Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tơ tình đứt nối

 Khi ông Nam về nghỉ hưu, ngoài những gì thuộc chế độ quy định, Giám đốc Bưu điện tỉnh còn kỷ niệm ông một chiếc máy điện thoại để bàn. Cái máy thuộc thế hệ cũ, lúc gọi không bấm, phải xỏ ngón tay vô mà quay, nhưng có khi nó còn tốt hơn nhiều loại máy hiện hành. Cái máy trở thành người bạn thân thiết với ông, nhất là từ lúc đứa con út đi học xa, trong nhà chỉ còn mình ông, không có cái máy điện thoại buồn lắm. Thực ra ông cũng ít dùng đến, vì cũng không liên hệ công việc gì, buôn bán lại càng không, còn con cái thì lâu lâu chúng nó mới gọi về. Có khi cả mấy ngày cái máy ngủ yên, thấy buồn buồn, ông lại nhấc cái tổ hợp đặt vào tai lắng nghe tiếng u u vọng từ xa tít. Còn nếu lúc có chuông đổ, ông chạy tới vồ lấy ngay, sợ người gọi thấy lâu cúp mất. Thích thú nhất với ông là thỉnh thoảng có ai trong ngành gọi tới, đặc biệt là bạn cũ, thì ông ôm lấy cái tổ hợp nghe như nuốt lấy từng lời. Vừa muốn bạn nói chuyện lâu, lại vừa lo bạn tốn tiền, nhiều khi ông nói: “Chà, nếu gọi lấy mươi cuộc kiểu ni thì e hết tháng lương. Thương nhau lắm, nhưng mà khéo cạn túi”. Riêng ông hàng tháng ngành bao cho một khoản phí nho nhỏ, nhưng chưa lúc nào ông dám xài hết, vì nể ơn lãnh đạo đã cho máy, lại phải bỏ tiền chi phí quá cho mình nữa thì hỏi còn ra gì.

“Reng reng reng… reng…”

Ông Nam cầm máy ngay khi hồi chuông thứ hai đang reo:

- Alô. A lô. Ai gọi đó? Hả? À… khoan đã… nhớ cái đã, già cả điếc lác nên quên! À, nhớ. Thôi rồi. Liên ơi! Nhận ra rồi. Mà lạ, chớ không phải nghe tin chết rồi à? Lại còn mò ra số máy của tui nơi cái xứ rú ri ni nữa thì tài đó. Ừ, nhiều kỷ niệm lắm. Buồn thúi rọt à? Buồn trót đời? Thôi mà. Ấy, tui cũng có vui chi. Làm sao quên những ngày đánh Mỹ… Lại khóc? Khóc mà chi! Hồi đánh Mỹ có lúc mô Liên khóc, ngay lúc bị thương cũng cắn răng lại, giờ khóc thút thít. Kể từ từ, nói chậm chậm. Ừ, thì chuyện một thời, một đời mà nói một lúc là khó xong. Ừ, nhớ nhớ. Hồi 68, lúc đó Liên mới hai mươi tuổi. Đúng là thời gian như chuột chạy, mới đó cả, bạn bè còn đó cả, mà trên ba mươi năm rồi! Rứa gia đình chồng con ra răng? Ối! Thế không lấy chồng vì hận đời à? Bậy!

Sợ bà bạn tốn tiền gọi, ông Nam bảo bà cho số máy rồi cúp để ông gọi lại nói chuyện, ông đùa là “chia lửa” cho nhau như hồi xưa mọi người vẫn nói. Cuộc gọi kéo dài, dài nhất lâu nay mà vẫn chưa xong. Họ hẹn từ nay sẽ liên lạc với nhau. Ngặt vì bà Liên không có máy, phải gọi nhờ hàng xóm, nên chi lại phải thống nhất quy ước, “chia lửa”.

Buông máy, ông Nam ra ghế ngồi thừ. Buổi chiều ông thổi cơm muộn. Ngồi bên bếp, ông nhớ lại từ từ và mọi chuyện cứ hiện dần như một cuốn phim quay chậm.          

 

 

 

Minh họa: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ 

 

            

*

Nam vào ngành bưu điện năm 1960, do một người làm việc trên tỉnh xin cho. Chẳng có chuyên môn gì, anh được phân vào đội đường dây. Ai sai gì làm nấy, trên người mang đầy dây nhợ, máy dây điện thoại quay tay to như cái tráp rồi nào kìm, kéo, cờ lê… Vốn là một thanh niên vùng rừng chuyên nghề ăn săng, ăn lá nón, lá mây, nên Nam có coi đáng gì mấy khoản việc được giao. Cột điện nào có bàn tay Nam là cứ băng băng mà chuyển, thẳng tắp mà dựng. Qua sông, qua cầu Nam luôn hăng hái đi trước, khó mấy cũng không ngại. Ăn năm bát cơm, uống hết một bi đông nước là lao vào công việc cả ngày không mệt. Mọi người gọi Nam là “con trâu ri”, anh chỉ cười hề hề.

Miền Bắc đánh Mỹ hơn một năm thì đội bảo vệ đường dây của Bưu điện tỉnh mang tên Trung đội tự vệ. Trung đội trưởng nhận chức một ngày hy sinh, trên cử Nam thay thế. Anh gãi tai từ chối đến lần thứ sáu thì không thể chối được nữa trước sự tín nhiệm của lãnh đạo. Đúng là Nam không quen chỉ huy, nên mới đầu mọi việc gần như anh ôm hết. Dần dần mới hay cái chính là mình phải có kế hoạch cho 25 con người tỏa ra khắp tỉnh bảo đảm đường dây giờ nào cũng phải thông suốt.

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Bom đạn giặc Mỹ cày phá tan nát, có lúc chiếc cột vừa dựng lên là bị đánh gãy liền, đường dây nối đứt đứt nối lung tung. Đồng đội hy sinh, bị thương; bổ sung quân lại vẫn bị thương ở ngã ba Vạn Trạch. Hôm đó cũng đã trưa, mà đường dây vẫn đứt nhăm. Nam và mấy anh em cứ lơ lửng trên cột, có lúc cả người chao đảo, nhìn xuống đất khói bụi mù mịt, con chim bay qua dưới chân người.

- Dũng cảm lên, các đồng chí ơi! - Nam hét to - “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương!”, quyết không để mất mạch máu thông tin liên lạc.

Nghe tiếng anh, mọi người càng tăng thêm ý chí, quên cả bom đạn lửa cháy quanh mình. Lúc đó đang có cuộc làm việc từ Trung ương với lãnh đạo tỉnh. Mỹ nhè vào mà phá. Để mất liên lạc thật cực kỳ nguy hiểm. Cái đường dây mong manh im lìm thế kia nhưng là huyết mạch của Đảng, của dân. Phải bằng mọi cách không để mất!

Sợi dây điện trong tay Nam rung lên như có bão. Một loạt rốc-két nổ, cột điện chao như chơi đánh đu. Roét… xeo… xeo. Nam nghe nhói ở bụng. Ngó xuống, thấy một bụm máu trào ra ướt nhoe nhoét ngang thắt lưng, rồi nghe rõ ruột ục ra. Xây xẩm mặt mày, mắt tóe đom đóm, Nam bình tĩnh nhét ruột vào. Không được. Nhói quá. Cha mẹ ơi. Buốt tận óc. Nam cong người rồi cố rướn lên, một tay ôm giữ chỗ ruột phòi, còn tay kia giữ chặt đầu dây, mắt trương to, quyết nối kỳ được hai múi đồng tiếp xúc với nhau, rồi cứ thế mà nắm cứng lấy đến tê dại bàn tay. Lúc mọi người chạy tới, cũng là lúc Nam ngất xỉu.

Tự vệ Bưu điện Lê Bá Nam được đề nghị phong anh hùng.

*

Chuyện đánh Mỹ thì kể không xuể. Ông Nam nhớ cả. Có chuyện khó quên nhưng không dám nhớ, nào ngờ Liên nhắc lại, ông bỗng giật mình. Té ra đàn bà họ nhớ dai hơn đàn ông, nhất là chuyện tình. Mà nhớ là phải, bởi chuyện hệ lụy cả một đời, bắt đầu do một ánh mắt.

Dạo đó mọi người đã biết tiếng Nam là anh chàng gan dạ, hội nghị nào cũng nhắc tên anh, chuyện người chiến sĩ tự vệ Bưu điện ôm lấy khúc ruột xổ tung mà nối liền đường dây. Đã lâu, Nam và anh em trong đội đường dây vẫn đi ngang về tắt, không ít bữa ăn nhờ ở cậy Liên và anh chị em làm ở Tổng đài Khe Nước. Liên đẹp mặn mà, răng trắng, hơi thưa nhưng tóc dài mướt mát, đen như gỗ mun. Một hôm, Nam và mấy cậu lao vô đài, chỉ kịp uống ca nước rồi đi. Khác mọi lần, khi mọi người ra tận cổng ngoài, bất giác Nam quay lại nhìn thì thấy Liên đang tựa gốc cây vẫy tay theo. Anh chợt nhớ cái ánh mắt Liên mấy phút trước lúc trong lán nhìn anh, ánh mắt ấy cả đời anh chưa gặp, nó thẳm sâu, nó chứa chất bao điều ủ kín và gửi gắm.

Thế rồi dần dần tình yêu nảy nở. Họ yêu nhau thắm thiết, đắm say, nhưng câu cuối cùng trước khi chia tay vẫn là lời nhắc nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Chuyện tình yêu thật khó lòng che giấu. Từ từ rồi mọi người biết cả. Rồi Liên mang thai. Cái bụng to nhanh không áo quần nào che kín. Mọi chuyện thế là đổ sông đổ biển trong nháy mắt. Việc đề nghị phong danh hiệu anh hùng cho đồng chí Nam bị gác lại. Anh phải làm kiểm điểm, rồi trên điều vào chi viện cho chiến trường … Tới nơi, người ta phiên anh vào bộ đội “thường trực chạy bộ”. Anh lại lao vô việc mới, xuyên dọc ngang rừng già Thừa Thiên, lúc về đồng bằng, lúc sang tận Lào. Từng có tin đồn Nam chết, thực tế ấy là chuyến anh lạc giữa mịt mù biên giới, phải nhai vỏ cây cầm hơi trong lúc bó công văn vẫn nguyên vẹn trên lưng.

Nam có nghe loang thoáng tình hình Liên. Nghe là sau vụ ấy Liên buộc phải về hậu phương, kết thúc những tháng năm đi thanh niên xung phong và làm báo vụ viên. Quê Liên, một làng heo hút bên bãi ngang nghèo xơ với mái tranh lụp xụp. Đứa con họ sinh ra mất liền, do xử lý kém của bệnh viện dã chiến.

- A lô. A lô… Anh Nam ơi! Anh cho em nói. Răng mà anh tệ bạc rứa? Đi là đi một lèo, người ta chờ đỏ mắt. Không. Em không tiếc đời em, tiếc chi mô mồ! Chỉ thương anh, tội anh. Ân hận quá chừng. Tại em mà anh mất cả sự nghiệp. Giá không yêu anh, thì làm răng anh mất đứt danh hiệu anh hùng?! Sau trên có cho anh cái huân chương à? Huân chương nào cho xứng chiến công của anh. Thì đã đành. Sau này mọi người nhận ra sai lầm, thì chuyện đã rồi… Anh nói răng? Tóc bạc hết rồi, thiệt không? Thương đứt rọt đứt gan đứa con à? Răng im lặng rứa? Ôi… Hu hu… Đừng có nhắc. Là em nói đừng nhắc mà chi! Lạy anh! Em cháy từng khúc rọt từng ngày. Ôi anh ơi là anh ơi. Con ơi là con ơi…

Ông Nam gác máy cái cộp.

Không thể nghe tiếp được nữa. Không thể nghe Liên khóc tức tưởi mãi. Ông biết lúc này, ở chốn xa xôi kia Liên đang gục đầu bên máy điện thoại mà khóc như mưa với bao nhiêu nước mắt dồn nén lại hơn ba chục năm nay. Từ ngày hai người gặp lại nhau qua đường tơ trời, tâm trạng ông chuyển dần từ vui vẻ sang lo sợ, bởi lần nào Liên cũng khóc, vừa nói vừa khóc. Rồi kể lể, rồi giận hờn còn ông chỉ có chịu đòn. Ông khoanh tay ngồi thừ giữa nhà, mắt nhìn xa xăm. Nhớ hết rõ mồn một từng chi tiết. Sau khi ông bị thương ở ngã ba Vạn Trạch, cũng là lúc cái bụng to kềnh của Liên cứ chọc vào mắt mọi người. Vừa khen ông, họ vừa trách ông. Dư luận đem đặt cả hai sự kiện lên bàn cân, rồi cái bào thai mang giọt máu của anh ngày một to nhanh đã đẩy cái danh hiệu vinh quang của anh chổng lên trời. Thời bấy giờ người ta sợ mọi chuyện, trừ chuyện chết. Nghe nói từ phòng đến ty, từ ty lên tỉnh, các cấp cán bộ đã mất nhiều đêm thức trắng, tốn rất nhiều giấy mực, dầu đèn để luận công và tội của người anh hùng. Luận rằng: Đi đánh giặc, hay đi làm cho người ta to bụng ra? Thử hỏi, nếu toàn thể nữ cán bộ nhân viên Bưu điện cả nước mà đều to bụng hết, thì làm sao đánh thắng giặc Mỹ xâm lược? Vậy tội nặng quá còn chi. Anh hùng mà thế à? Chính Nam cũng thấy mình đầy khuyết điểm, anh thấy chiến công của mình rõ ràng nhỏ hơn một nụ hôn vụng trộm với người yêu! Mình mất cái anh hùng là phải quá. Nam sẵn sàng lập công tiếp để chuộc tội. Anh xin đi tới những nơi ác liệt nhất của tỉnh nhà, nhận bất kỳ việc gì nhưng không được, bởi để anh lại người ta sợ ảnh hưởng đến ý chí toàn dân. Anh được kết nạp vào Đảng tại trận ở ngã ba Vạn Trạch, rồi bị khai trừ trong lúc anh đang nằm viện nối từng khúc ruột. (Tám năm sau, anh mới được kết nạp lại).

Sau hòa bình, nhập tỉnh, Lê Bá Nam về bó gối ngồi tại Công ty phát hành Báo chí Bưu điện tỉnh. Ông vốn người sinh ra để dấn thân những nơi gian khổ, ấy mà vui, mà phát huy được sở trường của mười ngón chân quen bám choãi trên những con đường rừng dốc thẳm mưa trơn. Ông đâu quen ngồi xó nhà gói buộc thư từ, bưu kiện. Vợ con ở xa, cảnh ăn cơm bụi, đói meo và lạnh lẽo khiến ông buồn vô hạn. Thế rồi chia tỉnh về theo địa giới cũ. Nhân đó, ông xin về huyện nhà. Giám đốc Bưu điện tỉnh mới, một người năng động. Ông Nam được đề bạt phó phòng Bưu điện huyện, rồi lên Trưởng phòng. Nhưng cái thời của người anh hùng đã qua rồi! Ông lạc hậu nhanh trước thời vận. Con người như ông khó mà đi vào đổi mới thời hậu chiến với nào số hóa, nào viễn thông, nào vi mạch… Nhìn mô cũng tiếng Anh, nghe người ta nói mà thực tình không hiểu. Thời nay câu khẩu hiệu “đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương” đã gác vô bảo tàng rồi. Thế nên ông xin về hưu sớm. Giám đốc tỉnh thông cảm, thế là ông về. Tết nào đích thân giám đốc Bưu điện cũng lặn lội tới thăm gia đình ông Nam tặng quà, chính ông đã đưa câu chuyện oan khuất của Nam ra nói nhiều nơi, từng đập bàn vỗ ghế tận trên tổng công ty Bưu chính - Viễn thông để xin cho ông Nam được ngôi nhà đơn sơ, bớt phần thiệt thòi cho con người đáng nhẽ là một anh hùng!

Ông Nam xây dựng gia đình đâu sau năm 70. Hai đứa con học giỏi. Đứa đầu nối nghiệp cha, giờ làm trưởng phòng Bưu điện huyện. Ông luôn nhắc con làm việc phải công minh, đừng làm oan sai người ta. Vợ ông mất đột ngột cách đây ba năm, ông phải cảnh gà trống nuôi con, làm bạn với cái máy điện thoại, họa hoằn mới có cuộc gọi.

- A lô!… Cái tuổi mình mà cứ “anh anh em em” nghe nỏ hợp tý mô cả. Hứ? Răng rồi? Vết thương cũ tái phát đau trên đầu lắm à? May khỏi chết… Ừ, gắng mà sống thôi. Nhiều nữ thanh niên xung phong, bộ đội không chồng con, có người lên chùa tu. Xin em tha lỗi. Tại anh em mới cực. Không cứu được em, anh cũng không cứu được chính mình. Chiến tranh mà! Nhủ anh lấy vợ đi à? Ở rứa thôi, già rồi. Con nó cứ nhủ bố lấy vợ để nhờ lúc già, nhưng… Nói cái chi? Thơ vè chi à? Lắng mà nghe à? Lại bắt học thuộc. Đọc đi… Ừ, hay… Hay thiệt. Nghe anh đọc lại coi đúng sai nì. Trèo đèo hai mái chân vân / Người về Hà Tịnh. Tĩnh hay Tịnh? Ừ. Người về Hà Tịnh… dạ ái ân Quảng Bình. Chà, hay quá. E thơ Tố Hữu, tài chi là tài!

Con gái ông Nam, cái cô Trưởng phòng Bưu điện huyện, một hôm về nhà thăm bố, mang theo bản kê chi tiết tiền điện thoại tháng vừa qua. Cô lấy làm lạ, bố mình gọi cho ai mà gọi lắm thế? Nghĩa là thường xuyên có ai đó nói chuyện với bố qua đường điện thoại.

- Suốt tháng qua bố gọi cho ai thế? Rặt mã vùng Hà Tĩnh. - Cô con chỉ tay vào tờ vi tính mực nâu nhạt. - Ai vậy bố?

Ông Nam bối rối, cuối cùng mới nói hết mọi chuyện với con câu chuyện lâu nay nó chỉ mới nghe sơ sơ, rằng bố có một thời trai đẹp đẽ, rằng bố từng có một mối tình trong sáng đầy khổ đau.

- Có dịp đi công tác, con gắng ghé làng… xã… huyện… tìm thăm cô Kim Liên, Trần Thị Kim Liên. Bố già cả, không tiền nong, vả cũng không ưng đi!

Cô con bật khóc. Không ngờ mọi chuyện lại bi thương đến thế. Cô nảy ngay ý định: Phải gọi cho cô Liên. Nếu thực sự cô đang sống cô đơn, thì mình phải có trách nhiệm, và nếu cô ưng thuận, mình phải đưa cô ấy vào đây sống với bố những năm còn lại để vợi bớt những thương đau một thời bom đạn.

 H.T.S

 

 

 

HOÀNG THÁI SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 307

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

7 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground