Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thương xót tháng ngày

 

C

hị tên Tình. Nhưng người gọi là cái Tình. Có người gọi là ả Tình. Lại có người gọi là con đĩ Tình. Danh hiệu con đĩ Tình xuất hiện loáng thoáng, lúc này lúc khác, từ cửa miệng mấy trai làng hy vọng và lẳng lơ đã không được chị Tình đáp lại. Quái lạ cho đám thanh niên khát vọng thì sâu thẳm mà trí óc lại nông choèn. Thấy người con gái đẹp nhìn cứ tưởng đã phải lòng ta mất rồi. Thấy em nói cười ngon ngọt cứ tưởng xồ tới là vồ cuỗm được ngay. Để rồi chưng hửng! Để rồi nao lòng! Để rồi đau đớn! Chị Tình càng xinh đẹp bao nhiêu thì càng nhiều chàng trai đau đớn bấy nhiêu. Đằng này chị đã đẹp lại còn cởi mở, dễ gần, tươi tắn. Trách gì chả có những gã trai lăn đùng ra mà rẫy đành đạch, không chết hẳn thì chửi đổng, nguyền rủa, gọi người ta là đĩ mặc dù chị Tình chưa hề như vậy với ai.

Nhưng đến khi chính bố đẻ gọi chị là đồ đĩ thì mấy trai làng xấu bụng hả hê lắm. Còn ai trách mình đơm điều dựng chuyện nữa. Chính là người đẻ ra ả đang nguyền rủa kia.

- Đồ con đĩ - ông già gầm lên - Mày không nghe tao thì cút. Cút ngay! Cổng ngõ nhà tao thông thoáng sạch sẽ thế kia không một đứa nào được phép mang cứt trâu về rắc trên đường đi lối lại nghe chưa - Rồi ông túm lấy tóc con gái giật giật và quát - Cút!

Chị Tình khóc. Chị nhìn ra ngoài ngõ. Cũng chẳng lấy gì làm thông thoáng lắm. Một bên là hàng dâm bụt trổ hoa đỏ rực và một bên là rặng xương rồng khắc khổ vươn cao. Mà sao gọi là hoa dâm bụt? Đã bụt lại còn dâm! Đường đất, lát những viên gạch ngắt quãng làm chỗ đặt bàn chân mỗi khi trời mưa. Mấy gã trai làng thập thò. Chị Tình hiểu ngay họ đã theo dõi câu chuyện giữa bố con chị từ nãy. Thế này thì bực lắm. Thế này thì nhục lắm. Bố ơi! Sao bố lại đẩy con vào cảnh khổ nhục thế này? Chị giận bố. Giận lắm! Bèn đứng phắt dậy, bước ra cổng, mặt ngẩng cao thách thức đám trai làng mà không thiếu những gã trong số đó chiều hôm đó còn nuốt nước bọt nhìn theo chị mất hút trong đoàn rước dâu về nhà chồng.

Chiều hôm qua chị mới về nhà người đàn ông mà lệ thường người ta gọi là chồng. Anh ta người làng Thị. Hợm của. Nhờ bà mối tới với lễ hỏi hậu hĩnh, rồi trình các cụ với lời hứa hai ngàn gạch chỉ lát đường, hai mâm trầu cau nải quả cùng mâm xôi và thủ lợn. Thế là làng tê mê. Bố chị tê mê. Anh ta ngạo nghễ nhìn chị như nhìn món hàng người ta vẫn bán ở chợ Thông, chợ Bóng, chợ Rồng, và hát ghẹo đưa tình: Hỡi cô thắt dải lưng xanh, mau về làng Thị với anh đi nào. Chị chết cứng và lạnh ngắt bị đẩy theo đoàn rước dâu.

Làng Thị kia rồi. Ôi cái làng Thị sao lại hiện ra trong xót thương đau đớn. Không phải là làng Thị có cây đa Cổng Hột lực lưỡng và đống Cổng Hột chiều chiều vang tiếng sáo diều. Không phải là làng Thị nhỏ xinh có đình làng Thần Hoàng linh thiêng nhất vùng. Càng không phải làng Thị có những nổ tát đứng tới bốn gầu dài, nghĩa là tám người mỗi mùa vui đổ ải. Người ta không đếm một, hai, ba, mà hát: Cô đi đâu đấy? Tôi đi lấy chồng. Chồng không lấy. Lại trở ra về. Không hoàn không. Không hoàn không. Mỗi đợt hát như thế là mấy mươi gầu nước. Không phải làng Thị có những cuộc hát đúm thâu đêm mà chính chị nhiều lần sang dự.

Làng Thị hôm nay với riêng chị là một tai ương. Người ta đốt vía cho chị. Người ta bắt chị bước qua lửa trừ tà vào buồng trong. Và sấm sét đã nổ. Khi gã trai say tình hợm của nhếch mép để lộ một dãy răng vàng và phũ phàng đặt bàn tay lên ngực chị thì chị không còn mảy may ý nghĩ nào khác ngoài sự tởm lợm. Chị chống lại. Như bão cuốn. Như trời sập. Gã trai thô bạo bóp vào vú chị liền bị cái tát trời giáng. Sức bật mạnh hơn sức đẩy. Như có ma quỷ hiện về xui khiến và phò trợ chị dáng trả tới cùng cơn cuồng phong tình dục. Mờ sáng chị ôm quần áo phóng vội về nhà bố đẻ để mọi việc xảy ra như ta đã biết.

Đám trai làng tản ra, làm như vô tình tạt qua đây và nhìn thấy chị. Chị đưa mắt nhìn khinh thị. Bọn này nhãi nhép! - Chị nghĩ vậy và bắt đầu chửi. Chị cứ vừa đi vừa chửi dọc theo đường chính của làng.

Quạ đùng! - Tiếng chị cất lên như thế - Mày tham ăn đỗ. Tao nhổ lông mày. Tao xâu lông cánh. Tao vác đòn gánh tao đánh bố đánh mẹ mày, quạ đùng!

Ấy vậy. Làng đổ ra xem. Nhưng chị cứ đi. Tới một nhà ở cuối thôn thì dừng lại. Người đàn bà chừng ngoài ba mươi, thít khăn mỏ quạ lao từ trong nhà ra. Tưởng hai con người này chồm lấy nhau cuồng phong cho hả nhưng mà không. Chị Tình đến đúng lối rẽ vào cái cổng có rào tre thì dừng lại. Còn người đàn bà mỏ quạ sau khi kéo cánh cổng tre cũng chỉ đứng ở phía trong mà chõ mõ ra.

- Đồ đĩ

- Đồ quạ đùng.

- Mày định lộn chồng đấy à?

- Nhà chị làm mối thế ả?

- Mày chỉ quen rạng háng với dân đóng khố đánh dậm.

- Đồ quạ đùng! Nhà chị chừa cái thói trạch đẻ ngọn đa, gỗ lim thái ghém, bìm bìm làm rậu đi nhé! .

Chẳng hiểu chị Tình có nhảy qua cái cổng rào tre kia không nếu ông bố không xuất hiện. Ông xăm xăm lôi chị Tình về. Lúc nãy ông mới đuổi chị đi cho khỏi bẩn cổng ngõ nhà mình thì giờ đây ông trói chị lại để giữ chặt con sau cái ngõ đó.

Chuyện về chị Tình, ả Tình, cô Tình, con đĩ Tình còn xôn xao làng xóm đến khi lính Pháp âm ầm kéo về xây đồn đóng bốt. Đầu tiên là một đoàn năm chiếc xe cam nhông và một xe dép. Người làm đồng bị đồn về. Chẳng cứ gì trai tráng mà cả đàn ông, đàn bà trẻ con choai choai, tất tật đều bắt phải đi phu, chặt tre, chở gạch, trộn vữa, đắp đường... Một công trường lớn thực sự đang thu hút toàn bộ tâm hồn trí lực của làng. Những gã trai chẳng còn thì giờ tâm lực đâu mà nhòm ngó tán tỉnh các cô gái. Còn cánh con gái, nhất là con gái mới lớn, chẳng thèm đỏm dáng soi gương mà mặc vá víu, đôi khi bôi bẩn lên mặt cho xấu đi, đen đủi đi, kẻo dễ bị bọn lính ngụy và lính Tây chòng ghẹo.

Làng đẹp! Lũy tre vây tròn, một bên ra khỏi làng là đường Ô tô chạy lên phố huyện và lên tỉnh, phía sau từ chân tre tít ra là bãi ngô xanh rờn dọc mãi theo bờ sông Thái Bình. Chiều về, đi trên cánh đồng ngô, bàn chân mát rượi, gió thổi nồng nàn, lá ngô đôi khi phởn tình xao xác làm cho Người trên bãi nấn ná và con thuyền trôi trên sông cũng muốn cập bến cập bờ. Chị Tình đã bao lần thổn thức trên cánh đồng ngô mỗi buổi chiều về. Chị chờ đợi ai? Chẳng biết! Chị muốn nói với ai? Chẳng biết! Chị bâng khuâng ngước nhìn đàn ngỗng trời phóng khoáng bay qua rồi sau đó là đàn vịt le lượn tròn trên sóng. Chúng sung sướng hơn con người! Chúng không biết đau đớn như con người! - Chị nghĩ vậy. Bởi vì trên cánh đồng ngô, đẵm mình dưới ráng chiều óng vàng như mật, chị chỉ đợi hoài hình bóng thiết tha mơ màng dán vào tấm phông trời !

Anh nghèo quá! Tứ cố vô thân? Một chiếc thuyền câu nho nhỏ và mấy chiếc cần câu. Có khi là chiếc dậm hoặc cái nơm, cái đó. Anh đóng khố quanh năm, cho nên những lần tỏ tình vụng trộm thì một người ngồi trên bờ, một người ngâm mình dưới nước. Cũng có khi chị xắn quần lội xuống và anh táo tợn bế bổng chị lên. Sau đó cả hai run bần bật. Chết mất anh ơi! - Giọng chị gấp gáp - Ném em lên bờ đi. Có người!

Một lần họ liều mạng ở lại bên sông cho tới lúc trăng mọc. Chị Hằng đến lạ, cứ như từ dưới nước chui lên, mà lại cười, mà lại truyền tiếng reo vui nhẹ vờn trên mặt sóng. Chàng trai đánh dậm, nhìn mặt chị Hằng, rồi nhìn mặt người yêu, thấy chẳng có gì khác nhau, có điều chị Hằng ở xa quá, lại đang lên cao, chẳng cách gì với tới được, còn người yêu thì ngay đây, lại đang cúi xuống như vẫy gọi, liền phốc lên bờ, ôm ghì lấy em, ghì thật chặt làm cho người yêu sung sướng đến chết nghẹn. Rồi anh cuống cuồng liều mạng bóc yếm em ra. Tức thì người con gái chợt tỉnh trở về thực tại . Để giành! Anh ơi! Đừng! Hãy để giành! Của anh cả mà! Chị kêu khe khẽ và kiên quyết bật dậy khi phát hiện một bóng người từ cổng làng phía sau đi tới. Xuống đi! Xuống sông đi! - Chị ấn anh ngã. Lúc này dòng máu cuồng phong trong người chàng đánh dậm mới tan loãng. Anh cũng nhận ra bóng người đang đến và đoán biết là ai. Phúc cho anh có đám bèo trôi tới và anh ngụp một hơi đã chìm dưới đám bèo đó, nghếch mũi lên thở thả mình trôi theo dòng nước.

Trên bờ, ông bố túm lấy con gái, truy hỏi:

- Thằng nào vừa ở đây! Nó cút vào bãi ngô hay lặn xuống nước?

Chị Tình không hề chối cãi:

- Lặn xuống nước!

- Đứa nào?

- Thì bố biết đứa nào rồi!

- À! Mày đú đởn với phường khô rách áo ôm ấy à? Mày bôi gio trát trấu lên mặt bố mày thế à? Đồ dĩ! Về!

- Vâng. Con về!

- Về ngay!

- Thì con đang về ngay đấy thôi.

Để cô con gái đi trước. Ông đi sau. Như canh chừng, cấm cho liếc ngang liếc dọc và cấm có được nhảy xuống sông. Cái thằng khố rách áo ôm ấy - Ông nói với con như vậy - Chỉ một nhát đòn gánh đập với theo là nó chết liền. Nhưng tao tha mạng cho nó, tao cho nó được sống. Cái đồ tứ cố vô thân ấy thì sống cũng như chết con ạ!

Đoạn nhìn quanh rõ ràng không thấy ai theo dõi ông thấp giọng như dỗ dành con gái:

- Mày đã bị nó làm gì chưa? Hả? Con ơi, mày đã bị nó làm gì chưa?

Ông hỏi ba lần chị Tình hơi xẵng:

- Bố nói cái gì?

- Là nói mày đã bị nó làm gì chưa? - Liệu có ễnh bụng ra không con ơi!

Chị Tình nghẹn tức. Chị không trả lời. Cũng chẳng ai nói câu nào nữa. Đêm đó hai cha con không ngủ. ông uống rượu tới sáng. Chị Tình cứ chợp mắt lại mê sảng. Lúc chị thấy bãi ngô hiện ra xanh rờn, mát rượi, chạy tít chân trời. Lúc chị thấy con sông Thái Bình cùng với ánh trăng vàng thắm. Mà sao mênh mông làm vậy. Tít tắp không bến không bờ. Lúc chị thấy ai đó, không phải là anh, ôm ghì lấy mình, xiết chặt đến nghẹt thở làm chị phải kêu lên. Lúc chị thấy mình đang chìm xuống cùng với một người con trai. Người đó là anh. Liếc mắt đưa tình từ những ngày đào hào đắp ụ khi cả nước theo lời kêu gọi của Cụ Hồ toàn dân kháng chiến. Chị đã hát tặng anh: Ai đi qua dốc Đò Neo. Có trông thấy chiếc cổng chào đó không. Chứ đã luyện tập lập công. Dành riêng để đón anh hùng dân quân. Hôm sau, ông bố đi tìm bà mối và cái sự chị về nhà chồng diễn ra hết sức chóng vánh.

Anh chàng tứ cố vô thân ra đi từ đêm hôm đó. Chẳng hiểu vì xấu hổ, vì sợ phạt vạ hay vì kiếm sống. Cái lều vịt của anh bị quân viễn chinh Pháp thổi bao xây bốt. Từ bữa ấy nương ngô bên sông Thái Bình cũng chẳng còn đẹp, lặn mặt trời, tiếng mõ thu không nổi lên là không một ai được ở ngoài đồng. Những đêm trăng rười rượi, trèo lên đống rơm đống rạ nhìn ra, tường rào lô cốt che khuất mặt sông thái Bình lấp lánh và dây thép gai ngang ngược xỉa xói bầu trời. Chị Hằng ứa máu. Cuộc sống của làng chìm đi, khoanh lại, phấp phỏng, đợi chờ.

Người ta nói đồn trưởng mới về là một viên quan hai người đảo Coóc. Chẳng ai biết đảo Coóc ở đâu, mà tất tần tật bọn họ, Tây đen, Tây trắng, Tây Ma rốc, Tây vấn thừng, Tây rạch mặt, Tây Giéc manh, Tây Ý đại lợi, Tây Anh cát lợi…đều là Tây hết. Còn bọn Việt gian, lính ngụy lăng xăng là đồ phản dân hại nước.

Lý trưởng báo tin: Tất cả dân làng sáng nay ra bãi ngô nghe ông quan hai đồn trưởng hiểu dụ. Là các gì nhỉ? - Chị Tình thắc mắc. Tức là ông ta nói cho mình nghe chứ gì. Ông ta nói thế nào? ông nói tiếng Tây hay tiếng ta? Ông ta có mang theo súng tôm-xông và ra lệnh bắn vào dân làng không nhỉ? Đến giờ, làng đông kịt. Bởi không ai dám chống lệnh. Bọn lính ngụy tay sai từ mờ đất đã xục khắp các nhà thúc giục. Chúng còn khoe khoang tán tụng ông quan hai này nghe đâu là một luật sư. Luật sư là gì chị Tình cũng chẳng hiểu nhưng việc ra tập trung là không ai dám cưỡng.

Bãi ngô rộng sau làng vừa bẻ hết bắp. Cây chưa kịp đem về làm đồ đun hay cho trâu bò ăn liền bị dẫm đạp gẫy gập. Có đến nghìn người chen chúc bên nhau. Mặt trời đỏ ối nhô lên bên kia sông Thái Bình làm cho những bông hoa ngô đực, đã tàn héo, xám lại, bắn mảnh ra chung quanh như vấy máu. Lũy tre làng mình vặn kẽo kẹt bên cái lô cốt nghênh ngang cắt chéo lưng trời. Mấy đứa trẻ khóc thét lên vì bị đánh thức dậy quá sớm. Một con chó chẳng hiểu vui thú nỗi gì cứ vểnh tai nghe ngóng, lại còn cúng quắng cái đuôi như trêu tức thằng lính ngụy vừa đi tới, liền bị cú đá móc sườn, vừa chạy vừa ăng ẳng dấm dứt mãi trên cánh đồng ngô.

Viên quan hai, cùng viên Ách-di-đằng người Việt và viên đội thông ngôn đi tới. Dân làng đứng im. Nhìn chằm chằm. Viên quan hai chậm bước. Dường như hơi chùn. Những khuôn mặt kia rõ ràng không có thiện cảm. Anh ta nhìn lướt. Cái nhìn ấy chợt dừng lại nơi đôi mắt sống động của một người con gái - chị Tình! Chị chẳng ra buồn. Chẳng ra vui. Chẳng ra lo nghĩ và dằn vặt điều gì. Từ hôm Pháp về đóng đồn chị đỡ phải nghe một số dân làng chửi bới và đám trai làng trêu chọc. Chị nhớ người trai tứ cố vô thân - Anh Ngừng! Nhớ nhất là đôi cánh tay lực lưỡng của anh ghì chị vào lòng. Đàn ông thế mới đáng mặt. Nhưng anh biến đâu? Có người bảo anh chết đuối. Có người bảo anh bị bắt. Lại có người bảo anh vào lính ngụy. Chị không tin những điều đó. Nhảm nhí hết. Nhưng chị không thể nào phỏng đoán được là anh đi đâu.

Chị đang suy nghĩ miên man thì viên quan hai đến gần, khẽ nghiêng mình, cử chỉ nhún nhường làm cho toàn thể dân làng ngạc nhiên còn viên Ách- di-đằng và viên đội đi bên thì mỉm cười. Viên quan hai nói và thông ngôn chuyển sang tiếng Việt:

- Thưa cô, tôi có thể biết được tên cô là gì không ạ?

Tiếng trả lời bắn ra như phát đạn đơn độc cướp cò:

- Tình!

Dân làng kinh ngạc. Sao con bé không sợ nhỉ? Mọi người nín thở mà nó lại có thể nhơn nhơn. Thôi đúng rồi! Nó cậy có sắc đẹp. Mà sắc đẹp thì đến vua còn phải cúi mình kể chi tới bất cứ gã dê đực nào. Viên quan hai này là một con dê. Một con dê đang gạ gẫm một con đĩ. Ôi chao? Con gà trống nào khi muốn gọi gà mái tới chả nhặt hòn sỏi lên rồi lại thả xuống, cánh xập xòe, mào ngất nghểu, mỏ vừa chờn vờn với viên sỏi vừa bật ra những tiếng reo dối trá: Thóc thật! Thóc thật! Thóc thật!.. Chị mái chạy đến, chà chà, chẳng có thóc mà chỉ là hòn sỏi. Nhưng chị ta đến cũng chẳng hoàn toàn vì hòn sỏi, thế cho nên khi gã gà trống xòe cánh, đạp chân, chuẩn bị tư thế thì chị ta quên cả miếng ăn mà ngoan ngoãn nằm xuống.

Đồ con đĩ Tình! Đồ con ả Tình! - Dân làng rủa vậy và nghĩ - Nó cũng sắp sửa ngoan ngoãn nằm xuống như ả gà mái đây. Nhưng viên quan hai không làm động tác xòe cánh, đạp chân như gã gà trống lấy thế, hắn thấp giọng có vẻ tư lự:

- Dân làng không thích người Pháp chúng tôi phải không? Cả Tình cũng không thích Người Pháp chúng tôi phải không? Chúng tôi không chiến đấu với người Việt Nam mà chỉ muốn đè bẹp lực lượng kháng chiến.

Rồi trở về trước đám đông viên quan hai cao giọng:

- Người Pháp muốn lập lại trật tự. Bà con đừng nghe bất cứ ai ngoài chính quyền do Người Pháp lập ra. Không liên lạc với kháng chiến. Không tiếp tế cho kháng chiến. Không đào hầm bí mật nuôi dấu cán bộ. Không vào du kích. Không đi dân công. Không mang trong mình truyền đơn kháng chiến.

Viên quan hai nói xong đến lượt viên Ách-di-đằng. Tất nhiên không còn thông ngôn. Viên này lấc cấc dọa nạt bà con, chửi bới mọi người ngu si không biết tới công ơn người Pháp khai hóa, trợn mắt cảnh cáo những ai cả gan chống lại nhà nước Đại Pháp.

Trò hề chấm dứt. Bà con ra về. Nhưng có một người cứ men men đi theo bờ sông . Chị Tình! Đôi mắt chị xám lại. Đôi con ngươi tròn xoe, lửng lơ. Đôi má chín rụng vì các đường máu nhỏ li ti xao xuyến, bồi hồi. Cái trán bắt nắng lấp lánh như vầng trăng đầu tháng. Những cây ngô bị bẻ bắp tàn úa, lá khô quẫy mạnh trước gió như mớ tóc rối bời. Chị dừng lại khá lâu ở nơi buổi tối hôm nào, sông đẵm ánh trăng, bãi ngô đẵm ánh trăng, gió thổi từng đợt, mọi thứ lại quẫy lên như là cả bãi, cả nước, cả trăng đang đua nhau làm tình với gió. Lúc ấy anh đã trườn xuống rất nhanh, như con dái cá lặn ngụp. Dù vậy bố chị vẫn phát hiện ra. Có điều không muốn nói. Kế hoạch gả bán con gái nẩy sinh quyết liệt trong đầu ông. Thời ông cha mẹ đặt đâu ngồi đấy. Ông không biết đến tình yêu nên không nghĩ trên đời lại có tình yêu.

Đường về qua cổng bốt. Viên đội thông ngôn đứng đó. Nó tới trước mặt chị Tình, dang hai tay ra chặn lối, mắt hấp háy, miệng láu táu báo tin:

- Cô em! Xin hãy dừng lại. Tôi xin phép được truyền đạt niềm vui. Ông quan hai mời cô. Ông muốn gặp!

Giọng trả lời hơi xẵng!.

- Tôi không coi đó niềm vui thì sao? Ông quan hai muốn gặp nhưng tôi không muốn thì sao?

Viên thông ngôn tưng hửng. Nhưng rồi hắn chau mày. Dường như hắn chưa gặp cảnh ngộ thế này bao giờ. Hắn làm bộ chuế chóa:

- Cô là con người kỳ lạ. Tôi chưa thấy một ai từ chối lời mời của ông hai

- Tôi

- Vâng! Đúng. Cô là người đầu tiên. Nhưng mà không ổn.

- Thì đã sao nào?

Viên quan hai xuất hiện. Hắn hiểu đầu đuôi câu chuyện mặc dầu nghe tiếng Việt hết sức lõm bõm. Chẳng cười lấy lòng. Chẳng làm điệu bộ lịch sự. Chẳng bước tới chút nữa cho có thiện cảm. Hắn chậm rãi nói đến nỗi nghe cứ hơi buồn buồn:

- Để cô Tình về. Cô về đi! Nhưng lời mời của tôi còn đó. Cô có thể tới gặp tôi bất cứ lúc nào.

Chuyện vậy! Nhưng cả làng đồn lên như sóng. Con đĩ Tình vào trong đồn ngủ chán chê với viên quan hai rồi mới về nhà. Nó lên chức bà rồi. Cả làng không được hỗn. Ngày xưa những cô gái đẹp có khi một phút còn trở thành hoàng hậu làm cha mẹ bàn dân thiên hạ kia. Ông bố thì chẳng biết nên thế nào cho phải nữa. Chẳng biết nên vui hay nên buồn. Ông đã gả bán nó về làng Thị để rồi chuốc lấy bao điều phiền toái. Ông đã đuổi nó khỏi nhà. Ông đã nguyền rủa và tuyên bố từ bỏ nó. Giờ đây nó ngủ với ai, nó đánh đĩ với thằng nào, nó lang chạ với bất cứ đám khốn kiếp nào đều là quyền của nó. Ông ngăn không được. Ông vun vào không xong. Ông im lặng. Mặc kệ cho dân làng điều ong tiếng ve là hay hơn cả. Còn cái thằng Ngưng khố rách áo ôm chắc chắn chết đuối trên sông Thái Bình rồi!

Ông già ân hận! Một mạng người đâu phải chuyện đùa. Rồi ông tự an ủi mình: Ta có đẩy nó xuống sông đâu nhỉ? Cầu trời khấn phật, ta cũng không xúi bẩy nó làm điều đó nữa kia. Tự nó. Vậy nó phải chịu. Âu cũng là mệnh trời.

Rồi làng đồn ầm lên rằng nghe đâu thằng Ngưng vào lính bảo chính đoàn đóng ở gần Phú Lương, lại có tin nói nó vào lính Bemi đang càn quét bên Gia Lộc. Cuối cùng một người làng hẳn hoi, đi tỉnh về, nói rằng đích thị đã gặp nó. Nó làm ở sở nhà đèn. Thế thì cũng phúc cho nó! Gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Chắc chắn cuộc đời nó sáng ra. Cầu trời khấn phật cho được như thế! Năm tháng trôi nhanh. Xóm thôn biến động. Lính Tây đen, Ma rốc, ùn ùn về rồi lại đi, càn quét nơi này nơi khác. Bom đạn vang trời. Lửa cháy ngùn ngụt. Vùng do chính quyền thân Pháp cai quản thu hẹp. Vùng tự do kháng chiến mở ra. Khắp Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang làm hầm chông hố chông rào làng đánh du kích, lính tây lính ngụy đi càn thằng toi mạng, thằng thoát chết mặt xanh nanh vàng. Rồi bộ đội chủ lực, đàn con cháu Cụ Hồ từ Việt Bắc kéo về, san phẳng đồn Phương Điếm, quét sạch bốt Cờ, nhổ phăng bốt Triệu...

Một buổi tối khuya Ngưng về làng. Anh về bằng phương tiện gì không ai biết. Anh tới tận nhà bố con chị Tình thế nào chẳng ai hay. Chỉ biết lúc ấy đã khuya, ông bố nhìn qua cái cửa liếp chống cao ra ngoài vườn thưởng thức ánh trăng không sao ngủ được. Lát lát lại một phát súng thay gác tắc bọp nổi lên làm ông giật mình. Một bóng đen loáng qua dưới thân những cây chuối xám mình. Rồi im lặng. Cuối cùng tiếng gọi ngay bên cửa sổ phía sau lưng ông:

- Bác ơi!

Ông quay mình và nín thở.

- Bác ơi?

Ông rít giọng:

- Người hay ma đó?

Tiếng gọi hồi hộp:

- Con đây, bác ơi.

- Hả?

- Bác khẽ chứ.

- Lính trên đồn đóng giả hả?

- Chết! Bác khẽ chứ. Cho con vào trong nhà.

Nói xong câu ấy Ngưng đã tuồn vào trong nhà có nền đất đập tro mát lạnh và ánh trăng rắc thủy ngân ở tất cả các khung cửa sổ. Trước mắt ông già thằng Ngưng không còn khố rách áo ôm như ngày nào. Anh ăn mặc lành lặn và nói năng từ tốn như một người có học. Ông yên lòng, hỏi nhanh và ngắn, sao lại về vào giờ này, sao không tới trình lý trưởng. Ngưng liền xòe bàn tay ra áp vào miệng ông:

- Không được bác ơi. Bọn chúng thấy con sẽ bắt ngay. Con về vài hôm rồi đi. Con muốn gặp Tình! - Thấy mắt ông bố sáng lên như hai hòn bi ve anh nắm lấy tay ông khẩn khoản - Con xin bác. Con lạy Bác! Chúng con yêu nhau mà con quá nghèo.

Tình người khơi dậy. Đôi mắt ông bố nhòe đi, đục lờ, rồi hai hạt nước cực lớn hiện ra, long lanh, vừa rơi xuống nền nhà hai hạt khác lại xuất hiện thay thế. Mà có mất gì đâu nhỉ. Chính ông đã khẳng định con gái có lang chạ với bất cứ đám khốn kiếp nào, có đánh đĩ với bất cứ thằng nào cũng là quyền của nó. Giờ đây lại là thằng Ngưng. Người làng. Ông dẫn Ngưng vào buồng, đánh thức con gái dậy, rồi lặng lẽ đi ra.

Không! Không có trận cuồng phong nào nổi lên trong căn buồng bốn bề đầy ắp ánh trăng ấy cả. Chỉ là những tiếng reo nhẹ. Những va chạm nhẹ. Những tiếng nói thì thầm. Rồi đôi trẻ ra vườn, tới chỗ xa nhất, ít người để ý tới nhất, đào một cái hầm, đất mang đổ xuống ao, tới sáng, mọi việc xong xuôi. Ngưng chui vào trong đó cho bạn đậy nắp lên. Xong xuôi chị tắm rửa, thay quần áo mới, xin phép bố hẳn hoi, đi vào trong đồn. Chị thay đổi hẳn, kể cả lời ăn tiếng nói, như là lột xác.

Từ hôm ấy ông bố mới mục sở thị Ngưng là người như thế nào. Con gái ông là người thế nào. Việc làm của bọn trẻ nguy hiểm đấy, nhưng mà linh thiêng lắm, như là việc của kháng chiến, do Cụ Hồ dạy bảo. Ngưng nói: Sẽ có ngày ta nhổ cái bốt này bố ạ! Nhưng chưa phải bây giờ. Sẽ có ngày chẳng có thằng lính Pháp cầm súng trên đất nước ta. Ông biết vậy? Ông che chở cho các con hoạt động. Cả đến việc viên quan hai tối tối ra nhà ông trò chuyện với Tình cũng mặc. Làng chẳng còn bàn tán nữa. Việc rành rành ra đó có gì mà bàn. Lấy Tây! Ừ thì chị ta sẽ lấy Tây. Mà cái anh Tây này xem ra cũng không hung ác. Nghe đâu sắp sửa phải đổi. Một thằng đồn trưởng mới về tàn sát dân không thương tiếc thì thật là tai hại. Thế thì cứ có cái anh quan hai này ở đây còn hơn. Cứ để cho chị Tình giữ chịt cái anh quan hai này ở đây còn hơn.

Song đó là mong muốn cập nhật của dân làng. Sự đời diễn ra khác kia. Viên quan hai vượt kỷ cương ra nhà Tình đêm hôm nay. Anh Ngưng xuất hiện. Viên đồn trưởng ấy bị bắt, lập tức được giải đến bãi Séc giữa sông Thái Bình, chị Tình tuồn xuống căn hầm anh Ngưng vẫn trú ngụ, tới sáng mọi việc xong xuôi. Thoạt đầu người ta thấy lính trong đồn nháo nhác. Rồi súng bắn chỉ thiên. Rồi viên Ách-di-đằng dẫn một trung đội lính vây lấy làng. Chúng xập vào nhà chị Tình. Lôi bố chị Tình ra. Chúng quát hỏi con gái? Chúng quát hỏi viên quan hai. Ông bố ngơ ngác. Mà đúng là ông chẳng thể hiểu được anh Ngưng đã dẫn viên quan hai ra bãi Séc để đêm tới qua đường số Năm đầy hiểm nguy, đêm tới nữa qua sông Kinh Thày dày đặc đồn bốt, tới Sao Đỏ, Bến Tắm tiếp cận với vùng tự do kháng chiến của ta. Ông chỉ biết chị Tình ở đâu. Mặc dầu đã tuyên bố từ bỏ nhưng vẫn là con ông. Đời nào ông lại hại con, chỉ cho kẻ thù biết nơi ẩn nấp của con. Thế là lửa cháy! Súng nổ! Cả làng biến thành biển lửa và máu chảy. Thoạt đầu là ông bố. Mấy thằng ngụy khiêng ra cây cột có dây thòng lọng. Chúng chôn rất nhanh. Đẩy ông tới. Tròng dây vào cổ ông. Hỏi dồn: Ngài quan hai đâu? Cô Tình đâu? Im lặng. Dây thừng xiết lại. Ngài quan hai đâu? Cô Tình đâu? Nói! - Vẫn im lặng. Chúng kéo đây. Người ông bổng lên. Lơ lửng. Ngài quan hai đâu? Cô Tình đâu? Nói! - Càng im lặng. Thế là tất cả làng bị dồn thành đám như hôm trước trên cánh đồng ngô. Thay cho sự hiểu dụ bằng lời hai khẩu súng máy đặt chéo cánh xẻ chĩa họng về phía dân làng.

Viên Ách-di-đằng bước đi bước lại trước mặt bà con cất giọng khùng khục như tiếng gáy ban trưa của con gà trống quái ác:

- Ta không nói với các người một lời nào nữa. Hai họng súng kia - Nó chỉ vào hai khẩu súng máy - sẽ chỉ bảo các người nên thế nào cho biết điều. Ta đếm đến ba, nếu không ai đứng ra khai báo súng sẽ nhả đạn. Nào! Ngài quan hai đâu? Nào! Cô Tình đâu?

Súng đã nhả dạn. Tiếng kêu khóc vang trời và một loạt người nằm xuống. Tức thì, nắp hầm ở góc vườn bật tung, chị Tình với quả lựu đạn anh Ngưng vừa tặng trong tay, nhào tới, như chớp, ôm chặt lấy viên Ách-di-đằng. Hai mắt chị là hai ngọn lửa, đỏ hơn lửa đang cháy từ những ngôi nhà, giọng chị vang lên như từ trên trời dội xuống: Chạy đi! Bà con. Chạy ngay đi. Phút chốc trên nền đất của làng chỉ còn đám lính túm quanh chị Tình đang ôm chặt viên Ách-di-đằng. Mặt trời ứa máu. Đất làng thắm đượm mồ hôi và máu. Một tiếng nổ quặn đau. Thêm mấy con người ngã xuống trong đó có chị Tình.

Năm tháng trôi nhanh. Làng đã về như cũ. Bốt giặc bị san bằng và ngay nơi ấy người ta dựng một nghĩa trang. Nơi năm mươi con người của làng ngã xuống ngày hôm đó đã xây trường học. Nhà mái bằng. Ba tầng. Cửa kính cửa chớp sáng choang. Những cây dừa, cây phi lao, cây xà cừ xanh tốt bao quanh. Chính nơi ông già bị treo cổ bà con dựng tấm bia đá với dòng chữ lớn khắc sâu: Nơi đây, ngày... tháng... năm... những người con yêu dấu của làng đã ngã  xuống....Tiếp đến là danh sách từng người. Đầu tiên là ông bố chị Tình. Rồi chị Tình. Mỗi bận về làng Ngưng lại đến nghĩa trang đặt hoa và đến bia tưởng niệm trong trường phổ thông trung học thắp hương. Lòng sắt đá, nhưng lần nào anh cũng để rơi những giọt nước mắt. Anh khóc cho mối tình đầu bất diệt. Anh khóc vì thương nhớ tháng ngày vàng son máu lửa của làng. Rồi tóc anh bạc trắng. Anh trở thành ông Ngưng. Một bữa ông Ngưng về làng không đi xe máy mà ngồi Ô tô. Chiếc xe đỗ trước trụ sở ủy ban nhân dân. Chủ tịch xã ra đón. Đi với ông Ngưng còn có ông già Người Âu tóc cũng bạc trắng. Ông ta nói tiếng Việt như người Việt mình vậy. Ông ngập ngừng trước hiên. Đôi mắt xanh thẳm của ông bỗng lờ đờ dại đi vì nhòe nước. Ông nhìn quanh. Rồi giọng ông run run nói điều gì đó như cầu xin Người xưa xá tội.

Dân làng ngơ ngác. Dân làng ngờ ngợ. Ông tới bia tưởng niệm năm mươi người dân hy sinh đúng lúc cô giáo trẻ đang tập hợp các em học sinh trước bia giảng giải về lịch sử kháng chiến oai hùng của nhân dân ta. Ông xin phép mọi người thắp nén hương thơm. Ông đọc tên ông già bố chị Tình và chị Tình. Rồi khóc. Khóc như một người Việt Nam hiếu thảo mất cha. Khóc như một người đàn ông mất vợ. Đàn trẻ nhìn quanh và muốn òa lên khóc theo. Từ ngày ấy người làng mới biết ông nguyên là đảng viên Đảng xã hội Pháp, tốt nghiệp đại học Sử chứ không phải luật sư như đồn đại trước đây, được chị Tình kéo về, được dẫn qua bãi Séc, lên tới Việt Bắc kháng chiến. Ở căn cứ thần thánh ấy ông tỉnh ngộ bao điều và giúp ích cho kháng chiến Việt Nam. Ông được Cụ Hồ tặng thưởng, được hồi hương sau khi có hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Những kỷ niệm về làng quê Việt Nam với những dòng sông Việt Nam thì không bao giờ ông quên, luôn yêu thương và nhức buốt. Ông đã nghẹt thở nghe kể lại việc dân làng bị tàn sát khi còn ở Việt Bắc. Nếu viên Ách-di-đằng hiện ra trước mắt tôi khi ấy - Ông tuyên bố - Chính tôi sẽ cầm súng xử tội anh ta!

Việc tiếp đến là hai ông thăm nghĩa trang của làng. Hàng phi lao vi vu. Sỏi dưới đế dày lạo xạo. Những bước đi ngập ngừng. Những khuôn mặt trầm tư. Nén nhang thơm cắm xuống. Mọi người cúi đầu. Những hạt lệ trên khóe mắt người già lã chã rơi. Thương xót! Tháng ngày!

                                                        T.Đ.C

Tô Đức Chiêu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 66 tháng 03/2000

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

2 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground