M |
ười tám năm trước đây, tại Hà Nội, tôi và anh Chung gặp nhau lần đầu. Ngày ấy anh là một đại đội trưởng từng chỉ huy nhiều trận đánh có tiếng ở chiến trường Quảng Trị, sau tham gia chiến dịch Huế - Đà Nẵng, bị thương ra Bắc điều trị rồi vào Học viện. Ngày ấy tôi gặp anh thì anh đã có vợ. Vợ anh - một cô gái Hà Nội - con một vị tướng ở Bộ Tổng tham mưu. Chị là bác sĩ ở một Viện quân y lớn của quân đội. Có lẽ anh là thương binh, chị là bác sĩ, được gần gũi nhau, nên từ đó họ nên vợ nên chồng. Mặc dù anh Chung chưa một lần kể, nhưng vốn tình tò mò, tôi vẫn mang máng như thế. Anh chị đã có một cháu trai gần hai tuổi, đặt tên Hà Quảng. Nhiều lần nghe anh gọi tên con, tôi chợt liên tưởng đến một địa danh nào đó như là ở Cao Bằng, Lạng Sơn mà chưa một lần tôi được đặt chân đến. Việc này thì không đợi tôi hỏi, tự nhiên anh giải thích: “Hà là Hà Nội, Quảng là Quảng Trị, đặt như thế để tên cháu có ý nghĩa hai quê nội - ngoại”. Cũng cần nói thêm: Do biết anh là người Quảng Trị, lại là người Triệu Phong cùng huyện với tôi nên hàng ngày, sau giờ học, tôi thường tìm đến anh, dần dần thân nhau, sau này trở thành đôi bạn đồng hương tri kỷ. Những ngày chủ nhật, anh hay rủ tôi về nhà riêng ở một phố nhỏ gần cầu Long Biên. Đến đây, tôi được gặp vợ anh. Vốn là người đàn ông gần “ba chục xuân xanh” chưa vợ, lại sẵn tính kén chuyện chọn bạn đời, ưa bình phẩm, so sánh, nên lần đầu gặp chị, tôi thấy vợ chồng anh Chung bề ngoài có vẻ chông chênh không cân đối. Anh thì thật trẻ, điển trai, mà chị Dung, vợ anh không đẹp, nếu không muốn nói là có phần xấu và nhìn kỹ chị có vẻ già hơn anh nhiều. Nhưng bù lại, chị có giọng nói rất dễ thương, rất phổ thông, rất Hà Nội, kèm theo nụ cười lúc nào cũng có sẵn trên môi. Chính vì cái giọng nói và nụ cười ấy mà rất nhiều lần tôi không thể khước từ những bữa cơm “có gì ăn nấy” như chị thường bảo.
Những lần về nhà với anh, tôi để ý thấy chị Dung quả là một phụ nữ chiều chồng. Từ cử chỉ, ánh mắt, tiếng nói, đến cái khăn len mới mua, chậu nước hâm nóng để anh rửa mặt, rồi gói thuốc, lạng chè,… tất cả, tất cả chỉ chợt thoáng qua, cũng đủ để chứng minh sự quan tâm của chị đối với anh và hạnh phúc của hai người.
Sau những bữa cơm “có gì ăn nấy” tôi và anh Chung vào bàn uống nước, ngã người ra ghế tán đủ chuyện trên đời. Có lúc khoái quá, cả hai cùng cười ha hả. Cũng có khi câu chuyện trở nên cảm động, trang nghiêm, ấy là khi chúng tôi nhắc đến quê hương với sông Bến Hải, căn cứ Ái Tử, Thành cổ Quảng Trị... Mỗi lần như thế tôi thấy anh Chung trầm hẳn lại, phảng phất buồn. Tôi không hiểu tâm trạng đó ở anh. Bởi không hiểu nên tôi thầm gán luôn cho anh tâm trạng của tôi lúc bấy giờ là nhớ gia đình, nhớ quê hương, mồ mã cha mẹ, ông bà… Một hôm, nhân lúc chị Dung vắng nhà, cũng những câu chuyện quê hương, anh Chung buồn rầu nói với tôi:
- Anh Nam ạ! Không nhắc đến Quảng Trị thì thôi, chứ nhắc đến thì tôi lại nhớ cô ấy qúa. Càng nhớ cô ấy bao nhiêu tôi lại càng thầm trách mình bấy nhiêu.
Tôi nhìn anh ngạc nhiên và thốt lên: - Hèn chi tôi cứ thấy anh rầu rầu. Mà sao thế? Anh nhớ cô nào và tại sao lại tự trách mình?
- Anh Chung không trả lời, đứng dậy đi vào mở tủ, đem ra một cuốn an bum, giở lia lịa mấy trang rồi chìa cho tôi xem tấm ảnh.
- Cô ấy đây, anh nói giọng nghèn nghẹn.
Nhìn bức ảnh, mới chỉ lướt qua, tôi đã tái mặt, hai thái dương nóng bừng lên, định kêu to: “Kiều” nhưng kịp kiềm chế, định thần lại và gắng giữ cho vẻ mặt thật bình thường. Anh Chung hoàn toàn không hay biết gì về trạng thái đó ở tôi. Tôi chỉ việc ngắm kỹ bức ảnh lại một lần nữa. Bức ảnh cỡ sáu nhân chín trắng đen, mấy chổ đã ố vàng vẫn rõ hình một cô gái trẻ mặc bộ đồ bà ba đen, đầu đội mũ tai bèo, vai khoác khẩu AK nòng chúc xuống đất đang đứng cạnh một gốc cây to. Đúng là Kiều rồi. Đúng là cô xã đội phó một thời tôi gặp và cùng chung chiến hào ở quê hương, cũng là nguời có họ xa với bên ngoại tôi. Trong khi tôi đang mơ màng về cô xã đội phó xinh đẹp, dũng cảm năm xưa thì tiếng anh Chung thủ thỉ bên tai:
- Cô ấy đấy. Người yêu năm xưa của tôi đấy. Chuyện là thế này…
***
Tôi được cấp trên gọi đến giao nhiệm vụ mới, một nhiệm vụ ngoài sự tưởng tượng và mong ước của tôi. Anh có biết việc gì không? Đó là ngay trong đêm, tôi phải một mình vượt sông Thạch Hãn đột nhập vào Mẫn Nam, bắt liên lạc với các đơn vị du kích và quân báo, ở đó với họ một thời gian gây dựng cơ sở và quan trọng hơn là nắm tình hình các vùng lân cận, khi có lệnh trở ra báo cáo. Mẫn Nam là một vùng rộng lớn đang trong tình trạng tranh chấp giữa ta và địch, gần quê tôi nên được trở lại đó, tôi sẽ có cơ may gặp lại bà con, cô bác làng tôi, trong đó có đứa em gái mà đã lâu tôi chưa gặp lại.
Đêm đó một đêm tháng mười một, không trăng sao, âm u, khí trời lạnh buốt. Tôi cùng hai đồng chí đi ra bờ sông, chỗ đã quy định. Sau khi cho áo quần, vũ khí vào bọc ni lông, bắt tay đồng đội, tôi bắt đầu bước xuống ngụp mình trong nước, nhắm bóng cây si bên bờ Nam, nơi có người của ta đón đợi, bơi ra. Lạnh. Cảm giác đầu tiên là lạnh, cảm giác sau đó cũng là lạnh. Lạnh buốt khắp người. Có lẽ trong đời tôi chưa bao giờ thấy lạnh như thế. Ra đến giữa dòng thì cảm giác đó vơi dần, âm ấm trở lại, bây giờ là việc làm sao bơi thật nhanh, thật nhẹ nhàng, thật bí mật để tiếp cận bờ một cách an toàn mà không lọt mắt bọn lính có thể tuần tra đâu đó. Rồi lo lắng ấy cũng qua đi. Chân tôi vừa chạm đất thì việc đầu tiên là tôi thọc tay vào bọc ni lông lôi khẩu K54 cầm tay. Tôi bước lên bờ, dừng lại cạnh một bờ cây lúp xúp đơn chiếc giữa một khoảng trống mênh mông, cách gốc si chừng năm chục mét mặc vội áo quần. Khi tôi vừa gài xong hạt cúc cuối cùng thì bỗng lố nhố trước mặt không xa một tốp người đang lầm lũi đi về hướng tôi. Tôi phát hiện được là nhờ mùi thuốc Salem theo gió thoảng tới “Lính đi tuần!” Tôi chỉ kịp thầm kêu ba tiếng ấy rồi xoay người qua bụi cây chĩa súng về phía trước. Bọn lính vẫn lừng lững đi tới, không một tiếng động. Hai mươi mét … mười lăm mét … rồi mười mét … Gay rồi ! Tình huống này thì chỉ còn một cách là nổ súng nữa mà thôi. Sau đó một là hy sinh và hai nữa là may mắn chạy thoát. Trong khi tôi đang loay hoay tính toán chưa biết xoay xở ra sao cho có lợi và ngón tay trong cò súng cứ co dần lại thì từ sau lưng bọn lính bỗng “cạch” một cái – tức thì bọn lính nằm bẹp cả xuống. một phút trôi qua, chúng nhổm ngay dậy và vẫn không một tiếng động quay cả lại chỗ có vật gì vừa rơi. Lợi dụng tích tắc ấy tôi chuồi người ra khỏi bụi cây, bò lẹ như con rắn qua khoảng trống rồi lăn người xuống một hố pháo. Sau lưng tôi, tiếng một tên lính nói rất khẽ khàng nhưng cũng đủ để tôi nghe:
- Đi thôi tụi bay, chắc là chuột chạy vấp phải vỏ đồ hộp đó mà.
Tôi đâm sầm vào một gốc cây to. Một bàn tay cầm mảnh vải trắng vẫy vẫy. Nhận đúng mật hiệu, tôi bước tới. Một cô giao liên hiện ra. Không nói với tôi một lời cô quay ngoắt bước đi, vẫy tôi đi theo. Tôi bước thấp bước cao theo cô. Dù đã cố đi thật nhanh tôi vẫn không thể theo kịp cái bóng nho nhỏ, thương thương của cô. Thỉnh thoảng cô phải đứng lại đợi tôi và vẫn không nói một câu. Chừng nửa giờ sau, đến một con hào, cô giao liên dừng lại rồi ngồi xuống. Tôi cũng dừng lại theo và ngồi xuống cạnh cô. Tuy đã cố nén tôi vẫn không ngăn được những tiếng thở hắt ra do chưa hết hồi hộp sau cái tình huống éo le vừa qua. Tiếng cô giao liên như gió thoảng bên tai tôi:
- Cũng may mà anh lên bờ nhanh, chứ chậm một chút nữa là rắc rối to. Em đã phát hiện tụi nó từ xa, đã tưởng cho chúng một trái lựu đạn
Tôi nuốt từng lời cô tỏ ý cảm phục.
- Đồng chí tài quá, xử lý nhanh quá! Nếu đồng chí không kịp thời xử lý bằng việc ném cục đá đánh lạc hướng chúng thì thật tình không biết chuyện gì sẽ xảy ra giữa tôi và bọn lính đi tuần.
Tiếng cô giao liên vẫn thủ thỉ rất dễ thương:
- Tụi thám báo vẫn tiền tiễu dọc bờ sông suốt đêm. Không bao giờ chúng bấm đèn pin hoặc mở miệng nói với nhau. Tụi này ranh ma lắm. Không cẩn thận không được đâu.
Đêm tối quá! Từ đây đến sáng cũng phải ba bốn tiếng nữa. Tôi cố mở to mắt mong nhìn thấy mặt cô giao liên, nhưng ông trời đã không chiều lòng tôi. Không biết sao lúc ấy tôi cứ hầm hực mãi chuyện không đâu ấy. Dẫn tôi đi chừng vài chục phút nữa, cô giao liên “bàn giao” tôi cho mấy đồng chí du kích đón đợi ở đầu đường chỗ lối rẽ vào Mẫn Nam rồi một mình cô rẽ sang hướng khác. Khi chia tay cô dúi vào tay tôi một quả cam và vẫn giọng dễ thương quen thuộc:
- Anh ăn tạm cho đỡ mệt. Em phải đi đây. Hẹn ngày mai gặp lại nghe anh.
Rồi cô đi. Mảnh dù xanh trên vai bay theo chiều gió, dưới vai cộm lên nòng súng AK. Tôi nhìn theo, chỉ muốn chạy theo nói với cô một lời cảm ơn – người con gái quê hương mà tôi chưa nhìn thấy mặt và chưa kịp biết tên gì.
Im lặng một lát, anh Chung kể tiếp:
Tôi ở Mẫn Nam chưa đầy ba tháng, một thời gian ngắn ngủi mà biết bao là gian truân và ác liệt. Anh Nam ạ! Tôi nói thế này khồng biết có đúng không: Nếu như Quảng Trị là chiến trường được xem là các liệt nhất miền Nam thì Mẫn Nam phải là các liệt nhất của Quảng Trị và của Triệu Phong. Nơi đây không ngày nào là không đụng độ với quân ngụy. Anh biết không, bộ đội và du kích không quá một đại đội mà Mẫn Nam dám đương đầu với cả một tiểu đoàn chủ lực ngụy được trang bị hiện đại, bẻ gảy chúng, trụ vững. Và, tại đây, tôi đã gặp Kiều - chính cô giao liên dẫn đường đêm nào – một nữ du kích xinh đẹp, dịu hiền nhưng đã nổi danh là cực kỳ dũng cảm. Năm ấy, Kiều vừa tròn hai mươi tổi, là con gái duy nhất của một cán bộ tập kết ra Bắc, mẹ mất trong một trận càn của địch khi Kiều mới mười hai tuổi. Cô lớn lên trong sự cưu mang và tình thương của bà con xóm làng. Năm mười sáu tuổi, Kiều xin vào du kích, làm liên lạc, chuyển dần lên các công tác khác và cuối cùng qua thử thách của thời gian, Kiều trở thành một cán bộ chỉ huy du kích đầy mưu trí. Hôm tôi gặp em ở bờ sông, Kiều không đơn thuần chỉ là cô giao liên mà đã là một cán bộ đầy trọng trách.
Ngay từ khi mới đặt chân đến đây, với kinh nghiệm của một cán bộ quân báo, tôi đã hình dung được bao nỗi khó khăn của vùng đất ba phía là giặc này. Tôi thực thi ngay công việc đã được giao. Hàng tuần, thậm chí hàng ngày tôi báo cáo lên cấp trên mọi chi tiết tình hình qua máy bộ đàm PRC25. Kiều rất quan tâm đến công việc của tôi. Bằng cách này cách khác em đều tìm cách giúp đỡ. Tôi bắt đầu thích được gần em, cố tạo lý do để được gặp em. Chính những lần gặp ấy, ngoài nhiệm vụ ra, tôi và em có thêm chút thời gian hiểu về đời tư của nhau.
Có một lần Kiều một mình dẫn tôi ra vùng giáp ranh quan sát các điểm trú quân của địch. Công việc đang tiến hành ở giai đoạn cuối thì tụi lính từ bên kia đồng phát hiện thấy chúng tôi, chúng bất ngờ xã mấy tràng 12 ly 8, sau đó cấp tập dùng cối 60 nện sang. Tôi đang loay hoay với cái ống nhòm trên tay thì nghe Kiều từ phía sau kêu “ối” một tiếng. Biết chuyện chẳng lành, tôi nhào ngay đến bên mép hào, Kiều nghiêng người, hai tay đè chặt một bên háng, sát phần dưới bụng, máu thẩm đỏ cả mảng quần và hai bàn tay em. Tôi xô đến nhưng lúng túng không biết làm gì. Không phải là tôi u mê, lú lẫn gì cho cam mà cái chỉnh là bởi vết thương nơi em. Kiều có vẻ hốt hoảng nói với tôi:
- Em bị thương ở … Anh đi ra chỗ khác đi, vừa nói em vừa đẩy tôi ra.
Tôi không chịu bảo với em:
- Sao lại đi chổ khác. Kiều để tôi băng cho. Ôi! Máu ra nhiều quá, nhanh lên.
Pháo địch vẫn dập dồn dội xuống. Mấy lần tôi sấn tới, cho tay vào vết thương là mấy lần em đẩy tay tôi ra. Trước tình thế này tôi buộc lòng phải làm dữ nói với em vừa như mệnh lệnh, vừa như van ơn:
- Không được ! Em làm vậy máu không cầm đâu. Nào em đừng ngại, để tôi băng cho. Lúc bình thường … thì khác, còn lúc này, Kiều ơi, em cứ xem tôi như một người anh … một bác sĩ … một người cùng giới.
Rồi mặc cho Kiều có đồng ý hay không, tôi ôm gọn cả người em đặt nằm ngửa giữa lòng hào. Và rất nhanh tôi giật phắt cuộn băng, rũ ra cho nó lăn hết cỡ rồi cúi xuống một tay lùa phía dưới nâng mông Kiều lên, một tay kéo ruột quần xuống. Vết thương ở ngay bẹn do một mảnh pháo sướt qua dài cỡ hai đốt ngón tay. Tôi gần như nhắm mắt lại mấy giây. Cả người tôi nóng ran lên, hai tay run lẩy bẩy. Vâng! Thú thật với anh, bao năm chiến đấu, bao lần băng bó vết thương cho đồng đội, chưa bao giờ tôi gặp cảm giác đó ở mình, dù tôi đã cố nén xuống, cố lãng quên đi mọi chuyện, cốt sao băng vết thương thật nhanh cho Kiều.
Băng xong, tôi đỡ Kiều ngồi dậy. Pháo địch cũng thôi không bắn nữa. Tôi làm bộ tỉnh bơ nói với em:
- Vết thương không nặng lắm sẽ chóng lành thôi.
Kiều nhìn tôi, mặt lạnh tanh rồi thình lình ngã đầu vào vai tôi khóc nức nỡ. Tôi ngạc nhiên hơn là xúc động trước cử chỉ không thể ngờ ấy của em. Tôi ngồi yên nhè nhẹ nắm tay em, mặc cho đôi vai tôi rung lên theo những tiếng thổn thức ấy… Nhưng tôi cũng kịp hiểu vì sao em khóc. Tiếng khóc của em không phải vì do đau đớn vì vết thương mang lại, càng không phải vì do cảm động dành cho tôi vì đã băng bó cho em. Tôi hiểu tiếng khóc ấy. Một người con gái hai mươi tuổi tròn, trắng trong đã biết khóc những giọt nước mắt hổ thẹn, vì sự tế nhị của lòng tự trọng, khi cảm thấy bản thân mình do một trường hợp oái oăm, đã lỡ đánh mất một cái gì. Cả sau này, khi vết thương đã lành, mỗi lần gặp tôi em có vẻ thèn thẹn, hai má đỏ hồng lên. Thiệt tội. Nhưng cũng chính từ cái lẫn “xúi quẫy” ấy mà tôi có diễm phúc được gặp Kiều nhiều hơn. Chúng tôi cứ tự đến với nhau, lòng không hẹn mà cứ mong được gặp nhau. Rồi cái điều khát khao ở mỗi đứa, tuy không nói thành lời, đã như đôi cánh chim xổ lồng tung cánh bay đến với nhau. Chỉ một thời gian, qua vài trận đánh, tôi và Kiều đã yêu nhau. Trong chiến đấu có những tình yêu đến nhanh như vậy đấy, cứ như là chiêm bao vậy. Tình yêu của chúng tôi không giống tình yêu của những chàng trai cô gái ở chốn yên vui, thích mộng mơ, giàu lãng mạn rồi tán tỉnh với đủ trăng sao, ong bướm, hoa lá mà tình yêu của chúng tôi được nảy mầm từ trong lửa đạn của cuộc chiến đấu đầy gian khổ. Tình yêu ấy lại được sự vun vén của anh em đồng chí. Thật không hạnh phúc nào hơn là sau một trận đánh, chúng tôi lại gặp nhau, được nghe nhau nói, được thấy nhau cười và hạnh phúc nhất là vẫn thấy nhau vẫn còn lành lặn an toàn. Kiều yêu tôi hết mình. Yêu tha thiết. Thỉnh thoảng vào buổi tối, tuy không hẹn, tôi vẫn được gặp em. Thật là những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ và mê hồn của những người đang yêu. Sau những phút giây đắm đuối ấy, chúng tôi như kẻ mất hồn được hoàn hồn trở lại, như thức giấc bừng tỉnh một cơn mơ. Có lẽ Kiều bừng tỉnh nhiều hơn tôi. Em thở dài não ruột nhìn vào mắt tôi. Qua ánh sáng bàng bạc của ánh trăng sao, tôi nhìn thấy mặt em như tái nhợt đi, nửa hạnh phúc, nửa lo âu. Đọc được nỗi niềm ấy trong em, tôi ôm em vào lòng thì thào to nhỏ:
-… Cũng tại bởi chiến tranh. Kiều ơi! Nếu không có chiến tranh, chúng mình sẽ làm lễ cưới ngay ngày mai để chúng mình sẽ là của nhau… Còn bây giờ, trong hoàn cảnh này, phần anh, cho dù phải lên rừng xuống biển, năm năm, mười năm anh cũng chỉ yêu em, mãi mãi yêu em. Anh thề với em. Kiều ơi! Em có tin không?
Kiều không đáp rằng tin hay không tin lời tôi nói. Em chỉ im lặng. Sự im lặng đốt cháy cả lòng tôi. Và, như để trả lời cho sự im lặng đó là tiếng súng đì đùng đâu đó ở xa xa, rồi tiếng đại bác ầm ĩ vọng lại. Không gian như rùng rùng chuyển động. Mặt đất nơi chúng tôi ngồi như rung lên chao đảo. Tất cả, tất cả mọi âm thanh hỗn tạp ấy như muốn nói với chúng tôi rằng: Chiến tranh hãy còn đó, các người đừng có hảo huyền hy vọng ở nhau. Tôi quàng tay qua vai em, má tôi áp nhẹ lên má em. Nước mắt nóng hổi.
Anh Chung dừng lại châm lửa điếu thuốc. Mắt anh nhấp nháy trong quầng khói. Tôi lơ đãng đi nhìn hướng khác. Im lặng. Tôi nóng ruột đợi anh kể tiếp:
- Chừng một tuần sau, tôi có lệnh của trên rút ra ngoài nhận nhiệm vụ mới. Tôi phải đi ngay. Tôi chỉ kịp hội ý chớp nhoáng với anh em trong lán mình ở, bắt tay hết lượt rồi đi tìm Kiều. Em ở đâu nhỉ ? Đêm tối như bưng thế này biết tìm em ở đâu. Các ngã đường đều có lựu đạn gài và chông cắm. Không thận trọng sẽ rất nguy hiểm. Tôi lo không gặp được Kiều bởi thời gian quá gấp. nếu chậm, trời sáng sẽ không thoát ra được. Tôi liều mạng lội xuống một con lạch nhỏ định tìm đến một cái hầm của du kích.
- Có chuyện gì hay sao mà vội vã vậy chú Chung ? Tiếng anh Tâm Đại đội trưởng hỏi tôi. Tiếp đó anh bước đến gần tôi. Sau lưng anh thấp thoáng mấy người nữa, trong đó có Kiều, người quàng mảnh dù xanh, vai khoác khẩu AK, nòng chúc xuống đất.
- Tôi … tôi tìm các đồng chí để chia tay, tôi phải đi ngay bây giờ. Tôi đáp và chìa tay cho anh Tâm xem mảnh giấy. Kiều sán lại ngay. Anh Tâm bấm đèn pin và cả hai cùng đọc. Đọc xong Kiều ngẩng lên nhìn tôi đau đáu. Còn anh Tâm bỗng thở phào, buông một tiếng “chà’’ nặng trịch, rồi anh trầm trầm nói với tôi:
- Biết làm sao được. Lệnh của trên. Rất cần. Chà! Phải đi ngay trong đêm nay, tôi biết nói gì với chú Chung bây giờ đây. Rồi như nhớ ra điều gì, anh quàng tay ôm lấy tôi. Chú Chung đi nhé! Đừng quên nhau nhé! Mong sao sớm được gặp lại nhau. Anh hôn vào má tôi, bắt tay tôi một lần nữa – Tạm biệt!
Anh bấm khẽ vào người du kích đứng cạnh rồi bước đi. Chỉ một lát sau, tất cả biến vào bóng đêm mất hút. Chỉ còn lại một mình Kiều đứng bên tôi. Tôi quay sang ôm gọn Kiều vào lòng, nói với em chứa chan trìu mến:
- Kiều ơi! Anh đi tìm em. Đồng chí giao liên đang chờ anh ở ngoài kia. Chỉ một lát nữa là chúng mình xa nhau rồi. Em ơi! Biết làm sao bây giờ đây?
Toàn thân em như bất động trong vòng tay tôi. Lúc này em như không còn là cô du kích dũng cảm nữa mà chỉ là một cô gái bé nhỏ yếu mềm đang lặng đi trong khổ đau của chia ly cách biệt.
- Kiều em! Em … tôi vẫn thì thào – anh đi chuyến này chắc lâu lắm … biết bao giờ mới lại được gặp em … Xa em … anh làm sao sống nổi.
Em vẫn đứng yên, đầu hơi cúi xuống, tay mân mê nòng súng. Rồi đột nhiên áp má vào ngực tôi, lại những tiếng nấc bắt đầu dội lên. Tôi vùi mặt vào mái tóc em, nghe mùi lá chanh quen thuộc. Bỗng em ngẩng lên nhìn mặt tôi, tiếng em ráo hoảng:
- Anh Chung, hãy nghe em nói, dù thế nào đi nữa anh cũng không thể thoái thác nhiệm vụ mà ở lại đây với em. Anh nhớ thương một, chứ em nhớ thương mười, vì em là phận gái. Con gái tụi em hễ yêu ai là yêu tới cùng, yêu tha thiết, yêu mãi mãi. Mấy tháng qua, anh về đây biết bao gian khổ chẳng nề khó khăn, chung tay góp sức với chúng em chiến đấu bảo vệ quê hương, rồi chúng mình đến với nhau. Em có diễm phúc được anh yêu. Chú Tâm và cả xã đội vun vén cho chúng mình. Phần em, em rất yêu anh dù rằng chúng mình chưa thành vợ chồng nhưng lúc nào em cũng cảm thấy em đã thuộc về anh, xem anh như một người chồng. Bây giờ anh phải đi, em chỉ còn biết chờ anh. Anh đừng bao giờ phụ bạc với em mà tội.
Đấy là lần đầu tiên Kiều nói nhiều đến tình yêu. Tôi hiểu đó là điều nhắn gửi của em đối với tôi, tôi chỉ biết ôm chặt lấy em, ép sát em vào người. Tôi hôn vội vã lên môi, lên má, lên mắt em. Em cựa người nắm lấy tay tôi, đôi môi khô róp nóng hổi áp nhẹ lên môi tôi. Tiếng em khó nhọc, nghẹn ngào đứt quãng:
- Anh ơi! Em… em chỉ sợ… chỉ sợ … Anh đừng … đừng bao giờ phục bạc tình em nghe anh!
Tôi như bị thôi miên, không sao mở miệng trả lời em được, chỉ khẽ gật đầu. Tôi cũng không nhớ thời gian đã trôi đi bao lâu. Đột ngột, Kiều gỡ tay đẩy tôi ra:
- Thôi anh đi đi, người ta đang đợi.
Tôi sực tỉnh, quay người bước đi, chưa được mấy bước, Kiều gọi giật lại rồi thoăn thoắt chạy đến dở tấm dù trên người, quàng lên cổ tôi:
- Trời nhiều sương, anh mang theo kẻo lạnh, ra đến nơi, có ai vào nhắn tin cho em mừng.
Đi một quãng tôi quay lại, qua ánh sáng nhờn nhợt của sao đêm, tôi vẫn thấy em đứng y chỗ cũ nhìn theo, rồi mờ dần, mờ dần và sau cùng không nhìn thấy gì nữa. Tôi bắt đầu rảo bước. Rồi tôi chạy. Tiếng sương đêm nặng hạt nghe lộp bộp, lộp bộp trên các tàu lá…
Anh chung xúc động thực sự, lấy tay quệt mắt. Còn tôi rót nước ra ly, cảm thấy cổ họng mình khô lại.
- Rồi sao nữa, anh kể tiếp đi. Tôi giục.
- Vâng! Đêm đó, tôi và đồng chí giao liên vượt ra khỏi vùng địch kiểm soát, qua sông, ra đến vùng giải phóng. Tôi trực tiếp trình bày với cấp trên tình hình của Mẫn Nam, nghỉ ngơi ít ngày, sau đó nhận nhiệm vụ mới. Cũng từ đây tôi không nhận được tin tức gì về Kiều nữa. Hình ảnh em luôn luôn hiện lên trước mắt tôi, nhớ nhung da diết. Những lúc nhớ em, tôi lại nhìn ảnh em và mảnh vải dù ra ngắm nghía. Tôi vùi đầu vào, hít căng lòng ngực mùi lá chanh từ tóc em còn vương lại. Cái mùi thơm da diết ấy cứ quấn theo tôi mãi. Năm tháng trôi qua, đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tôi đi tìm Kiều. Nhưng nghe tin Kiều đã lấy chồng nên tôi đành lặng lẽ quay ra. Sau ba năm tôi gặp Dung ở bệnh viện…
Có người bảo: Khi đã có một tổ ấm hạnh phúc gia đình, người ta dễ quên đi chuyện cũ. Tự liên hệ, tôi thấy thuyết ấy không hợp với mình. Mảnh dù xanh, vật kỷ niệm ấy, tôi còn giữ đến ngày hôm nay. Thế đấy, mối tình của tôi là thế. Chẳng biết bây giờ cô ấy ở đâu, còn sống hay đã hy sinh…
Anh vừa dừng lại chính là lúc tôi không còn kiên tâm đóng kịch được nữa. Tôi nói ngay cho anh là tôi có biết Kiều, chẳng những biết mà còn thân quen nữa là khác. Anh xô ghế đứng dậy, chồm qua, túm vai áo tôi giật giật: Có thật không? Kiều bây giờ ra sao cậu kể cho mình nghe đi…Tôi mỉm cười rỉ rả kể ra những gì mà tôi biết về Kiều. Rằng sau khi anh đi, đơn vị tôi được lệnh cấp tốc đến chi viện cho Mẫn Nam, do vậy tôi gặp và quen Kiều. Rằng Kiều vẫn rất xinh đẹp và dũng cảm hơn xưa. Rằng sau ngày giải phóng, do một tin thất thiệt, Kiều đã nhầm tưởng anh hy sinh nên đã lấy chồng. Rằng chồng Kiều cũng là một cán bộ giải phóng quân, lúc ấy đã là một tiểu đoàn trưởng, vân vân và vân vân. Toàn những tin nóng hổi, đáng ăn mừng cả. Nghe những điều này anh Chung lộ rõ niềm vui sướng mãn nguyện thay vì sự ngạc nhiên, lo lắng ban đầu. Một lần nữa anh xô ghế đứng dậy, bước tới ôm choàng lấy tôi rồi anh reo lên khiến tôi cũng vui lây:
- Ôi! Tôi vui mừng cho Kiều quá! Tôi sung sướng quá! Tôi hạnh phúc quá!
Bây giờ nghe anh nhắc lại, tôi suy ngẫm một lát rồi nói:
- Đó cũng là một quan niệm. Tôi đồng ý với quan niệm đó. Chỉ xin được phép xê dịch một chút là nó chỉ đúng với những gì đáng quên đi. Còn những cái đáng nhớ, những cái tốt đẹp, tôi e rằng như thế sẽ phiến diện, bởi vì …
Tôi bỏ lửng hai tiếng “bởi vì’’, buộc anh Chung phải bật ra câu hỏi:
- Bởi vì sao cơ anh Nam?
- Nghĩa là Kiều hoàn toàn trái ngược anh. Cô ấy rất mong được gặp anh. Hồi gặp anh lần đầu, nghe tôi kể lại, cô ấy cứ khóc rấm rức mãi, rồi là mong ngày mong đêm anh vào. Nhiều năm trước đây, cứ mỗi lần gặp tôi, cô ấy đều nhắc đến anh, dặn tôi gặp anh chuyển lời hỏi thăm. Tôi cho rằng cô ấy vẫn rất nhớ anh, nhớ nhiều là đằng khác.
Anh Chung như lặng đi khi tôi nói. Hai mắt anh hoe hoe đỏ. Rồi anh hỏi tôi:
- Bây giờ Kiều làm gì hả anh Nam?
- Làm gì ư? Mười mấy năm rồi cô ấy vẫn là Chủ tịch xã. Nghe đâu huyện rồi tỉnh điều động mấy lần nhưng cô ấy không đồng ý. Cô ấy thích cơ sở, thích gắn bó với cơ sở. Vã lại, anh ấy bây giờ là Đại tá Tư lệnh một sư đoàn, cứ đi miết, có là cán bộ cơ sở mới có điều kiện và thời gian gần gũi, thay chồng chăm sóc, dạy dỗ các con.
- Ôi! Thật sung sướng – Như ngày ấy, anh Chung lại reo lên. Nghe anh nói về Kiều mà tôi mừng quá. Anh Nam ạ! Lần trước nghe anh nói về Kiều tôi đã quá mừng, lần này thì nỗi mừng trong tôi được nhân đôi nhân ba. Nếu chẳng may Kiều không như anh nói hoặc tệ hại hơn thì nỗi khổ đau, dằn vặt trong tôi càng lớn và sẽ chẳng bao giờ phai mờ được. Vâng! Tôi rất tự hào về Kiều và cũng tự hào về tôi vì đã một thời được yêu em tha thiết.
Anh Chung nắm chặt tay tôi một hồi lâu như để khẳng định với tôi một chân lý hay một nét đẹp nào đó chợt đến trong anh mà anh cần tôi đồng tình, hiểu thấu về mối tình xưa.