Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tần ô bông muộn

Những bức tranh mây lơ lửng bay qua. Những sợi tơ mây lơ lửng bay qua. Những đám mây thiên hình vạn trạng lơ lửng bay qua. Những giấc mơ huyền ảo lơ lửng bay qua lưng chừng trời. Bay. Trong những ngày đầu năm Nhâm Tý, 1972, tự dưng hơn nửa dân làng Tần Ô bay lên. Già trẻ gái trai đều bay lên. Họ gặp nhau trên một đám mây lớn. Không ai tỏ vẻ ngạc nhiên, ngỡ ngàng, cũng không vồn vã chào nhau hay mừng rỡ như thường ngày, dường như mỗi người đều có một mối quan tâm riêng, họ cùng đi tới hoặc đi qua nhau hoặc bay tiếp với một thái độ xa lạ, đúng hơn là những linh hồn trơ lạnh đang bay, đáp xuống hẫng lên trên đám mây lớn đang bay. Không có những tụ tập quanh người láng giềng hay ngược lại là chạy trốn lẫn nhau, không tha thiết và cũng không khinh bỉ, chỉ những cuộc gặp chớp nhoáng được chỉ định, được xếp đặt từ đâu đó trên cao, những mệnh lệnh vô ngôn. 

Bay. Kến bay lên, linh hồn bay ra khỏi cơ thể, bay như một chiếc bóng bay vừa đứt dây buộc. Cảm giác hẫng lên nhẹ tênh chưa bao giờ có được làm cho Kến hơi cố gắng cưỡng lại nhưng đành chịu. Không hề có nước mắt, không hề có cơn chấn động kinh sợ nào xảy ra. Cơn đau biến mất. Thời gian biến mất. Âm thanh biến mất. Đôi cánh trắng muốt từ tịch lặng miên viễn đâu đó xuất hiện quấn quýt lấy Kến, dìu nó bay lên, hút linh hồn nó chầm chậm bay theo. Kến nhìn xuống thấy mình đang lướt qua bên trên chiếc cầu gỗ với những trụ cầu hình chữ X xiên xẹo. Thôn Tần Ô của Kến trải dọc theo bờ sông Một, mùa này tần ô nở trắng lóa một vùng bờ bãi. Nhìn xa bông tần ô chỉ một màu trắng tinh nhưng từ lúc Kến chập chững tập đi đã thấy tần ô nên biết mỗi bông hoa khi nở ra còn có một mặt trời vàng, cái vành tròn vàng tươi bao quanh nhụy hoa và một phần cánh hoa ấy làm sao Kến quên được. Kến còn nhớ cái gàu má làm bằng mo cau cho Kến lẽo đẽo theo chân má chơi trò tưới rau. Sao cả bãi sông không có ai cả? ­Khúc sông Kến thường tắm vắng ngắt. Bãi hoa trắng thản nhiên hiu hắt, không cần biết đến cơn đại họa của thôn Tần Ô. Không thấy má đâu! Không thấy cô Xuân Cúc đâu! Không thấy những người đàn bà với đôi thùng gắn vòi sen lom khom chạy lên chạy xuống mép sông gánh nước tưới tần ô đâu cả. Không thấy ai, làng chỉ trắng một màu hoa trắng. Thôn Tần Ô nhỏ dần, nhỏ dần. Những đám mây mỏng mượt như tơ lướt trườn qua mặt. Kến và Đôi cánh trắng dừng lại trên một đám mây lớn. Ông Tắc Kè với cây đàn bầu ma quái và ống sáo nghiệp chướng đã có mặt ở đây từ trước. “Tôi bất cẩn để cháu ngậm vào cây sáo… Tôi thành thật… xin lỗi cháu, xin lỗi… mọi người!”.  Ông nói có nhiêu đó nhưng rất khó nhọc, mỗi tiếng cứ nặng trĩu, có gì đó cản trở những âm thanh. Kến phải nhìn vào miệng mà đoán ra như thế. Kến vừa kịp thấy hai giọt nước mắt lăn xuống má ông trước khi ông bị một ai đó nắm tay bay đi. Cũng không hẳn, chắc là Kến tưởng tượng ra. Đôi cánh trắng cũng biến mất, Kến còn lại một mình trên đám mây lớn, loay hoay tìm ai đó mãi nhưng vô vọng, bốn bề chỉ mây trắng xốp, mây dưới chân, mây trên đầu và cả mây chung quanh. Kến bó gối ngồi xuống, trống rỗng và bất lực. Kến nhắm mắt ước gì nó biết được điều gì đang xảy ra với mình, bỗng dưng đâu đó bên trong nó vừa có một chấn động, nó nhớ lại mọi chuyện vừa xảy ra, nhớ rất rõ. Kến bắt đầu nhớ lại từ những ngày giáp Tết vừa rồi.

                                     

Minh họa: BÙI TRỌNG DƯ

… Không ai biết ông Tắc Kè từ đâu tới, trong những ngày cuối chạp giáp Tết Nhâm Tý này, ông ngồi suốt dưới gốc sung già bên bờ sông Một với cây đàn bầu to đùng trước mặt. Chiếc đàn này còn gọi là độc huyền cầm vì chỉ một dây, ngoài cái hộp gỗ lớn bên dưới còn có vòi đàn cong cong xuyên qua chiếc gáo dừa nhỏ, trong lòng gáo dừa ấy là điểm nối với một đầu dây. Mỗi khi ông dùng que khẩy vào dây và tay phải cầm vòi rung rung thì nó phát ra những âm thanh rung ngân rất ma quái. Những ngọn gió từ mặt nước bàng bạc thổi thốc lên liên hồi, quấn xiết “cái đống” chụp hụp áo khăn vải cũ phủ đầu phủ mặt ấy làm cho cái dáng tiều tụy của ông trông càng thêm co ro co rút thiểu não hơn. Người ta chỉ nghe từ đó phát ra những dòng âm thanh trầm buồn chùng trĩu, nào “Tiếng tơ đồng”, nào “Lòng mẹ” và cả những khúc nam ai, ít ai biết ông Tắc Kè già trẻ ra sao. 

Thôn Hiệp Hòa ven sông Một còn có tên khác là thôn Tần Ô vì người dân ở đây làm nghề trồng rau tần ô dọc theo bãi bồi bờ sông. Người ta thức khuya dậy sớm chăm tưới, cắt rau, dùng lạt tre buộc nẹp từng bó nhỏ và gánh qua chợ quận bán. Dân tình ở đây bồi ở lở đi hao hớt lần hồi, số còn lại túm tụm dọc theo bờ sông, cái eo đất lượn nghèo hơn ba đời này nhỏ thó ốm o như hình hài con người ở đây. Gà gáy đầu thôn cuối thôn cũng nghe vì vậy mà tiếng đàn bầu não nề và tiếng sáo nghe buồn thúi ruột của ông Tắc Kè mấy ngày qua dường như đã nhấn miền quê nhỏ bé hẻo lánh này vào một vùng cảnh sắc và âm thanh buồn bã. Cũng không biết ai là người đầu tiên gọi tên ông Tắc Kè, chỉ bọn con nít trang lứa với Kến mới nhìn thấy được khuôn mặt che giấu dưới mớ khăn áo cũ đen nhẻm kia. “Đầy mụn máu như da tắc kè”, là chúng nó nói vậy hay sự thật vậy, chẳng ai hơi đâu tìm hiểu. Chỉ tiếng đàn tiếng sáo của người khách không mời này cũng đủ buồn nhão cả người rồi.

Những trưa đứng bóng, bọn con nít cứ bu đen bu đỏ quanh ông Tắc Kè bên bờ sông, có đứa còn cầm đến cho ông mấy củ khoai lang luộc, một túm bắp rang hay vài ba trái ổi trái chuối cho ông lót dạ. Thằng Kến là một trong mấy thằng nhóc hiếu động suốt ngày quấn quýt bên ông Tắc Kè. Má đặt tên nó là Yến, cu Yến, không hiểu sao khi đi làm giấy khai sanh người ta đánh máy chữ Y thành chữ K rồi chết tên ra như thế. Cha Kến mất sớm, Kến lớn lên trong vòng tay yêu thương duy nhất của má. Kến bơi ngửa rất giỏi, nó nằm ngước mặt, chân dạng như con ếch bất động trên mặt nước cả giờ đồng hồ cũng không chìm. Cứ trưa đến là Kến và cả bọn ào xuống tắm sông, vẫy vùng trong dòng nước mát với đủ thứ kiểu bơi và trò nghịch, chúng bơi chó, bơi ếch, bơi ngửa bơi sấp đã đời rồi ôm quần áo lên ngồi há hốc miệng ra nghe ông Tắc Kè khẩy đàn thổi sáo. Thỉnh thoảng ông Tắc Kè lại lấy tay che miệng nhại tiếng tắc kè kêu một tràng dài làm cả bọn ôm bụng cười bò. Có lần lừa lúc ông Tắc Kè đang lim dim mắt khẩy đàn bầu, nó táo tợn vói chụp cây sáo bắt chước ngậm miệng vào lỗ thổi phù phù phẹt phẹt, ông Tắc Kè dừng đàn nhìn sững vào mặt nó, sợ quá nó quăng sáo bỏ chạy một hơi về nhà không dám nhìn lại một lần.

Nhà Kến ở sát mép sông, ngay trên bãi trồng rau tần ô. Có hai ngôi nhà cạnh nhau cùng nhô ra sát mép nước sông là nhà Kến và nhà cô Xuân Cúc. Má Kến và cô Xuân Cúc “rất thân” nhau, sớm hôm tối lửa tắt đèn họ nương vào nhau để sống. Kến nghe má nói cô Xuân Cúc đợi người thương của mình, người ấy thường về thăm cô trong mùa bông tần ô nở rộ nhưng nó biết má với cô Xuân Cúc có gì đó còn hơn cả tình bạn thông thường. Nhiều lần, nửa đêm thức giấc hoặc đi chơi đột ngột chạy về, nó bắt gặp má và cô Xuân Cúc quấn quyện lấy nhau...

Ngày thôn Tần Ô im vắng những âm thanh ma mị, hiu hắt của ông Tắc Kè cũng là ngày Kến lên cơn sốt cao. Người nó nóng hầm hập, ớn lạnh từng cơn. Má nó ngồi suốt ngày bên giường, cứ loay hoay lúc quơ hết mền trong nhà quấn quanh khi nó kêu lạnh quá, lúc lại bưng cả thau nước lên để bên cạnh, liên tục nhúng khăn vắt nước đắp lên trán khi rờ tay thấy người nó nóng ran như cục than lửa. Nó nóng đến mức nói mê, nói sảng, lúc cười lúc khóc lúc nhại cả tiếng tắc kè kêu. Má nó thất thần bám lấy nó không rời. Kến đau bụng dữ dội, nó quằn quại lăn qua trở lại, miệng rên ư ử. Những lúc hơi yên yên một chút, má đút mấy muỗng cháo gạo rang với rau tần ô nó đều nôn ra hết. Ba ngày sau, nó bị phát ban, bắt đầu là các mụn nước nổi đầy trên trán, trên mặt, sau lan ra bàn tay, cẳng tay và nổi dày khắp cơ thể. Cô Xuân Cúc nói nó bị trái rạ nên cử gió cử nước, má Kến lấy quần áo nhét kỹ các lỗ hở vách lá, khe cửa sổ, nửa đêm giật mình cứ nhét nhét che che đủ thứ hầm bà lằng trên các vách buồng như người bị ma điều khiển. Càng lúc những mụn nước sậm dần, căng dần và thành áp xe chứa đầy dịch và mủ. Một ông hàng xóm lớn tuổi tới thăm đứng lắc đầu, không phải trái rạ rồi, trái rạ không mọc mụn ở lòng bàn tay bàn chân, mụn cũng không đều như vầy, phải đưa đi thôi. Má Kến đi nhờ người cáng võng nhưng không ai nhận lời, người tìm cớ này người tìm cớ kia, họ sợ bị lây bệnh. Nửa đêm, Kến đái ra máu, má và cô Xuân Cúc, mỗi người một đầu võng cáng Kến tất tả chạy đi trạm xá quận. Mỗi lần Kến đau đớn la hét trên võng là trái tim của hai người đàn bà lại nhói lên nhưng không dám dừng lại, mấy ngón chân cái luôn bấm xuống nền đường đất sét cho khỏi trượt ngã, cứ thế mà bươn về phía trước. Trạm xá quận lỵ nằm bên kia sông, chiếc cầu gỗ bắc qua đã cũ mục, nhiều miếng ván đã mất tạo ra các lỗ hổng trống hoác. Gió lạnh từng cơn quất vào mặt hai người đàn bà này như những làn roi dữ dằn nhưng họ không còn để ý đến nữa. Họ đang chú tâm đặc biệt vào bước chân. Má Kến ngày thường gánh rau qua cầu chân cứ bon bon sao hôm nay lại run giật nghiêng ngả quá. Ở đoạn cầu này mấy người già phải cặp hai chiếc dép vào nách và chậm chạp bò qua nhưng những cô những bà gánh rau tần ô thì quen qua rồi. Đêm này, giữa lúc sinh mạng Kến ngàn cân treo sợi tóc, má Kến đã bước đi cùng với nỗi sợ hãi và những cơn run giật. Hai người đàn bà cáng chiếc võng qua cầu như hai người làm xiếc, họ căng mắt ra nhìn, họ dò dẫm từng bước chân, họ ẹo qua ẹo lại căng người để giữ thăng bằng. Qua đến giữa cầu, Kến đột nhiên oằn mình rên đau, chiếc võng chao đi, suýt nữa thì một chân của cô Xuân Cúc đã trượt ra khỏi tấm ván, may mà cô đã kịp gồng giữ lại được. Cả ba người trụ yên hồi lâu trên cầu, đợi Kến qua cơn đau, mãi lúc sau họ mới di chuyển tiếp được. Qua dốc cầu là tới chợ quận, từ chợ đến trạm xá là một quãng khá xa nhưng họ không dám dừng lại một lần để đổi vai. Đau. Tê. Và rồi một bên vai của hai người đàn bà không còn cảm giác gì nữa. Họ bươn về phía trước trong sự thôi thúc đặc biệt. Họ bươn về phía trước mặc cho mồ hôi đẫm áo, mặc cho nhịp tim nhảy loạn trong lồng ngực, mặc cho nước mắt lã chã trên má, mặc cho đôi chân có lúc chực khụy xuống, chực rời ra khỏi cơ thể…

Nhập viện đêm trước, ngày sau Kến đã làm cho cả trạm xá rối loạn, nhốn nháo vì những cơn đau kinh khủng kèm với vết máu tứ tung mà Kến để lại trên tường trạm xá khi hoảng loạn vùng dậy đi chạy khắp nơi. Nó đau đớn la hét và quờ quạng đi trong mê sảng, má nó chạy theo đỡ con, đỡ bình nước chuyền, vừa líu quíu đi theo vừa khóc vật vã. Cô Xuân Cúc nấu cháo tần ô thơm phức mang sang nó cũng không ăn. Chẳng biết bệnh án của Kến ghi gì mà ngay tối hôm đó chiếc xe hồng thập tự và hai chiếc xe jeep chở những người bên quân đội bịt kín mặt xuất hiện. Họ yêu cầu xếp các giường bệnh khác cách xa giường của Kến ra. Họ chuyển vào trạm xá nhiều mùng mền, mì tôm, gạo sấy và thịt hộp. Ngay sau đó, một lực lượng khác trờ tới dùng nẹp gỗ đóng niêm tất cả các cửa, từ cửa sổ tới cửa ra vào. Một hàng rào lưới sắt được kéo ngang cổng, lệnh đưa ra: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập!”.

Kến trút hơi thở cuối sau một cơn quằn quại đau đớn vô cùng. Rất nhanh, những người bịt mặt đến khiêng Kến đi bỏ vào hòm sắt và dùng mỏ hàn xì hàn kín lại tại chỗ trước khi đưa vào chiếc xe hồng thập tự bịt bùng. Tất cả các vật dụng ra mền quần áo còn lại của Kến đều bị đưa ra phía sau trạm xá rưới xăng đốt cháy.

*

Khi chỉ một mình bơ vơ trên đám mây Kến vẫn chưa tin và cũng chưa hiểu ra sự cách biệt ghê gớm giữa trần gian và những đám mây trên cao này. Rất lạ lùng là khi nó muốn biết những gì tiếp tục xảy ra thì đều biết được, dường như nó đã có một khả năng lạ lùng là nhìn thấu cả những chuyện quá khứ lẫn hiện tại. Chỉ cần Kến nhắm mắt lại, hai bàn tay nắm vào nhau là câu chuyện nó muốn biết sẽ hiện ra.

… Má Kến bàng hoàng, tê điếng chưa biết điều gì đã ập đến số phận của con trai, đứa con trai duy nhất mà bà dồn hết tình yêu thương cho nó, thì bản thân mình cũng bắt đầu lên cơn sốt, sốt cao, sốt mê man, sốt đến phải nằm liệt không nhấc nổi tay chân. Xuân Cúc xách cái mo cau đựng cơm và cái lon Guigoz đựng canh tần ô đứng ngoài trạm xá xin xỏ mãi vẫn không vào được. Có ba người lính cầm súng đứng gác không cho ai vào ra. Có một bác sĩ quân y bịt kín cả người, mặt đeo mặt nạ kính, nghe đâu trên tỉnh về, ông vào giải thích cho tất cả y bác sĩ và bệnh nhân ở đây về một loại dịch bệnh nguy hiểm cần phải dập tắt để tránh nguy cơ lây ra cho cả cộng đồng bên ngoài. Ông cho biết bệnh lan truyền qua việc hít phải loại vi khuẩn này trong không khí và dính trực tiếp dịch của bệnh nhân, nhất là dịch từ vùng họng. Cả quần áo, khăn lông dính dịch cũng là nguồn lây rất lớn. Vi khuẩn này phát tán khi xuất hiện các vết ban nơi bệnh nhân. Trạm xá có một bác sĩ, ba y sĩ, năm y tá, điều dưỡng và mười mấy bệnh nhân đang điều trị đều bị nhốt lại. Những người thân nuôi bệnh cũng không được phép bước qua hàng rào lưới sắt.

Bên trong trạm xá không có Tết dù người ta đã chuyền vào cho mỗi bệnh nhân một hộc cốm và một phong bánh in nhưng họ còn lòng dạ nào mà Tết với nhứt. Tiếng pháo giao thừa lộp độp vang vọng vào trạm xá như những âm thanh mơ hồ xa xôi lạc lõng.

Má Kến nằm thiêm thiếp trên giường, nước mắt ràn rụa trên má, lớp nước mắt này chưa kịp khô đã chồng phủ những dòng nước mắt khác. Và một buổi sáng chị hoảng loạn báo cho y sĩ đến khám biết mình đã không thấy gì nữa. Y sĩ vạch mắt rọi đèn pin vào và xác nhận chị đã bị sẹo giác mạc. Một thế giới đen tối đã thực sự ập xuống cuộc đời mình khiến chị tê dại và bấn loạn tột độ. Chị gọi Kến ơi Kến hỡi. Chị gọi tên Xuân Cúc. Chị liên hồi nói lảm nhảm về những yêu thương mà chị muốn trao gửi cho Xuân Cúc, những ý thích sống vượt qua rào cản khắc nghiệt của dư luận… Chị muốn đạp lên dư luận, muốn giong cánh buồm đến bến bờ nhưng không kịp nữa rồi… Tôi không qua nổi đâu! Tôi còn gì nữa đâu Xuân Cúc ơi!... Người ta nghe chốc chốc từ chiếc giường bệnh của chị lại phát ra một tiếng rú như tiếng con thú hoang bị thương, càng về đêm khuya tiếng rú càng vang lộng và hoang dại hơn, nó không còn là biểu hiện của nỗi đau nữa, nó là tiếng hú hét tuyệt cùng của một sinh linh đang rơi xuống hố thẳm.

Người đàn bà ở giường bên cạnh đang điều trị chứng đau nửa đầu giờ đau luôn cả đầu. Bà bắt đầu lên cơn sốt mê man. Các y bác sĩ vẫn tiếp tục điều trị bệnh cho bệnh nhân nhưng đôi mắt họ đã hằn dấu mệt mỏi và lo sợ, họ làm tất cả như một người máy. Tất cả họ đều không được về nhà, họ buộc phải ngủ lại ngay trong văn phòng, phòng trực và cả kho thuốc.

Không hiểu bằng cách nào mà Xuân Cúc lại lọt vô được trạm xá, có lẽ trong lúc những người lính gác xao nhãng hoặc cô leo rào từ phía sau. Cô ngồi suốt ngày suốt đêm bên cạnh người “bạn thân” hai mắt dại đi. Tiếng rên rú của má Kến giờ kiệt sức chỉ còn là những âm thanh ư ử bên dưới chiếc mền màu mắm ruốc in hình con rồng mà trạm xá phát cho. Và điều gì đến sẽ phải đến, các mụn mủ đầy người đã vỡ ra, máu me nhòe nhoẹt khắp cơ thể. Khuôn mặt của má Kến đột ngột sạm đen như vừa bị cháy nám. Một chiếc quan tài sắt hàn kín nữa lại được chuyển vào chiếc xe bịt bùng vào lúc trời gần sáng. Bà bệnh nhân bên cạnh cố nằm nghiêng người, bà không dám nhìn vào chỗ trống trên chiếc giường ấy. Tiếng hú hét không còn, tiếng ư hử cũng không còn, phòng bệnh im phắc như một căn phòng ma. Xuân Cúc bị rơi vào thế khó khăn, ra không được, ở thì cũng chẳng phải bệnh nhân đâu mà ở, cô đã vượt qua được cơn suy sụp, cứ suốt ngày giúp người này một ít, đỡ đần người kia một tí. Trạm xá liên tục tiếp nhận thêm những người ở thôn Tần Ô, bệnh dịch đậu mùa đã không phân biệt già trẻ gái trai, phong lưu hay bần hàn, có học hay ngu dốt… Tất cả đều lần lượt được khiêng qua chiếc cầu gỗ bắc qua sông Một và đều có mặt ở trạm xá với cùng một tư cách như nhau: Bệnh nhân. Cô Xuân Cúc trở thành người thân chăm sóc cho tất cả. Càng lúc trạm xá càng đầy bệnh nhân, họ đều là người thôn Tần Ô và cùng một chứng bệnh. Các bệnh nhân như bị một lực hút ma quái gì đó hút xẹp dính xuống mặt những chiếc giường lò xo, một tiếng cót két để biểu hiện là còn sự sống cũng không nghe được nữa. Sợ hãi. Tê điếng. Tất cả đã chìm vào nỗi khiếp sợ ghê rợn đến không tin nổi. Chỉ khi về khuya người ta nghe tiếng la hét hoảng loạn xen lẫn với tiếng cầu khấn, tiếng “Mô Phật” râm ran của ai đó. Bấy giờ, trong trạm xá người ta truyền tai nhau hai tiếng “đậu mùa” với một nỗi kinh hãi tột độ. Ngay cả các y sĩ, y tá cũng có người đã bấn loạn không còn làm chủ được mình, một y tá đã phát ban từ trưa hôm qua, khi phát ban là bệnh bắt đầu lây nên cô la hét không cho ai đến gần. Có thêm nhiều y bác sĩ mặc áo xanh vào chăm sóc, điều trị, họ đều che kín và đeo mặt nạ. Tiếng bước chân càng lúc càng nhiều, hối hả hơn và số thi thể chuyển đi trong thầm lặng cũng nhiều hơn.

*

Bên ngoài trạm xá, mấy ngày nay có một người đàn ông cứ lởn vởn, đi đi lại lại trước những người lính gác, cổ rướn mắt ngóng vào trong trạm xá. Cô Xuân Cúc ra đứng cửa sổ ra hiệu gì đó, hình như người kia không hiểu nên vẫn cứ đi đi lại lại cho đến khi đêm xuống, cho đến khi sương khuya trở lạnh. Cô Xuân Cúc chạy chăm người này người kia một hồi quay lại cửa sổ vẫn thấy bóng dáng người kia thì thở ra thườn thượt từng hơi dài. Mấy y sĩ, y tá trước đây xì xầm về mối tình đồng giới mà thiên hạ đồn đoán, bất chấp cảnh bệnh dịch chết chóc giờ họ lại túm tụm bàn về nó theo những nghi hoặc và tình tiết mới mẻ. Họ nói với nhau: Hình như đây mới là người đàn ông của Xuân Cúc! Anh ấy đã bất chấp, không sợ bệnh lây cứ chờ chực bên ngoài nhiều ngày nhiều đêm liền. Cuối cùng thì anh ấy cũng thừa lúc bệnh nhân nhập nhiều mà lẻn theo vào trong. Xuân Cúc vừa đập vào ngực anh ấy thình thịch vừa khuyên anh ấy nên ra ngoài đi, “một mình em chết là quá đủ rồi”. Người đàn ông si tình không nghe cứ nhào vào chăm bệnh nhân như người tình của mình.

Xuân Cúc đã dính bệnh, cô bị sốt và phát ban. Các mụn mủ đã vỡ ra nhưng cô đã vượt qua được. Không ai giải thích chắc chắn được là tại sao, người cho rằng sức mạnh tình yêu, người lại nói cơ thể tự miễn nhiễm. Những mụn mủ vỡ ra, vảy khô dần trốc ra để lại trên mặt, trên khắp người cô dày đặc những vết rỗ. Một vài người nữa cũng qua được nhưng người bị mù, người thì tay chân bị biến dạng. Một chút hy vọng lóe lên.

Quyển giấy chứng tử của trạm xá thoáng cái mà đã gần hết một quyển dày. Khi đưa bút ký tên, người bác sĩ trưởng đã đứng dậy sụt sùi, lau nước mắt, sau đó, ông nhìn trân trân vào cái cùi giấy còn lại của quyển sổ. Cả thôn Tần Ô trắng khăn tang nhưng không có đám tang nào cả, không có quan tài nào cả, các thi thể đã bị đưa đi thiêu hủy. Cả thôn Tần Ô rách toang tiêu điều, những chiếc mạng nhện trên bàn thờ lưu cữu năm nay qua tháng khác chợt rách toang vì nhang khói nghi ngút, vì tiếng khóc thét rộ lên giữa đêm. Không phải nhà ai đó chỉ một người qua đời mà cả nhà đều bị đưa đi thiêu hủy chỉ trong vài ngày. Cứ chốc chốc lại có một đám cáng võng chạy qua cầu. Cứ chốc chốc lại nghe tiếng rú tuyệt vọng văng vẳng đâu đó. Bệnh dịch đã lây lan ra khỏi thôn Tần Ô. Khu chợ quận chỉ còn vài người ngồi bán, không có người mua. Cả quận từ xã trên đến làng dưới không còn một phút yên ả. Người ta truyền tai nhau lời sấm: “Thế gian chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình!”. Người ta tin điều đó trong cơn tuyệt vọng và bất lực hoàn toàn mà không cần hiểu tại sao phải như thế. Thôn Tần Ô đã được xịt thuốc khử liên tục, người dân Tần Ô đã được phát xà bông cục rửa tay nhưng dường như tất cả đã quá muộn. Hơn nửa số dân thôn Tần Ô được cáng qua cầu và không quay trở lại, vĩnh viễn không quay trở lại, đưa họ đi qua cầu nghĩa là chia tay mãi mãi. Muộn. Người ta đã không còn nước mắt để khóc nhau. Muộn. Quan tài sắt, quan tài gỗ đều hết. Muộn. Những người đàn bà gánh nước sông ngày nào đã để lại bơ vơ những đám bông tần ô trắng tơi trắng tả. Muộn. Với dịch đậu mùa năm Nhâm Tý ấy, tất cả đều muộn, chỉ còn những vết sẹo trên mặt người, trong lòng người và những cơn đau cắt ruột vì mất mát còn đến mãi xưa sau.

*

Hai năm sau.

Cơn đại dịch đã được dập tắt, với những gì Xuân Cúc giúp đỡ mọi người cô đã được cả thôn yêu thương. Cô Xuân Cúc giờ được hàng xóm trìu mến gọi là Cúc Rỗ vì cả người dày đặc một loại sẹo tròn chồng lên nhau. Ngôi nhà nhô ra mép sông của Cúc Rỗ đã được sửa sang lại cao ráo, sạch sẽ hơn. Ngày Cúc Rỗ sinh đứa con trai đầu lòng cũng là ngày bắt đầu năm mới, năm nay bông nở muộn, bông nở trắng dọc bãi sông. Đứa bé bụ bẫm đẹp như một thiên thần. Vài người lại nói: Mẹ cóc mà đẻ con tiên!

Chiều đến, người đàn ông si tình ngày nào đang mải mê tưới nước, Cúc Rỗ trong chiếc áo bà ba, khuôn mặt lỗ chỗ sẹo, những vết sẹo đều đều tròn tròn chen chồng nhau ghi dấu một cơn dịch đậu mùa đã qua, cô đang ngồi buộc mớ cúc tần chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai. Đứa bé được má nó lót lá chuối cho ngồi chơi bên cạnh, nó đã bắt đầu bập bẹ mấy tiếng “B… a, ba…”. Cúc Rỗ nói với chồng: Mới đó mà sắp giỗ lần thứ hai của má con thằng Kến rồi đó anh! Người chồng dừng tay thở ra một hơi thườn thượt: Ừ, nhớ rồi! Không ở đâu Tết nhứt lại giỗ chạp nhiều như ở đây… Câu chuyện của họ chợt ngừng bặt, chợt lặng đi. Đối diện với chuyện này lời nói trở nên thừa thãi. Không ai có thể hiểu thấu nỗi đau đớn đến tan nát con tim mà Xuân Cúc đang giấu kín trong lòng. Mỗi linh hồn từ khởi thủy đã là những nỗi cô đơn hiu hắt. Cúc thấm thía và nước mắt cứ tràn ra không cưỡng lại được. Một cơn gió hây hẩy nhè nhẹ trườn qua bãi bông tần ô tạo nên con sóng trườn đi, trườn đi tít tắp, loại sóng hoa này chỉ có trong mùa giáp Tết mà thôi. Xuân Cúc ngước nhìn lên trời và thấy rõ ràng má con Kến đang bay, những bức tranh mây lơ lửng bay qua,… bay qua.

N.H

 

 

NGUYỄN HIỆP
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 309

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground