Hôm nay tôi có việc bận nên đến muộn. Chỗ tôi thường ngồi đã bị một khách đến trước chiếm mất. Chủ quán người gốc Hà Giang biết rõ thói quen của tôi sẽ không ngồi bất kỳ chỗ nào khác nhưng cũng không thể đuổi vị khách qua đường kia được, vả lại anh ta dường như đang miệt mài làm thứ gì đó, ba lô để ở ghế đối diện còn đựng đầy những miếng gỗ sứt sẹo. Chủ quán vội vàng thương lượng sắp xếp cho tôi một góc nhỏ phía ngoài cạnh gốc hoa nhài, nghĩa là tôi và vị khách nọ chỉ cách nhau một vách tường cũ.
Nhài là loài hoa tôi yêu mến nhất. Sư thầy Tuyên Giác dạy tôi cách hái hoa nhài vào đầu mùa thu rồi đem hong dưới ánh trăng, thời điểm thích hợp nhất là buổi chiều tối lúc các cánh hoa ngậm hương, rồi đợi khi nào khô cất kín vào trong vò, sau này đem pha trà. Trà hoa nhài thơm mát, vị dìu dịu. Tôi hỏi sư thầy Tuyên Giác bí quyết ướp trà hoa nhài được truyền từ ai. Thầy bảo, đó chỉ là một loại tâm cảnh, không hề có một bí quyết nào, cốt cách của mỗi người tạo ra sự phong nhã.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, trà là một mối duyên sâu đậm. Được sư thầy Tuyên Giác nhặt về nuôi dưỡng, tôi vốn từ nhỏ đã được ăn cơm Phật, uống nước chùa, ngày ngày nghe kinh. Sư thầy nghiêm khắc với các đệ tử nhưng lại chiều chuộng tôi, không hẳn vì tôi là nữ nhi mà vì thầy bảo “cuộc đời con chỉ tạm tá túc ở đây thôi, bản tính con ưa sự tự do, sứ mệnh của con không định ở nơi này”. Tôi thực sự không hiểu lắm ý của sư thầy Tuyên Giác, chỉ biết ngày ngày ngoan ngoãn học hành, nghe lỏm các sư huynh đọc kinh.
.jpg)
Bình yên - Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Qúy
Sư thầy Tuyên Giác dạy tôi pha trà và dần dần việc pha trà trong thư phòng giao lại cho tôi. Tôi cũng dần biết phân biệt được mùi vị các loại trà, nhận biết xuất xứ và hương vị của các loài hoa ướp trong trà. Nước trà thuần tịnh, vị trà thơm mát giúp người tu hành tẩy sạch muộn phiền thế tục, gột rửa tâm tình. Trà trong chén cũng nghe kinh, cũng dần có linh tính, có thiền ý cho nên uống trà có thể thanh tẩy tinh thần.
Bạn trai mới chuyển đến lớp tôi đầu năm là người khá nhút nhát. Thành tích học tập cậu ấy không tệ nhưng cậu rất ít nói, không muốn giao tiếp với ai. Hễ ai chạm vào người là cậu ấy hồi hộp, toát mồ hôi. Về sau, một lần đi ngang qua phòng làm việc của thầy giáo chủ nhiệm vô tình nghe được câu chuyện của thầy và bố của bạn ấy tôi mới hay cậu ta mất mẹ từ sớm và rơi vào tình trạng trầm cảm một thời gian dài. Thầy chủ nhiệm hỏi trong số chúng tôi ai muốn ngồi cùng Hải Nam. Tất cả lặng im. Em, thưa thầy! Giọng tôi dõng dạc cùng cánh tay đưa lên.
Hải Nam hiểu bài rất nhanh nhưng không bao giờ xung phong phát biểu. Mỗi lần cậu ấy đứng lên trả bài tôi đều lấy ngón tay cái ra hiệu “cậu làm được” và sau đó ra hiệu hai ngón tay cái “cậu làm rất tốt”. Hải Nam có vẻ vui khi tôi làm như vậy.
Thời gian thấm thoắt trôi, chúng tôi phải thi tốt nghiệp. Trước ngày thi Hải Nam tặng tôi một món quà. Đó là bức chạm khắc bằng gỗ, hình một chú rùa, chim hạc và bông hoa nhài. Trong túi đựng bút của tôi luôn có một bông hoa nhài khô, có lẽ vì vậy mà nó được nhắc đến trong bức tranh gỗ này. Còn rùa và hạc là gì? Mãi sau này tôi tìm đọc rất nhiều mới lờ mờ hiểu ra. Rùa và chim hạc là tượng trưng cho tình bạn trong sáng, sự hào hiệp, tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Chim hạc biểu tượng cho một người quân tử, thanh cao, cánh chim dang rộng nghĩa là người có khí phách, sẵn sàng che chở người khác.
Sau khi thi tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, Hải Nam đã được bố đưa ra nước ngoài, thi đậu vào một trường kiến trúc lớn ở Singapore, nơi bố cậu ấy đang làm việc. Những người bạn trong lớp tôi đều đi thi một chuyên ngành họ thích hoặc bố mẹ họ thích, còn tôi chỉ biết pha trà. Sư thầy Tuyên Giác lắc đầu, con không thuộc về nơi này không thể ở mãi đây được. Tôi ngơ ngác nhìn thầy, con lớn lên ở đây, bên cạnh không có một người thân nào ngoài thầy, ngày ngày ăn cơm chùa, nghe rất nhiều kinh, giờ thầy lại bảo con không thuộc về nơi này? Đêm trước tỉnh dậy ta thấy con ngồi ngắm trăng, nghe tiếng đàn của ai bên kia vọng về. Nhiều đêm con ngủ quên ngoài chõng tre, tay còn ôm khư khư tấm gỗ chạm khắc đó, tâm con không yên, chắc chắn đôi chân con cũng rất ngứa ngáy. Con xin lỗi sư thầy, con không dám nữa! Con không cần phải xin lỗi, nhân duyên đưa con đến đây hẳn là trong con đã định sẵn có phật tánh, nhưng con phải đi tìm số phận của con. Vạn vật hữu tình, dù sống ở đâu chỉ cần dùng tâm thế bình lặng mà đối đãi, thân ở thế tục nhưng vẫn thanh đạm tự chế.
Nghe sư thầy Tuyên Giác dạy xong tôi như nuốt được một cái bã trà mắc ở thực quản bấy lâu nay, nhẹ nhõm phần nào. Tôi tự an ủi mình và xách hành lý từ biệt sư thầy Tuyên Giác và mọi người trong chùa, tạm biệt những gốc hoa nhài ngày ngày chính tay tôi cần mẩn bắt sâu, tưới tắm. Ba năm sinh viên va chạm đủ loại người, có người tốt có kẻ xấu, có quân tử cũng có tiểu nhân, có người giúp đỡ song cũng có kẻ tranh giành, không hề thanh tịnh, đẹp đẽ như những tháng ngày ở trong chùa.
Bức rùa, hạc và hoa nhài tôi vẫn luôn mang theo. Đôi khi còn mang ra ngắm hàng giờ bên tách trà. Có đôi lúc tôi tự hỏi, mình ra đi vì lời thầy Tuyên Giác hay vì muốn kiếm tìm điều gì?
Trước khi đi nhận công việc, tôi về thăm lại sư thầy và mọi người trong chùa. Mọi cảnh vật không đổi thay, có đôi chút khang trang hơn nhưng vẫn giữ nét cổ kính, thanh tịnh, nguyên bản của nó. Cây sala trong sân chùa nở hoa đỏ thắm. Hoa sala là loài hoa vô ưu. Cũng có niềm tin rằng hoa sala là biểu tượng của tình yêu, chạm vào sẽ sớm tìm được một nửa thật sự của mình.
*
Người khách ngồi ở bàn ấy dường như vẫn chưa có ý định rời bước. Tôi không thích ngồi gần bể cá. Sự xao động của đàn cá quẫy đuôi đạp nước xen lẫn tiếng nói chuyện của những người xung quanh khiến tôi không chuyên tâm đọc sách. Tôi đứng dậy ra về.
Hôm sau tôi đến sớm, dĩ nhiên là đến ngồi vào chiếc bàn ấy. Chủ quán đích thân bê ra một ấm trà shan tuyết ướp hoa nhài thay cho lời tạ lỗi. Người khách hôm qua thật kỳ lạ - chủ quán ngồi xuống trước mặt tôi - cả một buổi ngồi uống trà anh ta chỉ chuyên tâm làm một việc đó là vẽ bức tranh này rồi kỷ niệm lại cho quán. Ông chủ đưa bức tranh ra cho tôi xem. Một chú rùa, một con chim hạc và bông hoa nhài. Tôi giật mình nhìn quanh, như một phản xạ kiếm tìm. Cô tìm gì thế? À, không. Đáng ra câu đó tôi tự hỏi mình mới đúng chứ. Tôi tìm gì nhỉ? Chính tôi cũng không trả lời được. Nhưng sực nhớ, bức gỗ chạm khắc Hải Nam từng tặng cho tôi đã để quên ở thư phòng của sư thầy Tuyên Giác lần trước khi tôi lấy ra hỏi thầy về ý nghĩa của rùa và hạc trong đó. Tôi cũng muốn trở về thăm chùa và mang tấm gỗ ấy đi nhưng công việc gấp gáp khiến tôi quên mất.
Lần nào đến quán trà này tôi cũng nhìn lên bức tranh ấy, được ông chủ treo ngay chỗ chiếc bàn tôi hay ngồi. Phải chăng là sự trùng hợp, hay đấy chính là Hải Nam. Nếu là cậu ấy thì có lẽ nhành hoa nhài vắt bên cửa sổ là nguồn cảm hứng và chúng tôi lại một lần nữa lạc nhau.
Tôi bắt xe trở lại chùa gặp sư thầy Tuyên Giác xin lại bức tranh. Sư thầy Tuyên Giác kể rằng, tháng trước có một chàng trai trẻ đến đây thỉnh lộc đầu năm, rất mến mộ vẻ đẹp thanh tĩnh của chùa nên muốn được vẽ tặng chùa một bức tranh. Ta đã mời chàng trai ấy vào thư phòng thưởng trà, khi nhìn thấy bức chạm khắc rùa, hạc và hoa nhài anh ta đã rất sửng sốt rồi cuống quýt hỏi ta chủ nhân bức chạm khắc này giờ ở đâu.
Trở lại Giang Trà Quán, tôi không quên dặn ông chủ nếu chủ nhân bức tranh kia có quay lại thì hỏi liệu anh ta có muốn kiếm người. Quả thật hai tuần sau chúng tôi gặp lại nhau. Cảm giác vui mừng khi nghe cuộc gọi kiếm người từ ông chủ quán thật khó diễn tả nhưng khi bước đến cổng, nhìn từ phía sau lưng người ngồi ở bàn trà ấy, đôi chân tôi ngập ngừng không dám đối diện. Hải Nam sau khi tốt nghiệp một trường danh tiếng trở về liệu có còn coi trọng người bạn thanh đạm như tôi không?
Quế Thu! Tiếng gọi lập tức chặn tôi lại ngay tại lối ra. Hải Nam chào tôi bằng một nụ cười hiền lành, thanh mát. Tại sao lại nhận ra mình từ đằng sau qua nhiều năm như vậy? Là vì người cậu luôn toát ra một hương thơm không lẫn vào đâu được, như chính cái tên của cậu. Hải Nam chưa bao giờ nói dối nên tôi tạm tin, dù rằng mùi hoa nhài khô có thơm đến mấy cũng không thể nào ướp được da thịt tôi thơm như trà. Hải Nam nhìn một lượt từ đầu đến chân như thể kiểm tra thân hình tôi có nguyên vẹn, sức khỏe tôi có sứt mẻ gì không. Thì ra cậu ấy đã biết thể hiện sự quan tâm lo lắng với người khác.
Tôi quyết định bỏ việc, về huyện mở một quán trà, nơi tôi có một góc nhỏ bình yên, tĩnh lặng, được sống một cuộc sống thanh đạm của riêng mình, không phải tranh đấu, luồn cúi một ai, chỉ cần vài bước ngắn đã chạm được vào những điều yêu thương mà chốn xô bồ không bao giờ có được. Suy nghĩ này tôi vốn ấp ủ từ lâu nhưng chưa có khả năng và có lẽ cũng đang vướng mắc, loay hoay. Hải Nam không ngạc nhiên với quyết định của tôi, trái lại còn đồng tình. Hải Nam nhận được rất nhiều hợp đồng lớn nhưng anh vẫn dành riêng cho tôi một hợp đồng thiết kế mà chi phí là “một ấm trà ướp hoa nhài không bao giờ vơi”.
Quán trà mà Hải Nam thiết kế cho tôi không quá tốn kém, nhưng độc đáo. Vài chiếc bàn gỗ, vài chiếc ghế tre, cửa sổ cũng bằng tre, vài ấm trà đất nung. Hải Nam lo thiết kế và thi công. Còn tôi lo sưu tầm ấm trà, lựa trà và luộc ấm trà. Uống trà nào thì luộc ấm trà đó. Tôi luộc ấm bằng trà đinh, trà shan tuyết, trà phổ nhĩ và trà bó hoang dã, toàn những thứ trà tôi yêu thích. Mỗi loại trà có một hương vị riêng, màu sắc và câu chuyện riêng của nó. Người đến uống trà, vì thế, cũng dần trở thành khách quen, ghiền trà và ghiền cả không gian tĩnh mặc của An Lạc Trà chúng tôi. Một số họ say sưa nghe chủ quán huyên thuyên về trà. Một số người dần có thói quen ngắm nước trà, ngửi hương trà, nếm vị trà và xem lá trà.
Mỗi ngày một chút, khách lại thêm hứng thú muốn quay lại. Hải Nam mang rất nhiều đồ thủ công mĩ nghệ mà anh ấy làm suốt những năm tháng học đại học đặt trong tủ trưng bày ở trà quán. Riêng bức rùa, hạc và hoa nhài thì Hải Nam chỉ cho phép tôi đặt ở thư phòng. Thư phòng cũng có bàn trà, trên bàn có bình hoa sen hoặc hoa cúc cắm theo mùa. Hải Nam đi công tác nước ngoài mua tặng tôi một chiếc ấm tử sa màu nâu. Có lẽ Hải Nam đọc được suy nghĩ của tôi, mong ước có một chiếc ấm tử sa chính tay nghệ nhân nặn ra. Chiếc ấm này tôi luộc cùng trà ướp hoa nhài. Thứ đất sét mịn đặt biệt của vùng đất Nghi Hưng được tôi luyện trong nước sôi, từng lớp đất được ướp bởi vị ngọt chát của trà, hương thơm mát của hoa để cho ra những chén trà thơm ngon không dễ hòa lẫn. Vị ngon của trà còn phụ thuộc vào tâm thế người uống trà. Từ khi có An Lạc Trà, tôi thấy tâm trạng mình luôn vui vẻ, dẫu bận rộn vẫn cảm thấy nhàn nhã. Tâm an vui thì ấm trà ắt sẽ thấy ngon hơn.
Đêm hôm đó tôi thức trọn đêm, sáng sớm mới chợp mắt một chút thì mặt trời đã trà qua cửa sổ và những con chim ríu rít đu hót trên cành. Tôi ra sân quét dọn lá khô rồi ngã lưng ở chiếc ghế mây bên gốc hoa nhài, đắp hai túi trà mỏng lên mắt trị thâm. Có tiếng bước chân rất nhẹ, tôi vẫn đoán được đó là Hải Nam. Qua những kẽ li ti giữa các lá trà tôi vẫn mờ mờ trông thấy Hải Nam ngồi rón rén xuống bàn trà phía trước. Thật ái ngại, tôi vào trong, đến chỗ Hải Nam đang pha trà cho khách. Thì ra kỹ thuật pha trà của anh không tệ, tôi vừa khích lệ vừa giúp tưới nước sôi lên bên ngoài ấm trà. Yêu trà, yêu người ắt sẽ pha được trà ngon, nói rồi Hải Nam bê trà ra mời khách.
Ban đầu tôi cứ nghĩ việc buôn bán sẽ rất ảm đạm, chủ yếu chỉ để thỏa mãn niềm mong ước của tôi. Nhưng cái hồn mà Hải Nam giúp tôi thổi vào đây, sự dung dị của chính những điều đang hiện diện nơi này, với phẩm trà lôi cuốn đã khiến nơi đây không hề tẻ nhạt. Những lối nhỏ bắt đầu lấm tấm hoa nhài xen lẫn những khóm trúc nhỏ, màu xanh tĩnh mịch, mát lạnh từ nước chảy, tán cây, lối đi bằng đá… Khách quen hay khách qua đường đến đây để rũ bỏ những bụi bặm trên đường đời họ đi, khóa lại tất cả những phù hoa, sân si ở bên ngoài cánh cổng, chỉ để tìm sự an lạc, thanh đạm trong một chén trà thuần khiết, an tĩnh. Nếu gặp lúc tâm bất an hay chán nản trong cuộc đời thì nhất định nơi nhàn tĩnh này sẽ sẵn lòng thu nhận bạn.
Một bức tranh chì vẽ vội đã treo ở thư phòng từ lúc nào. Không phải là tôi đang ngồi tựa ghế mây đắp túi trà mà là chim hạc trắng đứng vươn mình ngậm cành hoa nhài cũng trắng muốt, dưới chân hạc là chú rùa vững chãi ngẩng cao đầu nhìn về phía hạc. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa trong nhiều ngôi chùa, miếu tôi đã từng trông thấy, người ta gọi đó là biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm dương. Rùa là quy, ý nghĩa quay về. Hạc lại tượng trưng cho sự thanh cao, thuần khiết. Hoa nhài chính là ánh trăng trong khu vườn nhỏ, như quán trà chúng tôi.
Ngô Diệu Hằng