Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thị trấn ào ạt gió

Đ

a đón anh tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Tại sao lại là Đa mà không phải là Đan?  Đan thì quý phái, thị thành hơn nhiều chứ? Đa- có con chim đa đa nó đậu cành đa. Lời của một bản nhạc sến nào đó bất chợt thoáng qua trong đầu khiến anh tủm tỉm cười một mình.

Đa cười chào anh, chạy xe đưa anh lòng vòng qua những phố xá sầm uất, dày đặc cao ốc, nườm nượp đủ loại xe cộ. Sài Gòn đẹp quá anh  ha? Cao ốc kia cao 68 tầng lầu lận đó, ở tầng năm mươi có cả sân bay trực thăng, hôm khánh thành, người ta biểu diễn chiếu dàn đèn lade, coi thiệt đã con mắt. 

Đang thao thao, Đa đột nhiên bảo: Bây giờ mình qua Phú Mỹ Hưng thăm biệt thự mới của má và em. Giữa Sài Gòn ồn ào điếc óc, dám cá với anh, khó có thể bói ra một nơi đâu êm dịu tuyệt đối như ở biệt thự này.

Xe đổ xịch trước cổng, sau mấy hồi chuông, cánh cửa tự động mở rộng để lộ một khu vườn thênh thang tràn ngập màu xanh hoa lá, ríu rít chim ca. Hai gã vệ sỹ mặt lạnh như tiền vòng tay trước ngực, gập đầu cúi chào hết sức lễ phép. Dì Thắm xuất hiện trong chiếc đầm hoa rực rỡ,  dẫn anh men theo con đường rãi đá sỏi trắng, đi qua cơ man cây cảnh lạ mắt, đẹp không có lời để diễn tả, sau cùng thì dừng lại trước hai chiếc xích đu  trông ra hồ bơi có làn nước xanh thật dịu êm.

Giữa Sài Gòn với cơ man nhà ống, cao ốc, luôn kẹt xe, ngột ngạt, được lạc vào khu vườn yên tĩnh, dịu mát với hoa thơm cỏ lạ, rất dễ khiến người ta lịm cả người vì dễ chịu, chí ít là muốn nằm dài ra giữa thảm cỏ ngoại êm như nhung, ngước mắt nhìn lên những hàng cây cổ thụ và bầu trời phương Nam xanh trong không một gợn mây mà mơ màng, tơ tưởng, sau đó thì ngủ một giấc thật dài, thật sâu cho đến đâu thì đến, mặc cho sự bon chen xô bồ, mặc cho ồn ả ầm ào của phố xá ngoài kia. Nhưng mà anh  không thể nào thực hiện hết được giấc mơ bé mọn đó. Chiều qua, mạ điện cho anh: Quảng Trị lũ lụt dữ lắm con ơi. Nước đỏ ngầu cuồn cuộn, mưa trắng trời, trắng đất. Có đêm, cả nhà  phải dỡ ngói, trèo lên mái nhà vì nước dâng quá cao. Suốt mấy ngày, cả nhà chỉ nhai mì tôm cho qua bữa. Mạ thì không răng nhưng bà nội thì tội lắm, sốt run bần bật, phải đem lên bệnh viện huyện cấp cứu. Con xem sắp xếp về quê sớm, mạ lo lắm.

- Sáng mai mình đi Đà Lạt chơi nha. Em lãnh nhiệm vụ tài xế, má bao toàn bộ chi phí, Anh Châu là “Khách mời của VTV3”, chịu hông?  Đa vừa đung đưa trên xích đu vừa hỏi anh.

- Nhưng ngày mai anh bận việc.

- Bận gì đâu, anh Châu ngại mấy vụ tiền nong phải không?  Bữa trước Dì Hạnh a lô, nói chuyện với má, bảo lương của anh Châu bèo bọt lắm, hơn hai triệu một tháng. Trời đất, học hết mấy bằng Đại học mà Nhà nước chỉ trả vậy là sao? Không bằng một tối đi bar của tụi em ở Sài Gòn. Nhưng mà anh khỏi nghĩ nhiều cho mệt người. Đã vô Sài Gòn, anh Châu là khách quý, má và em bao hết, ăn chơi thả dàn cho bỏ những ngày vất vả ở ngoài quê. Đa luyên thuyên rồi thở dài: May mà ngày xưa má em vào Sài Gòn rồi ở lại đây luôn, chứ không thì… À, mà sao anh không vào đây xin việc làm? Ở ngoài quê đã nghèo lại buồn dễ sợ. Năm trước em về quê mấy ngày mà đã không chịu thấu, sao người ta sống hoài được ta?

*  *  *

Trung tâm thị trấn ào ạt gió Lào là một ngã ba mù mịt bụi. Từ ngã ba này, con đường 9 ngoằn ngoèo qua những đèo dốc, qua những cánh rừng trơ trụi khô khốc để đến tận nước Lào xa xôi. Cuối tuần, những chuyến xe nhà binh lầm lụi, chở đầy lính tráng tay lăm lăm súng ống từ Khe Sanh, Làng Vây tiến về thị trấn, quần đảo, rú còi ầm ĩ trên các con đường đất đỏ bụi mù. Điểm dừng chân của các chuyến xe là cơ man nhà hàng đang mọc lên như nấm ở thị trấn, với lô nhô áo lính, với bia rượu tràn ngập lênh láng và những cô gái điếm rẻ tiền mắt xanh mỏ đỏ, ưỡn thẹo, ngả ngớn trên tay, trên đùi các “người hùng” từ chiến trận trở về. Nhập vào cánh quân từ Khe Sanh, Làng Vây còn có những binh lính mặt non choẹt, ngơ ngác từ Sài Gòn ra. Thị trấn như một cái túi khổng lồ, chứa đựng sự xô bồ, bon chen, sự gấp gáp hưởng thụ, chơi bời trác táng cho quên hết những ngày tháng ăn bụi ngủ bờ, lăn lộn chốn tên rơi đạn lạc, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

Cũng như mọi lần, về đến Đông Hà, Cảnh tách khỏi đám bạn lính ô hợp, một mình ngồi trong quán nhỏ lợp tôn nằm khuất trong khu vườn khá yên tĩnh, tự gọi cho mình mấy chai bia và một con khô mực. Chủ quán là một thiếu nữ xuân sắc, có vẻ đẹp của các cô gái chân quê, tóc dài chấm gót, đôi mắt đen dịu dàng thăm thẳm, nụ cười tươi như mùa thu tỏa nắng.

Quán nhỏ, khách không đông nên lần này, cô chủ quán ngồi chơi với Cảnh, trò chuyện trên trời dưới biển. Cảnh thấy dễ chịu vô cùng.

Mặc cho tiếng súng ầm ào vẫn còn nổ đâu đó trong thị trấn, nơi đây vẫn thật yên bình. Ngoài cửa sổ, bầu trời thấp, với mây. Xám và trắng. Mây trắng nhiều vô kể, từng cuộn, từng cuộn chồng lên nhau, đan lên nhau. Tuy không nắng nhưng trời vẫn trong, trắng trong và khu vườn thật dịu êm với những vòm lá xanh ngắt, tiếng chim hót mơ hồ. Thú vị nhất là bên cạnh Cảnh còn có một cô gái quê nuột nà, giọng trọ trẹ mộc mạc, khác xa với những cô gái thực dụng đang la đà say với  rượu, bia, á phiện và những nắm đô la nhàu nhĩ ở các nhà hàng ô uế ngoài phố.

- Xin lỗi. Cô chủ quán tên gì?

- Dạ, tên Hạnh.

- Cô ở đây một mình mà không thấy sợ sao? Gần đây nghe nói Đông Hà cướp bóc hoành hành dữ lắm.

- Quán nghèo như ri thì có chi mà sợ mất? Eng cứ lo bò trắng răng.

- Nhưng quán này có một thứ rất quý.

- Là chi, răng em không biết?

- Là cô Hạnh đó.

-  Em không ở một mình, còn có chị gái nữa.  

Có tiếng xe nhà binh phanh gấp đột ngột. Hạnh đứng bật dậy, giọng nhẹ như gió thoảng. Chị em về đó, dạo ni chán lắm, lúc nào cũng say xỉn, có khi còn quậy phá nữa, eng bỏ qua giùm nghe.

Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không… Giọng hát nhừa nhựa cất lên, mùi bia rượu chua loét xộc thẳng vào mũi Cảnh dờn dợn. Một cô gái gần như trần truồng trong miniJuyp ngắn cũn cỡn, tóc tai xoã xượi, nằm oặt oẹo trong tay hai gã lính trận phong trần, chai rượu ngoại trên tay ngoe ngoắt.

- Đ…mạ. Đời buồn dễ sợ. Càng uống càng thấy buồn. Tình là tình nhiều lúc có như không…

Hạnh chạy nhanh ra cửa, đỡ  lấy chị gái từ tay hai người lính, vất vả lắm mới dìu được vào buồng. Có tiếng chai thuỷ tinh vỡ loảng xoảng và tiếng chửi  rủa ầm ĩ từ trong nhà vọng ra:

- Đ…mạ, đã nói là dẹp hết quán xá đi mà không chịu nghe. Có ngu thì cũng ngu vừa phải thôi. Thời buổi ni mà còn quẩn quanh ở xó xỉnh nhà quê để kiếm mấy đồng bạc cắc.  Mi đẹp như rứa mà không biết cách tận dụng kiếm tiền. Đức hạnh, phẩm tiết là cái chó chi, có đô la là có tất cả, ha ha ha…

Cảnh thấy nôn nao trong người. Một cảm giác ứa nghẹn dâng lên cổ. Chao ôi, thì ra thị trấn ni không còn lấy một nơi chốn yên bình. Chiến tranh và lối sống Mỹ cũng đã đến tận đây rồi.

*  *  *

Đã quá lâu, Cảnh mới về lại Đông Hà. Cuộc chiến đang ở thời điểm khốc liệt và máu lửa. Lính Cộng hoà thảm bại ở cả mấy vùng chiến thuật. Đây là lúc những binh sỹ như Cảnh phải tập trung tinh thần cao độ nhất để sẵn sàng đối mặt với binh lực của cộng sản sức mạnh như chẻ tre, nhưng không hiểu tại sao Cảnh lại thấy mỏi mệt, rã rời đến tột độ. Sau chầu nhậu sương sương, Cảnh lang thang một mình về khu trung tâm khi trời đã chớm khuya. Đông Hà vắng hiu hắt, sự phồn hoa, nhộn nhịp của thị trấn dường như chỉ còn rơi rớt lại ở mấy nhà hàng, snachbar ô uế và ngập ngụa nhục cảm. Cảnh ngao ngán muốn quay gót nhưng bàn chân vô định đã đưa Cảnh đến trước quán của Hạnh từ lúc nào.

Tất cả im ắng như tờ, quán đóng cửa, không tiếp khách. Ngôi nhà nhỏ bé chìm nghỉm vào bóng tối.  Đã quá nửa đêm, gió vần vũ phành phạch ngoài khu vườn lạnh lẽo. Con mèo hoang trườn qua cửa sổ rít lên, ném tiếng rú nẫu ruột vào màn đen đặc quánh. Tiếng côn trùng rả rích, tiếng ếch nhái ốp oạp từ những ao chuôm sau nhà khiến không khí thêm ảm đạm. Có ánh đèn le lói phát ra từ bên trong nhà, chắc là chủ nhà không đi vắng, Cảnh tự nhủ rồi đẩy nhẹ liếp cửa.

- Ai đó, đến đây có chuyện chi? Có tiếng người và tiếng dép lê loẹt quẹt. Một bóng đen tiến đến gần Cảnh. 

Trời ơi, có phải Hạnh đó không? Đứng trước Cảnh bây giờ không phải là cô chủ quán trẻ trung, nuột nà mà là một người đàn bà xơ xác, mắt trũng sâu với ánh mắt nhìn thất thần, hoang hoải, đôi môi tím tái nhợt nhạt.

- Trời đất quỷ thần ơi, cô bị bệnh gì mà lại ra nông nổi này?

Hạnh liêu xiêu tiến đến gần Cảnh, nhìn trân trối vào bộ đồ nhà binh của Cảnh,  ánh mắt bất ngờ hằn lên những tia dữ dội.

- Ai cho phép mày đến đây?

-  Hạnh, anh là Cảnh, là Cảnh mà, em không nhận ra hay sao?

- Cảnh, Cảnh nào…Cút, cút ngay! Bọn bây cũng chỉ một duộc như nhau thôi.

Cảnh lúng túng lùi lại về phía sau nhưng không kịp. Hạnh đã nhảy bổ vào Cảnh như một mũi tên bắn, bàn tay xanh xao cào cấu lên mặt, lên cổ Cảnh tứa máu. Rồi đột ngột, Hạnh buông Cảnh chạy vào nhà trong. Chưa kịp hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra thì Hạnh đã xuất hiện trở lại, trên tay là con dao nhọn hoắt, sáng loáng.

- Cút, cút ngay, nếu như không muốn tao đâm chết.  Đồ chó, đồ chó điên dâm đãng.  Trời đất ơi, tụi bây là bầy chó điên dâm đãng…

Cảnh không còn dám tin vào mắt mình, rú lên thất thanh rồi chạy ào ra cửa, bỏ lại đằng sau tiếng la hét, tiếng tru tréo của Hạnh và bóng đen mờ mịt suốt cả con đường dẫn vào phố thị.

*  *  *

Đa bảo, nhìn cơ ngơi của gia đình Đa, ai cũng nghĩ Đa sướng lắm nhưng nếu so với mấy nhỏ bạn thì thật ra Đa cũng chẳng là gì ghê gớm.  Đa có nhỏ bạn giàu ngộp thở luôn, bỏ hàng chục tỷ chỉ để chơi chứng khoán, là chủ của biệt thự triệu đô ngay giữa Sài Gòn, người thân đều định cư ở Mỹ.  Dân Tỉnh lẻ vô Sài Gòn thấy ngợp mắt vì phồn hoa, đô hội nhưng Đa ngán rồi. Thành phố gì đâu mà hết kẹt xe lại tắc đường, ồn ào như chợ vỡ. Hè năm trước,  sang Mỹ du lịch, em mê liền à. Ở đâu cũng tràn ngập màu xanh của cỏ cây, thành phố thì tân kỳ, sạch sẽ và đẹp mê hồn. 

- Nhưng  đi xa Đa không nhớ  Sài Gòn hay sao?

 

 

- Nhớ chớ, nhưng thấy Mỹ đẹp và lạ thì mê, không như má, lý luận thiệt vô lý. Má bảo Hoa Kỳ giàu, sang nhưng cũng chỉ là đất khách quê người, thích thì có thích nhưng làm sao yêu thương, máu thịt như yêu Sài Gòn được. Không sôi động, ồn ào thì đâu còn là Sài Gòn… Em thấy kỳ quá, sướng không ưa, lại ưa khổ. Anh Châu cũng vậy. Má em bảo, nếu anh chịu vô Sài Gòn, má sẽ xin việc cho, má sẽ cho luôn căn hộ chung cư cũ ở Bình Thạnh, vậy mà  không chịu, cứ ở lì mãi ở cái  xứ buồn hiu buồn hắt, chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn hán, là sao?  Dì Hạnh cũng vậy, lần nào má  gửi tiền về quê cũng nhất quyết không chịu nhận, rồi gửi trả lại qua đường Bưu điện, làm má  khóc cạn hết nước mắt.

- Con về quê gấp, mạ bị bệnh nặng…sợ không qua khỏi…  Tôi  rùng mình, hai tay ôm lấy ngực khi nghe tiếng ba gấp gáp, run rẫy qua điện thoại.

- Con, con ơi, mạ của con…mạ của con mần răng? Dì Thắm nhìn tôi, ánh mắt thất thần, mặt xanh lét cắt không ra giọt máu.

- Đa, con Đa mô, thu xếp nhanh để về quê ngay, giọng Dì Thắm thoảng thốt.

- Con không về được, con còn bận việc ở công ty.

- Bận cũng phải về… về ngay. Dì Thắm gằn từng tiếng.

- Thì má cứ về trước đi. Má còn có anh Châu bên cạnh mà.

- Đồ mất dạy, đồ vô ơn, mày có biết nhờ ai mà mày được sống trên trần gian này không? Dì Thắm hét lạc cả giọng.

Đa tròn mắt nhìn má, cuống quýt vơ vội mấy thứ hành lý ra sân bay. Máy bay vừa đáp xuống sân bay Phú Bài, Dì Thắm đã chạy như ma đuổi, ra cổng vẫy tắc xi về làng. Làng đã hiện ra trước mặt, xác xơ sau cơn lũ dữ. Nước chưa kịp rút, tất cả lênh láng, trắng xoá, mênh mông. Tiếng trống, tiếng đàn nhị ai oán cất lên  từ  luỹ tre xa xa khiến toàn thân tôi nóng  hầm hập như lên cơn sốt.

- Mạ, mạ bị lũ cuốn… con ơi. Ba ôm chầm lấy tôi, đấm vào lưng tôi, khóc bần bật như một đứa trẻ.

- Dượng Cảnh, Dượng Cảnh, em tui, em tui bị mần răng? Dì Thắm rẽ đám đông, hoảng hốt lao vào, chồm lên quan tài mạ tôi, vật vã, quằn quại.

HOÀNG HIẾU NGHĨA

 

- Dì ơi, răng dì nỡ bỏ chị mà đi. Nợ dì chị chưa trả hết. Đa ơi…con vô đây, vô đây  lạy mạ con đi con…

Vĩ thanh:

Thị trấn bụi mù ở ngã ba sông ngày xưa nay đã trở thành thành phố. Những mái tôn lúp xúp đã được thay thế bằng những toà nhà cao tầng bề thế. Những con đường nhỏ đã được thay bằng các đại lộ rộng dài. Con người cũng vậy, những chàng trai, cô gái ngày xưa nay tóc đã bắt đầu nhuộm bạc. Vật đổi sao dời, mỗi người tứ tán một phương. Người ở Đông Hà, người về quê, người lưu lạc nơi đất khách quê người. Thế hệ trẻ như tôi và Đa cũng đã trưởng thành và lớn lên…

Thành phố thật bình yên, Sông Hiếu trong xanh uốn lượn chảy qua những rặng cây mướt mát yên bình, yên bình như nơi đây chưa từng trải qua chiến tranh tàn khốc, dù chỉ là một ngày. Chỉ những người con của thành phố thì khác. Trong sâu thẳm trái tim mình, họ  vẫn lưu giữ mãi trong ký ức những kỷ niệm của một thời chưa xa.

Bên linh cửu mạ, Đa ôm chầm tôi, đôi vai gầy guộc rung theo từng tiếng nấc.  Lần đầu tiên được biết mạ ruột của mình là ai, trớ trêu thay, đó cũng chính là lúc Đa phải xa rời vĩnh viễn mạ thân yêu của mình. Ba mươi mấy năm trước, mạ đã dứt ruột trao lại đứa con gái máu thịt của mình cho chị gái, để chị còn có chút niềm vui sống tiếp trên cuộc đời đen bạc, sau khi chị bị lũ quỷ dữ cưỡng hiếp tập thể đến chết ngất và mất hẳn khả năng làm mẹ. Suốt ba mươi mấy năm, mạ dấu tôi, dấu nhiều người sự thật về Đa, tất cả chỉ mong người chị thân yêu của mình được sống trọn vẹn không mặc cảm với chính đứa con nuôi của mình…

Một triết gia nào đó đã nói rằng: Cuộc sống được tạo nên từ vô vàn thứ hàn gắn lại với nhau. Sự thật là cuộc sống rất thơm ngon, kinh khủng, quyến rũ, đáng sợ, ngọt ngào, cay đắng và đó là tất cả…

Đa, Đa ơi, anh thương em biết nhường nào, trái tim anh như tứa máu khi nhìn em vật vã bên linh cửu mạ.  Nhưng cuộc đời là vậy đó, em à. Dẫu đớn đau nhưng  hãy ráng lên, mạnh mẽ lên để sống tốt em nhé.  Hãy sống trọn vẹn và xứng đáng với mạ. Và dẫu  em có trách mạ đi chăng nữa thì anh cũng chỉ mong em nhớ một điều, đó là  dù ở  bất cứ hoàn cảnh nào, lòng của mạ vẫn thật bình yên, đó chính là nơi chốn ấm áp cho mỗi chúng ta tìm về sau những bão giông cuộc đời…

 

                                                                                      P.M.Q

Phạm Minh Quốc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 196 tháng 01/2011

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

23 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground