Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tối thứ tư - Chiều tím

…D

ạo ấy, Đông Hà là một cái lồng sắt lớn vừa nghĩa đen, vừa nghĩa bóng - chính xác lời của tên trung tá Văn vừa đổi đến.

- Các cậu làm ăn không ra làm sao cả, tôi mà về đây, kể cả chim Việt cộng cũng đố vào lọt.

Cái khó là không phải là lưới sắt, lồng sắt Đông Hà, mà cái cần bàn của tổ trinh sát là sự có mặt của tên trung tá Văn.

Lý lịch tội ác của Văn phải dày đến hai tập sách mấy trăm trang, sách khổ 13x19. Tập thứ nhất thuộc về cha hắn có thể mỏng hơn - vì du kích đã tiêu diệt thời kỳ chống Pháp rồi. Còn hắn - cái vòng “trang sức bằng tai người” dài đến sãi tay thỉnh thoảng được hắn khoanh lên cổ để xuất hiện trong một vài buổi hiểu thị dân chúng “không được liên lạc với Việt cộng” là bằng chứng cụ thể nhất.

- Thưa quý vị đồng bào - “mỉa mai thay” - mỗi tên Việt cộng tôi chỉ cần “giữ làm kỷ niệm” một cái tai thôi. Là Văn, mà tôi phải chuyên việc võ đấy! Dân Đông Hà còn kể lại hắn có một hũ rượu ngâm thuốc bắc với tai người nữa. Bạn thân hắn đến, hắn mời:

- Nào “bồ đào nhĩ tửu”… Bổ hơn nhân sâm… thời đại bây giờ phải có đôi tai tốt để nghe. Nghe thế giới, nghe trong nước và nghe xung quanh mình. Bây giờ tôi có thể nghe được những ngọn lá rất nhỏ rụng ở ngoài vườn. Và hắn nhai những tai người rau ráu như nhai sụn, vừa uống rượu ừng ực. Hắn dạy cho cả vợ hắn.

- Em biết Đông Hà nằm trên đường Chín. Nó là cái yết hầu, giống cái yết hầu của anh đây. Hồi hiệp ước Giơ-ne-vơ, thằng Pháp ngu định giữ ở trong cái vĩ tuyến mười sáu Đà Nẵng kia đấy. May có người Mỹ họ khôn bảo cho mới có con đường Chín này đó. Cho nên thượng cấp không chọn ai ra đây ngoài anh được. Em cũng cần biết nghe ngóng, ngoài cái việc làm ăn! Phải cắt cụt hết cả cánh những con chim Việt cộng!

Vì thế, những con chim Việt cộng phải bay vào. Trong những con chim đó, có Minh.

…Minh quay lại theo tiếng gọi khẽ tên mình. Cô gái đang đi với một tên cảnh sát nguỵ. Cô ta bỏ tên cảnh sát, và đi về phía Minh.

-  Quán Ngang nghe.

-  Dạ

Chiếc hon da lao đi trong lời giới thiệu của cô gái:

-  Em là Hà.

Vẫn cô gái này thường đi xe Minh khoảng một tuần nay. Tự buổi đầu, cô ta có vẻ như chọn người. Có phải Minh trông bộ đẹp trai, có duyên và lịch sự chăng! Và gần như là thường lệ, đúng giờ, cô ta đến, tay xách chiếc giỏ nhẹ nhàng và chỉ nói địa điểm đến. Rồi khi xe dừng, rút tiền trả rất nhã nhặn. Nhưng lần này xe vừa nổ máy cô bỗng tự giới thiệu một cách thân mật. Có thể là người Minh đang tìm. Nhưng anh vẫn chưa phân định được cô gái này vào loại người làm nghề gì hay ở nơi nào. Cũng không hẳn là nông thôn, nhưng lại càng không phải là dân thành phố. Ừ thì Đông Hà chỉ là một thị trấn nhỏ, nhưng dù thị trấn hay gì ở miền Nam này đều có cái vẻ diêm dúa hợm hĩnh của lối sống Mỹ phủ lên. Chính Minh khi vào đến trong cái cũi sắt Đông Hà này thôi, cũng đã phải bọc một lớp vỏ ngoại lai rồi. Cũng cách chào mời cung kính đầu lưỡi để đón khách, nhưng có thể văng ra hàng tràng tục tũi nếu người khách kia mặc cả hạ giá xuống. Những lúc ghếch chân nằm đợi trên chiếc hon da cũng phải biết ê a vài đoạn nhạc vàng ngọt lịm, thế mới là giọng nói và cách sống “bụi đời”.

Minh nghĩ chắc cô gái ngồi sau lưng mình cũng thế. Cũng môi son nhẹ, vòng mắt vòng mi giả với bút chì xanh lạnh, nhìn gần gợi cảm giác sờ sợ ma quái. Gần đến Quán Ngang. Cô gái bấm vào bụng Minh trong tư thế “xe ôm”:

-  Rẽ trái.

Xe chạy một thôi nữa thì vào làng và dừng trong một ngõ vắng.

-  Đây là nhà o em. Dượng ấy đạp xích lô, o em đi chợ Đông Hà trưa mới về. Anh bây giờ đã nhớ ra em chưa? Phý Mỹ mà!

Câu nói như đẩy Minh phải ngước đầu lên nhìn Hà. Quê Minh cũng ở Phú Mỹ. Gia đình Minh không còn ai trước khi Minh vào trong này. Riêng gì Minh, bao nhiêu người ở Phú Mỹ đều có cái tang chung vào một ngày bom đạn Mỹ dội xuống. Nhưng Hà là ai, con ai ở cái làng Phú Mỹ kín tre, kín mít? Nhớ ngày hè, đi giữa vườn lạo xạo lá khô, nghe mùi mít chín vây bọc thỉnh thoảng lấy tay phả phả vào mũi để tìm hướng những quả chín thơm. Rồi cuối cùng lại vác cây sào đập lên những quả tròn lẫn trong cây. Có khi vừa đụng đến, quả đã rơi đánh bộp trước mặt, giật thót cả người.

Bỗng…

-  Bỏ làng mà đi có khác, chẳng còn nhớ “eng tam” chi hết! Minh cứ thừ người trong lời trách móc lạ lùng mà thân mật ấy. Như một tia chớp loé lên, Minh hỏi:

- Sao hả!

-  Tưởng là sợ em đòi ăn mít! May mà không đánh nhau rồi mới nhận họ. Nhưng bây giờ cứ gọi em là Hà.

Đúng là con Sáo con bác Thương rồi! Con Sáo loắt choắt gầy gầy đi giữa vườn mít đầy lá rụng cứ đòi ăn mít chín. Lúc chán lại ăn “dái mít” xanh chấm muối, thái lát đặt vào những mo đài mít màu vàng, nho nhỏ vừa rụng của những quả non. Thỉng thoảng bắt Minh chằm mũ bằng lá xanh bóng loáng đội lên đầu để tự xưng là “công chúa con vua Thuỷ Tề”.

Câu chuyện của “công chúa con vua Thuỷ Tề” bấy giờ thì dài dòng. Đôi lúc cái xúc động tràn lấn vào Minh. Hà rung rung đôi vai, nhìn ra ngõ ra vườn bà o. Ở đây những cây mít lá bóng loáng um tùm một màu xanh dày đặc. Vài ngọn lá rụng khô khan. Không khí yên tĩnh tưởng chừng như đang sống trong một vùng đất thanh bình. Đôi mắt nhìn xa mà như dừng lại, chớp chớp những suy nghĩ ngổn ngang. Bất chợt Hà nhìn vào Minh soi mói:

-  Bây giờ anh vào đây làm gì?

Hà nhấn mạnh ở chữ “vào”

- Sao lại vào. Anh ở đây lâu rồi. Em không thấy anh đi thồ đấy à?

- Đúng, phải thế chứ, và anhcó “đi thồ” thì mới “thồ” được em về đây. Anh chưa nói thật vì thấy em đi với cảnh sát chứ gì. Nếu em muốn bắt anh, thì em đã bắt anh rồi. Em hiện nay cũng giống anh đi thồ ấy thôi. Vậy em phải nói cho anh rõ về tên cảnh sát ấy, chẳng phải “bồ bịch” gì đâu. Bồ của em người Phú Mỹ kia Hà ngừng lại và cười.

- Hắn là Nam. Hắn không muốn ra trận, nên đi cảnh sát cho khỏi chết, Gia đình hắn cũng giống gia đình em ở Phú Mỹ. Nghĩa là hắn không có gia đình nữa. Những con người như thế, dễ đi vào sự phiêu lưu, liều lĩnh lắm. Em đã gặp hắn và chắc anh cũng cần hắn. Hắn hậu cần cho một tên trung tá - tên Văn ấy. Minh bật đôi mắt to lên, nhưng không dám ngẩng đầu như lần trước để nhìn Hà, Minh ngồi nghe nhiều hơn là trả lời. Đây là một bài toán. Nhiều bài toán có những con số cụ thể và phép giải đã rõ ràng. Nhưng cũng có những bài toán đầy ẩn số tưởng chừng như vô lý, phải giải nhiều giả thiết. Với Minh bây giờ, những cơ sở sẽ là những chứng minh cuối cùng.

- Hôm nay chắc anh không đòi tiền xe em đâu. Vậy anh đi trước, o em sắp về. Anh gặp em ở Chiều Tím, quán cà phê, tám giờ tối, ngày do anh định. Anh có thể gặp cả Nam tại đấy.

- Được, anh sẽ gặp Nam sau… tối thứ tư -  Chiều Tím.

***

Bài toán của Hà ra cho Minh đã có đáp số từ cơ sở. Và thầy giáo đã công nhận đáp số đúng. Minh gọi an ninh huyện là thầy giáo của cơ sở và của tổ trinh sát Minh. Thượng sĩ cảnh sát Nam được xem là một hạt nhân tốt cần thu một số tin quan trọng qua Nam để xem mầm khoẻ hay yếu. Cái nghề trinh sát là thế. Cái gì cũng phải qua thử thách, vì mọi kế hoạch tấn công địch được trinh sát nắm trước đầy đủ tình hình là xem như đã thành công một nửa.

Thượng sĩ Nam bỗng trở thành “người nhà” của “bà trung tá” Văn. - Đấy, con Phi nô bây giờ cũng đã thành bạn của cậu rồi!

- Dạ…Phi nô… ê… ngoan của chú Nam nào!

Con Phi nô ngoan thật. Béc Giê chính cống. Như chỉ thiếu có nói nữa là y như người. Thượng sĩ Nam đã quan tâm đến mức bảo nằm là nằm, đi là đi… chả là bữa nào đến hầu trung tá, cũng có đường cho Phi nô. Cũng không trách bà trung tá bảo là bạn của thượng sĩ Nam.

Cũng vì thế, mà Nam phải đến luôn. Bà trung tá Văn hay hể hả:

Tôi có tính thật thà mà hay thương người, thế nào rồi tôi cũng bảo ông trung tá thăng cho cậu vài bậc. Ông ấy mà không ký, tôi đến nhiệm sở ông tôi bảo là được. Cả nhiệm sở đối với tôi đều nể. Tháng nào họ chả vay tiền của tôi, đâm ra ông trung tá nhà tôi cứ phải nhận thay lương của họ. Lãi có được bao nhiêu đâu, khổ!

Làm quen với chó Phi-nô còn khó hơn cả làm quen với bà trung tá. Nhưng bây giờ thì Phi-nô không những vẫy đuôi mừng rỡ với Nam mà còn được thượng sĩ dẫn đi tắm, đi chợ theo lời “nhờ” của vợ Văn. Có chủ nhật Nam phải bỏ cả cuộc nhậu để đến giúp bà trung tá rào lại mấy cái lối đi quanh vườn. Rồi cái tin cậu cả con ông trung tá Văn bị thương đã làm cho bà buồn, mà đến Nam cũng buồn. Ông như nóng tính hơn. Bà thì bảo:

- Dạo này ông phải vào nhà thương luôn, nên cậu hãy năng lại đây cho tôi khuây khoả.

- Dạ, lệnh của bà cũng như là lệnh ông, con xin hết lòng.

Minh rất tin về công việc tiến hành. Và Minh trở thành khách hàng quen của hiệu cà phê Chiều Tím. Cứ đúng giờ là hai cốc cà phê đã bày ra góc bàn gần như cố định. Thỉnh thoảng có một thượng sĩ cảnh sát đến uống cà phê chung bàn do Minh gọi thêm. Có một cọn chó béc giê nằm ở chân. Minh và cô gái - chính là Hà cũng rất nhã nhặn với con chó của người thượng sĩ. Uống cà phê hút thuốc lá -  những người “sống mới” bao giờ cũng phải sành. Thường vào khoảng đầu buổi uống, thì thượng sĩ Nam và Hà đều hút thuốc của mình. Nhưng trước lúc ra về, bao giờ Nam cũng lịch sự lấy bao thuốc ở túi ngực được cài cẩn thận, rút chìa ra một điếu mời Minh. Minh cũng như sẵn sàng đón nhận cử chỉ ấy.

Cảm ơn!

Và đúng là đều đều như thế. Điếu thuốc ấy Minh không hút chỉ cầm tay và khi ra đường là nằm vào túi để về nhà được bóc ra, nắm lại những tin tức của Nam.

          ***

Phải diệt sớm tên trung tá Văn. Đó là mệnh lệnh của cấp trên. Minh xem đó là mệnh lệnh của nhân dân. Không phải vì chức vụ của hắn, mà chính là vì nghề nghiệp cộng với bản chất của hắn. Những điều độc ác hắn làm chỉ là việc của một con chó dữ. Nhưng những suy nghĩ của hắn để phá hoại phong trào cách mạng đã thể hiện lên bằng hành động buộc các chiến sĩ trinh sát phải khổ công.

Không phải là hắn không bị chết hụt. Mèo già hoá cáo, hắn càng biết lợi dụng những dịp xổng tay thần chết để huênh hoang thêm lên.

- Có phải dễ chết đâu! Làm sao Việt cộng có thể “trên tài” Văn này được. Một vài tên tay sai xu phụ.

- Dạ trung tá “cao số” lắm mà!

Dĩ nhiên sự đề phòng của hắn càng cẩn thận hơn. Có lần về nhà riêng, không thấy con chó Phi-nô hắn ra lệnh từ nay chỉ có hắn mới được quyền mang chó đi thôi, mặc dù Nam đã thưa là bà “dạy mang Phi-nô đi tắm”.

- Trừ khi tôi cần, còn Phi-nô phải luôn luôn ở nhà. Tắm cũng ở nhà.

Đúng là hắn đánh hơi không kém Phi-nô.

Hắn biết “Việt cộng” thường kỷ niệm những ngày lễ bằng chiến công của mình. Cho nên trước và sau ngày lễ hắn chú ý rất nhiều các hoạt động đối địch: một ít truyền đơn rải ở dọc đường, một ít khẩu hiệu, một tờ cảnh cáo chính quyền Sài Gòn thậm chí dán ở bót cảnh sát.

Hắn không tin một ai hết. Hắn dự định sẽ đánh những đòn bất ngờ. Tự nhiên, hắn có thể nhìn thẳng vào mặt một tên tay chân của hắn mà bảo:

- Mày muốn theo Việt cộng à?

Rồi hắn đợi tên tay sai run lập cập van xin, hắn sẽ thong thả như an ủi:

- Tao thử tinh thần mày đó!

Rồi một hôm, có tin trung tá Văn bị du kích biệt động bắt đưa ra Bắc, trong những ngày đó, cảnh sát đi lại nườm nượp ngoài phố, ngoài chợ, la cà vào các hàng quán mớm lời:

- Trung tá Văn thế là đáng đời!

Dân thị xã tha hồ mà bàn tán. Nhưng chính nhờ thế Văn đã tóm được hàng loạt người ngồi lê la nói về chuyện hắn. Hắn hy vọng trong những mẻ lưới ấy, ít ra cũng tóm được vài ba tên Việt cộng gốc hoặc ngọn.

Những tin tức của thượng sĩ Nam trong điếu thuốc lá mời Minh ở quán cà phê Chiều Tím quyết định tổ trinh sát của mình phải hành động gấp.

Cái đêm thời cơ quyết định ấy lại do chính bà trung tá Văn quyết định. Từ chiều, bà hết đi vào lại đi ra, bà giận dỗi và muốn chửi rủa, bà không thể hiền lành được.

Cậu Nam, cậu phải lôi cái ông Văn về đây cho tôi. Tóc đã sắp trắng trên đầu, mà còn theo những con đĩ. Nam không hiểu. Nhưng bà giải thích:

- Trong ví ông ấy làm sao lại có ảnh một đứa con gái cầu bơ cầu bất được. Tôi không thể chịu nổi nữa rồi! Vào tay bà, bà sẽ xé xác cho mà biết! Nam chỉ biết vâng dạ tự đánh dấu hỏi về chiếc ảnh bí mật nào đó. Và nội dung bức thư ghi trong điếu thuốc lá trao cho Minh ở quán Chiều Tím, Nam báo tin chính xác rằng ông trung tá sẽ ở nhà đêm nay.

***

Sông Hiếu im lìm. Cả những tiếng súng thường xuyên nổ, đêm nay cũng không nổ. Chỉ còn tiếng nhạc rầm rít phía Đông Hà là vẫn ở trong nhịp điệu cuồng loạn. Đêm khuya dần. Như đôi mắt ngái ngủ, những ngọn đèn dần dần cũng cụp mi xuống.

Nhưng một cuộc sống khác đã bùng lên một nơi khác. Đó là một ngôi nhà ở một xóm vắng nơi Hà đã dẫn Minh đến. Hà cứ giục bà o, ông dượng đi ngủ trước.

- Các anh chị về sớm mà ăn chè!

Và những bóng người đi trong bóng đêm. Cũng không biết họ mang theo những gì. Chỉ biết sau hơn nửa tiếng đồng hồ, giữa đêm âm thầm, sông Hiếu có những bóng rều trôi lững lờ xuôi về phía Đông Hà như có chủ định.

Chiếc ca nô tuần tiễu từ ngã ba Dã Độ xuỳnh xuỵch ngược lên phía sông Hiếu đã đến lượt thứ mấy, ánh đèn pha quét ra mặt nước, nhưng lúc này cũng không chú ý lắm về rác rưởi trôi trên sông, mới hôm trước mưa lớn ở rừng mà!

Khi chiếc ca nô quay hướng lần nữa về Cửa Việt, thì đoàn của Minh cũng từ ba đống rác bước vội lên bờ, đến một nơi hẹn, họ đều trở thành ba tên lính rằn ri nguỵ, đợi giờ G để đi về nhà tên Văn trung tá.

Nhưng cũng trong những giây phút hồi hộp đó, một việc khác đã xảy ra bất thần tại nơi Hà đang có mặt. Những chiếc xe đỗ ở đường Một và một trung đội lính bảo an bình định do Văn trực tiếp chỉ huy đã ập vào giữa lúc Hà đang múc chè ra bát bày trên mâm.

- Việt cộng chắc là thèm chè lắm hử? Mày biết tao là ai không? Xem thử mày có đủ hay thừa tai hử con kia! Chiếc ảnh người con gái trong ví hắn được đưa ra trước mặt Hà. Bà o của Hà đã nhổm dậy từ nãy và đang lúng túng trong khi Hà đứng im.

- Dạ mai đi chợ Đông Hà sớm…

- Cho Việt cộng ăn trước, rồi còn đi chợ cũng đủ.

Một cái hất hàm một tên lính bước tới chìa cái vòng thép sáng loáng trước mặt Hà.

- Mời theo lệnh trung tá!

Một cái hất hàm thứ hai về phía bà o và ông dượng của Hà. Lần nầy thì lệnh từ mồm Văn:

- Mai lên trình diện. Đúng bảy giờ.

Hà hoàn toàn như một người bước hẫng chân, mắt Hà hoa lên, chỉ thấy lố nhố vô số người. Hà như muốn tìm Minh, tìm Nam để báo cho các anh ấy những điều đang xảy ra tại đây, chưa đầy nửa tiếng mới đây vừa là sự thân mật, vừa là sự ấm cúng mà bây giờ đã là tan nát, là chia tay. Những con mắt bà o, ông dượng, đều là những hố sâu thẳm thoát ra lời dặn dò nào đó.

Chúng đến và chúng đi lặng lẽ. Không một tiếng súng. Đôi tay trong còng sắt, Hà bước đi, thỉnh thoảng như mất thăng bằng. Cái ước muốn của Hà trên đoạn đường này là những tiếng nổ.

Tên Văn ra lệnh.

- Cho lên xe thứ hai, tao sẽ tự tay bắt nó khai ra hang ổ.

Đoàn xe phóng đi.

Chiếc xe thứ hai là chính xe Văn đang đi.

Hà bặm môi lại với ý nghĩ là kế hoạch của Minh hỏng mất. Chỉ riêng chiếc xe của Văn là rẽ về nhà riêng của hắn.

Hình như trung tá Văn cũng biết đến giờ G và đúng lúc Nam đứng trước Văn vừa bước xuống xe ở sân nhà lặng lẽ của hắn với câu nói vắn tắt:

- Thưa trung tá, có điện khẩn.

Một tay Văn vừa định đặt vào bao súng và “tao đang đợi mày” thì cùng lúc những mũi súng của Minh và đồng đội, cả Nam nữa ghì chặt Văn vào cái thế đứng hoàn toàn bất động.

Minh đã dùng cái miếng võ đặc công của mình quật tay Văn lại và trói ghì vào phía cửa sổ? Hắn như cũng biết điều, nên cũng im như thóc.

Nam lúc này đã ra lệnh cho vợ Văn.

- Bà trung tá mở nhạc lên!

Vợ của Văn chỉ biết ngơ ngác từ lúc vào ra và đứng trơ, đảo mắt bên này bên kia và cũng kịp kêu lên hai tiếng “cậu Nam” nên cũng không thi hành được cái lệnh mở nhạc. Và Nam đã làm thay tất cả.

Tiếng súng giảm thanh nổ nhẹ vào ngực Văn. Hắn cố sức quẫy trong dây trói, để rồi vẹo đầu lại rũ xuống.

- Phi-nô.

Nam cầm một cục đường lấy ở túi quần dúi vào mõm Phi-nô và mũi súng cũng đưa luôn vào mõm nó.

Tiếng nhạc vẫn rộn rã.

Anh Minh, Nam…

Có tiếng con gái ở trong xe. Minh bước lại. Hà chồm lên, hai tay lúng túng trong chiếc còng; Nam cũng đã đến và quay lại rút ở túi áo Văn chiếc chìa khoá nhỏ mở còng trong tay Hà.

- Còng con vợ lại!

Bà trung tá hình như cũng đã ngất xỉu nằm gục lên con Phi-nô đã không còn thở nữa. Nam làm theo lời Minh. Và Minh từ từ rút ở trong áo ra một tờ giấy gấp tư, lật ra vuốt thẳng lại, và cài vào ngực Văn. Trên mảnh giấy có dòng chữ “Lệnh của Mặt trận dân tộc giải phóng - Xử tử tên Văn trung tá, tay sai Mỹ phá hoại cách mạng”.

Chiếc xe zíp mở sẵn cửa, Nam ngồi lại. Minh ngồi phía sau Hà từ nãy không phải xuống xe.

Và bây giờ chiếc xe do Nam lái phóng rất nhanh trên đường Chín, rồi một khối lửa lớn bùng lên chiếc xe, khi Minh, Nam, Hà đã vứt xe lại.

Cũng hay đấy, thằng Văn đi đón Hà hộ cho anh!

T.H

 

 

Tấn Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 166 tháng 07/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground