Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tôi ở đây còn Ivan phòng kế bên

Mùa đông năm 2019, dịch bệnh đã tràn vào thành phố. Sau đó không lâu, nó trở thành đại dịch của toàn cầu. Chỗ chúng tôi ở, mọi người đã di cư gần hết, số người còn lại chỉ biết đến sự tồn tại của nhau qua ánh đèn. Những chỗ có ánh sáng, thường có người sinh hoạt. Nhưng đó là dấu hiệu của sự sống chỉ diễn ra vào ban đêm. Nếu ban ngày, ánh đèn vẫn sáng, chúng tôi biết chủ nhân của ngôi nhà đó đã không còn.

Tôi, Minh Vy, 24 tuổi. Tôi làm công nhân ở một xưởng may. Tuy nhiên ngành nghề mà tôi học không liên quan gì đến công việc hiện tại. Tôi học Y, hệ Trung cấp. Rất khó để tìm công việc lâu dài ở cơ sở y tế. Nhiều bạn bè của tôi phải học việc không có lương trong thời gian dài. Nếu làm như thế, tôi không giúp được gia đình. Tôi lên thành phố kiếm sống. Thu nhập của tôi cũng tạm ổn. Chỉ cần siêng năng bạn sẽ được đền đáp. Ngoài những chi phí cá nhân, tôi còn khoản tiền gửi về cho gia đình. Ở quê, tôi còn ba mẹ và em trai. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng trò chuyện cùng nhau bằng messenger.

Phòng kế bên là I Van, anh ta là người nước ngoài. I Van 28 tuổi. Nghe đâu anh ta là khách du lịch. I Van bị mắc kẹt lại đây vì đại dịch. Hộ chiếu của anh ta đã hết hạn nhưng bây giờ đó không phải là điều mà I Van và chính quyền quan tâm. Anh ta ở yên một chỗ, tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch. Vốn tiếng Việt của I Van rất ít, tiền của I Van cũng không còn.

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Chỗ chúng tôi khá yên bình. Tôi và I Van có thể trò chuyện với nhau thông qua bức tường. Nó là khu trọ đã xuống cấp. Tôi nhận ra một điều thú vị, đó là âm thanh tự do. Nó không bị cản ngăn bởi bất cứ thứ gì. Hay nói đúng hơn là nó có thể luồn lách bất cứ nơi đâu để đi ra ngoài. Tôi nghe một vài âm thanh sột soạt, dường như căn phòng kế bên đang dọn dẹp thứ gì đó. I Van hỏi tôi.

Still alive?

Tôi cười hả hê và đáp lại I Van, tôi vẫn sống bình thường. Anh ta cười theo, nghe cô cười là tôi thấy vui rồi. I Van kể một chút về gia đình của mình. Anh ta là con trai thứ hai trong gia đình có ba người con. Trước I Van là anh trai, sau I Van là em gái. Tất cả bọn họ kinh doanh hàng thủy sản đông lạnh còn I Van hoạt động trong ngành du lịch.

- Anh kinh doanh du lịch? Lữ hành, marketing hay lễ tân? Tôi hỏi, anh ta đáp tỉnh bơ.

- Tôi thích đi du lịch!

Chẳng biết thực hư, nhưng cách nói này của I Van khiến tôi suy nghĩ đôi chút. Tôi không đáp lại I Van, tôi chống hai tay vào má của mình. Ở đất nước này chúng tôi vắt kiệt sức mới sống được đấy I Van. Mà nếu có thể, chúng tôi lo cho cộng đồng yếu thế hơn mình. Họ cần được giúp đỡ. Phía bên kia bức tường, I Van bật nhạc. Một bài hát dường như của người dân du mục, giai điệu nghe rất buồn.

- Gì thế I Van?

- Một bài hát của dân tộc tôi, bài ca nghèo đói khi chúng tôi di cư…

- Được rồi, anh tiếp đi.

- Chúng tôi đã tìm thấy đồng lúa mì hoang, chúng tôi đã vượt qua được.

- Anh đói rồi đúng không?

- Sao cô biết?

- Tôi còn đồ ăn đây, mì tôm thượng hạng.

Tôi tìm cách đưa cho I Van một phần hai gói mì tôm còn lại. Đó là thức ăn cuối cùng mà tôi có. Tôi dặn I Van ăn một chút thôi, để dành nó, cả nước uống cũng vậy, phải tích trữ phòng khi có sự cố. I Van không ăn vội, anh ta hỏi tôi.

- Đây là những gì cuối cùng cô có, phải không Vy?

- Đúng rồi I Van.

- Sao cô không để nó cho mình?

- Tôi tin là sẽ có người đến đây đúng lúc chúng ta cần.

- Nhưng nếu họ không đến?

- Dân tộc anh đã gặp cánh đồng lúa mì cơ mà I Van.

- Cô thật tốt Vy, nhưng tôi để nó ở đây.

- Làm gì?

- Kỉ niệm.

- Cái gì? Mì tôm thôi mà.

- Nó là cả một tấm lòng.

- Anh làm tôi cảm động quá.

- Cô sinh ra trong gia đình như thế nào?

- Bố mẹ tôi là nông dân, chúng tôi ở vùng đồi núi, hầu như chúng tôi thiếu lương thực. Cả người và thú cưng đều ăn không đủ no cho đến khi chúng tôi ra thành phố kiếm tiền để mua lương thực thì mọi thứ đã được cải thiện. Trước đây chúng tôi tìm mọi cách để trồng lúa mà không biết được làm có tiền là mua được lúa. Thật khổ như thế đấy.

- Và ai cũng nhường phần ăn của mình cho người khác.

- Người già, em nhỏ… sau đó đến những người khác. Như anh cũng được xếp vào nhóm người già và trẻ nhỏ.

- Tôi không hiểu.

- Anh nghĩ xem, chúng tôi biết ơn người già vì họ đã sinh ra và dạy bảo chúng tôi. Chúng tôi nhường trẻ em vì đó là tương lai của chúng tôi.

- Nhưng còn tôi?

- Anh là người nước ngoài. Anh đã đến đất nước chúng tôi cho thấy rằng anh yêu đất nước này. Và điều đó khiến chúng tôi biết ơn anh, anh là khách ở đây…

- Minh Vy, thật cảm động quá đúng không.

Tôi ngồi dựa lưng vào tường. Cơn đói khiến đôi tay tôi không muốn nhấc lên nữa. I Van vẫn gõ bài ca du mục. Nó khiến tôi càng đói hơn. Không thể cứ ngồi mãi ở đây. Nếu lực lượng cứu hộ không đến kịp thì chúng tôi sẽ chết. Tôi hé cánh cửa nhìn ra bên ngoài. Con đường vắng lạnh, một vài cánh chim chao nghiêng nhìn xuống. Quấn tấm khăn gần như kín mặt, tôi gượng dậy đi xem một số nhà bỏ hoang. Tôi chạm bàn tay vào vài cánh cửa nhưng đã không mở chúng. Tôi có thể tìm được thức ăn ở trong ấy nhưng nếu họ quay về sẽ gặp khó khăn. Đây rồi, căn nhà cuối phố có biển cát tông dòng chữ “nhà còn ít đồ dùng phía phòng khách….” Tôi đẩy cửa vào. I Van ư, sao ở căn nhà này lại có ảnh của I Van? Chỉ đủ để thắc mắc thế, không hơn. Tôi lấy một vài thứ, trên đường trở về phòng trọ, I Van đã đứng chờ tôi.

- Tôi nghĩ, mình không nên ở trong đó nữa…

- Anh ổn chứ?

- Tôi sẽ đi.

- Vì sao?

- Tôi đã nghe cơn sốt, tôi phải tìm một nơi nào đó để trú chân tạm thời, tôi không muốn thứ quái quỷ này sẽ sang người cô.

- I Van, bình tĩnh nào. Anh theo tôi về nhà, hãy nghe lời tôi, chúng ta sẽ tìm thấy đồng lúa mì, anh hiểu không?

- Vy, đây là cái chết chứ không phải đói.

- Cái chết cũng như đói thôi, cha tôi bảo, đói cũng là căn bệnh. Nếu không có ăn cũng chết, bị bệnh không chữa trị cũng chết. Đi nào, hãy chữa cái đói trước.

Tôi bón một vài thứ ăn được cho I Van. Nước mắt anh ta chảy xuống má. Lúc này trông I Van như một đứa trẻ. Tôi thích cảm xúc này ở đàn ông. Trong những lúc như thế, nước mắt đáng tin cậy. Tôi định hỏi I Van, về một số chuyện, kể cả bức ảnh I Van được treo trên tường ngôi nhà đã để lại một ít thực phẩm cho chúng tôi. Nhưng lúc này, chuyện đó chẳng phù hợp. Tôi phải chuẩn bị một số thứ để giúp I Van và cả mình trong trường hợp nguy cấp.

Một vài thông tin chia sẻ trên internet khá hữu dụng, tôi áp dụng nó cho I Van. Nhờ đó tôi đã cắt được cơn ho cho I Van và giúp anh ta dần hồi phục trở lại. Chúng tôi đã được chia sẻ thức ăn từ một vài người đưa tới. Không thể hình dung họ như thế nào, chỉ có thể nhìn vào lòng tốt của nhau. Đó là động lực giúp chúng tôi bám trụ trong mùa dịch. Chúng tôi cũng giúp đỡ được vài người xung quanh khi chúng tôi tìm được họ. I Van thận trọng.

- Vy, tôi như thế liệu đã khỏi bệnh chưa?

- Tôi không biết, nó chưa từng xuất hiện trong giáo trình ngành y.

- Vì sao cô không bị lây nhiễm?

- Tôi không biết, có thể đã có nhưng chúng ta chưa nhận thấy. Cũng có thể là chưa, cũng có thể là không…

- Được rồi, tôi muốn mình an toàn đã mới giúp được người khác, nếu không mình sẽ làm điều không tốt cho họ.

Chúng tôi đi vài nơi trong khu vực bị phong tỏa. Điều này vi phạm với quy tắc. Nhưng chúng tôi không thể ngồi yên khi có người cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Không thể bỏ mặc nhau trong khốn khó, nhất là giữa ranh giới sống chết. Chúng tôi trở lại ngôi nhà có treo tấm ảnh I Van. Thật kì lạ, bức ảnh không còn ở đó nữa. Một phụ nữ đang trong tình trạng rất yếu. I Van khẩn khoản.

- Nghe tôi này, Still alive?

- I Van, chị ta đang ốm.

- Tôi hiểu rồi. Chúng ta phải làm gì, Minh Vy?

- Hôm anh trong tình trạng như thế, chúng ta đã làm gì?

- Tôi hiểu rồi.

Tôi cho người phụ nữ uống một vài thứ thuốc. I Van đi ra vườn, thật may mắn, trong khu vườn nhỏ có trồng một ít thảo dược. Chúng tôi đun lên bếp, cho người phụ nữ uống một ít nước ấm và xông hơi.

- I Van, anh ra ngoài đi, tôi cần thay đồ cho chị ấy .

- Mình cô liệu có ổn không?

- Có gì tôi sẽ gọi.

I Van kéo tấm màn lại. Anh ta cẩn trọng đứng gần để hỗ trợ tôi. Still alive? I Van thi thoảng lại hỏi. Tôi đáp, sống bình thường rồi. Anh ta gõ lên tường bài ca du mục.

Truyền hình thông tin, có chính sách cho người về quê, kể cả người nước ngoài. Tôi nói với I Van. Đây là cơ hội hiếm có, anh về đi… I Van nhún vai nhìn tôi.

-  Ở đâu có tình yêu thì có sự sống, có quê hương.

- Anh không về sao?

- Cô về không? Về quê, nó rất gần, tôi ở xa quá, tôi muốn ở lại đây. Đằng nào mọi thứ cũng giống nhau, em gái tôi đã thông tin cho tôi biết, ở chỗ họ cũng như nơi chúng ta ở. Hãy để thời gian giúp đỡ mọi người và tiết kiệm mọi thứ…

- Được rồi I Van, tôi hiểu.

Gia đình tôi báo tin, chỉ vài ngày sau số điện thoại thường trực gọi cho tôi. Họ thông báo về thời gian và địa điểm xe đón tôi về quê. Tôi đùa với I Van.

- Hai ngày nữa tôi về, I Van…

- Vy cho tôi đi cùng, được không.

- Đây là phương tiện hỗ trợ, mọi người được đưa về theo danh sách đăng kí trước.

- Tôi hiểu rồi, nếu có cơ hội chúng ta gặp nhau.

- Ở đâu?

- Đồng lúa mì.

Tôi cười một hồi sảng khoái. Still alive? I Van cũng cười. Still alive! Tôi nói với I Van là tôi không về nữa, tôi ở lại thành phố. Và tôi tin, chúng tôi sẽ tìm thấy đồng lúa mì trong bài hát của I Van.

Cha tôi điện thoại, kế đến là mẹ tôi và em trai. Tôi biết việc quyết định ở lại thành phố lúc này làm gia đình lo lắng. Rất nhiều người khăn gói về quê. Tôi chọn ở lại thành phố. Những khu cách ly tập trung là nguồn lây lan dịch bệnh, nó khiến nhiều người lo lắng, dè chừng. Trước sự ứng phó với sự việc mới, con người cần phải có thời gian.

Những ngày giam mình ở trong phòng khiến tôi hiểu ra rằng đó không phải là hành động tốt. Chúng tôi có thể bị chết đói nếu không ai phát hiện được chúng tôi. Mọi việc đã quá tải, có nơi đã buông tay. Chúng tôi đã cẩn trọng hơn trong việc giúp đỡ người khác, đồng thời chúng tôi có kinh nghiệm hơn. Điều ấy đồng nghĩa với nhiều người được giúp đỡ.

I Van có sức khỏe, nhanh nhẹn và nhiệt tình. Việc làm của anh khiến tôi cảm phục. Có hôm ngồi cạnh nhau, tôi hỏi I Van học ngành gì? I Van bảo, tôi không được học hành tử tế. Cái ghế nhà trường mất rất nhiều thời gian của một con người. I Van bảo rằng: chỉ một số người mới cần học tập suốt đời, số còn lại chỉ học những thứ mà anh ta sẽ làm. Anh ta chứng minh cho tôi điều vừa nói.

- Cô thấy không, qua chuyện này, tôi học cô và giờ đã trở thành một y tá, trong vòng hai tuần lễ…

- Và y tá I Van chỉ chữa mỗi dịch bệnh.

- Đó chẳng phải là mơ ước của nhân loại bây giờ sao?

Tôi cười, I Van có lý. Hôm chủ nhật chúng tôi trở lại thăm nom một số người. Họ đã dần bình phục. Và trong số họ có người đã hỗ trợ được cho người bên cạnh mình. Thì ra thành phố yên ắng chỉ bởi không ai ra ngoài. Có lúc tôi nghĩ, chỉ có tôi ở đây và I Van ở phòng bên cạnh. Cảm giác đó khá tệ, khi một trong hai chúng tôi biến mất. Giờ đây nó ra khỏi đầu tôi. Và chúng tôi, rất nhiều người ở thành phố này quen với câu nói của I Van – vẫn sống bình thường chứ “Still alive?”. Người đàn bà ở ngôi nhà mà chúng tôi đến ở cuối dãy phố đã treo tấm ảnh ở chỗ cũ. Lần này thì I Van nhìn bức ảnh trên tường, anh ta liếm môi, mắt đá về phía tôi nhưng vẫn không nói gì. Tôi nhìn anh ta khiêu khích.

- Nào I Van, nó được treo trước khi anh tự phong là một y tá.

- À điều này…

- Không sao cả, nếu nó là bí mật của anh.

- Chẳng phải là bí mật gì đâu, tôi làm việc ở một lĩnh vực ít người biết đến, nhất là ở các quốc gia những vấn đề xã hội đang phát triển.

- Vấn đề xã hội.

- Đúng thế, tôi có một vài hoạt động xã hội.

Chỉ thế, I Van ra phía vườn. Người đàn bà mỉm cười khi nhìn về phía tôi.

- Cô quen được anh ta, đó là một vinh hạnh. Người đàn bà nói.

- Vinh hạnh ư?

- Anh ta là một trong những người nổi tiếng của phong trào chống phân biệt chủng tộc, chống sự kì thị của cộng đồng đối với bệnh nhân AIDS và bất bình đẳng về giới…

- Sao cô biết được những thứ đó?

- Nghề của tôi mà.

Sau lần ấy, tôi vẫn không có khái niệm mới gì về I Van. Thực ra I Van trong tôi như thế là đã hay ho rồi. Và chính tôi, cũng có sự kiêu hãnh về mình. Trong cuộc sống, không ai là bé nhỏ, cũng chẳng có người lớn lao. Mỗi người cống hiến theo cách của mình. Và khoảng thời gian vừa qua, chúng tôi ngang bằng nhau. I Van hay nhìn tôi rồi cười tủm tỉm, điều này khiến tôi tò mò.

- Anh định ở lại đây đến bao lâu.

- Tôi sẽ tìm cách để gia hạn hộ chiếu.

- Cũng có thời gian mà.

- Rồi lại gia hạn. Như vừa rồi.

- Như vừa rồi. Anh đã gia hạn...

- Tôi đã gia hạn trước cuộc sống. Đáng lúc ấy, tôi sẽ chết vì dịch bệnh. Nhưng tôi đã gặp cô và tôi đã được giúp đỡ. Có đúng không, cô đã đóng dấu để cho tôi tiếp tục sống…

- Đây. - I Van tiếp lời. Anh lấy từ túi mình một phần hai gói mì tôm tôi đưa cho anh từ rất lâu.  - Vy, mì tôm này, với tôi nó rất đặc biệt.

- Ôi I Van, anh vẫn cất giữ nó ư?

- Thú thật, trong lúc đó tôi nghĩ, mình sẽ chết. Và có lúc tôi nghĩ nếu chết thì tôi sẽ nắm chặt trong tay kỉ vật này. Nó là thức ăn của một cô gái Việt Nam, một công nhân làm nghề may mặc, nó là sự sống của cô ấy. Cô ta đã cho tôi sự sống của mình… tôi không thể ăn sự sống của cô ấy, có chết thì tôi cũng giữ kỉ vật này, tôi sẽ giữ sự sống của cô…

Tôi nhận thấy I Van mím môi thật chặt, lần này anh còn khóc nữa. I Van ôm ghì lấy tôi và hát bài hát của dân tộc mình, về những người di cư đi tìm sự sống… 

H.H.L

Hoàng Hải Lâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 329

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground