Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng hót

“Ông ơi, hãy luôn nghe nó hót, ông sẽ khỏe trở lại, bấm cái nút phía dưới bụng của nó, nó sẽ hót cho ông nghe…”.

Thằng bé vừa nói vừa chạy về phía ông nhưng các nhân viên y tế đã ngăn nó lại. Bây giờ ông đã lên xe, thằng bé nhìn chiếc xe màu trắng khuất sau dãy phố vắng bóng người. Mắt thằng bé đỏ hoe, phía sau cánh cửa ba mẹ nó cũng đang cố để giấu đi những giọt nước mắt.

Những ngày sau đó, thằng bé và cả bố mẹ nó không được phép ra ngoài, luôn có các nhân viên y tế tới kiểm tra sức khỏe của mọi người và căn dặn gia đình nó về những hiểm nguy sắp tới. Thằng bé không thể biết hết mọi tai ương trên cuộc sống nhiều đảo lộn này nhưng nó biết có một điều gì đó khủng khiếp đang diễn ra. Đã mấy tháng nay nó không đến trường, mọi người trong gia đình nó cũng không còn vui vẻ như trước. Ba và mẹ nó cũng ít nói cười hơn, thỉnh thoảng, ba nó lại đưa màn hình điện thoại cho mẹ nó đọc và cả hai cùng ngồi xuống trầm ngâm, thở dài lo lắng.

Tranh của Hoàng Phúc Quý

Tranh của Hoàng Phúc Quý

Lại một lần nữa, ông đứng bên cửa sổ bệnh viện nhìn về phía những dãy núi phía Tây. Nơi đó mặt trời đang dần lặn xuống. Không biết đã bao nhiêu chiều ông nhìn cảnh mặt trời lặn. Lòng ông nặng nề như trăm nghìn tảng đá chứa chất nơi lòng ngực. Ông cảm thấy sợ hãi, ông không nghĩ rằng có lúc ông lại rơi vào cảm giác sợ hãi, hoang mang như lúc này. Đã đi qua không biết bao nhiêu binh biến, dâu bể trên đời nhưng lúc này ông lại rất sợ hãi. Những cơn đau đầu lại bắt đầu kéo tới kèm theo đó là cảm giác khó thở, ngột ngạt. Ông muốn gỡ cái khẩu trang xuống và ném văng nó ra xa ông nhưng ông không được phép làm như thế. Mặt trời đã biến mất sau những dãy núi trùng điệp, ông cố nán lại bên cửa sổ để nhìn những tia sáng yếu ớt rồi biến mất hẳn nơi cuối chân trời để nhường chỗ cho bóng đêm ghẻ lạnh kéo tới. “Chúng tắt rồi”. Ông nói. “Tắt ngấm rồi…”. Ông khó nhọc trở lại giường bệnh. “Cái gì tắt?”. Một bệnh nhân bên cạnh ông cất tiếng hỏi, đó là bệnh nhân giường số 18, giọng nói của anh ta nghe chừng rất yếu ớt sau lớp khẩu trang y tế. “Ánh nắng”. Ông trả lời rồi nằm xuống chờ các nhân viên y tế với những bộ đồ bảo hộ kín mít đến kiểm tra sức khỏe cho từng bệnh nhân.

Đêm nay, những cơn ác mộng lại đến. Trong một cơn mơ, ông nhìn thấy hàng vạn đôi tay đen đúa kéo tới từ màn đêm sâu hút nhấn chìm ông xuống nước, ông cố vùng vẫy để thoát ra khỏi những bàn tay ấy, để ngoi lên khỏi mặt nước để thở nhưng ông không thể. Ông vùng vẫy cho tới khi bật tỉnh dậy. Khi tỉnh dậy những cơn ho lại kéo tới kèm theo đó là những vũ điệu điên cuồng của trăm nghìn mảnh chai sắc nhọn trong cổ họng của ông. Ông chiến đấu để chống lại chúng bằng cách quên chúng đi. Nhưng giờ thì ông dường như không thở được nữa, ông vớ lấy chai nước và uống rồi cố thở hắt ra. Trong ánh đèn mờ, người đàn ông nhìn khung cảnh quanh mình, ông không thể biết được có bao nhiêu giường bệnh quanh ông, những chiếc giường được đặt xa nhau nhưng chúng kéo dài, kéo dài hơn cả cuộc đời của ông. Không muốn chứng kiến khung cảnh đó, người đàn ông nhắm mắt và nằm xuống, rồi ông cảm thấy toàn thân đang xoay vòng, xoay vòng và rớt sâu vào miệng núi lửa, nơi đó ông lại chiến đấu với những ngọn nham thạch đang chờ đợi ông. Từ những nơi xa xăm nào đó, có nhiều tiếng gọi, những tiếng gọi kéo dài, những tràng âm thanh rối nghĩa. Ai đó đang gọi ông, hình như ai đó đang đứng bên kia núi gọi ông. Tiếng gọi đôi khi như sát bên tai, đôi khi lại mơ hồ và xa xăm lắm. Trong giấc mơ mình, ông thấy một đám tang. Ông thấy những lá cờ trắng bay phấp phới trong gió, và ông nghe tiếng ai đó gọi hồn.

Ông lại tỉnh dậy, ông rũ rượi mò tay dưới gối lôi ra con chim nhỏ màu xanh mà thằng bé đã đem cho ông. Đó là một con chim bằng nhựa, con chim mà ông già Noel tặng thằng bé vào dịp giáng sinh vừa qua. Ông già Noel tặng con chim nhỏ cho thằng bé kèm theo một bức thư viết rằng: “Ta tặng cháu con chim nhỏ, tiếng hót của con chim nhỏ này sẽ đem lại hi vọng cho cháu và cho tất cả mọi người. Hãy bước tới bên mọi người và chia đều tiếng hót này cho những ai đang đánh mất hi vọng…”.

Thằng bé ra ban công rồi nhìn xuống những con đường không một bóng người. Các nhân viên y tế đã rời khỏi nhà nó và đi gõ cửa những ngôi nhà bên cạnh. Ba mẹ thằng bé lại đem cho nhau xem những con số đang dần tăng lên qua màn hình điện thoại. Thằng bé không biết đến khi nào thì cái không khí u ám này biến mất. Mẹ nó bước ra ban công rồi vòng tay ôm lấy nó từ phía sau. “Rồi sẽ ổn con ạ”. Mẹ nó nói và ngửa mặt nhìn lên để những giọt nước mắt không lăn xuống trên hai gò má xanh xao. Rồi ba thằng bé bước ra, cũng dang tay ôm lấy hai mẹ con. Cả nhà nhìn xuống thành phố, một thành phố yên tĩnh đến lạnh người. “Ba thèm những tiếng còi xe”. Ba nó nói và hỏi mẹ nó đang thèm gì nhất. “Tiếng người…”. Mẹ nó trả lời. Rồi tất cả lặng im, lặng im như chưa bao giờ lặng im đến thế. Cả nhà đứng trên ban công cho tới khi bóng tối kéo tới.

Trước khi đi ngủ, thằng bé lại đòi ba nó đọc truyện. Câu chuyện “Tiếng hót” mà ba đọc cho nó nghe cũng đã không biết bao nhiêu lần. Đêm nay thằng bé lại lôi ra để ba nó đọc lần nữa. Đó là câu chuyện về một con chim xanh đi tìm tiếng hót đã mất của mình. Con chim xanh đi khắp khu rừng và hỏi muông thú có thấy tiếng hót của nó đâu không. “Tiếng hót của mày nằm trên thượng nguồn lau lách ấy...”. Muông thú trả lời. Con chim xanh đi hoài đi mãi những vẫn chưa tìm thấy được tiếng hót…

“Khi nào thì ông về nhà hả mẹ?”. Thằng bé trở người về phía mẹ nó. “Sớm thôi, con ngủ đi”. Mẹ nó nói và vói tay vặn chiếc đèn ngủ để ánh sáng giảm xuống dịu hơn. “Bao nhiêu rồi em?”. Ba nó hỏi mẹ nó. “Người nhiễm vẫn đang tăng”. Mẹ nó nói. “Tăng chậm chứ?”. Ba nó hỏi, mẹ thằng bé không trả lời. Cả nhà im lặng để giấc ngủ kéo tới… “Ông có nghe nó hót không mẹ nhỉ?”. Thằng bé hỏi. “Chắc chắn ông sẽ nghe mỗi khi ông đi ngủ, con ngủ đi nào”. Mẹ nó trả lời. Rồi thằng bé chìm dần vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, nó thấy ông và nó đang đuổi theo một con chim xanh, rồi chính nó và ông cũng biến thành những cánh chim xanh đi tìm tiếng hót của chính mình.

Hôm nay, mặt trời dừng lại lâu hơn trên đỉnh núi ấy, ông cảm thấy thế. Có vài bệnh nhân khác cũng bước ra phía cửa sổ và nhìn mặt trời xuống núi, dĩ nhiên họ phải tự giữ khoảng cách an toàn với nhau. Không ai dám bước lại gần nhau, các nhân viên y tế đã khuyến cáo mọi bệnh nhân như vậy. “Nó đẹp quá”. Ông nói. “Cái gì vậy”. Một bệnh nhân hỏi ông. “Mặt trời”. Ông trả lời. Người bệnh ấy nhìn vào mặt trời đang dần khuất sau đỉnh núi, anh ta cảm thấy yêu quý vô cùng những tia sáng chói lòa ấy từ mặt trời chiếu trong không gian. Có lẽ, từ xưa tới nay, cả ông và anh ta chưa bao giờ thèm khát được nhìn mặt trời như lúc này. “Còn có ánh nắng là chúng ta còn có hi vọng”. Ông nói và trở về giường bệnh.

Đêm nay, trước khi cơn sốt kéo tới, ông đã lấy con chim nhỏ màu xanh đặt vào lòng bàn tay. Ông nhẹ nhàng ấn vào cái nút màu hồng phía bên dưới bụng nó, vậy là con chim bắt đầu hót. Ông để tiếng hót ở mức nhỏ nhất để khỏi phải làm phiền những bệnh nhân khác. Ông nhắm mắt và nghe tiếng hót của con chim xanh cho đến khi ông lại lao mình vào những cơn ác mộng. Trong cơn ác mộng, những bàn tay ấy lại kéo tới để dìm ông xuống nước, khi sự quẫy đạp của ông đang dần nhường chỗ cho sự buông xuôi để nước tràn vào lồng ngực thì tiếng hót của con chim lại vang tới, ông nghe tiếng hót lảnh lót trên trời cao xanh vời vợi, tiếng hót trong trẻo của nó như truyền thêm sức mạnh cho ông, ông lấy hết chút sức còn lại gỡ những bàn tay đen đúa đang bám lấy ông, ông ngoi lên khỏi mặt nước và thở mạnh. Khi thở mạnh ông choàng tỉnh dậy. Con chim xanh vẫn hót trong lòng bàn tay của ông, một bàn tay ướt đẫm mồ hôi bởi ông vừa trải qua một cơn sốt li bì. “Cảm ơn mày nhé”. Người đàn ông nhìn vào con chim xanh và nói. Ông cố gắng lết ra khỏi giường bệnh và bước tới bên cửa sổ, ông đặt con chim xanh lên bên cửa sổ rồi ngắm nhìn những vì tinh tú trên trời cao. Giờ này chắc thằng bé đã ngủ, ông ước gì bây giờ ông có thể chạy về nhà mà ôm chầm lấy nó. Ông sẽ nói với nó là ông đã chạm được vào tiếng hót của con chim màu xanh rồi. “Tiếng hót mềm lắm, mềm như nhung ấy”. Hẳn là ông sẽ nói như vậy.

Các nhân viên y tế với những bộ đồ phòng hộ kín bưng lại bước vào phòng bệnh mỗi sáng, họ kiểm tra sức khỏe và đo nhiệt độ cho mọi người trước khi phát thuốc. Họ chỉnh lại khoảng cách của từng chiếc giường cho đúng với mức độ an toàn cho phép. Họ thay hoa trên những chiếc bàn và kéo các rèm che cửa sổ lên để ánh nắng tràn vào phòng. “Hôm nay nắng sẽ to lắm đấy, hãy tận hưởng ánh nắng và phấn chấn lên nào”. Họ nói với bệnh nhân rồi di chuyển sang những phòng bệnh khác.

“Trong phòng chúng ta có một con chim”. Bệnh nhân giường số 30 nói với ông. “Tôi nghe nó hót”. Anh ta nói. “Tối qua, khi đang trong cơn sốt tôi nghe thấy tiếng hót của một con chim trong phòng, tiếng hót của nó khiến tôi dễ thở hơn, tiếng hót của nó làm cơn sốt của tôi dịu lại, tôi nhìn thấy những cánh đồng trải dài, những con sông hiền hòa và hàng dương trong gió qua tiếng hót của con chim ấy. Hay tôi sốt đến mê man nhỉ?”. Anh ta nói và hoài nghi. “Có đấy, tôi cũng nghe thấy tiếng hót của một con chim vào những lúc tôi lên cơn sốt”. Ông nói với bạn. “Tiếng hót của nó làm tôi dễ thở hơn”. Ông nói và nghĩ tới con chim nhỏ màu xanh đang nằm dưới gối của mình. “Cháu cũng nghe thấy tiếng hót của một con chim trong phòng”. Cô bé nằm ở giường số 38 nhìn về phía ông và nói, rồi cô ta hỏi tất cả những bệnh nhân khác về tiếng hót của con chim vào mỗi tối. “Có, chúng tôi ai cũng nghe thấy tiếng hót của một con chim. Tiếng hót thật tuyệt vời, như tiếng nước trong khe núi, tiếng hót thật trong lành…”. Họ nói và lại cùng nhau tán dương tiếng hót của con chim nhỏ. Họ nói rằng có thể con chim ấy đã bay qua cửa sổ để vào phòng mỗi tối rồi hót cho mọi người nghe trong lúc những cơn sốt hành hạ.

“Thượng đế gửi nó tới chăng?”. Có ai đó nói như vậy và cả phòng cùng cười.

Người đàn ông biết rằng tiếng hót của con chim xanh đã đem tới cho mọi người hi vọng, ông lặng lẽ quay về giường và nằm xuống, ông thò tay về dưới gối và sờ lên con chim nhỏ, ông sẽ giữ bí mật này cho riêng mình và cho thằng bé. Có lẽ thằng bé sẽ vui lắm, vui bởi hai ông cháu đã chia tiếng hót con chim cho tất cả mọi người. Và rồi cứ như vậy, vào mỗi tối, khi mọi người bắt đầu lên cơn sốt, ông lại lặng lẽ ấn vào cái nút nhỏ xíu dưới bụng con chim để nó cất tiếng hót, tiếng hót đưa mọi người đến với những không gian trong lành, nơi ấy không có dịch bệnh, không có những âm mưu đen tối, chỉ có màu xanh của lá, của rừng, của đồng xanh chạy dọc theo sông suối…

“Hôm nay ông sẽ được ra viện đấy, nhưng ông nhớ luôn giữ khoảng cách an toàn với mọi người nhé, vẫn luôn đeo khẩu trang nhé”. Nhân viên y tế nói với ông. Đã có rất nhiều người ra viện trước ông. Ông vui mừng nghĩ tới giây phút ông gặp lại thằng bé. Sức khỏe của ông đã bình phục hoàn toàn và ông có thể ăn hết suất cơm của mình một cách đơn giản. Ông nhìn những bệnh nhân khác đang nằm trên giường, có một vài bệnh nhân lớn tuổi đang dùng máy trợ thở. Ông nán lại suy nghĩ rồi kéo nhân viên y tế lại gần mình và nói: “Tôi cần ở thêm vài ngày nữa được không?”. Nhân viên y tế ngạc nhiên nhìn ông. Ông nói: “Tôi vẫn chưa được khỏe lắm”.

Và rồi, cứ vào mỗi tối, khi nghe những bệnh nhân khác bắt đầu ho hay thở khò khè ông lại lặng lẽ thò tay vào dưới gối ấn vào nút nhỏ màu hồng dưới bụng con chim nhỏ. Ông sung sướng với bí mật của mình. Hẳn thằng bé cũng vui lắm khi biết bí mật của ông.

“Hôm nay nhà mình sẽ tới viện đón ông, ông là bệnh nhân cuối cùng được ra viện”. Ba thằng bé thông báo như vậy, mẹ nó ôm chầm lấy nó và nhảy nhót trên sàn nhà. Khu phố cũng đã hết thời hạn cách ly. Đường tới bệnh viện hôm nay đầy nắng. “Rồi con chim màu xanh ấy có tìm được tiếng hót của mình không ba?”. Thằng bé hỏi ba nó về con chim trong truyện ngắn mà ba nó thường đọc cho nó nghe vào mỗi tối. “Có chứ?”. Ba nó trả lời. Trên xe về nhà, ông cứ nắm lấy tay thằng bé không buông ra, thằng bé cứ luyên thuyên về con chim màu xanh mà ông nó đã trao trả lại cho nó. Rồi khi đến đoạn đường qua cánh đồng để rẽ về nhà, ông nói với ba thằng bé dừng xe lại để ông xuống có xíu chuyện. Xuống xe, ông để lòng ngực mình căng ra như gió trên cánh đồng, phía Tây, mặt trời lại chuẩn bị đậu xuống trên đỉnh núi ấy. Cả nhà ngồi xuống trên cánh đồng nhìn mặt trời lặn. Khi mặt trời biến mất sau dãy núi mắt ông hơi buồn. Nhưng rồi thằng bé nói: “Ông đừng lo, ngày mai mặt trời sẽ mọc trở lại”.

Ông cười và xoa đầu thằng bé. “Tối nay ông sẽ nói với cháu một bí mật, hãy hứa với ông là chúng ta sẽ cùng nhau giữ kín bí mật này nhé”. Thằng bé sung sướng nhìn ông rồi nhìn vào con chim xanh trên bàn tay nhỏ xíu của nó.

                                                                                                   L.T.N

Lê Tuệ Ngọc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 328

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground