Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Rạc Rờm

Hơn một tháng trời, Lương lặn lội từ bản này qua bản khác. Muốn làm tốt công tác phải gần dân, biết dân và để cho dân biết, dân tin, dân yêu, không có cách nào khác. Đúng như Đại tá phó Giám đốc Sở đã cho biết trước, dân ở vùng núi cao này ở rất thưa thớt, mỗi bản xa nhau hàng chục cây số

Nếu theo đường chim bay, có khi bản này cách bản kia chỉ vài cây số, nhưng phải vòng qua nhiều đồi núi mới đến được. Không có đường lớn, chỉ có đường mòn, thậm chí có nơi đường mòn cũng không có, phải dựa vào bản đồ, lấy hướng mặt trời mà đi. Lương thay đôi giày đen không phù hợp với việc đi đường rừng bằng đôi giày vải cao cổ chống vắt bám, có đế chống trơn trượt. Vậy mà không ít lần vào những ngày mưa dầm dề, anh ngã dúi dụi, đôi tay và vùng cổ bị gai cào, lách cắt túa máu. Vắt vẫn chui được vào háng vào nách, hút máu no tròn. Mò tay bắt được một con vắt, chỗ vắt bám rỉ máu vài chục phút mới cầm. Máu thấm đỏ khắp quần áo, cứ như bị thương sau một trận đánh.

Lương trao đổi với già làng ý muốn vào Rạc Rờm. Già làng nheo hai con mắt, rít một hơi thuốc. Lương kìm cơn ho sặc, không dám đưa tay lên phẩy khói, chờ đợi già làng qua cơn phê thuốc. Nhìn khuôn mặt vày vò, thân hình gầy khô của già làng, tưởng như vừa lôi ra từ lò sấy. Lương biết, ẩn chứa ở trong đó bao nhiêu điều anh muốn biết về vùng sơn cước này. Già làng lại nhồi thuốc vào tẩu nhưng không châm lửa. Nhìn Lương già nói:

- Cán bộ không nên vô Rạc Rờm mần chi. Ở trong đó chỉ có tám gia đình.

Lương thêm lời:

- Dạ đúng, tám gia đình, bốn mươi chín nhân khẩu.

- Tao không biết tụi hắn đẻ ra thêm mấy đứa, chết mất mấy đứa, chỉ biết là tám gia đình, ở cụm với nhau. Đường đây vô Rạc Rờm khó hơn mấy đoạn đường mô mà cán bộ đã đi qua các bản. Không có cán bộ, họ sống như rứa. Có cán bộ, họ cũng sống như rứa. Từ xưa đến chừ, họ không cần ai hết. Ở Rạc Rờm chỉ có một màu xanh, không có màu chi khác. Núi xanh, rừng xanh, nước xanh, áo quần họ cũng một màu xanh. Người Rạc Rờm không ai cần cái chữ. Có chữ, họ cũng sống như rứa. Không có chữ, họ cũng làm ăn như rứa. Họ phát rừng trồng sắn nương, tỉa bắp, tỉa lúa. Họ đi đâm cá suối. Họ không cần tiền, không phân biệt được đồng tiền mô giá trị hơn đồng tiền mô. Vài tháng sẽ có một tốp ba bốn người đàn bà trong đó gùi mật ong, nấm quý, các loại rễ củ ngâm rượu bổ dưỡng đi bộ hai ngày thâu đêm về chợ đổi muối cho cả tám nhà, đổi sợi để dệt vải cho tất cả đàn bà trong đó, lại đi bộ hai ngày thâu đêm trở về. Từ Rạc Rờm đàn bà đi một mạch về chợ, đổi được muối, đổi sợi vải, lại đi một mạch trở về, không ghé xem bất cứ cái chi, không thăm không chuyện với bất cứ ai. Người trước người sau lầm lũi đi, không chuyện với nhau. Đói thì với tay lui sau gùi lấy lấy khoai lùi, sắn nướng vừa ăn vừa đi. Khát thì mở ống bương đeo bên hông để uống. Họ đi bộ giỏi như con dê núi, như con hươu rừng, suốt ngày, thâu đêm, không mỏi.

Ngày hè nhưng già làng vẫn giữ thói quen ngồi gần bếp lửa. Thi thoảng già lại đẩy mấy que củi chụm vào nhau cho lửa khỏi tắt. Bếp của đồng bào dân tộc ở đây đỏ lửa quanh năm suốt tháng. Khi nấu nướng, họ khơi cho ngọn lửa bùng lên. Khi chưa nấu nướng, họ ủ cho ngọn lửa cháy ngún trong tro than. Lương nghĩ, ở đây có lẽ đồng bào không cần mấy cái bật lửa vì lửa bếp không bao giờ tắt.

Chỉ vào cái nỏ ngoắc trên cao, già tiếp chuyện:

- Đã là người rừng người núi, xong mùa trồng sắn, tỉa lúa, tỉa bắp thì đi bắn con chim, con thú. Trước đây mười nhà ở bản ni thì chín nhà có súng trường súng kíp. Bây chừ nộp súng cho nhà nước thì còn cung nỏ. Người Rạc Rờm ở trong đó không săn bắn chim thú. Họ quý chim thú rừng như người thân của họ. Họ nói với nhau: Giàng tạo nên núi rừng cho chim thú ở. Con người chỉ ở ké chim thú mà thôi. Khắp núi, khắp rừng ở mô cũng có chim thú nhưng không phải ở mô cũng có người. Chim thú đông, con người thì ít. Đã ở đợ thì không được làm cái việc bất nhân, bất nghĩa là giết chúng để ăn thịt. Núi rừng của họ rất nhiều muông thú. Không ai săn bắt nên sinh sôi nẩy nở thêm nhiều. Là nơi an toàn nên thú rừng bị săn đuổi nơi khác tìm về nơi đó nương thân. Chim thấy người không bay. Thú thấy người không chạy. Trẻ con cưỡi được lưng gấu, nắm được đuôi hươu. Lúc mưa gió, trâu bò rừng vô trú dưới sàn nhà dân. Lúc rét mướt, khỉ vô sưởi chung bếp lửa với người. Chim thú rừng ăn chung thức ăn với súc vật nuôi, chó nhà không gầm gừ, gà nhà không xù lông cổ. Ai giết một con chim thú của họ, họ coi như giết một thành viên ruột thịt. Họ sẽ chống lại vô cùng quyết liệt. Người Rạc Rờm không có cung nỏ nhưng thanh dao phạng dùng để phát cây, cái xiên dùng để đâm cá trong tay họ là sự đáng gờm. Vùng núi Rạc Rờm rộng lớn chỉ còn lại tám gia đình. Chỉ tám gia đình nhưng không bọn xấu mô dám đụng chạm tới họ, không dám bắt con chim con thú của họ.

Già làng khuyên Lương không cần thiết phải vô Rạc Rờm nhưng chuyện của già kích thích tính tò mò, càng thôi thúc anh phải vô. Không thể để một vùng lõm sống gần như thời nguyên thủy, không có chữ, không hát ca, không biết sử dụng những tiện ích thời văn minh. Nếu kẻ xấu lợi dụng được người Rạc Rờm thì nơi đó sẽ là chốn dung thân khá ổn của chúng. Chuyện của già làng kể về thầy mo càng thôi thúc Lương làm cho ra nhẽ. Già làng kể:

- Các bản ở miền núi rừng nơi đây có chung một thầy mo, ai cũng kính sợ. Thầy mo giỏi lắm. Thầy trị được bệnh, đuổi được con ma. Nhà mô có người đau, có ma ám, phải mời thầy. Đường rừng xấu, khó đi, trai bản phải làm cáng khiêng thầy. Người ta trả ơn thầy bằng tiền, xôi gà, có khi trả bằng đàn bà con gái.

Lương hỏi:

- Tất cả những người bị bệnh, thầy mo có chữa khỏi hết không hở già?

- Có người khỏi, có người chết. Thầy mo cho biết, con ma muốn bắt chết cả nhà, thầy đuổi nó đi. Một người chết nhưng không ai chết theo. Những người còn lại được sống. Thầy đánh vào không trung bao nhiêu roi thì trên lưng người bệnh hiện lên từng đó đường lằn đỏ y như thầy quất roi rất mạnh vô lưng. Những nhà như trong Rạc Rờm không có tiền trả công thì đàn bà con gái ngủ với thầy hai đêm. Có đàn bà không muốn nhưng vì thương con, thương người nhà, lo sợ họ phải chết đành ngủ với thầy mo. Gia đình mô có đàn bà ngủ với thầy mo thì không khi mô bị ma quậy.

Lương hiểu, tất cả những trò chữa bệnh đuổi ma trừ quỷ của thầy mo là bịp bợm nhưng bịp theo kiểu gì thì phải bắt được quả tang, vạch mặt có bằng chứng. Nếu không, đồng bào sẽ cho rằng công an ghét thầy mo mà nói thầy mo bịp. Lâu nay thầy mo vẫn là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần của không ít đồng bào nơi đây chống lại “ma quỷ”.

*

Không có đường mòn, Lương dựa vào bản đồ địa hình, căn hướng mặt trời, xác định tọa độ mà đi. Vượt qua nhiều con suối, leo qua mấy ngọn núi, phát gai, rẽ lá, từ sáng đến lúc mặt trời xuống núi còn hai con sào mới đến Rạc Rờm. Lách qua khe núi hẹp, trước mắt Lương như một thế giới khác. Núi rừng hoang sơ không bị tàn phá. Một dòng suối trong vắt uốn lượn quanh những tảng đá rêu phong. Muông thú các loài ung dung gặm cỏ, ăn trái ngọt. Vô vàn chim bay lượn trên trời, nhảy múa trên cây, hót vang nhiều giọng trầm bổng thanh tao. Lương thấy thú vị như mình đang được du lịch một miền sinh thái thời tiền sử.

 Khi con mắt Lương đếm được tám cái nhà sàn, hàng chục con chó chạy ra vừa sủa vừa dàn thế trận chắn đường. Liền đó là đàn ông đàn bà, người già người trẻ cầm dao phát, xiên cá chạy ra, dàn trận phía sau đàn chó. Lương hơi lúng túng nhưng vẫn cố bình tĩnh. Anh chắp hai bàn tay vào nhau, đưa lên cao quá đầu, ra hiệu thân thiện. Người làng nhìn thấy một người gặp hàng chục con chó nhe nanh không bỏ chạy, gặp hàng chục người cầm dao sắc, xiên nhọn, vẫn đi thong thả ấy là người tốt. Già làng ra hiệu hạ xiên, hạ dao, ra dẫn người lạ vào.

Già làng không mời ngồi, khách tự thấy chỗ nào tiện thì tự ngồi xuống. Già làng không mời nước, nếu khát thì xin. Già làng hỏi:

- Người lạ là ai, đến đây có việc chi?

- Dạ thưa, người đây không lạ, là cán bộ của Chính phủ được cử đến giúp dân.

- Cán bộ về đi, ở đây không ai cần người giúp.

- Ở đây không có cái chữ. Cán bộ muốn dạy cho trẻ con và cả người lớn cái chữ để biết đọc, biết viết. Ở đây không có cái bóng đèn thắp ngược, cái bóng đèn không cần mỡ heo, dầu bưởi, vẫn sáng. Sáng rực cả nhà, bà già vẫn nhìn thấy lỗ kim. Sáng rực cả sân cả vườn, trẻ con nô đùa không bị vấp đá, không bị gai cào.

- Ở đây không cần cái chữ, không cần dạy, không cần học. Cái bóng đèn thắp ngược đó tao thấy dưới xuôi rồi, tao thích nhưng phải kéo dây dài đưa lửa tới, cán bộ làm được à?

- Cán bộ của Chính phủ nói được là làm được. Cán bộ xin mang theo mấy người hiền giúp việc. Không cần kéo dây từ dưới xuôi lên mà lấy lửa từ mặt trời ủ vào hộp, đêm đến thắp đèn.

- Được! Khi cái bóng đèn chưa đỏ, dân làng chưa cho ăn. Khi cái bóng đèn đã đỏ, cho ăn một bữa, xong, cán bộ phải về, không cần lên nữa, thề đi.

- Cán bộ chưa thề. Làm xong cái đèn đỏ, già không muốn cán bộ đi lại, dân không muốn cán bộ đi lại, cán bộ sẽ thề không lên.

 *

Lương đã trình dự án lắp điện mặt trời cho đồng bào Rạc Rờm, đã được lãnh đạo Sở đồng ý, bây giờ Già làng Rạc Rờm cho làm. Đại tá phó Giám đốc sở cử một đoàn cán bộ và công nhân kĩ thuật thay quân phục Công an thành đồng phục màu xanh, xuyên rừng lội suối, mang vác phương tiện lên Rạc Rờm thực hiện dự án.

Già làng ngồi cạnh bếp rít thuốc, không nhìn, không nói nhưng dân bản Rạc Rờm không nén nỗi tò mò, mừng vui. Tay đàn bà xay bắp đồ cái ăn nhưng mắt cứ liếc về phía những người cán bộ đang lắp pin mặt trời. Trẻ con túm tụm dưới các bụi cây nhìn không mỏi mắt về phía người làm. Nhiều thanh niên tự nguyện giúp cán bộ leo trèo, dựng cột, kéo dây. Cán bộ nói hai ngày là lắp xong đến đêm thứ ba đỏ được đèn. Chưa khi nào người Rạc Rờm thấy hai ngày dài như thế. Từ trước tới nay, không ai quan tâm đến thời gian. Mặt trời mọc rồi mặt trời lặn. Mặt trời lặn thì hôm sau mặt trời mọc. Ngày đến ngày đi là việc của trời nhưng bây giờ ngày đi, sẽ đến ngày dân bản có cái bóng đèn thắp ngược sáng chói, không như cái đĩa đèn tù mù thắp bằng mỡ heo, nhựa rừng. Người ta sốt ruột thấy mặt trời đi quá chậm.

Cái lúc đỏ đèn thật là thiêng liêng. Người của mọi nhà đều xúm lại xung quanh cái bóng đèn treo ngược hồi hộp đợi chờ. Già làng gióng lên ba hồi mõ. Bóng đèn bật sáng. Cùng lúc tiếng reo mừng vang khắp mọi nhà, vang khắp bản. Lũ chim thú ngủ xung quanh bản chưa khi nào thấy ánh sáng đêm chói, lóa mắt như thế, chưa khi nào nghe tiếng cả làng cùng reo. Chim hoảng hốt bay, thú hoảng hốt chạy. Những con trâu rừng ngủ chung với trâu nhà cho vui hoảng hồn tuôn ra khỏi ràn, luống cuống lao vào rừng.

 *

Niềm vui có cái đèn thắp ngược chưa được bao lâu thì nỗi buồn bỗng đến. Bản mất người. Người bản đi xiên cá, tỉa bắp, trồng sắn tỉa lúa, tối đến là về, không ai vắng qua đêm. Một đàn ông đi vô rừng rồi không về nữa. Không có chuyện đàn ông bị sập hầm hố. Người bản không nhắm mắt thì thôi, đã mở mắt thì ngày hay đêm đều biết từ cái cây to vài người ôm đến cái cây nhỏ như cán phạng cán xiên, biết rõ từ ngọn núi to đến từng hòn đá. Không có chuyện đàn ông bị thú rừng hãm hại. Ở rừng núi Rạc Rờm, rắn rết không cắn người, hổ báo không vồ người. Rứa thì người đàn ông đó đi mô?

Mấy tuần sau, mất một người nữa, rồi lại mất một người nữa… toàn là đàn ông lực lưỡng. Đàn bà, người già, trẻ con khóc hết nước mắt. Rạc Rờm như có ma ám. Bọn đàn ông cứ túm tụm thì thào với nhau. Gặp đàn bà, người già, con nít thì tản ra, im lặng. Khi cái bóng đèn thắp ngược sáng lên, đàn ông vác xiên đi xiên cá nhưng ai cũng về tay không. Có đứa về tới nhà là run tay, sùi bọt mép. Già làng hỏi cán bộ Lương. Cán bộ im lặng suy nghĩ nhưng không nói. Bí quá, Già làng hỏi thầy mo. Thầy mo được dịp trả thù Lương. Với Lương thầy mo không gây bệnh được, nếu gây được sẽ làm cho sinh bệnh; không giết được, nếu giết được đã giết lâu rồi…

Hồi đó Lương được dân phòng báo tin có nhà bị ma quậy. Lương bảo: “các đồng chí im lặng.” Lương đến nhà có ma quậy một mình. Đó là nhà ông Hồ Seo. Ngôi nhà sàn ban ngày nhìn rất đẹp, cây trong vườn xum xuê bóng mát, lúc lỉu quả. Chim, sóc, thường đến ăn nhờ trái cây, ríu ra ríu rít. Vậy mà bây giờ tưởng như hoang lạnh. Người nhà dụi lửa, tắt đèn, bịt mõm chó không cho kêu. Lương biết, ở trên sàn, người nhà đang ôm nhau run sợ. Anh đánh tiếng:

- Ới ông Hồ Seo, cán bộ công an đây, lên nhà với đồng bào đây.

Không đợi người nhà trả lời, Lương theo cầu thang leo lên. Qua ánh đèn pin, anh thấy tám con người trong nhà ôm nhau nép vào một góc, quấn chăn ngang cổ, mặt tái, run ra cả chăn. Ông Hồ Seo thì thào: “Ma quậy, cán bộ ơi, ma quậy.” Lương ra hiệu im lặng. Anh tắt đèn pin, ém mình gần cửa sổ. Tất cả trở về bóng tối, âm âm, u u, không một tiếng côn trùng rả rích. Đột nhiên có tiếng ho sụ sụ, tưởng như tiếng ho bật ra từ một người đang bị bóp cổ. Ban đầu chỉ có tiếng ho phát ra từ một phía nhà rồi nhanh chóng bốn phía nhà đều có tiếng ho gớm ghiếc như vậy. Lương bật đèn pin quét nhanh xung quanh nhà. Không có một bóng người, không thấy một động vật, không thấy một hiện tượng chi khả nghi. Tiếng ho im bặt. Anh tắt đèn ngồi im chờ đợi. Khi bốn bề trở về im lặng, một lúc sau tiếng ho sụ sụ lại nổi lên bốn phía. Anh quét đèn pin. Tiếng ho im bặt. Vẫn không thấy gì khác ngoài cây cối vườn nhà và con chó đã bị bịt mõm.

Lương xuống sàn soi đèn tìm bốn phía nhà rất kĩ. Anh đi tìm ba vòng, không thấy gì khác lạ, chỉ có mấy con cóc sợ ánh sáng nép mình vào gốc cây, vào thanh củi mục. Lương bắt một con cóc lên xem, bất ngờ phát hiện việc lạ, ai đó đã may mồm con cóc. Anh tìm mấy con cóc còn lại, tất cả đều bị may mồm. Anh hiểu ra, đặt những con cóc vào chỗ cũ. Lên nhà anh nói với ông Hồ Seo: “Đúng là ma quậy. Ngày mai ông nhờ thầy mo đuổi ma cho là được.”

 *

Thầy mo che một phía mũi, quay bốn hướng nhà, ngửi không khí. Thầy phán:

- Nhà chưa có người chết mà mùi người chết đã nặng cả sàn nhà

Thầy bảo ông Hồ Seo soạn lễ. Lễ không có gì lớn, chỉ là một con gà trống luộc bạnh thân ra, hai cánh gấp lên lưng, cái mỏ ngẩng cao về phía trước. Một đĩa xôi lớn để bên cạnh. Phía sau hai đĩa xôi gà là một đĩa trái cây, một khúc chuối non để cắm hương. Thầy mặc một bộ đồ màu đen có nhiều sọc trắng vằn vện. Thầy đi một đôi hia vểnh mũi màu đen, có nhiều đường trắng ma mị. Thầy đội một chiếc mũ cánh chuồn cũng có những đường trắng chấm trắng kì quái. Thầy thắp hương khấn vái lầm rầm. Bất ngờ thầy hét lên một tiếng kinh hoàng. Thầy lồng lộn khắp nhà, vẩy chiếc gậy màu đen ngắn có một chùm tua trắng gắn phía đầu gậy. Mặt thầy đã hung dữ càng trở nên hung dữ hơn cứ như thầy đang chống lại những thế lực nào đó muốn phanh thây, xé xác thầy. Người nhà hoảng sợ ôm nhau nép vào một góc. Thầy vỗ đánh bốp, dán lên vách nhà, cạnh cửa ra vô một tấm bùa rồi nhảy xuống đất. Thầy hô hoán, phất gậy lên trời đập gậy xuống đất. Thi thoảng thầy đè tay xuống đất như ấn một kẻ vô hình nào đó trở lại âm ty.

Sau một hồi làm phép, thầy lên nhà, phán:

- Bầy ma đã bị đuổi đi. Chúng không phải là ma xó mà là ma núi. Đuổi thì chúng về núi, một vài ngày sau chắc chắn sẽ trở lại vì nhà ni có gái trẻ, ma muốn hại cả nhà để bắt gái đi. Muốn ma không trở lại, gái trẻ phải ngủ với thầy hai đêm. Ma thấy gái không còn trinh nữa, chán, sẽ không đến, đi tìm gái trẻ ở nơi khác.

Ông  Hồ Seo hoảng loạn kêu lên như con thú bị thương:

- Con ơi, con phải cứu cả nhà.

Con gái ông tái mặt. Gái đang có người yêu, tối đến, thổi khèn sau núi.

 *

Thầy mo cho xôi gà vào đảy, quấn tiền cúng lận vào thắt lưng bước xuống sàn. Lương cùng ba thanh niên dân phòng và già làng ập đến. Một dân phòng quát:

- Thầy mo, ông lừa đảo, chúng tôi khám hành lí của ông.

Thầy mo hoảng loạn nhưng vẫn cố chống chọi:

- Khám thì phải có lệnh.

Anh dân phòng có vợ trước đây đã bị thầy mo ép ngủ hai đêm, nổi khùng:

- Muốn lệnh về huyện công an sẽ có.

Nói đoạn, anh ta lột chiếc đảy đeo vai của thầy mo, lục tìm. Dưới đáy xôi gà là bốn con cóc bị may miệng và một chai nước màu đen lờm lợm. Già làng mời dân bản tới chứng kiến. Lương nói:

- Thưa bà con! Lão thầy mo ni đã lừa đảo dân bản nhiều năm qua. Để tạo ra ma quậy, lão bắt những con cóc cụ như ri, nhét thuốc lào vô cổ, may miệng, tối đến, bí mật thả xung quanh nhà một ai đó. Con cóc ngứa thuốc lào muốn khạc ra nhưng bị may miệng nên kêu sụ sụ như tiếng ho của người bị bóp cổ. Khi có ánh sáng, có tiếng động, cóc sợ nằm im nên không ai biết. Lão ta làm phép trừ ma chẳng qua là xảo thuật, bắt lại cóc, cho vào đảy đeo vai là xong.

Lương lấy mũi dao nhọn cắt chỉ khâu mồm một con cóc, moi từ trong cổ nó ra một cục thuốc lào to bằng đầu ngón tay cái. Mọi người cùng ồ lên, nhìn thẳng vào cái đầu thầy mo đang cúi gằm xuống. Còn đây nữa, Lương nói tiếp:

- Thưa bà con, chai nước ni của thầy mo là chai nước độc, chiết ra từ nhựa độc của cây rừng, trộn với con dời bị đâm nhuyễn. Mỗi khi người nhà có người đau mời thầy cúng, thầy đều nói bị ma ám. Trước khi làm phép đọc thần chú đuổi ma, thầy bí mật nhúng các ngón tay vô nước trong lọ ni, kéo nhiều đường lên lưng người bệnh. Những ngọn roi ông ta quất lên không trung chỉ là lừa đảo, chính loại nước ni khiến da bị tấy đỏ, phồng rộp.

Nói đoạn, Lương kéo áo nằm sấp xuống sàn. Một cán bộ dân phòng nhúng bốn ngón tay vào lọ nước, kéo bốn ngón tay ướt nước độc dọc sống lưng của Lương. Dân bản xúm nhìn. Họ nhìn một lúc, có người thất vọng đã lắc đầu. Bỗng có một người hô lớn, mọi người cùng nhìn thấy, trên lưng Lương, lờ mờ hiện lên bốn đường màu đỏ. Phút chốc đã hiện rõ bốn đường đỏ máu, sùi da như bị ai quất mạnh roi vào đó. Một lần nữa, mọi người cùng ồ lên thán phục Công an Lương, căm phẫn lão thầy mo giả dối. Nếu không có Lương, chắc chắn trai làng đã bị lão thầy mo ăn xôi gà của họ, lấy tiền cúng của họ, ép vợ họ, em gái họ phải ngủ với lão ta, kéo đi chôn sống. Lão thầy mo bị giải về Công an huyện, bị khởi tố. Với tội danh lừa đảo, hiếp dâm nhiều đàn bà con gái, đáng ra lão sẽ bị tù nhưng xét thấy lão thành khẩn khai báo tất cả hành vi lừa đảo của mình, lại đã già yếu nên tòa cho hưởng án treo, buộc cam kết từ bỏ làm thầy mo.

 *

Thầy mo mất nguồn lợi xôi gà, tiền cúng, đàn bà, con gái trẻ, nuôi hận trong lòng muốn hại Lương. Bây giờ lão nghĩ đã có dịp tốt. Lão cho bọn tay chân vốn theo đóm ăn tàn xung quanh lão vào Rạc Rờm tung tin. Chúng vu cáo rằng: “Làng mất đàn ông là do Công an Lương không được lòng Giàng. Lương lấy lửa mặt trời làm cái đèn thắp ngược đã không làm lễ xin phép Giàng”. Khi đèn mới đỏ, bất ngờ thấy ánh sáng chói lạ, chim bỏ bay, thú bỏ chạy, chúng lại xuyên tạc: “Do Giàng tức giận Lương. Hỗn láo lấy lửa của Giàng thì Giàng lấy lại trai đinh”. Rồi đây Giàng sẽ lấy hết đàn ông. Lũ trẻ trai lớn lên thành đàn ông cũng sẽ bị lấy đi. Người già Rạc Rờm già nhiều thêm sẽ chết. Đàn bà không có đàn ông không đẻ được. Kẻ xấu sẽ xâm nhập bắn hết chim thú. Rạc Rờm sẽ tàn lụi thành một vùng hoang vắng.

Đàn bà nghe tin xấu khóc hết nước mắt. Bọn trẻ mất cha, thấy mẹ khóc cũng khóc theo, không buồn chạy nhảy chơi đùa. Những người đàn ông chưa bị Giàng bắt như người mất hồn, chân cứ muốn bước vô rừng, mắt cứ nhìn lên núi.

Một người tới nói với Già làng. Già làng tư lự làm thinh. Hai người đến khóc với Già làng. Già làng tư lự, làm thinh. Cả đám đàn bà, con nít cùng khóc, cùng nói với Già làng. Già làng phải lên tiếng:

- Lương à, tao biết mi là người tốt. Tao tin mi, tin cán bộ Công an nhưng đàn bà Rạc Rờm bị kẻ xấu nói nhiều lời vào tai, không muốn mi ở đây. Mi phải tạm về, khi mô tìm được trai làng trả cho Rạc Rờm thì trở lại với dân.

 *

Tình hình Rạc Rờm trở nên nghiêm trọng, Lương báo cáo về Sở và hứa tìm ra manh mối. Lương bí mật lần theo những người đàn ông tối đến lẫn vào rừng. Sau nhiều đêm dò tìm, cuối cùng anh đã phát hiện ra điều bí ẩn.

Trên thảm cỏ khô, dưới gộc một cây cổ thụ già, bốn bề che chắn bởi những cây nhỏ và dây leo, Hồ Lăng - người “bị Giàng bắt” đầu tiên đang nói chuyện với những người đàn ông Rạc Rờm mới đến:

- Vào rừng sống sẽ sướng hơn, chỉ cần làm những việc nhẹ nhàng: Đi tìm cây gió trầm chỉ cho ông Trùm, qua bên đất Lào gùi hàng về cho ông Trùm. Leo núi, đi rừng tìm cây gió trầm, với người Rạc Rờm miềng là chuyện đi chơi. Đi gùi hàng cũng không nặng nhọc như đi gùi sắn nương. Hàng của ông Trùm nhẹ, một bàn tay nâng thì đủ, hai bàn tay nâng thì thừa. Sống với ông Trùm được ăn, được uống rất nhiều của ngon, vật lạ. Cả đời người Rạc Rờm biết chi cà phê, cô ca.

Hồ Lăng lôi trong túi vải ra một lon cà phê, bật nắp: “Bọn mi uống thử”. Bọn đàn ông chuyền tay nhau lon cà phê, đứa mô cũng khen: “Lạ quá, ngon quá!”.

Hồ Lăng nói:

- Còn rất nhiều thứ ngon hơn nữa nhưng sướng nhất là mỗi lần tìm được một cây gió có trầm, một lần gùi về được một chuyến hàng, được ông Trùm cho đàn bà.

Hồ Lăng trưng cho xem mấy tấm ảnh đàn bà khỏa thân. Đứa mô cũng tròn xoe mắt nhìn mấy tấm ảnh, như con heo đực nhìn phần đuôi con heo cái.

- Mấy đàn bà ni ông Trùm nuôi trong núi, để thưởng người làm được việc. Bọn mi nhìn đi, bọn gái ni da trắng, chân dài, môi đỏ, người thơm.

Cả bọn ố lên: “Ố Giàng ơi!”.

Không đứa nào rời mắt khỏi tấm ảnh.

Cuối cùng Hồ Lăng cho cả bọn hít thuốc để được lên tiên. Cả bọn hít thuốc, cảm giác đê mê, bay bổng như người không trọng lượng. Đứa nằm trên lá khô, đứa dựa vào gốc cây như những xác chết. Trong ảo giác khói sương mờ ảo, chúng mơ về bọn đàn bà chân dài, da trắng môi đỏ.

Lương biết họ đã hít ma túy, thứ chất độc khiến không ít đàn ông Rạc Rờm bải hoải chân tay, sùi bọt mép mà một số người Rạc Rờm lại cho là trời hành. Anh thương họ nhưng lúc này đành nằm im.

 *

Lãnh đạo sở Công an quyết định phá án. Các chiến sĩ đội phòng chống ma túy và chống buôn lậu bao vây hang ổ trùm ma túy và buôn lậu. Họ lôi từ hang núi ra hàng chục cân ma túy các loại, hàng tạ trầm hương và nhiều hàng lậu khác. Cùng bị bắt với lão Trùm có ba gái điếm chuyên nghiệp được lão Trùm thuê.

Những người đàn ông Rạc Rờm được trả về với đàn bà Rạc Rờm, được chích thuốc cai nghiện tại nhà. Dân Rạc Rờm mừng rơi nước mắt, cảm tạ công an. Già làng nắm chặt tay Lương nói:

- Mi tốt. Tao tin mi là đúng. Đàn bà, đàn ông, người già, con nít, tin mi rồi. Từ ngày mai dân làng sẽ chặt cây, bứt lá làm nhà cộng đồng. Mi dạy bọn con nít và người lớn cái chữ.

L.V.T

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 329

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground