Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sông có dài

Mẹ tôi nhắn, vỏn vẹn có mấy lời, đại khái rằng hăm tám nay chạp họ, tôi cố thu xếp lấy mà về. Nhòm lịch thấy đã hăm sáu, tôi chạy lên phòng Tổng biên tập. “Xong cái thằng cha xuất nhập khẩu, cho cậu nghỉ luôn một tuần”- nghe tôi trình bày, tổng biên tập bảo. Đêm đó xem xong truyền hình, tôi bật đèn ngồi vào góc bàn đầy những hộp son phấn của vợ. “Tưởng anh chỉ quen đàn đún nhậu nhẹt thôi chứ!” - Vợ tôi bảo. Tôi ừ hử, không quay mặt lại. Lẽ thường, đời thằng làm báo chí viết được cái gì to tát ghê gớm khi chỉ hai bàn tay trắng và bao nhiêu khát vọng xa tít mù khơi, còn mỗi khi đã có đôi chút danh tiếng, vướng vít chuyện nhà cửa, vợ con, nhất là khi đã uống quen thì cái sự viết kia thành một thứ trang sức, tất cũng nhờ nó mà sống dài dài. Đèn điện sáng trăng, tư duy mạch lạc, rõ ràng giống cái rãnh khai thông, chưa đặt bút cũng biết bắt đầu thế nào, kết thúc ra sao.

Chưa đầy hai tiếng đã xong bài báo. Tôi tắt đèn, chui vào màn. Quả tình có vài chi tiết tôi phịa ra từ những thông tin nghe léng phéng thật. Thì làm phóng sự về một doanh nghiệp mà mất buổi uống với giám đốc chứ mấy! Chậc! Biên tập hẳn không đọc, đảm bảo cái tên tôi, về đơn vị công nhân xem, nghe khen là điếc lỗ mũi rồi… Tôi vùi mặt vào mớ tóc thơm hương một thứ dầu gội đầu nào đó của vợ, cảm giác tan tan, ngủ lúc nào không hay.

“Anh nói với bà thông cảm, chứ em mà bỏ cửa hàng là không được” - vợ tôi bảo lúc ngồi gói ghém quà cáp cho tôi mang về. “Thì có một ngày chứ mấy” - Tôi nói. “Không được, mai là em giao hàng. Hẹn với người ta rồi, mất chữ tín còn làm ăn quái gì”. Ngừng một lát, vợ tôi tiếp: “Mà nói là một ngày, cũng đi đứt hai trăm bạc ấy chứ. Ai cho không ngần ấy…” Tôi im. Kể ra vợ tôi cũng có lí. Hơn năm này thu nhập của chúng tôi chủ yếu nhờ vào cái cửa hàng quần áo, mỹ phẩm của nàng, lời lãi một ngày hơn đứt mấy lần nhuận bút bài báo của tôi. Có biện bạch đến đâu cũng phải thấy nhỡn tiền rằng mấy lâu nay tôi được xênh xang tiêu đồng tiền mà không phải ngay ngáy ngày mai ăn gì mặc gì, tóm lại tôi trở nên phóng khoáng, ga lăng hơn cũng là nhờ có nàng. Vậy kể ra tôi biết ơn nàng mới đúng, trách thì thành bạc nghĩa.

Vợ tôi vốn là kỹ sư Hóa, trước làm ở xí nghiệp bánh kẹo. Cơ quan làm ăn thua lỗ, tháng dăm ngày công, lương ba cọc ba đồng, nàng nghỉ việc vay vốn mở cửa hàng. Lúc đầu cả tôi và nàng đều nghĩ đến việc dẹp bỏ nó nữa. Có lần mẹ tôi lên chơi, bà nói nhỏ: “Chứ tao chả thích thấy vợ mày làm phe. Cán bộ nhà nước vẫn hơn”. Tôi cười: “Chuyện hão. Thời nay trí thức đi buôn mới đáng gườm, làm nhà nước xưa nay ai chẳng làm được”.

“Thế hay cho con nó về”- tôi cố nài. “Nó bỏ mấy buổi học, rồi đâm thua con người ta, ai chịu trách nhiệm” - vợ tôi nói. Rốt cuộc tôi một mình cưỡi xe, nhong năm chục cây số về quê.

* * *

Mẹ ra ngóng tôi tận làng, chỗ con sông ngoặt cong doi doi xuống bến Rèn. “Mẹ đi đón làm gì? Nhà con nó bận, thằng cu Rin đi học” - tôi nói và chợt nghĩ, ngày xưa tôi chơi nhiều, cũng thành anh nhà báo, bây giờ con tôi mới lớp hai đã học ngày học đêm, học thêm học bớt, khéo không sau này nó thành vĩ nhân! “Mày đi trước đi. Mẹ đi bộ túc tắc”- mẹ bảo tôi. Tôi chỉ cái yên xe: “Mẹ ngồi lên con chạy nhoáng một cái là tới. Thế! Ngồi chắc vào, ôm lấy con không xóc ngã thì khổ”… Mẹ ngại ngần ngồi ghé lên, còn nói: “Dào ôi, cả đời tao chỉ biết ngồi xe trâu, xe bò, biết cái xe nổ là gì”. Tôi nghĩ, đúng là các bà nông dân, đến khổ. Tôi dựng xe ở hiên, chưa kịp quay lưng đã thấy láo nháo một bọn trẻ con, chúng bồng bế dắt díu nhau tụm lại. “Honda chúng mày ơi!” Chúng gọi nhau, rồi đứa xoa cái gương, đứa sờ cái đèn. “Chúng mày xem thì xem đừng phá” - tôi nói, bụng cứ lo ngay ngáy, nhỡ máy mó chúng tháo mất của tôi cái gì, cũng toi. “Kệ, cho chúng xem. Mấy khi được sờ chiếc Honda”- mẹ tôi nói, mắt cười cười.

Tôi đi ra giếng. Cái giếng cha tôi đào từ thời tôi còn bé tí, luôn quây bằng sợi tre đan cũ lớp này lại thay lớp khác, bây giờ cũng lớp tre đan đã lên mốc, có lẽ mấy mùa rồi chưa thay, kiểu quây không thay đổi, cứ ngỡ một lớp tre ấy từ bấy đến giờ, dù cha mất hơn chục năm rồi. Ảng nước bên giếng đựng đầy nước, trong và sạch như vừa được đổ vào xong. “Mẹ đổ nước vào ảng làm gì, dùng có hết đâu?” - tôi hỏi mẹ. “Không dùng cũng phải súc rửa luôn chứ, để thế trông vừa buồn, cung quăng đầy lên vừa bẩn” - mẹ đáp. “Mày rửa mặt thì múc dưới giếng lên cho ấm” - lát sau mẹ lại nhắc. Một khoảng mặt nước nhỏ soi bóng trời xanh sâu hút. Bóng gương mặt tôi in lên khoảng trời đó, trông mờ mờ. Tôi chạm gàu, cả gương mặt tôi, cả khoảng trời chiều trong lòng giếng cùng tan ra, loang mất. Vốc nước vã vào mặt, nghe hơi ấm thấm thía đến xốn xang người. Lạ kỳ, giếng sâu mùa đông bao giờ cũng ấm, trời càng buốt bao nhiêu nước càng ấm bấy nhiêu, như thể hơi ấm được ủ trong đất. Ngày nhỏ, mỗi lần từ đồng về, sướng nhất là được dội ào gàu nước giếng rồi chun vào góc bếp, quấn nách mẹ mà hơ tay mà xuýt xoa. Nhiều năm phù du chốn thị thành, mùa đông tắm nước nóng chứa trong bình hơi, chẳng hề nghĩ cái chất nóng đó khác gì với cái chất nóng nước giếng khơi…

Chập tối mẹ dọn cơm ra hiên. Manh chiếu nhỏ hai mẹ con ngồi vẫn thừa thãi. “Thường mẹ ăn có một mình à?” - tôi hỏi. “Thì chứ ai nữa” - mẹ đáp. “Nói mãi mẹ không nghe. Lên trên ấy có con có cháu thì mẹ không chịu. Vợ con nó chỉ trông mẹ lên”. “Tao quen thổ thần đất đai, lên trên ấy đến cái khí thở cũng không quen nữa là” - mẹ thủng thỉnh. “Mẹ làm thế, người ta trông vào, lại bảo được một thằng con mà bất hiếu” - tôi nói. “Dào, lưỡi người không xương, mày nghe làm gì”. Tôi thở dài, chẳng biết còn nói sao với mẹ. Ngày mất em, tôi một mình lang thang trong nỗi cô đơn dằng dặc, tôi làm thơ và gào lên với mình, với trời. Tôi đi, mẹ một mình với nếp nhà ăm ắp dĩ vãng.

Tôi nhìn mâm cơm. Bữa cơm chỉ có cá tràu kho lá nghệ, canh bông lí nấu tôm. Mẹ tước thịt trên lưng cá bỏ vào bát tôi, phàn nàn: “Ăn uống thế này mày có ăn nổi không?” Tôi nói lảng: “Cá mẹ phơi từ hè chắc?” “Ừ, được nắng cá mới thơm và ngọt thế. Qua mùa còn phơi làm gì” - mẹ nói. Tôi hình dung chiếc oi tre đựng đầy cá khô của mẹ treo trên bếp, ngoài đầy bồ hóng nhưng hễ mở túm rơm bùng miệng oi là đã nghe mùi cá thơm đến tứa nước miếng. Xưa kia mẹ tôi hay trữ thức ăn cho qua mùa rét, đó là những oi cá, những vại mít, vại cà muối, dành ăn dè qua đông, qua tết, tận hè năm sau. Giữa bữa ăn mẹ dừng đũa: “Nhẽ ra phải qua năm mới chạp họ, dưng vụ rồi mất quá, giờ còn gạo nếp không lo làm đi, đến lúc túng bấn, mồ mả không lo đến nơi đến chốn là phải tội”. “Nhà quê mình bảo thủ thế đấy, người sống cơm không đủ ăn mà chỉ toàn lo giỗ chạp, mồ với mả” - tôi nói. “Đừng nói thế, người sống bọng máu, dưng mà được này được nọ cũng là do ông bà ta phù trợ cả, con ạ!” Lúc sau mẹ nhắc thêm: “Lúc nữa mày sang bác Đinh nộp trăm nghìn. Năm nay các bác ấy tính mỗi suất một trăm. Con cháu đông, phải ngả con lợn tạ mới đủ chia lộc”. “Thế mẹ phải nộp không?” - tôi hỏi. “Có!” “Thì để con nộp luôn phần mẹ”- tôi bảo. “Không được, mày cho mẹ là cho lúc khác, việc hương khói là ai cũng phải có phần giống ai. Tao không lo được, cha mày ở dưới kia tủi lắm” - mẹ nói, rồi cứ thế ngồi lặng.

Ăn xong tôi mở túi lấy mấy thứ quà vợ tôi dặn mang về biếu mẹ, biếu họ hàng. “Cái này vợ con nó gửi cúng cha” - tôi chỉ chai rượu. “Rượu Tây à? Chữ gì đấy?” - mẹ sờ cái nhãn, hỏi. “Napôlêông”. “Là gì?” “Là vua nước Pháp”. “Khiếp nhỉ! Vua cơ đấy! Chắc đắt nhỉ?” - mẹ hỏi. “Bốn trăm nghìn” – tôi đáp. Mẹ bần thần một lúc, nói nhỏ: “Hơn hai tạ lúa! Nên tao thấy cha mày cũng sướng. Cả làng có ai được cúng chai rượu đắt thế bao giờ!” Tôi đùa: “Mẹ thích thì từ nay con gửi biếu mẹ đều". Mẹ chép miệng: “Vẽ! Tao chỉ thích cỗ hậu sự, gỗ gõ là nhất”. Tôi giật mình: “Mẹ nhảm thế! Chết đâu mà hậu với sự”. Mẹ trầm ngâm: “Mày trẻ mày không biết đấy, chứ tao già, gần đất xa trời, chỉ trông có thế”. Tôi ngó mung ra ngoài trời, ngoài quãng sáng ngọn đèn dầu chỉ là một không gian đen đặc. Đêm nay cuối tháng mất rồi.

* * *

Tinh mơ mẹ đã gọi tôi dậy. “Ăn mặc cho chỉnh tề, con ạ!” - mẹ bảo. Tôi sửa soạn đi, mẹ đưa cái cuốc dặn thêm. “Vác cuốc lên vai đi ra cho tới nơi, đừng bỏ xuống đất”. Tôi nhìn cái cuốc, cuốc sạch bong, được lau chùi kỹ lưỡng đến nỗi nước thép ánh lên xanh ngời, tưởng soi được. Tôi vác cuốc, nhập vào đoàn người đi dẫy mộ, băng qua choi, lên đồi Mụ Dạ. Lâu lắm, kể từ hồi đi học đại học đến giờ, tôi mới lại đi dẫy mộ. Thường trai làng tôi lớn lên, mười ba mười bốn tuổi mới được làm việc này. Nó là cái mốc đánh dấu sự trưởng thành của đời con người. Năm tôi học lớp sáu, mùa chạp họ đó lần đầu tiên tôi có tên trong tờ danh sách dài đằng, ông Đinh đọc gọi xếp hàng dẫy mộ, tôi mừng run lên, chút nữa thì khóc. Qua mùa, đợi đến mấy năm sau nữa mới lại có kỳ chạp…

 Sương chưa tan. Trên mặt đất mấp mô ngàn ngàn mồ mả, cỏ xanh rì, óng ánh những hạt sương phản chiếu tia mặt trời buổi bình minh. Heo may đầu mùa thoảng lạnh, thổi rạo rực vạt bông cỏ may lơ xơ. Cữ này cỏ may còn non hạt, phải là độ heo may đậm, tức cuối tháng mười một sang tháng chạp âm lịch, hạt cỏ mới chín. Trong gió thế này, nằm xuống một vạt cỏ nghe bông cỏ cọ vào má vào cổ, ngửa mặt nhìn mây trời trôi chầm chậm, nghe con chim Te hót kêu: T…te…hót” thật thú bao nhiêu. Bao giờ Te hót kêu là biết nó đang khát bạn tình? Những chiều rong trâu nằm ngửa trên đồi, tôi tự hỏi mình thế. Ngày đó Te hót kêu nhiều và kêu vang…

Phần mộ họ tôi nằm chếch phía Tây đồi, ngôi mộ to nhất trên cao gọi là Mộ Tổ, rồi đến Bà Cố, Ông Cố. Ông Đinh bảo: “Con cháu nhớ lấy, mả thứ nhất là Mả Tổ, bắt đầu từ Mả Tổ xủi xuống, xuôi hướng địa…” Tôi nhìn theo hướng chỉ của ông Đinh, thấy ngôi Mộ Tổ sừng sững như một cái lô cốt. Tôi nghĩ không biết có phải là mộ cụ Tổ thật không, bởi bấy đến nay đã nhiều đời, mưa nắng, chiến tranh, loạn lạc. “Cháu chịu thôi, nhiều mả thế, chẳng nhớ hết” - thằng bé ở cạnh nhà tôi làu bàu. “Chú có nhớ nổi không?” - nó hỏi. Tôi ậm ừ. “Làm nhà báo thì khoái chú nhỉ! Thích viết cái gì thì viết, thích nói cái gì thì nói, nói gì cũng đúng cả. Tỉ dụ mẹ cháu kể hồi nhỏ chú đi học và chăn trâu thôi, nhưng cháu đọc trên báo thấy chú viết là chú học một buổi đi cày một buổi” - nó nói thêm. Tôi hỏi: “Mày con nhà ai?” Nó trả lời: “Con mẹ Hiên”. Một cái gì tự nhiên dào lên cổ làm tôi suýt nghẹn.

Ông Đinh chỉ một nấm mộ, bảo đấy là mộ cha tôi. Một nắm đất phủ đầu cỏ may không khác gì với bao nhiêu nắm đất ở trên đồi Mụ Dạ này, không có bia, không một dấu hiệu để nhận biết ĐÂY- LÀ- CHA-TÔI. Tôi cúi xuống, rứt một hạt cỏ cho vào miệng, bất chợt nghĩ, không biết bây giờ nhìn thấy tôi ăn cỏ may, cha có đánh tôi nữa hay không. Hồi nhỏ, tôi nghiện cỏ may, cho đến năm bị đuổi khỏi trường đại học, tôi vẫn còn nghiện ăn cỏ may như thế. Tôi nhớ ngày đó tôi mặc quần ka ki, loại quần mẹ tôi chữa lại từ những cái quần cũ của cha bằng cách trở phía ống chân ngược lên cắt thành mông quần tôi. Hễ ra đường đi đâu là tôi cố tình đi vào vạt cỏ may cho cỏ bám đặc hai ống quần. Về đến nhà tôi lén ra gốc khế ngồi vào chỗ khuất vừa gỡ vừa nhằn những hạt cỏ nhỏ ti, cứng và bùi bùi. Tôi ngồi cả buổi, ăn mê mải, ai hỏi ai gọi gì cũng không nghe. Một lần đang ăn thế, cha đến trước mặt tôi không hay. “Tiến!” – cha hét. Khi nào giận dữ cha mới gọi tôi bằng tên chữ, còn thường ngày cha chỉ đơn giản gọi tôi là Cu. Tôi giật mình, run như dẽ. Cha lôi tôi vào nhà, bắt nằm úp trên phản. Tôi sợ quá quì lạy như tế sao. “Mày lạy vì sợ đau à? Nằm xuống!” Vút! Tôi nảy người, nước mắt tứa đầy. “Nhớ lấy, tao đánh mày trước hết vì mày hèn, sau mới đánh mày vì ăn cỏ may” - tiếng cha lẫn trong tiếng vút đều đặn của ngọn roi. Cha đánh tôi bằng cành dương liễu, những cành dài và cứng đã bứt hết lá và rất dai, đánh đến chừng nào bấy gãy mới thôi. Cha đi rồi, tôi nằm lặng nhấm nháp dòng nước mắt của mình, nghe mùi hắc chát của lõi và vỏ dương nát, và nghĩ đến chị Hiên. Lúc đó tôi oán chị Hiên ghê gớm. Chính chị Hiên đã bày cho tôi ăn hạt cỏ may, chính chị đã kể cho tôi câu chuyện về một chàng nông dân chết gục trên đám cỏ may một ngày đông giá rét sau khi đã nộp chín mươi chín gánh gạo cỏ may cho nhà vua. Vua thách rằng, hễ ai nộp đủ một trăm gánh gạo cỏ may vua cho cưới công chúa làm vợ…

Sao tôi không làm cỏ may

Để giữ chân người yêu tôi lại

Đường về còn xa ngái…(*)

Chị Hiên hát thế. Nước mắt chị Hiên chảy thành từng hạt sao mà trong mà sáng thế. Sau này tôi không thấy nước mắt của cô người yêu nào của tôi giống thế.

“Chú đắp cho tròn đi! Người ta sắp cúng rồi!” - thằng bé lúc nãy bảo tôi. Bấy giờ ông Đinh đã cho bày mâm cúng. Ông đứng trước Mộ Tổ, đốt hương và lầm rầm khấn. Sau lưng ông đám con cháu lần lượt theo tuổi, theo bậc xếp một hàng dài xuống tận chân đồi, mỗi người cầm một nắm hương. Khói hương dày đặc, tỏa hương thơm ngạt. Hễ trên kia ông Đinh sụp xuống lạy một lạy là kế đó từ từ từng người một quì xuống, cứ thế đến ba lần. Chừng cúng xong đã non trưa. “Đi về chú” - thằng bé kéo tay tôi. Tôi vượt lên đỉnh đồi. Hiện ra trước mắt là lũy tre xanh kéo một vệt dài chắn ngang tầm nhìn về phía chân trời. Phía đó là làng.

* * *

Chị Hiên qua chơi. Từ ngày lấy chồng chị ra ở với chồng ngoài gần biền khoai, không ở gần nhà tôi nữa. Chị ghé ngồi xuống ngay bậc cửa. “Chị vào nhà, ngồi lên này uống nước” - tôi mời. “Mặc tôi, cậu ạ! Tôi ngồi đây cho mát” - chị nói. Trong bóng tối lờ mờ tôi không nhìn rõ mặt chị, chỗ hai con mắt chỉ là hai hốc đen đen. Ngày xưa đó là biển, là trời. Tôi nhớ trưa nay chị rót rượu vào chén cho tôi, ép tôi uống: “Rượu làng, cậu xem có nồng không?” Tôi uống mà không say, lại cứ thấy lòng tinh tỉnh ra.

“Là thế này…” - chị Hiên ngập ngừng. “Chỗ chị em, có gì chị cứ nói, đừng ngại” - tôi nói đỡ. Chị hắng giọng rồi giống như than thở: “Cậu nói hộ với bên ủy ban cho tôi một tiếng. Anh ấy nhà tôi quả có tháo thuốc bom bán thật, nhưng chẳng đáng là bao. Đận này họ phạt đến triệu bạc. Cậu nói để họ giảm, nộp hai ba trăm là vừa rồi. Cậu là nhà báo, các ông ấy nể cậu…” Tôi mang ít bánh kẹo, bảo chị mang về cho các cháu. Chị bảo: “Cậu có cho là cho chúng thứ khác, chứ kẹo cõm chúng ăn quen, không có mà cho, đâm hư hết…”

Lúc chị về, mẹ tôi phàn nàn: “Thằng chồng nó hỏng lắm, chuyện thuốc bom thuốc đạn, ủy ban cảnh cáo phạt mấy lần cũng không chừa. Tiền kiếm nhiều, giờ khá giả nhất nhì làng đấy, dưng mà rượu chè, đánh chửi nhau cạn tàu ráo máng lắm”. Tôi hình dung hai hốc mắt chị Hiên đen đen trong bóng tối, thấy buồn quá.

Ấy là cái hè cuối cùng trước khi tôi đi học đại học. Chị Hiên nhòm mặt tôi, nói: “Chữ nhiều thì sĩ lắm”. Chị thở dài, lại nói: “Mà không sĩ mới là buồn hơn”.  Đêm trăng sáng chị đứng ngoài cửa gọi nhỏ: “Tiến ơi!” Tôi chạy ra, chị cầm lấy tay tôi thì thầm: “Ra sông với chị đi!” Tôi theo chị ra Bến Rèn. Đó là cái bến lớn nhất trên quãng sông chảy qua làng, trong chiến tranh là bến giao liên, nghe nói bộ đội dân công qua đông lắm, hồi này chỉ là cái bến đò ngang, lâu lắm mới có vài khách qua lại. Dưới bến, khuất sau lùm tre chỉ độc mỗi con thuyền của ông lái đò dùng chở khách. Tôi nhảy xuống thuyền, vừa loay hoay mở dây buộc hỏi: “Đi đâu?” “Ngược phía nguồn” - chị Hiên bảo rồi ngồi ra giữa thuyền, mặt xây về phía tôi. Tôi chèo ra giữa sông, rồi cứ thế ngược lên, nhưng vừa được một đoạn lại nghe chị Hiên nói: “Thôi đừng, thả trôi đi!” Tôi gác chèo, bấy giờ mới chợt nhận ra lòng sông về đêm trăng rộng quá. Chỉ toàn trăng là trăng, tre nhuộm trên ngọn tre hai bên bờ, trăng ròng trên sông, nhìn mặt nước cứ thấy lấp lánh lấp lánh. Chị Hiên ngồi giữa lòng thuyền như ngồi giữa biển trăng, tóc rực ánh trăng, mắt môi sáng lên dưới ánh trăng, bờ vai, cổ, cả hõm ngực cũng anh ánh trăng. Đêm ấy, chị mặc cái áo rộng cổ, hở gần hết vai. Tôi ngạc nhiên, thấy sao chị đẹp lạ, chưa bao giờ đẹp như thế. Chị ngồi ngay trước mặt mà cũng như hư như ảo. “Đêm nay rằm”. Tôi nghe tiếng chị mơ hồ. Thuyền nhẹ tênh, sông nhẹ tênh, người tôi nhẹ tênh. Trong tĩnh mịch, trong rộng rinh sông trăng, nghe đâu đó xa vắng một giọng hò. Hò thế này:

Sông có dài ví cũng dài bằng hai vai

Có rộng cũng rộng bằng hai bước

Chớ bên ni thương bên nớ

Chớ răng đi một ngày

Chớ răng đi một đời…

Tôi nín thở: “Ai hát vậy chị Hiên?” “Đấy là những người đàn bà yêu”. Tôi nghe như có tiếng hơi thở chị thoang thoảng mà nóng rẫy: “Đàn ông yêu hát thế nào?” - tôi hỏi. “Chẳng hát gì!” - chị xẵng rồi quay mặt đi, không nhìn tôi nữa. Tôi muốn khóc, cảm thấy tủi thân quá. Người mềm ra từng thớ từng thớ, chốc lại căng lên từng thớ như thế, đau nhức, rấy khó chịu. “Về đây. Em về đây!” - tôi vùng vằng, vớ chèo chèo mạnh, làm nước bắn tóe cả lên. Thuyền chòng chành, suýt lật. “Ơ kìa, Tiến!”- chị Hiên hoảng hốt. Mặc, tôi cứ chèo. Lật đi, chìm đi cho ngập trong sông, ngập trong trăng với chị Hiên…

Chị Hiên yêu anh Cường, điều này ở làng tôi ai cũng biết. Nghe nói hai người yêu nhau đã lâu lắm, từ hồi còn học cấp hai, còn bị cấm yêu. Sau anh Cường đi học, vào được đại học bách khoa, chị Hiên ở nhà, nhưng chị Hiên nổi tiếng đẹp nhất vùng. Xong đại học, anh Cường muốn ở lại thành phố, không được, người ta phân anh vào tận miền Nam. Anh về làng, buồn rượi. “Buồn làm gì, kiếm mảnh ruộng làm với em, chờ khi nào có việc anh lại đi làm” - chị Hiên nói. “Không được. Làm thằng nhà quê rỗng túi, chúng nó khinh cho, nhục”. Anh Cường nắm chặt hai bàn tay. Anh bảo thêm: “Còn yêu thì ráng đợi. Tôi đi làm ăn”. Chị Hiên khóc. Nhưng anh Cường đã theo bọn đãi vàng ngược sông, vượt núi qua tận Lào. Hai tháng sau có người xuôi sông về báo tin, anh Cường trúng quả đào được nhiều vàng nhưng bị bọn đầu gấu tranh ăn đánh chết, vứt mất xác. Chị Hiên lăn xuống đất mà gào, hết gào thì nằm lặng, mắt vô hồn. Đến nay đã hai năm…

Đêm sau trăng vẫn sáng thế, chờ không thấy chị Hiên gọi, tôi lén qua nhà chị, ngôi nhà ẩn trong lùm mít giống nhà tôi, thấy chị ngồi tựa cột hiên lặng lẽ. “Chị Hiên, đi ra sông đi” - tôi rủ. “Mày sang rủ con Cần ấy!” - chị gắt, xong đứng dậy bỏ vào nhà. Tôi sững sờ. Sao chị bảo tôi rủ Cần? Tôi rủ chị kia mà…

Cần ở sát phía nhà chị Hiên. Nó bằng tuổi tôi vừa đen vừa béo. Thường buổi chiều đạp xe từ trường về tôi hay hặp nó đứng ở ngoài biền cười với tôi. Chị Hiên bảo là tại nó mê tôi nên kiếm cớ đi như thế để đón tôi. Bây giờ chị bảo tôi rủ nó!

Tôi chạy vụt qua bờ tre, thẳng lên đồi. Tôi nằm úp mặt xuống cỏ, hai chân dạng thẳng đơ, hai tay bấu chặt lấy từng túm cỏ, miệng ngoạm một ngoạm cỏ lớn, nước mắt chảy mèm mặt cỏ. Chị Hiên ơi! Chị Hiên! Tôi nghe tiếng thổn thức dội vào lòng. Cả cỏ cả trăng chẳng an ủi được tôi, đêm ấy…

Sau hè ấy tôi vào đại học, và người con gái đầu tiên tôi biết là em. Em tên Sương. Nhiều năm sau tôi nghĩ, bởi có lẽ là Sương nên em mong manh và chỉ là dư ảnh. Trước mặt nhà em cũng có một dòng sông, con rạch thì đúng hơn, vì rất hẹp và đục. Qua được nhà em phải leo một con cầu khỉ. “Người yêu con!” - em nói. Bố em cười. Mẹ em cười. Em cười. Em chèo mủng đưa tôi đi vớt rong, rong đuôi chó đầy trong những ao nhỏ trên đồng. Tôi ngủ say trong hương da thịt em, trên vồng ngực non, nghe có lẫn mùi bùn và mùi lúa của cánh đồng tháng ba mơn mởn.

Ở phòng nội trú chúng tôi có cả thảy mười thằng con trai, mỗi thằng ngoài tên chữ còn kèm theo một cái tên tục. Tôi là Cu, những thằng học trò nông thôn khác là Chồn, là Tẹo… Riêng thằng Ngọc, dân thành phố chính gốc tên là Ben. “Tao là Văn hóa Ben. Mày là Văn hóa Cu. Con Sương mày là Văn hoá cái Đĩ” - nó nói và cười to. Tôi muốn cho nó một cú đấm, nhưng ngẫm lại, quả thực nó nói đúng, tôi và em chỉ là Văn hóa Thằng Cu Cái Đĩ. Năm thứ ba, em bỏ học để lên xe hoa cùng một gã Việt kiều bốn mươi tuổi mặt giống như cái bánh đúc. Tôi uống rượu, đánh nhau và gào lên trong đêm. Bị đuổi học, tôi bỏ đi, khắp chân trời góc bể tôi tìm em. Tất cả những điều đó có nghĩa gì với em? Và cái đêm Sài Gòn mưa xối xả, tôi ướt run đứng dưới cánh cửa buồng ngủ em, ngập trong một thứ ánh sáng xanh mờ, nghe tiếng em ư ử như con mèo cái no tình, tôi tự hỏi, vậy giờ đây em là văn hóa gì, theo kiểu suy luận của thằng Ben? Liệu tôi có nên cám ơn giây phút đó không, khi mà nhờ nó tôi đã trở thành thằng Tôi khác.

* * *

“Khó ngủ lắm à con?” Mẹ tôi trở mình rồi hỏi từ gian đằng kia. Thì ra suốt đêm mẹ nằm vậy mà không chợp mắt. Tôi vén màn ngồi dậy rồi ra bàn thờ đốt hương.

“Con ra sông một lúc” - tôi bảo. “Ừ , đi đi. Sẽ thanh thản hơn con ạ!”, mẹ đáp.

Tôi đi trên con đường làng mờ tối, nghe heo may nhè nhẹ. Đêm cô tịch, chỉ thi thoảng mới rúc rích tiếng côn trùng trong cỏ. Sông hiện ra trước mắt, bàng bạc. Mặt sông sáng hẳn giữa màn đêm tối, tưởng như rõ cả từng con sóng xao nhẹ theo gió. Tôi ngồi trong lòng con thuyền cũ, không mở neo, không động chèo, lặng chìm trong cái yên tĩnh của đêm.

Sông có dài ví cũng dài bằng hai vai

Có rộng cũng rộng bằng hai bước

Chớ bên ni…

Tôi nhìn quanh. Chỉ có sông vẫn bàng bạc thế.

T.T.H

Trần Thanh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 38 tháng 11/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

7 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground