Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sau rặng tre chắn lũ

- Nhà mình mất ruộng rồi!
Mẹ tôi ngồi phệt xuống hiên nhà, tháo cái nón mê khỏi đầu, giật cái khăn mùi xoa bịt trên trán lau mồ hôi, lau khóe mắt, mẹ nói gần như khóc.

Bao nhiêu công sức san thùng lấp vũng, bao nhiều tiền của dành dụm thuê xe chở đất về, mới cấy được có dăm vụ lúa thế mà người ta lấy mất ruộng rồi. Xã chủ trương trồng tre chắn lũ, ai trúng thầu thì được lấy những thửa ruộng ngoài đê cấy hái thu hoa màu.

Làng tôi nằm ven sông, cánh đồng trong làng được con đê ôm trọn, che chắn, nhà nước phân ruộng theo đầu người, cứ đúng chỉ tiêu mà cấy hái. Nhà nào cũng có ruộng gần ruộng xa cho công bằng. Cánh đồng ngoài đê do người dân tự khai khẩn để trồng lúa vào mùa nước cạn. Mới đầu chỉ toen hoen vạt đất ven đê thả bè rau muống, cấy rau lấp nuôi lợn, sau người ta san lấp và sông đắp bồi mãi thành khu khuyến nông rộng mênh mông. Khu đất cát pha ven sông trồng dâu trồng đậu, sát chân đê be bờ cấy lúa Q5 chịu lụt. Lúc bố mẹ tôi về làng thì không còn chỗ mà khẩn hoang nữa, cha mẹ tôi dành dụm mua lại hơn mảnh ruộng giá rẻ của người ta, mỗi năm cũng thu được gần trăm thúng thóc. Sau mỗi mùa lụt mặt ruộng lại được bồi thêm một lớp phù sa mịn như nhung, ruộng ấy chỉ đặt lúa xuống là lúa vươn lên xanh tốt, chim sâu vít tổ đầu bông. Mùa gặt, nước còn ngâm chân gốc lúa, gặt quây từ bốn góc ruộng, ếch, cá lóc bị dồn lại bắt về cũng được mấy bữa kho mặn, mấy bữa nấu canh chua, rang lá lốt thơm lừng. Mẹ tôi cực thân nói:

- Chỉ tại lão Bính, đúng là tham như mõ. Sáng nay em trai lão cũng từ mặt lão rồi.

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Tối hôm ấy mâm cơm dọn ra không ai muốn nhấc đũa. Cứ nghĩ từ nay ruộng nhà mình thành ruộng của người ta mà đứt từng khúc ruột. Khắp làng, ngồi đâu cũng nghe chuyện người ta xì xào về lão Bính, lão đi qua đám người lố nhố có người còn nhổ nước bọt rồi quay đi. Lão cứ lặng lẽ vác mai vác xẻng ra đồng, một mình hì hục xăn đất, đắp bờ trồng tre. Thuê người làng không ai chịu làm thì lão dẫn ở đâu về bốn năm người trạc tuổi lão. Những mái đầu đã bạc ít nhiều, họ nấu cơm mang theo từ sáng sớm, tối muộn mới về tắm gội ì đùng, nói cười lao xao nơi cầu bến. Chỉ mấy tháng trước thôi lão ấy vẫn được người làng kính mến, nhà ai có công to việc lớn cũng nhờ lão phát biểu đôi câu làm đẹp lòng hai họ. Nhà nọ cha con từ mặt nhau vì việc đất đai, lão cũng đứng ra phân giải giảng hòa. Bao nhiêu năm trèo đèo lội suối đi tìm hài cốt đồng đội khắp mọi miền tổ quốc sương gió đã hun lên mình lão từng búi cơ chắc dẻo, làn da nâu bánh mật vào đôi mắt sâu thăm thẳm nỗi buồn.

Ngày còn trẻ lão Bính trốn nhà đi bộ đội trên người mặc độc chiếc quần đùi, không biết bằng cách nào mà lão lại được nhập ngũ, quân phục xanh, mũ sao vàng về làng nhìn oách lắm. Đám trẻ con trong làng bẻ cành cây làm cờ chạy cả đoàn phía sau, nào anh Bính ơi lần sau anh về thì nhặt cho em cái vỏ đạn, anh Bính ơi cầu bến làng mình có ông tượng cụt đầu, anh Bính ơi có lương khô bộ đội không cho em ăn với. Thế mà thấm thoắt những đứa trẻ năm nào bây giờ đã con bế con bồng, cơ ngơi vững chãi.

Lão Bính trở về khi người mẹ già chỉ còn chút tàn hơi, đã có lúc người làng đồn đoán lão hy sinh khi đi tìm đồng đội vùng biên giới, nào thì vì trúng mìn, nào thì bị sốt rét quật… Tài sản lão đem về làng chỉ có chiếc ba lô cũ và miên man những câu chuyện về đồng đội trong những đêm trăng. Mảnh sân nhà lão kê bộ chõng tre, người lớn đến nhà uống trà hay trẻ con đến nghe chuyện vãn có đứa lăn ra chõng tre ngủ khi nào không biết, lão phải cõng về trả cho cha mẹ chúng. Chiều chiều, lão đẩy cây chuối ra mé đầm nước dạy lũ con trai trong xóm tập bơi. Giờ thì nhà nào có ruộng vào diện hiến đất trồng tre chắn lũ đều cấm con cái chào hỏi lão.

Phải mất gần một năm trời rặng tre mới tạm có hình hài, dãy tre thấp bao lấy con đê chạy dài tít tắp sang tận làng khác, rồi ở làng ấy cũng trồng nối vào một rặng tre, đất xắn lên nâu óng, chắc nịch, tre là giống kiên cường, cứ cắm xuống là bén rễ, vươn cao, tre già măng mọc. Ở dải đất ấy mùa hè cua cáy thi nhau đào hang. Tháng sáu nắng như thiêu cua ngôm đầy đồng, người ta xách giỏ xách xô ra đồng một buổi trưa là đầy xô đầy giỏ, tháng bảy đến tháng chín là mùa đào cáy. Giống cáy tinh khôn lại nhanh hơn cua đồng, thấy người là chúng rúc cả vào hang. Người đi bắt cáy bao giờ cũng mang theo chiếc thuổng dài. Thế là ngày nào người ta cũng rồng rắn đến rặng tre chắn lũ mà đào cáy, chỗ lấy đất hất lên trồng tre bị trũng xuống sâu hoắm, vài lần đã có trẻ con ngã xuống chới với ngụp đầu.

Những lúc ấy không biết từ đâu lão Bính xuất hiện rất nhanh, nắm ngay lấy tóc hay vai đứa bé mà nhấc lên, có đứa lão phải vác lên vai chạy vài vòng lên đê dốc nước khỏi bụng nó. Bấy lâu người ta cứ nghĩ đi đào cáy ban trưa, xắn vào cả rễ tre vì qua mặt được lão. Không ngờ, lão biết cả nhưng làm lơ cho người làng kiếm kế sinh nhai.

Cáy ấy đem về nhà, rửa thật sạch bùn đất, nấu một nồi nước sôi thật lớn để nguội, bày cáy ra sân, tách vỏ, giã nhuyễn với muối hột, pha thêm nước sôi để nguội, bỏ thêm thính gạo rồi trút vào chum sành. Chum cáy được bịt kín miệng phơi nắng độ nửa tháng hơn là mắm cáy chín, đỏ rọi, thơm nức cả sân. Phần thì để nhà ăn, phần thì đem bán trên thành phố, hết mùa mắm cáy lại đến mùa mắm rươi, bao giờ người ta cũng thấy lão Bính luôn xuất hiện đúng lúc đúng mùa. Từ ngày lão trúng thầu rặng tre chắn lũ dường như lão không còn xuất hiện giữa hội hè đông đúc đình đám trong làng. Lão lủi thủi lùi về phía sau, đứng từ phía xa mà quan sát, mà “ra tay” khi cần. Nhưng những điều lão làm người ta lại cho rằng lão đang cố xích lại người làng để họ quên đi cái điều tiếng tham lam, sống có một mình mà ôm làm gì lắm ruộng. Ruộng không khai khẩn không mua vậy mà bây giờ cò bay thẳng cánh. Trâu buộc ghét trâu ăn vốn sẵn thói đời.

Mùa gặt, cũng vẫn đội đàn ông ở đâu đến năm sáu người, vẫn những mái tóc đã lốm đốm bạc, những tấm áo bộ đội sờn cũ. Họ gặt hái thạo lắm, từng bó lúa lớn được vác lên đê rồi chất lên xe bò, việc đâu vào đấy cứ nhoay nhoáy như trong quân ngũ. Thóc được tuốt, phơi khô khén, rê sạch trấu bụi thì cũng những con người ấy xe lớn xe bé chở đi.

Rồi người ta cũng quen, cũng quên dần và thôi bàn tán, rặng tre năm nào còn thấp lè tè mà nay đã vút cao chót vót. Đứng ở trong làng còn nhìn thấy ngọn tre vi vút trong gió đồng chiều bên ngoài đê. Chiều chiều lão Bính vác cây diều sáo và cuộn dây song cùng đàn trẻ nhỏ chạy ào ào, cánh diều no gió chao giữa trời trong vắt, tiếng sáo tu tu vọng khắp làng. Bây giờ có lẽ chỉ còn làng mình có con diều sáo. Diều đứng trên gió, sải cánh giữa tầng không nhìn về làng, đôi cánh cong cong như mái đình, cong cong như miếng trầu, cong cong như mạn thuyền. Diều ơi, bay cao lên…

Cũng một chiều êm ả, lũ về, bao nhiêu năm làng không gặp lũ, người ta đã quên mất lũ từng tràn về làng, quên những đêm nhà nào nhà nấy tháo cánh cửa gỗ đem đi hộ đê. Quên những ngày gánh gồng nồi niêu xoong chảo lên tá túc ở ngôi làng ven núi. Tưởng chừng lũ chỉ còn trong trí nhớ của người lớn những ngày nước tràn trề hết đồng ruộng ao đầm, cá lạch đầy trên mặt đường, lúa ngập trong bùn nước.

Thế mà lũ về.

Gió quật hết cây cối trong vườn, kẻng đánh inh ỏi ở gốc đa đầu xóm. Tổ dân quân tự vệ túc trực trên đê, nước ngoài sông dâng lên, rặng tre là nơi nước xô đến đầu tiên. Nước lồng lên, ụp xuống dữ dội, tre oằn mình chịu trận, nước tràn qua được rặng tre xô vào chân đê thì nước đã yếu đi nhiều. Khi ấy nước ngoan ngoãn nằm vòng quanh chân đê dâng cao dần lên rồi cả tuần sau bắt đầu rút chậm.

Khi nước rút đi, người làng mới nhận ra bên kia rặng tre là bao nhiêu rác rến, cây gỗ ở đâu trôi đến vướng lại chất cao như bãi rác. Chỉ có lớp phù sa theo nước lũ bồi thêm một lớp màu mỡ ven đê. Nước vừa cạn người ta đã thấy lão Bính đem xẻng đem mai đi xắn đất nâng những thân tre gãy rạp, trồng những cụi tre mới vào những chỗ tre bị nước lũ nhổ bung. Những cây tre già bị trốc gốc, lão đem về nhà, ngâm xuống ao, chẻ ra đẽo biết bao nhiêu đòn gánh, chòm xóm ai cần cứ đến mà xin.

Cũng năm ấy, làng tổ chức một buổi liên hoan, trưởng thôn trịnh trọng tuyên bố ruộng ngoài đê trước kia của nhà ai thì người ấy lại được nhận về cấy hái, dân làng đã có rặng tre chắn lũ đủ vững chãi rồi. Lão Bính muốn trả lại ruộng cho bà con nhưng vẫn giữ trách nhiệm trông coi, tre bây giờ là tài sản chung của cả làng. Người ta đưa mắt tìm lão Bính nhưng không thấy ông đâu. Nghe nói ông đã khoác balo đi xa thăm đồng đội cũ. Người ta cũng kể cho nhau nghe thóc thu được ven đê mấy năm nay ông đều nhờ đồng đội chở đến nhà những người bạn thuở cùng vào sinh ra tử khi trở về đã không còn lành lặn. Những người bạn cùng ông xắn đất trồng tre, chung lưng gặt hái ngày mùa cũng là những người xắn từng tấc đất gom nhặt từng kỷ vật, từng mẩu cơ thể những người đồng đội nằm lại chiến trường.

Thế mà suốt mấy năm trời ông ấy lặng lẽ, suốt mấy năm trời không nửa lời thanh minh. Chỉ có rặng tre kiên cường mà trưởng thành, cội rễ chăm chỉ bám sâu vào đất trả ơn cho ông ấy. Phải rồi “bí mật quân sự cơ mà” - có người nào đó bâng quơ như đùa như thật. Người làng lặng đi, có cả những giọt nước mắt lăn ra từ những người từng cay nghiệt nhất.

H.H

HOÀNG HIỀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 342

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

3 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground