Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quê nhà mênh mông

Sau những uất ức và sợ hãi, cuối cùng mẹ cũng buột miệng nói ra lời đã nín nhịn bấy lâu, mẹ nhìn thẳng vào Long và dằn từng tiếng rất rõ, tất cả là do bây. Thực sự, những ngày rồi, Long cũng đôi lần nghĩ là do mình. Bữa còn thở khỏe, ba dặn Long đừng suy nghĩ chi, người ta có số cả. Lời ấy của ba khiến Long thôi lo sợ và an tâm hơn. Cho đến hôm nay, chính tai nghe những lời ấy từ mẹ, Long nghĩ do mình thật rồi. Tất cả là tại mình.

Hôm rồi, cậu nói đất ở quê giờ có giá lắm. Một dự án mở rộng đường quốc lộ đi ngang qua ngôi làng heo hút, xa xôi ở xóm mình. Theo dự án, chỗ xóm nhà mình ở khu vực gần với bùng binh, ngay trung tâm đường được mở rộng. Thế nên cơn sốt đất tự nhiên đến, mà chi chứ đất ở đây thì nhà ai cũng tính bằng hecta chứ không phải bằng mét. Cuối năm ngoái, hàng xóm bán đất được hai tỷ bạc, nhà đó xưa chừ mua chi cũng phải bán bò bán heo rồi mua trả góp, chưa bao giờ cầm hai chục triệu tiền mặt trong tay chứ nói chi tiền trăm triệu, tiền tỷ. Trong xóm nhiều nhà thấy vậy rồi đo đạc, tính toán để bán đất theo. Cậu cũng nóng ruột lắm, mợ hối cậu đất đai được giá vậy thì bán quách cho rồi. Cậu lừng khừng, chần chừ rồi nghĩ cũng chẳng thiếu thốn chi lắm mà bán đất đai của ông mệ. Vừa rồi, người ta chui vô tận vườn, hỏi bâng quơ rồi trả chỗ vườn chuối tới sát vách nhà là hơn ba tỷ. Phải chi, nhà bây để đất lại, phải chi cứ ở đây, bỏ vô Sài Gòn làm chi. Như nhiều lần, cậu chốt lại câu cuối bằng tiếng thở dài và cái chép miệng, sau đó sẽ là những bực dọc có lý do của mẹ dành cho cha con Long.

Long không ép buộc ba mẹ bán đất bán nhà vào đây ở với mình. Anh chỉ nói nhất định sẽ xây dựng sự nghiệp ở đây, chứ không có ý định về quê. Hồi đó, Liên cũng nói trước với Long, rằng không muốn về đó sống, dù bây giờ hay sau này. Tết năm nào đó dẫn Liên về ra mắt, cô nũng nịu khó chịu khi điện đóm chập chờn, mạng internet, mạng điện thoại lúc có lúc không. Đường sá gồ ghề, tối thui, muốn đi uống cà phê phải chạy xe máy chục cây số lên thị xã mới có quán xá đàng hoàng. Xung quanh làng toàn cây cối rậm rạp, âm u. Liên bảo em ớn lắm, anh thương em thì phải ở thành phố lập nghiệp, em nhất quyết không về quê, còn không chúng ta chia tay. Cũng có khi lời hù dọa đó của Liên góp thêm quyết tâm trụ lại thành phố của Long. Anh cũng không muốn về lại quê nhà chút nào khi đã quá quen với nhịp sống chộn rộn của thành phố với những tiện nghi đủ đầy. Khi nói ra ý định với ba, rằng ngành nghề của con cần ở thành phố làm việc, cần ở đây để phát triển sự nghiệp. Ba mẹ ở xa, con không tiện chăm sóc. Nếu có thể, ba mẹ hãy vào đây ở với con.

Tranh của HOÀNG CÔNG DANH

Tranh của HOÀNG CÔNG DANH

Xưa nay ba mang tiếng ở rể đất nhà vợ, nên chi ông chẳng chần chừ, ba đồng ý bán nhà bán đất vô Sài Gòn ở với thằng con duy nhất. Ba đưa ra quyết định nhanh chóng khiến Long cũng khá bất ngờ. Chỉ có mẹ phản đối. Mẹ nói vô đó chật chội, ồn ào. Mẹ muốn ở gần cậu để anh em có nhau. Dĩ nhiên bỏ phiếu thì mẹ thua, vì cha con Long đều quyết tâm cao độ. Bảy năm trước, chỗ đất và ngôi nhà của gia đình Long đã bán với giá khá bèo so với bây giờ. Biết sao được, đất đai là thứ lên giá nhanh chậm như nỗi hên xui của đời người vậy thôi. Phải mà còn đất cát mênh mông đó, giờ chẳng phải lo lắng chi. Cậu lâu lâu điện vô nói vài câu gắt gỏng vậy. Mẹ càng tiếc rẻ, suốt ngày chì chiết hai cha con khi nghe tin người mua miếng đất của nhà Long năm xưa, giờ bán lại với giá gấp năm lần.

Với số tiền ngày đó bán đất, thêm một ít tiền tiết kiệm của cha mẹ và tiền để dành ít ỏi của Long, cả nhà mua được một căn chung cư nhỏ ở rìa thành phố. Chừng ấy năm ba mẹ vô thành phố ở cùng, thực tình Long chưa làm ba mẹ vui chút nào. Liên tính khí đỏng đảnh, tiểu thư, mẹ chồng con dâu mặt nặng mày nhẹ suốt. Cô kêu mẹ khó tính, hay bắt bẻ, cô không chịu nổi cảnh làm dâu khó khăn này. Vợ chồng Long chưa có con nên cuộc hôn nhân kết thúc chóng vánh sau đó một năm. Long lao vào làm việc, mất hết niềm tin vào tình yêu, vào phụ nữ. Mẹ thêm buồn bã, u uất, than nhớ nhà, nhớ quê, nhất là mỗi bữa đi chợ về, thể nào cũng dậy lên những so sánh và mượng tượng không dứt về giá cả, về chất lượng thực phẩm các thứ…

Thực ra, mẹ không đến nỗi khó tính nhưng Long nghĩ những khác biệt về phong tục, thói quen, cách ăn nói, cư xử khiến mâu thuân giữa Liên và mẹ luôn căng thẳng. Những tù túng, chật hẹp của cuộc sống thành phố làm mẹ thêm khó chịu. Ba thì dễ thích nghi hơn, cũng có khi tại nơi đó chẳng còn chút gì quyến luyến nên người ta dễ lòng neo đậu vào chốn lạ. Ba bắt kịp với cuộc sống ở đây khá nhanh, ông xin làm bảo vệ ngay dưới sảnh khu chung cư. Tính khí vui vẻ hoạt bát của ông khiến nhiều người quanh đây đều yêu mến.

Những buổi sáng, cậu gọi vào cho mẹ trong tiếng gà gáy sớm và nhấn nhá vài ba thông tin vặt. Như năm nay bầu, bí, mướp được mùa, trái sum suê ăn không hết, bán thì rẻ ê hề. Lúa má cũng được mùa, nhà ai cũng phơi đầy sân. Ở làng, họ bán đất ào ào rồi xây nhà khang trang, nên chừ, nhìn quanh xóm toàn nhà đẹp. Cậu nói sang năm cậu cũng mần thêm tầng hai, sơn sửa lại nhà để lấy vợ cho thằng Hưng, nó đã nhắm được con bé làng bên. Dựng vợ gả chồng gần gần thế này hay, quanh đây con cái nhà ai mình cũng rõ tính nết từ bé rồi nên không phải lo lắng nhiều.

Sau câu chuyện của cậu, thể nào không khí trong nhà cũng khó chịu. Mẹ dằn hắt, bực bội với cha con Long. Bảo Long nhắm được đứa nào thì cưới cho rồi, để mẹ còn bồng cháu, mai mốt già, xương khớp rệu rã lấy đâu ra sức mà chăm lo cho bây. Mà gắng tìm đứa nào cùng quê cho dễ sống với nhau. Vài ba tiếc rẻ, mẹ thậm thụt thể hiện qua tiếng thở dài. Biết đường nhà mình có ngày thành quốc lộ, tôi nhất quyết cản ngăn cha con bây. Ba cười hiền lành, đời mà biết trước vậy thì còn chi vui. Ai cũng biết chắc ngày mai sẽ tới nhưng nó thế nào thì đâu rõ, biết thì người ta trúng số cả rồi.

Khi Sài Gòn bùng dịch, Long làm việc tại nhà. Ba vẫn phải trực ở sảnh chung cư, còn lo phân phối hàng hóa thực phẩm cho các tòa nhà. Thế rồi từ F1, ba thành F0. Cả nhà cùng chiến đấu với dịch bệnh nhưng ba ngày càng trở nặng. Ba hôm trước, người ta đến đưa ba đi cấp cứu. Mẹ suy sụp, khóc không thành tiếng. Hôm qua, cậu gọi vào, nói ở quê vẫn bình yên, đâu đó có vài ca nhiễm nhưng đã kiểm soát được. Phải chi cứ ở đây, đua nhau vô đó làm chi rứa biết. Những lời nói ấy của cậu như thêm dầu thêm lửa vào cơn tuyệt vọng và sợ hãi của mẹ. Ăn năn và hối hận đôi lần ghim vào tâm trí Long, nhất là khi thấy ba dần trở nặng, khó thở và sốt cao.

Tiếng còi hú của xe cấp cứu làm hai mẹ con thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Nhà hàng xóm có người mất, tro cốt còn chưa đem về được. Mấy chuyện này ở khu chung cư giờ nghe như cơm bữa. “Chừng nào hết phong tỏa, nhà mình liên hệ để nhận.” Nhận tro cốt người thân mà cứ nghe như nhận thứ chi đó. Hàng xóm gục xuống. Bên này, mẹ cũng run rẩy. Hai mẹ con cứ thấp thỏm, sợ rồi ba cũng trở về bằng cách tương tự. Cũng may, mấy hôm nay hai mẹ con đã xét nghiệm âm tính nhiều lần. Long sợ mẹ vì chuyện này mà bệnh nặng thêm.

Luôn có lý do để người ta bứt lìa nơi chôn rau cắt rốn mà không chút đắn đo vướng bận, day dứt. Đôi khi một cắc cớ nhỏ cũng khiến người ta chấp thuận dù không thích thú chi. Không hẳn là ba không yêu mến vùng đất ấy. Ông rời đi nhẹ tênh cũng có lý do, bởi không ngờ người ba từng quen biết năm xưa lại chính là mợ, người vợ mới của cậu. Vì ngại ngần, sợ khó nhìn mặt nhau, sợ ai đó biết được chuyện này, ba tránh đi, chứ ở gần nhau cũng khó nhìn mặt.

Thế rồi sau trận chết hụt đó, ba nhận ra chẳng gì quan trọng bằng những giây phút sống bình yên bên gia đình. Ba nói Long cứ ở thành phố nếu muốn, ba sẽ đưa mẹ về quê để sống những ngày nhàn nhã còn lại. Khỏi phải nói, mẹ mừng vui biết chừng nào, mà Long cũng thấy nhẹ nhõm bởi quyết định này của ba. Không phải là tính xa xôi như cậu hay nói, rằng chết ở quê còn có đất chôn, đám đình có làng họ lo đàng hoàng, tử tế. Nhưng quả thực, người ta đến tuổi này chỉ lo chừng ấy việc, lo nơi chốn mình nằm xuống một ngày bất thình lình nào đó.

Cậu cắt cho ba mẹ miếng đất đủ để cất một căn nhà nhỏ. Mẹ háo hức khoe ở quê dạo này đường sá êm ru, đường bê tông chạy dài từ ngoài đường lộ vô xóm nhỏ. Khúc mô cũng có đèn đường sáng rõ. Nhiều thanh niên về quê lập nghiệp nên quán xá mọc lên đầy rẫy. Làng bây chừ đẹp đẽ, khang trang, hiện đại hơn nhiều. Đâu đâu cũng nghe khẩu hiệu chung tay xây dựng nông thôn mới để làm thay đổi bộ mặt thôn xóm. Người ta về lâu về dài chỉ đi lên chứ đâu ai đi lùi, đi xuống. Nói câu đó xong cũng có chút ngậm ngùi, sợ Long suy nghĩ nên mẹ dịu dàng nói tiếp, mà từ phố về quê không tính là đi lùi đâu con. Long đã quyết định về quê sau khi thu xếp công việc trong này. Anh đã liên lạc với một vài người bạn để có kế hoạch phát triển kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ngoài đó. Bạn anh kinh doanh nông sản, hoa màu sạch, họ cần anh hỗ trợ góp sức để đưa các sản phẩm này lan tỏa.

Trận dịch năm đó trở thành lịch sử khi hình ảnh hàng ngàn người nối đuôi nhau chạy xe máy về quê. Họ bỏ thành phố, trở về quê hương để nương náu, để làm lại từ đầu nơi chốn đã rời đi. Nhấc chân ra khỏi quê nhà không phải là điều gì đó quá lớn lao to tát, nhưng chắc hẳn, ai cũng có lý do. Và nếu có cơ hội, hẳn rằng, ai cũng mỉm cười, vui vẻ quay về bởi ở đó quê nhà luôn mênh mông. Long thầm nghĩ, vừa mừng vừa hồi hộp với quyết định này. Chưa kể, nghe tiếng cậu mợ và ba mẹ rôm rả, bảo đã nhắm cho anh một cô gái ở xóm bên, mà cũng không phải ai xa lạ chi, cô ấy là bạn học năm xưa, người Long từng rung động. Chưa biết mọi chuyện tiếp theo thế nào, nhưng lòng anh bỗng vui vẻ, dễ chịu khi nghĩ đến những ngày sắp tới ở quê nhà.

                                                                                                                                          Đ.M

 

ĐỒNG MAI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 338

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground