Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Rập rờn bươm bướm trắng

Tươi đau đầu nghĩ không biết làm cách nào khiến người ta chết nhanh, gọn gàng. Trên tivi, mỗi ngày Tươi đều xem những cảnh thảm sát khác nhau, có cái chết trong tĩnh lặng, có cái chết trong phẫn uất, tức tưởi, chống chọi và thua cuộc. Cuộc sống mỗi ngày có sinh dưỡng thì phải có triệt tiêu, vì những mục đích khác nhau. Tựu trung, những cái chết ấy đều khiến Tươi rùng mình.

Vũ thường đi sớm, về muộn, khi tiệc tùng tận khuya mới về đập cửa, mình mẩy sực nức mùi rượu. Lấy nhau hơn mười năm, Tươi vẫn chưa sinh được cho Vũ đứa con. Hàng xóm nhìn vào dị nghị, vợ chồng thằng Vũ ăn ở thất đức sao mà chưa có con, vợ chồng bà Quy, tổ tiên bà Quy kiếp trước sống sao mà kiếp này tuyệt tự tuyệt tôn, sắp xuống mồ vẫn chưa được ẵm bồng đứa cháu? Bà Quy im lặng cho qua, riêng Tươi nổi trận lôi đình, trưa nắng như lửa đổ mà đứng ngoài hàng ba chửi chó mắng mèo, chửi cái lũ hàng xóm ăn không ngồi rồi lo chuyện bao đồng, đòi lấy kéo xởn tóc mấy con mẹ độc mồm độc miệng. Chửi đã rồi cũng mệt, Tươi vô nhà hằn học với bà Quy. Bà cũng im thinh. Chưa bao giờ bà xem Tươi là dâu con trong cái nhà này. Trong lòng bà Quy chỉ có mỗi mình Thơm là con dâu. Chồng Thơm hi sinh trên chiến trường Campuchia năm ấy, Thơm ở nhà thủ tiết thờ chồng, đến giờ đầu cũng hai màu tóc. Bà Quy thương Thơm - người đàn bà mất chồng vẫn ở lại đây cun cút chăm sóc cho mẹ chồng, thương bà Quy như mẹ ruột.

*

Đêm hôm qua, Thơm nằm ngủ mơ thấy đàn bướm trắng bay về rập rờn trước mắt Thơm. Lạ lùng, mỗi cánh bướm thấp thoáng một khuôn mặt, một hình ảnh thân thương. Này là chị Hai - chị chồng của Thơm - người đàn bà bất hạnh, tạo hóa bất công ban cho chị khuôn mặt xấu xí, lại tật nguyền. Chị Hai lớn lên, trai làng không một ai để ý. Ở làng này, hơn hai mươi tuổi không ai dòm ngó thì bị xem là ế chổng ế chơ. Chị Hai buồn quá bỏ nhà đi biệt xứ. Sau này chị Hai trở về, bà Quy mới biết con gái bà xa lánh bụi trần vào tu trong chùa Lá Đa, cách làng không xa.

Này là Lương - chồng Thơm - người lính năm xưa hi sinh trên đất Campuchia không tìm thấy xác. Nhìn thấy chồng, Thơm vui mừng khôn xiết. Bao nhiêu năm qua Thơm chỉ gặp được chồng trong những giấc mơ. Ngày chồng đi, Thơm tiễn chồng ra khỏi đầu làng, bóng Lương khuất dần, khuất luôn vào mây trắng. Lương đi khi hai vợ chồng lấy nhau tròn một tháng trời. Biết tin Lương hi sinh trên chiến trường, Thơm đau đớn vô cùng. Điều Thơm tiếc nuối nhất là chưa kịp sinh cho Lương đứa con, cho mẹ chồng đứa cháu đích tôn nối dõi tông đường. Một luồng hơi ấm áp bao bọc lấy Thơm tựa như chồng đang vòng tay ôm lấy vợ giữa đêm khuya tịch mịch.

Lương nằm lại nơi xứ người, bà Quy nói: “Con trai má chết rồi, thôi thì má trả lại tự do cho con, ai thương con thiệt lòng thì con nhắm đường mà đi thêm bước nữa. Sống một mình tới già đơn độc, khổ lắm con ơi!”. Người đàn bà chết chồng sống cô độc bao nhiêu năm trời rỏ nước mắt khóc lo cho số phần ngang trái và tương lai hẩm hiu, cô lẻ của đứa con dâu. Nhưng Thơm nhất quyết không đi: “Con là vợ Lương, là con dâu của mẹ! Chị Hai thì đi tu, chú út còn trẻ, còn lo chuyện vợ con, con phải ở lại chăm sóc mẹ, cho cả phần của Lương nữa. Mẹ cầm trầu cau hỏi cưới con về. Mẹ thương con như mẹ ruột. Con sống làm dâu nhà này, chết cũng làm ma nhà này!”. Bà Quy cúi đầu cảm động trước tấm lòng bao dung của đứa con dâu. Trong căn nhà nhỏ vách gỗ, lợp lá phía sau vườn, đêm gió thốc xạc xào, Thơm nằm mộng thấy bà Quy đôi mắt hiền từ nhìn Thơm, trong đôi mắt màu mây ánh lên những tia ấm áp.

Chị Hai, Lương và bà Quy thoắt ẩn thoắt hiện, khi là những gương mặt lành thiện, khi hóa thành đàn bướm trắng cứ bay là đà trước mắt Thơm. Cô đưa tay nhưng bướm trắng không đậu lên mà nhảy múa xung quanh. Chưa bao giờ Thơm thấy lòng bình yên như khoảnh khắc đó. Đàn bướm trắng chập chờn một lúc rồi bay đi, tan vào vô thanh đất trời. Thơm tỉnh giấc, thấy mình nằm giữa đêm tối bao la, đất trời, cỏ cây, khu vườn và ngôi mộ của bà Quy dưới gốc cây mù u vẫn lặng im.

*

Mộ bà Quy vừa được xây xong tháng trước. Đang mùa mù u, bông rụng trắng, vài đốm bông li ti rớt đầy trên ngôi mộ đá phết vôi trắng tinh. Tròn một tháng, hàng xóm trông thấy Thơm dọn ra ở riêng trong căn nhà giữa vườn, vốn là chuồng gà gần ngôi mộ. Vài người trách vợ chồng út Vũ thủ đoạn, bà Quy vừa mất lập tức đuổi chị dâu ra khỏi nhà trong khi Thơm đã dành trọn mấy mươi năm cuộc đời để phụng dưỡng cho bà Quy, chăm lo cửa nhà, khói hương mồ mả. Trách thì trách vậy, nhưng cũng chỉ là nói nhỏ nhau nghe. Biết Tươi vốn tính tình bặm trợn, bốp chát nên cũng chẳng ai dám lời ra tiếng vào, đụng ngay “ổ kiến lửa” có khi rước họa vào thân.

Hàng xóm hỏi Thơm chứ mẹ chồng mất rồi sao không về nhà mẹ ruột mà ở, ở lại đây cực khổ trăm bề, có khi không yên ổn với vợ chồng út Vũ. Thơm dịu giọng: “Mẹ chồng con mới mất, mồ mả còn chưa xanh cỏ, con đi không yên”. Thơm nói vậy cho qua chuyện chứ lí do mà Thơm ở lại đất chồng bắt đầu từ giấc mơ lạ lùng về đàn bướm trắng trong đêm mưa sau khi chôn cất bà Quy xong. Cánh bướm rập rờn hóa thành hình bà Quy khóc tức tưởi năn nỉ Thơm đừng đi, Thơm phải ở lại mảnh đất này. Thơm biết còn những bí mật ẩn sau cái chết kỳ lạ của bà Quy. Mà Thơm cũng không nỡ rời khỏi mảnh đất Thơm đã ở suốt thời thanh xuân, đến khi mái đầu lấm tấm bạc. Quê chồng cũng là quê mình, Thơm nghĩ vậy. Lòng Thơm rộng lượng như bầu trời, biết làm sao đo?

Ngày bà Quy mất, chị Hai có trở về đội tang cho mẹ. Nhìn dáng vẻ tiều tụy mỗi ngày của Thơm, chị Hai bật khóc: “Đời là bể khổ! Em chọn cách lao vào cái bể khổ trầm luân đó để sống trọn nghĩa vẹn tình, chị thương em quá!”. Ngày chị Hai về, Tươi hỏi chồng chứ chị Hai ở lại tới chừng nào. Vũ nói: “Nhà này cũng là nhà của chị Hai, chị Hai là người chịu thiệt thòi nhất trong nhà. Chị ở bao lâu thì ở, chừng nào chị đi thì đi, tội chị!”. Tươi ngoảnh mặt bĩu môi. Rồi chị Hai cũng đi khi cúng xong hai tuần mẹ mất. Buổi chiều, út Vũ thấy chị Hai vận đồ Phật tử xách túi rời khỏi nhà, Vũ chạy theo níu tay chị lại, khuyên chị: “Chị Hai đi hết một thời tuổi trẻ rồi, giờ chị Hai tính đi nữa hay sao? Ở lại nhà mình đi chị Hai, chị mà đi mẹ ở dưới suối vàng nhìn thấy chắc cũng không vui”. Chị Hai đưa bàn tay sờ lên khuôn mặt Vũ. Hồi nhỏ chị Hai vẫn hay bế bồng, chiều chiều dẫn Vũ ra đồng thả diều, hái cỏ gà, bắt cào cào nhốt đầy trong chai. Thuở đó còn cha, còn mẹ, còn Lương. Tuổi ấu thơ sao mà bình yên đến lạ. Lớn lên rồi mỗi người một số phận, một thế giới khác nhau. Đang vui, lòng chị Hai chợt u sầu khi nghĩ về thực tại chua xót.

“Chị Hai có duyên với nhà chùa, cõi Phật. Nơi này đầy ắp bụi trần, còn duyên thì còn bước vào cửa chùa gõ mõ tụng kinh, thong thả chị Hai về thắp nhang cho mẹ, thăm vợ thằng Lương, thăm hai em”. Chị Hai nói vậy, rồi chị đi, bóng người đàn bà lưng cong cong và khuôn mặt lúc nào cũng cúi xuống y hệt bà Quy lầm lũi đi ngang qua cánh đồng, khuất hẳn trong màn sương trắng đục của buổi chiều tắt nắng…

*

“Đường sinh đạo mờ nhạt, đứt đoạn, đời em long đong. Nhưng chị tin em sống tốt thì trời thương, nhất định em sẽ được bình an”. Chị Hai cầm tay Thơm nói như thế trong đêm cuối cùng ở lại, chị ôm gói ra căn nhà lá ngoài vườn, gần mộ bà Quy, ngủ với Thơm. Nửa đêm, chị ra mộ bà Quy ngồi khóc rồi quệt nước mắt, lẩm nhẩm đọc bài kinh. Thơm ra ngồi cạnh chị mà chị không hay, chị Hai cứ đọc, những ngôi sao khuya lấp lánh trên nền trời màu mực.

“Đường sinh đạo mờ nhạt, đứt đoạn, đời em long đong” - câu nói đó của chị Hai vẫn còn văng vẳng bên tai Thơm khi cô nghiệm lại cuộc đời của mình. Lấy chồng, hạnh phúc chưa bao lâu thì chồng đi lính rồi hi sinh. Từ khi Tươi về làm vợ út Vũ, mỗi ngày Thơm phải chịu sự dòm ngó, dè bĩu của Tươi. Cô thuê sạp bán mấy thứ rau xanh, cá, mắm… ngoài chợ để tránh đụng mặt Tươi. Lần nào về nhà đi ngang qua gặp Tươi đang ngồi ở phòng khách, Tươi đều bịt mũi, chê hôi, chê tanh. Lạ thiệt, cùng là phận dâu con trong nhà mà Tươi chẳng ưa Thơm. Có lần Thơm nghe Tươi thọc mạch với bà Quy trong gian bếp: “Mẹ coi có ngộ không? Chị Thơm về nhà này làm dâu thì anh ba chết, nhà này lục đục từ đó tới giờ. Mẹ coi có phải chị ấy xui rủi quá không chứ?”. Bà Quy đáp gọn: “Thằng ba hi sinh vì bom đạn chiến tranh, sao lại đổ thừa cho con Thơm được? Con dâu tôi xấu hay tốt tôi biết hết. Lòng dạ nó ra sao tôi hiểu hết”. “Con dâu tôi” - ba tiếng đó khiến Tươi giận sôi nước mắt. Tươi nghĩ bụng: Ủa, Thơm là con dâu của mẹ vậy chứ tôi là gì? Tôi là gì mà mẹ không chịu đưa giấy tờ nhà đất cho vợ chồng tôi đứng tên? Hay là mẹ định giao hết cho cô con dâu khắc chết chồng mình kia, để cô ta đứng tên? Nực cười.

Mọi sự không theo ý người. Rõ vậy. Như hồi đó vợ chồng bà Quy tính hết: chị Hai thì đi lấy chồng, cái nhà với miếng đất vườn để lại cho vợ chồng Lương, chừng nào Lương đi lính trở về thì bà Quy giao lại, sau này vợ chồng Lương lo hương khói, coi sóc mồ mả tổ tiên, còn miếng đất bên kia sông thì vợ chồng bà giao cho vợ chồng út Vũ đứng tên. Nhưng rồi chị Hai đi tu, Lương cũng không còn, chồng bà Quy cũng mất sau một năm phát bệnh.

Những người thân yêu của bà Quy lần lượt ra đi, tài sản vẫn còn, bà Quy lầm lũi, cô quạnh trong căn nhà. Mỗi ngày, khi Vũ đi làm, bà Quy đều nghe tiếng lải nhải, mắng nhiếc của Tươi. Lần đó, Tươi hỏi bà Quy dò đường: “Hồi đó mẹ nói giao lại cái nhà với miếng đất vườn cho anh Lương đứng tên. Mà ảnh chết rồi, mẹ giao lại cho vợ chồng tôi đi, không lẽ mẹ định giao cho chị Thơm? Anh Vũ là con ruột mẹ không giao, chẳng lẽ mẹ giao lại cho người ngoài, ai coi ra gì?”. Bà Quy tức giận nói: “Tới chết tao cũng không để miếng đất với ngôi nhà lọt vào tay mày, thằng Vũ nó hiền, nó mới nghe lời mày xúi giục”. Tươi nghe vậy lại chửi chó mắng mèo già rồi không đi theo tổ tiên cho đám trẻ nó nhờ, sống vô tích sự chỉ tốn cơm. Bà Quy im re.

Mà cuối cùng, giấy tờ nhà cửa, đất đai cũng lọt vào tay vợ chồng út Vũ. Bà Quy chết, đã đến lúc chia chác tài sản. Chị Hai đi tu nên không ý kiến gì, chị chỉ bảo hồi mẹ còn sống mẹ tính sao thì bây giờ làm theo y vậy. Tươi không ưng. Lòn lõi với chồng thế nào mà cuối cùng Vũ cũng giành lại căn nhà, miếng đất, đuổi Thơm ra sau vườn dựng nhà ở luôn ngoài đó. Dù gì Vũ cũng là con, còn Thơm chỉ là dâu, là người dưng. Mà người dưng thì sao bằng con cái trong nhà cho được. Thơm cũng chẳng nói chẳng rằng, chẳng nỗ lực giành giật với vợ chồng chú thím út làm gì. Tươi hả dạ.

Cái chết của bà Quy diễn ra đột ngột. Buổi chiều, Thơm từ ngoài chợ cá trở về, nhà vắng tanh, Thơm gọi mấy tiếng mà bà Quy không trả lời. Thơm đi vào trong buồng thì nhìn thấy bà Quy nằm gọn gàng, tựa như đang ngủ say, Thơm cũng không gọi. Mọi khi bà Quy vẫn ngủ như vậy. Thơm xắn ống tay áo lên bưng chồng chén dơ trên bàn ăn đi rửa. Chập choạng tối, vợ chồng Vũ vẫn chưa về, Thơm vào trong buồng gọi bà Quy dậy tắm rửa mới hay bà Quy đã cứng đờ, kiến bâu trên mắt. Thơm hoảng quá la làng. Hàng xóm nghe tiếng Thơm la thất thanh vội chạy sang. Hay tin bà Quy mất, Vũ từ cơ quan tức tốc chạy về, Tươi về sau cùng. Đứa con dâu út không bất ngờ trước cái chết của bà Quy bởi cô trông đợi điều này từ lâu rồi, cô trông chờ để được chia căn nhà với miếng đất vườn cho con trai út và con dâu út. Hàng xóm phụ giúp lo liệu đám tang. Thoảng, Tươi nhìn Thơm đang ngồi đốt giấy tiền vàng mã bên quan tài của bà Quy, nói giọng gay gắt: “Lạ thiệt, mẹ đang khỏe re tự nhiên lăn đùng ra chết. Không biết có phải ai đó sợ mẹ giao nhà cửa đất đai cho vợ chồng tôi nên ra tay… chứ mới hồi sáng mẹ còn mạnh sân sẩn, khi không lại…”. Hàng xóm nhốn nháo trách Tươi ác mồm độc miệng. Thơm khóc rưng rức. Sợ xóm giềng dị nghị nên Vũ ra miệng quát vợ, Tươi mới im.

Không ai nghi ngờ Thơm trước cái chết của bà Quy, kể cả Vũ, trong làng này ai chẳng biết Thơm dành cả tuổi xuân của mình lo liệu cho bên chồng, ai chẳng biết cô Thơm, con dâu bà Quy vừa đẹp người lại vừa đẹp nết, thảo hiền y hệt nàng Thoại Khanh trong vở cải lương “Thoại Khanh, Châu Tuấn” hồi xưa hay chiếu trên tivi. Chắc bà Quy chết vì căn bệnh nào đó trong vô số những căn bệnh ác tính mà bà Quy mang trong người mấy chục năm nay, hoặc bội thực vì bà Quy vừa ăn xong bữa cơm chiều cũng nên. Ai đó bảo Vũ báo công an, để pháp y mổ tử thi xem bà Quy chết vì lẽ gì? Vũ nghĩ ngợi một lúc rồi lại thôi, bà Quy chết thì cũng đã chết rồi, Vũ không muốn mẹ mình ra đi trong vô vàn vết thương xót đau trên cơ thể.

Thoảng, chân mộ bà Quy mọc đầy cỏ xanh. Vũ đợi đến thanh minh xây nhà mồ cho mẹ.

Thoảng, tóc Thơm phai màu. Cô con dâu vẫn sống trong căn nhà nhỏ sau vườn, ngày ngày ra lau mộ mẹ chồng. Thơm còn đợi một điều gì nữa mà chính Thơm cũng không rõ.

*

Giành lại được quyền sở hữu căn nhà với toàn bộ đất đai mà vợ chồng bà Quy thuở ấy chắt chiu tạo dựng, Tươi hả hê, sung sướng vô cùng. Vũ vẫn chịu sự xỏ mũi, dắt dây của vợ khi anh ơ hờ gật đầu cho vợ bán đứt miếng đất bên kia sông, tiền bán đất ở đâu Vũ cũng không rõ. Mỗi ngày Vũ vẫn đi làm ở cơ quan, cách làng mấy chục cây số, đến tối mịt mới về, có khi anh đi thâu đêm, tạt vào nhà một người bạn nào đó ngủ lại. Vắng chồng, người đàn bà cảm thấy lòng dạ đơn độc rồi sinh hư.

Một buổi tối muộn Vũ trở về nhà, xe hết xăng nên anh dắt bộ. Trong nhà tối mịt, cửa khép hờ, nhang vẫn chưa được Tươi thắp trên bàn thờ. Vũ đi vào trong định gọi vợ làm gì mà giờ này vẫn chưa lên đèn thì nghe tiếng nói cười khe khẽ trong buồng. Vũ hiểu chuyện, mặt mày nóng bưng, anh xô cửa xông vào thấy vợ với người đàn ông lạ trần truồng nằm âu yếm. Vũ sấn tới tát vợ rồi nắm chặt bàn tay dộng túi bụi vào mặt người đàn ông kia. Tươi bênh vực nhân tình, đôi tay người đàn bà mạnh dạn ôm chặt lấy Vũ để nhân tình đánh trả quyết liệt, mặt mày Vũ tím bầm. Sợ nhân tình gây ra án mạng nên Tươi ngăn hắn lại, bảo thôi, dù sao đó cũng là chồng của Tươi, người đàn ông bao nhiêu năm chung chăn gối, chiều chuộng Tươi rất mực. Vũ nằm lăn dưới sàn nhà, Tươi lấy chìa khóa mở cửa tủ lấy hết tiền vàng rồi bỏ nhà theo nhân tình đi mất.

Làng xôn xao chuyện cô Tươi - con dâu út bà Quy dẫn đàn ông về nhà ái ân, đánh chồng rồi gom sạch tài sản Vũ tích cóp bỏ nhà theo trai đi biệt. Vợ chồng bà Quy ở dưới ba tấc đất có hương hồn chắc cũng nhục nhã mà đào thêm vài tấc đất nữa để chui xuống cho đỡ nhục.
Hóa ra, đây không phải là lần duy nhất Tươi dẫn người lạ về nhà ân ái. Những lúc Vũ vắng nhà Tươi vẫn thường làm như thế. Người làng thường trông thấy người đàn ông lạ chở Tươi về nhà rồi ở lại trong nhà đóng cửa kín mít đến xế chiều, trước khi Vũ về, mới ra đi. Người ta ngờ ngợ cô Tươi, vợ út Vũ ngoại tình, nhưng chẳng ai dám to nhỏ với anh. Biết tính Tươi hung dữ, chỏng lỏn nên họ cũng ngại.

*

Chị Hai biết chuyện vợ út Vũ đi khỏi nhà nên về làng coi sự thể ra sao, dù gì cũng là chị lớn trong nhà. “Không duyên không nợ, em đã sai từ khi em đưa cô ta về nhà làm vợ, làm dâu. Người đàn bà đó sống thất đức, lừa lọc chồng mình sớm muộn gì cũng gặp quả báo. Người vậy, hà cớ gì em phải buồn?” - Chị Hai khuyên vậy. Biết ngày trước chính Tươi dùng lời lẽ cay độc đẩy chị dâu ra khỏi nhà, Vũ xót xa thương cảm. Vũ xin chị dâu dọn vào nhà mà sống, ở ngoài vườn lạnh lẽo, cơ cực, chị đã vun vén nửa đời người cho cái nhà này thì nhà này, đất này, mọi thứ đều là của chị. Thơm xúc động.

Đêm đầu tiên ngủ lại trong ngôi nhà Thơm đã gắn bó từ thuở theo Lương về làm vợ, Thơm lại mơ thấy cánh bướm trắng rập rờn trước mắt. Cánh bướm đẹp lắm, xung quanh lấp lánh những hạt sáng trắng vẽ thành hình khuôn mặt bà Quy với hai giọt nước mắt lửng lơ trên mi. Thơm thấy vía mình hỏi mẹ sao lại khóc? Bà Quy không trả lời. Thơm biết còn nhiều điều ẩn khuất sau sự ra đi của người mẹ chồng xấu số. Khuôn mặt bà Quy hóa vào cánh bướm rồi tan vào đêm đen như những lần trước. Những điều kì lạ ấy Thơm không nói với ai nhưng Thơm vẫn nỗ lực tìm câu trả lời cho dấu hỏi ngổn ngang trong lòng. Không phải cho Thơm, mà để người đã khuất được an lòng nhắm mắt.

Một buổi sáng dọn dẹp lại cái tủ đựng chén bát và một vài thứ gia vị linh tinh khác trong nhà bếp, Thơm vô tình phát hiện ở góc tủ có gói bột màu trắng, được cột lại bằng dây chun. Thơm đưa lên mũi ngửi ngửi, thấy mùi lạ, không phải gia vị nấu ăn. Thơm chưa bao giờ thấy loại bột nào có mùi ngầy ngậy như thế. Thơm trộn thử ít bột vào trong cơm cho con mực ăn, con chó ăn xong, giãy đành đạch, sùi bọt mép rồi chết dẫm. Ở đâu lại có thứ bột độc địa này trong nhà? Thơm nghĩ ngợi một lúc rồi tự nhiên giật mình, rợn gáy.

Trước mắt Thơm rập rờn con bươm bướm trắng…

H.K.D

Hoàng Khánh Duy HOÀNG KHÁNH DUY
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 312 tháng 09/2020

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

29 Phút trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

1 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground