Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tầng Cao

Truyện ngắn của TRẦN THÁI HƯNG

Dự báo thời tiết cả tuần ngày nắng hanh, đêm và sáng trở rét. Thời tiết khó chịu làm cho người, thú vật, cây cỏ và những thứ tồn tại sự sống ở thành phố này đều héo đi. Dễ thấy nhất là người già và những cây rau sạch trồng ngoài ban công, trên sân thượng.

Một sự việc nghiêm trọng đang xảy ra. Một bà già bị mắc kẹt ngoài ban công tầng ba do sập chốt cửa. Bà già kêu cứu vô vọng. Nhà đi vắng hết, con trai đi công tác xa, con dâu và cháu nội về ngoại ăn giỗ hai ngày. Giờ là giữa trưa, nắng dội tràn ban công. Hàng xóm đóng cửa im ỉm, nhà cao hơn chỉ nhìn thấy tường, nhà thấp hơn nhìn thấy mái bê tông phủ rêu và mấy quả cầu lông rách bươm, lăn lóc. 

Bà già còn chưa kịp ăn trưa. Lúc đang kho nồi cá nục, bà già chợt nhớ sáng nay chưa tưới rau. Con dâu đi vắng, nhiệm vụ này ngầm giao cho người trông nhà là bà. Rau trồng bằng khay xốp trên ban công tầng ba: Một khay lá lốt, một khay rau diếp cá, hai khay cải thìa và hai cây ớt. Thế là bà già tắt bếp, nhọc nhằn leo từng bậc cầu thang rồi mở cửa bước ra ban công tầng ba, trước khi một cơn gió quái gở làm sập chốt cửa.

Minh họa: Trịnh Hoàng Tân

Minh họa: Trịnh Hoàng Tân

Kêu cứu không thành, bà già làm nốt nhiệm vụ với đám rau. Bà mở nước máy vào ca nhựa, dùng bàn tay gầy guộc vớt nước trong ca vẩy đều lên các khay rau. Vẩy làm sao những giọt nước nhìn như những giọt mưa rơi trên lá. Sau ba lượt như thế, rau ướt đều, xanh óng ánh. Còn ít nước ở ca, bà tưới cho chính mình. Nước có mùi nồng của chất tẩy, bà uống tạm cho đỡ khát. Ngày xưa bà từng uống nước ở ao có cá chết nổi. Hay uống nước ở con mương thủy lợi của hợp tác xã, uống xong mới thấy một cục to phềnh của một thằng chăn trâu đang tắm ở đầu trạm bơm trôi xuống. Thế mà bà vẫn sống được đến bây giờ, bảy mươi hai tuổi, chưa từng một lần nằm viện. Lần mới nhất con dâu dẫn đi khám bệnh định kì, bác sĩ bảo bà bị cao huyết áp, bệnh thường của người già. Bác sĩ nói ngày nay bệnh đáng sợ nhất là ung thư. Ti vi nói con người hiện đại ăn uống nhiều hóa chất nên bị biến đổi. Quá trình này diễn ra ngấm ngầm trước khi cái chết đột ngột gõ cửa. Bà già bảy mươi tuổi rồi còn sợ gì bị biến đổi. Có biến đổi thì lúc ấy đã về nằm với giun. 

Bà già ngồi vào một góc sát tường tránh nắng. Có tiếng ù ù trên trời, bà nhìn lên phát hiện chiếc máy bay chỉ như con kiến bò qua những đám mây trắng. Đấy là đã hạ thấp độ cao, chuẩn bị hạ cánh. Nhưng chứng tỏ mắt bà vẫn còn tinh lắm. Ai cũng bảo vậy vì bà còn đọc được cả dòng chữ nhỏ tí chạy trên bản tin thời sự. Nhìn máy bay, bà nghĩ đến con trai, gần đây nó đi máy bay nhiều như người ta đi chợ. Giờ này không biết nó nghĩ đến bà hay vùi đầu dự án nọ dự án kia hoặc tiệc tùng mỗi lần liên hoan các chi nhánh và ngoại giao với khách. Nó thành đạt, bà mừng. Nó mua được nhà to, bà tự hào chia tay bà con lối xóm theo nó lên thành phố. Nhưng cũng vì thế nó đi suốt, ít ăn cơm với bà hơn. Món cá nục kho dưa chua bà nấu nó rất thích ăn. Thỉnh thoảng bà vẫn nấu để chờ nó về. Có những thói quen chính bà cũng không bỏ được. Giờ con trai bà bụng to, lệ khệ lắm rồi, có còn là thằng cò cởi trần trèo cây mít bị ong đốt sưng mặt nằm rên hừ hừ để bà đắp thuốc mấy ngày liền đâu. Nhỡ bà không qua nổi đêm nay, ngày mai một chiếc máy bay trên bầu trời sẽ đưa nó về với bà. Một cú hạ cánh, lật đật trong bộ vest bóng bẩy, nó sẽ khóc hay nói một câu đau đớn và hối lỗi muộn mằn: “Mẹ ơi! Con về với mẹ đây”.

Bà sực tỉnh khi nghe thấy tiếng ríu rít nô đùa của trẻ con. Bà đứng dậy, cố thẳng cái lưng đang có cảm giác sắp gãy đến nơi để xem lũ trẻ đang ở đâu. Cách nhà bà bốn nhà, có hai đứa trẻ không ngủ trưa, hồn nhiên chạy nhảy ngoài ban công. Ban công bọc lưới sắt như lồng chim. Tuy bí bách nhưng đó là biện pháp an toàn người thành phố thường làm để tránh những "chú chim nhỏ" của họ khỏi những tai nạn đáng tiếc. Bà gặp hai đứa trẻ này nhiều lần ở cổng trường, lúc đưa cháu nội đi học. Đứa chị tên Linh, đứa em tên Nam. Chúng chào hỏi người lớn rất lễ phép. Có lẽ là do cách dạy bảo của mẹ chúng. Mẹ hai đứa trẻ tên Tâm, giáo viên cấp hai, là người tốt, tinh tế trong ứng xử. Một lần nhìn thấy Tâm cười nói giúp chị lao công lúc xe rác bị đổ ra đường, bà ước có một cô con dâu như vậy. 

“Linh ơi… Nam ơi… Nam ơi… Linh ơi.” Bà vừa gọi vừa vẫy tay.

Hai đứa trẻ chuyển sang chơi trò ném bóng. Đúng hơn là đứa em bắt đứa chị phải đứng yên, đặt quả táo lên đầu làm mục tiêu cho nó ném. Thằng cu này chắc lại bắt chước tiết mục ném dao ở trong phim. Cũng may nó ném quả bóng bàn chứ không ném dao. Ném mấy lần hết trúng ngực lại trúng mặt chị, đã thế còn cười sằng sặc. Phải ngày xưa là bà cầm roi vụt cho mấy cái. Hồi bé bà quát lũ em bà nghe răm rắp. Đứa rửa bát, đứa quét nhà, đứa trèo cây hái me để bà kho cá… Em bà, hai đứa lớn hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc, còn đứa út mất vì sập hầm than cùng với chồng bà. Đều chết trẻ...

Bà đây này! Các cháu ơi… Cháu ơi… ơi! 

Tiếng bà nhỏ hay do mải chơi nên hai đứa trẻ không nghe thấy. Bà chuyển sang đứng nhìn chúng chơi. Có chị có em vui đáo để. Chẳng bù cho cháu nội bà cứ thui thủi một mình, ngoài giờ học, không xem ti vi, chơi điện tử thì đọc truyện tranh. Cứ thế còn gì tuổi thơ? Có lần trong bữa cơm bà nói xa nói gần muốn con đẻ thêm một đứa cháu cho vui cửa vui nhà. Con trai ơ hờ nhìn con dâu. Con dâu tỏ vẻ nghiêm trọng: “Con xem bói, thầy bảo nên đẻ một đứa thôi. Còn có của ăn của để. Đẻ nhiều nhà gặp chuyện không ai gánh được”. Bà chịu hẳn, không nói lại chuyện đẻ thêm đẻ nếm một lần nào nữa. 

Hai đứa trẻ đã có thêm ba màn ném bóng “thần sầu” toàn trúng mặt. Trong lúc đứa em đi khều quả bóng dưới gầm ghế, đứa chị đã phát hiện ra một bà già khổ sở đang nhìn chúng. Đứa chị vẫy tay gọi: Bà ơi! Bà sang đây chơi bà ơi. Đứa em nghển mặt lên rồi nhảy loi choi như khỉ con trong rạp xiếc. Hai đứa trẻ phấn khích vì thấy bà già đáp lại chúng, vẫy tay và nói gì đó.

Lời kêu cứu thều thào của bà già lũ trẻ không nghe thấy. Già và trẻ cứ múa máy gọi nhau cho đến khi lũ trẻ bỏ cuộc trước. Trẻ con dễ thích và mau chán. Đứa em bảo đứa chị sẽ vào nhà bóc hộp bánh quy trong tủ lạnh. Đối với nó, một bà già hàng xóm không biết bay chẳng thú vị bằng bánh quy. Đứa chị nán lại nhìn bà già, vẫy tay lần cuối thay một lời chào tạm biệt. 

Nhìn hai đứa trẻ bỏ vào trong nhà, bà già đứng không vững, phải vịn vào lan can. Sự tuyệt vọng hằn lên những nếp nhăn rầu rĩ ở đuôi mắt. Bà ngồi bệt xuống nền, sát tường, để tránh nắng và nhìn những khay rau bắt đầu khô trở lại.

Nắng chiều khô khốc hơn. Bà già nguột dần, nằm ngả người xuống nền xi măng. Lúc nãy bà già nghĩ ra cách kêu cứu là ném những thứ ném được sang nhà hàng xóm để đánh động cho họ biết. Nhưng bà lần chần nghĩ đến khuôn mặt khó chịu của họ khi ngó mặt ra. Hàng xóm thành phố có giống hàng xóm ở quê đâu. Hàng xóm ở quê sang vay vài ống gạo vẫn tươi cười niềm nở, còn cho thêm mấy con cá rô đồng về nấu canh. Hàng xóm thành phố, hai nhà cạnh nhà bà ấy, mấy hôm trước còn chửi nhau chí chóe chỉ vì bịch rác để quá sang nhà nhau. Giờ bà không còn sức để đứng dậy rồi ném đồ cầu cứu những người hàng xóm đáng sợ ấy nữa. Bà cứ lịm đi. Nghe có tiếng ù ù bên tai, bà cố mở mắt nhìn lên trời để tìm xem có con kiến nào đang bò trên những đám mây. Hai mí mắt mệt mỏi sụp xuống. Trước khi thiếp đi, bà cảm thấy đau đáu, dằn vặt vì không có con ở bên để nói lời trăng trối. 

Tối hôm đấy hai đứa trẻ đã khoe với mẹ của chúng về hành động kì lạ của bà già hàng xóm trên ban công lúc trưa. Ngó qua nhà hàng xóm thấy chưa bật đèn, mẹ hai đứa trẻ linh cảm có chuyện không hay xảy ra với bà già liền tìm cách liên lạc với con dâu nhà đấy. Ngay tối muộn, con dâu và cháu nội bắt taxi về nhà kiểm tra tình hình. Một chiếc xe cấp cứu sầm sập đến rồi chở bà già vào bệnh viện.

“Mẹ ơi! Con về với mẹ đây.”

“Mẹ ơi! Con về với mẹ đây…”

Tiếng gọi khản giọng trong mơ đánh thức bà tỉnh lại. Bà nghe thấy tiếng chiu chíu của trò chơi xếp hình trên điện thoại cháu nội bà hay chơi. Tiếng con trai và con dâu đang cãi cọ về chủ đề người giúp việc. Con trai mắng con dâu sao không thuê người giúp việc để mẹ đỡ mệt. Còn dâu vằng lại, báo chí ra rả giúp việc toàn ăn cắp, bạo hành trẻ em và mập mờ với chủ. Tìm được người tử tế có dễ đâu. Mụ giúp việc trước thấy rơi tiền liền đút túi không thèm trả lại còn gì. Con trai gắt lên, chỉ được cái lí do, con với cái để mẹ như này thiên hạ họ cười cho thối mũi! Hay tôi đóng cửa công ty để về trông mẹ tôi, còn cô muốn làm gì thì làm. Cãi nhau một hồi, con dâu đưa ra phương án cho mẹ vào viện dưỡng lão. Gần nhà có một viện dưỡng lão mười mấy tầng hiện đại lắm. Có bể bơi nước nóng, phòng tập thể dục, thư viện, phòng massage, bấm huyệt... Cho mẹ vào đấy thì yên tâm, với lại mẹ cũng đỡ buồn vì có các ông các bà bầu bạn. Con trai không lên tiếng nghĩa là đồng tình với con dâu.

Bà già nằm yên, nhắm mắt, như chưa từng tỉnh lại. Ông nó ơi, bà chới với gọi, mới lên tầng ba đã chóng mặt giờ con nó còn định cho lên tới tầng mười.

Tầng mười.

Con kiến.

Và những đám mây.

Trên cả tầng mười.

TRẦN THÁI HƯNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 347

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground