Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sông ơi!

I – Khởi thủy dòng họ tôi là một chuyện tình yêu. Ông tôi kể, họ Trần tôi gốc gác đâu tận ngoài Bắc, ở một làng có tên là Hải Thượng có long mạch chảy qua, địa linh nhân kiệt, xưa nhiều người đỗ đạt làm quan, danh tiếng một vùng. Ông tổ tôi là người học rộng biết nhiều, tính tình lại phong lưu, ngoài bảy mươi, mặc dù con đàn cháu đống, vẫn đem lòng si mê một cô thôn nữ, quyết cưới cô này về làm thiếp. Không ngờ cô này với anh con út cụ Tổ - tức ông Tổ họ Trần làng Hạ tôi – tên là Trần Văn Nhược, vốn có tình ý với nhau từ lâu. Ông Nhược can gián cha không được, khi phải gọi người tình bằng dì ghẻ lấy làm buồn phiền lắm. Biết lòng dạ nhau, hai người bàn mưu tính kế trốn đi, chẳng dè mưu chước bại lộ, bà thiếp bị giam, ông Nhược bị cha sai nọc đánh một trăm roi. Đêm ấy, bà Thiếp cắn lưỡi tự vẫn. Ông Nhược hay tin, đau đớn muốn chết theo, may có người khuyên bảo, rồi chỉ đường cho vào Nam. Buổi ấy chúa Nguyễn bỏ đất Bắc, trên đường Nam tiến, du nạp tất thảy những người phản nghịch trong thiên hạ. Ông Nhược gặp cơ hội, tòng theo. Chúa Nguyễn khi vào Nam, chọn nơi đóng đô đầu tiên ở vùng bán sơn địa đất Minh Linh, bắc nguồn Bến Hải (Chỗ ấy ngày nay vẫn còn là Hố Điện). Nghĩ đến chuyện an dân trước tiên, Chúa chia đất cho quân lính, mỗi người lập một làng, dụ dân sinh cơ lập nghiệp, rải khắp vùng Ô – Hóa. Ông Nhược bấy giờ xuôi dọc sông Bến Hải, gặp đoạn sông uốn cong thơ mộng bèn dừng chân chiêu dân lập đất. Thương nhớ quê cha đất tổ, nghĩ làng mới phải mang hình bóng làng cũ, ông đặt tên làng là Hải Hạ, về sau dân quên gọi thành Làng Hạ; còn đoạn sông Bến Hải, thấy xinh đẹp hiền hòa nên gọi là sông Hiền.

Ông tôi kể, họ Trần tôi từ thưở khai thiên lập địa ấy đến nay đã bảy đời. Bảy đời, dân làng chuyên chú một nghề là làm nông. Sông nước trước mặt, thỉnh thoảng có dựa vào đó để kiếm con tôm con cá nhưng tuyệt không ai làm nghề chài lưới. Ông bảo thêm: “Sông nước như hồn của làng, phải biết giữ cho trong, cho sạch”. Sông đẹp và trong đấy, nhưng làng tôi nghèo. Đời này qua kiếp khác, dân làng cắm cúi làm ăn, bao nhiêu cũng không no được bụng, bởi vì đất quá xấu, nước mùa quá thiếu mùa quá thừa, thiếu ruộng rộp từng đám, thừa ngập trắng băng cả làng mạc. Người giàu nhất làng, gia sản nghe nói cũng được mấy cái ghế đá chạm hình nghê hình rồng, thời hợp tác hóa thành của công, đặt trong nhà ủy ban, chuyên dành cho khách quý ngồi. Trải bao cơn ái nộ của lịch sử, trước khi có cách mạng, người làng quanh năm tản khắp các nơi làm thuê làm mướn hay ở độ, dòng “thành phần” ghi trong lý lịch chung chung là “bần nông”.

Tôi lớn lên còn kịp thấy hội làng hai năm tổ chức một lần, vào dịp đầu xuân. Hội tổ chức ở bến Ông Cả, bến nước lớn nằm đầu làng, sát cạnh cái cống thoát nước của Thủy nông. Trước ngày hội, trai đinh trong làng họp nhau, phái nào theo phái nấy lên gò dẫy mã, sửa sang thế giới người chết. Người làng chết đều được đem ra gò, chôn quanh ngôi mộ to nằm chính giữa tục truyền là mộ Tổ. Mâm cúng được đặt trên mộ Tổ, thường gồm xôi, gạo, muối, thịt lợn, năm nào sang thêm con gà trống tơ. Hương khói thắp quyện trên Gò, hương thơm bay tỏa cả một vùng ruộng đồng. Rồi dựng cổng chào, quét tước đường ngõ. Trẻ con chúng tôi hồi đó được sinh hoạt trong đội nhi đồng, chuyên môn dọn đường làng. Ngày chính hội ở bến có đua thuyền, theo từng đội sản xuất mỗi đội mỗi thuyền. Người cầm lái thường là một cụ già, tay chèo thanh niên, giữa thuyền có đứa trẻ con tát nước. Tiếng trống thúc, tiếng hò reo nổi lên náo nhiệt một đoạn sông. Thuyền về nhất phần thưởng đơn giản lắm, một tấm vải đỏ cắt chéo có thêu chữ “Giải nhất” to tướng, cộng một tút thuốc Đà Lạt hay Mai gì đó, chủ yếu cho đám thanh niên hút xả hơi. Riêng thằng bé tát nước trong thuyền nhất, cả năm đó được tụi trẻ con làng trọng nể giống như một vị anh hùng vậy. Năm tôi đã học cấp hai, được mẹ cho về dự hội làng, thắng Phúc trở thành anh hùng kiểu như thế.

Ông tôi bảo: “Bây giờ làng không có đình chùa miếu mạo, chứ hồi xưa, có nhiều, đẹp lắm!”. Tôi lớn, làng trải ra trước mắt có chút gì bề bộn tuyềnh toàng là bởi chiến tranh, bom đạn Mỹ bắn vào hủy diệt hết hình hài làng hạ ông Nhược cùng cháu con mấy đời gây dựng nên, mãi sau bảy hai, người từ địa đạo lên, từ vùng sơ tán về mới làm lại nhà cửa, mới trồng cây trồng trái.

Ông tôi hay kể cho con cháu nghe truyền thống làng, có nói: “Làng ta tuy nghèo nhưng được cái sinh ra người nhân tâm. Mấy đời, ai đi đâu thì đi, cũng lấy vợ sinh con đẻ cái ở làng, chết chôn xương ở Gò, không ai bỏ đất”.

Ấy vậy mà cha tôi lại bỏ đất.

II – Cha tôi mất khi mới ngoài bốn mươi. Vậy là cha tôi yểu mạnh. Chiều đó cha cuốc đất xong, kêu mệt đi nằm, rồi ngủ luôn không dậy nữa. Tôi từ trường về, nhà đã đông người lắm. Tôi lật tấm khăn che, thấy mặt cha thanh thản, như giản nở một nụ cười. Không biết trong lòng, có thật cha tôi thanh thản thế không?

Bà sinh cha đúng năm đói bốn bốn. Hai năm sau bà sinh tiếp chú tôi. Bà kể cha lên hai, bị nhọt đòng đanh, sưng to ngay thái dương, không thuốc không lá, cứ lê la nghịch đất ngoài bến, móc đất sét chơi rồi đắp lên nhọt, không ngờ vì thế mà lành. Bà chỉ cái vết sẹo chạy dài bên trên má cha, nói: “Nó đó, chính cái nhọt”. Cha cười, góp chuyện tiếp: “Sau đó hễ mỗi lần lên nhọt, con lại móc đất sét đắp. Chả biết vì đất ngoài bến ta lành hay con mệnh đất, bà nhỉ?”. Bà thủng thỉnh: “Đất thiêng, nhất là đất mồ đất tổ thế này”. Tôi nghĩ thầm, hèn gì cái nhà tôi ở phên là phên đất, cái bếp bếp đất, cái nồi bằng đất, cái cối ngoáy trầu của bà cũng bằng đất. “Nhưng mà – đấy là một ý nghĩ khác xuất hiện trong đầu cái buổi tôi ngồi trong lớp vỡ lòng, nghe bụng đói sôi ùng ục – đất thì không ăn được”.

Người làng bảo cha tôi là người có chữ nhất làng. Ông tôi cũng bảo thế. Ngày xưa chỉ con nhà giàu mới đi học, mà học chữ nho, học chữ Quốc ngữ có mỗi ông giáo khóa lấy bà cô họ tôi nên tôi gọi ông bằng dượng. Ở lớp ông gọi tôi đọc bài, tôi đứng dậy, vòng tay, cúi đầu, cũng nói: “Dạ thưa dượng!”. Cha tôi cũng được ông khóa dạy chữ cho hồi nhỏ. Hòa bình lại, thích học quá, cha xin các ông ủy ban, rồi được gửi ra trường huyện học. Ông khóa có lần nói, cha tôi được đi học thế là bởi ông khóa đã khen cha tôi sáng dạ trước mặt ông hiệu trưởng, hôm ông về ngoài xã. Thì không biết nhờ ai, nhưng cha đã học một lèo hết cấp ba, mà năm nào cũng khá, giỏi. Tốt nghiệp cấp ba, Mỹ leo thang chiến tranh, cha ghi tên đi bộ đội, nhưng xã chiếu cố ông tôi là cựu binh đánh Pháp, bà tôi ở tổ mẹ chiến sĩ, lại có trình độ nên cha được ở nhà, vừa làm kế toán hợp tác, vừa làm Bí thư Đoàn thanh niên. Được ít bữa, cha có giấy gọi đi tổng hợp văn, cha đem lên ủy ban trình, ông Bí thư Đảng ủy nói: “Anh Hùng – Hùng là tên cha tôi – thông cảm, xã bây giờ thiếu cán bộ lắm”. Cha ở nhà, năm sau xin thi Đại học kinh tế, đỗ nốt. Bấy giờ ba tôi đi xin. Người ta bảo bà tôi không yêu nước, đang đánh giặc không muốn cho con tham gia chiến đấu lại muốn cho con vào chỗ sướng. Bực quá, bà tôi chửi. Bà chửi đại ý rằng bà chỉ có mỗi cha là con (chú tôi chết lúc chưa đầy năm) nên bà lo giữ. “Bà mà đẻ được thì bà cho con bà đi ngay” – lời bà. Nói thế, nhưng người ta cũng ký giấy cho cha đi. Cha lên huyện, vừa đi nhờ xe, vừa đi bộ, mà chủ yếu là đi bộ, bị bom tọa độ mấy lần suýt chết, ra tới thủ đô trễ mất nửa tháng học.

Năm ngoái đây, tôi mới có dịp lên trường Đại học kinh tế, nơi ngày xưa cha tôi học. Tôi ngồi trong một quán nhỏ trông ra đường Giải Phóng, uống nước sấu và nhìn những cô những cậu sinh viên bước ra từ cổng trường. Tôi nghĩ Hà Nội từ ngàn xưa người ta cũng đã  thích nước sấu như thế này rồi, và trên những con đường tôi qua, trước đó đã từng in bao dấu chân.

Cha lấy mẹ khi đã ra trường và đi làm ở Ủy ban kế hoạch. Tuổi nhỏ tôi sống ấm êm. Khi nhà còn ở quê, tuần cha tôi về một lần, đi bằng chiếc xe đạp Thống nhất có tấm biển số nhỏ gắn ở khung. Ngày chủ nhật ngắn ngủi, nhiều lúc chỉ vừa đủ để cha nặn cho con tu huýt đất, rồi sáng thứ hai khoác cái đài lên một bên vai, cha lại ra đi. Sau này nhà đã chuyển lên huyện, thì giờ rảnh, cha dành làm việc nhà nhiều hơn, nào trồng cây, trồng rau, chữa chuồng lợn, chuồng gà,… Về đêm, cha ngồi bên bàn làm việc, lặng im hút thuốc, khói thuốc lãng bảng thực đấy, hư đấy…

Cha mẹ đẻ bốn đứa con, tôi là đầu. Tôi ham chơi, học kém, mẹ bày việc nhà, bày đấy tôi lại quên đấy, mẹ cốc vào đầu tôi, bảo tôi đần. Tôi học mãi suốt mấy năm trời không thuộc bảng cửu chương, bị cô giáo phạt úp mặt vào bức tường cuối lớp. Cả lúc ấy, tôi cũng không hiểu đần là thế nào. Cha thi thoảng nhìn như hút khuôn mặt tôi, thở dài. Tôi săm soi mặt mình trong gương, không giống cha, không giống mẹ, vậy tôi giống ai? Sau này tôi mới biết một cách thấu đáo, tôi chỉ là tôi, bản thể là sự cô đơn, mọi gắng gỏi làm đổi thay mọi điều vô ích và nực cười.

Mọi phát giác đều trở nên muộn màng khi cha tôi đã mất. Tôi thắp nến, mò mẫm trong góc buồng xép đầy mạng nhện, trong khi đó mẹ tôi xếp lẫn trong mớ đồ đạc lâu ngày không sử dụng một cái rương gỗ nhỏ cũ kĩ khóa cứng. Không có chìa khóa. Tôi đã làm một trò lừa bịp để ăn cắp một ít axit ở phòng thí nghiệm của nhà trường để đổ vào lỗ khóa. Axit dính vào ngón tay cái tôi, thành một vết bỏng sâu làm đau đớn suốt một tháng sau, vào tuổi đó nó cụ thể rõ ràng hơn hết những cảm giác về một vấn đề tinh thần khác.

Tôi hồi hộp và nóng ruột chờ từng phút mẹ đi vắng để khóa cửa, thắp nến đọc tập thư dày viết bằng thư giấy pơluya màu hồng, nét chữ mực tím nghiêng nghiêng đã ố màu. Khái niệm của tôi đầu tiên về tình yêu bắt đầu từ đấy. Lúc đầu tôi ngỡ đấy là thư mẹ tôi nhưng không phải. Chữ ký không biểu lộ một cái tên, không có địa chỉ… Điều làm tôi ngạc nhiên làn những thư ấy gửi cho cha tôi trong một khoảng thời gian rất dài, cho đến vài năm trước lúc cha mất.

Cha đã từng hạnh phúc hay đau khổ? Còn mẹ? Sau đó tôi đã để ý dò xét mẹ. Mẹ câm nín, phiền muộn. Mẹ có biết cha có một cuộc sống khác ngoài cái cuộc sống hàng ngày bên cạnh, trước mắt và ở ngay trong chúng tôi không? Từng ngày thắp hương trên bàn thờ cha, mẹ nghĩ gì? Cái nhìn của cha trong tấm ảnh giữa bàn thờ là cái nhìn thời trai trẻ, mà vào thể trẻ, người ta tự tin và yêu đời biết bao nhiêu, chỉ khi thất bát mối tình đầu, và cùng với nó là nhiều nhiều những bát khác, người ta mới biết đau thương.

Lần yêu đầu tiên, tôi nhiều kì vọng, nhiều ảo tưởng. Khi đỗ vỡ tôi tưởng mình có thể chết đi, nhưng rồi mọi thứ đều tiếp diễn dưới một con mắt nhìn có chuyển đổi về chất, ngày mỗi thấy tất thảy những chuyện đại loại như thế ít nghĩa hơn. Tôi vẫn tự tin cho rằng mình thuộc lớp thời đại chúng vô thần. Vô thần hay không niềm tin, hai khái niệm này không chắc liên quan gì nhau, có điều tôi đã tin rằng, chính ra cả cuộc đời tôi, tôi luôn dấn bước dưới vòng cương của cái nhìn cha thuở tôi bé bỏng. Cõi nhân gian rộng lớn lòng người thăm thẳm. Tôi giật mình nhận ra cái kết cục hư vô của mọi khát vọng dấn thân là có thực.

“Phận người mỏng lắm” – cha nói khi xoa đầu tôi, vào sớm mai tôi cùng ngồi với cha trước biển. Lúc đó những ngư dân đánh cá đang trở về sau một chuyến ra khơi. Lúc đó cha vừa nhận quyết định đi an dưỡng. Thần kinh của cha có vấn đề - người ta bảo thế. Người ta cũng bảo, rằng cha đã làm cái gì đấy vượt quá quan điểm chỉ đạo của ủy ban. Bấy giờ cha là làm giám đốc công ty vật tư tổng hợp.

“Vậy cái gì an ủi con người?” – Tôi hỏi. Cha trả lời: “Ảo vọng”. Rồi cha nói thêm: “Khi không còn ảo vọng vào một điều gì nữa, cuộc đời thật đáng buồn”. Tôi nhớ giọng cha buổi sáng ấy, trầm và âm vang, giống như tiếng sóng ngoài kia, trầm đục một cách da diết.

Cha là hậu duệ đời thứ bảy của ông Nhược.

Người làng kháo nhau, đấy là vì cha đã bỏ làng ra đi.

III - Cha tôi mất rồi, bà hay ra ngồi ở bến sông, nhìn đăm ra mặt sông. Mặt sông trống rỗng chỉ có lấp lóa ánh mặt trời được phản chiếu. Mẹ bàn đưa bà lên huyện ở với nhà tôi, bà lắc đầu nói: “Chết quay đầu về mã tổ. Tao cũng đã quay rồi, đừng bắt trở lại, phải tội”. Thế là bà vẫn ở ngôi nhà dưới quê, thỉnh thoảng tôi và mẹ vẫn đạp xe về, ở với bà một ít, lại đi. Sang năm sau bà mất. Mộ bà đặt chếch về hướng tây, trên Gò Mộ Tổ.

Tôi nhớ ngày xưa, bà cũng hay ngồi trên bến sông thế. Bấy giờ tôi ở cùng ông bà, đị học cấp một ở làng, khi cha mẹ và các em tôi đã lên huyện rồi, bà thường hát thế này:

Chèo đò bẻ bắp (1) bên sông

Bắp chưa có trấy (2) bẻ bông mà về.

Mỗi lần nghe bài hát, tôi lại nhìn sang phía bên kia sông. Bên kia sông lờ mờ một bờ cây lá xanh thắm rậm rịt. Tôi hình dung bên đó nhiều hoa lắm, vạn bờ hoa, vạn rừng hoa non tơ rực rỡ đủ màu sắc, tỏa lên trời đất nồng nàn hương thơm. Và ong, và bướm, và lời ca réo rắt, rộn ràng, say mê. Và tôi bơi trong biển hương thơm sắc màu, da thịt, tóc tai đẫm quyện phấn hoa, người sực nức hương hoa, hoa trong tay, hoa đầy thuyền, tôi bơi ngược về bên này, dòng sông cũng đầy hương, phía này tôi đợi bà trên bến. Không chỉ bà, cả dân làng, cả lũ trẻ con, hết thảy đứng chật bờ sông, ngạc nhiên, thán phục. Họ đưa tay đón tôi, nhưng khi thuyền cập bờ, chỉ còn là thuyền hoa, tôi đã hóa thân bay lên khỏi rặng tre, lao khỏi xóm làng, từ trên ấy tôi nhìn xuống dân làng hân hoan sung mãn.

Tụi trẻ con xóm tôi, ban trưa cởi trần nồng nỗng, kéo nhau ra sông tắm. Bà không cho tôi đi, bà bảo mạng tôi kỵ nước. Tôi đứng trong vườn nghe ngoài sông bọn nhỏ hò reo, mà tủi thân muốn khóc. Sương, nhà nó ở cuối làng nhưng nó học vỡ lòng tôi, chui lên từ bụi tre, người ròng ròng nước. Nó gọi khẽ: “Đi, đi bà mày không biết đâu”. Thế là tôi đi theo nó. Tôi cởi bỏ áo quần, vứt ngay trên mép nước rồi lặn xuống sông. Bọn trẻ làng tôi biết bơi lúc hai ba tuổi, bằng tuổi tôi hồi đó, nhiều đứa đã bơi ra tới nửa sông. Tôi mê tơi nhìn chúng nó, quẫy lộn hụp lặn trong nước. “Bơi như tao đây này” – con Sương bảo hụp xuống cái đầu hoe hoe vàng xuống, chân tay đập bì bõm, chỉ còn nhìn thấy nó giữa đám bọt nước bắn tung tóe. “Tao cũng biết bơi” – tôi nói và nằm xuống, chống tay xuống bùn, cả hai đầu gối cũng chặm xuống bùn. Bến nhiều bùn non, tôi lại quẫy mạnh, bùn lộn lên, đục ngầu. Tôi cố ngốc đầu lên thở. “Ê, ra đây. Ra đây!”. Từ ngoài kia, nhiều đứa vẫy gọi. “Bơi này. Bơi này” - tôi nghĩ và tiếp tục bò, đến lúc nước đã ngập đầu, tôi vẫn nín thở cố bò. Hụp, một bờ đất hẫng. Nước sặc vào mồm, vào mũi, vào mắt. Tôi chới với rồi rơi ngay vào một hố sâu thẳm đen ngòm, không định hướng, không chạm đáy, cứ hun hút, hun hút. “Ra đây! Ra đây!” – long bong những tiếng gọi nhằng nhệt, như ma lực, như ám ảnh.

Bà khóc lóc chạy theo ông Phiếm. Ông Phiếm vác tôi trên lưng, vác ngược chạy đầu làng đến cuối làng, lại từ cuối làng đến đầu làng. Nước từ bụng ộc ra đằng mũi, đằng mồm.

Tôi đã không chết đận ấy. Như từ đó cho đến ngày giã làng, tôi không bao giờ đến bên sông nữa. Tôi khóc. Ôi bờ cây xanh thắm của tôi…

Làng tôi bên lở. Mỗi năm mùa lụt xong, thấy đất sụt từng tảng lớn, có lúc sụt luôn những bụi tre trồng chống lở. Con đường chạy men sông, nhiều đoạn nước xói vào, há vòm đất giống miệng con sư tử. Tám đời dựng làng, không biết sông đã ăn mặt làng bao nhiêu…

Tất cả nhà cửa trong làng, thành nếp xưa nay, đều quay mặt ra sông. Thường nhà nào cũng có bến, bến rất nhỏ, khuất nẻo dưới tán tre. Bến mang tên người chủ nhà, như bến nhà tôi gọi là Bến ông Vực, vì ông tôi tên là Vực. Hai chục năm sau tôi trở lại, sông nước làng mạc đã đổi thay, vậy mà bến vẫn lưu giữ lại cái tên của người đã khuất, tưởng chừng như một sự ký thác.

Sông ơi, nơi đó tôi bắt đầu ảo vọng đầu tiên…

Tôi nhớ ngày học vỡ lòng, tôi ngồi cạnh đứa con trai tên là Phúc. Thằng Phúc nhỉnh hơn tôi một tuổi, con ông Đạo ở sát nhà tôi, cách một rào dâm bụt. Nó là một thằng bé rất đen và có cái bụng rất to. Ông Giáo khóa xếp tôi cạnh nó ắt cũng chỉ chúng tôi quen nhau từ trước. Từ nhà tôi sang nhà nó cách một đoạn đường, có băng qua một con giao thông hào còn lại hồi chiến tranh. Chỉ thế bà tôi cũng lo. Bà gọi với sang nhà ông Đạo: “Phúc ơi, mày sang dẫn em đi hộ bà!”. Thằng Phúc tí tóe chạy sang, hếch mặt nắm lấy tay tôi: “Đi!”. Không ngờ chính thế mà bọn trong lớp lại cặp đôi tôi với nó, hễ thấy nó dắt  tay tôi đi là bọn nó gào lên: “Vợ chồng! Vọng chờ!”. Tôi mách với bà, bà bảo: “Láo, mày với nó bà con, nó gọi mày bằng cô”.

Thường thằng Phúc phải đi chăn vịt. Nó đội cái nón mê lên đầu, cầm con sào có buộc một túm ni lông phất phơ đằng trước, đi lúp chúp như cái nấm. Chiều từ đông về, nó đứng ở chỗ bờ rào gọi. Tôi chạy ra, thả vào lòng bàn tay tôi một con đam tướng đã bị bẻ cẳng: “Thích không?”. Nó hỏi. Tôi gật đầu chạy vào nhà. Nó đứng lại một lúc mới lúp chúp trở lại.

Thằng Phúc cũng bơi giỏi. Sau buổi tôi suýt chết nước, ban trưa nó không ra sông nữa. Nó vật vờ rào dâm bụt, bẻ lá xếp thành chỗ ngồi, rủ tôi ra đó chơi. Nó làm những chiếc lòng đèn bằng hoa dâm bụt đỏ tía, treo lủng lẳng trên một cái que, cứ lắc qua lắc lại trước mặt tôi. “Làm vợ chồng thích nhỉ!”, nó nói, rồi bảo tôi: “Tao với mày chơi trò chơi vợ chồng đi!” Tôi bảo: “Mày với tao là bà con mày gọi tao bằng cô, làm vợ chồng không được”. Nó bảo: “Cần gì bà con”. Tôi xắng xởi chạy vào nhà hỏi bà liệu tôi với thằng Phúc chơi như thế có được không. Bà bảo: “Khốn nạn!”. Bà rút sợi mây song trên bếp, quật tôi một trận và cấm tôi không được chơi với nó nữa. Tôi đã không chơi với nó thật. Khi mẹ về làng mang tôi đi, tôi cũng không chào nó. Sau này thỉnh thoảng gặp nó, thường là trong đám chạp họ, nó già câng, mắt lờ đờ đọng một cõi u mê cam chịu. Vậy mà nó là thằng bạn trai đầu tiên của tôi, là đứa con trai đầu tiên và duy nhất nói với tôi về trò chơi vợ chồng bằng một gương mặt nghiêm túc thánh thiện. Mười chín tuổi, tôi yêu lần đầu, một gã trai đồng trinh như tôi chiếm đoạt tôi không cần hỏi, không cần biết tôi có muốn cho hay không, như thế, mãi mãi. Nhiều năm tôi cay đắng mụ mẫm trong biển tình mênh mông hư ảo, thành ngôi nhà từ thiện giống như một sự tất yếu khi đã cho người khách đầu tiên cư trú. Tình yêu là gì? Sơn bảo, đó là một thứ xa xỉ phẩm. Sơn như cây đèn cù, quay quáy, quay quáy, mỗi lần trở về gặp tôi, mắt đọng một nỗi hoang vắng. Sơn đối với tôi như một tội đồ đã đánh cướp mất của Sơn cái gì đó linh thiêng nhất. Dù sao Sơn cũng có lí.

Hôm đó ông ốm. Bà bảo: “Mày ở nhà, bà đi kiếm lá xông cho ông”. Tôi ngồi trong cái chõng của ông lờ mờ tối. Hơi thở ông nóng rẫy. Tôi phải ngồi nhỡ ông gọi gì, sai gì mà làm. Bà dặn thế. Mà ngồi mãi khó chịu bao nhiêu. “Cháu đi chơi đi, mặc ông” – ông bảo. Tôi chạy ra ngoài, vườn vắng, đường vắng, bến vắng. Tôi trở vào và bắc hai cái ghế nhảy từ đầu này đến đầu khác. Cấc! Không! Không đau. Cũng không xát. Nhưng có cái gì âm ấm bò giữa hai đùi, nhồn nhột. Tôi cứ ngồi mãi ngoài gốc khế, không dám vào nhà vì sợ hãi. Chiều bà gọi tôi ra giếng tắm. Tôi vừa lột quần, bà đã nhìn chăm vào chân tôi. Những vệt máu ngoằn ngoèo dọc theo đùi. Bà tái mặt, chộp lấy vai tôi: “Chuyện gì, hả?” Tôi cắn môi òa khóc. Bà vỗ bộp vào mông tôi, hét: “Nói ngay, làm sao?”. Tôi vừa khóc vừa kể. Bà ôm lấy tôi, cũng khóc. “Xong rồi! Hết rồi! Con ơi!”. Tôi không hiểu làm sao bà phải khóc, tôi có đau đâu, hoàn toàn không đau.

Chèo đò bẻ bắp trên sông

Bắp chưa có trấy bẻ bông chèo về…

Sao bà hát mãi câu hát ấy?

“Sinh ra làm đàn bà đủ đốn mạt rồi, con ạ!” – bà nói thế, với tôi, một con bé con. Bà cũng nói thêm khi nghe lũ trẻ gọi nhau ngoài sông: “Sông trong thì để mà soi. Mày quẫy đục lên, chẳng soi được, lại bẩn cả mình”. Chẳng lẽ bởi thế mà bà không tắm sông? Cả làng đã lớn lên từ đấy, trẻ con đã sinh ra từ đấy…

Bà tôi vốn người làng thượng ở xứ trên. Thuở con gái, bà được xếp vào loại con gái nhan sắc. Ông bà cố tôi lại có một ít của nả, thành ra bà là dám đắt giá trong xứ. Khi bà vừa chăm vào mặt ông, ông cũng thế, cũng như nhiều người khác, có khác gì đâu. Vậy thì ông với bà có phải ngăn cách? Bà đã đi nhà thờ với một nỗi đam mê vừa thánh thiện vừa trần tục như thế. Cho đến lúc ông bà cố soạn sửa gả chồng cho bà sang bên kia sông. Bà chạy vào nhà thờ gặp cha đạo: “Cha ơi, con yêu cha, con chỉ lấy cha thôi, chứ con chẳng ai lấy nữa”- Bà nói. Ông cha cố giật mình, một lúc thì bảo: “ Con mắc tội, để cha rửa tội cho con!” Tội ư? Vô lý. Tại sao lại bảo bà mắc tội? Bà trở về nhà, gói đồ đạc ra đi cùng anh học trò. Anh học trò bỏ rơi bà ba ngay sau khi tiêu hết đồng xu cuối cùng. Bà lại trở về, chịu một trận đòn rách da thịt, rồi bị giam đói trong buồng. “Tao sẽ gả mày cho thằng ở” – ông cố nói. Thằng ở đó là ông nội tôi, bấy giờ đang ở chăn bò trong nhà. Ông nội người nhỏ, xấu và đầy ghẻ. Ngày đó ông mười lăm…

Từ đấy bà làm dâu làng Hạ. Từ đấy bà nhìn sông và hát.

Năm năm tư, ông cha cố chạy vào Nam. Nhà dòng Phước Sơn hoang phế, sau chiến tranh chỉ còn lại một vùng đồi cỏ tranh… Đó là chốn bắt đầu. Còn trên bến sông này, năm tháng đã đi qua trên cuộc đời bà. Ở thế giới bên kia. Bà có tiếp tục hát hay không?

IV – Tôi về ngày chạp họ. Dọc con đường tôi qua, cành tre, thân tre ngổn ngang, lá khô đã trắng lại dưới nắng. Những gộc tre phơi ra những nhát rựa sắc giòn. Người làng chặt tre để khỏi vướng dây điện. Ông Phiếm bao thế.

Tôi gặp Phúc ngoài ngõ. Nó chào tôi bằng cô và khoanh tay dạ khi tôi hỏi. Nó dắt theo một thằng bé. Nó bảo: “Con chào bà mụ đi”.

Ông Phiếm thấy tôi về, mừng lắm. Ông sắp chín mươi, bấy giờ là người cao tuổi nhất họ. Ông ngồi tiếp chuyện tôi. Ông bảo: “Mày là người chữ nghĩa nhất làng. Vậy tao hỏi, mày trả lời cho rõ ràng”. Ông hỏi: “Thế bóng đèn thắp ngược này là lợi hay hại?” Tôi trả lời: “Lợi. Đấy là văn minh. Có thể Đảng và Nhà nước ta mới chủ trương điện khí hóa quốc gia”. Ông bảo: “Chúng đốt điện ngoài sông kéo cá, nóng lắm, cá chết, chim chóc không về”. Lại hỏi: “Thế xây nhà xây cửa có lợi không?” Tôi nói: “Cũng lợi nốt. Nó làm thay đổi tận căn gốc bộ mặt đời sống”. Ông Phiếm thở dài: “Bán cát sạn nhiều tiền. Bọn thanh niên kéo nhau ra sông đào mặt sông lấy cát lấy sạn bán. Làng này đứt rễ rồi chết thôi”. Nói rồi ông lộc cộc khua gậy đi.

Tôi ra Gò Mộ Tổ. Người làng ra đấy đông lắm. Một bà cụ đưa cho tôi nắm hương: “Mày quỳ xuống, khấn gì được nấy” – bà nói. Tôi ngẩn ngơ, rồi không biết sở nguyện của mình là gì. Cũng như không biết xa xưa kia, ông tổ Nhược kỳ vọng điều gì ở cháu chắt.

Chèo đò bẻ bắp trên sông…

Giật mình. Tưởng như bà ngồi hát đâu đây trong nắng chiều nay, trong khói hương chiều nay. Trên bến cũ, tôi ngồi một mình. Vật đổi sao dời mà trước tầm mắt, cái bờ cây phía bên kia sông vẫn xanh thẳm như thế. Hai chục năm, mang khát vọng ra đi, từng cười, từng khóc, vẫn chưa một lần tôi qua được sông để chạm môi lên phía đá đầu tiên của bờ cây xanh thẳm. Ôi bờ cây của tôi…

 

Trần Thanh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 31 tháng 04/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

11 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground