S |
au nhiều tranh cãi gay gắt, về sự kiện xảy ra trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa Tháng Tám. Bảy Toán - người viết dự thảo quyển truyền thống kháng chiến, có lẽ vì quá bực bội, mà nói một câu ngoài ý muốn:
- Lúc đó, anh chỉ là một thằng chăn trâu, thì làm sao biết được việc của chúng tôi ?(!)
Cả hội nghị đi. Căng thẳng. Anh Lấm một trung tá nghỉ hưu, một chiến binh, một tiểu đoàn trưởng gan góc qua hai thời kỳ kháng chiến của quê hương, mặt xám ngắt kiềm nén. Lòng tôi nhói đau, uất nghẹn như chính mình bị xúc phạm. Bởi vì, Lấm vốn là bạn thân cùng chăn trâu từ thưở thiếu niên với Tri, người tôi mốc nối 9-*đầu tiên, trở thành chiến sĩ công an xung phong trừ gian do tôi phụ trách mà tôi vô cùng tin cậy, yêu thương.
Quê ngoại tôi có rất nhiều trâu, và nhiều trẻ chăn trâu. Ở đây hầu như nhà nào làm ruộng đều có nuôi trâu, nhà ít nhất là một đôi trâu cày, thường là mỗi nhà có tới bốn con, sáu con, mười bốn, mười lăm con, cả trâu cày, trâu cái và nghé.
Cứ mỗi chiều về, dòng sông Cái náo động hẳn lên , ầm ào đàn trâu lội, đầm mình dưới nước, đập đuôi, khua sừng xua đuổi đám ruồi đen nghịt cứ đeo bám quấy nhiễu và cọ rửa những mảng bùn khô của ruộng đồng, thảnh thơi ngoi đầu trên mặt nước thở phì phò, nhai cỏ. Đầm mình chán chê, rồi rậm rịt kéo nhau về chuồng.
Tri và Lấm cũng như bọn trẻ chăn trâu khác, thuở ấy chú nào cũng cóc cáy, khét nắng, ngái mùi bùn. Bởi suốt ngày theo đàn trâu trên đồng, lặn lội bắt cá, bắt cua, mò ếch, đào hang hun chuột đồng, lấy kèo dù mài nhọn, tra vào cán trúc làm nọc đâm những con chuột đồng bám trên lá cây ven rừng ven ngòi khi nước chảy thủy triều lên, trèo cây bắt tổ chim sáo, chim cưỡng, đào dế cho đá nhau, cho chim ăn, bơi dọc theo ngòi vớt con rạm ngày mùng năm tháng năm. Ừ! Cái lạ là ngày mùng năm tháng năm âm lịch, nước thủy triều lên rất cao. Đúng ngọ, nước ròng, rạm kết thành dề theo dòng nước trôi ra biển ngày vớt rạm vui như hội.
Các chú nhỏ chăn trâu quê ngoại tôi hiếu động, tháo vát, nhanh nhẹn, rất thật thà, thật dễ thương. Sống lam lũ vất vả vậy, nhưng rất ghét thói ngông nghênh, xấc láo của bọn lính. Sắp nhỏ chận (chăn) trâu là một lực lượng bảo vệ rất an toàn, không thể thiếu được của chúng tôi. Khi nghe tiếng tu hú đất nhặt khoan theo quy ước ở nơi nào đó, thì biết bọn lính xuất hiện ở chỗ nào.
Tri là người gần gũi với tôi hơn cả. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ rất nghèo, Tri ở nhà chăn trâu cho bà ngoại tôi. Hồi còn nhỏ, từ Nha Trang về quê ngoại, sao tôi thấy xa xôi quá. Đường làng vắng âm u, tôi rợn người, khi nghe tiếng “ma” nghiến răng ken két trong hàng tre. Đường từ chợ mới xuống mã vòng không có nhà cửa, hai bên là ruộng nước lạnh ngắt, ếch nhái eo ốc sầu đời. Sẩm tối thì đom đóm đậu dày đặc trên hai hàng cây muồng đậu ven đường, đều đặn chớp lóe thứ sáng lạnh lẽo từng chập, tưởng như đi giữa thế giới ma quỷ. Do đó ít khi tôi về thăm ngoại.
Vậy mà, sau khi học xong trường học nữ Pháp - Việt Nha Trang, tôi thoát li lên chiến khu, lại được điều về hoạt động ngay trên quê ngoại. Là con gái quen sống nơi thị thành, ngày hai buổi cắp sách đếna trường. Khi phải xa nhà, cái gì tôi cũng phải ngỡ ngàng, lạ lẫm… Những năm tháng gian nan, nguy hiểm, tôi nhờ cậy Tri rất nhiều. Tri dạy tôi từ cách đi ban đêm “Mưa tránh trắng, nắng tránh đen”, trời mưa đường trơn, phải bấm cả mười đầu ngón chân xuống đất và không được bước dài. Tri luôn luôn ái ngại lo lắng, sợ tôi té, sợ tôi khổ! Tuy là một chàng trai mới lớn, chưa được học hành nhưng rất thông minh. Tri hơn tôi hai tuổi, có ý thức rất rõ trong việc che chở bảo vệ, bảo vệ và dẫn đường cho tôi. Quen đi trên phố sáng rực ánh điện, tôi thật sự khổ sở khi phải trầy trật bước chân trong đêm tối om trên những bờ ruộng mấp mô, trơn lầy bùn, nước. Đường ngang, ngõ tắt giữa làng quê về đêm như trận đồ bát quái. Nhiều lần tôi đọc được trong mắt tri câu hỏi: Con gái xinh, nhút nhát, yếu đuối như vậy, mà cũng theo kháng chiến, để chịu khổ, chịu cực, giỏi ghê. Và nhìn tôi cảm thương, vừa tin, vừa phục. Còn tôi nghĩ, lớn lên Tri sẽ một chàng trai đẹp, mạnh mẽ, tự tin và trung thực. Nếu được học hành đến nơi đến chốn thì tuyệt vời, là niềm hạnh phúc mong đợi của những cô gái. Tôi quyết tâm dạy Tri học. Tri học rất sáng dạ, viết chữ rất đẹp.
Cuối năm một nghìn chín trăm bốn mươi bảy, đám trẻ chăn trâu được tổ chức lại thành hai tiểu đội du kích mật có vũ trang. Tôi định giới thiệu với Tri và Lấm làm tiểu đội trưởng. Nhưng tri bảo:
- Tri chỉ làm công an, không bỏ chị Đoan để qua bên kháng chiến đâu. Thật lòng, tôi cũng thấy không thể thiếu Tri bên cạnh. Tri còn là người liên lạc giữa tôi với một sĩ quan com măng đô người Pháp, có bí số J.B5. Và tôi cũng mường tượng dường như có một sợi dây vô hình nào đó, đang ràng buộc giữa hai chúng tôi. Có lúc tôi coi Tri như em…như bạn…có lúc thì…không phải vậy…
- Tri bị bắt ở Mã Vòng khi đang đi liên lạc với J.B5. Tôi rụng rời khi nhận tin dữ. Rất may là Tri đã kịp bỏ thư vào miệng nhai, một thằng la lên:
- Nó nhai tài liệu, móc họng nó ra mau lên:
Hắn xô tới, thọc ngón tay vào miệng Tri, bỗng nó la lên đau đớn và dán một tán vào mặt Tri, chửi thề:
- Đ.mẹ mày. Cắn nè.
Nó giật lưỡi lê của tên lính gác, trở cán vào miệng Tri thọc ngoáy, quát:
- Nhả ra. Nhả ra mau. Tao nạy gãy hết răng cho coi.
Một chiếc răng của Tri đã rơi ra, mồm miệng sưng vều, đầy máu.
Chúng xúm lại đấm đá Tri túi bụi:
- Mày nhai gì nói mau.
Tri phều phào:
Tôi nhai kẹo, sao đánh tôi?
- Láo. Kẹo đâu?
- Ngửi miệng coi.
Một thằng ngửi miệng bảo:
- Có mùi kẹo chanh.
Chúng lục túi Tri, có mấy chiếc kẹo thật.
Sau này, tôi biết Tri đã bốc một cái kẹo, bọc giấy quyến lại, rồi gói kẹo trong lá thư nhỏ bằng giấy pooluya, vừa dễ nhai nuốt, dễ đánh lừa bọn địch. Liên lạc chuyển thư mật có nhiều cách đối phó, nhưng gói kẹo chanh mà thời đó người ta gọi là kẹo Mỹ, có lẽ Tri là người đầu tiên tự nghĩ ra. Cứ nghĩ thế mà thương, mà cảm thấy mến sự thông minh, gan dạ của Tri.
Tuy không có bằng chứng, nhưng bọn mật thám vẫn nghi ngờ. Chúng đưa Tri về Đơ- dem- buya- rô, tra trấn thừa sống thiếu chết. Ở đây, ngoài những ngón đòn tra tấn mà nhiều người đã biết, chúng còn những ngọn đòn rất độc để tra tấn những chiến sĩ công an ta bị chúng bắt được như: Đè quỳ xuống, vụt roi mây tới tấp vào gần hai bàn chân, dập roi này thay roi khác. Một lần đánh hết một bó roi. Sau mỗi lần tra tấn như vậy, chỉ còn bò lết từng chút một và tiểu tiện ra máu đỏ bầm đóng cục. Bắt đứng ngón chân, lưng dựa sát tường, rồi đẩy tủ đứng vào ép chặt, rồi để từ sáng tới chiều. Khi lôi tủ ra, nạn nhân mềm như bún, rũ gục xuống ghế mê man. Dùng ta - rô đục toét thùng phuy vào phía trong, nhét người trần truồng vào, đậy kính nắp, lăn loong coong trên sân xi măng, da thịt rách nát như chó gặm. Đã thế, chúng còn xát muối ướt lên những vết thương đang rỉ máu, nóng rát tận tim óc. Bắt nạn nhân đứng lên ghế cao, ôm chặt bó lồ ô tươi đập dập, treo một đầu lơ lửng lên sàn nhà, nếu không chịu khai thì bất ngờ hất đổ ghế, nạn nhân rơi tuột xuống, tay chân bụng ngực bị cực lồ ô cứa rách da lật ra thành những vết dài chi chít…chúng tôi biết rất rõ như vậy. Nhưng lòng chúng tôi chỉ một.
Hơn tháng sau. Tri cùng một bạn tù, đêm đêm công kênh nhau, thay phiên dùng răng gặm đứt bốn thanh rui mè, dỡ ngói chui ra, trốn thoát trở về. Mừng quá, tôi ôm chặt Tri mà khóc, tay lần sờ từng vết sẹo trên khuôn mặt ngăm ngăm khôi ngô, mái tóc xoăn rối mù, ánh mắt đen láy đầy nghị lực, và một chút nũng nịu, đa cảm, của thiên thần nhỏ, tuổi mới mười tám của tôi…
Sau khi thủ tướng bù nhìn Nguyễn Văn Xuân, được quảng cáo rùm beng là sinh vào năm thìn, tháng thìn, ngày thìn, giờ thìn, mà bà con nói đùa “Í! Ta cũng ỉa vào giờ thìn…” nhảy lầu tự tử chết. Đầu năm một nghìn chín trăm bốn chín. Pháp đưa Bảo Đại ra kinh lý Nha Trang. Đây là một việc lớn vô cùng khó, mà quá gấp. Người tôi nghĩ đến đầu tiên là Tri. Nhưng…khi tôi giao nhiệm vụ, thì bất ngờ bị Tri từ chối. Tôi vô cùng thất vọng, thoáng nghĩ chẵng lẽ nào Tri giao động rồi chăng!? Gặng hỏi. Tri bảo:
- Sao lại ném lựu đạn vào đoàn biểu tình, toàn là bà con mình. Ai muốn đi biểu tình làm gì? Lính vác roi, vác gậy vào từng nhà lùa từng người như lùa vịt. Làm sao không đi được?
Tôi cố thuyết phục:
- Ném xa xa ra, tạo tiếng nổ để bà con hoảng loạn bỏ chạy.
- Bọn giặc bắn đuổi theo thì sao? Rồi nó tung tin, ta ném lựu đạn giết dân!
Tôi bối rối thật sự. Lòng mung lung lo lắng suy nghĩ. Nhìn thấy ánh mắt buồn thiu của tôi, Tri mủi lòng, an ủi:
- Để tui nghĩ thêm đã.
- Ngày hôm sauTri bảo:
Bà ngoại bảo “Cứu nước là để cứu dân. Không để làm dân chết!”
Tôi sững sờ, lạnh cả người”
- Sao bà ngoại biết chuyện này?!
- Việc khó phải hỏi bà ngoại chớ. Bộ không biết cả làng này ai cũng tin, cũng nghe bà ngoại à?
Bây giờ tôi mới thấy, Tri đã thành người lớn. Còn tôi vẫn trẻ con, nông nỗi của một học sinh tiểu tư sản. Tôi đâm ra quý nể tin cậy Tri hơn.
Sau khi tờ giấy bạc Bảo Đại được lưu hành. Còn tôi vẫn trẻ con Tri dấu tôi làm một việc mà tôi không ngờ. Tri mượn các mợ, các dì hay đi chợ Đầm bán bắp luộc, khoai luộc, mía mây mỗi người một tờ giấy bạc có hình Bảo Đại. Lấy khoai lang khắc hai chữ “Bán nước”, dã nát củ nghệ hòa với vôi ăn trầu làm mực đỏ, in lên mặt“Quốc trưởng” hai chữ “Bán nước”, những tờ giấy bạc đó được lưu hành ở chợ Đầm. Không biết sao, mỗi ngày một nhiều những tờ giấy bạc na ná như vậy. Có lẽ ở đâu đó cũng làm như Tri. Bọn mật thám, cảnh sát tức điên lên. Nhưng rồi chúng sợ, bảo nhau: Việt Minh trong thị xã này không ít đâu, liệu mà giữ cái đầu tụi bây
***
Lại một mùa mưa lụt nữa đến. Mùa mưa lụt quê ngoại tôi thường bắt đầu sau rằm Trung thu. Kết thúc sau ngày hai mươi ba tháng mười âm lịch. “Ông tha mà bà không ta. Bà cho cây lụt hăm ba tháng mười!”. Các tháng này thường mưa dầm dề, liên miên. Mưa ngập trời thúi đất. Nước trên nguồn đục ngầu đỏ về tràn ngập dòng sông, trắng xóa những cánh đồng, làng xóm, vườn cây đầm trong nước. Song, bao đời sống chung với lũ quen rồi. Nhà nào cũng có gác, những gia đình khá hơn thì có cả ghe lớn, ghe nhỏ, chuẩn bị sẵn gạo, mắm nêm, mực muối. Mỗi năm thường có ba con lụt vừa và lớn, mỗi con lụt vào ra trong hai ngày một đêm, hoặc hai đêm một ngày. Năm nào có lụt thì cực mà vui, vì ruộng vườn, cây trái tươi tốt, được mùa. Năm nào không lụt, thì lo đất xấu, nhiều sâu bọ, cây lúa thất bát.
Nhưng phận gái hoạt động bí mật như tôi thì khổ, phải rút lên núi, ở trong hang đá một mình giữa mưa rừng hiu quạnh, vừa buồn, vừa sợ, nhất là đêm khuya, nghe tiếng hú rờn rợn xa xăm của gió lùa qua khe đá. Sao mà mênh mông, âm u qúa?! Có đêm lạnh, thao thức nhớ ba má, nhớ giường chiếu hoa, mền ấm, nhớ những bữa cơm nóng, gạo trắng tinh thơm lựng, canh chua, cá nấu ngọt ngào rau thơm hành ngổ, thương má vò võ nhớ mong con, không ngủ được, tôi thấy cọp nhẹ như cái bóng đi qua cửa hang, mà trống ngực như lâm trận…Ôi! Má mà biết sống như thế này, chắc má chết mất. Càng nghĩ càng thương ba má vô ngần.
Mỗi lần Tri lên báo cáo tình hình, tiếp tế và thăm tôi, khi ra về, bao giờ cũng dùng dằng quyến luyến, áy náy không yên. Tri không muốn bỏ tôi ở lại một mình, mà đành đoạn ra về. Tôi biết Tri muốn ở lại với tôi lắm, mà không dám… Thật lòng, tôi cũng muốn Tri ở lại để đỡ buồn, đỡ sợ và ấm hơi người trong cái hang đá quá lạnh lẽo này. Giá ở một mình mà có bếp lửa còn đỡ hơn. Nhưng xung quanh là đồn giặc. Song, tôi cũng không dám bảo Tri ở lại với mình… Bà ngoại tôi nghiêm cẩn lắm “
Tri xuống núi rồi, tôi vẫn còn ngóng theo, nhưng nào có thấy gì đâu. Chỉ có cây rừng nghiêng ngả trong mưa bay mù mịt. Dưới kia, một mình Tri trở về với chiếc ghe nhỏ, phải vượt qua dòng sông hung hãn, ngầu đỏ phù sa, chắc lòng dạ cũng buồn nẫu nà như tôi. Bất giác tôi nghĩ “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”. Dù cho kiềm nén, dấu lòng, nhưng chúng tôi đều biết, cả hai đang đứng trước ngưỡng cửa tình yêu!?
Ba tôi là kỹ sư lục lộ. Ông đã đưa người của ta đột nhập, đốt cháy kho hắc ín ngay giữa chiều, trong thời điểm Pháp đang mở rộng đường bờ biển vá sân bay Nha Trang. Song với con gái cưng, niềm tự hào của ông, vẫn phải là môn đăng hộ đối. Liệu chúng tôi có vượt qua được không!? Ngổn ngang buồn, ngổn ngang lo…Chúng tôi thì có lỗi gì đâu. Khi hai trái tim yêu là một!
Cái tình cảm chị em…kẻ bề trên…người chỉ huy…buổi ban đầu của tôi, mất tiêu từ lúc nào, tôi cũng không ý thức được. Dù sao, lòng tôi cũng thật sự ấm áp, cái gian khổ, sự nguy hiểm gần như bị chìm lấp bớt đi. Tin ở mình, và tin ở Tri hơn.
Rồi đầu năm một nghìn chín trăm năm mươi. Tôi bất ngờ nhận được la thư nhỏ của Tri: J.B5 phải hành động khẩn cấp. Rất cần Tri trợ giúp. Nguy hiểm nhiều, có thể không còn ai trở về! Yêu Đoan lắm!”. Tôi bàng hoàng, lặng người, bóp chặt lá thư nhỏ trong lòng bàn tay, nước mắt ràn rụa. Cuối cùng Tri đã nói lời yêu trước tôi! Điều mà tôi hằng mong đợi từng ngày. Tri ơi! Đoan cũng yêu Tri lắm…Tri có biết không!? Hai bàn tay tôi trân trọng nâng lá thư lên môi, ép chặt nụ hôn. Nụ hôn yêu đầu tiên của đời con gái. Mặc cho nước mắt tuôn rơi trong niềm hạnh phúc, trong nỗi khát khao, sau nghìn ngày âm ỉ cháy… Nhưng rồi sự lo lắng, một nỗi đau vô hình đè nặng lên tim tôi đến nghẹt thở. Lá thư nhỏ, nhưng mang một thông điệp quá lớn, ẩn chứa một tai họa, sự đau thương không thể nào lường được! Tôi ý thức được sự quyết đoán của Tri. Song, không biết được chuyện hệ trọng gì xảy ra!?
Sáng hôm sau, bằng con đường riêng tôi về Nha Trang, lân la ở chợ Đầm, bến xe ngự để nghe ngóng tình hình. Khoảng tám giờ rưỡi, một tiếng nổ long trời, rung rinh cả thị xã. Dân chúng nhốn nháo, ngơ ngác. Đang ăn dở tô phở, tôi đứng dậy trả tiền và bước vội ra ngoài. Tiếng gọi nhau, kháo nhau í ới: Tàu cháy dưới Chụt. Tàu to lắm. Cháy to lắm! Rồi rùng rùng kéo ra biển xem tàu Tây cháy.
Hòa trong đám người, tôi đứng dưới tán cây bàng già gần bưu điện, nhìn cột khói đen kịt cuồn cuộn bốc lên cao trên thân con tàu bị đứt đôi, phần đầu còn gối trên bờ cát, phần đuôi đang chìm dần, ngay trước trường Hải quân Pháp, mà lòng tôi rối bời bao nỗi lo. Tôi nuốt vội những giọt nước mắt nóng hổi vị mặn vào trong. Lá thư khẩn cấp của Tri có liên quan gì với chiếc tàu đang cháy kia không? Trời ơi! Lẽ nào… Tàu chữa cháy bên Cầu Đá chạy sang, vừa tiếp cận phun nước, thì những tiếng nổ lớn lại phát ra, lửa khói lại bùng lên dữ dội hơn, tiếng nổ lại nối tiếp nhau. Chiếc tàu chữa cháy hốt hoảng chạy vọt ra xa. Anh phu kéo xe kéo người Huế, khoái chí pha trò:
Thằng em bảo: Ôi! Anh làm sao thế nào? Để em tắm cho. Thằng anh đang đau tức quá, thúc cùi chỏ vào sườn hét: Lui ra! Thằng em bị văng ra, sợ quá không dám xáp vô. Đành lảng vảng ngoài xa nhìn thằng anh rên rỉ quằn quại. Tội thiệt!
Rồi tin tới tấp dưới Chụt đưa lên: Mảnh tàu to cả thước bay vù vù, rơi loảng xoảng tận bãi dương, tận sân bay. Tây chết la liệt, xác Tây bay lên tận đường cá. Một đoàn xe GMC hai mươi chiếc loại mười bánh từ ga – ra – set- ầm ầm chạy xuống chở xác.
Mấy ngày sau. Vẫn cứ râm ran khắp thị xã: Tám trăm lính chết chứ không thể ít hơn. Nhất định là người của ta đánh cảm tử. Không biết là người Pháp hay người Việt?! Người thì bảo tàu cháy rồi mới nổ. Người bảo tàu nổ rồi mới cháy. Người bảo lúc đầu cháy nhỏ, lính vội vàng chữa cháy, nhưng lửa không tắt mà cháy to hơn. Bọn chỉ huy báo động, cho lính thoát lên bờ, ngay lúc đó có một khẩu súng máy từ cửa tàu bắn chặn lại, bọn lính hoảng loạn nhảy ào xuống biển. Bom nổ, chìm nghỉm hết. Mỗi người nói một kiểu. Song ai cũng hả hê khen đàng mình tài giỏi…
Hai ngày sau tôi trở về chiến khu Đồng Bò, các anh cho biết: Đó là chiếc tàu có tên “A DOUR”, hình như vậy, lâu quá mà. Lọai tàu há mồm đổ bộ, lớn thứ hai của nước Pháp, đang ghé vào Nha Trang lấy thêm quân. Chúng định chiếm thành Bình Định. Có mật hiệu “ngày mưa rơi”. Thế là cuộc hành binh tuyệt mật, đã bị bẻ gãy ngay trên bờ biển Nha Trang!
Cũng từ đó, tôi mất hẳn liên lạc với J.B5. Các chàng trai chăn trâu quê ngoại tôi lần lượt thoát ly, lần lược ngã xuống trên quê hương mình. Chỉ còn lại một mình Lấm với bao thương tích trên người!
Một phần xác con tàu “A DOURR” vẫn nằm đó, trước tượng đài vị tướng Trần Hưng Đạo, cách bờ chưa đầy một trăm mét, chếch khoảng mười lăm độ về phía cầu cảng của Học viện Hải quân.
Ngày nào tôi cũng một lần ra bờ biển, nhìn mãi về nơi co tàu bị đánh chìm năm ấy! Mong tìm một lời giải về Tri và J.B5. Thầm hỏi: Sao mình không hóa đá!? Sao không là hòn Vọng phu!?
Biển vẫn xanh mênh mông … Ngày đêm biển mãi thầm thì nói gì? Còn Tri của tôi ở đây?!
Chị Đoan người kể câu chuyện này, đã qua đời vì căn bệnh ung thư vú. Chị không lấy chồng./ Giữ trọn trái tim yêu, với “Thằng chân trâu” thiên thần trẻ tuổi của chị!
H.V.H