Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng chim bay đi

 Năm tôi và Thường lên mười tuổi, hai đứa hay chơi trò trèo cây. Chúng tôi có kiểu leo cây rất đặc biệt, chỉ dùng hai tay, chân để thuỗng. Những cây bạch đàn chưa lớn, vừa đủ nắm tay, thẳng tắp. Trèo lên đến tận ngọn, cây cong vút, chúng tôi thả xuống mặt đất. Tôi và Thường, hai đứa như hai con khỉ, cứ vít cây này đến cây khác, vùng bạch đàn xiên xẹo bởi trò của chúng tôi. Phải mất tuần lễ chúng mới thẳng ngọn. Có hôm tôi và Thường cột chúng lại, vắt chân lên, treo ngược người để nhát những ai qua đường. Hai đứa trẻ vắt trên cây, lưỡi thè lè. Thấy hình ảnh đó nhiều người cố mà đạp xe cho nhanh. Có người vừa đạp xe vừa rú lên. Đúng là trẻ con, lấy nỗi sợ hãi của người khác làm niềm vui của mình. Mới đó mà hơn mười năm, tôi theo cha đi làm trang trại còn Thường nhập ngũ. Những ngày đầu chúng tôi hay nhắn tin cho nhau, về sau ít dần. Gần đây mẹ Thường điện thoại cho tôi, bảo rằng Thường đã mất tích.

Mẹ Thường có vô vàn lí do để khẳng định Thường không làm như thế. Còn tôi, cũng có nhiều lí do để bảo rằng Thường bỏ đơn vị. Thường trầm tính nhưng rất ưa chuộng tự do. Ít tâm tư với người khác nhưng cứ nghĩ là họ hiểu mình. Thường luôn kì vọng vào cuộc sống, vào tình người, vào những điều tốt đẹp. Điều ấy tốt thôi, nhưng không nên quá kì vọng. Hơn hai mươi tuổi, người ta đủ trưởng thành, đủ để biết con người có hai mặt, cơ bản là mặt nào trong sáng hơn chứ không toàn diện. Thường bỏ đi, có nhiều thứ khiến Thường hành động như thế. Thường có thể bị trầm cảm, nhất là khi sống những nơi kỷ luật hết sức nghiêm ngặt. Môi trường sống lý tưởng của Thường là thế giới của tự do, thích gì làm nấy, miễn sao không vi phạm pháp luật, không đói no, chỉ cần sống được. Có lần Thường muốn đến chỗ tôi nhưng cha mẹ Thường ngăn. Cha mẹ muốn Thường nhập ngũ cho cứng rắn, thành người. Đó là mong muốn của gia đình, tôi thấy cũng đúng. Rất nhiều người vào quân ngũ họ trưởng thành hẳn lên. Tôi thì không, tôi muốn cống hiến sức mình bằng một việc làm khác, ở nơi khác. Tôi thích cây vối già, gốc nó rất to, cành lá xum xuê, tán thả mát rượi cả một vùng nước. Sự tự do cũng có thể giúp trưởng thành, nếu nó hợp với mình, điều chỉnh mình. Thường có thể bỏ đi, hoặc có thể đứng lại nơi mà mọi người chưa tìm thấy.

Minh họa: LÊ CẢNH OÁNH

Minh họa: LÊ CẢNH OÁNH

Cơn mưa chiều bắt đầu nặng hạt, núi rừng thâm u, cây cúi đầu, nước chảy mướt mát trên nền lá. Những con nước thi nhau đổ về suối và chúng tràn lên bờ. Tiếng chim kêu trầm mặc, ù hu, ù hu… rất cô liêu, lúc như tiếng trẻ, thoạt như tiếng người già khóc. Tôi không biết đó là loài chim gì. Chúng có màu đen, không có mỏ. Quanh vùng miệng có hai khối màu cam y như thằng hề, đầu có vài chiếc lông đỏ, quanh mắt màu trắng và trong mắt chúng có màu trắng khác. Tôi gọi đó là chim ma. Cha tôi gạt, ở rừng đặt gì cái tên nghe chết thế. Tôi cười, thôi cứ gọi nó là con ù hu. Chẳng khá hơn, đặt tên theo tiếng gọi của nó nghe càng thảm sầu. Cha nói thêm, nó thọ hơn cả tuổi người. Tôi thắc mắc, cha bảo, bằng chứng là từ trẻ đến già cuộc đời cha, kể cả những người trước đó chưa ai thấy xác chim ma. Săn bắn chúng thì không hề, đó là điều kiêng kị, hơn nữa, nhìn chúng họ đã hãi thì săn bắn chúng làm gì.

Tôi có thói quen đọc sách. Trước khi đi ngủ tôi đọc vài câu chuyện. Và hôm nay tôi lật trang sách, tôi bắt gặp Thường trong câu chuyện “Tiếng chim bay đi…”. Thường viết về loài chim ma, đọc xong, tôi gấp cuốn sách. Đôi mắt trắng dã của con ù hu vẫn choán trước mặt mình. Tôi nhíu mày, hồi đi học, Thường hiếm khi đọc sách, trừ những cuốn sách giáo khoa buộc đọc để trả bài. Thường viết văn mức trung bình, nhưng hay lục lọi và tìm kiếm những chi tiết mới. Tiếng chim bay đi có vô vàn chi tiết ám ảnh người đọc. Chiều buông, ánh nắng rừng rực rọi xuống đôi mắt trắng của loài chim ma, con chim kêu thất thanh, trút hết sinh lực của mình. Nó bay đi bằng chiếc bóng, trên cây treo lủng lẳng bộ xương to, bộ lông như chiếc áo. Tôi lại quay sang cha, con chim ma chết rồi. Ở đâu? Tôi đưa cuốn sách, cha cười, Thường viết ư? Đấy là Thường đã giết chúng.

Suốt đêm không ngủ, tôi nằm nghe mưa. Thường ở đâu? Hơn hai tháng bặt vô âm tín. Thời gian đó đủ để Thường gửi về nhà thông báo, rằng cậu ta ở chỗ a, b, c làm công việc x, y, z… nào đó với gia đình để họ bớt lo. Thường không phải là người vô lo, nên cậu ta sẽ thấu hiểu cho sự lo lắng của người khác, về mình. Suốt mấy đêm mưa, con ù hu cứ kêu rền ngoài cửa sổ. Tôi lấy đá để xua, nó đi một lúc rồi trở về. Đầu giường, cha đằng hắng, cha nói với tôi. Đã có người chết, hoặc có người sắp chết chim mới kêu. Tôi ngồi lặng lẽ. Chẳng phải sợ hãi gì. Suốt những ngày sau đó tôi luôn ở cạnh cha. Phải trông cha thật kĩ, tôi sẽ làm tất cả, vì cha đã già. Ngày trước tôi là đứa trẻ, cha cũng trông tôi.

Tôi hỏi cha, về Thường. Cha hỏi ngày tháng năm sinh, ngày Thường bỏ đi để xem sinh mệnh. Bấm mấy đốt ngón tay, cha chau mặt. Con chim ma bay dốc vào giữa nhà, đập đầu vào tường vôi, chết lặng. Nhìn đôi môi nó, tôi thấy hãi, hai tay tôi bắt đầu run, không dám đụng đến nó, tôi khựng người, cha nhìn con chim ma. Nó không rút mình như những kiểu chết của loài chim khác. Con ù hu mắt dướn nhìn cha, nó ngáp.

Thường đi khá xa rồi, cha nói. Trong tháng mười có tin của Thường. Tôi vồ vập hỏi cha, gần mười câu hỏi thì cha chỉ trả lời. Biết vậy được rồi, có phải mặt trời trên đầu đâu mà cái gì cũng tỏ tường, mệnh người khó đoán, chỉ chiếu theo ngày tháng thì nó cho biết thế. Cha đi chôn con ù hu, thắp cho nó nén nhang, tôi thấy mắt cha nhòe nhoẹt.

Cây vối già biến mất sau trận lũ. Tôi đứng nhìn, cái hố sâu hoắm. Nước lũ bào mòn rồi khoắm cây đi. Chắc giờ nó đã dạt vào bến bờ nào đó và bị người ta đẵn cành, chặt ra từng khúc. Ôi biểu tượng tự do trôi dạt và bị băm nát. Tôi chắp tay trước ngực, nghĩ về cây vối già. Đã tự do sao còn cắm rễ vào lòng đất. Hai hàm răng tôi nghiến chặt giữ cho lòng khỏi cuộn lên như sóng. Cây vối già! Cây vối già! Đã biến thành ma, trôi về biển cả… những dòng nước bập bùng réo lên từng cơn. Con chim ù hu bay ngang kêu lên mấy tiếng. Từ trên bờ, cha tôi dựng số cây trong vườn bị nước làm xiêu vẹo. Tôi hỏi thêm chuyện về Thường. Cha nói, vài ngày nữa là đến tháng mười.

Những ngày dài lê thê, dòng nước chảy từ nguồn và kết thúc ở biển khơi, chờ ngày hóa kiếp rơi vào cõi luân hồi, của nước. Ngày 10 tháng 10, tôi nhận được tin Thường đã chết, ở giếng nước cạnh đơn vị. Tôi không tin đó là Thường. Nhưng không phải Thường thì là ai. Không ai biết, đặc điểm nhận dạng không còn, áo quần trong quân ngũ không dùng nữa. Chiều trước khi đi, vài người thấy Thường không mặc quân phục.

Qua khúc sông là chiếc cầu. Từ đó đi đến thị trấn là chặng đường không xa vậy mà lần nào định đến đơn vị Thường tôi cũng do dự. Rút cuộc tôi không đi. Lần thì nước sông ngập lũ, lần cha ốm… bao nhiêu lí do, kể cả lòng người và gió mưa cách trở. Nước vơi, vài uẩn khúc lộ ra, có nơi trũng sâu đầy ắp, có nơi cạn sỏi trắng. Đất hai bên bờ bị sông bào mòn. Tôi đứng nhìn sông, khoảng không gian tự do vô cùng nhưng chẳng dễ gì chạm tới. Những ngày lũ cho đến khi nước rút, nhiều người đi tìm người mất tích. Cha tôi lặng lẽ đưa cây sào níu chiếc áo đã rách tả tơi để đưa cái xác vào bờ, một vài người cạnh đó sững sờ bịt kín miệng, không nghe tiếng khóc, chỉ nghe mưa…

Tôi cắm vào đất một cây vối non, lá xanh thật ưa mắt. Sẽ có vài trận lũ đi qua nhưng cây con tự do của tôi sẽ vượt qua được sóng nước. Ngày trước ở quê cũng có cây vối già, nhánh vươn ngang mặt sông. Tôi và Thường hay ra tắm. Chúng tôi cứ trèo lên cành cao nhất rồi nhảy tủm xuống nước. Sau này Thường tập lộn vài vòng. Mỗi lần xem Thường nhảy xuống nước là mắt bọn trẻ trong làng không chớp mắt được. Nó như động tác nghệ thuật ở trên phim, thăng hoa, du dương, tuyệt diệu. Chỉ có Thường mới làm được điều đó, thỉnh thoảng mấy đứa trẻ muốn xem, Thường diễn lại, chúng vỗ tay reo hò, Thường cười, nét mặt rất đỗi hồn nhiên.

Chúng tôi tắm sông hơn mười năm. Sau đó đứa đi học, đứa theo việc riêng của mình. Tôi không học hết trung học phổ thông, chẳng để làm gì. Một số môn tôi đã quên kiến thức cơ bản không thể nào khắc phục được. Khác với những đứa bạn cùng trang lứa, học để chờ lớn, tôi theo cha làm vườn. Giờ mọi thứ đã rất êm đềm, khu vườn xanh mướt và đầy hoa quả. Nó có thể cho tôi cuộc sống bình dị ở vùng nông thôn. Thường học hết cấp ba rồi đi bộ đội. Thường khá ngoan, nhất là với những mong muốn của mẹ cha.

Mưa nối tiếp mưa. Sau con nắng tưởng hết những ngày giông tố. Tôi ngủ chung giường với cha, phòng khi cha sốt. Lúc chiều tôi thấy cha giãy mũi, cha bảo nhức đầu chắc sau đợt mưa này sẽ có nắng to. Người già như máy dự báo thời tiết. Tôi đưa tay choàng qua bụng. Cũng không ngờ hai chục năm cha con mới nằm cạnh nhau và có những cử chỉ thân thiện, ấm áp. Mẹ tôi mất từ lúc tôi mới chào đời. Cha ở vậy nuôi tôi. Tôi đưa tay cù cù vào nách, cha cười, lát sau nhắc đến Thường, tôi nói. Chỉ còn vài hôm nữa là hết tháng mười, cha bảo cứ đợi đi, rồi cha trầm tư. Thằng Thường vắn số quá! Nó là đứa hiền lành nhất mà cha từng thấy, hiền hơn cả con. “Vắn số”, tôi chồm dậy, hỏi lại, cha gạt đi. Cha nói vậy chắc Thường đã chết.

Tôi không quá tin vào bói toán. Có lúc tôi chọn nó như sự cứu cánh. Nội tôi làm thầy, nội bói quẻ rất hay, nghe người làng bảo thế. Cha tôi cũng làm thầy, nhưng cha lánh hầu hết mọi người, chỉ khẩn lắm ông mới xem. Cha bảo rằng, âm dương có quy luật cả. Người ta cố bắt một mạng, mình cứu người là nợ với âm dương. Đời cha trả không hết sang đời con, chẳng giống chuyện nợ tiền ngân hàng chút nào cả. Vì vậy cha tránh cũng là tránh cho tôi. Có hôm tôi hỏi đùa, nợ của cha với âm dương. Cha bảo, chưa đủ chết.

Đêm, nước chảy không đủ lớn. Từ ngoài bờ sông réo rắt còn có tiếng khóc. Tôi dậy bật cây đèn pin thì cha níu lại. Ngủ đi, đừng có xuống đó. Nhưng có người khóc đấy. Ba trăm sáu mươi lăm ngày trong năm, hôm nào chả có. Chỉ những đêm mưa gió lạnh lùng người ta mới khóc lớn. Cha bảo như thế, nhưng tại sao bây giờ tôi mới biết, cha nói rằng tôi ngủ ngon, ngủ đến nỗi âm dương chẳng tác động được gì.

- Vậy là những vong linh hả cha. Tôi hỏi, vừa tò mò vừa sợ sệt.

- Ừ, có lẽ thế, ở cây vối già, bên tảng đá lớn. Cây vối trôi đi, họ không có nơi ẩn náu.

Tôi lặng im, nghe nghẹn đắng. Hồi trước, ở trang trại của tôi có cây thị già, người ta thấy hồn ma, một người mặc áo lính, bảo tôi chặt đi. Cha cũng bảo tôi chặt cây thị. Tôi không, mình có nhà để ở, người ta có cây để trú nắng mưa, tại sao chặt, phải tội. Cha tôi gật đầu, còn trẻ mà có nhân nghĩa, cha mừng. Thì ra cha thử tôi, chứ nếu tôi có chặt cây thị cha cũng chẳng cho. Bằng chứng là sau này ở trang trại nhiều cây lớn được cha giữ lại. Để vậy, người vật gì cũng có chỗ che nắng mưa.

Quá nửa đêm, tiếng khóc vẫn văng vẳng ngoài sông, mỗi lúc càng khúc chiết khó mà nằm yên được. Nhổm dậy thấy cha ngủ, tôi lẻn ra sông. Tiếng khóc mỗi lúc một gần, ở đám lau động đậy như có người. Tôi nhón chân, dưới ánh sáng yếu ớt của cây đèn pin, vật gì bằng ngón chân, hình đứa trẻ trần truồng. Tôi sởn gai ốc. Một, hai, ba, bốn, năm…có đến hơn ba chục con như thế. Tôi cúi gần hơn. Ù hu, một nhát cắn lên đầu, tôi lộn xuống sông, chiếc đèn pin vụt tắt. Nước cuốn phăng, tôi với được cành cây ven sông, nó kịp gãy khi nước ùa về. Nước cuộn tròn, xoáy xiết. Chưa cảm nhận được cái lạnh thì sức mình đã đuối, tôi nghe có cánh tay níu lấy mình, rất mãnh liệt. Con sóng dường như dịu xuống, tôi lên bờ. Trong bóng tối, tôi sờ khuôn mặt. Da nhăn nheo, tóc thưa thớt, hỏm mắt sâu. Cha ư, sao cha có thể làm được điều đó. Cha ho mấy tiếng rồi níu tôi đứng dậy ngược sông trở về.

Tôi không khỏi ngạc nhiên, về những điều vừa xảy ra. Dọc đường, tôi hỏi cha.

- Sao cha biết con ra sông.

- Thường về, bảo con bị lũ cuốn, thức dậy cha không thấy con…

- Con đã trôi một đoạn khá xa, lúc đó cha đang còn ngủ.

- Cha không biết, nhưng cha đã chạy rất nhanh.

Về đến nhà, tôi rửa chân cho cha. Đôi chân rách bươm, tứa máu. Tôi thấy mình có lỗi. Cha thay đồ xong rồi đắp chăn kín người, tôi sờ lên trán. Cha đã không còn sốt, rất kì lạ. Tôi đem chuyện những con vật nhỏ có hình đứa trẻ trần như nhộng kể cho cha nghe, cha bảo. Đấy là con của loài chim ma. Loài chim cái đẻ con, chim trống đẻ trứng. Lúc mới sinh ra chim non nằm ngửa, hai cánh và hai chân ban đầu có hình giống chân tay người, sau mới mọc lông và biến đổi thành cánh và chân. Tôi tin vào điều này, tôi đã nhìn thấy chim ma với bàn chân năm ngón. Nhưng cánh của chúng tôi chưa tường tận, chỉ biết rằng, khi chúng bay lên trời, rất chậm, có những búi lông như tóc của con gái buộc nơ. Từ hôm trước, tôi thấy loài chim ma lót tổ, không ngờ nó sinh sản nhanh đến vậy. Tôi không hiểu, rằng loài chim ma đẻ nhiều con đến thế nhưng ở rừng chúng thưa thớt. Cha bảo, đàn đống thế nhưng khi lớn chỉ vài con thôi. Vậy số còn lại đi đâu, cả trứng của chim trống nữa. Trứng chim trống làm thức ăn cho chim non. Còn chim non? Cha không trả lời. Cha, tôi vặn thêm lần nữa. Vậy số còn lại chim non đi đâu. Cha bảo, chúng ăn con mình. Cả chim bố và chim mẹ ư. Cả!

Tôi lặng im, sau câu nói của cha. Người tôi lạnh giá. Cha còn nói thêm, loại chim ma rất thích ăn thịt người. Bởi vậy mỗi mùa lũ, nó dạt về dọc bờ sông để tìm xác người. Nó thích nhất đôi mắt, kế đến là tứ chi. Chẳng hiểu sao những thứ đó lại hấp dẫn chúng, nghe người ta bảo rằng nó ăn mắt để sáng, chân khỏe. Khỏe để làm gì, có phải chăng mục tiêu của ù hu là loài người và xác thối. Cha bảo, không có gì bí ẩn đâu, đó là thói quen thôi.

Mẹ của Thường đến chỗ tôi. Mẹ Thường bảo cha tôi xem quẻ. Chẳng hiểu sao lâu lắc như thế này mẹ Thường mới có đề nghị này. Cha tôi bảo mẹ Thường ở chơi. Đợi nước xuống, qua phía bên kia sông sẽ gặp Thường. Mẹ Thường mừng khôn xiết. Tâm trạng đổi thay hẳn. Tôi ngần ngại nhìn, cha nói. Đêm qua, cha thấy Thường qua sông, đi từ con đường nhỏ ở khu rừng bên ấy.

Cha chèo thuyền qua sông, chúng tôi đi tìm Thường suốt ngày nhưng không thấy. Con đường nhỏ trong giấc mơ của cha biến mất, thay vào đó là cây cối chằng chịt, gai leo phủ kín. Cha đứng ngẫm một hồi, rõ ràng là con đường này, Thường đi qua sông… Chúng tôi trở về, đợi đêm xuống. Mẹ Thường ngồi phía sau bấm cây đèn pin, phía trước cha khua mái chèo. Chúng tôi tiến theo tiếng chim. Lâu lâu cha tôi và mẹ Thường nói chuyện, tôi hầu như im lặng. Chẳng biết nói gì lúc này. Mẹ Thường kể, tháng trước phát hiện thêm cái xác, mặc áo tên Thường nhưng mẹ Thường quả quyết không phải. Thường có một chiếc nẹp sắt trong chân, hồi nhảy sông bị gãy chân nhưng Thường không chịu gỡ nẹp. Chi tiết này đúng, lúc ấy tôi có đến thăm Thường ở bệnh viện. Thường nói rằng, sau này Thường sẽ để cái nẹp trong chân, lỡ chết chẳng mất xác. Tôi bảo Thường điên. Thường cười, điên cũng được.

Mái chèo Cha lướt chậm, bên dưới mạn thuyền chạm bờ khiến người tôi chúi về phía trước. Lúc này cha mới bật đèn pin, cha đi theo tiếng chim, rất nhanh. Tôi và mẹ Thường khó khăn lắm mới theo kịp. Con đường nhỏ dây bủa kín được mở ra, bên cây vối vừa hai người ôm, hai bàn chân xương xẩu trắng hếu, những đốt xương tay lủng lẳng và trên đầu còn bám vài cọng tóc. Con chim ma đậu trên đỉnh đầu, khi phát hiện chúng tôi, nó cất tiếng kêu thất thanh rồi bay đi, để lại chiếc dây treo, màu áo xanh nay đã có phần bạch màu. Tôi gọi nhưng chẳng thành tiếng, nước mắt tôi rơi trên thảm mục, mùa này, lá đã ướt mưa…

H.H.L

Hoàng Hải Lâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 314 tháng 11/2020

Mới nhất

Đừng cho tôi tất cả; Gom

02/05/2025 lúc 06:20

Đừng cho tôi tất cả                                             Đừng cho tôi tất cảTôi sẽ không tồn

Đường xưa; Tháng năm

02/05/2025 lúc 06:16

Đường xưaNgày xưa ùa về trong tiếng mưa đêmLang thang trên con đường một

Quê hương; Thưa ba

02/05/2025 lúc 06:04

Quê hương Tôi yêu nhánh lúa bờ treMẹ tôi cắp rổ ra khe xuống

Cơm chiều

02/05/2025 lúc 06:02

Em thường hỏi chiến tranh đã xaMà anh cứ kể hoài chuyện cũNắng vàng, hốc

Người về Diên Sanh

02/05/2025 lúc 05:55

Hải Lăng xanh thắm tình quêNăm mươi năm lại tìm về Diên SanhHồ Khe Chè nước

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground