P |
háp Thăng làm tri huyện Vĩnh Xương rất ham đọc sách. Khi đến nhậm chức, Thăng cho chở theo hai xe sách.
Đến huyện đường, Thăng lo việc đầu tiên là chọn nơi ở yên tĩnh, nhìn ra sông núi phía trước. Thăng cho làm một gian lều cỏ, tường bằng gạch đá ong, mái thoáng, cột nhỏ mà chắc, trong đó kê những cầu sách, kệ sách rất nhiều. Cạnh chỗ Thăng có một tòa miếu cổ.
Một hôm Pháp Thăng đang nghiên cứu về kinh dịch, khi luận về tứ đức, cứ đọc đi đọc lại để cố mà hiểu lấy. Có lúc lại đặt sách xuống, chắp tay sau lưng đi đi lại lại. Nến bạch lạp thắp đêm bập bùng, chợt có một cơn gió lạnh từ phía ngoài thổi vào, ngọn nến phiêu bạt hẳn đi. Pháp Tăng thấy buốt lạnh sống lưng, rồi nghe thấy một giọng trong trẻo, hơi đùa cợt, nói vọng vào phòng:
- Tứ Đức trong Chu Dịch tức là nguyên, hanh, lợi, trinh, đó là cái gốc của các quê trong Kinh Dịch, có gì mà không hiểu.
Pháp Thăng tự ái hỏi
- Ngươi hiểu thế nào là Tứ Đức?
- Đứng ngoài này lạnh lắm, không bàn được, muốn ta bàn về Kinh dịch thì hãy đốt trầm lên, thấy hoa trái và rượu ngon bày lên bàn, rồi chủ nhân mời vào, thế mới gọi là văn nhân, tài tử chứ?
Pháp thăng lấy làm lạ, liền đốt trầm, lấy rượu và hoa quả, sửa lại khăn áo rồi thân ra mở cửa. Cửa thư phòng vừa hé, Thăng sững người. Trước mặt quan huyện là một người đẹp, xiêm là, áo lượt, đoan trang, tóc bới cao, trâm cài, vẽ mặt rất thanh tú. Nàng khẽ mỉm cười, chủ động hỏi trước:
- Quan huyện thấy sự lạ phải không?
Rồi tự đẩy cửa bước vào phòng. Nàng có đôi mắt đen, long lanh, rất sáng. Hai hàng lông mi dài, trông lại càng quyến rũ. Da nàng trắng như tuyết, một làn da như thể không phải là người thực trên đời, trắng như thứ ánh trăng lạnh về khuya. Nàng cầm theo một chiếc quạt lụa, để trang sức, hơn là xua tan cơn nóng nực nàng ngước nhìn những cầu sách, kệ sách ngăn nắp của chủ nhân, ngước nhìn quyển kinh dịch còn gập cong, phơi chữ ra phía trước, đang ở trang có quẻ Thuần Càn.
Quan huyện Pháp Thăng từ tốn hỏi:
- Chẳng hay cô nương từ đâu lại?
- Tôi cũng ở gần đây thôi. Nhà tôi ở cách đây không xa. Bấy lâu chỉ đóng cửa phòng đọc sách, chiêm nghiệm về cõi âm, cõi dương. Được tin ngài về trọng nhậm, thật không có gì vui bằng. Vì tôi biết quan vốn là một người coi đường hoạn lộ chỉ là cái bóng khi có nắng, có đèn mà thôi!
- Tiểu thư biết trước là tôi sẽ đến đây!
- Thì đã gọi là duyên kỳ ngộ mà.
Pháp tăng rót rượu mời nàng. Nàng nhận, uống cạn một hơi, cử chỉ rất phóng khoáng. Pháp Thăng càng lạ liền đặt chén hỏi thử:
- Lúc nãy, nàng bảo ta tứ đức là nguyên, hanh, lợi, trinh có gì mà không hiểu. Xin được cho nghe. Nàng nói:
Theo sách
Pháp Thăng hết sức ngạc nhiên nhưng vẫn hỏi tiếp:
-Xin nàng cho nghe ý nghĩa thông thường về tứ đức đó!
Người đẹp nói:
- Nguyên là đầu, lớn, trùm mọi điều thiện. Hanh là hanh thông, chỉ sự thuận tiện, tập hợp được các điều hay. Lợi là nên, ý nói đến sự hòa hợp, đầy đủ các điều phải. Trinh là chính, chính là gốc của mọi việc, bền chặt sinh ra từ đó. Pháp Thăng rất cảm phục. Bữa ấy hai người bày tỏ thân nhân, quê quán. Nàng nói kỹ nhưng rất khéo, tên đất, tên làng đều có, tên rất hay nhưng nghe ra thì đó là tên núi ở rất xa, tên sông ở đầu nguồn, còn họ cha mẹ, đều họ lạ ít có người mang chung như thường thấy.
Pháp Thăng được nàng quấn quýt không rời. Một bận hỏi nhau về nghĩa sách một bài Đào hoa cốc. Pháp Thăng đọc lên bài thơ Trương Húc.
ĐÀO HOA CỐC
Ẩn ẩn phi kiều cách dã yên
Thạch ky, tây bạn vấn ngư thuyền
Đào hoa tận nhật tùy lưu thủy
Động lại thanh khê hà xứ biên.
Chưa dứt câu nàng đã dịch xong
LẠCH ĐÀO HOA
Khuất nấp cầu mây cách khói đồng
Bờ tây ghềnh đá hỏi ngư ông
Hoa đào suốt buổi trôi theo nước
Trong đông, khe trong, ướm hỏi dòng
Pháp Thăng hỏi:
- Sao gọi là Phi Kiều, Cầu bay bay được chăng?
Nàng cười nói:
- Phi Kiều chỉ là người có con mắt ảo mới nhìn thấy. Con người thực làm sao nhìn ra được!
- Thế sao nàng lại dịch là cầu mây! Mây và song chẳng là thực ư?
Nàng lại cười rất to:
- Quan huyện đưa em vào tròng, em không mắc đâu. Chắc là quan huyện cũng hiểu mây là mây trời, chứ không hiểu là mây song đâu. Chữ ấy dịch từ phi kiều là phải thưởng rượu ngon đào tiên đấy, không thường đâu!
Pháp Thăng vẫn lý sự:
- Phi kiều phải dịch là cầu bay chứ!
- Cầu ở trong mây thì mây bay hay cầu bay, ai mà biết được. Mây mà bay thì cầu cũng bay theo mây!
Nàng tinh quái lại bảo:
- Em đố chàng tại sao Trương Húc lại viết "phi kiều cách đã yên" nào!
Pháp Thăng chưa nói được thì nàng đã giảng
- Húc nói về thủ pháp. Chữ viết rất đẹp. Ngày xưa bên tàu đã gọi ba người rất giỏi nhất thời Đường là: Lý Bạch làm thơ, Bùi Mân múa kiếm và Trương Húc viết chữ đó thôi. Trương Húc làm thơ ít nhưng khi làm thù tứ lạ. Bài này ông ta làm trong lúc say nên mới nhìn cầu thực thành phi kiền. Mà phi kiều ấy, có thực hay không có thì chỉ ông ta mới biết được. Pháp Thăng cảm thấy trí thông minh của nàng thực vượt trội hơn cả mình. Liền càng yêu quý không dứt nổi.
Từ khi được nàng, Pháp Thăng xa rời cả công việc. Mọi công văn giấy tờ, thậm chí thăng đường xử kiện, Thăng đều giao cho trưởng lại là Thái Chi lo liệu hết. Thái Chi là một kẻ thi không đõ, cay cú, ham hố quan chức, thấy Pháp Thăng bê trễ liền hăng hái làm thay cho quan huyện. Thái Chi lại khéo đem quà cáp biếu xén quan phủ, quan tuần, quan án nên rất được lòng… Với Pháp Thăng, Thái Chi giam lỏng ở trong phòng sách bằng cách nhờ người cứ độ vài tháng lùng tìm cho Thăng một vài kho sách quý, tự tay Chi đến trao cho Thăng, Thăng xem qua, vồ ngay lấy, thế là suốt ngày đêm lại cúi mặt vào thơ phú, "chi, hồ, giả, dã", càng xa rời công việc.
Thái Chi nhìn sắc thái Pháp Thăng thây tinh thần dẫu hứng khởi nhưng thân xác lại gầy xác, lấy làm lạ. Cho rằng Pháp Thăng có sống cũng chẳng được bao nhiêu, do đó Chi càng tiến quyền, lộng hành, coi như Thăng không còn là tri huyện nữa. Y tự thải người này, thay người khác, không thèm nói với Pháp Thăng nửa câu…
Dạo này, không hiểu sao, nàng bận gì không thấy đến, hôm nào Thăng cũng đốt trầm, bày hoa quả chờ nàng. Thăng ra ra vào vào, lúc lại đặng hắng, lúc đọc thơ, xem thử có tiếng nào từ mơ hồ đáp lại không, thảy đều không có!
Mấy bữa hụt hẫng, Pháp Thăng bực mình cáu kỉnh. Chợt một hôm có một viên quan cũ bị đuổi đến thăm, thấy Thăng tiều tụy, buồn chán, liền kích động hỏi:
- Có phải tôi đang nói chuyện với tri huyện Pháp Thăng hay đang tiếp kiến với hồn ma nào đây?
Pháp Thăng cáu kỉnh nói:
- Sao ngươi dám hỗn hào thế. Không nể mặt ngươi là người cũ thân tín, ta đã đuổi ngươi rồi!
Viên lại cũ cười, trầm tĩnh nói:
- Ông cầm ấn tín triều đình, mê đọc sách, đắm mình vào trăng sông, suối biếc… để cho kẻ dưới quyền thay mình làm quan, dân chúng nheo nhóc, như vậy có phải là người đọc sách để an dân hay chỉ là một con mọt chữ!
- Ông không được hỗn!
- Ông thử đi ra ngoài làng, ngoài phố mà xem, dân chúng người ta quên ông rồi! Bây giờ dân chúng coi Thái Chi là quan phụ mẫu.
Pháp Thăng chợt tỉnh, trán vã mồ hôi. Hôm sau lên huyện đường hỏi tội Thái Chi giam vào ngục. Từ đó lên huyện đường coi việc rất chăm chỉ.
Thái Chi ở trong ngục, đút tiền cho quan coi ngục, thoát ra được. Y mua đám giang hồ hảo hán, đang đêm đột nhập vào huyện đường, chiếm lấy huyện, lại bỏ vào nhà Pháp Thăng bạc vàng, vu cho ăn của đút. Thái Chi vốn có tay chân ở huyện, lại nắm lấy quyền, một mặt tâu lên vua, tâu cho Pháp Thăng thiếu năng lực, không liêm khiết. Đức vua cũng nghe theo, giáng chức Pháp Thăng cho làm huấn học, còn để Thái Chi làm tri huyện.
Từ đó Pháp Thăng lại dưới quyền của Thái Chi.
Pháp Thăng mở trường học ở huyện. Học trò đến rất đông. Chợt nhớ đến người tình cũ ngày xưa, đêm lại đốt trầm, bày hoa quả có ý ngóng chờ. Lòng dạ bồn chồn, Pháp Thăng cất tiếng ngâm một bài thơ:
Hoa chẳng là hoa. Sương chẳng sương!
Nửa đêm em đến. Sáng lên đường
Đến không hình bóng, ai nào biết,
Đi tựa mây trời mấy vấn vương.
Thăng đọc thơ xong thì có tiếng cười trong trẻo và người tình xưa đẩy cửa bước vào.
Nàng vẫn linh hoạt như xưa. Thăng cảm động quá ôm chầm lấy nàng hỏi:
- Em làm ta thương nhớ đến muốn chết! Bấy lâu nay, em đi đâu vậy?
- Chàng có việc chàng, em có việc em, hỏi mà làm gì? Nghe nói chàng nhớ đến chức trách, nắm quyền hành, ra uy vũ… nhưng cuối cùng cũng không trị được kẻ lộng hành phải không?
Pháp Thăng cười nói:
- Làm quan, quên mình làm quan, cũng có cái vui. Đến lúc nhớ mình đang làm quan, thấy kẻ trí trá liền trị nó, không ngờ, nó nhờ trí trá mà thắng được mình. Nhưng, mình thẳng ngay, trời không bỏ, vua không bỏ, được làm cái việc đúng như sở nguyện, há chẳng vui sao! Nhưng thôi, sao dạo này, em không đến, giá có em đến, anh quên làm quan, thì lại vẫn được làm tri huyện.
Nàng cũng cười, đùa lại:
- Anh cũng còn tiếc chức tri huyện ư?
- Trước đây muốn làm gì thì làm, đứng đầu huyện là mình, không ai tra hỏi. Giờ làm quan huấn học, tri huyện gọi là phải vâng, dạ lên hầu rồi!
Nàng bảo:
- Lão Tử nói: Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt. Ngũ âm làm cho người ta ù tai. Ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi; ruổi ngựa săn bắn làm cho người ta mê loạn; vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên được cái chất phác không hơn được cái vui mắt hay sao.
Pháp Thăng nghe nàng nói, càng yêu càng trọng. Từ đêm hôm đó, hai người lại càng quấn quýt không thể nào rời nổi nhau.
Một bữa học trò đến lớp, chờ mãi không thấy thầy, tìm đến thư phòng thấy Pháp Thăng tựa vào án, tay vẫn mở sách… Đến nơi mới biết đã chết tự lúc nào.
Học trò thương tiếc, lấy nhà riêng của ông làm nhà thờ, đưa bài vị cúng lễ… Đêm đêm, thường thấy Pháp Thăng vận áo trắng, chít khăn nhiễu, đón một người từ miếu cổ sang. Trong nhà như phát quang lên một thứ ánh sáng như ánh trăng, và tiếng đọc thơ, tiếng bình sách lại vang lên như khi còn sống…
Học trò trường huyện cho là Thần Miếu trước đây có duyên tiền kiếp với thầy học của mình, liền sửa sang miếu đường, trang hoàng đồ lễ, miếu đường uy nghiêm hơn trước,
Năm ấy, thi hương, trường huyện đỗ năm ông cử và năm sau thi hội làng đón thêm hai ông tiến sĩ vinh qui.
N.V.P