Mối tình đầu thời con gái trẻ trung ấy tôi đã quên.
Nhưng người đi bộ thì làm sao có thể quên được cái gai nhọn bị lún sâu trong gan bàn chân. Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ bước đầu tiên đi bộ đó.
Con đường cát trắng loáng, bóng rộp. Cồn nọ nối cồn kia không bóng cây, đến cả cỏ cũng khô cháy. Nhưng cũng may có ngọn gió nồm mang hơi mát của biển thỉnh thoảng thổi nhoi lên làm ráo bớt mồ hôi một chút.
- Chị Trâm, chị để em mang dùm cho vài thứ.
- Cám ơn ! Tôi còn đủ sức. Cát lún mới khiếp chứ!
- Vâng. Cát này lùi trứng vịt vào cũng đủ chín đấy.
Sau đó chẳng ai nói gì thêm nữa.
Lẽ nào tôi đã từ chối anh ấy, nhưng số phận lại muốn thay anh ấy mà trả thù tôi. Nhưng nào có phải số phận gì đâu. Chính tôi tình nguyện vượt sáu trăm cây số, tìm về ngôi làng bé nhỏ này – làng Bàu Ngọt. Và nó kia, nó đang trước mặt.
- Chị Trâm, có chút bóng mát nghỉ tí chút đã chị.
- Cũng được. Cây hiếm quá!
- Chúng ta sẽ ở lại trong làng bao lâu, chị Trâm?
- Một tháng.
- Một tháng!
Vào cuối mùa hè năm ấy, tôi tròn tuổi hai mốt, vừa nhận bằng tốt nghiệp đại học. Tháng sau tôi về làm việc ở Viện Lịch sử ... Mới đấy mà đã mười lăm năm. Lẽ nào suốt mười lăm năm qua tôi cố tình quên anh ấy với một nỗi hờn giận rất trẻ con.
- Trâm, anh nhận được thư mẹ. Trong thư, mẹ bảo anh đưa em về quê…
Tôi không chờ anh nói hết câu, tôi hét bằng mọt giọng rên rỉ:
- Anh không cần phải nói nhiều. Tôi hiểu rồi. Tự anh, anh không quyết định được tình cảm của mình… Vâng. Anh nghe lời mẹ, anh muốn đưa tôi về quê để hai họ xem mặt. Để rồi tôi nói có sai không. Tôi xấu thế này, tôi vụng thế nọ, liệu anh còn vững vàng không. Thôi. Chấm hết nhé. Đủ rồi. Vĩnh biệt!
Tôi nói chưa dứt câu ấy, thì anh Chương Bí thư Đoàn trường bước vào. Anh Chương người cùng khu phố với tôi, tốt nghiệp đại học tổng hợp văn, được giữ lại trường làm công tác Đoàn. Anh Chương yêu tôi từ khi tôi còn học phổ thông, nhưng tôi không hề xúc động với anh ấy. Để trêu tức anh, tôi nói nhỏ cốt để anh tò mò:
- Anh Chương, anh lấy được vé xem phim rồi chứ!
Không chờ anh Chương trả lời, tôi nháy mắt với anh Chương rồi cùng khoác tay anh ấy bước ra khỏi phòng…
Tất nhiên mới chỉ dừng đến đó thôi, hẵn mọi chuyện chưa đến nỗi đổ vỡ lắm, nhưng tính tôi là vậy. Đã có dấu hiệu của sự đổ vỡ thì cho đổ vỡ luôn. Bởi thế, trong năm đầu tiên tôi chịu đựng chia ly thật nhẹ nhàng… Tôi quên, quên một cách dễ dàng … bằng cách đọc sách và im lặng.
Người đầu tiên xuất hiện trên động cát là một cô gái nước da bánh mật búi tóc cao sau gáy. Cô ta chừng chưa quá mười tám tuổi, có giọng nói trầm và nặng của người vùng biển. Và ký ức đã không đánh lừa được tôi. Tôi nhận ra trên gương mặt cô ta những đường nét có thân thuộc của anh ấy:
- Tên tôi là Trâm. Còn đây anh Trung
- Em tên Xấu.
Mặt cô gái đỏ bừng trước người lạ khi nói tên mình. Còn tôi nhói lên một nỗi đau mừng khó tả. Cô gái không hề xấu chút nào mà ngược lại nữa là khác. Nước da bánh mật của cô ánh lên cái màu nâu hấp dẫn, quyến rũ. Đôi mắt cũng màu nâu, và trên khóe môi hình tim mềm mại, đỏ chót, cơ hồ cũng pha chút ánh nâu kỳ ảo, đa cảm.
- Tiếc quá. Ngày mai anh trai em về phép. Còn không thì em rất muốn mời anh chị về với mẹ con em. Nhưng mà chưa chắc anh ấy về.
- Ngày mai anh trai cô về phép?
Cô gái không nhận ra giọng tôi, vẻ bình thản đáp:
- Vâng anh ấy về phép để cưới vợ.
- Thế à ? Chắc mẹ cô mừng lắm…
- Nhưng anh ấy lại còn không muốn cưới. À mà thôi. Thế này nhé, bây giờ anh chị cứ về ở tạm với mẹ con em hôm nay đã mà ở luôn cũng chẳng sao. Mẹ em quý khách lắm. Nhất là nghe chị nói giọng Hà Nội. Nhưng tối nay đến khuya mẹ mới về. Mẹ em đến chỗ nhà thông gia…
Tôi gật đầu nhận lời, như sợ cô gái chợt thay đổi. Dẫu sao cô gái cũng đã làm cho Trung thinh thích một cách dễ thương. Về đến nhà chưa đầy một tiếng đồng hồ, cô gái bê lên một mâm cơm khá ngon lành, có món canh cà chua nấu với đầu cá thu, một dĩa dưa hấu non chấm với loại mắm tôm đặc biệt…Trong lúc cô gái lúi húi dưới bếp với sự giúp đỡ của Trung, tôi tranh thủ ra giếng rửa ráy, giặt giũ áo xống đi đường bị bẩn. Từ ngoài giếng bước vào tôi bỗng đứng sững giữa nhà.. Mắt hoa lên, hai chân run run muốn quỵ xỉu. Trong một khung kính xinh xinh treo cạnh tấm Huân chương lao động hạng Ba là tấm ảnh đôi. Lẽ nào tôi không nhận ra cô gái trong ảnh chính là tôi thời trẻ. Tấm ảnh này tôi tặng anh ấy trong năm đầu tiên chúng tôi yêu nhau.
Tấm ảnh được chụp rất khéo nhưng vẫn có thể nhận ra đường gờ của hai tấm ảnh ghép lại với nhau. Mặt tôi tái nhợt đi vì xúc động. Mười lăm năm qua tôi đã có mặt trong gia đình này.
Sau bữa cơm. Theo đề nghị của Trung cô gái sẽ dẫn chúng tôi đến nhà bác trưởng công an khu vực. Trên suốt chặng đường đi, Trung quấn quýt lấy cô gái, làm cô gái tựa hồ có lúc đã bỏ rơi tôi. Tôi đi chậm sau họ một chút, lòng nặng trĩu nỗi xúc động ban chiều. Hẵn nhiên, điều đó sẽ xảy ra. Rồi đây không phải tôi trong tấm ảnh đôi ấy mà là một cô gái rất trẻ… Tấm ảnh sẽ bị hạ xuống và bị vứt vào một xó xỉnh nào đó anh ấy cũng không thèm biết đến. Những giọt nước mắt lăn xuống má tôi khi những nỗi niềm ích kỷ cứ trào dậy từ nơi sâu kín nhất, lâu nay bị vùi lấp và lãng quên.
Trên đường trở về nhà, đêm đã khuya, cô gái đi chậm lại chờ tôi:
- Lẽ ra chị nên ở nhà… Chị mệt lắm phải không?
- Cũng mệt một chút thôi.
- Thôi em kể chuyện này chị nghe là chị vui liền.Chuyện của anh trai em đấy mà. Anh ấy sẽ lấy chị bạn em. Chị ấy không đẹp nhưng giỏi giang lắm, bí thư phụ nữ xã… Mẹ em thì khoe quá trời. Mẹ em cứ bắt em ghi thư cho anh ấy. Chị không biết đấy. À, không biết chị có để ý nhìn bức hình chụp đôi treo ở nhà không ? Anh trai em đấy.Chị ngồi bên cạnh là người yêu của anh thời sinh viên.
Giọng cô gái chợt như bị sững lại một giây. Cô nhìn tôi với ánh mắt tìm kiếm, tò mò, nghi hoặc. Tôi hơi chột dạ, vờ bước nhanh lên một bước, miệng gọi Trung đi chậm lại. Con đường ngoằn nghèo trên cát lấp lánh ánh trăng. Biển ngoài kia dội vào tiếng sóng rì rầm. Gió biển càng về khuya càng mát rượi, khó có thể cưỡng lại cơn buồn ngủ nhất là đối với tôi sau gần một tuần đi đường mệt mỏi. Thế nhưng, hình như cơn buồn ngủ đã bị tôi xua đuổi tưởng có thể hàng thế kỷ rồi. Hai mắt tôi khô khốc với những cơn ngáp vặt chảy nước mắt …
Mười lăm năm bặt tin, khoảng cách giữa tôi và anh ấy bỗng dưng được cô gái kéo về, hé rõ cho tôi thấy rõ lòng mình hơn. Lẽ nào tôi lại không lường hết tình yêu của anh ấy dành cho tôi. Tình yêu xảy ra từ bao giờ tôi sẽ lần tìm ra, nhưng sự kết thúc lẽ nào lại bắt đầu từ đây?
Vì không thuyết phục được tôi về thăm mẹ, anh ấy đã chấp nhận dễ dàng một sự điều động công tác mới của Bộ. Nhưng mãi đến hai năm sau tôi mới biết sự thay đổi đó. Rời Hà Nội anh ấy lên ở hút trên Tây Bắc năm năm trời. Không một lá thư cho tôi và tôi cũng không một lá thư cho anh ấy. Tôi cố tình quên anh ấy và đã quên được ! Những năm tháng đó, tôi đọc được khá nhiều sách chuyên môn. Năng lực làm việc của tôi khá vững vàng, đầy hứa hẹn và tôi đã được sang Liên Xô nghiên cứu làm luận án Phó tiến sĩ.
Vâng. Tôi đã không nhớ gì cả. Đến kỷ niệm tôi cũng đã cố tình quên.
Lẽ nào bây giờ tôi mới kịp hiểu rằng bởi tại trong sâu thẳm lòng tôi, tôi không thể yêu ai khác ngoài anh ấy… Lẽ nào đã muộn rồi, tất cả! Khi ở Liên Xô về may mắn sao tôi đọc được một tài liệu nói về di tích khảo cổ Bàu Ngọt mới phát hiện.
- Anh Dũng, anh nhớ anh còn nói gì với em không?
- Em hỏi gì? Trâm?
- Anh chóng quên thật đấy!
Tôi hờn dỗi quay lưng về phía anh. Anh đang cầm cuốn sách trên tay, vội bỏ xuống, đến hôn nhẹ lên mái tóc cắt ngắn của tôi. Tôi quay lại nhìn thẳng vào mắt anh.
- Anh bảo anh có một bà cô, bà kỵ gì đó có một chiếc nhẫn thời đồ đá phải không?
- À. À. Anh quên. Này Trâm ạ, nếu em thích nghề khảo cổ thì em nên về làm việc ở Viện Bảo tàng. Để anh nhớ lại xem nào. Làng anh là làng Bàu Ngọt. Anh đã nói với em nhiều lần rồi, hồi còn bé tí ấy, sau một trận bão cát, tụi trẻ con bọn anh thường chạy khắp bãi này, cồn nọ để nhặt những thứ vớ vẫn để tặng bọn con gái hàng xóm làm đồ chơi…
- Anh có bao nhiêu cô em hàng xóm?
- Để anh kể đã nào. Tụi con gái làng anh tất đều mê tít anh như cái chong chóng. Em biết không, chiếc nhẫn thời đại đồ đá cũ đã nói với em đấy à? Anh sẽ làm nhẫn cưới cho em nhé! …
- Lúc nào anh cũng chỉ ỡm ờ. Anh còn nhớ không ? Năm ấy em mới vào trường. Vào buổi tối ấy, anh tự nhiên sục đến chơi với bọn con trai khoa địa chất, em cũng có mặt đêm ấy trong đám con gái. Anh là ông chúa tán dóc, anh bốc đồng, tự nhận làng Bàu Ngọt của anh, nếu đào cát lên thế nào cũng tìm thấy ít nhất hai chếc trống đồng hệ Ngọc Lũ. Còn nhẫn cưới thời đồ đá cũ thì có thừa để tặng các cô gái có mặt ở đây.
Lẽ nào bước chân đi bộ đầu tiên của tôi lại bắt đầu từ thuở sinh viên … ấy. Trên đôi chân đi bộ của mình, tôi đang bước những bước đầu tiên để tìm lại thời gian. Và phải chăng cũng có nghiã là tôi đang tìm lại tình yêu, mối tình mười lăm năm về trước.
Vừa về đến đầu ngõ, cô gái đã mừng rỡ reo lên, rồi thì thầm vào tai tôi:
- Mẹ em về rồi.
Bà cụ có đầu tóc trắng phau, với khuôn mặt phúc hậu. Tôi tìm ngay được nét mà anh ấy giống mẹ. Đó là đôi mắt lấp lánh những tia sáng nhân ái. Cụ hỏi tôi đủ thứ chuyện khi chỉ còn tôi và cụ ngồi lại, trên bộ phản gỗ láng lẫy. Trung đã nằm kềnh ngoài chiếc giường tre giữa sân trăng và chỉ một loáng sau đã cất tiếng ngáy. Còn cô gái thì loay hoay làm việc gì đó buồng trong. Cụ bà hỏi tôi nhiều chuyện, riêng tôi không dám hỏi gì cả. Vì tôi, tôi cảm thấy lo lắng trước sự nhạy cảm của bà cụ. Bởi bất kì bà mẹ nào cũng dễ dàng đoán được tình yêu của con trai mình dành cho ai nhiều nhất. Vả lại, đã mười lăm năm nay, bức ảnh của tôi kia, bà cụ không nhận ra, có nét gì đó còn giống tôi bây giờ.
Thực ra, tôi bây giờ chẳng khác bức ảnh là bao nhiêu, sự phát hiện này cũng làm tôi kinh ngạc cả chính mình. Tôi ngẩng nhìn lên bức ảnh.
Nhưng đã có một bàn tay vô hình nào đó gỡ bức ảnh đi. Nỗi đau đớn thầm kín dội lên gương mặt hao gầy, tái nhợt của tôi.
- Mời chị đi nghỉ. Trông chị như sắp xỉu đến nơi. Xấu, con ơi… con thu xếp giường chiếu chưa?
- Rồi mẹ ạ.
Cô gái bước ra với bộ đồ ngủ bằng vải hoa mềm mại, nhã nhặn
Đã quá mười hai giờ tôi vẫn không ngủ được
*
* *
Tôi trở dậy bước ra sân.
Không hiểu sao tôi lại linh cảm một điều gì đó thật lớn lao sẽ xảy ra trong ngày mai. Điều gì ? Tôi hướng ý nghĩ đến những dự định công việc sẽ làm. Với sự giúp đỡ của Trung, sang đầu tuần sau Trung sẽ về Huế dẫn một đoàn sinh viên năm thứ tư – khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Huế đi thực tế khai quật di chỉ Bàu Ngọt dưới sự hướng dẫn chuyên môn của tôi. Như vậy, trong tuần tới công việc của chúng tôi khá vất vả “vạn sự khởi đầu nan”. Tôi đang dự đoán ở đợt khai quật di chỉ này có thể tìm thấy một loạt trống đồng mới, cùng hệ với loại trống đồng Ngọc Lũ…
Nhưng sự tập trung của tôi vào công việc chẳng mấy chốc bị tiêu ma, mà tôi cố đè bẹp những ngọn nguồn tình cảm sâu kín trong lòng mình như thế để làm gì? Tôi không ngủ được vì những lo lắng công việc chỉ là phần nhỏ thôi…
Bất kỳ ai trong hoàn cảnh của tôi đều cảm thấy bất hạnh.
Sau khi tôi vào giường ngủ, ở phòng ngoài, giữa mẹ anh ấy và cô gái xảy ra sự to tiếng. Lúc đầu tôi tưởng bà cụ không bằng lòng với con gái đã tự tiện đưa chúng tôi về trong nhà. Dẫu sao tôi cũng có lỗi khi nhận lời cô gái. Nhưng làm sao tôi có thể từ chối được. Tôi nằm úp mặt vào phía trong như cố tránh tò mò nghe chuyện của họ. Tuy nghĩ như thế nhưng tai tôi vẫn cứ dỏng lên.
- Để rồi mẹ xem. Nếu mai anh Dũng về, anh không làm to chuyện với con thì con quỳ xuống cát cho mẹ đánh năm roi.
- Kệ anh em chúng mày. Tao không biết. Tao cần cưới vợ cho nó
- Thế nhưng chị Hường đã trông thấy bức hình ấy rồi….
- Thấy với chả thấy. Cứ trứng khôn hơn vịt….
- Không ! Mẹ ạ. Mẹ cho phép con cứ treo lên. Ngày mai anh Dũng về nếu anh thấy cần thiết gỡ đi thì để tự tay anh ấy làm việc đó…
Tiếng cô gái nói nghẹn lại từng lời, gần như khóc.
- Kệ anh em chúng mày. Chưng bức ảnh lên mười lăm năm nay đủ rồi. Năm nào thằng Dũng cũng viết thư về lần lữa với tao rằng sẽ đem con bé về. Tao già rồi. Tao kề lỗ miệng rồi. Tao không chờ nữa. Tao phải cưới vợ cho anh mày…
Tôi ngồi bật dậy, hai mắt cay xè. Tôi nén tiếng thổn thức, cố không để bật ra khỏi lồng ngực. Vừa lúc ấy cô gái bước đi những bước hờn dỗi, bước đến leo lên giường. May sao tôi đã kịp nằm khẽ xuống, sát vào phía trong. Cô gái đặt lưng xuống chừng vài phút đã ngủ ngon lành như một đứa trẻ sau cơn hờn dỗi mẹ.
Trăng sáng đầy cả một sân cát.
Cây lựu bên lối vào đứng im phắc, một vài bông đỏ muộn màng dưới ánh trăng ngời như những ngọn lửa hư ảo. Những hy vọng mơ hồ thức cháy âm ỉ trong hồn tôi. Tôi cúi nhặt một cánh bông lựu vò nát. Chưa bao giờ trong đời tôi có một hành động nhẫn tâm như vậy đối với hoa, dù chỉ là một cánh hoa héo. Sau sự vò nát đó, tôi tự thầm nguyền rủa mình, tưởng như quanh quất đâu trong vườn có một đôi mắt tò mò đang theo dõi lên án tôi. Mà hình như khi thức dậy, bước ra sân tôi nghe Trung trở mình…
- Ngày mai gì sẽ xảy ra?
Ngày mai tốt hơn hết, tôi phải bàn với Trung hoãn lại tất cả. Ngày mai tôi với Trung sẽ vào Huế, và từ Huế tôi sẽ tìm lý do để trở ra Hà Nội…
Dù can đảm đến mấy, tôi cũng không thể đủ sức chịu đựng, để chứng kiến, bắt đầu từ ngày mai khi anh ấy bước chân về nhà, hạnh phúc của anh ấy xảy ra. Anh ấy với đám cưới. Anh ấy với tuần trăng mật … Còn với tôi, nếu ở lại, có lẽ bắt đầu suốt ngày giam mình ngoài hố cát, để tìm lượm những mảnh sành, mảnh sứ, từ vòng nhẫn đá, từng lưỡi rìu đá với niên đại của chúng.
Thực ra khi rời Hà Nội, tình huống này tôi đâu có ngờ tới. Công trình khảo cứu di chỉ Bàu Ngọt là toàn bộ sự nghiệp khoa học của tôi, lẽ nào, vì hoàn cảnh éo le này mà tôi bỏ cuộc trốn chạy?
Sáng ra, trong lúc rửa mặt, ngôi bên chậu nước trong vắt ở thềm giếng, tôi đưa mắt nhìn lên gốc cây lựu. Một mảnh sành từ dưới cát lún trồi lên làm tôi để ý vội đứng dậy bước băng tới cây lựu nhặt lên: hai tay tôi run run. Mảnh sành bị cát bào làm mờ đi những nét hoa văn. Thấy tôi đứng sững với mảnh sảnh trên tay. Cô gái nói, giọng như pha lẫn với tiếng cười thích thú.
- Chị làm gì với mảnh sành ấy, chị Trâm ?
- A, chị cần nó.
- Chị cần à? Em chỉ cho chị chỗ này này…
- Khối thứ đẹp hơn
- Đâu?
Cô gái chỉ cho tôi phía sau chum nước một đống những mảnh sành. Tôi có cảm tưởng mình đột nhiên thành một nhà tỉ phú đồ cổ và chỉ một loáng sau, Trung cũng xúm tới. Hai chúng tôi rối rít hấp tấp trao đổi, nâng niu từng mảnh sành một để ghi ký hiệu và tìm cách ghép mảnh này với mảnh nọ xem nó ở trong hình dáng này hay hình dáng nào, đã sinh ra chúng từ thời cổ ấy …
Cuối cùng Trung ghé vào tai tôi thì thầm:
- Thế nào chị Trâm? Tôi có cảm giác là chúng ta đã bắt đầu công việc rồi. Chị có thay đổi ý kiến không?
- Thay đổi là sao?
- Thế chị quên là chị đã thức em dậy sớm với kế hoạch gì rồi à?
Tôi ngớ người ra
- Vâng. Tôi đã gọi Trung dậy và bàn sơ với anh ta kế hoạch trở về Huế, tôi sẽ ra Hà Nội…
- Vâng, nhưng …
- Đấy, chị thấy chưa, chúng ta chưa bắt đầu mà đã có bao nhiêu hiện vật rồi đây này. Mà sao chị định thay đổi kế hoạch?
Để tránh câu trả lời Trung, tôi hỏi:
- À, cô Xấu đâu rồi nhỉ? Không biết chỗ mảnh sành này cô lượm ở đâu.
Bà cụ đang giặc giũ ở thềm giếng đỡ lời:
- Em Xấu đi lên ga rồi. Chị hỏi chỗ vỏ sành đấy hở?
Trung nhanh nhẹn đáp:
- Vâng ạ. Chỗ sành này bác ạ.Thế em Xấu lên ga rồi hở bác?
- Tôi sai đi đón anh trai nó về phép. Chả là hôm nay anh nó đi tàu Huế …
- Cháu có nghe cô ấy nói. Có phải bác đang chuẩn bị cưới vợ cho con trai không?
- Anh con trai tôi đến bốn mươi tuổi đầu rồi mà còn chưa chịu lấy vợ đấy chú Trung ạ. Thế còn chú?
- Cháu hai vợ rồi!
- Con trai tôi mười mấy năm trước đây, anh ấy cũng trả lời với tôi bằng cái giọng lấp liếm ấy.
- Lần này, nếu … nếu mà chị Trâm cho cháu mượn một vài cái nhẫn cưới niên đại đồ đá cũ, thế nào cháu cũng dành một chiếc để tặng cô Đẹp …
Tôi bước vào nhà nhưng tai tôi cứ dỏng lên để nghe.Tính tò mò là thứ bệnh nấm dễ lây, làm tàn úa tâm hồn lúc nào không hay. Biết vậy, nhưng tôi không thể tránh được. Nếu anh ấy về hôm nay, thì rõ ràng không thể khác, tôi phải ra đi. Tôi phải bỏ cuộc, tôi không đủ dũng cảm để đối mặt với hạnh phúc của anh ấy. Cái hạnh phúc mà tôi đã chối bỏ và đã lãng quên.
Trong lúc Trung còn đứng ngoài sân để hỏi han bà cụ tôi vội thu xếp hành lý. Nhưng có thu xếp gì đâu. Hành lý hôm qua vừa đặt xuống vẫn còn nguyên thế kia. Lẽ ra, ít nhất là để nguyên thế, rồi nhét các thứ vặt vãnh khác vào, thì tôi lại lôi hết thứ này, thứ nọ ra.
- Chị Trâm, chị tìm gì dữ vậy. Đi thôi chị. Bà cụ chỉ cho em chỗ động Lời phía sau làng có nhiều mảnh sành như thế này lắm.
- Có xa không?
- Gần thôi. Ngày xưa bà cụ ở ngoài đó
- Thế hử. Nhưng mà …
- Sao? Chị tìm gì?
- Tôi chóng mặt quá anh Trung ạ.
- Chết. Thế mà chị cứ làm ra bộ khoẻ. Để em, quyết định mọi việc thế này. Sáng nay, chị cứ ở nhà nghỉ ngơi cho lại sức, một mình em đến đó cũng được. Chị đồng ý chứ, chiều ta sẽ bàn tiếp.
- Không! Tôi nghĩ rằng chúng ta ở lại nhà bà cụ trong những ngày tới không tiện đâu, mà thực lòng tôi thấy khó xử quá.
- Có gì đâu mà anh chị ngại… Chúng tôi chỉ có hai mẹ con
Hình như bà cụ đã nghe hết sự trao đổi giữa tôi và Trung
- Đã đến ở rồi mà đi là không được đâu, phải không chú Trung? Tôi sắp xếp cho chú Trung ở phòng lồi kia. Còn chị Trâm, chị làm việc ngoài đó, tối lại ngủ với em Xấu…
- Dạ vâng. Cám ơn bác. Chúng con …
- Không “chúng con” gì hết chị Trâm ạ. Con trai tôi về mà biết khách vừa bước ra khỏi nhà là nó trách tôi hẹp lòng.
Tình thế đã thế, tôi đành im lặng. Sau này mỗi lần nhớ lại, tôi khó lòng tin rằng tính tình mình bỗng chốc ươn hèn thiếu quả quyết đến mức tâm thần như vậy.
Ban đêm thường dung túng cho ta nhiều chổ ẩn nấp và đồng tình với ta thực hiện những cuộc trốn chạy, tưởng có thể cứu vớt, thoát khỏi những bi kịch. Suốt đêm hôm qua tôi thức trắng là thế, mà sáng nay, mắt vừa phát hiện ra mảnh sành, tôi tưởng đã quên phắt hết mọi sự.
Nhưng tại sao tôi cứ phải khăng khăng muốn trốn chạy chính hạnh phúc của anh ấy nhỉ? Chả có lúc chợt nghĩ tới, tôi cầu chúc anh tìm được hạnh phúc trong cuộc đời... Bây giờ hạnh phúc đến với anh quá muộn, trong đó có một phần lỗi của tôi… Anh đã không quên tình yêu của tôi…
Còn tôi có xứng đáng với tình yêu ấy của anh không ?
Số phận đã dành cho tôi một hạnh phúc quá lớn lao, nếu công trình khảo cứu Bàu Ngọt thành công. Vâng, đúng thế. Tên tôi ít nhất cũng được người làng anh nhớ tới và trong câu chuyện của họ, anh sẽ đo được rằng tôi yêu quê anh xiết bao
Tôi phải can đảm để trả giá cho một lời từ chối nông nổi.
Còn lại một mình tôi nằm ghé xuống giường trong giây lát nhưng rồi thiếp ngủ lúc nào không hay. Tôi bị đánh thức bởi tiếng thì thầm trò chuyện của hai người. Tôi nhận ra ngay giọng nói trầm, nặng của cô Xấu. Còn một giọng khác thì cao hơn và đặc biệt rất trong.
- Hường ! Chị Hường ! Lúc khuya em và mẹ cãi nhau về chuyện bức ảnh đó.
- Xấu bảo gì ?
- Mẹ em gỡ bức ảnh xuống. Em lại nói với mẹ cứ để vậy. Sáng nay em mới treo lên chỗ cũ. Cứ để tự tay anh gỡ xuống. Em nghĩ thế.
- Vâng.
- Mẹ tin rằng, nếu cứ để bức ảnh kia trước mắt thì đời nào anh ấy chịu lấy vợ.
- Anh ấy trễ chuyến tàu sớm nay à?
- Có lẽ như vậy. Em chạy nháo nhác cả hai cổng để đón mà chị.
Sau đó là im lặng. Tôi phải khổ sở để thắng được cơn bệnh tò mò. Muốn biết mặt cô gái có tên là Hường, đang nói chuyện với cô Xấu. Anh ấy lỡ chuyến tàu, có nghĩa là anh ấy lỡ chuyến tàu từ Tây Bắc về Hà Nội, lỡ chuyến tàu từ Hà Nội vào Huế - Bàu Ngọt….
Cũng có nghĩa là thêm một lần nữa, anh ấy lại nhỡ chuyến tàu “hạnh phúc’.
Khi họ tiễn nhau ra ngõ, tôi vội vén tấm màn cửa sổ và nhìn thoáng được dáng dấp cô gái từ phía sau lưng. Đây là một cô gái dáng thon, mảnh với mớ tóc dài thả đến quá tà áo.
Đến ngày chủ nhật
Hôm nay một mình Trung vào Huế dẫn đoàn sinh viên thực tập ra. Công việc đang ở giai đoạn căng thẳng nhưng hấp dẫn, hứa hẹn nhiều thành công. Chỗ động cát Lời ấy, sau ba ngày khảo cứu, xác định toạ độ hố khai quật chúng tôi bước đầu đã tìm được khá nhiều di vật quý báu. Hôm qua, chỉ khẻ nhẹ cát một chút, tôi đã phát hiện có một nửa vành khuyên bằng đất sét nung khá đẹp.
Khó khăn của việc khai quật hố di chỉ là những đợt gió tây
Buổi sáng chủ nhật, tôi ngồi đọc các tài liệu mang từ Hà Nội vào để tìm những luận cứ thẩm định sơ bộ một vài mảnh sành quý. Dẫu sao, rời mắt khỏi trang giấy mắt tôi lại bắt gặp ánh mắt trẻ trung của anh ấy, thời yêu nhau từ trên bức ảnh.
Hình như bà cụ không còn quan tâm đến bức ảnh, bởi sự tuyệt vọng về tin tức con trai. Mấy hôm nay, biết chắc là anh ấy không về, lòng tôi nửa mừng nửa tuyệt vọng không kém bà cụ. Tôi cảm thấy mình tuyệt vọng là nhiều hơn. Nhưng thường riêng tôi vẫn tìm thấy sự yên tĩnh tuyệt đối trong nỗi cô đơn. Còn nếu là vui hoặc đang hạnh phúc chẳng hạn, tôi biết mình sẽ chẳng làm được gì nhẫn nại cả.
Sự tuyệt vọng ngấm ngầm hừng đỏ trong tôi như một hòn than trước gió mỗi khi chỉ còn có một mình. Suốt ngày hôm nay tôi phải giữ nhà một mình. Bà cụ sang làng bên để phơi cá khô. Cô Xấu hôm nay đi làm ở lại trên xưởng làm nước mắm của xã.
Chỉ mới tới đây hơn một tuần, mọi sinh hoạt đời sống làm ăn của cái làng nhỏ bé này tôi gần như biết hết. Còn bà con chòm xóm trong làng thì lại rất lý thú khi tìm kiếm những mảnh sành khoe là mới nhặt được đâu đó.
Đặc biệt trong làng, tôi tìm thấy một bà cụ ngoài chín mươi, người nhỏ thó nhưng da dẻ căng chắc, nâu óng, biết và nhớ khá nhiều chuyện cổ của vùng này. Trong quan hệ họ hàng, bà cụ là bà cô ruột của mẹ Dũng.
Bà cụ thường bảo cháu dắt đến trò chuyện với tôi lúc về chiều
Hôm nay, hai bà cháu phá lệ đến thăm tôi sớm hơn mọi khi. Cụ lên tiếng từ ngoài ngõ
- Chào chị Trâm. Chị có nhà không hay ra ngoài bãi Lời rồi?
- Thưa cụ, cháu có nhà ạ.
Tôi bước xuống thềm đỡ cụ lên, ngồi ở bức ngựa gỗ. Cụ bắt đầu móm mém kể:
- Chị cất cái vòng nhẫn hôm qua cháu bé mang tới cho rồi chứ?
- Vâng ạ. Cháu cất kỹ lắm. Vật quý lắm đấy cụ ạ.
- Phải rồi. Chị biết quý thế là tôi cảm động lắm. Tôi đã giữ nó, chị biết bao lâu không? Dạo bom ném xuống cát tôi tưởng làm mất nó rồi chị ạ. Nói có trời phật hãy thương ông lão nhà tôi ở trên chín tầng mây, chứ đây là chiếc nhẫn của bà cụ sinh thành ra ông lão. Đúng là như thế, chứ sao tôi lại không nhớ được. Đàn bà búi tóc xứ này từ thuở xưa xóc, quý nhẫn đá hơn nhẫn vàng. Mà từ xưa xóc hơn nữa, bàn tay mười ngón, ngón nào cũng như nhau, chứ có ngón nào thì được đeo nhẫn ngón nào thì không đâu. Rõ chưa chị. Phải. Xưa xóc hơn nữa, các ông bà lão tổ tiên ấy, nung đất lên làm nhẫn. Trong dòng họ nhà tôi, có thằng cháu Dũng là cũng như tôi, như chị, nó biết quý chiếc nhẫn ấy lắm. Nó cứ năn nỉ tôi mãi. Nó bảo rằng khi nào xin được chiếc nhẫn, nó mới chịu lấy vợ đó chị à. Tôi ừ hử với nò rồi, nhưng nó đã phụ lòng tôi…
Khi chào ra về bà cụ còn dừng chân bên gốc lựu rồi chỉ cho tôi:
- Khi xưa xóc lắm, ở chỗ này đây có một con suối nó sinh thành con nước cho Bàu Ngọc đó chị…
Bà vừa khuất sau xóm, tôi bỗng nhiên muốn đi dạo về phía bàu nước ngọt. Bàu nước nằm dưới chân động cát Lời, bao phía sau lưng làng, cách biển là một lườn cáy thoai thoải như một bờ đê chắn. Đứng từ trên động cát nhìn xuống, cứ tưởng đó là một khúc sông chưa kịp tới biển bị ngưng động lại. Theo lời kể của bà lão: Hồ Bàu Ngọt, tương truyền không đáy, ăn thông ra với biển. Tôi men theo mép hồ tìm đến một ngôi miếu Vỏ Trấu.
Có người từ bên kia mép hồ tiến về phía tôi. Không phải người trong làng này, mà cũng không phải là Trung. Lẽ nào Trung từ Huế trở ra nhanh thế. Người ấy đi nhanh lắm và có vẻ hấp tấp làm sao ấy. Có lúc gần như muốn chạy bổ về phía tôi mới kỳ lạ chứ !
Ai vậy?
Giữa bàu nước hoang vắng và chiều đã xuống muộn này, tôi cảm thấy lo lắng vô cùng. Ai mà biết được gì sẽ xảy ra. Từ phía sau lưng miếu, tôi đi vòng ra phía mép hồ.
Khi còn lại một quãng ngắn, người kia bước chậm lại, gương mặt đỏ gay và đứng sững trước tôi:
- Em không nhận ra anh à Trâm ?
- Anh …
- Anh biết mà, thế nào em cũng tự tìm về quê anh…Tôi bàng hoàng, hai chân run run, lún dần vào mép cát xâm xấp nước.
- Dở những tài liệu để trên bàn, anh nhận ra nét chữ của em. Anh chạy tìm em khắp các bãi cát.
- Anh về lúc nào?
Giọng tôi run bắn, nghẹn ngào. Anh ấy làm một cử chỉ muốn kéo tôi về phía anh, với vẻ lúng túng tội nghiệp.
- Chiều nay, cách đây hai giờ. Tuần vừa rồi anh ở Huế…
- Mẹ chờ anh…
Tôi chưa nói hết câu, anh đã gắn lên môi tôi một chiếc hôn ráp bụi đường. Với hai bàn tay lấm cát của anh, làm bay ngược mái tóc phi dê của tôi. Rồi chúng tôi im lặng bên nhau. Tôi ngượng nghịu bởi chợt nhớ, có những tờ giấy nháp tôi ghi lung tung, trong đó có những câu vô nghĩa: “Anh Dũng, em yêu anh” “mười lăm năm nay” “em chỉ yêu anh”. “Mẹ sắp cưới vợ cho anh” … và có trời mới nhớ hết tôi còn viết những gì….
- Em về đây đã ra biển lần nào chưa?
- Em bận quá …
- Anh đưa em ra biển ngay bây giờ nhé!
Chúng tôi đi lặng lẽ
Trái đất tròn là thế hay sao? Mười lăm năm bây giờ chúng tôi đi bên nhau, mới mẻ, ngỡ ngàng như thuở ban đầu. Biển đã nhô lên dưới chân động cát xanh ngăn ngắt rì rào. Như thể biển nói hộ nỗi niềm của tôi muốn giải bày cũng anh ấy và anh ấy cũng giãi bày với tôi.
L.T.M.