại Hoàn Lương ghé nhiều lần rồi thì thầm nhỏ to gì Ngộ không biết. Chỉ thấy từ đó về sau thi thoảng Phượng lại xin phép Ngộ vào trại chơi. Mỗi lần như thế, cán bộ cho người ra đón Phượng bằng U oát hoặc xe máy, đi từ chiều, ở lại đến sáng hôm sau thì về. Hạnh nhiều lần nói với chồng:

- Con khỉ, vào đó làm gì, mỡ đưa miệng mèo.

- Bậy bạ, họ cán bộ nhà nước mà. Chắc vào đó liên hoan tiệc tùng, hát hò thôi. Không nghe bọn nhậu nói à. Liên hoan có thịt có thà. Ăn nhậu phải có đàn bà mới vui. Ngộ vừa nói vừa trêu vợ.

- Ôi chà, nhà nước nhà nôi. Tôi chẳng tin ông nào cả. Mèo thấy mỡ, con nào cũng như nhau. Hạnh xóc xiểm.

Thi sĩ đến quán trọ bao giờ cũng gọi Phượng ra ngồi chơi. Phượng hay đùa, bảo:

- Em chẳng dám ngồi với Thi sĩ.

- Tôi dạy văn cho đám trẻ con miền núi thôi. Cũng có làm dăm bảy câu vần vèo nhưng chưa thành thi sĩ đâu em. Thi sĩ rầu rĩ đáp.

- Ở quê em ai đọc được vài câu có vần có điệu là thành nhà thơ hết. Tỉnh huyện có câu lạc bộ thơ tỉnh huyện. Đến thôn cũng có tổ thơ thôn. Thơ cũng như nông sản, theo mùa. Mùa lúa có thơ lúa, mùa bắp có thơ bắp, mùa khoai có thơ khoai. Thơ nhiều lắm, vui đáo để. Phượng tiếp lời.

- Tôi không làm thơ theo mùa. Tôi làm thơ theo nhu cầu nội tâm. Ví dụ, thấy Phượng đẹp tôi làm thơ về Phượng, tôi thất tình sẽ làm thơ thất tình. Thi sĩ bắt đầu mặn chuyện.

- À, vậy em hiểu rồi, thơ theo tình. Nhưng anh ơi, tình khó lắm. Tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Tình trong như ẻ, mặt ngoài còn da. Phượng đế vào rồi cười khúc khích. Thi sĩ nghệt mặt ra:

- Cái cô này, tôi đến thả tay.

Nhiều lần, vợ chồng Ngộ có dò hỏi Phượng chuyện quê quán, gia cảnh. Hạnh bảo chồng, hỏi cho biết, lỡ đâu cô ta làm gì phi pháp, bị truy nã. Ngộ nói, điên à, phi pháp, bị truy nã, hết chỗ nấp hay sao lên gần ngay trại giam mà nấp. Nhưng rồi cũng loáng thoáng biết, Phượng có một đời chồng, rồi vì lý do nào đó phải chia tay.

Phượng lên ở quán trọ chừng một năm thì bóng gió với Hạnh chuyện xin làm nghề bán “hoa”. Hạnh giận lắm, bảo:

- Cô nghĩ sao làm chuyện đó. Quán trọ đâu phải chỉ ở trọ, còn buôn bán trăm thứ. Mà kể cả chỉ cho ở trọ cũng không được phép làm ba cái chuyện pháp luật cấm.

- Em xin chị, ngặt là em cũng cố kiếm ít vốn về sau dưỡng già. Em không làm gì trong quán trọ cả. Có “khách” em sẽ ra phía đồi tranh sau lưng, khỏi phiền nhiễu, liên luỵ anh chị.

- Cô nghĩ đơn giản thế à?

- Em xin chị, lẽ đời chị cấm em là đúng. Nhưng em làm gì cũng có mục đích, em làm chuyện xấu mà lòng em trong sáng. Chị bỏ quá cho em. Em thề nói sai, mai ngày chết chợ chết sông.

Phượng nói như khóc, nói một hồi rồi Hạnh cũng xuôi xuôi. Chỉ dặn, cô làm gì thì làm, phải kín đáo, vạn sự xảy ra đừng kéo anh chị vào.

Quán trọ chẳng khách nào ở quá hai đêm. Tuyệt đại lỡ độ đường hoặc trúng tầm giờ chẳng kịp đến nơi trước khi trời tối phải thuê chỗ ngả lưng. Quán trọ có vài phòng cá nhân, còn lại chỉ phòng ở đông người. Tối nào có khách trọ, nhất khách thợ rừng là quán trọ tưng bừng. Họ trải chiếu trước sân, thắp vài ngọn đèn dầu. Rồi thì mì tôm xào, đậu phụng rang, rượu gạo cứ thế chảy ra như suối. Chuyện chán, rượu phê là cây ghi ta gỗ mòn vẹt chuyền quanh. Đủ thứ giọng trên đời, thanh có, khê có, nhạc bô lê rô tràn cung mây. Thi thoảng một vài khách chữ nghĩa, hoặc tỏ ra mình chữ nghĩa thì hát nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến.

Thi sĩ thường hay nói, chốn này đúng là mọi rợ. Toàn hạng người chỉ biết mưu sinh, dục vọng thấp hèn. Phượng nói với thi sĩ:

- Giống người thì dục vọng thấp hèn cả. Không thấp hèn thì anh lên núi cao mà ở. Trên ngọn Sương Mãi.

- Trên đó cũng vậy thôi, nàng ơi. Bọn tầm thường, chỉ cao hơn thấp hèn một chút. Lên đó, tránh đời thị phi chứ tu hành gì. Thi sĩ đáp.

- Vậy sao anh ở đây? Không tìm chỗ nào mà lánh đời trần tục. Phượng hỏi.

- Tôi khác. Tôi lên đây để dạy chữ, chữ là mầm thiện. Nhân bất học bất tri lý. Bọn thấp hèn thì đa phần vô học.

- Tôi thì thấy ngược lại. Phượng trả lời, ngẫm nghĩ rồi nói tiếp:

- Mà có khi cả anh với tôi đều đúng.

* * *

Nhiều năm trước đây, hai chú tiểu còn nhỏ, mỗi lần xuống núi hai chú hai đầu khiêng chung một bó củi khô. Củi ở chân núi giá không bao tiền nhưng vợ chồng Ngộ luôn chịu thiệt, đổi ngang cả chục ký gạo, còn cho thêm nhiều bánh khuôn đậu, vài chai xì dầu. Ngộ thường hỏi thăm sư thầy mặc dù chưa một lần gặp mặt. Hai chú tiểu bao giờ cũng vòng tay thưa:

- A di đà Phật. Dạ, Thầy đang tại ngự trên thảo am.

Ngộ hỏi chuyện, rồi lân la tìm hiểu, mới hay, trên núi Sương Mãi không có chùa lớn, chỉ có chiếc am nhỏ vốn là cái hang trong lèn đá vôi. Sư thầy cũng mới xuất hiện trên đó, chừng năm sau thì dắt hai đứa nhỏ khoảng năm, sáu tuổi lên núi làm đệ tử. Hai chú tiểu mặt mũi khôi ngô sáng láng, chỉ có điều nhìn kỹ, ánh mắt chúng lúc nào cũng phảng phất buồn.

Lần nọ, có tay thợ rừng kể, tôi đã lên núi diện kiến sư thầy rồi. Cha này hay lắm, tu mà không chuông không mõ, không kinh kệ gì cả. Người nghe bảo, khoác lác vừa thôi cha, tu thì phải theo sách vở, có giáo lý, đến đi rừng cũng phải tìm đường, đạp lối mà đi. Đường chưa có lấy gì đi. Đi mà lạc đường cũng chết. Tay thợ rừng kia bảo, còn lạ hơn nữa ấy chứ. Cha này không ăn thực phẩm gì cả. Quanh am chỉ độc trồng loại mai rừng, nở quanh năm. Nghe bảo, hắn chỉ ăn hoa mai, uống sương hứng được từ hoa mai mà sống.

Thi sĩ ngồi bàn bên cười nhạt:

- Thật là vi diệu. Tôi có chút chữ nghĩa, bình sinh nghe nói chỉ có Chu Thần Cao Bá Quát quỳ lạy hoa mai. “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, nghĩa là ta sống một đời chỉ biết quỳ lạy hoa mai. Nay mới nghe các anh nói có người ăn hoa mai, uống sương từ cánh hoa mai mà sống.

- Thầy nói vậy vì thầy chưa biết. Tôi nghe ở trong Nam có ông chỉ ăn toàn dừa, uống nước dừa mà lập ra Đạo gọi là Đạo Dừa. Ông ta còn lên ngôi chủ soái. Tay thợ rừng cãi lại. Phượng sợ bọn họ nổi xung bèn nói với Thi sĩ:

- Thì như anh, chẳng thấy cơm nước mồi mè gì cả, tới đây chỉ làm vài chai La ru. Mai này bỏ làm thơ, lập ra đạo La ru cũng nên. Nghe Phượng nói, cả bọn cười ầm.

Thi sĩ hỏi Phượng, em biết gì mà nói về Đạo. Phượng cười, anh chưa vợ, có cái đạo cần biết còn chưa tỏ thì hỏi gì em. Thi sĩ đỏ mặt, ngao ngán.

Thời gian thấm thoát, hai chú tiểu giờ đã cao lớn. Leo núi nhiều hoặc đi rừng lấy mây, đào măng nhiều nên chú nào cũng thân hình rắn chắc, khoẻ mạnh. Bây giờ xuống núi, mỗi chú một gánh đi phăm phăm. Mỗi lần hai chú xuống quán trọ là Phượng lại vuốt má chọc ghẹo:

- Thế này thì lãng phí quá, có tội nữa nghe hai em.

- A di đà Phật. Hai chú mặt đỏ như gấc, chắp hai tay cúi người.

- Chị nói thiệt. Chị mà như hai chú thì chị bái bái lâu rồi. Phượng vừa nói vừa hát: Thôi về đi, đường chùa đâu có gì. Tóc xanh mấy mùa... À quên, các chú lấy tóc đâu mà xanh.

* * *

Phía sau quán trọ có con đường mòn dẫn lên đồi Cỏ Hồng. Ngọn đồi lúp xúp sim mua nhưng dày đặc cỏ đuôi chồn, loại cỏ xanh tốt cao ngang ngực, ngọn cỏ đúng mùa nhuộm tuyền màu hồng phớt như màu tóc các cô gái ăn chơi phố thị. Mùa cỏ lên màu, dân thị xã kéo nhau lên đây dạo chơi, chụp ảnh, các đôi trai gái tìm nơi ngả lưng tâm sự. Năm nào đó, gã đàn ông râu ria lông ngực bặm trợn tên Biền lên đây lần đầu tiên. Biền vốn người vùng này, nhiều năm lăn lộn ở các bãi vàng Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Vàng Phước Sơn có dấu hiệu cạn kiệt, gã chuyển về đây làm “Bưởng” nhưng nhà ở thị xã. “Bưởng” tương đương với chủ soái, đại ca một bãi vàng. Biền cai quản bãi vàng sâu trong dãy Giăng Màn nhưng chỉ huy từ xa, chỉ đạo vận chuyển máy móc, lương thực vào bãi và gom vàng về xuôi. Mỗi lần Biền lên thường ở lại quán trọ Chân Đồi cả tuần lễ, mười ngày. Biền ăn nói rổn rảng, chẳng kiêng dè ai. Lần đầu tiên gặp Phượng đã buông lời tán tỉnh:

- Hơ hơ, không ngờ chốn thâm sơn cùng cốc lại có nàng tiên nữ.

- Ở đây gần trại cải tạo Hoàn Lương lắm. Phượng cảnh báo.

- Đại ca đây có sợ ai đâu em ơi. Suốt đời lương thiện, ăn mày lộc đất thì đâu đến nổi phải hoàn lương. Em đừng dối lòng mình, yêu anh đi, tiền ròng bạc chảy tha hồ ăn chơi, nhảy múa. Gã nói.

- Tiền bao nhiêu là nhiều, tình bao nhiêu là vừa. Nhớ là tiền bao nhiêu thì tình bấy nhiêu. Phượng thả câu.

- Ok tiên nữ. Em cứ ra đòn quyết định. Gã đáp rồi hát. Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không...

Trừ những ngày cuối tuần, Phượng vào trại chơi với cán bộ, còn lại quấn quýt với Biền. Uống rượu, hát hò rồi hứng lên là kéo nhau vào đồi Cỏ Hồng. Hạnh bảo:

- Chị thấy mày đi với thằng Biền suốt, coi chừng bụng ôm trái bưởi thì không biết mặt mũi để đâu.

- Chị yên tâm, có thằng dân tộc đã chỉ cho em cây thuốc dấu a năn. Hái lá cây này để dưới lưng thì có nằm với nhau cả năm cũng không “dính”. Phượng đùa với Hạnh.

Cán bộ trại thấy Biền cũng gai mắt, có người bảo Phượng:

- Em đi với thằng vô học ấy làm gì, trước sau gì nó cũng vào gặp bọn anh.

- Em cũng chẳng biết nữa, nhưng nó nhiều tiền, nó gặp các anh là chuyện nó. Em chỉ cần cái khác. Phượng trả lời.

Biền cũng dấm dẳng với Phượng:

- Tiên nữ sao lại chung thân với bọn vô lại ấy làm gì. Chúng mang áo nhà nước nhưng lòng dạ sài lang lắm em ơi. Bọn nó thì cứ tiền với gái là mua được cả, anh lạ gì. Em cứ ra đòn quyết định với chúng nó.

- Em cũng chẳng biết nữa, nhưng bọn nó có quyền, nó vô lại là chuyện chúng nó. Em cần cái khác. Phượng đáp.

Riêng Thi sĩ buồn ra mặt nhưng câm lặng. Mỗi lần ra quán trọ lại gọi bia ngồi độc ẩm. Mái tóc nghệ sĩ loà xoà, miệng hay lẩm nhẩm những gì không ai nghe rõ. Biền nói với Phượng:

- Quán trọ này nhiều người tốt. Vợ chồng chủ quán tốt. Em cũng tốt. Tay Thi sĩ này cũng tốt nhưng hắn bất hạnh nhất. Tốt mà có chữ thì thì trăm phần trăm là bất hạnh.

Mỗi bận Biền về thị xã, cán bộ trại bận họp hành không đưa Phượng vào chơi, Phượng lại ngồi với Thi sĩ. Phượng đưa đường vài ngụm bia rồi trò chuyện, những câu chuyện không đầu không cuối. Thi sĩ hay đọc thơ, những câu thơ Phượng chưa nghe bao giờ, cũng chẳng hiểu lắm nhưng thấy buồn. Đại loại: Cánh hoa sắc một lưỡi dao. Vì yêu anh cứ cầm vào như không. Đừng buông giọt mắt xuống sông. Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm... Phượng hỏi:

- Thơ anh à?

- Không, thơ của một nhà thơ khá lớn. Thi sĩ buồn rầu nói.

- Em tưởng thơ anh. Bà ngoại em cũng hay đọc thơ kiểu như thế.

- Tôi có làm nhưng thơ chưa hay. Bao giờ thành thi sĩ tôi sẽ cưới em. Nhưng phải hỏi trước: Em bỏ chồng về ở với tôi không?

- Em có chồng đâu mà bỏ. Hỏi thật nhé, nếu về ở lấy gì nuôi nhau? Anh cho em sống bằng thơ à?

Thi sĩ lắc lắc mái tóc loà xoà, thở dài:

- Vấp đời phàm tục tan vỡ chiếc thuyền tình. Tôi với em thanh toán, thế là xong. Cũng thơ nhé, nhưng không phải thơ tôi.

- Anh say rồi, thôi uống chừng đó, bữa khác mình ngồi lâu hơn. Bao giờ Phượng cũng nhắc chừng Thi sĩ. Và đứng nhìn theo bóng Thi sĩ khuất dần phía con đường đất đỏ vốn bụi mù vào mùa khô, nhão nhoét vào mùa mưa.

* * *

Năm nào đến dịp Tết hoặc đôi ba lần giỗ chạp phía bà con xa, vợ chồng Ngộ lại gởi quán trọ nhờ Phượng coi giùm. Thường khi về lại thấy mảnh vườn trước quán trọ hoặc bờ rào mọc thêm vài khóm hoa, dây leo chính tay Phượng trồng. Khi thì bụi trúc, cây trạng nguyên hoa đỏ thắm, khi thì bụi sử quân tử cành nhánh quấn vào nhau. Phượng bảo, buồn quá, rảnh tay trồng cho đẹp. Với lại khi nào mảnh vườn tươi tốt, bờ rào nở đầy hoa, em sẽ về quê. Hạnh nói với chồng:

- Con bé này cũng lãng mạn thiệt. Nhìn nó chăm hoa mà em phát ghen. Người như nó mà số long đong lận đận kể cũng lạ.

Có vài lần thấy Phượng chăm hoa, Biền cũng xúm vào cột dây, vun gốc. Vừa làm vừa véo von: Chơi hoa chớ để hoa tàn. Yêu người chớ để người tan nát lòng. Thà tan một đám cỏ hồng. Còn hơn để phận má hồng phôi pha. Phượng bảo, ra anh cũng biết làm thơ? Biền nói, thơ phú gì đâu. Thơ để cho chàng Thi sĩ. Anh đây bạc áo hào hoa vì vàng. Mai đây anh cưới được nàng. Thì anh giao cả rương vàng cho em. Phượng bảo, ghê, vàng cả rương thì ăn đến đời cháu cũng không hết.

Năm đó mùa đông trời đổ mưa to dài ngày. Sông Tuỳ Duyên nước ngập cao hơn chân đồi cả ngọn tre, mấp mé sân quán trọ. Mưa to, cánh phu vàng mắc lại giữa rừng sâu, Biền phải ở lại quán trọ để lo liệu. Tình cờ Thi sĩ ra chơi kẹt lũ ống con suối gần trường không về được cũng ở lại luôn thể. Quán trọ thành ra có năm người, ngồi bó gối nhìn ra màn mưa mù mịt. Hoa cỏ Phượng trồng quanh bờ rào và mảnh vườn nhỏ bị gió mưa quất rát, cành nhánh gãy rạp. Thấy Phượng mắt nhìn trống không, chẳng tỏ vẻ buồn, Biền nói:

- Thì ra lòng người đâu thấu được lòng hoa. Hoa đau mà người đâu có hay. Cả hai chẳng ai ra đòn quyết định.

Hạnh bảo:

- Chú Biền giang hồ mà cũng đặt bày nói chuyện đạo lý.

Biền đáp:

- Chị mới là người chưa biết đạo lý. Đạo lý của tôi là vàng, là tiền. Chị có hiểu gì về Phượng không?

Phượng xen vào, mắt xuyên không qua màn mưa:

- Em lạy các anh các chị. Phận người chỗ hoang vu này như sâu như kiến. Ăn ở thế nào có trời đất biết.

Thi sĩ chen ngang:

- Hoa nào nhỉ? Có ai để ý năm vừa rồi, hai chú tiểu không xuống núi?

Ngộ giật mình:

- Đúng rồi, tôi nhớ năm này hai chú tiểu vắng bóng. Mà Thi sĩ nói gì, anh không hiểu?

- Thì tôi cũng nói chuyện hoa. Hôm trước nghe cánh thợ sơn tràng bảo vị sư già đã nhập thất vào hang sâu rồi tịnh thân ở trong đó. Hai chú tiểu tìm thầy, tìm mãi nghe nói cũng lạc vào hang sâu rồi mất tích luôn.

Ngộ bảo:

- Hà cớ chi lại xảy ra chuyện?

Thi sĩ trả lời:

- Nghe bảo vị sư già đắc đạo nhìn thấy được quá khứ vị lai. Ông ta để lại di ngôn nói rằng nhục thân của ông sau này sẽ hoá thành cây Thần Mai, mỗi mười năm nở hoa một lần. Ai may mắn nhìn thấy sẽ chứng ngộ, cõi lòng thanh thoát, tiêu hết thảy mọi phiền nhiễu, ô trọc.

Hạnh cười:

- Nghe như chuyện thần tiên. Chắc trên núi cao khổ quá, thầy trò dắt nhau tìm chốn khác no đủ hơn. Có khi hai chú tiểu đã hoàn tục, con đàn cháu đống.

Ngộ bỗng gắt vợ:

- Em buồn cười. Chốn thiền môn đâu phải nơi để đùa.

Biền ra giọng can ngăn:

- Tôi xin anh chị. Chuyện đời muôn nẻo chẳng nên đem lòng phân biệt phải trái, đúng sai. Như tôi, mưu sinh chốn rừng sâu, đạp lên nhau mà sống há chẳng còn thiện lương hay sao?

Đang trò chuyện bỗng dưng trời sầm sập một cơn mưa lớn. Sấm sét nổ vang trời xé rạch trời trên dãy Giăng Màn. Phút chốc, gió ngày càng mạnh hơn rồi vần vụ trên ngọn Sương Mãi. Tấm bảng hiệu quán trọ rơi xuống mặt sân, hàng chữ trên biển hiệu văng mất các dấu. Thi sĩ nhìn tấm bảng hiệu rồi ngậm ngùi nói:

- Bây giờ thì đã rõ, Quán trọ Chân Đồi chỉ còn là Quán trọ Chán Đời.

* * *

Không biết họ chán đời hay đời chán họ mà năm sau quán trọ Chân Đồi cũng như những người gắn bó với nó bắt đầu xảy ra nhiều vụ việc. Đầu tiên, một đêm nào đó Biền mang gói tiền to đặt dưới chân Phượng rồi quỳ xuống. Nước mắt giang hồ chảy ra là khô ngay. Biền nói với Phượng:

- Đây là số tiền còn lại. Anh không có vợ con, họ hàng thân thích. Phiền em cầm lấy, sau này còn nhớ nhau thì giúp cho đôi lần hương khói. Biền nói xong giây lát đã bị tốp công an truy tìm ập vào đè cổ, còng số tám tra vào tay.

Cũng một ngày sau đó không lâu, đám cán bộ chủ chốt trại cải tạo Hoàn Lương trên chiếc U oát thùng đi ngầm chìm qua sông Tuỳ Duyên. Nửa đêm, không biết thượng nguồn mưa lớn, lũ ống tràn về trôi cả xe lẫn người. Trên xe toàn người quen của Phượng, chẳng ai sống sót. Nghe tin, Phượng khóc một tiếng, cười một tiếng. Hạnh hỏi, Phượng bảo họ vừa là ân nhân nhưng cũng là kẻ thù của em. Hạnh hỏi, sao lại ân nhân, sao lại kẻ thù? Phượng bảo, em cho họ tình, em cho họ tiền, họ cho em cái khác.

Nhưng lạ lùng hơn cả là một buổi sáng mùa nào không nhớ rõ. Chỉ nhớ dãy Giăng Màn in đậm dáng núi trầm mặc trên nền trời xanh, chỉ nhớ ngọn Sương Mãi đầu núi quấn ngang mây trắng. Đồi Cỏ Hồng đang trổ màu lốm đốm, nửa hồng nửa xanh. Phượng dắt một người đàn ông tuổi trung niên bước vào quán trọ. Cả hai quỳ trước mặt đôi vợ chồng tóc cũng đã ngả màu muối tiêu. Phượng thưa:

- Đây là chồng em. Vợ chồng em quỳ lạy anh chị. Bao năm qua nhờ anh chị cưu mang mà vợ chồng em có ngày hôm nay...

Hạnh và Ngộ chợt hiểu ra. Người đàn ông đi cùng Phượng còn mặc nguyên chiếc áo tù, sau lưng còn số hiệu của trại cải tạo Hoàn Lương. Phượng nức nở:

- Không nói ra chắc anh chị cũng biết. Chồng em vướng vòng lao lý lúc còn trẻ, án dài cả đời người. Em không bỏ anh ấy được nên lên đây nương nhờ anh chị. Bao nhiêu tiền bạc làm ra, cả xác thân mình, em cũng đổi lấy tự do cho anh ấy. Anh chị ơi, nhiều năm qua, mỗi năm giảm án một ít, giờ thì em cũng đưa được anh ấy về với cõi người.

Phượng còn nói nhiều nữa nhưng hai vợ chồng chủ quán trọ Chân Đồi chỉ nhớ mang máng. Rằng Phượng cám ơn số tiền anh Biền để lại, số tiền đó nói theo kiểu của Biền là “cú ra đòn quyết định” đưa chồng Phượng ra khỏi trại giam. Rồi Phượng đã rủ bỏ được phiền muộn, không oán thù ai, kể cả những cán bộ trại giam thường đưa đón Phượng đi chơi cuối tuần. Rồi nữa, rằng thì là...

Một năm sau, Hạnh bàn với Ngộ sang lại quán trọ Chân Đồi cho người khác. Hai vợ chồng vào ở hẳn xóm trong, phát nguyện ăn chay trường. Cả hai không có thời gian rảnh, hết đi thiện nguyện nơi này lại đến nơi khác.

* * *

Nhiều năm sau, tôi từ thị xã lên tìm mua cây cảnh và các loại kỳ hoa dị thảo. Tình cờ đến nơi này, ngay quán trọ ngày xưa của vợ chồng Hạnh, Ngộ. Chủ quán trọ là thầy giáo dạy văn đã nghỉ hưu, ở một mình không vợ con. Quán trọ có tên Chân Đời. Dân cư ở xung quanh cũng có vẻ đông đúc, vài năm nữa nơi đây có khi thành thị tứ. Buổi tối, làm quen nhau bằng vài ly rượu thuốc, chủ quán thường hay đọc thơ, thơ của ông hay người khác tôi chẳng rõ. Tôi hỏi, sao không đặt tên quán Hạ Trắng, Diễm Xưa... cho hợp mốt. Ông giáo già cười, mấy cái tên đó tầm thường quá. Tôi lại hỏi, thế Chân Đời có nghĩa gì? Ông giáo già bảo, Đời là đời, còn Chân là bản thể, chân như như trong giáo lý nhà Phật. Qua lời kể của ông giáo già tôi mới biết gốc gác của quán trọ Chân Đời, biết đến vợ chồng Hạnh, Ngộ, biết Phượng và Biền, biết cả chuyện sư thầy và hai chú tiểu...

Mảnh vườn bé xíu ngày xưa Phượng trồng hoa bây giờ tràn ngập cỏ hồng. Ở chính giữa mảnh vườn mọc lên một cái cây kỳ lạ. Đó là lý do tôi ghé chơi nhiều ngày, gạ mua nhưng ông giáo già không chịu bán. Cây thuộc loài thân mộc, vỏ xù xì giống loài mai núi trên dãy Giăng Màn nhưng lá lại giống cúc. Phần gốc cây phình to rồi thắt lại rồi phình ra ở bên trên. Nhìn phía nào của gốc cây cũng thấy rõ dáng vị sư già đang tọa thiền ở tư thế kiết già. Chỉ có điều cây chưa hề ra hoa và chẳng ai biết hoa có màu sắc, hình dáng thế nào. Năn nỉ mãi, ông giáo già bằng lòng nhượng lại cho tôi với một điều kiện.

Nước sông Tuỳ Duyên xanh ngắt, nhìn thấu tận đáy. Mộ Biền nằm ở gò cao, cô độc và yên tĩnh giữa bốn bề lau lách. Mộ của những cán bộ trại cải tạo Hoàn Lương chết trong trận lũ quét cũng nằm cách đó không xa, Ông giáo già nói, năm nào mùa tảo mộ, vợ chồng Phượng cũng lên đây thắp hương cho Biền và các cán bộ. Tôi cũng đã gặp vợ chồng Hạnh, Ngộ. Hai người đã lớn tuổi, ngoài việc thiện nguyện thường khoác áo đạo tràng tham gia Ban Hộ niệm cầu kinh, niệm Phật giúp việc tang gia quanh vùng.

Thợ sơn tràng tôi thuê mướn cẩn thận đào bới, dời chuyền cây kỳ mai lên thùng xe bán tải. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sở hữu được cây độc, thế lạ. Lo không biết về dưới kia, dù tự tay chăm sóc cây có chịu ra hoa. Tiễn tôi, Hạnh bảo về dưới kia cố công chăm sóc thì rồi sẽ nên thành tựu. Ông giáo già thì bảo, hoa có đẹp mấy cũng chỉ là hình tướng, nở rồi tàn. Chánh niệm thì tâm luôn ngập tràn hoa cỏ. Tôi gật đầu, nhìn ra xa. Nước sông Tuỳ Duyên vẫn xanh ngắt một màu, nhìn thấu đáy.

P.X.H

 

PHẠM XUÂN HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 342

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground