Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành Hoàng phiêu bạt

 vùng quê này không mấy ai không biết đến trai làng Thổ Hoàng. Người cao vổng, da bánh mật, tóc vàng hoe. Lại thêm một đặc điểm nữa là móng chân, móng tay vàng khè. Ra phố, vào quán người ta cứ tưởng mấy anh chàng nhuộm tóc. Sơn móng tay nhưng bị lỗi khi pha màu, chứ mấy ai đã biết mấy anh chàng này suốt ngày lặn chòm chọp dưới ao hồ đào đất, màu bùn chua bám vàng cả móng chân móng tay. Mấy cụ già bảo là nghiệp làng tôi như thế: Trai dưới nước gái trên đồng. Cứ thăm miếu thờ Thần Hoàng của làng cũng đủ biết cái nghiệp của làng rồi. Đúng là trong cái miếu thờ Thần Hoàng chỉ vẻn vẹn có bát hương và cái mai đào đất được hình tượng hóa sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trai Thổ Hoàng tung hoành quanh năm đi tứ xứ. Ở đâu có đất, dưới nước mà cần vượt lập là trai Thổ Hoàng có mặt. Công nghệ đào mò thời các cụ ngày xưa là cái mai cán dài với cái mủng tre. Rồi trải qua ba thế hệ, được đổi mới hơn, bây giờ là cái mủng tôn và chiếc kéo cắt đất. Thợ đào mò lặn chòm chọp suốt ngày ở các ao hồ. Đội hình nhỏ không làm ảnh hưởng gì đến môi trường con tôm, con cá trong ao, nhưng hiệu quả thì lớn lao, kỷ lục tới năm mét khối đất đào mò một ngày trên một công lao động. Ấy vậy mà trai làng cứ từng tốp lớn lên, mười năm tuổi là nhập hội. Họ nhập phường đi làm ở mọi nơi, chỉ ngày giỗ tết mới về. Sau vụ lại có chàng trai mang theo cả cô vợ về làng. Đó cũng là lý do mà cư dân làng Thổ Hoàng ngày thêm đông đúc. Trai làng đi làm mỗi vụ cũng mang về cho gia đình, vợ con được mươi, mười lăm triệu đồng tiền công. Chính vì có nguồn thu từ tiền công lao động cao mà làng Thổ Hoàng nhà nào cũng xây cao tầng khiến các làng bên đều tị là do Thổ Hoàng có miếu thờ đức Thần Hoàng là vị thần đào đất. Cũng không ít lời bàn tán cho đó là cái nghiệp của làng Thổ Hoàng. Trai làng những năm kháng chiến nhập ngũ vào bộ đội, nhiều anh đã phát huy sở trường dưới nước, lập nhiều chiến công và đông nhất là vào binh chủng đặc công mà lại là bộ đội đặc công nước mới đặc biệt chứ.

Những năm trước kia có thời kỳ mưa bão nhiều, đê điều còn thấp kém Thổ Hoàng được chính quyền xã ra quyết định thành lập Đại đội ứng cứu nhanh. Người được giao đại đội trưởng là Vũ Đình Ngự nguyên là thợ bốc máng đào mò từ năm mười năm tuổi, rồi nhập ngũ hơn mười năm là bộ đội đặc công ở đồng bằng Nam Bộ... Kháng chiến thắng lợi trở về, với hơn chục Huân, Huy chương và quân hàm Đại úy. Về làng nhìn cái mủng, cái mai lại nhớ nghề bùn đất và ao hồ. Vũ Đình Ngự nhận luôn vai đại trưởng đại đội ứng cứu đê điều mùa bão lũ. Đúng là đội quân tinh nhuệ lành nghề được gắn với năm tháng bảy mươi, tám mươi, và những sự cố mạch đùn, mạch xủi... sông Thái, sông Linh, kè Ninh, đập Thượng... đâu có sự cố đê điều là đại đội ứng cứu nhanh có mặt. Từ động tác lấy hơi lặn ngụp, luồn lách tìm mạch rò, mạch xủi dưới dáy sông đến việc lựa bàn chân, lách lưỡi mai đào những hòn đất vuông vắn. Rồi người bốc máng cũng tài nghệ không kém, họ chỉ cần một lần lặn ngụp lựa tay là bốc lên những hòn đất còn nguyên vẹn mà không bị sứt mẻ, rơi vãi. Có thể nói từng động tác thuần thục và điêu luyện từ dưới nước mà ai cũng bảo chỉ có trai Thổ Hoàng mới làm được. Người ta lại thêu dệt nên là do Thần Hoàng của làng ban cho thợ đào mò hai con mắt ở ngay mắt cá chân. Đại trưởng Vũ Đình Ngự ở cương vị này một thời làm vẻ vang cho một làng nghề truyền thống chuyên đào mò dưới nước với cái tên Thổ Hoàng.

Nhưng rồi những năm chín mươi qua đi rồi đến những năm hai nghìn này cứ tưởng thời tiết thuận lợi, sông nước hiền hòa, đê điều vững trãi, đại đội ứng cứu nhanh không giải cũng tan và Vũ Đình Ngự đã sang tuổi sáu mươi, nhúng chân xuống nước đã thấy da thịt xởn da gà. Đó cũng là lúc giao thời cho thế hệ đào mò thứ ba của làng. Cánh trai trẻ bỏ làng thuyền mủng ra đi theo từng hiệp thợ đào mò tới các vùng quê xa xăm kiếm việc có tốp theo các chủ thầu ngành thủy lợi hợp đồng làm thuê nhưng tiền công không cao, việc cũng không nhiều. Một số hiệp thợ năng động hơn đã lai thồ thuyền mủng vào các thành phố, thị xã, thị trấn để kiếm tiền vì họ nhận ra đây là thị trường tuy cực nhọc nhưng thu nhập cao bởi môi trường làm việc là các ao hồ tù đọng.

Thôi thì mọi thứ uế tạp được dồn xuống gần như không thiếu một thứ gì mà dân cư trong vùng đã thải ra. Cứ nhìn cái màu nước cũng đã sợ chứ phải ngâm mình lặn ngụp suốt ngày đào bốc từng hòn đất dưới đáy hồ đưa lên. Thôi thì nghề nào nghiêp ấy, họ lao vào công việc thuần thục, giá cả được tính theo số lượng thuyền mủng chẳng phải do khối chìm, khối nổi cho phức tạp. Cánh thợ đào mò làm thông cả một ca giữa ngày và cơm hai bữa sáng, chiều tự nấu. Mà hình như chỉ có họ tự nấu lấy các bữa ăn chứ không cần nhờ vả hoặc thuê mướn. Hằng ngày chuẩn bị bữa ăn sáng là bước khởi đầu của công việc và bữa ăn chiều là kết thúc một ngày làm việc cực nhọc. Cơm phải nấu bằng gạo được phơi già nắng. Khi nấu lửa phải đều, cơm phải chín nhưng hạt không nở bung. Thức ăn buổi sáng chủ yếu là lạc rang, vừng muối hoặc thi thoảng cải thiện bằng thịt ruốt giả thô. Như vậy bữa ăn sáng chuẩn bị cho một ngày làm việc là thức ăn khô và mặn. Khi ăn nhai kỹ để cái bụng chứa được từ bảy đến chín bát cơm, đảm bảo đủ no khi đã xuống nước là làm thông tầm cho đến bốn giờ chiều mới lên bờ. Buổi chiều, sau ngày làm việc mới được phép ăn bữa cơm có rau và canh. Chính vì vậy mà ngâm mình làm việc dưới đáy nước trong điều kiện mùa đông rét mướt mười lăm độ C vẫn không bị rét. Khi người trên bờ phải mặc áo ấm mà cánh thợ đào mò vẫn lặn ngụp dưới nước bình thường và họ nói một cách rất thực tế là những hòn đất ở dưới ao hồ cũng có hơi ấm như hơi ấm của người(?).

Quy trình làm việc từ tám giờ sáng xuống nước, đến bốn giờ chiều lên bờ. Họ ngâm mình cắm kè, đào đất đưa lên mủng thuyền rồi đẩy vào bờ. Những hòn đất to như chiếc cối đá lỗ mà nhà quê thường dùng đập lúa trước đây. Nhìn người đào, người lặn ngụp dưới nước bốc vào thuyền những hòn đất to vuông vắn cũng dễ tin là Thần Hoàng làng họ đã cho họ đôi mắt đặt ở mắt cá chân như người ta thường nói. Họ bốc đất lên thuyền mủng cũng nhẹ nhàng mà đất không bị vỡ vụn, nước không vào thuyền. Mỗi thuyền mủng chở tới nửa mét khối đất, nước mấp mé mạn thuyền mà không hề bị đắm chìm. Các chủ nhà ven ao hồ có nhu cầu can nới, vượt lập chỉ cần đứng trên bờ đếm từng thuyền để thanh toán tiền công, chẳng cần phải chuyên chở gồng gánh, công nông máy nổ ồn ào, tính toán phức tạp. Thế rồi ngày qua, tháng qua nhà ven hồ đua nhau vượt đất can nới làm nhà và lập vườn trồng cây. Thợ đào mò bị Đội quy tắc phát hiện và lôi lên bờ xử phạt vì can tội có phương tiện gây nên tệ lấn chiếm mặt hồ ao làm cản trở việc tiêu thoát nước đô thị. Vừa bị phạt tiền vừa lại bị tịch thu phương tiện hành nghề. Cái mủng bị thu, rồi đến cái mai đào đất cũng bị tịch thu. Những hiệp thợ đào mò bị tịch thu mất phương tiện hành nghề đã thất thểu kéo nhau từ thành phố về làng. Họ ra miếu thắp hương và phàn nàn với Thần Hoàng là tưởng cái nghề cực nhọc suốt ngày ngâm mình dưới nước mò từng hòn đất, kiếm ăn là yên phận mà sao cũng trắc trở gian nan đến thế.

Bây giờ việc ít, đất hẹp lại người đông. Người ta nghĩ không biết cái tên Thổ Hoàng có từ bao giờ. Có phải từ Thần Hoàng của làng Thổ Hoàng là nghề đào đất, chứ có phải đâu là vua đất. Nhưng mà cả làng nhà cao cửa rộng, đời sống giàu có nhà do làm nghề lặn mò đất mà lên chứ có ai chuyên kinh doanh đất mà giàu như những trường hợp báo chí đã nêu. Và cả làng chẳng ai làm quan, đi buôn mà có tiền, chỉ dặt một nghề đào đất.

Thế rồi cái hiệp thợ đào mò đi làm ở các vùng quê lân cận giờ cũng kéo nhau về. Nhà cao, ti vi, radio cát sét, quạt bàn, quạt trần, tủ lạnh, bếp ga... chẳng thiếu thứ gì nhưng lạ thay cánh thợ đào mò ở Thổ Hoàng vẫn buồn phiền ngao ngán. Trai làng ra vào gặp nhau uể oải như người ốm. Họ đến gặp chính quyền xã, hỏi xem tình hình đê điều năm nay thế nào, có cần phải thường trực với ứng cứu gì không, để họ còn tìm đường ra đi làm ăn. Cứ mãi ở nhà không việc, người buồn như thiu mủn. Lãnh đạo xã nói chung chung về quan điểm phòng chống bão lụt mà chẳng có chính kiến cụ thể ở hay đi, cần hay không?

Lại bắt đầu khởi sự từ mấy bác thợ đào mò ngày xưa nguyên là lính đặc công nước ở đồng bằng Nam Bộ. Thế rồi từng tốp lại rời làng ra đi. Bây giờ thì họ đi xa vào tận đồng bằng Nam Bộ. Lên tàu mới thấy chật một toa, toàn trai làng Thổ Hoàng. Đã từ lâu, kể từ cái ngày đại đội ứng cứu nhanh trên mặt đê đến nay mới có dịp tụ họp đông đến thế. Nhưng có điều họ không phải lên mặt đê như những năm xa xưa mà lên tàu theo mấy cựu binh người làng vào đồng bằng Nam Bộ đào đất làm thuê.

Miền Nam đúng là một thị trường đào mò bị bỏ trống. Họ chia ra từng tốp theo từng cựu binh trở lại vùng chiến trường xưa mà họ đã quen thổ cư để hợp đồng. Tốp ở lại thành phố để nạo vét những hồ lớn ở các công viên. Tốp vào các vùng sâu hợp đồng nạo vét đầm hồ nuôi tôm, nuôi cá.

Như cá gặp nước, họ hăm hở bắt tay ngay vào công việc, người chặt tre vót nan đan thuyền mủng, người sắm mai, sắm kéo cắt đất. Công trình lớn nhỏ đều ký hợp đồng như cơ quan nhà nước. Mà ở trong này thời tiết bốn mùa đều ấm áp, dễ chừng suốt năm ngâm mình dưới nước cũng không bị lạnh như mùa đông ở ngoài Bắc.

Công việc triển khai được vài ba tháng thì ngoài Bắc trời mưa bão. Một số đoạn đê bị xung yếu. Mạch đùn, mạch xủi từ sông vào đồng lộ ra ở nhiều nơi có nguy cơ lan rộng. Lúc này, việc xử lý các mạch đùn, mạch xủi cần phải cánh thợ đào mò Thổ Hoàng mới có kinh nghiệm, kể cả việc cắm cù đào mò ngay ở đoạn đê vỡ, nước xoáy... Ban chống lụt bão địa phương điện vào Nam cho lực lượng đào mò phải hỏa tốc ra Bắc ngay. Mặc dù công việc ở trong đã ký hợp đồng. Nhưng đây là mệnh lệnh chống lụt như chống giặc. Họ quyết định chỉ để lại một ít người để giữ việc theo hợp đồng. Còn lại được chủ thầu ứng tiền mua vé máy bay để họ ra Bắc ứng cứu đê.

Ngồi trên trời, những người chuyên đào mò đất dưới ao nhìn qua cửa sổ máy bay thấy những làng quê, những sông ngòi hồ ao mà thấy lòng lâng lâng khó tả. Nhưng đều chung một cảm giác như bơi trên dòng nước, trên bọt xốp của máy bay mà chân không tới đất, tay không tới trời.

Vừa về tới sân bay thì xe đã ra đón và đưa ngay về đoạn đê xung yếu ở quê. Nhưng không kịp, mạch xủi từ ngoài sông qua thân đê, nước đang cuồn cuộn xả vào đồng. Những sọt đất vừa ném xuống đã bị cuốn hút. Rồi trong thân đê như ruỗng ra sập lở cuốn đi theo dòng nước xoáy. Đúng như các cụ đã từng nói thủy tặc như giặc Ngô. Chỉ nhoáng thôi mà cả làng Thổ Hoàng đã bị chìm ngập trong nước. Trong làng thường ngày mọi nhà dấu đâu, đặt đâu nào ai biết mà bây giờ nổi phềnh lên, trôi dạt từ nhà này sang nhà khác, từ thôn trên xuống thôn dưới, lợn gà trâu bò kêu inh ỏi. Chỉ có người già và trẻ em được vớt lên trần nhà trú tạm cùng với những con trâu con lợn gặp vận may trôi dạt thì được vớt lên trú tạm với người. Trong hớt hải lo âu mọi người đều nói: "May mà mấy năm vừa qua Thần Hoàng phù hộ ăn ra làm nên, nhà nào cũng xây cao, mái bằng nên lũ lụt còn có chỗ để trú ngụ chứ như trước kia nghèo túng thì trôi dạt đi ra sông ra biển cả rồi!".

Làng chìm trong nước, dân sống từng chòm trên mái nhà, bữa trưa bữa chiều chờ bánh mỳ của đội cứu hộ đưa tới. Chỉ vài ngày sau, những con lợn, con gà xấu số chết trương nổi phềnh lên, cùng với phân rác, màu nước đục ngầu xủi tăm, không gian ngập mùi khăm khẳm...

Rồi tuần sau nước rút, mọi người xuống đất dọn dẹp. Trong nhà mọi thứ tủ, giường ngày thường lau, chùi ngắm vuốt thì sau lũ lụt ngập đầy bùn đất lại lẫn với phân rác và những con vật chết đang tầm thối rữa, ruồi nhặng vo ve... Đúng như các cụ bao đời truyền lại: "Trong cái họa ở đời, có cái họa thiên tai lũ lụt là luôn phải đề phòng nhân đả không bằng thiên đả!".

Sau ít ngày, cấp trên chỉ đạo, chính quyền xã họp hành kiểm đểm quy kết trách nhiệm. Người bảo do trời năm nay tráo trở, người bảo do đất đê nhiều năm không tu bổ nên bị ủ bệnh bên trong. Có người lại truy chụp xem ai lôi cuốn cánh thợ đào mò bỏ làng đi kiếm việc nơi xa, rồi có người sợ trách nhiệm cá nhân lại đổ tội cho cả Thần Hoàng của làng... Nói đến tội do Thần Hoàng thì mấy người mới nghĩ tới và vội chạy ngay đến miếu. Rồi họ hớt hải chạy về báo cáo: "báo cáo, Thần Hoàng đi đâu rồi ạ!" Nghe vậy cả phòng họp tròn mắt nhìn nhau.

Vài ngày sau, người làng bên báo cho  người làng Thổ Hoàng biết là trong khi vỡ đê, nước tràn vào miếu, cuốn theo cả Thần Hoàng trôi dạt sang làng bên. Hiện giờ làng bên đang giữ hộ, mời dân làng Thổ Hoàng làm lễ rước về.

Dân làng Thổ Hoàng cử người ra xin phép chính quyền xã để được rước Thần Hoàng trở lại làng và có một yêu cầu là không nên đổ lỗi cho Thần Hoàng.

N.T.C

Nguyễn Thành Cải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 88 tháng 01/2002

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground